Thứ Ba, 31 Tháng Bảy, 2012

Edouard và Thượng Đế

EDOUARD VÀ THƯỢNG ÐẾ

Bohême, giữa 1959 và 1968.

1

Chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện của Edouard trong căn nhà nhỏ của người anh cả, ở làng. Người anh nằm dài trên đi văng nói với Edouard :

- Mày có thể đi gặp mụ đó chẳng có gì sợ cả. Chắc chắn mẻ là một con đàn bà khốn nạn, nhưng tao tin là ngay cả với hạng người đó, họ cũng có ý thức. Chính vì hồi xưa con mẻ chơi đểu tao một cú mà bây giờ chắc mẻ sẽ vui lòng giúp mày để chuộc lại lỗi lầm.

Anh của Edouard vẫn không thay đổi : một người tốt và lười. Ngày Staline chết (lâu lắm rồi, thời Edouard chỉ là một đứa bé), có lẽ anh cũng đã đi tới đi lui, rồi nằm ườn gà gật trên đi văng như vậy trong căn phòng sinh viên sát mái. Ngày hôm sau, anh tới trường không hay biết gì, và chợt thấy Cechackowa, cô bạn cùng lớp, đứng giữa đại sảnh trong dáng bất động tráng lệ tựa bức tượng đau khổ, anh đi quanh cô ta ba vòng rồi phá lên cười. Bị xúc phạm, cô ta cho đấy là một sự khiêu khích chính trị và anh của Edouard phải bỏ học, về làng làm việc. Bây giờ ở đây anh có căn nhà, con chó, vợ, hai con và ngay cả nhà nghỉ mát cuối tuần.

Và lúc này anh đang duỗi dài trên đi văng trong căn nhà làng, giải thích cho Edouard :

- Người ta mệnh danh con mẻ là cánh tay trả thù của giai cấp công nhân. Nhưng đừng lấy đó làm ngại. Bây giờ con mẻ là người chín chắn, và luôn luôn yếu đuối với bọn trẻ. Chính vì vậy mà mẻ sẽ giúp mày.

Dạo đó Edouard còn rất trẻ. Cậu vừa xong đại học (ngay nơi người anh bị trục xuất) và đang tìm việc. Theo lời khuyên của anh, sáng hôm sau cậu đến gõ cửa văn phòng bà giám đốc. Cậu gặp một bà cao lớn xương xẩu, tóc đen nhờn, mắt đen, với hàng lông tơ cũng đen dưới mũi. Vẻ xấu xí này giúp cậu tránh được cái khớp thường có khi đối diện với sắc đẹp phụ nữ, đến nỗi cậu nói chuyện với bà dễ dàng không bối rối, với tất cả dịu dàng lịch lãm. Giọng điệu này rõ ràng làm bà giám đốc hài lòng, và bà xác nhận nhiều lần với vẻ kích động trông thấy :

- Ở đây chúng tôi cần những người trẻ.

Và bà hứa sẽ yểm trợ đơn dự tuyển của cậu.

2

Edouard thành giáo viên trong một tỉnh nhỏ ở Bohême như vậy. Anh không khổ cũng chẳng sướng. Anh thường cố phân biệt cái nghiêm trọng và cái không nghiêm trọng, và xếp nghề dạy của mình vào loại không nghiêm trọng. Không phải vì nghề dạy tự nó thiếu tầm quan trọng (vả lại anh gắn bó với nó chỉ vì không kiếm sống bằng cách nào khác được), mà vì anh cho nó là tầm phào so với con người thực của mình. Anh không chọn nó. Nhu cầu xã hội, lời khen thành phần cán bộ, giấy chứng nhận trường trung học, rồi kết quả các cuộc thi tuyển đã áp đặt nó lên anh. Sự liên hợp những sức mạnh này đã thẩy anh từ cửa trung học vào cửa đại học (như cần trục thẩy cái bao lên xe cam nhông). Anh miễn cưỡng ghi danh (sự thất bại của ông anh là điềm xấu), nhưng cuối cùng anh cam chịu. Dù vậy, anh hiểu rằng nghề nghiệp là một trong những cái ngẫu nhiên của đời mình - nó dính vào da anh như bộ râu mép giả buồn cười.

Nhưng nếu việc bắt buộc là điều không nghiêm trọng (buồn cười), thì cái nghiêm trọng có khi lại là chuyện tình cờ : ở chỗ trọ mới, Edouard gặp một cô gái anh cho là đẹp và bắt đầu dành hết thời giờ cho cô với sự nghiêm chỉnh gần như chân thật. Cô tên Alice và, như anh phải tự xác nhận ngay từ buổi hẹn hò đầu tiên với nỗi buồn vô hạn : cô là người rất dè dặt và đức hạnh.

Trong những lúc đi dạo chiều tối, nhiều lần anh thử ôm vai cô rồi vuốt nhẹ bìa ngực phải từ phía sau, mỗi lần cô đều chộp tay anh đẩy ra. Một tối anh thử lại trò này lần nữa, và khi vừa (một lần nữa) đẩy tay anh ra, cô bất chợt dừng lại, hỏi :

- Anh có tin vào Thượng đế không ?

Ðôi tai tế nhị của Edouard thoáng thấy sự nằn nì kín đáo trong câu hỏi, và anh quên khuấy bộ ngực.

- Anh có tin vào Thượng đế không ?

Alice hỏi lại và Edouard không dám trả lời.

Chúng ta đừng trách anh không cam đảm trả lời thẳng thắn. Anh cảm thấy quá lạc lõng trong thành phố mới này và quá thích Alice, nên không thể liều lĩnh làm mất cảm tình của cô chỉ vì một câu trả lời cộc lốc đơn giản.

- Còn em ? Anh hỏi để câu giờ.

- Tin chứ.

 Alice đáp và lại nài anh trả lời.

Cho tới bây giờ, chưa lúc nào ý nghĩ tin vào Thượng đế nẩy ra trong đầu Edouard. Nhưng anh hiểu là không nên thú nhận điều đó, mà trái lại, phải chụp lấy cơ hội này và biến đức tin thành con ngựa gỗ thật đẹp, rồi ẩn mình vào bụng nó như trong điển tích, để sau đó kín đáo trượt nhẹ vô tim cô gái. Có điều anh không thể nói với Alice một cách giản dị, ừ, anh tin vào Thượng đế ; anh không phải là người trâng tráo và rất xấu hổ nếu phải nói dối ; anh ghê tởm tính đơn giản thô bỉ của sự nói dối. Nếu nói dối là cần thiết, ít nhất anh cũng muốn giữ lại cái gì giống sự thực nhất. Nên anh trả lời bằng giọng hết sức tư lự :

- Anh cũng không biết phải trả lời em sao về câu hỏi này, Alice à. Dĩ nhiên anh tin vào Thượng đế, nhưng... Anh ngập ngừng và Alice nhướng mắt ngạc nhiên nhìn - Nhưng anh muốn hoàn toàn thẳng thắn với em. Anh có thể hoàn toàn thẳng thắn với em không ?

- Phải vậy chứ. Nếu không chúng ta chẳng có gì chung với nhau cả.

- Thật sao ?

- Thật.

- Thỉnh thoảng anh có vài nghi hoặc. Edouard nói gịong nghẹn ngào. Có khi anh tự hỏi không biết Thượng đế có thực sự hiện hữu không ?

- Làm sao anh có thể nghi ngờ điều đó ?

Alice nói gần như la lên.

Edouard nín thinh và sau một lúc suy nghĩ, viện dẫn luận cứ muôn đời :

- Khi anh nhìn thấy bao nhiêu đau khổ chung quanh, anh thường tự hỏi có thể nào Thượng đế hiện hữu mà lại cho phép như vậy.

Anh nói với giọng buồn tới nỗi Alice phải cầm tay anh :

- Vâng, đúng thế, đời nhiều đau khổ quá. Em biết lắm chứ. Nhưng chính vì vậy mà càng phải tin vào Thượng đế. Không có Người, tất cả những đau khổ này sẽ là vô ích. Sẽ chẳng có gì có nghĩa cả. Và như vậy thì em cũng không sống nổi nữa.

- Chắc em có lý.

Edouard nói với vẻ trầm ngâm và tháp tùng cô đi nhà thờ chúa nhật sau đó. Anh nhúng tay vào bồn nước phép, làm dấu thánh giá. Tiếp theo là phần làm lễ và thiên hạ hát. Anh cùng hát với họ bài thánh ca mà anh chỉ mơ hồ nhớ giai điệu chớ không nhớ lời. Cho nên anh quyết định thay lời bằng những nguyên âm khác nhau, và hát mỗi nốt chậm hơn một chút xíu, vì thực anh cũng chẳng biết rõ giai điệu lắm. Vậy mà khi nhận thấy mình hát đúng, anh cao hứng để giọng vang lên, bởi lần đầu tiên trong đời, anh khám phá mình có giọng trầm rất ấm. Rồi thiên hạ đọc kinh « Lạy Cha » có mấy bà cụ quỳ xuống. Không cưỡng được cám dỗ, anh cũng quỳ lên mấy tấm đá lát. Anh làm dấu thánh với cử chỉ thái quá, và khi làm điều này, anh nghiệm thấy cảm giác tuyệt vời với ý nghĩ mình có thể làm điều chưa bao giờ làm trong đời, điều anh không thể làm ở trường, không thể làm ngoài đường phố, không làm được bất cứ ở đâu. Anh cảm thấy tự do kỳ diệu.

Khi mọi việc xong xuôi, Alice nhìn anh với ánh mắt nồng nhiệt hỏi :

- Anh còn có thể nói là anh nghi ngờ sự hiện hữu của Thượng đế không ?

- Không.

Edouard đáp, và Alice bảo :

- Em muốn dạy anh yêu kính Người như em yêu kính Người vậy.

Họ dừng lại trên sân thánh đường và tâm hồn anh đầy tiếng cười. Khổ cho anh, đúng lúc ấy bà giám đốc đi ngang qua gần đấy trông thấy hai người.

 

3

Thật là phiền. Thực ra tôi phải nhắc lại (cho ai không nhớ lịch sử) là trong thời gian đó, lui tới nhà thờ không bị cấm nhưng cũng đâu phải không nguy hiểm.

Ðiều này chẳng có gì khó hiểu cả. Những người đã đấu tranh cho cái họ gọi là cách mạng thì giữ về nó một niềm kiêu hãnh lớn : niềm kiêu hãnh đã đứng bên phía chính nghĩa của chiến tuyến. Mười hay mười hai năm sau (câu chuyện của chúng ta xảy ra vào thời điểm ấy), chiến tuyến bắt đầu biến mất cùng với phe chính nghĩa và phe tà ngụy của nó. Nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người đã theo cách mạng cảm thấy ấm ức sốt ruột tìm kiếm chiến tuyến thay thế. Nhờ tôn giáo, họ lại có thể một lần nữa đứng về phía chính nghĩa (trong vai trò kẻ vô thần chống lại người có đức tin), và giữ nguyên vẹn sự cường điệu quen thuộc quý báu về tính ưu việt của mình.

