“Tri thức sẽ luôn luôn cai trị sự ngu dốt và một dân tộc muốn tự cai trị mình phải vũ trang cho mình sức mạnh mà tri thức đem lại”, Tổng thống Hoa Kỳ James Madison (1751-1863)
|
Đế chế Ba Tư của triều đại Achaemenid được Cyrus Đại đế thành lập vào khoảng năm 550 trước Công nguyên. Đế chế này đã để lại di sản dài lâu cho sự phát triển sau này của các nền văn minh thế giới và là đế chế đầu tiên đặt nền móng cho các đế chế sau này trong lịch sử cổ đại.
Đế chế Ba Tư thứ nhất nói trên tồn tại vào một thời điểm độc nhất vô nhị trong lịch sử, khi phần lớn thế giới văn minh có người sinh sống đều tập trung ở Trung Đông hoặc gần Trung Đông. Kết quả là, Đế chế Ba Tư khi thống trị hầu hết Trung Đông thời điểm đó thì cũng đồng thời cai trị một tỷ lệ dân số thế giới lớn hơn bất cứ đế chế nào khác trong lịch sử cổ đại. Cụ thể, vào năm 480 trước Công nguyên, đế chế này có dân số xấp xỉ 49,4 triệu người, bằng 44% dân số toàn thế giới lúc đó.
Điều tạo nên sự thành công của đế chế này không chỉ bằng khát vọng chinh phục và sức mạnh của quân sự mà đế chế Ba Tư thứ nhất đã tạo dựng nên một nền văn minh tiến bộ bằng tinh thần học hỏi và hơn hết là sáng tạo không ngừng từ nhiều nền văn minh khác. Họ đã tiếp thu, hoàn chỉnh thành cái riêng của dân tộc mình và đã đặt ra các chuẩn mực cho các đế chế sau này.
Di sản của Đế chế Ba Tư thứ nhất để lại cho thế giới bao gồm việc sử dụng một mạng lưới đường bộ, hệ thống bưu chính, một ngôn ngữ hành chính thống nhất (tiếng Aramaic dùng trong toàn đế chế), chế độ tự trị dành cho các dân tộc thiểu số và một chế độ quan liêu. Tôn giáo Ba Tư – Bái Hỏa giáo – có ảnh hưởng đến sự phát triển của các khái niệm chính yếu như tự do ý chí, thiên đường và địa ngục trong các tôn giáo Abraham cho tới đạo Do Thái.
Năm 500 trước Công Nguyên, Darius Đại đế đã khởi động một mạng lưới đường sá rộng lớn cho Ba Tư, gồm cả con Đường Hoàng gia nổi tiếng và là một những tuyến đường cao tốc tốt nhất thời kỳ ấy. Con đường vẫn được sử dụng sau thời La Mã.
Đặc biệt, Ba Tư thứ nhất là một điểm quan trọng trên "Con đường tơ lụa huyền thoại" nối liền giữa Châu Á và Châu Âu. Con đường tơ lụa được coi là một hệ thống những con đường thương mại lớn nhất thế giới thời cổ đại, là cầu nối giữa hai nền văn minh Đông và Tây. Con đường tơ lụa bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Con đường cũng đi đến cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Nó có chiều dài khoảng 7.000km. Nhờ có con đường tơ lụa, những vùng đất, nền văn hóa mới được tìm ra và là động lực cho sự phát triển của cả châu Á, châu Âu trên nhiều lĩnh vực.
Có những bằng chứng đáng tin cậy chỉ ra rằng hệ thống bưu chính đầu tiên trên thế giới bắt nguồn từ dưới triều đại vua Achaemenid, Cyrus Đại đế. Những tay đua ngựa và các toa ngựa kéo mang theo các bưu kiện bao gồm hầu hết các công văn của chính phủ, được luân chuyển từ nơi này sang nơi khác. Dịch vụ này sử dụng hệ thống sứ giả được gọi là Chapaar bằng tiếng Ba Tư. Các sứ giả cưỡi ngựa và mang theo thư. Các trạm chuyển tiếp ở gần nhau để một con ngựa có thể chạy mà không nghỉ ngơi hoặc cho ăn. Các trạm chuyển tiếp này là bưu điện hoặc là các ngôi nhà được gọi là Chapaar-Khaneh ở Ba Tư. Các sứ giả dừng lại ở đây để chuyển các gói thư của họ cho một sứ giả khác hoặc để họ đổi một chú ngựa khác cho hành trình tiếp theo của mình.
Trụ Cyrus (Cyrus Cylinder) được cho là hiến chương đầu tiên về nhân quyền trên thế giới, được viết bằng ngôn ngữ Akkad và được vua Cyrus Đại đế ban hành vào năm 539 TCN. Nội dung của trụ Cyrus là Hoàng đế luôn tôn trọng các vị Thần trong tín ngưỡng của Babylon, giải phóng người dân ngoại lai khỏi ách nô lệ, bình đẳng về tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa giữa các chủng tộc… Luật pháp trị vì muôn dân thể hiện tinh thần dân chủ nên Cyrus Đại Đế được coi là một vị vua nhân quyền, được nhân dân quý mến, kính trọng.
Mặc dù tôn giáo Ba Tư đa dạng và người dân được theo các đạo khác nhau, nhưng chủ yếu họ tôn sùng một đạo, giáo chung là Hoá giáo hay Bái hoả giáo. Hỏa giáo do nhà tiên tri Zoroaster sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 7 TCN, là một trong những tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại. Hỏa giáo bao gồm lòng tin của con người vào đấng cứu thế sẽ cứu giúp nhân loại, tự do ý chí của loài người.
