Scandanavia hay còn được gọi là khu vực Bắc Âu, vùng đất Âu Châu được biết đến về phía cực Bắc của trái đất bao gồm các nước Finland (Phần Lan), Sweden (Thụy Ðiển), Norway (Na Uy), Denmark (Ðan Mạch), và cuối cùng là hải đảo Iceland – một đất nước khác trong Scandanavia mà ít người để ý đến. Có lẽ một trong những lý do khiến mọi người ít chú ý vì Iceland là một hải đảo tách rời và nằm ở khoảng cách khá xa phần đất lục địa gồm bốn xứ bên trên. Nếu bạn chưa có dịp đến Iceland có nghĩa bạn chưa du ngoạn hết các thắng cảnh nổi tiếng của “thế giới Scandanavia.”
Ngày trước, cái thuở biết đọc tiểu thuyết kiếm hiệp, tôi đã từng “mê mệt” với ông Kim Dung qua Võ Lâm Ngũ Bá, Thần Ðiêu Ðại Hiệp, rồi đến Ỷ Thiên Ðồ Long Ký. Mỗi tác phẩm của Kim Dung đều xuất hiện những nhân vật hết sức đặc thù khiến người đọc dễ bị lôi cuốn theo từng cá tính của các nhân vật trong truyện. Ngoài ra, các địa danh trong các tác phẩm, phần lớn đều có thật nhưng được Kim Dung mường tượng cho vào phần hư cấu của tiểu thuyết để làm tăng thêm sự hấp dẫn.
Nói về địa danh trong tiểu thuyết của Kim Dung, người đọc thường biết đến các hải đảo nổi tiếng như Ðào Hoa Ðảo của nhân vật Ðông Tà Hoàng Dược Sư trong Võ Lâm Ngũ Bá. Còn trong Ỷ Thiên Ðồ Long Ký thì Băng Ðảo được Kim Dung dành cho ba nhân vật là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố (là bố mẹ của Trương Vô Kỵ).
Sau khi Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn đoạt được thanh Ðồ Long Ðao, ông đã giết hại tất cả quần hùng võ lâm nhằm để giữ kín bí mật về chuyện ông đã chiếm đoạt được thanh đao này. Tuy nhiên, ông bị buộc phải tha chết cho hai người, đó là Trương Thúy Sơn (đệ tử phái Võ Ðang, chính giáo) và Ân Tố Tố (con gái của giáo chủ Thiên Ưng giáo được cho là tà giáo). Lý do là vì ông bị thua Trương Thúy Sơn khi tỉ thí về môn thư pháp chạm khắc vào núi. Mặc dù thua cuộc nhưng Tạ Tốn vẫn buộc hai người phải đi theo ông. Kim Mao Sư Vương muốn tìm một nơi vắng vẻ để suy gẫm về bí mật của thanh Ðồ Long Ðao. Họ dùng thuyền nhắm ra biển, nhưng không ngờ họ gặp bão tố và bị trôi giạt theo những tảng băng sơn đến một hải đảo lạnh giá phía Bắc Cực. Ðây là một hải đảo có rất nhiều băng tảng to lớn đóng trên đỉnh các núi lửa và có đất đai phì nhiêu. Ðó chính là Băng Ðảo nổi tiếng trong câu chuyện Ỷ Thiên Ðồ Long.
Băng Ðảo, phải chăng chính là Iceland của Scandanavia ngày nay mà Kim Dung miêu tả trong tiểu thuyết của ông? Iceland cũng là một hải đảo phía Bắc Cực mà có những tảng băng vô cùng to lớn bao phủ trên miệng các núi lửa đang ngủ yên. Tôi chọn Iceland làm một chuyến du ngoạn, một phần cũng chỉ vì thích thú câu chuyện “Kim Mao Sư Vương, Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố.”*
Nhưng Iceland không phải là một hòn đảo băng sơn nhỏ như Kim Dung kể, mà là một hải đảo tương đối khá lớn với có diện tích hơn một trăm ngàn cây số vuông. Ðảo có hình dáng giống như một con gà nằm cuộn tròn và đầu gà nhìn về hướng lục địa băng giá Greenland. Ðịa lý Iceland được xem như là một hải đảo trôi nổi nằm riêng biệt về phía Bắc Cực, giữa hai bắc-vĩ-tuyến 63-68. Phía Bắc của Iceland nằm sát ngay đường vòng-vĩ-tuyến Arctic Circle, phía trên của đường ranh giới này được gọi là Bắc Cực. Nói đến Atctic Circle tôi chợt nhớ đến quê hương của Santa Claus (ông già Noel của tuổi thơ) nằm ở vùng cực Bắc Lapland của đất nước Finland. Tuy nhiên, xứ sở của ông già Noel nằm mãi phía trên đường vòng Arctic Circle và lạnh hơn Iceland nhiều.
Về địa chất, hải đảo Iceland được hình thành từ các băng sơn và núi lửa nằm chồng chất lên nhau khác hẳn với phần lục địa Scandanavia. Phần đất gần nhất Iceland là vùng đất lạnh giá Greenland của Denmark, cách hải đảo này chỉ khoảng ba trăm cây số về phía Tây Bắc, nhưng Iceland lại cách xa phần đất Scandanavia cả ngàn cây số về phía Ðông.