Nhưng thật tình mà nói, cái chiến tuyến thay thế này cũng là món hời cho người khác, trong diện đó có Alice - tiết lộ điều này bây giờ có lẽ cũng không quá sớm ! Cũng như bà giám đốc muốn đứng về phía chính nghĩa, Alice muốn ở vào phía đối lập. Cửa hàng của ba cô đã bị quốc hữu hoá trong những ngày gọi là cách mạng, và Alice ghét những kẻ đã chơi ba cô vố đó. Nhưng làm sao cô có thể bày tỏ lòng thù hận của mình ? Phải vác dao đi trả thù cho cha à ? Ðấy không phải là phong cách Bohême. Alice có phương thức hay hơn để diễn tả sự chống đối của mình : cô đầu tư lòng tin vào Thượng đế.

Thượng đế tốt lành đã đến cứu rỗi cả hai phía, và nhờ Người mà Edouard bị kẹt giữa hai lằn đạn.

Sáng thứ hai, khi bà giám đốc tới tìm Edouard trong phòng giáo sư, anh cảm thấy hết sức bất an. Vì chưng anh đã không gợi được bầu không khí thân mật như trong buổi gặp lần đầu, bởi từ ngày đó (do dại dột hay lơ đễnh), anh không hề nối lại cuộc trò chuyện lịch sự. Nên bà giám đốc hỏi với nụ cười lạnh nhạt lộ liễu :

- Mình thấy nhau hôm qua phải không ?

- Vâng, mình thấy nhau.

Edouard trả lời. Bà giám đốc nói tiếp :

- Tôi không hiểu được tại sao một thanh niên lại có thể đi nhà thờ.

Edouard so vai vẻ bối rối ngượng nghịu, và bà giám đốc gật gù :

- Một thanh niên.

- Tôi vào thăm mặt trong ba-rốc của thánh đường.

Edouard nói với vẻ xin lỗi. Bà giám đốc mỉa mai :

- A, thì ra vậy. Tôi không hề biết là anh thích kiến trúc.

Ðàm đạo kiểu này Edouard không thích chút nào. Anh nhớ lại là anh mình đã đi vòng quanh cô bạn đồng liêu ba lần, rồi phá ra cười nắc nẻ. Vận xui gia đình có vẻ muốn lặp lại làm anh sợ. Thứ bảy, anh điện thoại cho Alice xin lỗi nói là anh sẽ không đi nhà thờ vì bị lạnh.

Tuần sau khi gặp nhau, Alice nói giọng trách móc : « Anh yếu như sứa » và Edouard có cảm tưởng là lời cô gái không chút tình cảm. Nên anh bắt đầu nói với cô (một cách mơ hồ và úp mở thôi, bởi vì anh xấu hổ phải thú nhận nỗi lo sợ và nguyên do thực của nó) về những khó khăn họ gây cho anh ở trường và về bà giám đốc khủng khiếp cứ công kích anh không có lý do. Anh muốn gợi lòng trắc ẩn của cô, nhưng cô bảo : « Em thì..., bà sếp em rất tốt », và bắt đầu vừa cười, vừa kể những chuyện lặt vặt ở sở. Edouard nghe cô líu lo vui vẻ, còn anh thì càng lúc càng u ám.

 

4

Thưa quý vị, đấy là những tuần đau khổ. Edouard ham muốn Alice cực độ. Thân thể cô kích thích anh và thân thể này tuyệt đối nằm ngoài tầm tay anh. Khung cảnh hẹn hò của họ cũng làm khổ thân anh nữa : vòng vo cả một hoặc hai tiếng đồng hồ trong những con đường tối, hay đi xi-nê. Tính đơn điệu và khả năng khiêu dâm ít ỏi của hai loại này (không có gì khác !) khiến Edouard nghĩ kết quả sẽ khả quan hơn nếu anh gặp Alice trong khung cảnh khác. Với vẻ mặt thật vô tội, anh bèn đề nghị Alice đi chơi cuối tuần ở nhà quê, nơi anh mình có nhà nghỉ mát bên bờ sông, trong thung lũng đầy cây cối. Anh say sưa miêu tả cho cô sự quyến rũ trong lành của thiên nhiên, nhưng Alice (luôn luôn ngây thơ và tin tưởng trong các địa hạt khác) hiểu anh muốn hướng tới đâu nên từ chối mãnh liệt. Bởi vì đâu phải chỉ một mình Alice kháng cự lại anh - mà chính là ông Chúa (muôn đời thận trọng và cảnh giác) của Alice chứ không ai khác.

Tất cả tinh thể của ông Chúa này chỉ nằm trong một ý nghĩ (ổng chẳng có ham muốn hay ý kiến gì khác ráo), là sự ngăn cấm quan hệ xác thịt ngoài hôn nhân. Như vậy, đây là một ông Chúa khá buồn cười, nhưng ta cũng không nên vì thế mà chế giễu Alice. Trong mười điều răn Moise đã truyền đạt cho nhân loại, thì có tới chín điều không thể bị linh hồn cô để vướng víu hiểm nghèo nào, bởi vì Alice chẳng hề muốn giết ai, cũng không muốn làm ô danh bố mẹ, không thèm thuồng chồng người ; chỉ có một điều nghe không hiển nhiên mấy, và chính vì thế mới là thách thức thực sự đối với cô : đấy là điều răn thứ bảy, cái điều răn trứ danh mi không được thông dâm. Ðể hoàn tất, phơi bày, và minh chứng niềm tin đạo của mình, chính là trên điều răn đó, và chỉ trên điều răn đó thôi, mà Alice phải hoàn toàn lưu ý. Vì vậy mà từ một Thượng đế mơ hồ, bàng bạc và trừu tượng, cô đã hoàn thành một ông Chúa hoàn toàn xác định, khả tri và cụ thể : ông Chúa-Chống-Thông-dâm.

Nhưng xin hỏi quý vị, sự thông dâm thực sự bắt đầu từ chỗ nào ? Mỗi người đàn bà thiết lập giới hạn này theo các tiêu chuẩn hoàn toàn huyền bí. Alice sẵn lòng để Edouard hôn, và sau vô số thử thách của anh, cô bằng lòng để vuốt ve vú mình, nhưng ở giữa thân thể thì cô vạch một đường ranh cứng nhắc, không thể vượt qua được, phía bên dưới là lãnh thổ của ngăn cấm thánh thiện, sự không nhân nhượng của Moise, và sự giận dữ của Chúa.

Edouard bắt đầu đọc thánh kinh nghiên cứu những bài viết về thần học ; anh quyết định đối đầu với Alice bằng vũ khí của chính cô. Anh nói :

- Bé Alice của anh ơi, đối với người yêu kính Chúa thì không có gì phải cấm đoán cả. Vì khi ta ao ước điều gì, là ta ước muốn bởi Ơn Trên. Chúa chỉ muốn một điều, là chúng ta phải được dẫn dắt bởi tình yêu.

Alice đáp :

- Tất nhiên rồi, song không phải cái thứ tình yêu anh nghĩ đâu.

Edouard nói :

- Chỉ có một tình yêu thôi..

-

-- Nếu thế thì tiện cho anh quá há ? Nhưng quả thật là Chúa đã lập ra những điều răn và chúng ta phải tuân theo mà thôi.

-

-- Ðúng, Chúa của Cựu Ước, chứ Chúa của Cơ Ðốc thì không.

-

- Alice vặn lại.

- Cái gì ? Chỉ có một Thượng Ðế duy nhất.

Edouard tiếp :

- Ðúng. Có điều người Do Thái của Cựu Ước lại không quan niệm Thượng Ðế như chúng ta. Trước khi Chúa giáng thế, con người trước tiên phải tuân theo hệ thống giới luật và răn đe của thần thánh. Còn linh hồn mình nghĩ gì thì không đáng kể mấy. Nhưng Chúa coi những điều cấm đoán và mệnh lệnh ấy là bề ngoài. Dưới mắt Chúa, điều quan trọng là con người trong thâm sâu của nó như thế nào. Khi con người được thúc đẩy bởi lòng tin và nhiệt tâm thì mọi hành động của nó đều tốt lành và làm Chúa hài lòng. Cho nên Thánh Phao Lồ đã nói : mọi chuyện đều trong sạch đối với người trong trắng.

Alice cãi.

- Với điều kiện là phải trong trắng thật cơ.

- Và Thánh Augustin cũng nói : hãy yêu kính Chúa và làm những gì mi muốn. Em hiểu không Alice ? Hãy yêu kính Chúa, và hãy làm những gì em muốn.

- Nhưng mà em lại không muốn cái điều anh muốn.

Alice trả lời, và Edouard hiểu là lần này cuộc tấn công thần học của anh đã thất bại, nên buông lửng :

- Em không thương anh.

Alice đáp với một sự ngắn gọn đến khiếp :

- Có chứ ! Chính vì vậy mà em không muốn tụi mình làm điều không nên làm.

Như tôi đã nói, đấy là những tuần lễ đau khổ. Và nỗi dằn vặt càng mãnh liệt hơn nữa khi sự ham muốn Alice của Edouard không chỉ đơn thuần là một thân xác ham muốn một thân thể khác ; mà ngược lại, khi thân xác kia càng xua đuổi bao nhiêu thì anh lại càng buồn, càng nhớ nhung và càng ao ước chiếm đoạt trái tim cô gái bấy nhiêu. Nhưng cả thân thể lẫn con tim của Alice đều không đoái hoài tới nỗi phiền muộn của anh, cả hai đều lạnh lùng như nhau, khép kín như nhau, và tự mãn với mình.

Ở Alice, điều làm Edouard khó chịu nhất là sự dè chừng khó lay chuyển của cô. Mặc dầu là một thanh niên có thể nói điềm đạm, anh bắt đầu mơ tưởng tới hành động cực đoan nào đó có khả năng kéo Alice ra khỏi thái độ bất khả lung lạc ấy. Và vì rất nguy hiểm nếu khiêu khích cô quá trớn bằng sự phạm thượng hay trơ trẽn (thói quen tự nhiên của anh), anh bèn chọn sự thái quá ngược lại (nên khó khăn hơn) ; mặc dù xuất phát từ thái độ Alice, nó sẽ đẩy thái độ của cô đến cực điểm và làm cô phải xấu hổ về sự dè dặt đến lãnh đạm của mình. Nói cách khác : Edouard bày tỏ lòng sùng đạo một cách quá trớn. Anh không bỏ lỡ dịp nào đi nhà thờ (lòng ham muốn Alice của anh còn mãnh liệt hơn cả nỗi lo sợ phiền toái), và đến đấy anh cư xử với sự nhún mình kỳ lạ. Hở chút là anh quỳ ngay xuống trong khi Alice đứng đọc kinh hay làm dấu thánh bên cạnh, vì sợ vớ tuột chỉ.

Một hôm Edouard trách niềm tin của cô tẻ lạnh. Anh lặp lại lời Chúa : « Những kẻ cầu xin ta : Thượng đế, Thượng đế ! không phải ai cũng sẽ vào được nước trời hết đâu ». Anh chê niềm tin của cô là hình thức, bề ngoài, mong manh. Anh trách cuộc đời tiện nghi của cô. Anh chê cô quá tự mãn. Anh trách là cô chẳng nhìn thấy gì khác chung quanh ngoài bản thân cô.

Và trong khi nói (Alice không chờ đợi sự công kích này nên chống chế rất yếu ớt), Edouard trông thấy bức thánh giá dựng giữa đường : chữ thập cũ bằng đồng với tượng Chúa bằng sắt trắng đã rỉ. Mạnh bạo rút tay khỏi tay Alice và dừng lại (để chống trả sự hờ hững của cô gái và đánh dấu bước đầu cuộc tấn công mới của mình), anh làm dấu thánh với vẻ hung hăng rất khoa trương. Nhưng chưa kịp nhận thấy cử chỉ này gây nên hậu quả gì ở Alice, vì đúng vào lúc ấy, anh bắt gặp bà gác dan nhà trường bên kia đường. Bà nhìn anh. Edouard chợt hiểu là mình vừa thua đậm.

 

5

Nỗi lo sợ của Edouard được xác định ngay hai ngày sau, khi bà gác dan chặn anh trong hành lang cao giọng sang sảng rằng anh phải trình diện tại văn phòng bà giám đốc trưa mai :

- Chúng tôi cần nói chuyện với anh, đồng chí ạ.

Edouard lo lắng. Chiều tối, anh tới chỗ hẹn với Alice như thường lệ để tản bộ với cô trong phố, nhưng bỏ lòng sùng đạo mãnh liệt ở nhà. Anh mất tinh thần và muốn chia sẻ với Alice những gì đang xảy ra cho bản thân, nhưng anh không can đảm, bởi anh biết rằng để bảo toàn công việc chẳng thích thú gì (nhưng cần thiết) này, anh sẵn sàng chối bỏ Chúa không chút do dự. Nên anh không nói gì về tai hoạ bị gọi lên trình diện, và đương nhiên là không thể chờ đợi lời an ủi nào. Ngày hôm sau, anh bước vào văn phòng bà giám đốc với cảm tưởng của người hoàn toàn lẻ loi.

Bốn quan toà chờ Edouard trong phòng : bà giám đốc, bà gác dan, một đồng nghiệp của anh (nhỏ con, mang kiếng) và một ông (tóc xám tro) mà anh chưa từng biết, nghe mọi người gọi là đồng chí thanh tra. Bà giám đốc mời Edouard ngồi rồi nói là họ gọi anh đến để đàm luận hoàn toàn thân tình không chính thức, bởi vì tất cả mọi đồng nghiệp đều rất lo lắng về lối cư xử của anh ngoài phạm vi nhà trường. Khi nói những điều này, bà nhìn ông thanh tra, và ông thanh tra gật đầu đồng tình ; rồi bà hướng mắt về giáo viên mang kính vẫn nhìn bà chăm chú trong suốt thời gian ấy ; và khi bắt gặp ánh mắt bà, anh này liền bắt đầu một bài diễn văn lê thê. Anh ta nói rằng chúng ta muốn đào tạo một lớp trẻ lành mạnh không thiên kiến, và rằng chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về giới trẻ này, bởi vì chúng ta (những giáo chức) phải làm gương cho họ ; vì vậy nên không thể dung thứ sự có mặt của những kẻ theo phái thầy tu giữa chúng ta ; anh ta khai triển dông dài tư tưởng này và chấm dứt với lời tuyên bố rằng thái độ của Edouard là điều tai tiếng cho cả trường.

Mấy phút trước, Edouard tin là mình sẽ chối bỏ ông Chúa mới nhận thức này, và sẽ nói thật rằng việc tới nhà thờ, việc làm dấu thánh nơi công cộng chỉ là trò chơi. Nhưng bây giờ, đối diện với tình huống, anh cảm thấy không thể thú thực ; dù sao anh cũng không thể nói với bốn người rất nghiêm trang và đầy nhiệt tình này là họ đã sôi nổi trước một hiểu lầm, một chuyện tầm phào. Anh hiểu nếu nói điều đó, sẽ vô tình chế giễu sự nghiêm chỉnh của họ ; anh hiểu những người này chỉ chờ đợi lời thoái thác xin lỗi, rồi họ sẵn sàng bỏ qua tất cả. Cũng hiểu rằng (bất ngờ thôi, vì đâu có thì giờ suy nghĩ), điều quan trọng nhất với anh trong lúc này là làm như đấy là sự thật, hay chính xác hơn, giả sao cho giống với ý nghĩ của những người này về anh ; nếu muốn đính chính ý nghĩ của họ phần nào, thì cũng phải ít nhiều chấp nhận nó. Anh hỏi :

- Thưa các đồng chí, tôi có thể nói thẳng thắn được không ?

Bà giám đốc trả lời :

- Ðương nhiên. Chính vì vậy mà đồng chí ngồi đây.

- Và các đồng chí sẽ không ghét tôi chứ ?

Bà giám đốc đáp :

- Cứ nói những gì đồng chí muốn nói.

- Vậy thì, tôi sẽ thú thực hết. Tôi thực sự tin vào Thượng đế.

Edouard nhìn lên các quan toà và xác nhận là họ có vẻ nhẹ nhỏm trông thấy, chỉ có bà gác dan kêu rầm lên :

- Ngày nay sao đồng chí ? Ở thời buổi chúng ta à ?

- Tôi biết trước là các đồng chí sẽ nổi giận nếu tôi nói sự thật. Nhưng tôi không biết nói dối. Ðừng bắt tôi phải nói những điều dối trá.

Edouard tiếp. Bà giám đốc nói với anh (dịu dàng) :

- Không ai bắt đồng chí nói dối. Ðồng chí có lý khi nói hết sự thực. Nhưng điều tôi muốn là phải giải thích làm sao lại đi tin vào Thượng đế, một thanh niên như đồng chí !

Ông nhà giáo lên giọng, hoàn toàn kích động :

- Ngày nay, vào thời điểm mà chúng ta phóng vệ tinh lên mặt trăng !

- Không làm sao được. Tôi đâu muốn tin vào Thượng đế. Thực tình. Tôi không muốn.

- Thế là thế nào, anh không muốn, bởi vì anh tin !

Ông tóc xám can thiệp (với giọng đặc biệt khả ái). Edouard thấp giọng lặp lại lời thú nhận :

- Tôi không muốn tin, lại tin.

Ông giáo mang kiếng cười :

- Sao mà mâu thuẫn quá đi mất !

- Thưa đồng chí, có sao tôi nói vậy. Tôi hoàn toàn hiểu là niềm tin vào Thượng đế tách chúng ta khỏi hiện thực. Còn gì là chủ nghĩa xã hội nếu mọi người tin rằng vũ trụ thuộc quyền năng của Thượng đế ? Sẽ không ai làm gì nữa cả, và mọi người đều phó thác vào Thượng đế.

Bà giám đốc tán thành.

- Ðúng thế.

- Chưa ai chứng minh được sự hiện hữu của Thượng đế cả.

Ông giáo mang kính tuyên bố. Edouard tiếp tục :

 - Sự khác biệt giữa lịch sử nhân loại và thời tiền sử là con người bây giờ nắm vận mạng mình trong tay và không cần tới Thượng đế nữa.

Bà giám đốc nói :

- Tin vào Thượng đế dẫn tới tin ở định mệnh.

Edouard tiếp :

- Niềm tin vào Thượng đế là tàn tích thời Trung cổ.

Sau đó bà giám đốc nói vài điều gì nữa, rồi ông giáo mang kiếng, rồi Edouard, rồi ông thanh tra, và tất cả những tư duy này bổ túc nhau, hài hoà đến nỗi cuối cùng, ông giáo mang kiếng không chịu nổi, phải ngắt lời Edouard :

- Vậy thì tại sao đồng chí làm dấu thánh trên đường phố, khi đồng chí hiểu tất cả những điều ấy ?

Edouard ngó ông ta với cái nhìn buồn rười rượi đáp :

- Bởi vì tôi tin vào Thượng đế.

Ông giáo mang kính sôi nổi lặp lại :

- Nhưng mà mâu thuẫn quá đi mất !

- Vâng, có mâu thuẫn giữa kiến thức và đức tin. Tôi thú nhận là niềm tin vào Thượng đế dẫn tới mê muội. Tôi công nhận rằng tốt hơn hết là Thượng đế không nên hiện hữu. Nhưng tôi làm gì được khi mà chỗ này, trong tận cùng thâm tâm - vừa nói Edouard vừa chỉ vào tim mình - tôi cảm thấy Người hiện hữu ? Xin các đồng chí hãy hiểu cho ! Có sao tôi nói vậy, tốt hơn hết là nói sự thực, tôi không muốn làm người đạo đức giả, tôi chỉ muốn tôi như thế nào thì các đồng chí hiểu tôi như thế.

Rồi Edouard cúi đầu.

Ông giáo mang kiếng thật thiển cận ; ông ta không biết rằng ngay cả nhà cách mạng triệt để nhất cũng chỉ nhìn thấy ở bạo lực tội ác cần thiết, trong khi thiện tâm của cách mạng chính là cải tạo. Ngay bản thân ông ta, kẻ chỉ một sớm một chiều đã giác ngộ cách mạng, ông ta chưa hề gợi được sự kính trọng nào ở bà giám đốc, và không mảy may ngờ rằng trong lúc này đây, Edouard - kẻ vừa tự gửi gấm số phận vào tay những người đang xét xử mình như một đối tượng cải tạo, dù khó khăn song hoàn toàn có thể chỉnh huấn được - lại có giá trị hơn ông ta gấp ngàn lần. Và chính vì không ngờ điều ấy nên ông ta lại tấn công Edouard mãnh liệt, tuyên bố rằng người không có khả năng chối bỏ niềm tin kiểu trung cổ đều là người thời Trung cổ, không có chỗ đứng trong trường học hiện đại.

Bà giám đốc để ông ta hết lời rồi chỉnh :

- Tôi không muốn lấy đầu ai cả. Ðồng chí đã chân thành nói hết sự thật với chúng ta. Ðó là điều mà chúng ta phải lưu ý.

Rồi bà quay về phía Edouard :

- Các đồng chí dĩ nhiên có lý khi nói một thầy tu không thể dạy dỗ giới trẻ của chúng ta được. Vậy thì tự đồng chí hãy cho biết đồng chí đề nghị cái gì ?

Edouard nói với vẻ đau khổ :

- Tôi không biết, thưa các đồng chí.

Ông thanh tra lên tiếng :

- Tôi nghĩ thế này. Cuộc chiến đấu giữa cái cũ và mới không chỉ diễn ra trong lớp học, mà còn nơi mỗi cá nhân. Chúng ta đang chứng kiến chính cuộc đấu tranh này ở đồng chí đây. Ðồng chí Edouard biết hết, nhưng cảm tính kéo đồng chí lùi lại. Chúng ta phải giúp đỡ đồng chí để lý lẽ chiến thắng.

Bà giám đốc ghi nhận. Rồi nói :

- Tốt lắm. Tôi sẽ đích thân lo liệu cho đồng chí ấy.

 

6

Như vậy Edouard đã thành công trong việc tránh được nguy cơ cấp thời ; tương lai nghề giáo của anh nằm riêng trong tay bà giám đốc, điều làm anh rốt cuộc thấy hoàn toàn hài lòng : nhớ tới nhận xét của ông anh, là bà giám đốc luôn luôn có chỗ nhược với giới trẻ, và với tất cả tin tưởng bấp bênh của tuổi thanh niên (hôm nay thái quá, ngày mai lại bị xói lở bởi hoài nghi), anh quyết định vượt thắng cuộc thử thách bằng cách chiếm đoạt lòng ưu ái vị nữ chúa của mình, trong tư thế nam nhi.

Sau đó mấy hôm, khi tới văn phòng bà giám đốc như đã thỏa thuận, anh thử lấy giọng điệu thung dung thư thái và không để lỡ cơ hội nào chêm vào câu chuyện một nhận xét thân mật, một lời khen tế nhị, hay nhấn mạnh với sự mập mờ kín đáo trên cảnh ngộ đặc biệt của mình : tình cảnh người đàn ông mà số phận đang nằm trong tay một người đàn bà. Nhưng anh đâu được phép tự mình chọn lựa giọng điệu câu chuyện. Bà giám đốc nói năng hết sức khả ái nhưng với vẻ dè dặt tuyệt đối ; bà hỏi anh đọc gì, tự chỉ định một số tựa sách và khuyên nên đọc, bởi rõ ràng là bà muốn thực hiện công tác lâu dài trên phần hồn của anh. Ðể kết thúc, bà mời anh gặp tại nhà riêng.

Thái độ thận trọng này đã đẩy lui được sự tin tưởng nhởn nhơ của Edouard, và anh bước vào nhà bà giám đốc, đầu cúi xuống, không còn mảy may ý định áp đảo bà bằng vẻ duyên dáng nam nhi. Bà mời anh ngồi vào ghế phô tơi và bắt đầu cuộc trò chuyện bằng giọng thân mật, hỏi muốn uống gì :

- Chắc là cà phê ?

 Anh nói không.

- Vậy thì rượu ?

 Anh cảm thấy ngượng nghịu :

- Nếu đồng chí có cô-nhắc.

 Và tức thì anh e là đã nói cái gì không đúng chỗ, đúng lúc..

Nhưng bà giám đốc trả lời khả ái :

- Không, tôi không có cô-nhắc, tôi chỉ có một ít rượu vang...

Và bà mang ra một chai đã vơi phân nửa, chỉ còn lại vừa đủ hai ly.

Rồi nói Edouard không nên xem bà như pháp quan tôn giáo ; tất nhiên ai cũng có quyền có những tin tưởng mà họ cho là đúng ; song hiển nhiên người ta có thể tự hỏi (bà vội nói thêm) người như vậy có chỗ đứng hay không trong ngành giáo dục ; vì vậy nên họ thấy bắt buộc phải mời gọi Edouard (dù là miễn cưỡng) để thảo luận, và rất hài lòng (ít ra là bà và ông thanh tra) vì anh đã nói với họ một cách chân thành không tìm cách chối biến. Sau đó bà đã nói rất lâu với ông thanh tra về Edouard, và họ quyết định sẽ gọi Edouard trong sáu tháng nữa cho cuộc trao đổi khác ; từ đây tới đó, bà giám đốc phải giúp anh tiến hoá bằng ảnh hưởng của mình. Và nhấn mạnh thêm lần nữa rằng sự hỗ trợ bà muốn đem đến cho anh chỉ có thể là sự giúp đỡ thân tình, rằng bà không phải pháp quan tôn giáo cũng không phải công an. Sau đó bà nói về ông giáo đã công kích Edouard nặng nề, và thêm :

- Ông ta cũng vậy, có nhiều chuyện bực dọc, vì thế ông ta rất hả dạ gây phiền lụy cho người khác. Và cả bà gác dan cũng đi rao khắp nơi là đồng chí ngạo mạn, ngoan cố, bo bo bám giữ quan điểm của mình. Bà ta cho là đồng chí đáng bị đuổi ra khỏi trường, và không có cách nào làm bà ta đổi ý đâu. Ðương nhiên tôi không đồng ý, nhưng mặt khác, cũng nên thông cảm với bà ta. Tôi cũng vậy, tôi không thích giao phó con tôi cho một ông thầy công khai làm dấu thánh giá ngoài đường phố.

Bà giám đốc trình bày với Edouard bằng tràng dài nhiều câu liên tục như vậy, khi thì quyến rũ với hứa hẹn khoan hồng, lúc lại doạ dẫm với khả năng khắc nghiệt của bà, và tiếp theo, để chứng tỏ cuộc gặp gỡ giữa họ quả là câu chuyện thân tình, bà chuyển sang đề tài khác : nói về sách vở, dẫn Edouard tới tủ sách, nghị luận dông dài về quyển « L'Âme enchantée » của Romain Rolland, bực mình vì anh chưa đọc. Rồi hỏi ở trường anh có hài lòng không, và sau câu trả lời đúng quy ước, bà bắt đầu nói với vẻ liến thoắng : nói bà biết ơn số mệnh về nghề nghiệp mình, rằng rất thích công việc ở trường, bởi vì ở đây bà tiếp cận tương lai bằng những liên hệ cụ thể và thường xuyên bằng cách dạy dỗ trẻ nhỏ ; và rằng chung cuộc chỉ có tương lai mới biện minh được những đau khổ hiện hữu đầy rẫy chung quanh chúng ta...

Anh nói chêm :

- Vâng, phải công nhận điều đó.

- .... Nếu không nghĩ là mình phải sống cho cái gì đó lớn hơn đời mình, thì chắc chắn tôi không sống nổi.

Nói những lời này, bỗng dưng bà có vẻ thành thực hẳn, và Edouard không rõ lắm là qua đó bà muốn thổ lộ hay bắt đầu cuộc luận chiến tư tưởng hệ về ý nghĩa cuộc đời ; anh ưng nhìn thấy ở đấy một lời bóng gió cá nhân, và hỏi với giọng nghẹn ngào kín đáo :

- Còn cuộc đời riêng của đồng chí thì sao ?

Bà giám đốc lặp lại :

- Ðời tôi ?

- Vâng, đời đồng chí. Nó không làm đồng chí hài lòng à ?

Nụ cười chua chát nở trên môi bà giám đốc, và Edouard hầu như thương hại. Trông bà xấu xí đến cảm động ; mái tóc đen đóng khung khuôn mặt thuôn dài xương xẩu với hàng lông đen dưới mũi hình thù râu mép. Bỗng nhiên anh nhận thấy tất cả chuỗi buồn phiền trong đời bà ; anh bắt gặp nét nhục cảm mãnh liệt, cũng đồng thời trông thấy sự xấu xí đã khiến nhục cảm ấy không thể được thỏa mãn ; anh tưởng tượng con người này đã từng cuồng si hoá thân thành bức tượng sống đau khổ ngày Stalin chết, đã từng say mê tham dự không biết bao nhiêu buổi hội họp, say mê chống đối cái ông Jésus khốn khổ như thế nào, và anh chợt hiểu tất cả những thứ ấy chỉ là nơi trút tháo buồn tẻ cho nỗi ham muốn không thể trôi theo dòng chảy nào như ý. Edouard còn trẻ và khả năng xót thương chưa mòn mỏi. Anh nhìn bà giám đốc với lòng thông cảm. Như thể xấu hổ vì sự im lặng bất ngờ này, bà nói giọng vui vẻ gắng gượng :

- Dầu sao, vấn đề không phải ở đó, Edouard à. Người ta không chỉ sống cho mình mà thôi. Người ta luôn luôn sống cho cái gì đó.

Bà nhìn sâu hơn vào mắt anh :

- Nhưng vấn đề là phải biết cho cái gì. Cho hiện thực hay giả tưởng. Thượng đế là một ý tưởng đẹp. Nhưng tương lai con người, Edouard, mới là hiện thực. Và chính cho cái hiện thực này mà tôi sống, mà tôi đã hy sinh tất cả.

Những câu này cũng vậy, bà tuyên bố với sự vững tin đến độ Edouard không dứt nổi lòng cảm thông đã bất ngờ dấy lên trong anh vài phút trước ; anh thấy thật ngu xuẩn phải dối trá trâng tráo như vậy với người khác, và ngỡ rằng cái chiều thân tình hơn của cuộc đàm luận rốt cuộc đã cho anh cơ hội từ bỏ điều gian trá bất xứng (và lại khó nữa chứ) của mình. Anh vội vàng trấn an :

- Nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với đồng chí.. Tôi cũng vậy, tôi thích hiện thực hơn chứ. Ðồng chí biết không, lòng sùng đạo của tôi ấy à, chẳng nên xem nó nghiêm trọng đến thế !

Nhưng anh nhận thức tức khắc là không bao giờ nên để chút dấy động tình cảm bất chợt đánh lừa. Bà giám đốc ngạc nhiên nhìn anh nói với giọng lạnh lùng hiển nhiên :

- Thôi, đừng đóng kịch. Cái mà tôi thích là sự bộc trực của đồng chí. Lúc này đồng chí lại đang cố làm cho người ta ngộ nhận về mình.

Không, Edouard không được phép từ bỏ bộ cánh hoá trang tôn giáo mà hôm nào anh đã khoác ; anh đành lòng ngay và cố xóa cảm tưởng xấu vừa gây nên :

- Ðâu có, tôi không hề muốn lẩn tránh. Dĩ nhiên, tôi tin vào Thượng đế chứ, và không bao giờ có thể chối bỏ điều này. Chỉ muốn nói là tôi cũng tin vào tương lai nhân loại, vào tiến bộ, vào tất cả những thứ đó nữa. Nếu không tin vậy thì công tác dạy học của tôi dùng để làm gì, trẻ nhỏ ra đời để làm gì, và cả cuộc đời chúng ta dùng để làm gì ? Nhưng đấy, tôi tin rằng Thượng đế cũng muốn xã hội phải cải thiện và tiến bộ. Tôi nghĩ có thể tin cùng lúc vào Thượng đế và vào chủ nghĩa cộng sản, có thể dung hoà hai cái đó.

Bà giám đốc nói với giọng quyền uy hết sức mẫu tử :

- Không ! Không thể hoà giải hai thứ đó với nhau được.

Edouard buồn bã nói :

- Tôi biết. Không nên ghét tôi.

- Tôi không ghét đồng chí. Ðồng chí còn trẻ nên ương ngạnh bám vào cái mình muốn tin. Không ai có thể hiểu rõ đồng chí bằng tôi. Tôi cũng vậy, cũng đã từng trẻ như đồng chí. Tôi thừa biết tuổi trẻ ra sao. Và chính nét trẻ trung làm tôi thích ở đồng chí. Tôi thấy đồng chí dễ mến.

Cuối cùng nó cũng đến. Không sớm hơn cũng chẳng muộn hơn, mà đúng lúc này, đúng lúc tốt nhất. (Thời cơ này, ta thấy là Edouard không hề lựa chọn, mà chính nó đã dùng anh để tự hoàn tất.) Khi bà giám đốc nói thấy anh dễ thương, anh trả lời với giọng không mấy diễn cảm :

- Tôi cũng vậy, tôi thấy mến đồng chí.

- Thực à ?

- Thực.

Bà giám đốc đáp lại.

 - Thôi nào, một bà già như tôi !

Edouard không thể làm gì khác hơn là trả lời :

- Không đúng đâu.

 - Ðúng chứ.

Edouard chỉ có thể nói rất ân cần :

- Ðồng chí không già chút nào. Nói như vậy là ngu xuẩn.

- Ðồng chí tin vậy à ?

- Dĩ nhiên. Tôi mến đồng chí lắm.

- Ðừng nói dối đấy nhé. Ðồng chí biết là không được nói dối.

- Tôi không nói dối. Ðồng chí đẹp.

Bà giám đốc bĩu môi hoài nghi.

- Ðẹp ?

- Vâng, đẹp.

Edouard nói, và như e ngại sự khó tin lộ liễu của lời xác nhận đó, anh vội vàng chống chế bằng luận cứ khác :

- Tôi thích những người tóc nâu như đồng chí.

Bà giám đốc hỏi :

- Ðồng chí thích người tóc nâu ?

Edouard trả lời :

- Ðiên cuồng.

- Vậy thì sao không bao giờ đồng chí đến thăm tôi từ khi tới trường ? Tôi có cảm tưởng là đồng chí muốn tránh mặt.

Edouard đáp :

 - Tôi ngại. Mọi người sẽ cho là tôi liếm gót đồng chí. Sẽ không ai tin rằng tôi đến thăm chỉ vì mến đồng chí cả.

 Bà giám đốc nói :

- Bây giờ thì đồng chí chẳng có gì phải sợ nữa. Nay người ta đã ra quyết định là mình phải thỉnh thoảng gặp nhau.

Bà nhìn vào mắt anh với đôi ngươi nâu to (phải công nhận là đâu phải không đẹp), và khi anh chào ra về, bà vuốt ve nhè nhẹ tay anh, đến nỗi anh chàng dại dột này từ giã bà với cảm giác lâng lâng của kẻ chiến thắng.

 

7

Edouard chắc mẫm rằng câu chuyện phiền toái này đâm ra có lời cho anh, và chúa nhật sau đó tới nhà thờ với Alice trong vẻ nhởn nhơ trơ trẽn ; hơn thế nữa, anh đã lấy lại sự an tâm hoàn toàn, vì (mặc dù ý tưởng này chỉ gợi nơi ta nụ cười tội nghiệp) cuộc viếng thăm bà giám đốc, nghĩ lại, đã cung cấp cho anh bằng cớ hùng hồn về vẻ duyên dáng nam nhi của mình.

Vả lại, chúa nhật đó, Edouard nhận thấy ngay khi vừa tới nhà thờ là Alice có gì thay đổi : họ mới gặp nhau là cô nắm ngay cánh tay anh không buông ra nữa, ngay cả bên trong thánh đường ; bình thường, cô tỏ vẻ kín đáo dè dặt, nhưng hôm ấy cô quay khắp mọi hướng gật đầu tươi cười chào cả chục bạn bè và người quen biết.

Thật lạ lùng, anh chẳng hiểu gì cả.

Hôm sau nữa, khi đi dạo trên những con đường tối, Edouard ngạc nhiên xác nhận là những cái hôn của Alice, bình thường nhạt nhẽo một cách đáng buồn bao nhiêu, nay bỗng dưng trở thành ướt át, ấm áp cuồng nhiệt bấy nhiêu. Khi cùng cô dừng lại áp vào cột đèn, anh thấy đôi mắt đắm đuối nhìn mình.

- Em thương anh, anh biết không - Alice đột ngột nói với giọng nồng nàn, và cô bịt miệng anh ngay - Không, đừng nói gì hết. Em xấu hổ vì em. Em không muốn nghe gì cả.

 Họ đi thêm mấy bước nữa rồi dừng và Alice nói :

- Bây giờ thì em hiểu tất cả. Em hiểu vì sao anh trách móc sự hờ hững của em.

Nhưng Edouard chẳng hiểu gì ráo và ưng giữ im lặng ; họ lại đi vài bước nữa rồi Alice bảo :

- Còn anh thì chẳng chịu nói gì cả. Tại sao anh không nói với em ?

- Mà em muốn anh nói với em cái gì ?

- A, đúng là anh - Alice nói với vẻ hứng khởi nhưng trầm tĩnh - Người khác thì đã phô trương khoác lác rầm rĩ, còn anh thì im. Nhưng chính vì vậy mà em thương anh.

 Edouard bắt đầu hiểu chuyện gì nhưng vẫn hỏi :

- Em nói chuyện gì ?

- Về những chuyện đã xảy ra cho anh.

 - Mà làm sao em biết ?

- Coi kìa ! Ai mà không biết. Họ gọi anh lên, họ hăm dọa anh, còn anh thì cười vào mũi họ. Anh không chối bỏ gì hết. Ai cũng khâm phục anh.

- Nhưng anh không hề nói gì với ai cả.

- Ðừng ngây thơ. Chuyện như vậy thường gây chấn động ngay. Dầu sao cũng đâu phải chuyện đùa. Anh tưởng thời buổi này mà còn dễ kiếm một người có chút can đảm à ?

Edouard thừa biết là ở tỉnh nhỏ, một hiện tượng chẳng đáng gì cũng mau chóng biến thành giai thoại, song anh không ngờ giai thoại lại có thể phát sinh ngay từ những chuyện tầm phào mà bản thân anh cũng không bao giờ xem là quan trọng. Anh chưa hiểu thấu đáo đồng bào cần anh tới mức nào : họ vô cùng yêu kính các thánh tử đạo như mọi người đều biết, bởi vì các vị chứng minh bằng chính sự hiện hữu của mình, rằng cuộc đời chỉ cho phép ta chọn lựa giữa hoặc nhắm mắt tuân lệnh hoặc bị bịt mắt lôi ra pháp trường, và qua đó, xác nhận sự bất động thoải mái của họ là đúng đắn. Không ai còn nghi ngờ là Edouard sẽ bị giao cho đao phủ, và mọi người phao tin này với vẻ thán phục mãn nguyện, đến nỗi giờ đây, qua trung gian Alice, Edouard nhìn thấy ngay trước mắt hình ảnh huy hoàng bản thân mình đang bị đóng đinh trên thập tự giá. Anh phản ứng với tất cả điềm nhiên nói :

- Dĩ nhiên là anh không chối gì cả. Nhưng mà tự nhiên thôi. Bất cứ ai cũng xử sự như vậy.

Alice kêu lên :

- Bất cứ ai ?. Thử nhìn chung quanh xem cách thiên hạ cư xử ! Hèn lắm ! Họ dám chối cả mẹ đấy !

Edouard im, Alice cũng im. Họ sánh bước, nắm tay nhau. Rồi Alice nói nhỏ :

- Em sẽ làm bất cứ cái gì vì anh.

Ðó là câu hưa hề ai nói với Edouard ; câu nói đó là một ân sủng của Trời. Tất nhiên, đâu phải Edouard không biết đây là ân huệ mà anh không xứng đáng. Nhưng anh nghĩ, bởi vì số phận đã từ chối ban cho những gì anh đáng được hưởng, thì bây giờ anh có quyền nhận những cái mình không xứng đáng. Anh nói :

- Chẳng ai làm gì cho anh được nữa !

Alice thì thầm :

- Sao vậy ?

- Họ sẽ đuổi anh khỏi trường, và những kẻ coi anh như người hùng sẽ không vì anh mà rục rịch, dù chỉ một ngón tay. Ðiều duy nhất chắc chắn là : cuối cùng, anh sẽ hoàn toàn cô độc.

Alice vừa nói vừa lắc đầu :

- Không đâu.

- Thật thế.

Alice lặp lại gần như hét lên :

- Không !

- Mọi người đều đã bỏ rơi anh.

- Em sẽ không bao giờ bỏ rơi anh.

Edouard buồn rầu nói :

- Cả em nữa, cuối cùng rồi em cũng sẽ bỏ rơi anh thôi.

- Không bao giờ !

-

-- Thật thế, Alice à, em đâu có yêu anh. Em chưa bao giờ yêu anh hết cả.

- Không đúng.

Alice nói khẽ, và Edouard mãn nguyện xác nhận là mắt cô sũng ướt.

- Không, Alice à. Mấy chuyện đó anh cảm thấy được mà. Em luôn luôn tẻ lạnh với anh. Khi yêu, không bao giờ người đàn bà cư xử như vậy. Anh biết mà. Và bây giờ em cảm thấy thương hại anh, bởi vì em biết là người ta sắp triệt hạ anh. Nhưng em không yêu anh và anh không muốn em có những ý nghĩ sai lạc trong đầu.

Họ vẫn bước đều, cùng im lặng, tay trong tay. Alice khóc lặng lẽ, nhưng thình lình cô dừng lại nói giữa cơn nức nở :

- Không, không đúng ! Anh không có quyền nói như vậy. Không phải đâu.

- Phải mà.

Và vì Alice vẫn cứ khóc, anh đề nghị cô về nhà quê với anh thứ bảy tới. Nơi anh của anh có căn nhà nghỉ mát, trong thung lũng xinh xắn bên bờ sông, và chỉ có hai đứa với nhau thôi. Mặt đẫm lệ, Alice nín thinh chấp thuận.

 

8

Chuyện đó xảy ra hôm thứ ba, và khi được mời tới nhà bà giám đốc lần nữa ngày thứ năm, Edouard đến với lòng an nhiên vui vẻ, bởi anh tin chắc sự duyên dáng của mình sẽ biến đổi hoàn toàn vụ việc nhà thờ thành làn khói mỏng manh. Nhưng điều thường xảy ra trong đời là : cứ tưởng tượng sẽ đóng vai mình chọn trong vở kịch nào đó, nhưng lại không ngờ phối cảnh đã bị kín đáo thay đổi, đến nỗi kịch sĩ ta phải thủ diễn vai tuồng khác, hoàn toàn không tập dượt.

