Vì sao sách bị tịch thu ?
Tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt được in đầu tiên trên Báo Nông cổ mín đàm rải rác thành nhiều kỳ để câu khách. Sau này vì quá hay và báo bán chạy nên tác giả chấp bút tới đời con nàng Hà Hương nhưng rất tiếc phần này vẫn chưa được tìm thấy đầy đủ. PGS-TS Võ Văn Nhơn, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cất công sưu tầm, chỉnh lý và chú thích tác phẩm, cho biết: “Việc Hà Hương phong nguyệt bị dư luận lên án mạnh mẽ bởi diễn ngôn tính dục mới mẻ của tác phẩm. Trong lúc vấn đề tình dục vẫn được xem là một điều cấm kỵ trong văn chương thì tác phẩm lại tả quá nhiều cảnh nhạy cảm. Những đoạn tình tự trai gái giữa Nghĩa Hữu và Hà Hương, giữa anh Bảy Chà và Hà Hương, giữa Ái Nhơn và Bảy Nhỏ... khá táo bạo so với sự đón nhận của độc giả thời đó. Hà Hương mang nhiều tính xấu: đua đòi, cờ bạc, lợi dụng nhan sắc của mình để quyến rũ đàn ông, biểu tượng cho sự cám dỗ của sắc dục này chưa hề có trong văn học truyền thống nên bị đả kích là điều khá dễ hiểu”.
Các trận bút chiến diễn ra nảy lửa thời bấy giờ còn có sự góp mặt của nhiều nhà văn, nhà báo “máu mặt” như: Nam Kiều - Trần Huy Liệu, Hốt Tất Liệt - Nguyễn Háo Vĩnh, Nguyễn Chánh Sắt, Cao Hải Để... thậm chí trên Công luận báo số 48, 1928, có ý kiến còn quy kết Lê Hoằng Mưu là “một đứa tội nhơn lớn nhứt của nước An Nam” nên buộc chính quyền thuộc địa Pháp tại Nam kỳ phải ra lệnh tịch thu và tiêu hủy cuốn sách. Vì vậy mà Hà Hương phong nguyệt gần như biến mất khỏi văn đàn.
Tò mò khi nhà nghiên cứu Bằng Giang trong Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 - 1930 nhận xét: “Còn tiểu thuyết (không nói truyện ngắn) thì cũng chỉ bắt đầu với Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu đăng báo năm 1912 và in thành sách năm 1915”; nhà văn Nam bộ Bình Nguyên Lộc: “Cuốn tiểu thuyết VN đầu tiên tôi đọc là một cuốn sách mà thoạt đầu cha tôi cấm không cho đọc vì cho là dâm thư, đó là cuốn Hà Hương phong nguyệt truyện” và sự “hé lộ” của ông Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm CLB Sách Xưa&Nay, là có người đã từng yêu cầu ông “làm bất cứ cách nào” để mua hộ quyển sách... đã khiến PGS-TS Võ Văn Nhơn bắt đầu cuộc hành trình vất vả.
Tìm khắp các thư viện lớn trong nước chưa đủ, ông qua Pháp “gõ cửa” tận thư viện quốc gia, nơi lưu bản gốc duy nhất. Sau đó, ông lại sang Mỹ tìm đọc Hà Hương phong nguyệt trên Báo Nông cổ mín đàm ở thư viện gia đình của GS Nguyễn Văn Sâm (nguyên GS Đại học Văn khoa Sài Gòn). Sau khi có được tài liệu, ông nhờ hai chuyên gia chữ Hán - Nôm là Cao Tự Thanh, Đoàn Ánh Loan hỗ trợ. Phần các từ phiên âm từ tiếng Pháp được ông Đặng Thái Minh (Úc) tìm giúp hoàn nguyên để mọi việc trở nên dễ dàng. Nhờ các thông tin về tác phẩm và nhiều công trình như Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 - 1930 của Bằng Giang, Tiểu thuyết Nam bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 do Nguyễn Kim Anh chủ biên, Văn học VN nơi miền đất mới của Nguyễn Q.Thắng, Từ điển văn học (bộ mới), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (tập 1) do Vũ Tuấn Anh - Bích Thu chủ biên... đều ghi Hà Hương phong nguyệt xuất bản năm 1915 bởi Imprimerie J.Viết, với 5 tập mới được nhìn nhận lại chính xác.
PGS-TS Võ Văn Nhơn cho rằng: “Hiện thực đời sống được miêu tả trong Hà Hương phong nguyệt khá rộng lớn, sinh động về xã hội Nam bộ đầu thế kỷ 20. Một Sài Gòn đô hội phồn hoa bên cạnh cảnh nghèo hèn thôn dã; có cảnh tòa xử án, trạng sư biện hộ... Độc đáo nhất là các lễ hội và chuyện khánh thành... chợ ở Sài Gòn được nhà văn miêu tả khá chi tiết sẽ làm thỏa mãn những bạn đọc hiếu kỳ muốn tìm hiểu về Nam bộ xưa”.
Nhờ sự hồi sinh của tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt (do Saigon Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ vừa ấn hành), độc giả còn phát hiện ra nhiều ngữ, từ, điển cố, điển tích trước đây thông dụng giờ đã bị mai một theo thời gian: thoảng mảng (thấm thoắt), lăn chà lăn hói (sinh hoạt bừa bãi, lăn lóc bờ bụi), cầm cọng (giữ lại, chỉ việc kéo dài thời gian), đặng (được), đổ bác (cờ bạc), sấp lưng (quay phắt lại), mảng (cứ, chỉ lo tới), gạy (gợi), ba xôi nhồi một chõ (dồn lại, gom lại), tư trùng la miếng (nghĩ cách giăng bẫy), ngỡi (nghĩa), mựa (chớ), vong (quên), bảnh láng (khôn ngoan, nhanh nhẹn), bán đồ nhi phế (nửa đường bỏ dở), chực tiết (giữ tiết để thờ chồng), láng cháng (quanh quẩn bên cạnh), thoàn (thuyền), bữa diếp (bữa trước), vân vi (đầu đuôi mọi lẽ, nhiều chuyện)...
|