Thứ Ba, 31 Tháng Bảy, 2012

Bản Đàn Thôn Dã

Bản Đàn Thôn Dã 

Phần I

Ngày 10 tháng Hai, 189-.

Đã ba hôm nay tuyết rơi không ngớt cơn, đường sá hoàn toàn bế tắc. Tôi không đi tỉnh R. làm lễ như thông lệ một tháng hai lần đã mười lăm năm qua. Sáng nay tại nhà thờ Breville chỉ có ba chục tín đồ tới.

Nhân dịp rảnh rỗi bất đắc dĩ vì không ra được khỏi nhà, tôi ngồi ôn lại từ đầu sự việc đã xui khiến tôi đón Gertrude về nuôi.

Tôi đã dự định viết ra đây từng bước nhỏ sự phát triển của tâm hồn ngoan đạo này mà tôi đã mang từ bóng đêm u tối ra như với mục đích duy nhất để tôn quý và yêu thương. Cám ơn Thượng Đế đã giao phó cho tôi nhiệm vụ.

Câu chuyện khởi đầu đã đúng hai năm sáu tháng. Hôm đó tôi đi Chaux-de-Fonds về, có con bé lạ mặt vội vã tới tìm tôi để dẫn đi thăm một bà cụ sắp chết cách đấy bẩy cây số. Xe còn thắng ngựa, tôi bảo con bé lên ngồi sau khi với cây đèn bão mang theo, e rằng chắc phải đến đêm mới xong việc.

Tôi vẫn tự cho là mình thông thạo vùng này, vậy mà vừa quá khúc rẽ sau sơn trại Saudraie, con bé chỉ cho tôi một con đường ngang tôi chưa từng phiêu lưu rẽ vào. Tuy nhiên quá đó hai cây số, phía tay trái, tôi nhận ra một cái hồ có phong cảnh huyền bí mà hồi nhỏ tôi đã đôi lần tới trượt băng. Khoảng mười lăm năm nay đã không trở lại vì không có mục vụ nào ở đây. Có ai hỏi có lẽ tôi cũng không còn biết hồ ở đâu, lại cũng không nghĩ đến nữa nên chi khi bất thần thấy hồ sáng chói trong ráng chiều huy hoàng tôi tưởng như thấy lại cảnh cũ từ một giấc mơ.

Con đường chạy dọc theo con sông nhỏ một quãng, để cắt ngang cuối rừng và men theo một bãi đầm lầy. Chỗ này thì chắc chắn là tôi chưa bao giờ đặt chân tới.

Mặt trời từ từ lặn và tôi chạy xe trong bóng hoàng hôn đã một lúc khá lâu, sau cùng con bé chỉ cho tôi bên đồi một căn nhà tranh tưởng như bỏ hoang nếu không có làn khói mảnh bốc lên, màu xanh trong bóng râm chuyển thành màu vàng óng của nắng chiều. Tôi buộc ngựa vào cây táo gần nhà rồi theo chân con bé bước vào một căn phòng tối, nơi bà cụ vừa mãn phần.

Tôi sững người vì quang cảnh trang trọng, cũng như sự tĩnh lặng, và vẻ trang nghiêm của giây phút. Có người đàn bà dáng còn trẻ đang quỳ bên giường. Con bé người làm mà tôi đã tưởng là cháu bà cụ bước tới cuối phòng châm ngọn đèn khói um, rồi lặng lẽ tới đứng bên giường.

Trên đường tới đây, tôi đã gợi con bé mà chỉ được trả lời vài câu vắn tắt.

Người đàn bà quỳ bây giờ đứng dậy. Bà không phải người nhà như tôi đoán, mà chỉ là chỗ hàng xóm tốt bụng, bạn vớì bà cụ, khi được báo tin là bà cụ sắp đi đã sốt sắng sang giúp đỡ và tình nguyện ở lại canh thi hài. Bà bảo bà cụ đi nhẹ nhàng không đau đớn gì. Chúng tôi bàn tính về tang lễ cho người mãn phần. Trong miền đất hẻo lánh này, nhiều lần tôi đã phải tự tay cắt đặt mọi chuyện cho tang gia. Tôi thoáng thấy không yên tâm vì phải giao phó căn nhà dù nghèo hèn này cho người hàng xóm và con bé người làm. Đây chỉ là mái tranh xơ xác, nhưng biết đâu lại chẳng có bảo vật cất giấu trong xó xỉnh nào. Lo vậy, nhưng thật ra tôi cũng không làm gì hơn được. Tôi hỏi xem ai là người thừa kế.

Bà hàng xóm bấy giờ cầm cây nến bước tới góc nhà, và tôi nhận ra lờ mờ có người ngồi xổm bên bếp lửa, mớ tóc dày che hết khuôn mặt. Bà giải thích:

“Tôi nghe đứa ở kể thì con bé mù này là cháu bà cụ; hình như gia đình chỉ có vậy, vỏn vẹn hai bà cháu. Chắc rồi phải đưa nó đi cô nhi viện thôi. Nếu không, biết ai trông nó bây giờ.”

Tôi lúng túng thấy bà lớn tiếng bàn bạc về số phận con bé ngay trước mặt nó, sợ những lời sống sượng làm nó buồn lòng. Tôi nhỏ nhẹ nhắc khéo bà nên có chút tế nhị:

“Chúng mình khẽ chứ. Để cho cô bé ngủ.”

“Tôi không nghĩ nó ngủ đâu; chẳng qua là một con bé đần độn; nó không biết nói, mà cũng không hiểu gì. Ở đây từ sáng đến giờ, tôi chưa hề thấy nó cựa quậy. Mới đầu tôi tưởng nó điếc; nhưng theo người làm thì không phải vậy, mà chỉ tại bà cụ cũng điếc, từ lâu có mở miệng chỉ để ăn uống nên không bao giờ nói với nó cũng như với bất cứ ai.”

“Không biết nó mấy tuổi rồi nhỉ?”

“Chắc độ mười lăm. Thật ra tôi cũng không biết gì hơn Mục sư.”

Thoạt tiên tôi không hề có ý nghĩ lãnh con bé mồ côi về nuôi; nhưng sau khi cầu kinh xong- đúng hơn, ngay khi quỳ giữa con bé người làm và bà hàng xóm cầu nguyện- tôi bỗng thấy Chúa đã đặt trước tôi trách nhiệm này, trốn tránh thì quả là hèn nhát. Đọc xong bài kinh thì ý tôi đã quyết. Tôi sẽ mang con bé đi ngay đêm nay, tuy tôi chưa có giải pháp dài hạn nào cũng như chưa nghĩ ra ai để gửi nuôi giùm. Tôi dừng lại ngắm người chết vài giây. Khuôn mặt bà cụ như say ngủ, cái miệng nhăn nhúm khép kín như khư khư không tiết lộ bất cứ chuyện gì. Rồi quay lại con bé mù, tôi cho bà hàng xóm biết ý định của tôi.

Bà ta nói:

“Tốt nhất là dẫn con bé ra khỏi đây trước khi phu đòn ngày mai tới chở xác bà cụ đi.”

Và tất cả chỉ có thế. Thật là dễ dàng. Biết bao chuyện sẽ giản dị biết mấy, nếu ta không tưởng tượng ra những chướng ngại nọ kia. Từ thủa ấu thơ, bao nhiêu việc ta đã không làm được, chỉ vì người xung quanh cứ nhắc đi nhắc lại là ta không đủ sức làm.

Con bé mù để tôi dẫn đi như một cục thịt không chủ động. Khuôn mặt nó đều đặn dễ coi, có thể gọi là xinh xắn, nhưng hoàn toàn ngu độn. Tôi tới ổ rơm chỗ nó thường nằm dưới gầm cầu thang lối lên vựa lúa nhặt tấm mền của nó.

Bà láng giềng tỏ ra nhanh nhẩu và giúp tôi quấn mền lên người con bé để phòng đường xá ban đêm lạnh lẽo. Sau khi thắp chiếc đèn bão tôi đánh xe lên đường, cảm thấy cái bọc thịt vô hồn tựa vào chân tôi, sự sống chỉ mơ hồ hiện hữu nhờ cái thân nhiệt tối tăm của nó. Dọc đường có lúc tôi thắc mắc là nó thức hay ngủ. Mà ngủ trong giấc ngủ tối tăm nào. Tội nghiệp, đời sống của nó thức hay ngủ nào có khác gì. Lạy Chúa, trong tấm hình hài tục lụy này biết đâu chả có một linh hồn bị giam giữ, đang khao khát mong Chúa ban cho chút ơn lành. Xin Chúa cho phép con được lấy tình thương mà mang cái linh hồn tội nghiệp này ra khỏi đêm tối hãi hùng…

Tôi muốn ghi lại sự việc hết sức trung thực, nên không dám bỏ qua sự tiếp đón đáng trách của vợ con khi tôi về đến nhà. Vợ tôi rất tốt bụng; ngay lúc đen tối nhất của đời sống vợ chồng, chưa bao giờ tôi phải hồ nghi lòng tốt của nàng. Nhưng lòng từ bi của nàng không thích bị bất ngờ. Nàng ngăn nắp thứ tự, và với bổn phận thường nhật, nàng không thái quá mà cũng chẳng bất cập. Lòng từ thiện của nàng đắn đo cân nhắc, hầu như tình thương cũng có giới hạn. Thật ra vợ chồng tôi chỉ có điểm này là không tương đồng…

Đêm đó mới thấy tôi mang con bé mồ côi về, nàng phản đối tức thời và buột ra miệng:

“Anh lại hứng lấy chuyện gì đây?”