Edouard ngồi trong cùng cái ghế hôm trước, đối diện với bà giám đốc ; giữa họ là cái bàn thấp có chai cô-nhắc hai ly hai bên. Và chai cô-nhắc này chính là cách bày biện mới mà một người đàn ông tinh tế chừng mực phải hiểu ngay nó không còn liên hệ gì đến câu chuyện nhà thờ nữa.

Nhưng lúc đầu chàng Edouard ngây thơ quá tự mãn về mình nên không cảm thấy gì ngay. Anh vui vẻ tham dự vào cuộc trò chuyện mào đầu (về đề tài chung chung mơ hồ), nốc cạn ly và lộ vẻ mau chán chuyện một cách không thể nào ngờ nghệch hơn. Sau khoảng nửa tiếng hay một tiếng đồng hồ, bà giám đốc khéo léo luồn đề tài có tính cách riêng tư vào câu chuyện ; bắt đầu nói về mình, lâu ly, và những lời này phải đặt trước Edouard một nhân vật với những nét bà muốn có : một người đàn bà biết điều, đứng tuổi, không sung sướng lắm, nhưng đàng hoàng và cam phận, một người đàn bà chẳng những không hối tiếc gì mà còn hài lòng đã sống độc thân, bởi vì nếu lập gia đình thì bà ta đã không nếm được trọn vẹn hương vị độc lập và thoả thích riêng tư trong căn hộ nhỏ xinh xắn - nơi bà thấy rất hạnh phúc và hy vọng Edouard cũng không thấy bực bội.

- Không, ở đây tôi thấy rất dễ chịu.

Edouard nói điều đó với giọng nghèn nghẹn, bởi vì bất chợt anh cảm thấy không thoải mái. Chai cô-nhắc (mà anh đã thiếu cẩn trọng đòi hỏi trong lần gặp đầu) đang hiện diện trên bàn (với sự vội vàng doạ dẫm), bốn bức tường của căn hộ (giới hạn không gian càng lúc càng hẹp, càng lúc càng khép kín), cuộc độc thoại của bà giám đốc (tập trung vào những đề tài càng lúc càng riêng tư), cái nhìn của bà (dán chặt vào anh một cách nguy hiểm), tất cả những thứ đó khiến anh từ từ ý thức được sự thay đổi chương trình ; anh chợt hiểu mình đang bị đặt trong tình trạng mà sự tiến hoá không còn tránh được nữa ; và anh thấy rõ ràng điều nguy hiểm cho nghề nghiệp mình không phải mối ác cảm của bà giám đốc đối với anh, mà trái lại, chính là ác cảm xác thịt của anh trước người đàn bà xương xẩu với hàng lông dưới mũi đang thôi thúc anh uống tiếp. Anh thấy cổ họng nghẹn lại.

Anh vâng lời bà giám đốc và cạn ly, nhưng hiện thời nỗi lo âu mạnh tới nỗi rượu vào cũng vô hiệu. Trái lại, bà giám đốc đã uống nhiều ly, đã hoàn toàn bỏ hẳn thái độ dè dặt thường lệ, và lời lẽ bà chứa đựng nỗi hưng phấn hầu như đe doạ :

- Có một điều tôi thèm muốn ở cậu, đó là sự trẻ trung. Cậu chưa thể hiểu thế nào là thất vọng, là hết ảo tưởng. Cậu còn nhìn thế giới dưới màu sắc của hy vọng và cái đẹp.

Bà chồm tới ngang mặt Edouard trên chiếc bàn thấp, và trong một im lặng buồn bã (với nụ cười đông cứng) bà dán cái nhìn vào anh cặp mắt thật to ; còn anh, lúc ấy, tự nhủ rằng nếu không say được chút nào, thì e buổi tối nay sẽ là một thất bại ghê gớm của mình. Anh trút rượu vào ly nốc nhanh một hơi dài.

- Nhưng tôi muốn nhìn cuộc đời dưới cùng những màu sắc ấy, những màu sắc như ở cậu !

Rồi bà rời ghế, ưỡn ngực lên và nói :

- Có thực là cậu có cảm tình với tôi không ? Thực không ?

Bà đi vòng cái bàn, rồi nắm tay áo Edouard :

- Thật không ?

- Thật !

- Tới đây, mình nhảy.

Bà thả tay áo Edouard tiến tới bấm nút rađiô, vặn cho tới lúc bắt được nhạc khiêu vũ. Rồi bà đứng lên, tươi cười trước mặt anh. Edouard cũng đứng lên, ôm bà giám đốc dìu ngang căn phòng theo điệu nhạc. Bà giám đốc đặt nhẹ đầu lên vai anh, rồi thình lình ngước lên nhìn vào mắt anh hát lầm rầm.

Edouard khó chịu tới nỗi rời bà giám đốc nhiều lần để uống. Anh không còn ao ước nào mãnh liệt hơn là chấm dứt trò dập dờn bất tận khiếp đảm này, đồng thời cũng rất sợ lúc chấm hết, bởi vì chắc nó còn hãi hùng hơn nữa. Cho nên anh cứ tiếp tục dìu người đàn bà đang hát nho nhỏ ngang dọc trong căn phòng chật chội, vừa nhảy vừa rình (với nỗi sốt ruột đầy âu lo) cái hậu quả trông đợi ở rượu. Khi cuối cùng có cảm tưởng là mọi giác quan đều đã rối nhoà với hơi cô-nhắc, một tay anh ghì bà giám đốc vào người, còn tay kia thì đặt lên ngực bà.

Vâng, Edouard vừa làm cử chỉ mà chỉ nghĩ tới thôi cũng đủ làm anh ghê rợn từ lúc bắt đầu buổi tối ; không biết anh sẵn sàng trả cái giá nào để khỏi phải làm, và nếu dẫu sao anh cũng đã làm rồi thì, cứ tin tôi đi, chính vì anh bị bắt buộc phải làm ; tình huống anh lạc vào ngay từ ban chiều không cho lối thoát nào nữa ; người ta có thể làm nó chậm lại, nhưng không có cách nào ngăn cản, đến nỗi khi để tay lên ngực bà giám đốc, anh chỉ tuân hành mệnh lệnh của một tất yếu không tài nào tránh khỏi.

Song hậu quả của thái độ Edouard đã vượt quá mọi dự đoán. Như dưới phép lạ chiếc đũa thần, bà giám đốc bắt đầu trăn trở trong tay anh, rồi áp vào miệng anh cái môi trên lông lá của mình. Sau đó bà ta đẩy anh xuống đi-văng, rồi với cử chỉ co quíu hơi thở hổn hển, bà cắn vào môi và đầu lưỡi làm Edouard đau điếng. Tới đó bà vuột khỏi tay anh nói « Chờ tí ! », rồi chạy vào phòng tắm.

Edouard liếm ngón tay thấy lưỡi chảy tí máu. Vết cắn đau đến nỗi làm lắng ngay chút cơn say đã khó nhọc chuốc lấy, và anh lại thấy cổ họng nghèn nghẹn lần nữa với ý thức những gì đang chờ đợi mình. Anh nghe tiếng nước chảy ồn ào từ phòng tắm. Anh chộp chai cô-nhắc đưa lên môi tu ừng ực.

Nhưng bà giám đốc lại xuất hiện ở cửa, mặc chiếc áo ngủ trong suốt (có đăng ten trên ngực), từ từ tiến đến Edouard. Bà ôm anh. Rồi lại tránh ra giọng trách móc :

- Sao cậu còn bận đồ ?

Edouard bỏ áo vét và vừa nhìn bà giám đốc (đang dán vào anh cặp mắt thực to), anh chỉ ngại một điều, là thân xác có thể sẽ phá hoại ý chí anh. Vì thế, nhằm kích thích dục vọng, anh nói với giọng không mấy chững chạc :

- Cởi hết đồ ra.

Bằng cử chỉ mạnh bạo, bà ngoan ngoãn lột cái áo ngủ với tất cả nhiệt tình, để lộ thân hình mảnh khảnh trắng hếu và chùm lông rậm đen nổi bật lên trong cảnh chơ vơ tẻ ngắt. Bà tiến tới gần, chầm chậm, và Edouard chợt nhận ra với tất cả hãi hùng những gì đã đoán trước : đúng là thân thể anh hoàn toàn tê liệt bởi lo âu.

Thưa quý vị, tôi biết rằng với thời gian chắc quý vị đã quen với những bất tuân tạm thời của thân thể, và điều đó chẳng mảy may làm quý vị lo âu. Nhưng quý vị không hiểu ư ? Edouard lúc bấy giờ đang ở tuổi thanh xuân mà ! Cho nên mỗi bận phá thối của thân xác đều đẩy anh vào cơn kinh hoảng cùng cực, và anh coi đó như vết nhục không thể cứu chữa được, dù nhân chứng của những lúc trớ trêu ấy là khuôn mặt xinh xắn nào, hay bộ mặt buồn cười xấu xí như bà giám đốc. Rồi họ chỉ còn cách nhau một bước, và anh phát hoảng vì không biết phải làm gì, bất chợt không hiểu sao (đây là hậu quả của cơn xung động hơn là thủ đoạn có suy nghĩ) anh buột mồm nhảy tránh sang bên :

- Ðừng, đừng, lạy Chúa, đừng ! Ðó là tội lỗi, đó sẽ là tội lỗi !

Nhưng bà giám đốc vẫn tiến tới lẩm bẩm :

- Sao lại tội lỗi ? Chẳng có gì là tội lỗi sất !

Edouard tị nạn sau cái bàn mà mấy phút trước họ cùng ngồi với nhau :

- Không, tôi không có quyền, tôi không có quyền.

Bà giám đốc đẩy chiếc phô-tơi cản đường tiếp tục tới gần Edouard, cặp mắt to đen vẫn chằm chặp không rời :

- Chả tội lỗi gì cả, chả tội lỗi gì cả !

Edouard đi vòng cái bàn, chỉ còn bộ đi-văng đằng sau anh thôi ; bà giám đốc thì sát bên cạnh rồi. Không thoát được nữa, và chắc là do nỗi tuyệt vọng cực độ của giây phút cùng đường này sai khiến, anh ra lệnh :

- Quỳ xuống !

Bà nhìn không hiểu, nhưng khi giọng nói tuyệt vọng mà cứng rắn lặp lại : « Quỳ xuống », thì bà quỳ xuống trước mặt anh nhiệt tình và ôm chân anh.

- Buông tôi ra ! Anh hét lên. Chắp tay lại !

Một lần nữa bà lại nhìn anh không hiểu.

- Chắp tay lại ! Nghe chưa ?

Bà chắp tay. Anh hạ lệnh :

- Ðọc kinh đi !

Bà chắp hai tay lại nhìn lên anh với đôi mắt nhiệt cuồng. Anh la to :

- Ðọc kinh đi ! Ðể Chúa tha tội cho chúng ta !