Iceland cũng không phải là một hoang đảo như Băng Ðảo trong Ỷ Thiên Ðồ Long không có người ở, hiện nay Iceland có đến hơn 340,000 cư dân sinh sống. Reykjavik là thành phố lớn nhất và cũng là thủ đô của Iceland nằm về phía Tây Nam của đảo. Hơn 2/3 dân số tập trung về thành phố thủ đô sinh sống. Phi trường quốc tế có tên là Keflavik Intrenational Airport, cách xa thủ đô hơn 40km. Ðiểm đầu tiên mà du khách nhận thấy trên đường từ airport về Reykjavik là hai bên đường highway chỉ có biển và không gian của nó là những dãy đồi nham thạch kéo dài thành một bình nguyên thoáng rộng. Ðây là những tảng nham thạch đã được phun trào ra từ các ngọn núi lửa vào những thế kỷ trước. Xa xa là những ngọn núi nhỏ nhô cao lên giữa “bình nguyên nham thạch.” Bạn không nhận thấy sự hiện diện của bất cứ loại cây cối nào trong suốt một đoạn đường dài tạo ra một quang cảnh khác hẳn nhiều nơi trên thế giới. Mùa Ðông tuyết phủ trắng xóa cả núi lẫn bình nguyên. Gọi Iceland là sự kết nối của Băng Sơn và Hỏa Sơn hay nói tóm tắt lại là Băng Hỏa Sơn cũng không phải là điều ngoa.
Như đã nói ở trên, về mặt địa chất, Iceland được hình thành từ các tảng băng sơn to lớn trên các vùng cao (đến nỗi người ta còn gọi là sông băng), bên dưới lòng đất hay ven biển có những ngọn núi lửa đang ngủ yên và chúng có thể thức giấc bất cứ lúc nào. Nguồn địa nhiệt dưới lòng đất tạo cho hải đảo những nguồn suối nước nóng, những geysirs phun nước nóng, và các thác nước nổi tiếng thế giới. Iceland tự hào với hồ nước nóng Blue Lagoon. Ðây là một địa danh nổi tiếng nằm ngay khoảng giữa Airport và thủ đô Reykjavik. Ðến Iceland mà bạn chưa đến tắm Hotspring & Spa ở Blue Lagoon là bạn chưa biết gì về Băng Hỏa Ðảo này.
Iceland cho du khách có dịp “thưởng thức trọn vẹn” cảm giác của mình trước các thắng cảnh thiên nhiên. Nếu bạn là những người thích mạo hiểm trên các tảng băng sơn (glaciers), thích thú với các thắng cảnh thiên nhiên như hiện tượng cực quang ban đêm (Northern Light), thưởng ngoạn cảnh biển cát đen Black Sand Beach, hay ngâm người dưới làn suối nước nóng trong lúc tuyết rơi thì tất cả các điều này bạn có thể thể nghiệm được ở Iceland. Lúc này bạn mới cảm nhận được rằng tên “Băng Hỏa Ðảo” hình như bao trọn ý nghĩa hơn là cái tên Băng Ðảo (Iceland).
Những tưởng ở nơi hải đảo xa xôi đó không có người Việt, vậy mà ở Băng Hỏa Ðảo cũng có người Việt Nam sinh sống! Tôi đã gặp những người Việt Nam sinh sống trên đảo, họ yêu thích đời sống bình yên của Iceland. Người Việt chỉ có khoảng 1,000 người sinh sống ở đây và có hai quán ăn của người Việt tại Reykjavik. Bạn thèm Phở thì cũng có Phở, nhưng nếu bạn hỏi tôi Phở có ngon không, thì câu trả lời của tôi chỉ là một nụ cười! Nếu bạn chưa ăn Phở ở Quận Cam, chưa ăn phở ở Quận 13 Paris, chưa ăn phở xứ Úc, chưa ăn phở “chửi” Hà Nội thì chắc Phở Reykjavik cũng sẽ rất ngon! Chỉ có điều giá sinh hoạt của tất cả các xứ Scandanavia đều khá đắt đỏ, các chuyến tour “optional” cũng không rẻ chút nào và đòi hỏi du khách cần có sức khỏe để “chinh phục” thiên nhiên. Nhiều du khách sau khi biết giá cả một tô phở rồi… thì tự nhiên họ hết thèm phở. Thế mới biết nhiều khi “tâm lý tiền bạc” của con người kiểm soát được cả sự thèm muốn của mình.
Phải chăng du lịch cũng là một hành trình đi tìm lại một mơ ước của ngày xưa vẫn còn băn khoăn đâu đó trong một góc tối trí óc của mình. Một cốt truyện như Ỷ Thiên Ðồ Long chỉ mang tính hư cấu nhưng cũng để con người tưởng tượng ra một câu chuyện hư hư thực thực của đời sống. Từ đó con người xây cho mình một tòa tháp riêng biệt trong trí nhớ của mình, đem nó vào niềm mơ ước đời sống và tìm cách biến nó thành hiện thực. Băng Hỏa Ðảo-Iceland cho tôi nhớ về một thời học trò đã qua là vậy.
Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel