Thứ Ba, 31 Tháng Bảy, 2012

Nơi Kinh Đô Thế Giới

Nơi Kinh Đô Thế Giới

Madrid đầy những cậu con trai có tên Paco, vốn là cách gọi tắt của tên Francisco và có một câu chuyện cười Madrid về một ông bố đến thủ đô này và đặt một mẩu tin tìm người thân trên tờ El Liberal nói rằng: Paco, hãy gặp ba ở khách sạn Montana trưa thứ ba, mọi chuyện ba tha thứ hết, và sau đó cả một lữ đoàn vệ binh đã được huy động tới để giải tán tám trăm chàng thanh niên tụ tập ở khách sạn trên vì mẩu nhắn tin đó. Nhưng cậu Paco này, làm hầu bàn ở khách sạn Luarca, không có cha để chờ tha thứ và cũng không có lỗi gì để cha phải tha thứ. Cậu có hai cô chị làm hầu phòng cũng ở Luarca này, hai cô tìm được chỗ làm này nhờ cũng xuất thân từ một ngôi làng nhỏ như một cô hầu phòng ở Luarca trước đây, cô này đã tỏ ra là một người hầu phòng chăm chỉ và ngay thật, nhờ đó tạo tiếng thơm cho ngôi làng và những dân cư ở đó. Hai cô chị đó đã chi tiền xe cho cậu lên Madrid và xin cho cậu chân hầu bàn tập sự ở đây. Cậu đến từ ngôi làng nhỏ ở miền Extramadura đó, nơi điều kiện sống cực kỳ sơ khai, thức ăn thì hiếm hoi, không ai biết tới các tiện nghi và cậu đã phải làm việc cực khổ từ khi có trí nhớ.

Cậu có thân hình săn chắc với mái tóc đen và quăn, hàm răng đẹp và một làn da đến ngay các cô chị cũng phải ghen tị, cậu còn có một nụ cười cởi mở và hồn nhiên. Cậu rất mau mắn chân tay, làm việc tốt và yêu thương các chị, các cô này trông xinh đẹp và lõi đời; cậu yêu Madrid vốn thời đó vẫn còn là một nơi ngoài sức tưởng tượng của nhiều người; cậu cũng yêu công việc của mình, dưới ánh đèn sáng sủa, khăn trải bàn tinh tươm, những bộ dạ phục và thức ăn đầy trong bếp, tất cả có vẻ tuyệt vời một cách lãng mạn.

Thường có khoảng từ tám đến hơn chục người sống tại khách sạn Luarca này và ăn uống ở đây nhưng với Paco, người nhỏ tuổi nhất trong ba hầu bàn, những khách duy nhất thực sự đáng kể là những tay đấu bò.

Những tay đấu bò hạng hai sống ở khách sạn đó bởi vì có một địa chỉ trên đường Calle San Jeronimo cũng là bảnh, thức ăn lại ngon còn tiền phòng ốc ăn ở thì rẻ. Một tay đấu bò thì rất cần có mẽ ngoài, nếu không phải một cái mẽ giàu có thì ít nhất cũng là một cái mẽ đáng kính, bởi vì ở Tây Ban Nha, sự lịch duyệt và phong thái đường bệ còn được đánh giá cao hơn cả lòng can đảm, nên các tay đấu bò cứ ở tại Luarca cho đến khi tiêu hết đồng bạc cuối cùng. Không có ghi chép nào cho thấy từng có một tay đấu bò rời khỏi Luarca để đến một khách sạn sang trọng và tiện nghi hơn; các tay đấu bò hạng hai chẳng bao giờ lên được hạng nhất, nhưng cái bước suy tàn từ chỗ Luarca này thì rất nhanh vì những tay trọ ở đó chẳng thấy làm được điều gì đáng kể, và hóa đơn tính tiền chẳng bao giờ được đưa cho khách nếu họ không yêu cầu hoặc cho đến khi bà quản lý khách sạn đánh giá người khách đó đã đến lúc vô vọng.

Vào lúc ấy thì có ba tay đấu bò (matador) sống ở Luarca cùng với hai tay trợ thủ dùng giáo (picador) lành nghề và một tay trợ thủ dùng mác (banderillero) xuất sắc. Khách sạn Luarca là quá sang trọng đối với các picador và banderillero vốn có gia đình ở Seville nhưng cần lưu trú ở Madrid trong mùa đấu bò những tháng xuân, nhưng họ được trả lương ngon lành và làm việc ổn định cho các đấu thủ đã có hợp đồng đầy đặc trong mùa đấu tới và cả ba tay trợ thủ đó còn kiếm được nhiều tiền hơn bất kì ai trong số ba tay đấu bò kia. Trong nhóm ba tay đấu bò đó, một thì đang bệnh nhưng cố giấu, một thì đã qua cái thời ngắn ngủi được coi là ngôi sao đang lên rồi, và tay thứ ba đã trở thành một kẻ chết nhát.