Hai tay vẫn chắp, bà nhìn Edouard với cặp mắt to đến nỗi ngoài việc lời được chút thì giờ quý báu trong tư thế từ trên cao nhìn xuống này, anh bắt đầu thấy mất đi ý nghĩ khủng khiếp rằng mình chỉ là con mồi, nên tìm lại được sự an tâm. Anh lùi lại để có cái nhìn toàn thể về bà và nhắc lại mệnh lệnh :

- Ðọc kinh đi !

Rồi vì bà vẫn tiếp tục im lặng, anh hét :

- Ðọc to lên !

Mà thực : người đàn bà quỳ gối, gầy guộc và trần truồng, bắt đầu đọc : « Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, ý Cha ngự đến... »

Vừa đọc những lời kinh này, bà vừa nhìn lên Edouard như thể chính anh là Ðức Chúa Trời. Anh quan sát bà với một thích thú gia tăng : cái bà quỳ trước mặt anh là bà giám đốc đang bị kẻ dưới tay hạ nhục ; cái bà quỳ trước mặt anh là nhà cách mạng vô thần đang bị động tác cầu nguyện lột truồng hạ nhục ; cái bà quỳ trước mặt anh là một người đàn bà cầu nguyện đang bị sự trần truồng của mình hạ nhục.

Hình ảnh điếm nhục ba mặt này làm Edouard ngây ngất, và một việc không chờ đợi lại xảy ra : xác thịt anh chấm dứt trò kháng chiến thụ động : cu cậu cửng lên !

Tới lúc bà giám đốc nói : « Nhưng chớ để chúng con sa chước cám dỗ », anh vội vã bứt hết áo quần. Khi bà vừa xong « Amen », anh cuồng bạo kéo đứng lên lôi tới đi-văng.

 

9

Chuyện đó xảy ra ngày thứ năm, thứ bảy Edouard dẫn Alice về nhà quê, tới nhà anh mình. Anh của Edouard đón tiếp vui vẻ và cho mượn chìa khóa căn nhà nghỉ mát.

Hai kẻ yêu nhau dạo chơi suốt buổi chiều trong rừng và trên đồng cỏ. Họ hôn nhau và Edouard có thể xác nhận, bằng chính đôi tay mãn nguyện, là đường ranh tưởng tượng vạch ngang rốn, để ngăn cách vùng ngây thơ vô tội với vùng thông dâm tội lỗi, đã hoàn toàn mất hết giá trị. Phản ứng đầu tiên của anh là muốn xác nhận bằng lời cái biến cố chờ đợi đã lâu này, nhưng anh ngần ngừ rồi nghĩ tốt hơn hết nên giữ im lặng.

Có thể Edouard đã nhận thức rất chín chắn : sự trở trái bất ngờ của Alice rõ ràng không dính líu gì đến cố gắng anh đã vận dụng trong nhiều tuần lễ để thuyết phục cô, nó chẳng liên hệ gì đến luận điệu duy lý của anh. Ngược lại, nó chỉ được xây dựng trên tin đồn tuẫn đạo của Edouard, nghĩa là trên một ngộ nhận, và ngay cả cái kết luận mà Alice rút ra từ sự nhầm lẫn này cũng hoàn toàn phi lý. Bởi vì, chúng ta thử suy nghĩ lại một chút mà xem : tại sao Alice phải vi phạm thánh luật, chỉ vì anh giữ đức tin đến mức có thể lụy thân vì đạo ? Chẳng lẽ cô phải phản bội Chúa trước Edouard, chỉ vì anh đã từ chối phản bội Chúa trước ủy ban điều tra của trường hay sao ?

Trong những điều kiện này, một chút sơ hở nào tuyên bố ra cũng có nguy cơ là lật tẩy cho Alice thấy sự bất nhất của thái độ mình. Vậy nên tốt hơn hết là Edouard im lặng, và sự câm nín của anh chẳng gây chút chú ý nào, vì Alice tự nói một mình đủ rồi, cô vui vẻ không có gì chứng tỏ rằng sự thay đổi trong tâm hồn mình là bi thảm hay đau đớn cả.

Khi đêm xuống, họ trở về căn nhà nghỉ mát, thắp đèn, trải giường ra, rồi hôn nhau, và Alice yêu cầu Edouard tắt đèn. Nhưng vì cửa sổ vẫn để lọt vào cái tranh tối tranh sáng ban đêm, Edouard cũng phải đóng nốt cửa sổ lại theo lời yêu cầu của Alice. Trong bóng tối hoàn toàn, Alice cởi bỏ hết quần áo hiến thân cho anh.

Edouard đã chờ đợi giây phút này trong bao tuần nay, và lạ lùng chưa, bây giờ khi cuối cùng đã hoàn tất, tầm quan trọng của nó lại không tương ứng chút nào với sự chờ đợi lâu lắc của anh. Ðộng tác làm tình, ngược lại, có vẻ dễ dàng và tự nhiên tới nỗi anh hơi đãng trí và cố xua đuổi một cách vô hiệu ý nghĩ thoáng qua trong đầu : Edouard hình dung lại nỗi khổ tâm mình trước sự lạnh nhạt của Alice trong nhiều tuần dài lê thê vô ích vừa qua, anh hình dung lại tất cả những phiền toái cô đã gây cho anh ở trường, và thay vì biết ơn cô đã tự hiến thân cho mình, anh lại cảm thấy oán hận hằn thù. Anh phẫn nộ cô đã phản bội ông Chúa-Chống-Thông-dâm của cô, mà trước kia cô cuồng nhiệt sùng bái, một cách quá dễ dãi không ân hận. Anh phẫn nộ là không một ham muốn, một biến cố, một xáo trộn nào có khả năng dao động sự bình thản của cô ; anh phẫn nộ là cô đã sống như thế không hề cảm thấy bị xâu xé, mà trái lại quá dễ dàng và đầy tự tin. Dưới ách nặng của sự căm phẫn này, Edouard cố yêu cuồng bạo điên khùng, để khiến cô phải thốt lên một tiếng kêu, một tiếng rên, một lời phàn nàn, hay chỉ một lời gì, nhưng anh thất bại. Cô bé hoàn toàn câm nín và bất kể mọi nỗ lực của anh, sự quấn quýt của họ chấm dứt một cách khiêm tốn trong yên lặng.

Sau đó cô thu rúc vào lòng anh thiếp ngủ dễ dàng, trong khi Edouard còn tỉnh táo rất lâu để nhận thức là mình không cảm thấy chút hạnh phúc nào. Anh cố hình dung Alice (không phải diện mạo bên ngoài, mà trong thực chất con người) và anh chợt hiểu là anh chỉ biết cô rất tản mạn.

Chúng ta hãy dừng lại chỗ này chốc lát : Alice, như vẫn hiển hiện trước mắt anh cho đến bây giờ, là một sinh vật cứng cáp dù còn ngây thơ, với đường nét khá rõ ràng : trong mắt Edouard, dường như ở cô, sự đơn giản đáng yêu của thân thể hoàn toàn phù hợp với sự giản dị sơ đẳng của đức tin, và sự đơn giản của thân phận là nguyên do của thái độ hành xử. Cho tới lúc ấy, anh vẫn xem cô là một thực thể nhất quán chặt chẽ : mặc dù đã trêu chọc, nguyền rủa, mưu lừa cô bằng xảo thuật, anh không thể không quý trọng cô (dù là bất đắc dĩ).

Nhưng bây giờ thì cái bẫy của tin đồn (cái bẫy mà Edouard không dự tính) đã bẻ gẫy sự thống nhất của nhân vật này, và anh tự nhủ là những ý tưởng của Alice thực sự chỉ là lớp dát trên số mệnh cô thôi, cũng như thân phận cô chỉ là lớp dát trên thân thể cô, và anh chỉ còn nhìn thấy ở cô sự kết hợp hoàn toàn ngẫu nhiên giữa một thân xác, vài ý tưởng với một dòng đời, một sự lắp ráp vô cơ, võ đoán và mong manh. Edouard hình dung lại Alice (đang thở sâu bên trũng vai anh) nhìn thấy một bên là thân thể cô và bên kia là những ý tưởng. Anh ham thích thân thể này, còn ý tưởng thì anh thấy buồn cười, và thân xác cùng với những ý tưởng đó không tạo nên sự thuần nhất nào cả ; anh thấy cô như đường vẽ mất hút trong tờ giấy thấm : chẳng còn đường nét nào, hình thù gì rõ ràng.

Vâng, Edouard thực sự ham thích tấm thân này. Sáng hôm sau khi Alice thức dậy, anh buộc cô phải để trần truồng, và cô, mới hôm qua, còn bắt phải đóng cửa sổ, bẻn lẽn vì ánh sáng nhợt nhạt các vì sao, thì bây giờ đã quên đi sự thẹn thùng của mình. Anh quan sát cô (tung tăng vui vẻ đi tìm gói trà và bánh nướng ăn sáng), và lát sau cô phát hiện anh có vẻ lo âu. Cô hỏi có chuyện gì. Edouard trả lời là phải đi thăm người anh sau bữa điểm tâm.

Vì ông anh hỏi ở trường mọi việc ra sao, Edouard trả lời là không đến nỗi tệ, ông anh bảo :

- Con mẹ Cechackowa này là một con khốn nạn, nhưng anh đã tha lỗi cho con mẻ từ lâu rồi. Anh tha lỗi vì con mẻ không hiểu con mẻ làm gì. Con mẻ muốn làm hại anh, nhưng chính nhờ con mẻ mà anh được sung sướng như vầy. Anh sống khá hơn với nghề trồng trọt, và sự tiếp xúc với thiên nhiên cứu anh khỏi những hoài nghi mà dân thành thị hay mắc phải.

- Em cũng vậy, bà này đem lại cho em may mắn.

Edouard nói với vẻ suy tư, và kể cho ông anh nghe là anh yêu Alice, là anh đã giả vờ tin vào Chúa, rằng anh đã phải ra trước hội đồng, rằng cái bà Cechackowa này muốn cải tạo anh, và rằng Alice cuối cùng đã hiến thân cho anh, coi anh như thánh tử đạo. Nhưng anh không kể hết cặn kẽ đã buộc bà giám đốc đọc kinh « Lạy Cha » như thế nào, vì chợt có cảm tưởng bắt gặp tia nhìn trách móc trong mắt ông anh. Anh nín im và ông anh bảo :

- Có thể anh có nhiều khuyết điểm, nhưng có một điều anh chắc chắn. Anh không bao giờ đóng kịch và luôn luôn nói với mọi người những gì anh nghĩ, trước mặt.

Edouard rất yêu quý ông anh và vẻ không tán đồng của ông làm anh thấy tổn thương. Anh muốn biện minh và họ lại bắt đầu cãi nhau. Ðể chấm dứt, Edouard nói :

- Em biết anh luôn luôn là người ngay thẳng và anh hãnh diện về điều đó. Nhưng anh cứ tự hỏi xem : tại sao phải nói sự thật ? Cái gì bắt buộc ta ? Và tại sao phải coi sự chân thành là một đức tính ? Giả dụ anh gặp thằng điên tự cho mình là con cá, cứ một mực cho rằng tất cả mọi người đều là cá. Anh có cãi lý với hắn không ? Anh có cởi hết quần áo trước mặt hắn để chứng minh là anh không có vây không ? Có nói cho hắn nghe trước mặt là anh đang nghĩ gì không ? Nói em nghe đi !

