Thứ Bảy, 11 Tháng Chín, 2021

Bức “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh” của Raphael

Bức “The Marriage of the Virgin” (Tạm dịch: Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh) là một tác phẩm của danh họa Phục Hưng Raphael (1483 – 1520), được hoàn thành vào năm 1504 dành cho nhà thờ San Francesco, Città di Castello, Ý, và hiện đang được lưu giữ tại nhà trưng bày Pinacoteca di Brera nổi tiếng của nước Ý.

Bức “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh” của Raphael - 1
Bức “The Marriage of the Virgin” (Tạm dịch: Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh), 1504, danh họa Raphael. (Tranh qua Wikipedia)


Bức tranh sơn dầu này là một minh chứng cho sự trưởng thành và tự tin của Raphael. Theo đó, vào những năm đầu của thế kỷ 15, khách hàng tại Città di Castello đã gửi thư tới thầy giáo của Raphael là Pietro Perugino, ủy thác cho ông thực hiện 3 bức họa. Tuy nhiên, do Perugino vắng mặt, Raphael đã hoàn thành cả 3 tác phẩm này, và “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh” là bức họa cuối cùng trong số đó.
 

Tâm điểm của bức tranh là một giáo sĩ chủ hôn, đang cầm tay Đức mẹ đồng trinh Mary và Thánh Joseph. Thánh Joseph đang chuẩn bị đeo nhẫn vào ngón tay của Đức mẹ. Đức mẹ Mary mặc trên người chiếc áo đỏ, quấn áo choàng xanh, tóc được giữ bằng voan mỏng. Thánh Joseph thì quấn áo choàng vàng, để râu quai nón, trong khi những người đàn ông khác trong tranh, ngoại trừ chủ hôn, đều không làm vậy. Điều này có hàm ý rằng Thánh Joseph sẽ trở thành cha nuôi của một người đặc biệt, chính là Chúa Jesus.

Bức “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh” của Raphael - 2

Mặc dù địa vị của Thánh Joseph là một vấn đề gây tranh cãi trong bản thân Kitô giáo, vì ông không được đề cập tới nhiều trong Kinh Thánh, và mỗi kinh sách lại có một lý giải khác nhau. Nhưng trong Phúc âm Matthew có đề cập tới việc Thánh Joseph tuân theo chỉ dẫn của một Thiên thần, và cưới Đức mẹ Mary làm vợ. Tất nhiên, đây là một cuộc hôn nhân đặc biệt, vì Đức mẹ Mary đồng trinh mà thụ thai Chúa Jesus, và bà đã đồng trinh cho tới trọn đời. Cả hai người đều có quầng sáng trên đầu, tượng trưng cho địa vị cao quý của họ.

Bức “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh” của Raphael - 3

Ở phía bên trái của Đức mẹ là những người phụ nữ có ánh mắt dịu dàng, với tranh phục khá lộng lẫy, và có vẻ như là thân nhân của Đức mẹ.

Bức “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh” của Raphael - 4

Ở phái bên phải của Thánh Joseph là một nhóm đàn ông, hầu hết đều có vẻ mặt chán nản thất vọng. Một người còn hậm hực dùng đầu gối bẻ gãy cây đũa của mình.

Bức “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh” của Raphael - 5

Duy chỉ có cây đũa của Thánh Joseph là nở hoa.

Bức “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh” của Raphael - 6

Phía sau hôn lễ, một quảng trường rộng lớn lát đá cẩm thạch, trải dài tới các bậc thang, rồi đến một ngôi đền lớn. Nếu tinh ý, chúng ta có thể thấy rằng ngôi đền này có 16 cạnh. Sự chi tiết của ngôi đền cho thấy rằng ở thời điểm này, chàng trai trẻ Raphael đã rất hứng thú với kiến trúc.

Bức “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh” của Raphael - 7

 

Bức “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh” của Raphael - 8
Raphael ký tên.


Điểm đặc biệt của kỹ thuật vẽ tranh là ở chỗ, thay vì sử dụng một điểm “ảo” (điểm phối cảnh hay điểm biến mất, nơi các đường song song có vẻ như gặp nhau trên một bức họa) nằm tại phía xa tới vô cùng, khiến tầm mắt bị hút vào nó; thì Raphael lại sử dụng một điểm “thật”, là trung tâm của ngôi đền, nằm ở sau cánh cửa ngôi đền, khiến cho không gian của toàn bộ bức tranh có vẻ như mở rộng ra từ nó.

Bức “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh” của Raphael - 9


Đào Nguyên

 

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art