Tay chết nhát đã từng có thời rất can đảm và khéo léo, cho đến khi hắn bị sừng bò húc một cú chí mạng vào bụng dưới ngay trong mùa đầu tiên hắn được công nhận là matador thực thụ, tuy vậy đến nay hắn vẫn còn giữ được nhiều nét phong thái sôi nổi của những ngày còn thành công rực rỡ. Hắn vui nhộn đến quá lố và thường phá ra cười dù có hay không có chuyện gì vui. Hồi còn thành đạt, hắn rất ưa những trò vui đùa cợt nhưng bây giờ hắn phải từ bỏ kiểu đó rồi. Những trò đó đem lại cho hắn cảm giác an tâm vốn hắn đang thiếu. Tay tamador ấy có một khuôn mặt cởi mở và thông minh, hắn còn gữ được nhiều phong cách trong lối sống.

Tay tamador thứ nhì thì đang bị bệnh nhưng lại cẩn thận che giấu điều đó và chú ý ăn chỉ chút đỉnh mọi món được bày lên bàn ăn. Tay này có rất nhiều khăn tay mà hắn tự giặt ủi trong phòng, rồi gần đây hắn phải bán dần những bộ đồ đấu sĩ của mình. Hắn đã bán một bộ với giá rẻ mạt hồi trước Giáng sinh, rồi bán một bộ khác vào đầu tháng Tư. Đó là những bộ đồ rất đắt tiền, luôn được giữ gìn cẩn thận, và hắn chỉ có một bộ nữa. Trước khi bị bệnh, hắn tỏ ra là một đấu sĩ đầy hứa hẹn, thậm chí còn nhậy bén nữa, và tuy hắn mù chữ, hắn vẫn biết giữ những mẩu báo mô tả hắn, lúc mới khởi nghiệp, như một đấu sĩ còn giỏi hơn cả Belmonte. Hắn thường dùng bữa một mình tại một cái bàn nhỏ và rất ít ngẩng lên.

Tay đấu sĩ chỉ có một thời đang lên ngắn ngủi thì thấp người, da nâu và trông rất đàng hoàng. Hắn cũng dùng bữa một mình ở một bàn tách biệt, ít khi hắn mỉm cười, còn cười ra tiếng thì chưa bao giờ. Hắn quê ở Valladodid, nơi mà dân cư rất nghiêm trang và hắn đã là một matador tài năng; nhưng phong cách thi đấu của hắn đã trở thành cổ lỗ trước khi hắn kịp làm công chúng say mê bằng những đức tính như lòng can đảm và khả năng trầm tĩnh. Tên của hắn trên tấm bích chương chẳng lôi kéo được ai tới trường đấu. Điều mới mẻ ở hắn là hắn lùn đến nỗi khó nhìn rõ được nhưng u lưng của con bò, nhưng cũng có nhiều đấu sĩ lùn khác, và hắn đã chẳng bao giờ ghi được ấn tượng trong lòng quần chúng.

Còn trong các tay picador, có một tay người gầy, tóc hoa râm, mặt như chim ưng, tuy mảnh khảnh nhưng tay chân cứng như sắt. Gã này luôn đi ủng kiểu dân chăn bò, tối nào cũng uống say và nhìn đắm đuối bất cứ phụ nữ nào trong khách sạn. Người kia thì to lớn, da sậm, mặt nâu, trông đẹp trai với mớ tóc đen như người da đỏ và đôi bàn tay rất lớn. Cả hai đều là những picador giỏi tuy rằng người thứ nhất bị đánh giá là đã lụt nghề vì các trò rưọu chè và phóng đãng, còn người thứ hai thì bị nói là quá ương ngạnh và ưa cãi cọ đến nỗi khó mà làm trợ thủ cho matador nào quá một mùa được.

Còn tay banderillero thì đã trung niên, tóc hoa râm, vẫn còn nhanh như sóc tuy đã lớn tuổi, và khi ngồi ở bàn trông ông ta cứ như một doanh nhân khá giả. Đôi chân ông ta vẫn còn ngon lành trong mùa này, và khi cần hoạt động thì ông cũng còn đủ thông minh và kinh nghiệm để tiếp tục có được hợp đồng trong một thời gian dài nữa. Điểm khác biệt là khi đôi chân không còn nhanh nhẹn nữa ông ta sẽ luôn cảm thấy sợ hãi ở những nơi mà hiện nay ông ta vẫn còn thấy an tâm và bình thản, cả trong hay ngoài trường đấu.

Tối hôm nay mọi người đều đã rời phòng ăn ngoại trừ tay picador có bộ mặt chim ưng và quen say sưa, một ông chuyên tổ chức bán đấu giá đồng hồ ở các hội chợ hay lễ hội, trên mặt có vết bớt và cũng ưa say sưa; và hai tu sĩ từ Galicia ngồi ở một bàn trong góc và uống cũng đã kha khá. Hồi đó thì rượu vang được tính chung luôn với tiền ăn tại khách sạn Luarca và các hầu bàn cứ đem thêm những chai vang Valdepenas đến cho tay chuyên bán đấu giá, rồi tay picador, và sau cùng là hai tu sĩ.

Ba cậu hầu bàn đứng ở cuối phòng. Luật ở khách sạn này là họ phải túc trực cho đến khi thực khách ở các bàn do họ phụ trách đều đã đi hết, nhưng cậu trai phục vụ cái bàn có hai tu sĩ lại phải dự một buổi họp nghiệp đoàn và Paco đã đồng ý làm công việc giùm anh ta.

Trên lầu, tay matador bị bệnh đang nằm một mình sấp mặt trên giường. Tay matador có thời đang lên ngắn ngủi đang ngồi nhìn ra cửa sổ chuẩn bị đi tới quán café. Còn anh matador chết nhát đã dụ được một cô chị của Paco vào phòng và rủ cô làm một chuyện gì đó mà cô cứ vừa cười vừa từ chối. Anh matador này nói:

- Làm đi nào, cô bé.

- Không, - cô chị đáp - Sao lại phải làm ?

- Thì làm ơn cho anh mà.

- Anh đã ăn no, bây giờ thì dùng tôi như món tráng miệng.

- Chỉ lần này thôi, có hại gì đâu ?

- Để tôi yên. Để tôi yên, nghe chưa ?

- Chuyện này chỉ có chút xíu thôi mà.

- Để tôi yên, tôi nói rồi đó.

Dưới phòng ăn, anh hầu bàn cao nhất, bị trễ buổi họp; nói:

- Nhìn cái lũ heo đen uống kìa.

- Không nên nói thế, - người bồi bàn thứ hai nói - Họ là những khách hàng đứng đắn. Họ đâu có uống quá lố.

- Còn tôi thì phải nói kiểu đó mới đã, - anh bồi bàn cao đáp - Có hai thứ đáng rủa ở cái xứ Tay Ban Nha này, đó là lũ bò và bọn cha cố.

- Nhưng đâu phải cá nhân một con bò hay thầy tu nào, - người hầu bàn kia nói.

- Phải. Có điều qua các cá nhân ta mới công kích cả tầng lớp được. Cần phải giết từng con bò rồi từng thầy tu. Tất cả lũ đó. Rồi tới lúc không còn mống nào nữa.

- Chừa cái đó để nói trong cuộc họp, - người bồi kia nói.

- Nhìn thử cái thói mọi rợ của đất Madrid này coi, - anh hầu bàn nói - Mười một giờ rưỡi rồi mà lũ đó còn ăn nhậu.

- Họ mới bắt đầu ăn lúc mười giờ, - người kia nói - Mà cậu biết là có rất nhiều món. Rượu vang thì rẻ mà họ lại trả tiền rồi. Đâu phải thứ vang nặng gì.

- Làm sao mà có tình đoàn kết công nhân với thứ ngu như ông ? - anh hầu bàn cao nói.

- Nè, - người hầu bàn thứ hai nói, ông đã khoảng năm mươi - Tôi đã lao động cả đời. Tôi vẫn phải làm việc trong quãng đời còn lại. Tôi không có gì phàn nàn chuyện lao động. Lao động là chuyện bình thường.

- Phải, nhưng thiếu việc làm là chết.

- Tôi lúc nào cũng phải làm việc, - người hầu bàn lớn tuổi nói - Cậu cứ đi họp đi. Không có gì cần phải ở lại đâu.

- Ông là đồng chí tốt, - anh hầu bàn cao nói - nhưng thiếu ý thức hệ.

- Mejor si me falta eso que el otro (Thà thiếu ý thức hơn là thiếu việc làm) - người hầu bàn lớn tuổi nói - Thôi cậu đi họp đi.