Ông anh nín thinh, Edouard tiếp lời :

- Nếu anh chỉ nói lên sự thật, chỉ nói những gì anh thực sự nghĩ về hắn, điều đó có nghĩa là anh bằng lòng tranh luận đứng đắn với một thằng khùng, là chính anh cũng điên nốt. Với tất cả người chung quanh ta cũng vậy thôi. Nếu anh cứ khăng khăng nói sự thật với họ, có nghĩa là anh coi điều họ nói là quan trọng. Và coi là nghiêm trọng cái không lấy gì làm quan trọng cho lắm, tức là đã tự mình đánh mất hết cả sự đứng đắn của mình rồi. Em thì, em phải nói dối để không quan trọng hoá mấy thằng khùng và để tự mình khỏi phát điên !

 

10

Ngày chúa nhật trôi qua và đôi tình nhân quay về ; chỉ có họ trong toa tàu (một lần nữa, cô bé lại líu lo vui vẻ) và Edouard nhớ lại rằng chỉ mới đây anh còn hoan hỉ đến mức nào, với ý nghĩ sẽ tìm thấy trong con người hồn nhiên của Alice sự nghiêm chỉnh mà những ràng buộc đời sống không bao giờ mang lại cho anh, và anh buồn bã hiểu ra (trong khi bánh xe đập tình tứ vào các điểm nối đường rầy) rằng cuộc phiêu lưu tình ái vừa sống với Alice quả là dấm dớ, nó chỉ nẩy nở bởi tình cờ và nhầm lẫn, thiếu đứng đắn và vô nghĩa ; nghe lại những lời, nhìn lại cử chỉ của Alice (cô đang siết tay anh), anh cho đó là những dấu hiệu chẳng nghĩa lý gì, là loại giấy bạc không tiền bảo chứng, là khối nặng của giấy lộn ; anh không thể cho nó giá trị nào hơn là cái giá trị mà Ðức Chúa có thể cấp cho lời cầu nguyện của bà giám đốc trần truồng. Và bỗng nhiên Edouard tự nhủ rằng tất cả những con người anh đang chung đụng trong thành phố này thực sự chỉ là những đường vẽ chìm hút trong tờ giấy thấm, là những sinh vật mà thái độ cư xử hoàn toàn có thể đánh đổi được, những sinh vật không có thực chất bền vững. Nhưng điều tệ hại hơn, tệ hại hơn nhiều (anh tự nhủ sau đó) là chính anh cũng chỉ là cái bóng mờ của những nhân-vật-bóng-ma này, bởi vì anh đã vét cạn trí thông minh của mình trong ý đồ duy nhất là thích nghi với và rập khuôn theo họ ; và cho dẫu anh có khinh thường, bắt chước họ với nụ cười trong bụng, cho dẫu anh có ngầm chế giễu họ (đồng thời biện minh cho cố gắng hoà đồng của mình) bằng cách ấy, sự kiện này cũng không thay đổi được gì hết, bởi vì sự bắt chước, ngay cả với ác ý, cũng chỉ vẫn là sự bắt chước, một cái bóng cười khẩy mỉa mai, cũng chỉ vẫn là một cái bóng, nghĩa là cái gì thứ yếu, phụ thuộc, khốn cùng.

Thực là sỉ nhục, sỉ nhục kinh khủng. Bánh xe vẫn đập tình tứ vào điểm nối đường rầy (cô bé líu lo) và Edouard nói :

- Alice, em có sung sướng không ?

- Có.

- Anh thì, anh tuyệt vọng.

- Anh điên hả ?

- Ðáng lẽ chúng ta đừng làm điều ấy. Không nên.

- Anh có chuyện gì vậy ? Chính anh muốn mà !

- Ừ. Ðó là cái lỗi lớn nhất của anh, Chúa sẽ không tha thứ anh. Ðó là tội lỗi, Alice à.

- Em van anh, có chuyện gì vậy ? Cô gái trầm tĩnh nói. Chính anh cứ lặp đi lặp lại là Chúa muốn tình yêu, trước hết là tình yêu mà !

Khi Edouard nhận thấy Alice đã điềm nhiên chiếm hữu câu ngụy biện thần học mà mới đây còn chẳng hiệu quả gì cho cuộc chiến đấu gay go của anh, anh phát cáu.

- Anh nói vậy để thử lòng em. Bây giờ thì anh biết em trung thành với Chúa đến mức nào ! Nhưng ai có thể phản bội Chúa, thì còn có khả năng phản bội con người gấp trăm lần !

Alice luôn luôn tìm ra câu trả lời mới, có sẵn. Nhưng nếu khôn ngoan hơn, thì cô đã chẳng nên nói ra, bởi vì những câu trả lời này chỉ khơi dậy cơn cuồng nộ báo thù của anh. Edouard nói rất lâu, nói nhiều và hay đến nỗi (anh dùng cả những chữ buồn nôn và ghê tởm xác thịt), rốt cuộc, anh cũng rứt ra được từ khuôn mặt bình thản và dịu dàng này một tiếng nấc, nước mắt và lời rên rỉ.

Ở nhà ga, anh nói « Vĩnh biệt » với cô bé và bỏ mặc cô ràn rụa. Khi về tới nhà, chỉ vài giờ sau, khi cơn thịnh nộ kỳ quái này cuối cùng dịu xuống, anh mới chợt ý thức tất cả hậu quả anh vừa gây ra : hình dung tấm thân đẹp đẽ mà, mới sáng nay thôi, còn trần truồng nhảy nhót trước mặt anh, và khi tự nhủ là chính anh đã tự nguyện xua đuổi nó, thì anh lại thấy ngu xuẩn và muốn cho mình vài cái tát.

Nhưng cái gì đã làm rồi là chuyện đã qua, và ta không thể thay đổi được gì nữa.

Dù sao, để tôn trọng sự thực, tôi phải nói thêm rằng : nếu ý nghĩ tấm thân đẹp đẽ kia từ nay vượt khỏi tầm tay mình đã gây cho Edouard nỗi buồn vu vơ, thì nó cũng là một mất mát mà anh cam chịu nhanh chóng. Sau khi đến thành phố nhỏ này ít lâu, anh đã đau khổ vì thiếu tình yêu xác thịt, nhưng đây chỉ là một thiếu thốn hoàn toàn tạm thời. Edouard không còn khổ sở vì sự thiếu hụt đó nữa. Anh đến thăm bà giám đốc mỗi tuần một lần (thói quen đã giải thoát thân thể anh khỏig lo âu lúc đầu), và anh quyết định sẽ còn tới bà đều đặn khi mà mọi việc ở trường chưa dứt khoát quang đãng. Hơn nữa anh còn thử quyến rũ nhiều bà, nhiều cô khác với sự thành công mỗi ngày một dễ dàng. Sự kiện này khiến anh đâm ra trân trọng những lúc cô độc hơn, và anh bắt đầu yêu thích những lúc đi dạo một mình mà thỉnh thoảng anh cũng lợi dụng (xin lưu ý thêm chút đỉnh về chi tiết này) để đánh một vòng tới nhà thờ.

Không, xin quý vị đừng sợ, Edouard không tìm thấy đức tin đâu. Tôi không có ý định thăng hoa câu chuyện bằng một nghịch lý hiển nhiên đến thế. Nhưng với ý nghĩ hầu như chắc chắn là Thượng đế không hiện hữu, Edouard thường trăn trở trong đầu ý nghĩ về Thượng đế, với lòng nuối tiếc.

Thượng đế chính là cái thực thể, trong khi Edouard (nhiều năm đã trôi qua từ sau cuộc phiêu lưu với Alice và bà giám đốc) chưa bao giờ tìm thấy thực tính trong tình yêu, trong nghề nghiệp, trong tư tưởng. Anh quá chân thật để chấp nhận rằng mình đã tìm thấy điều chính yếu trong đời ở những cái không có thực tính, nhưng anh cũng quá yếu đuối để không âm thầm ao ước cái gì có thực chất.

À, thưa quý bà quý ông, thật buồn khi sống mà không thể lấy gì làm nghiêm trọng, dù là sự vật hay con người.

Vì vậy mà Edouard cảm thấy ước vọng có Thượng đế, bởi vì chỉ có Người mới tránh được cái ràng buộc phải hiện, chỉ cần hữu mà thôi ; bởi vì chỉ có Thượng đế (chỉ có Người, duy nhất và không hiện hữu) mới là cái phản đề có thực chất với thế gian này, cái thế gian càng hiện hữu bao nhiêu lại càng không có thực tính bấy nhiêu.

Cho nên thỉnh thoảng Edouard tới ngồi trong nhà thờ hướng đôi mắt mơ màng lên vòm cung thánh đường. Và vào chính lúc đó thì chúng ta từ giã anh : buổi xế đã trôi qua, nhà thờ trở nên vắng lặng, Edouard ngồi trên băng gỗ cảm thấy buồn với ý nghĩ sao Thượng đế không hiện hữu. Nhưng trong giây phút ấy, nỗi buồn man mác đến nỗi thình lình từ trong tận cùng đáy lòng, anh nhìn thấy khuôn mặt thực và sống của Người. Hãy nhìn xem ! Thật đấy ! Edouard mỉm cười ! Anh cười, một nụ cười sung sướng...

Xin quý vị vui lòng giữ Edouard trong trí nhớ, với nụ cười sung sướng ấy.

MIÊNG

Dịch theo bản tiếng Pháp của François Kérel

« Edouard et Dieu »

Paris 1998

KUNDERA, Milan (1929-....)

  Viết truyện và kịch. Gốc Tiệp Khắc, Milan Kundera sinh tại Brno. Tốt nghiệp các ngành điện ảnh, âm nhạc, kịch nghệ ; dạy học tại Trường cao đẳng Phim ảnh ở Praha. Gia nhập Ðảng Cộng Sản Tiệp sau chiến tranh, bị trục xuất năm 1948. Sau biến cố 1968, tác phẩm của ông bị cấm ở Tiệp Khắc. Ông định cư tại Pháp từ năm 1975, và dạy học tại « Université de Rennes » (1975-1980), rồi « Ecole des hautes études en sciences sociales » ở Paris (1980 ->). Về văn học, tác phẩm của ông đã nhận được nhiều giải thưởng, cả quốc gia lẫn quốc tế, và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Kịch : « The Owners of the Keys », « Jacques et son maitre ». Truyện ngắn : « Laughable loves »... Truyện dài : « The Joke », « Life is elsewhere » (Medicis, Pháp, 1973), « La Valse aux adieux » (Premio Letterario Mondello, Ý, 1978), « Le Livre du rire et de l'oubli » (Common Wealth Award, Hoa Kỳ, 1981).

Truyện khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art