Như thường lệ khi hai vợ chồng có điều gì phải cắt nghĩa với nhau, tôi trước hết đuổi con cái ra khỏi phòng trong khi chúng đang đứng nhìn, miệng há hốc vì tò mò và ngạc nhiên. Chao ôi, sự tiếp đón quá khác biệt với điều tôi mong đợi. Chỉ có con Charlotte, con gái út cưng của tôi lúc đầu đã vỗ tay reo mừng vì có chuyện gì mới đang cục cựa trong xe bố. Nhưng nó mừng không lâu. Anh chị nó bị mẹ uốn nắn từ tấm bé, đã làm nó làm nó cụt hứng tức thì.

Có lúc quang cảnh nhà tôi vô cùng hỗn loạn. Vợ tôi và trẻ con không biết con bé bị mù nên ngạc nhiên thấy tôi đặc biệt gượng nhẹ khi dẫn nó vào. Rồi đến lượt chính tôi ngỡ ngàng khi con bé cất tiếng rên lúc tôi buông tay nó ra. Âm thanh nó phát ra không giống tiếng người, mà ăng ẳng như chó con. Lần đầu bị kéo ra khỏi cái thế giới cảm nhận chật hẹp quen thuộc, nó khuỵu gối xuống; nhưng khi tôi đẩy ghế tới cho nó, thì nó lại trườn xuống đất như chưa từng được ngồi bao giờ; tôi bèn dẫn nó tới gần lò sưởi, và khi được ngồi xổm và tựa vào tường như ở nhà bà già, thì nó thư giãn đôi chút. Lúc trên xe, nó đã tuột xuống sàn xe, và suốt cuốc xe đã co ro tựa vào chân tôi. Vợ tôi vội bước lại giúp tôi, phản ứng của nàng bao giờ cũng tốt lành phúc hậu; chỉ có điều sự suy tính luôn luôn đối kháng và thường đánh bại trái tim nàng. Đặt con bé mù ngồi ngay ngắn xong, nàng quay lại hỏi tôi:

“Anh tính làm gì với cái của này?”

Hai tiếng “của này” làm tôi rùng mình, và tôi phải khó khăn mới không nổi giận. Tuy nhiên nhờ suốt dọc đường suy ngẫm ân Chúa, tôi đã giữ được bình tĩnh. Tôi đứng thẳng, nhìn vợ con quây quần trước mặt. Một tay đặt trên trán con bé mồ côi, tôi nói với tất cả trang trọng:

“Hôm nay, anh mang con chiên lạc về chuồng.”

Nhưng Amélie không bao giờ chấp nhận là trong lời Chúa dạy lại có những chuyện không thực tiễn như vậy. Biết nàng sắp kỳ kèo này nọ, tôi ra hiệu cho thằng Jacques và con Sarah, hai đứa con lớn đã quen cảnh bố mẹ cãi nhau, dẫn hai đứa em nhỏ ra khỏi phòng. Thấy vợ tôi vẫn còn ngần ngại và vô cùng bực tức vì con bé mù vẫn còn đó, tôi bình tĩnh nói:

“Em khỏi phải giữ miệng. Con bé tội nghiệp này không hiểu gì đâu.”

Amélie khai hỏa rằng tất nhiên nàng đâu có điều gì để kỳ kèo -câu nhập đề thường lệ cho những cằn nhằn dai dẳng tiếp theo- và nàng chỉ việc phục tùng như mọi khi về những chuyện tôi bày vẽ ra, dù có không thực tiễn và trái khoáy đến đâu. Tôi đã nói ở trên là tôi chưa hề nghĩ ra giải pháp dài hạn cho đứa bé. Thật ra tôi chưa có ý định lãnh nuôi nó. Có thể nói, ý kiến này chính Amélie đã gieo vào đầu tôi, khi nàng hỏi tôi không nghĩ là nhà đã chưa đủ đông hay sao. Nàng trách tôi là chuyện gì cũng tự ý tiến tới mà không hề nghĩ đằng sau vợ con có chống đối hay không, rằng cứ phần nàng thì năm mặt con còn hiếm hoi nỗi gì, rằng sanh đến út Claude (thằng bé nằm trong nôi nghe nhắc đến tên bỗng khóc ré lên), nàng đã kiệt sức.

Lúc nàng bắt đầu cằn nhằn, tôi toan nhắc lại đôi lời Chúa dạy từ tâm can đang dâng lên tới miệng, nhưng lại đổi ý vì thấy khó coi chuyện núp uy kinh thánh trong vụ cãi vã này. Đến khi nàng nhắc đến nỗi mỏi mòn vì con, tôi khựng lại. Thú thực đã nhiều lần trong đà yêu thương thiếu tiết độ, tôi đã để cho vợ phải gánh vác hậu quả nặng nhọc của luyến ái vợ chồng không suy tính. Tuy nhiên lời vợ cằn nhằn lại soi sáng cho tôi về bổn phận của mình. Tôi bèn nhẹ nhàng năn nỉ nàng, xin nàng hãy xét xem, vào địa vị tôi, nàng có thể nào nhẫn tâm bỏ rơi một sinh linh không nơi nương tựa; tôi nói thêm rằng tôi không coi nhẹ gánh nặng cho gia đình khi còn phải săn sóc con bé tật nguyền này, và tôi chỉ tiếc rằng chính tôi không thể tiếp sức với nàng nhiều hơn. Sau cùng tôi gắng hết sức hoà giải với nàng, van xin nàng đừng đổ lên đầu con bé vô tội nỗi bực mình mà nó không trách nhiệm. Tôi cũng nhắc nàng con Sarah đã khôn lớn có thể giúp việc lặt vặt, còn thằng Jacques không còn bé bỏng nữa, đã có thể tự lo liệu lấy. Tóm lại, Chúa đã giúp tôi tìm ra những lời lẽ thống thiết để thuyết phục vợ chấp nhận cái trách nhiệm mà tôi tin rằng tự nàng cũng đã tự nguyện chấp nhận nếu cho đủ thì giờ suy nghĩ, và thiện chí của nàng không bị đối xử một cách đột ngột.

Chuyện tưởng đã xong, và vợ tôi như dịu xuống bước lại gần con bé; nhưng sau khi cầm đèn ngắm nghía, nàng bỗng giãy nảy, cơn giận mới nguôi lại bùng cháy lại khi khám phá ra con bé bẩn thỉu một cách ghê tởm không lời nào tả xiết. Nàng tru tréo:

“Sao mà nó có thể dơ dáy đến thế này. Khiếp quá. Anh có lấy bàn chải mà chải quần áo đi không? Không, đừng chải ở đây. Anh ra ngoài sân mà chải. Lạy Chúa. Rồi lại lây hết sang con mình. Trên đời tôi không gớm gì bằng gớm chấy rận.”

Quả thật con bé mồ côi chấy rận đầy mình. Nghĩ đến lúc nó ngồi co ro ôm chân tôi trên xe, tôi bỗng thấy gớm. Mấy phút sau, tắm rửa kỳ cọ xong, tôi trở lại phòng thấy vợ tôi rũ rượi trên ghế bành, hai tay ôm đầu mà khóc nức nở.

Tôi nhẹ lời an ủi:

“Thực tình, anh không ngờ lại đem đến cho em một thử thách nặng nề như vậy. Thôi cũng đã khuya rồi, mà cũng không thấy rõ nữa. Em bỏ đó đi. Đêm nay anh sẽ thức canh lửa, và để nó ngủ tạm ngoài này. Mai anh sẽ cạo đầu nó rồi tắm rửa cho nó sạch sẽ. Để nó tươm tất hơn chút đỉnh rồi em hãy đụng tới nó.” Tôi năn nỉ nàng đừng nói chuyện chấy rận với tụi trẻ.

Đã đến giờ ăn tối. Con bé mà vú già Rosalie lườm nguýt trong khi dọn ăn cho mọi người, vồ lấy chén cháo tôi mang cho nó và ăn lấy ăn để như chết đói đã lâu. Suốt bữa ăn không ai nói một câu. Tôi muốn kể đầu đuôi câu chuyện cho tụi trẻ, để chúng xót thương mà có chút cảm tình với con bé tật nguyền Chúa đã trao cho chúng tôi. Nhưng tôi ngồi yên, sợ khơi chuyện lên lại làm vợ bực mình. Mọi người như phải vờ quên đi sự việc, tuy đó lại là mối bận tâm chính.

Tôi vô cùng cảm động khi khoảng độ một giờ sau, ai nấy đã lui về phòng và Amélie đã để tôi lại một mình, bé Charlotte mặc áo ngủ chân đất rón rén mở cửa bước trở ra nhà ngoài. Bé tới ôm chặt cổ bố, và thì thầm vào tai bố:

“Con quên không hôn bố trước khi vào giường.”

Rồi chỉ con bé mù đang ngồi bên lò sưởi, Charlotte hỏi:

“Con hôn chị ấy nhé.”

Dẫn Charlotte về phòng, tôi nói với con:

“Mai bố sẽ cho con hôn chị ấy. Bây giờ để cho chị ấy ngủ.”

Tôi trở lại ghế ngồi đọc sách, và soạn bài giảng cho tuần tới.

Tôi nhớ lúc đó tôi nghĩ là con Charlotte có tình hơn mấy đứa lớn. Nhưng nghĩ lại, con tôi ở tuổi này, đứa nào cũng thế, kể cả thằng Jacques bây giờ lạnh lùng dè dặt là vậy.

 

o0o

 

Ngày 27 tháng Hai.

Đêm qua tuyết vẫn rơi nặng. Trẻ con nao nức, hy vọng tuyết sẽ lấp cửa chính và chúng có dịp leo cửa sổ để ra vào. Quả thật, sáng nay tuyết đã phủ kín cửa chính, và chúng tôi phải dùng lối nhà giặt để ra ngoài. Hôm qua tôi đã lo cho dân làng dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm khác, chắc chắn sẽ bị tuyết cô lập một thời gian. Đây không phải là lần đầu tiên làng bị cô lập vì thời tiết, nhưng tôi nhớ chưa bao giờ tuyết lại dầy đến thế. Âu cũng là dịp tốt để tôi tiếp tục công việc viết lách phải bỏ dở hôm qua.

Tôi đã viết ở đoạn trên là khi mang đứa bé tật nguyền về, tôi không nghĩ nhiều đến chuyện cho nó ở vào đâu. Tôi biết vợ sẽ rầy rà, và tôi cũng dư biết mình nhà cửa không rộng rãi, mà phương tiện cũng không dồi dào. Như thường lệ, tôi đã hành động vì nguyên tắc cũng như vì bản tính trời sinh, mà không nghĩ đến tốn kém (nghĩ như vậy là đúng tinh thần Phúc Âm). Nhưng mặt khác lại là mình đã ỷ lại vào Phúc Âm mà đổ gánh nặng lên vai người khác. Rồi tôi nhận ra là đã đẩy cho vợ một gánh nặng, nặng đến nỗi tôi cảm thấy hổ thẹn.

Buổi sáng sau hôm đó, tôi hết sức giúp nàng cạo đầu cho con bé mù, việc mà vợ tôi vừa làm vừa ghê tởm. Nhưng còn tắm rửa kỳ cọ cho nó, thì vợ tôi lại phải làm một mình. Thế là việc cực nhọc đã không đến phần mình. Tuy nhiên Amélie không còn cằn nhằn nữa. Tôi nghĩ nàng đã suy nghĩ suốt đêm, và đã chấp nhận nhiệm vụ mới này. Có lúc nàng còn tỏ vẻ thích thú, và mỉm cười khi sửa soạn xong cho con bé. Nàng lấy chiếc mũ trắng đội cho nó để che cái đầu trọc vừa bôi đầy thuốc mỡ. Nàng lấy quần áo cũ của Sarah để thay cho nó, còn mớ rẻ rách nó mặc lúc tới thì quẳng vào lửa đốt đi. Charlotte chọn tên Gertrude cho con bé mù, và cả nhà đồng ý vì thật ra không ai biết tên thật của nó, mà chính con bé chắc cũng không biết. Nó chắc chỉ nhỏ hơn con Sarah chút đỉnh, quần áo năm ngoái của Sarah nó mặc vừa in.

Tôi phải ghi nhận là đã thất vọng ê chề trong những ngày đầu. Sự lạc quan khi khi khởi sự dạy dỗ Gertrude đã phải điều chỉnh lại nặng nề trước sự thật. Nét mặt ngu độn thờ ơ, không một chút xúc động hay giao cảm, làm thiện chí của tôi phải nguội đi cho đến gốc. Con bé suốt ngày ngồi bên lò sưởi, lúc nào cũng sẵn sàng chống đối, và đanh mặt lại khi nghe thấy tiếng nói hay có ai lại gần; nét mặt nó nếu không vô hồn thì thù nghịch; có ai gọi đến thì nó rên rỉ, gầm gừ như con thú. Nó chỉ hết hờn giận khi tới bữa. Tôi tự tay cho nó ăn, và khi ăn nó chồm tới như một con vật bỏ đói lâu ngày, trông thật vô cùng thảm thương.

Vẫn biết tình thương sẽ đem lại tình thương, nhưng sự khước từ lì lợm của tâm hồn đối nghịch này có lúc làm chính tôi cũng thấy chán nản. Thú thật, sau mười ngày, tôi bắt đầu ngã lòng. Thậm chí có lúc không còn tha thiết đến nỗi tôi hối tiếc nhiệt tâm ban đầu, và ân hận đã đem nó về nuôi.

Lại còn chuyện trêu ngươi này, là vợ tôi có phần khoái chí với những cảm nghĩ tiêu cực tôi không giấu nổi; nàng hình như tận tâm săn sóc con bé hơn khi thấy nó đã trở thành gánh nặng cho chính tôi và làm tôi ân hận đã mang nó về gia đình này.

Đó là tình trạng của tôi khi anh bạn bác sĩ Martins từ làng Val Travers, nhân đi thăm bệnh trong vùng bỗng ghé lại chơi. Chăm chú nghe tôi kể, mới đầu anh rất ngạc nhiên vì chỉ có mù mà con bé chậm phát triển đến thế. Tôi cho anh hay là không những Gertrude mù mà chỉ có bà săn sóc, bà cụ lại điếc nặng nên không bao giờ trò chuyện gì với nó. Con bé sống trong một môi trường trống rỗng bất thường. Anh thuyết phục tôi là trường hợp như vậy, thất vọng là sai; lý do là tôi đã không biết cách xử lý. Anh bảo:

“Anh như người muốn xây nhà mà không chịu đắp nền. Anh hãy hình dung cái tâm hồn này như một khoảng hỗn mang, những mấu chốt sơ đẳng nhất cũng chưa xác định. Bắt đầu, anh hãy cột những cảm xúc thật cơ bản sẵn có như sờ mó như ăn uống thành một bó, và móc vào đó một từ, một âm, như một cái nhãn nhỏ. Phải lập đi lập lại nhiều lần, và bắt nó nói theo.

“Cốt nhất là đừng nóng ruột. Giữ giờ giấc thật đều đặn khi dạy nó. Mà mỗi buổi học cũng đừng quá lâu… “

Sau khi giảng giải tận tình phương pháp giáo dục mới, anh nói thêm:

“Thật ra không có gì là ảo thuật. Phương pháp này không phải tôi mới phát minh ra, mà người ta đã áp dụng nhiều rồi. Anh nhớ không, hồi học chung ban Triết với nhau, nhân vụ Condillac, tụi mình đã được các thầy kể cho nghe một câu chuyện tương tự…”

Anh như nghĩ lại, rồi nói tiếp:

“Cũng có thể về sau tôi mới đọc được chuyện ấy trong một tạp chí tâm lý học… nhưng không sao, quan trọng là câu chuyện đã làm tôi rất chú ý, thậm chí còn nhớ tên cô gái tội nghiệp, tật nguyền còn nặng hơn Gertrude nhiều, đã câm lại còn điếc. Câu chuyện xảy ra vào thế kỷ trước. Một bác sĩ tại một quận bên Anh Cát Lợi, tôi quên mất địa danh, đã đón cô ấy về trị liệu. Cô bé tên là Laura Bridgeman. Ông bác sĩ lập một cuốn sổ tay, anh cũng nên làm như vậy, để ghi chép những tiến bộ của bệnh nhân, hay trong lúc đầu chưa có tiến bộ thì ít nhất những sự việc chính mình đã thực hiện. Ngày này qua ngày khác, ông bắt cô bé sờ mó hai món đồ, một cây kim và một quản bút, rồi lại bắt sờ một trang giấy có viết nổi hai chữ là ‘Kim’ và ‘Bút’. Và mấy tuần lễ trôi qua như vậy, không chút kết quả. Thể xác cô bé trống vắng như không linh hồn, không trí tuệ. Vậy mà ông ta không nản lòng. Ông ta kể lại là ông tự tạo cho mình cảm nghĩ là đang đứng trên miệng giếng sâu, tay cầm sợi thừng dài gióng xuống đáy giếng mà quơ qua quơ lại, hy vọng sẽ có bàn tay bắt lấy. Vì ông chắc chắn tin rằng có kẻ đang kẹt dưới đáy giếng, và sau cùng thế nào cũng có bàn tay nắm lấy đầu thừng. Rồi một hôm, gương mặt của Laura, thường ngày vô hồn đần độn, bỗng sáng lên với những nét thay đổi thô sơ có thể kể như một nụ cười; tôi tưởng tượng nét mặt của người thầy thuốc lúc đó. Chắc chắn là ông ta quỳ xuống, giàn giụa nước mắt của phước lành và của tình thương, để tạ ơn Chúa. Đột nhiên cô bé hiểu được bác sĩ muốn nàng làm gì; thế là Laura được cứu rỗi. Từ hôm đó nàng bắt đầu chú ý. Nàng tiến bộ mau chóng. Về sau nàng tự học, và sau cùng trở thành hiệu trưởng một trường cho trẻ em mù. Cũng có thể tôi lầm chuyện Laura Bridgeman với trường hợp một bệnh nhân khác… vì những trường hợp như vậy gần đây nhiều lắm, báo chí tranh nhau đăng tải, và tỏ ra ngạc nhiên (theo ý tôi, thật là ngớ ngẩn), là khiếm khuyết giác quan đến như vậy mà cũng thấy được hạnh phúc. Sự thật là những con người như vậy đã hạnh phúc, và một khi biết cách phát biểu, đều kể lại hạnh phúc của mình. Tất nhiên là các nhà báo lấy làm hân hoan, suy diễn ra bài học cho những người được hưởng đầy đủ năm giác quan đã không biết sướng mà còn than thở nọ kia…”

Tới đây bác sĩ Martins và tôi có ít nhiều sai biệt quan điểm, với tôi phản đối cái nhìn bi quan của anh rằng vai trò của giác quan chỉ là làm cho chúng ta bất an và bơ vơ.

Anh cãi lại:

“Tôi không bi quan như vậy. Tôi chỉ muốn nói là tâm hồn con người tự nó có khả năng hình dung ra được những gì chân thiện mỹ một cách tự nhiên và dễ dàng, hơn là những điều lộn xộn hay tội lỗi nhan nhản khắp nơi đang làm ô nhiễm thế giới này mà tiếc thay ngũ quan lại ghi nhận cho chúng ta. Nên chi khi tôi sẵn lòng chắp theo câu “Fortuntos nimium” của Virgile mệnh đề “si sua mala nescient”, thay vì mệnh đề “si sua bona norint” như chúng mình đã học. Loài người sẽ hạnh phúc biết bao nếu không biết đến những gì xấu xa.”

Rồi anh nhắc đến cuốn truyện của văn hào Dickens, có lẽ đã được cảm hứng từ trường hợp Laura Bridgeman, và anh hứa sẽ gửi cho tôi đọc. Bốn ngày sau tôi nhận được truyện Con dế mèn bên lò sưởi. Tôi đọc ngấu nghiến. Truyện khá dài, nhưng có đoạn khá bi ai, về một cô bé mù và người cha nghèo khó làm nghề chế tạo đồ chơi trẻ em, nuôi dưỡng cô trong ảo tưởng của một cuộc sống tiện nghi, giàu có và hạnh phúc. Dickens dùng văn tài của mình để đem lại nét thánh thiện cho sự dối trá của người cha đáng thương. Lạy Chúa, tôi sẽ không phải dối trá như vậy với Gertrude.

Ngay ngày hôm sau tôi hăng say đem tất cả sức mình để áp dụng phương pháp mới của bác sĩ Martins. Bây giờ tôi mới tiếc là đã không giữ sổ tay như anh dặn, để ghi lại những bước chập chững của Gertrude trên con đường tranh tối tranh sáng, và sự mò mẫm của chính tôi khi dìu dắt con bé. Những tuần lễ đầu tôi phải cực kỳ kiên nhẫn, không những tại phương pháp dạy đặc biệt tốn nhiều thời gian, mà còn vì những cằn nhằn trách móc. Tôi rất buồn lòng khi phải nói rằng trách móc ấy lại từ chính Amélie tới; tôi nói điều này ra đây là tại tôi không còn oán hận hay cay đắng — tôi cam đoan như vậy, phòng khi nàng đọc được những trang này. (Chúa đã chẳng dậy ta tha thứ sao, ngay trong ẩn dụ của Người về chuyện con chiên lạc). Tôi phải nói thêm: nàng không làm khổ tôi vì kỳ kèo đã mất thời giờ với Gertrude. Thật ra tôi trách nàng nhất là đã không tin tưởng tôi sẽ thành công khi săn sóc con bé. Đúng, chính sự thiếu lòng tin này đã làm tôi buồn. Tôi nghe nàng nhắc đi nhắc lại: “Nào có kết quả gì cho cam…” Và nàng đinh ninh rằng sự lao tâm lao lực của tôi vô hiệu quả; vì không hy vọng thành công, nàng khó chấp nhận chuyện tôi dành quá nhiều thì giờ để dạy dỗ Gertrude, lượng thì giờ nàng thấy đáng hơn là dùng cho rất nhiều việc khác. Và mỗi khi tôi bận rộn với Gertrude, nàng kiếm cách cho tôi hay là việc này việc nọ đang đợi tôi, và tôi đã chuyển cho con bé thời gian lẽ ra phải dành cho người khác. Tôi nghĩ lòng ghen tị của người mẹ đã khích động nàng, vì hơn một lần nàng bảo tôi: “Anh chưa bao giờ chăm con mình như vậy.” Điều này đúng. Tôi thương yêu các con tôi rất nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ tôi phải bận rộn vì con.

Tôi nhiều lần cảm thấy rằng cái ẩn dụ con chiên lạc là một sự ẩn dụ bí hiểm không thể hiểu nổi cho một số tâm hồn dù vẫn tự tin là mình ngoan đạo. Những tâm hồn ấy không thể vươn lên để lãnh hội rằng dưới mắt người chăn chiên, mỗi con cừu lấy riêng ra quý hơn tất cả bày cừu họp lại. Đối với lời Chúa rằng: “Nếu kẻ có trăm con cừu và một con bị lạc, lẽ nào không bỏ lại chín mươi chín con trên núi để đi tìm nó hay sao?” — nếu họ dám nói thẳng, tất sẽ cho rằng lời nói sáng ngời từ bi ấy là vô cùng bất công đáng phản đối kịch liệt.

Những nụ cười đầu tiên của Gertrude là niềm an ủi cho tôi khỏi mọi ưu phiền, và trăm lần tưởng thưởng lại công lao của tôi. Vì như lời Chúa rằng “Con cừu lạc này nếu kẻ mục đồng tìm lại được, ta nói thật với các con, sẽ đem lại nhiều hoan lạc hơn chín mươi chín con cừu chưa bao giờ đi lạc kia.” Đúng, quả là chưa đứa con nào của tôi khi cười lại làm tim tôi chứa chan tình yêu thánh thiện như nụ cười một buổi sáng tôi thấy trên gương mặt vô hồn như phỗng này, khi bất thần con bé bắt đầu hiểu và chú ý đến những điều tôi cố gắng dậy nó bấy lâu.

 

Phần II

Ngày 5, tháng Ba.

Tôi ghi nhận hôm ấy có ý nghĩa là một ngày khai sanh. Gọi đấy là nụ cười thì thật không đủ. Đúng hơn, đây là sự thoát hình lột xác. Đột nhiên, tất cả những nét trên gương mặt Gertrude trở nên linh động… như một sự soi sáng bất ngờ, như ánh hào quang tím nhạt đột hiện trên núi Alpes một buổi tinh sương trước cả bình minh, làm rung rinh đỉnh núi tuyết phủ vừa được mang ra khỏi bóng đêm, như một sự tô màu huyền diệu; tôi cũng nghĩ đến hồ Bethesda của Phúc Âm mà làn nước tù bấy lâu ủ ê vừa được thiên thần tới đánh thức. Tôi lâng lâng hồ hởi ngắm nhìn nét đẹp thánh thiện vừa mới xuất hiện trên gương mặt Gertrude, vì cái gì vừa tới ngự trị nơi hình hài cô bé, tôi nghĩ không hẳn là Trí Tuệ, mà là Tình Thương. Linh hồn tôi như bay bổng với ơn phước dào dạt, và nụ hôn đầu tiên tôi đặt lên vừng trán xinh đẹp là nụ hôn kính cẩn tôi dâng lên Chúa.

Bước đầu càng khó khăn bao nhiêu thì những bước tiếp theo lại dễ dàng bấy nhiêu. Hôm nay tôi ngồi cố gắng nhớ lại những chặng đường hai chúng tôi đã qua; hình như có khi Gertrude đã tiến bằng những bước nhảy vọt, làm phương pháp giảng huấn của tôi trở thành trò đùa. Tôi nhớ lúc đầu tôi chú trọng đến tĩnh từ hơn là danh từ. Thí dụ như nóng, lạnh, ấm, êm, đắng, cứng, mềm, nhẹ, v..v.. Rồi tôi bước sang động từ, như tách rời, ráp lại, nâng lên, chéo qua, ngã xuống, nối lại, phân ra, hợp vào, v..v.. Ít lâu sau không cần đến phương pháp nữa, tôi nói chuyện bình thường với Gertrude mà vẫn không sợ mình đi quá nhanh; tôi khuyến khích Gertrude tha hồ đặt câu hỏi cho tôi giảng giải. Tất nhiên khi tôi đi rồi, Gertrude còn lại một mình vẫn tiếp tục vận dụng trí óc; thành thử nhiều khi trở lại để dạy bài mới cho Gertrude, tôi phải ngạc nhiên vì tấm màn đêm lần trước ngăn cách thầy trò chúng tôi tự nó đã mỏng đi trông thấy. Tôi thầm nghĩ, nàng Xuân đầm ấm tất phải thắng nổi chúa Đông lạnh lùng. Đã bao lần tôi thích thú ngắm cảnh tuyết tan: có lẽ vì tấm thảm tuyết hao mòn phía dưới, trông ngoài tưởng như không thay đổi, mùa đông nào vợ tôi cũng mắc lừa về chuyện này và thường than với tôi rằng tuyết mãi không chịu tan; rồi thảm tuyết tưởng còn dầy thì bất thần từng mảng tuyết mất chân rạn vỡ trôi đi, phơi bày sự sống tưng bừng đã âm thầm hồi sinh tự những bao giờ.

Sợ Gertrude suy nhược vì cứ ngồi bên lò sưởi như bà lão, tôi bắt đầu dẫn cô bé ra ngoài dạo chơi. Nhưng chỉ khi nào có tôi cầm tay Gertrude mới chịu đi. Con bé sợ hãi và ngạc nhiên lúc vừa ra khỏi nhà.. Tuy Gertrude chưa biết trình bày rành mạch, tôi cũng quá rõ là nó nhút nhát như vậy là vì cho đến bây giờ chưa từng được ra khỏi ngưỡng cửa. Nơi ngôi nhà tranh cũ của bà, nó chưa bao giờ được ai săn sóc ngoài việc cho ăn cho khỏi chết đói, nói gì đến chuyện dưỡng dục. Vũ trụ tối tăm của Gertrude là bốn bức tường của căn phòng chật hẹp mà nó chưa dám rời khỏi. Những ngày hè nó chỉ dám mon men đến thềm, khi cửa nhà mở ra bên ngoài sáng rộng. Về sau Gertrude cho tôi biết là hồi trước nghe chim hót, nó tưởng tiếng chim là do nắng tạo thành cũng như hơi ấm mơn trớn trên má hay trên da bàn tay nó, và tuy bấy giờ không biết suy nghĩ thấu đáo, nó cho là không khí được nắng sưởi nóng đã hót lên, tương tự nước đun sôi thì reo trong ấm treo trên lò lửa. Thực ra Gertrude bấy giờ không quan tâm đến chuyện gì. Con bé sống cô lập trong hôn mê tê dại, cho đến hôm được tôi mang về săn sóc. Tôi nhớ mãi nó vui mừng ngoài sức tưởng tượng khi được cắt nghĩa là những tiếng hót xinh xắn bé bỏng đó là ngôn ngữ của những sinh vật mà hình như nhiệm vụ độc nhất trong trời đất là cảm thấy hạnh phúc và ca lên niềm vui chan hòa của tạo vật. Từ hôm đó Gertrude có thành ngữ mới là ‘Con vui như chim’.

Nhưng con bé buồn vì không thấy được cái tạo vật huy hoàng mà chim ca ngợi. Gertrude hỏi tôi:

“Mục sư ơi, cuộc đời có đẹp như lời chim kể không. Tại sao loài người không nói về cuộc đời nhiều hơn. Tại sao Mục sư không kể cho con nghe nhiều hơn. Hay Mục sư sợ con tủi thân vì những chuyện con không được thấy.”

“Con không buồn đâu. Chim vẫn kể cho con biết bao nhiêu chuyện. Con tin là con hiểu được những gì chim muốn nói với con.”

Tôi kiếm lời an ủi:

“Những người có thị giác không biết nghe tiếng chim hót như con đâu.”

Cô bé lại hỏi:

“Nhưng Mục sư ơi, sao những sinh vật khác không hót?”

Nhiều lúc Gertrude làm tôi phải suy nghĩ. Gertrude bắt tôi phải phân tích những sự việc tôi đã quen chấp nhận mà không thắc mắc. Nhờ vậy mà hôm đó tôi nghiệm ra là những sinh vật càng nặng nề, càng sát gần mặt đất bao nhiêu thì càng buồn bã bấy nhiêu. Tôi tìm cách giảng cho cô bé ý niệm vừa mới suy ra; và tôi nhắc tới con sóc nhẹ nhàng chơi đùa tinh nghịch trên cành cao.

Gertrude lại hỏi có phải chỉ có chim mới biết bay không. Tôi trả lời là bướm cũng biết bay.

“Thế bướm có biết hót không?”

Tôi cắt nghĩa:

“Bướm có cách của bướm để bày tỏ vui mừng. Cách ấy vẽ trên cánh bướm…”

Và tôi tả cho con bé những màu sắc huy hoàng của loài côn trùng mỹ miều này.

 

o0o

 

Ngày 28 tháng Hai,

Tôi phải trở lại đoạn trước. Hôm qua ham viết, tôi đã bỏ sót rất nhiều.

Để dạy Gertrude, tôi đã học mẫu tự của người mù. Nhưng chẳng mấy chốc, cô bé đã thông thạo loại chữ này hơn tôi. Tôi vẫn chưa quen, và vẫn còn dùng mắt nhiều hơn dùng tay để nhận mặt chữ. Ngoài ra, tôi không phải là thầy giáo độc nhất của cô bé. Có thời gian Jacques giúp tôi dạy học Gertrude. Mới đầu tôi cũng mừng, vì mục vụ trong giáo khu khá bận rộn, dân chúng lại ở rải rác, có khi tôi phải đi khá xa để thăm viếng những con chiên nghèo bệnh tật. Thằng Jacques học thần học ở Lausanne, nhân vụ lễ Giáng Sinh về nhà chơi, thế mà cũng đi trượt băng cho ngã gẫy tay. Vết gẫy không có gì trầm trọng, và bác sĩ Martins tuy không chuyên khoa chỉnh hình cũng bó lại được ngay ngắn. Tuy nhiên cẩn thận vẫn hơn, Jacques nghỉ học ở nhà ít lâu để dưỡng bệnh. Bỗng nhiên thằng bé để ý đến Gertrude mà cho đến bây giờ hắn vẫn thờ ơ. Jacques bắt đầu dạy Gertrude tập đọc. Jacques chỉ đóng vai phụ giáo được trong thời gian dưỡng bệnh, nhưng trong ba tuần lễ ngắn ngủi đó, Gertrude tiến bộ vượt bực. Cô bé siêng học hơn. Cái trí tuệ hôm qua còn ngái ngủ bỗng dưng nảy nở nhanh chóng, tựa hồ như chưa tập đi đã biết chạy. Tôi ngợi khen cô bé có thể tổ chức sắp xếp ý nghĩ một cách dễ dàng. Ngôn ngữ phát triển trông thấy. Đã không còn ăn nói ngây ngô như trẻ nít, Gertrude phát biểu khá chuẩn khi tạo những ý niệm bằng một cách bất ngờ và thích thú, là dùng những đồ vật biết được một cách trực tiếp nhờ xúc giác, hay gián tiếp do được tả lại; chúng tôi dùng phương pháp của người đạc điền dùng những gì trong tầm tay sờ được với được, để xử lý những gì ở xa.

Tôi nghĩ không cần thiết nhắc lại tất cả những bước đầu việc dạy dỗ Gertrude mà các sách giáo khoa cho người mù nói chung chắc cũng đã ghi chép đầy đủ với chi tiết. Chắc mọi giáo viên dạy người mù đã lúng túng khi giảng cho học trò về màu sắc. (Về vụ này, tôi nhớ lại là Kinh Thánh không có đoạn nào nói đến màu sắc). Tôi không nhớ người khác dùng cách nào. Riêng tôi, lúc đầu tôi tả cho Gertrude những màu của quang phổ, theo thứ tự chúng xuất hiện trên cầu vồng. Cách giảng đó làm Gertrude lẫn lộn ngay màu sắc với độ sáng. Thật là khó khăn cho Gertrude khi lãnh hội rằng mỗi màu có thể đậm nhạt riêng, và các màu có thể pha trộn với nhau cho đến vô cùng. Gertrude bị ám ảnh về chuyện này, và luôn luôn trở lại đề tài khúc mắc đó.

Tuy nhiên một hôm tôi có dịp đưa Gertrude đi Neuchatel nghe hòa tấu. Công dụng của các nhạc cụ khác nhau cho phép tôi trở lại vấn đề phân tích màu sắc mà cô bé vẫn còn bận tâm. Tôi lưu ý Gertrude sự khác nhau về âm thanh của của kèn đồng, đàn, và những nhạc khí bằng gỗ. Rồi mỗi nhạc cụ lại có thể tạo ra âm thanh to nhỏ khác nhau, với cung bậc cao thấp, từ tiếng trong nhất đến tiếng đục nhất. Tôi khuyên Gertrude tưởng tượng màu đỏ hay màu cam trong tạo vật như tiếng tù và hay tiếng kèn trom-bon, màu vàng hay màu lục như tiếng vĩ cầm, hồ cầm và công-bát, màu tím và màu xanh dương như tiếng sáo, tiếng cla-ri-nét, hay tiếng ô-boa. Cô bé sung sướng và không còn ngờ vực gì nữa, màu sắc chắc phải có thật.

Gertrude nhắc đi nhắc lại:

“Như vậy chắc phải đẹp lắm, phải không Mục sư?”

Rồi bất chợt cô bé hỏi:

“Thế còn màu trắng thì sao? Con không hiểu màu trắng thì nghe giống cái gì nhỉ?”

Và tôi thấy ngay cách đối chiếu màu sắc qua âm thanh của tôi không toàn hảo. Tuy nhiên tôi gắng giải thích:

“Màu trắng là cái giới hạn cao nhất của sự hòa tấu giữa các màu tươi. Còn màu đen là giới hạn thấp nhất của những màu tối.”

Cả Gertrude và tôi đều không thỏa mãn với giải thích này. Cô bé nhắc cho tôi là nhạc khí bằng gỗ, bằng đồng, hay đàn vĩ cầm, vẫn khác nhau, dù ở chung những âm bậc cao nhất hay thấp nhất. Cũng như bao nhiêu lần khác, tôi đã phải sững sờ moi óc tìm những thí dụ cụ thể để giảng cho cô bé.