Paco không nói gì cả. Cậu không hiểu gì về chính trị nhưng mỗi khi nghe anh hầu bàn cao kiều nói chuyện cần phải giết bọn vệ binh và các thầy tu thì cậu luôn thấy kinh hoàng. Anh hầu bàn cao nói về cách mạng với cậu và cách mạng cũng rất lãng mạn. Chính cậu cũng là một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành, một nhà cách mạng đồng thời có được việc làm ổn định như hiện nay và cũng là một tay đấu bò nữa.

- Đi họp đi, Ignacio - cậu nói - Để việc em làm cho.

- Hai đứa tôi làm giùm cho, - người hầu bàn lớn tuổi nói thêm.

- Một người làm cũng dư rồi, - Paco nói - Cứ đi họp đi.

- Pues, me voy (Được rồi, tôi đi nhé) - anh hầu bàn cao nói - Và cám ơn nhiều.

Trong lúc đó, trên lầu, cô chị của Paco đã thoát khỏi vòng ôm của anh matador một cách khéo léo như một tay đô vật gỡ đòn khóa, và cô nói, bây giờ đã có giọng tức giận. "Đúng là cái lũ đói khát. Thứ đấu sĩ tồi. Anh chỉ còn là một đống sợ hãi. Cò ngon thì chứng tỏ ở đấu trường đi."

- Đúng là kiểu ăn nói của một con đĩ.

- Đĩ thì cũng là người chứ, mà tôi đâu phải là đĩ.

- Rồi mày sẽ làm đĩ thôi.

- Có làm cũng không thèm nhớ tới mày.

- Đi đi, kệ tao, - anh matador nói, lúc này thấy thối chí và mất giá, anh cảm thấy thói hèn nhát trần trụi đã trở lại với anh.

- Đi hả ? Có thứ gì không bỏ mày mà đi ? - cô chị nói - Mày không cần tao dọn giường sao ? Tao ăn lương để làm chuyện đó mà.

- Đi đi, - anh matador nói, khuôn mặt dễ coi của anh rúm ró lại trông như đang khóc - Đồ đĩ. Đồ đĩ bẩn thĩu.

- Matador, - cô gái nói, đóng sầm cửa lại - ối trời matador !

Trong phòng, anh matador ngồi xuống giường. Bộ mặt anh vẫn còn nhăn nhúm mà hồi còn ở trường đấu, anh đã biến vẻ nhăn nhúm đó thành một nụ cười thường trực có thể làm hoảng hồn những người ngồi ở hàng ghế đầu nếu họ hiểu họ đang nhìn thấy cái gì. "Vậy đấy, - anh nói lên thành tiếng - Vậy đấy. Vậy đấy !".

Anh vẫn nhớ rõ thời anh còn ngon lành và điều đó chỉ mới cách đây ba năm thôi. Anh còn nhớ độ nặng của chiếc áo khoác đấu sĩ thêu chỉ vàng dày cui nằm trên vai mình trong buổi chiều tháng Năm nóng bức đó, khi mà giọng nói của anh trong trường đấu hay trong quán café thì cũng bình thản như nhau, rồi tới cách anh nhắm mũi gươm chĩa xuống vào đúng đỉnh u vai của con bò, nơi bụi cát bám đầy trên cục bắp thịt đen gồ cao phủ lớp lông ngắn nhô cao bên trên cặp sừng giang rộng, nhọn hoắc cứ hạ thấp xuống khi anh tiến tới để giết nó. Anh còn nhớ được mũi gươm đã châm vào dễ dàng làm sao như đâm vào một khối bơ đặc trong khi một tay anh nhấn chuôi gươm, tay trái bắt chéo thấp xuống dưới, vai trái chồm tới trước, trọng lượng thân thể trụ trên chân trái, và rồi thể trọng không còn tựa trên chân nữa. Nó đã chuyển lên phần bụng dưới của anh, rồi khi con hất đầu lên, cái sừng chui tuốt vào trong người anh và anh bị hất tung hai lần trước khi người ta gỡ được anh khỏi cái sừng đó. Nên bây giờ khi anh bước tới để ra đòn cuối cùng, chuyện đó cũng hiếm hoi lắm, anh không dám nhìn vào cặp sừng, và những con đĩ kia thì biết gì về những điều anh đã phải trải qua trước khi chiến đấu chứ ? Chúng đã trải qua cái gì mà dám cười vào mặt anh ? Chúng chỉ là những con đĩ và chúng biết chúng có thể làm gì với điều đó.