Persepolis là kinh đô nghi lễ của Đế chế Ba Tư dưới thời Achaemenes được UNESCO công nhận trở thành di sản thế giới vào năm 1979
|
Văn hóa Ba Tư cổ đại có các tập tục rất nghiêm ngặt, đặc biệt là giới quý tộc. Theo các nhà sử học, những cậu bé tầng lớp quý tộc chỉ được mẹ nuôi dưỡng đến khi đủ 5 tuổi sau đó sẽ trao lại cho cha chúng dạy dỗ. Nam giới được học các kỹ năng thiết yếu như: cưỡi ngựa, bắn cung, cách chiến đấu, đọc và viết. Các chàng trai ở độ tuổi 20 – 24 tuổi sẽ gia nhập quân đội và được nghỉ hưu cho đến khi 50 tuổi.
Đế chế Ba Tư không những được hình thành từ khát vọng chinh phục, tạo dựng nên một nền văn minh tiến bộ mà còn bởi chiến lược đúng đắn cũng như sự đoàn kết toàn dân tộc được dẫn dắt bởi người lãnh đạo kiệt xuất Cyrus Đại Đế hay Cyrus II - vị Hoàng đế khai quốc của Đế chế Ba Tư. Ông đã gắn kết các bộ lạc và cả dân tộc thành một thể thống nhất nhằm đánh bại mọi kẻ thù dựng xây nên Đế chế Ba Tư hùng mạnh trong lịch sử cổ đại.
Sau khi thôn tính được Media, Cyrus lên ngôi vua nước này và trở thành Cyrus Đại đế của Đế chế Ba Tư thứ nhất. Là một vị vua lỗi lạc, ông xây dựng một trong những lực lượng quân đội hùng mạnh nhất trong lịch sử cổ đại thế giới. Ông thực hiện chính sách kết hợp giữa ngoại giao với sức mạnh quân sự để mở rộng bờ cõi, xua đại quân không ngừng chinh phạt và liên tục giành chiến thắng trước những vương quốc giàu có và hùng mạnh như Lydia và Babylon.
Ông đặt được nền móng cho một đế chế Ba Tư rộng lớn, văn minh, hưng thịnh thành niềm tự hào lớn nhất của dân tộc ông. Ông xưng là "Vua của các vị vua" và cho phép một số nước chư hầu tiếp tục giữ vương chế và cai trị theo một phương thức phong kiến rất mềm mỏng.
Công cuộc bành trướng do Cyrus Đại đế đề xướng đã đưa Ba Tư thứ nhất trở thành đế chế rộng lớn nhất trong thời kỳ cổ đại, chỉ sau Đế chế La Mã khổng lồ. Kế thừa và tiếp tục xây dựng một đế chế hùng mạnh như vậy, một vị Hoàng đế kiệt xuất khác của Vương triều Achaemenid là Darius I đã tiến hành những cải cách lớn lao, phát triển đất nước.
Ba Tư vốn hùng mạnh và rộng lớn nên chính quyền của Ba Tư đã thiết lập một hệ thống cai trị từ trung ương đến địa phương, vua sẽ là người đứng đầu, cai trị toàn bộ đế chế với các tỉnh khác nhau. Mỗi tỉnh sẽ được cai trị bởi một vị quan thống lĩnh gọi là Satrap, họ hoạt động dưới quyền nhà vua và được trao quyền tự trị nhất định. Hệ thống chính quyền này do vua Darius I (550-486 TCN) thiết lập để đảm bảo rằng một số khu vực sẽ không phát triển quá mạnh, đứng lên lật đổ hoàng đế.
Vua Cyrus Đại đế đã thiết lập nên hệ thống đánh thuế đầu tiên để duy trì hoạt động của bộ máy cai trị Đế chế Ba Tư. Người dân có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ để thể hiện sự tôn trọng của họ và Hoàng đế. Từ đó, nhà vua sẽ sử dụng sưu thuế thu được để xây dựng các công trình công cộng, đường xá phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của muôn dân. Đánh thuế là một hình thức lạ vào thời điểm đó và chính sách này được thực hiện rất hiệu quả, giúp Cyrus Đại đế cai trị đất nước.
Cyrus cũng được công nhận rộng rãi về những thành tựu về các vấn đề nhân quyền, chính trị, chiến lược quân sự, cũng như ảnh hưởng của ông lên cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Trong thế giới cổ đại, danh tiếng của Cyrus và cả Vương triều Achaemenes vang xa, đến tận thành Athena, tại đây, nhiều người Athena xem những khía cạnh của Văn hóa Ba Tư triều Achaemenes là của văn hóa của chính họ.
Ngoài tài quân sự và sức mạnh của mình, có lẽ điều lớn nhất mà Cyrus Đại đế có được chính là tài thu phục nhân tâm. Điều mà ít có vị Hoàng đế nào có được khi sở hữu sức mạnh tối cao. Ông thu phục lòng người bởi những phẩm chất tốt đẹp của mình, sự lương thiện, trân trọng giá trị của con người giúp ông trở thành vị vua vĩ đại nhất của Ba Tư.
Với Trụ Cyrus và một loạt văn bản của người Do Thái, cộng thêm những bài viết của Xenophon, ông được ca tụng như một người giải phóng hơn là một ông hoàng chinh phạt. Nhà vua được đề cập đến 22 lần trong kinh Cựu Ước, nơi ông được tôn vinh vô điều kiện. Việc đề cập này bắt đầu sau khi ông giải phóng người Do Thái khỏi Babylon và cho hơn 40.000 người Do Thái trở về quê hương.