Sau cùng tôi nói:

“Thế này nhé. Con hãy tưởng tượng màu trắng như một màu thật trong sạch, không vẩn đục bởi một màu nào khác. Tựa như ánh sáng thuần túy. Màu đen đại để là một tình trạng quá nhiều màu, đến nỗi màu nọ lẫn lộn với màu kia làm toàn thể đen ngòm…”

Hôm nay nhớ lại những mẫu chuyện vụn vặt này, tôi bèn kể lại đây như tiêu biểu cho những khó khăn rất thường gặp khi tôi dạy dỗ cô bé. Gertrude có tính tốt là nếu không hiểu thì không bao giờ làm bộ nhận là mình hiểu. Những người như vậy đầu óc đầy những dữ kiện sai lầm hay thiếu sót, nên về sau suy luận không còn chính xác nữa. Gertrude lại khác, có chuyện gì chưa biết đến nơi đến chốn, thì cứ thắc mắc mãi cho đến khi tường tận mới cam.

Lại còn chuyện khó khăn này nữa. Như đã nói ở trên, trong đầu óc Gertrude, không biết từ bao giờ, ánh sáng và nhiệt lượng đã luôn luôn dính liền với nhau, chặt chẽ đến nỗi khi dạy cô bé, tôi không thể tách rời hai ý niệm đó ra được.

Chính nhờ dạy dỗ Gertrude mà tôi mới nghiệm thấy sự khác nhau giữa thế giới thị giác và thế giới thính giác. Đối chiếu hay suy diễn liên hệ qua lại giữa âm thanh và màu sắc quả thật không sao mà tránh khỏi khập khiễng hồ đồ.

 

o0o

 

Ngày 29 tháng Hai.

Mải viết về âm thanh và màu sắc, tôi quên chưa kịp kể niềm hân hoan của Gertrude khi được nghe hòa tấu ở Neuchatel. Tình cờ hôm đó chính vở ‘Bản Đàn Thôn Dã’ được trình diễn. Tôi dùng chữ ‘chính’ vì không có một bản nhạc nào mà tôi lại muốn cho Gertrude nghe hơn là bản nhạc này. Ra khỏi rạp một lúc khá lâu mà Gertrude vẫn còn như đang đắm chìm trong sảng khoái.

Sau cùng cô bé hỏi:

“Những điều mắt thấy có đẹp đến như vậy không?”

“Đẹp như chuyện gì, con?”

“Đẹp như cái cảnh ‘ven bờ suối’ trong bản hòa tấu.”

Tôi không trả lời ngay, vì tôi nghĩ những lời nhạc ấy không vẽ lại thế giới có thực, mà một thế giới lẽ ra có thể có, nếu không có tội lỗi xấu xa chết chóc.

Sau cùng tôi nói:

“Những người có thị giác sướng mà không biết mình sướng.”

Cô bé vội vã lên tiếng:

“Nhưng con đâu có cần có thị giác mà vẫn biết được hạnh phúc của âm thanh.”

Gertrude vừa bước vừa ép sát vào người tôi, tựa nặng trên cánh tay tôi như trẻ con thường làm:

“Mục sư ơi, Mục sư có thấy con hạnh phúc không? Không, con không nói như vậy để làm vui lòng Mục sư đâu. Nhìn con này: có phải khi người ta nói dối thì chỉ cần nhìn mặt là biết liền phải không? Còn con, ai nói dối con nghe giọng nói là con biết liền. Mục sư có nhớ hôm Mục sư nói là Mục sư không khóc khi Dì con (Gertrude thường gọi vợ tôi là Dì) trách Mục sư không bao giờ biết chiều Dì, con đã biết ngay. Chính hôm đó con đã nói là Mục sư nói dối con. Nghe giọng nói của Mục sư là con biết mà. Con đâu có cần sờ má Mục sư để xem có nước mắt hay không.”

Rồi Gertrude bỗng cao giọng, chậm rãi lập lại một mình:

“Không, hôm đó con đâu có cần sờ má Mục sư.”

Tôi lúng túng vì lúc đó chúng tôi chưa ra khỏi khu thị tứ, và câu nói ngây thơ của Gertrude làm mấy người bộ hành quay đầu lại nhìn. Nhưng Gertrude vẫn nói tiếp:

“Mục sư biết không, đừng hòng giấu con chuyện gì. Thứ nhất, dối kẻ mù lòa là điều phải tội…”

Tươi cười, nàng nói thêm:

“Mà thứ hai là con không mắc lừa đâu.”

Gertrude lại hỏi:

“Mục sư ơi, nói cho con nghe đi. Bây giờ Mục sư không buồn phải không.”

Như để cho Gertrude hay là một phần `hạnh phúc hiện tại của tôi là nhờ nàng mà có, tôi cầm tay cô bé đưa lên môi:

“Không Gertrude con, ta không buồn. Làm sao mà ta lại buồn được.”

“Vậy mà con biết thỉnh thoảng Mục sư đã khóc.”

“Ta cũng có khóc một đôi lần.”

“Nhưng từ hôm đó Mục sư có còn khóc nữa không?”

“Không, Gertrude cưng.”

“Nói cho con nghe nữa đi. Từ hôm ấy, có bao giờ Mục sư còn muốn nói dối con nữa không?”

“Không cưng.”

“Mục sư có thể hứa là từ giờ sẽ không bao giờ dối con nữa không?”

“Hứa.”

“Vậy thì, trả lời con ngay đi: Con có đẹp không, Mục sư?”

Câu hỏi bất ngờ làm tôi sững sờ. Nhất là cho đến bấy giờ tôi không muốn ghi nhận vẻ đẹp như đập vào mắt của cô bé. Vả lại tôi cho rằng nàng biết mình đẹp đâu có ích gì. Tôi hỏi lại Gertrude:

“Con muốn biết lắm sao?”

“Con bận tâm chuyện này lắm. Con muốn biết…, con nói làm sao bây giờ…, con muốn biết bản thân con có làm buổi hòa tấu của cuộc sống xấu xí đi không. Điều này nếu con không hỏi Mục sư thì con hỏi ai bây giờ?”

Gượng chống đỡ, tôi trả lời:

“Người mục sư thường không chú ý đến vẻ đẹp của dung nhan.”

“Tại sao, Mục sư?”

“Tại vì với người mục sư, vẻ đẹp của tâm hồn đã đầy đủ quá rồi.”

“Con biết rồi. Mục sư muốn cho con hiểu rằng con xấu xí lắm phải không?”

Nàng vừa nói vừa bậm môi làm duyên. Không còn chịu nổi, tôi buột miệng nói lớn:

“Gertrude cưng, con cũng biết là con đẹp lắm mà!”

Nàng yên lặng không hỏi thêm gì nữa, và từ đấy cho đến khi tới nhà, nét mặt thật đăm chiêu.

Vừa thấy tôi về nhà là Amélie đã cho tôi hiểu là nàng không tán thành cách tôi sử dụng thì giờ. Lẽ ra nàng nên phản đối ngay từ trước. Tuy nhiên như thường lệ, nàng đã để yên cho tôi dẫn Gertrude đi nghe nhạc, để dành lấy quyền cằn nhằn trách móc về sau. Nàng không trách móc thành lời, nhưng sự yên lặng của nàng cũng đã quá rõ ràng. Biết tôi dẫn Gertrude đi nghe nhạc về mà nàng không buồn hỏi thăm về chương trình hòa tấu, đã chẳng là chuyện bất thường rồi sao. Tội nghiệp con bé, sự vui mừng của nó sẽ tăng gia bội phần, nếu nàng chỉ tỏ ra mảy may lưu tâm đến nó. Nói cho đúng thì vợ tôi không hẳn hoàn toàn lầm lì yên lặng, nhưng nàng chỉ nói những chuyện vặt vãnh không đâu. Đến tối, khi trẻ con đã đi ngủ hết, tôi mới nghiêm nghị hỏi vợ:

“Tôi mang Gertrude đi nghe nhạc mà em cũng bực mình sao?”

Nàng đối đáp:

“Chưa bao giờ em thấy anh lo cho người thân trong gia đình này như vậy.”

Lại vẫn hờn dỗi cũ. Nàng vẫn không chịu hiểu rằng đứa con lạc đàn trở về bao giờ cũng làm cha mẹ vui mừng hơn là đứa con vẫn ở lại nhà. Nàng không thương hại tật nguyền của con bé. Chút vui thú nhỏ nhoi này là món quà vô cùng hiếm hoi trong cuộc đời bất hạnh của nó. Mà đâu có gì cho cam, tôi thường xuyên bận rộn, chỉ hôm đó mới tình cờ được rảnh rang. Nàng thật là hàm hồ, trẻ con hôm ấy không bận chuyện này thì mắc chuyện kia, còn nàng thì có bao giờ thích nghe hòa nhạc đâu. Những hôm rảnh rỗi, dù có hòa tấu ngay trước nhà nàng cũng không buồn đi dự. Bực mình hơn nữa là nhà tôi cằn nhằn trách móc ngay trước mặt Gertrude. Tôi có ý dìu vợ ra khỏi tầm tai, nhưng nàng lại chủ ý lên giọng cho Gertrude nghe thấy. Tôi giận hơn là buồn. Lát sau khi Amélie đã vào nhà trong, tôi tới cầm lấy bàn tay bé bỏng của Gertrude đưa lên má tôi:

“Con coi này, lần này ta đâu có khóc.”

Gắng lấy giọng vui, nàng nói:

“Không, lần này là phiên con.”

Nàng gượng cười và ngước lên tìm tôi. Tôi thấy một khuôn mặt chan hòa nước mắt.