Dưới phòng ăn, tay picador ngồi nhìn các thấy tu. Nếu có phụ nữ trong phòng, gã sẽ nhìn họ. Nếu không có phụ nữ, gã sẽ thích thú nhìn một người ngoại quốc, un inglés (một người Anh) chẳng hạn, nhưng vì không có cả phụ nữ lẫn người nước ngoài, nên bây giờ gã thích thú và ngạo nghễ ngắm nhìn hai ông thầy tu. Khi gã nhìn, tay chuyên viên đấu giá có vết bớt trên mặt đứng dậy, gấp tấm khăn ăn và đi ra, bỏ lại hơn nữa chai vang vừa kêu sau cùng. Nếu ông ta đã trả tiền đủ mọi khoản ở Luarca này thì lẽ ra ông ta nên uống cạn chai đó.

Hai ông thầy tu không nhìn lại gã picador. Một trong hai ông kể lể: "Cả mười ngày nay tôi chờ gặp ông ấy, suốt ngày tôi ngồi ở phòng chờ mà ông ta vẫn không chịu tiếp."

- Thế làm gì bây giờ ?

- Chẳng cách chi hết. Ai làm gì được ? Người ta đâu thể chống lại chính quyền.

- Còn tôi ở đây hai tuần không được việc gì cả. Cứ đợi mà người ta không chịu tiếp mình.

- Mình từ xứ nhà quên đến mà. Khi hết tiền thì mình về.

- Về lại chốn quê nhà ấy thôi. Madrid này quan tâm gì tới Galicia ? Xứ mình nghèo quá mà.

- Người ta hiểu hoạt động của thầy Basilio chúng ta chứ.

- Tôi chẳng tin tưởng gì vào tính thống nhất của Basilio Alvarez.

- Madrid là nơi để ta học cách hiểu mà. Madrid này giết chết Tây Ban Nha mất.

- Giá như họ tiếp một người rồi từ chối cũng được.

- Không. Cứ bắt chờ đợi là người ta sẽ nhụt chí, mỏi mòn.

- Thôi được, mình sẽ chờ xem. Tôi cũng chờ được như mọi người khác vậy.

Đến lúc đó, gã picador đứng dậy, bước tới bàn của hai ông thầy tu và đứng nhìn họ với bộ mặt chim ưng và mớ tóc hoa râm, rồi mỉm cười.

- Một tay đấu bò, - ông thầy tu nói với ông kia.

- Và là tay đấu bò giỏi, - gã picador nói rồi đi ra khỏi phòng ăn, với áo khoác xám, eo lưng có hoa văn, chân vòng kiềng mặc quần chẽn với đôi ủng đế cao, lừng lững bước đi vẻ vững chải và mỉm cười với chính mình. Gã sống trong một thế giới nhỏ bé,bó hẹp, đầy tính nhà nghề của những hiệu năng cá nhân, của chiến thắng trong men rượu hàng đêm và của lòng ngạo nghễ. Bây giờ, gã mồi một điếu xì gà, đẩy lệch cái mũ qua một bên và đi qua khu tiền sảnh để tới quá café.

Hai ông thầy tu cũng đi ra liền ngay sau gã picador với ý thức vội vàng rằng mình là những thực khách cuối cùng, thế là chẳng ai còn trong đó ngoài Paco và người hầu bàn trung niên. Họ dọn bàn và đem những chai rượu vào bếp.

Trong bếp có một chàng trai lo rửa chén. Anh ta lớn hơn Paco ba tuổi, có máu mỉa mai châm chích hạng nặng.

- Uống nè, - ông hầu bàn đứng tuổi nói và rót một ly Vadelpenas cho anh ta.

- Sợ gì ? - anh ta đón lấy ly.

- Còn mày, Paco ? - ông hỏi.

- Cám ơn, - Paco đáp và ba người uống với nhau.

- Tao về đây, - người hầu bàn đứng tuổi nói.

- Chúc ngủ ngon, - hai cậu trai đáp.

 

Ông đi ra và chỉ còn lại hai cậu. Paco cầm tấm khăn ăn của một trong hai ông thầy tu và đứng thẳng, hai gói trụ lại, hạ tấm khăn xuống và với cái đầu theo sát mọi chuyển động, cậu vung tay theo một động tác chậm rãi của chiêu veronica (vung khăn tới và xoay người tại chỗ để né khi con bò húc vào khăn). Cậu xoay người và đưa chân phải tới chút xíu, lập lại chiêu đó lần thứ nhì, lấn thêm một chút tới gần con bò tưởng tượng hơn và làm lại chiêu đó lần thứ ba, chậm, chính xác và hoa mỹ, rồi thu khăn lại bên eo, cậu xoay hông lách khỏi con bò trong một chiêu mediaveronica.

Anh bồi rửa chén, tên Enrique, nhìn Paco một cách phê phán và giễu cợt.

- Con bò thế nào ? - anh ta hỏi.

- Rất lì, - Paco đáp - Coi nè !

Đứng ngay đó, thẳng và mảnh khảnh, cậu lại làm liên tiếp bốn chiêu nữa, nhuần nhuyễn, hoàn hảo, tao nhã và lịch lãm.

- Còn con bò ra sao rồi ? - Enrique hỏi, anh đứng tựa ở bồn rửa, vẫn đeo tạp dề phủ ở bụng và ly vang trên tay.

- Còn sung lắm, - Paco đáp.

- Mày làm tao mắc mửa - Enrique nói.

- Sao vậy ?

- Coi nè.

Enrique tháo tấm tạp dề ra, và với một con bò tưởng tượng trước mặt, anh biểu diễn liền bốn chiêu veronica bay bướm và chuẩn xác rồi kết thúc bằng một chiêu rebolera đưa khăn bay một đường vòng cung qua trước mũi con bò trong khi anh bước tránh qua một bên.

- Thấy chưa ? - anh nói - Vậy mà tao phải đi rửa chén đó.

- Tại sao ?

- Tại sợ, - Enrique đáp - Nỗi sợ hãi mày sẽ gặp khi đứng trong trường đấu với một con bò.

- Không, - Paco nói - em sẽ không sợ.

- Leche ! (Đồ bơ sữa) - Enrique nói - Ai cũng phải sợ hết. Có điều đấu sĩ thì chế ngự được sợ hãi nên đối đầu với bò được. Tao đã tham dự một cuộc đấu tài tử, tao sợ điếng người, không thể bỏ chạy. Ai cũng nghĩ chuyện như thế là vui lắm. Nên mày cũng sẽ sợ. Nếu không vì sợ hãi thì thằng đánh giày nào ở Tây Ban Nha cũng thành tay đấu bò hết. Dân nhà quê như mày còn sợ hơn cả tao nữa kìa.

- Không đâu, - Paco nói.

Cậu đã làm đi làm lại bao lần trong tưởng tượng. Quá nhiều lần cậu đã trông thấy những cặp sừng, cái mũi ướt nước của con bò, cái tai co giật, rồi cái đầu cúi xuống và húc tới, tiếng chân bò chạy thùm thụp rồi nguyên con bò nóng hổi phóng lướt qua cậu vung tấm khăn, rồi con bò húc tiếp khi cậu vung khăn lần nữa, rồi lần nữa, lần nữa và lần nữa, rồi kết thúc cậu làm con bò xoay sát thân người cậu bằng chiêu mediaveronica tuyệt vời, rồi cậu lẹ làng bước ra xa con bò, với lông bò còn dính trên những hoa văn vàng chói thêu trên áo khoác của cậu vì con bò lướt qua quá sát; con bò đứng đó như bị thôi miên còn đám đông thì hoan hô ầm ĩ. Không, cậu sẽ không sợ hãi. Người khác thì có đấy, nhưng cậu thì không. Cậu biết mình sẽ không sợ hãi. Thậm chí cho dù có sợ hãi, cậu biết mình vẫn đấu được như thường. Cậu rất tự tin "Tôi sẽ không sợ hãi", cậu nói.

- Đồ bơ sữa - Enrique lại nói, rồi tiếp -Tụi mình thử coi nghe ?

- Làm sao được ?

- Đây nè, - Enrique nói - Mày nghĩ tới con bò nhưng mày đâu có tính tới cặp sừng của nó. Con bò mạnh lắm nên sừng nó rạch bén như dao, đâm ngọt như lưỡi lê, chết người như cú chùy đập. Coi nè - anh ta mở một ngăn kéo và lấy ra hai con dao xắt thịt - Tao sẽ cột hai con dao này vào chân ghế, tao chĩa ra phía trước đóng vai con bò. Hai con dao là cặp sừng. Nếu mày lướt tránh được thì mới là khá đó.

- Cho mượn khăn choàng của anh đi, - Paco nói - Mình làm thử ngoài phòng ăn đi.

- Thôi đừng, - đột nhiên Enrique mất hẳn giọng cay đắng - Đừng thử, Paco à.

- Cứ làm đi, - Paco nói - Em không sợ đâu.

- Mày sẽ sợ khi thấy dao đâm tới.