 

o0o

 

Ngày 8 tháng Ba.

Niềm vui độc nhất tôi có thể đem lại cho nhà tôi là đừng làm điều này điều nọ, để nàng khỏi bực mình. Lối yêu thương hoàn toàn tiêu cực, nhưng là lối yêu thương độc nhất mà nàng để tôi làm. Nàng đã thu hẹp cuộc sống của tôi đến như vậy là điều nàng không hề để tâm ghi nhận. Lạy Chúa, hãy để nàng muốn tôi làm chuyện gì khó khăn hơn. Tôi sẽ sung sướng biết mấy nếu nàng đòi hỏi ở tôi những việc hiểm nghèo. Nhưng có thể nói là Amélie ghét bỏ tất cả những gì không thuộc về đời sống đều đặn thường nhật. Đến nỗi cuộc đời với nàng chỉ là gom nhặt những chuỗi ngày nhạt nhẽo sắp tới để chồng lên một quá khứ cũng đã nhạt nhẽo như vậy. Nàng không chờ đợi mà cũng không muốn chấp nhận những đức tính mới, hay gia tăng những đức tính cũ nơi tôi. Nàng sợ hãi nếu không muốn nói là phản đối mọi cố gắng để thấy trong Đạo Chúa một điều gì ngoài việc chế ngự bản năng con người. Nàng lo sợ thấy ai muốn tìm kiếm trong lời Chúa bất cứ chuyện gì ngoài chuyện khuyên răn khổ hạnh.

Tôi thú nhận là khi tới Neuchatel tôi đã quên khuấy lời nàng dặn tới tiệm tạp hóa thanh toán sổ sách cũng như kiếm cho nàng một cuộn chỉ khâu. Nhưng tôi giận tôi còn hơn nàng giận tôi nữa; nhất là lúc rời nhà, tôi đã dặn lòng là không được quên, vì biết câu ‘ai trung tín chuyện nhỏ sẽ thủy chung chuyện lớn’, tôi sợ nàng sẽ kết luận như vậy nếu tôi không nhớ. Thậm chí tôi còn cầu mong nàng lên tiếng trách móc, vì thật ra tôi thấy mình cũng đáng tội. Khổ nỗi thường thường những buồn phiền ở đời tưởng tượng nhiều hơn là có thực. Cuộc sống sẽ đẹp tốt biết bao và các sự bất hạnh sẽ nhẹ hơn biết bao, nếu ta chỉ ghi nhận những sầu muộn có thực, thay vì nghe theo con quỷ hờn dỗi trong trí tưởng tượng của ta… Tôi đã lạc đề, điều này thực ra là đề tài cho một bài giảng (Kinh Matt., XII,29: Đừng nên để tâm hồn bất an). Chủ tâm tôi lúc này là ghi lại sự tiến bộ về trí tuệ cũng như tâm hồn Gertrude. Vậy thì tôi nên trở lại đề tài.

Tôi muốn kể tiếp nơi đây sự tiến triển bộ ấy từng bước một, và tôi đã bắt đầu một vài chi tiết. Nhưng không những tôi không có thì giờ để ghi chú cặn kẽ mọi giai đoạn, hôm nay nhớ lại sự tương quan của chúng với nhau lại vô cùng khó khăn. Theo đà câu chuyện, tôi đã kể trước những suy nghĩ, những đối thoại với cô bé rất gần đây, nên ai tình cờ đọc những trang ấy chắc sẽ ngạc nhiên thấy Gertrude bỗng nhiên có thể phát biểu bằng những tư tưởng chín chắn gẫy gọn như vậy. Thật ra cô bé cũng tiến nhanh một cách bất ngờ: tôi thường phải thán phục đầu óc sắc bén của Gertrude khi hấp thụ món ăn trí tuệ tôi mang lại, để tiêu hóa và phát triển không ngừng. Gertrude làm tôi ngạc nhiên, vì nhiều chuyện tôi chưa nghĩ đến thì cô bé đã suy ra, và nhiều khi từ buổi trò chuyện hôm trước tới buổi trò chuyện hôm sau, có khi tôi không nhận ra người học trò cũ của mình nữa.

Ít tháng sau, không ai có thể nghĩ trí khôn cô bé đã có thời tê liệt lâu đến thế. Gertrude còn chững chạc hơn nhiều thiếu nữ mà ngoại giới đã làm cho xao nhãng, và những chuyện tầm vơ đã chiếm hết đầu óc. Tôi nghĩ có lẽ Gertrude lớn hơn là tôi đã ước đoán buổi đầu. Xem ra cô bé cũng như đã lợi dụng được khuyết tật của mình, trên nhiều phương diện mù lòa đã trở thành ưu điểm. Nhiều khi bất giác tôi so sánh Gertrude với con Charlotte. Những khi tôi kèm bài vở cho con gái, thấy nó bị lơ đãng vì con ruồi vừa bay qua, tôi thầm nghĩ:

“Nói dại, nếu mắt nó không thấy đường, chắc nó đã ngồi học với bố chuyên cần hơn.”

Gertrude mê đọc sách. Nhưng để dễ theo sát tâm trí cô bé, tôi không muốn Gertrude đọc quá rộng -ít nhất những khi không có mặt tôi- và nhất là đọc quá rộng Thánh Kinh. Điều này nghe có vẻ bất thường với một tín đồ Cơ Đốc như tôi. Tôi sẽ có dịp cắt nghĩa lý do của quyết định này. Trước khi đề cập đến một câu chuyện quan trọng như vậy, tôi muốn kể một sự việc nhỏ có liên hệ đến âm nhạc, cũng vào thời gian buổi hòa tấu ở Neuchatel.

Phải rồi, chuyện này xảy ra độ ba tuần trước vụ nghỉ hè (thời gian Jacques về sống với gia đình). Bữa đó tôi dẫn Gertrude đến ngồi trước cây đàn phong cầm của nhà thờ thường thường do cô De la M. phụ trách. Gertrude chưa học nhạc với cô và cũng chưa dọn tới nhà cô ở. Tôi tuy yêu nhạc nhưng không giỏi môn này, và ngồi trước đàn tôi cảm thấy không đủ khả năng đóng vai thày giáo. Hôm đó vừa đặt tay trên phím, cô bé đã xin với tôi:

“Mục sư cho con thử tập một mình.”

Tôi sẵn lòng chiều ý. Ngồi chung một mình với Gertrude trong nhà thờ vắng vẻ, với miệng tiếng thị phi, không phải là không bất tiện. Về sau, hôm nào có dịp đi ngang giáo đường, tôi thả Gertrude ở đấy có khi suốt buổi, xong công việc mới trở lại đón. Cô gái kiên nhẫn tập đàn một mình, lần mò ra những hài âm trên phím, và chiều về, có khi tôi thấy Gertrude bận rộn với một vài cộng âm và tỏ ra hoàn toàn thích thú.

Một ngày vào khoảng đầu tháng tám, chưa đến sáu tháng sau, tôi trở về nhà thờ đón Gertrude trước giờ vì người góa phụ khốn khổ tôi tính viếng thăm lại vắng nhà. Gertrude không dè tôi về sớm, và tôi vô cùng ngạc nhiên thấy thằng Jacques đang ngồi bên Gertrude trước đàn. Vì tiếng đàn che tiếng bước chân tôi, cả hai đều không biết tôi đang đi vào. Bản tính tôi không ưa rình mò, nhưng chuyện liên can đến Gertrude, tất nhiên tôi phải để tâm: rón rén, tôi nhẹ chân leo mấy bực tam cấp lên bệ thờ; vị trí rất tiện cho việc quan sát. Tôi thú thật suốt thời gian ngồi đó, tôi không nghe được một lời gì mà hai người không thể nói với nhau đàng hoàng trước mặt tôi. Nhưng Jacques ngồi sát bên Gertrude, và tôi thấy nhiều lần nó cầm tay Gertrude để hướng dẫn trên phím đàn. Quả là kỳ lạ vì cô gái chấp nhận sự chỉ dẫn mà cô đã từ chối với tôi. Tuy lúc đó tôi không chịu nhìn nhận như vậy, nhưng tôi rất ngạc nhiên và buồn bực, và đang định bước ra can thiệp thì may thay, Jacques đã rút đồng hồ ra coi giờ và nói:

“Có lẽ anh về thì vừa. Chắc Ba anh cũng sắp tới.”

Tôi thấy Jacques cầm tay Gertrude lên môi hôn rồi cáo từ. Lát sau tôi rón rén xuống bực thang, ra ngoài để lại ồn ào trở vào mở cửa, làm như mới tới:

“Gertrude, tập đàn có thích không con?”

Gertude trả lời, giọng hoàn toàn tự nhiên:

“Dạ thích lắm. Hôm nay con tập được nhiều lắm.”

Nỗi buồn to lớn chiếm lấy tim tôi, nhưng cả tôi và Gertrude không ai nhắc đến chuyện vừa mới xảy ra.