- Rồi coi, - Paco nói - Cho mượn khăn choàng của anh đi.

Vào lúc đó, khi Enrique đang cột hai con dao xắt thịt to bản và sắc lẻm vào hai chân ghế bằng hai chiếc khăn ăn dơ ràng quanh nửa chân dao và thắt nút cột chặt vào chân ghế thì hai cô hầu phòng, chị của Paco đang trên đường tới rạp hát xem Greta Garbo trong phim Anna Christie. Còn hai ông thầy tu, một ông đang mặc quần áo lót ngồi đọc kinh nhật tụng, ông kia mặc đồ ngủ đang lần chuỗi hạt. Mọi tay đấu bò, trừ anh chàng bị bệnh, đều đã đến quán café Fornos, ở đó tay picador to con tóc đen đang chơi bida, tay matador nhỏ thó nghiêm trang đang ngồi chung bàn với nhiều người khác trước một ly café sữa, cạnh đó là tay banderillero trung niên và các tay trợ thủ nghiêm trang khác.

Tay picador tóc hoa râm, ưa say sưa đang ngồi với một ly cazalas và thích thú nhìn qua một bàn khác nơi gã matador hiện đã trở nên chết nhát đang ngồi với một matador khác đã bỏ vai trò đấu sĩ chính để làm banderillero, cạnh đó còn có hai ả điếm trông rũ rưỡi.

Ông chuyên viên bán đấu giá đang đứng ở một góc đường trò chuyện với mấy người bạn. Anh hầu bàn cao trong buổi họp nghiệp đoàn đang chờ dịp phát biểu. Ông hàu bàn đứng tuổi đã ngồi trong quá café Alvarez nhâm nhi một ly bia. Bà chủ khách sạn Luarca đã ngủ trong giường, kẹp một cái gối ôm giữa hai đùi; đó là một người đàn bà to béo, lương thiện, sạch sẽ, dễ tính, sùng đạo và không ngày nào không tưởng nhớ và cầu nguyện cho ông chồng quá cố của mình suốt hai mươi năm nay. Tay matador bị bệnh một mình trong phòng riêng thì nằm úp mặt trên giường với một chiếc khăn tay chặn lấy miệng.

Bây giờ, trong phòng ăn vắng vẻ, Enrique đã cột xong cái nút cuối cùng buộc con dao vào chân ghế và nhấc nó lên. Anh ta chĩa chân ghế có dao tới trước, ở tầm cao trên đầu. Hai con dao hướng tới trước, mỗi con một bên đầu anh ta.

- Nặng đó nghe, - anh ta nói - Coi nè, Paco. Rất nguy hiểm đó. Đừng có thử, - anh ta toát cả mồi hôi.

Paco đứng dối diện anh ta, căng tấm khăn choàng, mép khăn gấp lại thành cục trong mỗi bàn tay của cậu, với ngón trỏ chĩa xuống, ngón cái chĩa lên, căng ra để thu hút ánh mắt bò.

- Húc thẳng tới trước, - cậu nói - rồi quay mình y như bò. Anh muốn húc bao nhiêu lần thì húc.

- Làm sao mày biết lúc nào là lúc xoay cú húc ? - Enrique hỏi - Tốt nhất là làm ba cú rồi mới làm một chiêu mediaveronica.

- Được rồi, - Paco nói - Nhưng cứ húc thẳng. Hê, xông tới nào, bò !

Đầu chúi xuống, Enrique xông thẳng tới phía cậu và Paco vung tấm khăn ngay trước mũi dao khi nó lướt sát trước bụng của cậu, và khi nó qua khỏi, cậu tưởng như nó là cái sừng thực sự, đen mun, đần nhọn sờn trắng. Và khi Enrique đã qua khỏi rồi quay lại tấn công tiếp, cậu thấy nó chính là khối thân thể nóng hực, hai sườn rướm máu của một con bò, rầm rập xông tới, vượt qua cậu, dừng lại, quay mình như một con mèo rồi xông trở lại khi cậu chậm rãi vung tấm khăn. Rồi con bò lại xoay người và xông tới lần nữa, khi cậu nhắm cái mũi nhọn đang lao tới, chân trái của cậu bước tới trước lố mất khoảng năm phân và con dao đã không lướt qua mà xắn vào người cậu như xắn vào một túi da đựng rượu và có một làn sóng nóng bỏng rát xô tới bên trên và xung quanh lưỡi thép lúc ấy đã đột nhiên cứng lại và tiếng Enrique gào lên: "ối ! ối ! Để tao gỡ ra cho ! Để tao gỡ ra cho !" và Paco trượt chúi tới cái ghế, tay vẫn cầm tấm khăn, Enrique lôi cái ghế trong khi lưỡi dao cứ xắn vào, xắn vào cậu ta, Paco.

Con dao giờ đã được rút ra và cậu ta ngồi trên sàn nhà giữa vũng máu nóng hổi cứ loang rộng ra.

- Đặt khăn vào đó. Giữ chặt lấy ! - Enrique nói - Giữ chặt lấy. Tao chạy đi kêu bác sĩ. Đừng để chảy máu nhiều.

- Phải có cái chén bằng cao su - Paco nói. Cậu đã thấy người ta dùng thứ này ở trường đấu.

- Tao đã húc tới thẳng, - Enrique nói - Tao chỉ muốn cho mày thấy vụ này nguy hiểm thế nào.

- Đừng lo, - Paco nói, giọng cậu như từ xa vọng lại - Gọi bác sĩ đi.

ở trường đấu, họ sẽ nhấc anh lên, mang đi, cùng chạy với anh, tới phòng giải phẫu. Nếu động mạch đùi của anh cạn hết máu trước khi tới được đó thì người ta sẽ mời cha cố.

- Báo với một trong hai ông cha trong khách sạn - Paco nói, vẫn giữ chặt tấm khăn vào bụng dưới. Cậu không thể tin chuyện này lại xảy đến với mình.

Nhưng Enrique đã chạy dọc theo con đường Carrera San Jeronimo tới trạm cấp cứu trực đêm, bỏ Paco ở lại một mình, ban đầu còn ngồi được, rồi gập người lại và gục xuống sàn, cho đến khi mọi cảm giác qua hết, chỉ thấy sự sống đang thoát ra khỏi cậu như nước bẩn chảy qua bồn tắm khi nút chặn đã được rút ra. Cậu kinh hoàng và thấy kiệt sức, cậu cố đọc một lời kinh sám hối và nhớ được bài kinh đó bắt đầu ra sao nhưng trước khi cậu kịp đọc xong, với tốc độ nhanh hết sức mình: "Lạy Chúa, con thực lòng sám hối vì đã xúc phạm Chúa đáng thờ đáng kính và con hết lòng..." thì cậu quá kiệt lực và gục sấp mặt xuống sàn, rồi mọi chuyện kết thúc rất nhanh. Một động mạch đùi bị cắt thì cạn sạch máu nhanh hơn ta tưởng nhiều.

Khi ông bác sĩ từ trạm cấp cứu bước lên những bậc cấp cùng với một cảnh sát đang giữ chặt tay Enrique, thì hai cô chị của Paco vẫn còn ở trong rạp hát Gran Via, họ rất thất vọng về bộ phim của Garbo trong đó cô tài tử này lại sống trong một bối cảnh hạ lưu thảm thương trong khi họ đã quá quen cô đóng trong những cảnh cực kì xa hoa, tráng lệ. Các khán giả cũng hoàn toàn chán bộ phim này và họ phản đối bằng cách huýt sáo và dậm chân xuống sàn. Tất cả những khách trọ của khách sạn lúc ấy hầu như vẫn tiếp tục làm những việc họ đang làm vào giờ đó, khi tai nạn xảy ra, ngoại trừ hai ông thầy tu đã cầu kinh xong và chuẩn bị đi ngủ, còn tay picador tóc hoa râm đã cầm ly qua ngồi chung bàn với hai ả điếm. Lát sau, gã cùng với một trong hai cô ấy rời quán. Đó chính là cô được tay matador chết nhát mua rượu đãi.

Cậu Paco thì chẳng còn bao giờ biết được bất cứ gì về những chuyện này hay những gì mà các khách trọ này sẽ làm trong ngày hôm sau hay những ngày sau đó nữa. Cậu không hề có khái niệm về việc họ đã thực sự sống thế nào hay họ đã kết thúc ra sao. Cậu thậm chí cũng không nhận ra bọn họ thảy đều đã chấm dứt. Cậu chết đi, nói theo kiểu Tây Ban Nha, mà lòng đầy những ảo tưởng. Trong đời cậu chưa có lúc để loại bớt bất kỳ ảo tưởng nào, thậm chí đến cuối đời, cũng không đủ thời gian để đọc trọn bài kinh Sám hối.

Cậu cũng chẳng có lúc để bất mãn với bộ phim của Garbo vốn thời đó đã làm cả Madrid thất vọng suốt một tuần lễ.

 Hemingway, Ernest

Truyện khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art