Sau cùng tôi có dịp nói chuyện riêng với Jacques. Lúc đó nhà tôi, Gertrude và trẻ con đã đi ngủ sớm như thường lệ, chỉ còn hai cha con ngồi đọc sách ở nhà ngoài. Tôi chờ phút này đã lâu. Vậy mà trước khi nói với con, lòng tôi trì trệ bởi những tình cảm lộn xộn, đến nỗi tôi đâm ra ngại ngùng không biết cách hay không dám đề cập đến vấn đề đang giày vò tâm can. Chính thằng Jacques lại khai mào câu chuyện, cho hay là nó tính ở nhà với gia đình trọn vụ hè này. Vậy mà chỉ ít bữa trước nó đã thưa với cha mẹ là muốn du lịch miền núi Alpes, điều cả hai vợ chồng tôi vui vẻ chấp thuận. Tôi biết T. bạn đồng hành nó chọn đang đợi nó cùng đi; tôi thấy ngay sự thay đổi chương trình đột ngột không phải là không liên hệ đến cảnh tôi đã chứng kiến sáng nay tại giáo đường. Mới đầu tôi nổi nóng, nhưng lại sợ làm vậy nó sẽ không tâm sự với bố, cũng không muốn vì giận dữ mà quá lời mắng con, tôi hết sức tự kiềm chế và lấy giọng thản nhiên:

“Ba tưởng T. mong con cùng đi leo núi với nó.”

Nó trả lời:

“Ồ, T. không tuyệt đối trông cậy vào con trong vụ leo núi này. Kiếm người thay thế con cũng không khó khăn gì. Con ở nhà nghỉ ngơi cũng tốt chán, đâu có cần lên núi Oberland. Con nghĩ ở nhà có nhiều chuyện làm có ý nghĩa cho con hơn là trèo núi.”

“Té ra con kiếm được chuyện làm cho vụ hè này rồi sao?”

Nó nhìn tôi, chắc thoáng thấy ý mỉa mai, nhưng chưa hiểu tại sao. Nó trả lời:

“Như Ba biết, con bao giờ cũng thích sách vở hơn là gậy leo núi.”

Nhưng nhìn thẳng vào mắt nó, tôi nói:

“Ba biết. Nhưng con ơi, con không nghĩ là dạy đàn phong cầm còn hấp dẫn với con hơn là đọc sách sao?”

Có lẽ nó cảm thấy mặt nó đỏ. Nó đưa tay lên che trán, như tránh né ánh đèn. Nhưng nó bình tĩnh trở lại, giọng nó tự nhiên hơn là tôi mong muốn:

“Thưa Ba, xin Ba đừng vội kết tội con. Lòng con không bao giờ dám giấu Ba chuyện gì. Con sắp thưa, thì Ba đã hỏi tới.”

Thằng bé ăn nói gẫy gọn, giọng như người đọc sách, mà khi hết lời cũng bình tĩnh chững chạc, như đang bàn chuyện ai. Sự tự chủ tuyệt vời của nó làm tôi bực tức. Cảm thấy sắp bị tôi ngắt lời, nó đưa tay lên như muốn nói, không, xin Ba cho con thưa hết câu chuyện… Nhưng chụp lấy tay nó lắc mạnh, tôi to tiếng:

“A, chẳng thà Ba không thấy mặt con nữa còn hơn để cho con làm vẩn đục tâm hồn trong trắng của con Gertrude. Con không cần phải thú tội với Ba. Ba đã biết rồi. Lợi dụng tật nguyền của nó, lợi dụng nó ngây thơ khờ khạo, lợi dụng lòng thành thật của nó, Ba không ngờ con có thể làm những chuyện tồi bại như vậy. Ba trách nhiệm cuộc đời con Gertrude, và Ba không muốn thấy con trò chuyện với nó, cầm tay nó, gặp gỡ nó thêm một ngày nữa…”

Vẫn với giọng bình tĩnh tự tin đã làm tôi nổi điên, Jacques trả lời:

“Nhưng thưa Ba, Ba tin con là con rất kính trọng Gertrude. Ba lầm nhiều lắm nếu Ba cho rằng có gì đáng khinh bỉ không những trong hành vi mà còn trong dự tính hay cả trong đáy lòng con. Con yêu Gertrude, con xin thưa với Ba rằng con kính trọng nàng cũng nhiều như con yêu nàng. Cũng như với Ba, ý nghĩ làm vẩn đục nàng, lợi dụng nàng ngây thơ và tật nguyền là chuyện hèn hạ ngoài sức tưởng tượng của con.” Rồi nó thưa với tôi hảo ý của nó dành cho Gertrude, nguyện là người nâng đỡ nàng, bạn nàng, chồng nàng. Trước kia nó chưa thưa chuyện với tôi là vì bấy giờ nó chưa làm xong quyết định lấy nàng làm vợ; và quyết định bây giờ của nó, nó chưa chia sẻ với Gertrude, vì nó định trình tôi trước rồi sau mới thổ lộ với nàng. Sau cùng nó nói:

“Thưa Ba, đó là tất cả chuyện con phải thú thật với ba. Ngoài ra xin Ba tin con là con không còn gì giấu Ba nữa.”

Lời con làm tôi sững sờ. Tôi nghe mạch máu thái dương đang đập liên hồi. Tôi chỉ sửa soạn để la mắng nó, và khi nó cho tôi tất cả những lý do để hết nóng giận, thì tôi càng cảm thấy bất an, nên khi nó nói xong tôi không biết nói gì. Sau một phút yên lặng, tôi đứng dậy đặt tay lên vai nó:

“Thôi chúng ta đi ngủ. Sáng mai Ba sẽ cho con biết quyết định của Ba.”

“Nhưng ít ra Ba không còn giận con nữa, phải không Ba?”

“Ba cần suy nghĩ đêm nay.”

Sáng sau thấy con, tôi tưởng như mới thấy nó lần đầu. Tôi bỗng nhận thấy con mình không còn trẻ dại nữa mà đã hoàn toàn trưởng thành; nếu nghĩ nó là con nít, thì mối tình tôi bắt gặp hôm qua thật là quá quắt. Suốt đêm qua tôi tự thuyết phục là mọi chuyện trái lại tự nhiên và bình thường. Vì đâu mà sự bất mãn của tôi lại gia tăng? Chuyện này về sau tôi mới sáng tỏ nguyên do. Trong khi chờ đợi, tôi phải cho Jacques hay quyết định của tôi. Vậy mà một bản năng ráo riết như lương tâm bắt tôi phải ngăn cản cuộc hôn nhân này bằng mọi giá.

Tôi đã dẫn Jacques ra cuối vườn. Tại đây tôi hỏi nó trước:

“Con đã cho Gertrude hay chưa?”

“Dạ thưa Ba chưa. Con nghĩ em biết con yêu em. Nhưng thổ lộ với em thì con chưa thổ lộ.”

“Nếu vậy thì con phải hứa với Ba là con chưa được cho nó hay chuyện đó bây giờ.”

“Thưa Ba, con xin hứa với Ba. Nhưng có thể nào Ba cho con biết lý do.”

Tôi ngần ngại suy nghĩ. Không biết những lý do vừa đến trong đầu tôi có phải là những lý do đáng nêu ra không. Thật tình, tâm hồn thay vì lý trí đã dẫn dắt hành động của tôi trong lúc này. Sau cùng tôi nói:

“Gertrude nó còn trẻ dại lắm. Con nghĩ coi, nó bây giờ cũng chưa rước lễ thông công. Con dư biết nó không như những trẻ khác. Tiếc thay, sự phát triển của nó đã bị trì trệ khá nhiều. Nó dễ tin, chắc dễ rung động với những lời yêu đương mới được nghe lần đầu; chính vì vậy mà điều quan trọng là chưa nên nói với nó những lời yêu đương đó. Chiếm đoạt những gì chưa biết tự vệ là điều hèn nhát; Ba biết con không hèn. Con nói tình con dành cho nó không có gì đáng khinh bỉ. Nhưng Ba cho là tình đó vẫn có tội, vì đã tới trước hạn kỳ. Gertrude chưa khôn ngoan già dặn, vậy ta phải khôn ngoan giùm cho nó. Đây là một vấn đề lương tâm.”

Thằng Jacques có điểm tốt là muốn khuyên can nó điều gì chỉ cần câu nói giản dị “Ba kêu gọi đến lương tâm của con” mà tôi nhiều lần đã dùng khi nó còn nhỏ. Nhưng nhìn con, tôi chợt nghĩ nếu Gertrude có thị giác, chắc nàng sẽ ngắm mà không chán mắt cái tấm thân cao ráo vừa rắn rỏi vừa mềm mại, cái vừng trán phẳng đẹp không nếp nhăn, cái nhìn ngay thẳng, cái khuôn mặt còn trẻ thơ nhưng đã thoáng bóng nghiêm nghị của tuổi trưởng thành. Jacques đầu trần, tóc màu tro để dài, mấy lọn tóc lùng bùng ngang thái dương che nửa vành tai.

Tôi đứng dạy, nói tiếp:

“Ba còn có điều muốn yêu cầu con. Con đã định ngày mai lên đường. Vậy thì con đừng trì hoãn nữa. Con cần vắng mặt một tháng; Ba mong con đừng về sớm một ngày. Con hiểu ý Ba?”

“Dạ. Con xin vâng lời Ba.”

Jacques tái xanh thần sắc, đến nỗi môi nó cũng nhợt nhạt. Nhưng tự trấn tâm, tôi nghĩ rằng nếu nó phục tòng lệnh cha một cách dễ dàng như vậy, thì tình yêu của nó chắc cũng không mãnh liệt gì; và tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Vả lại thấy con dễ bảo tôi cũng mát lòng.

“Con vẫn là đứa con mà Ba yêu quý,” tôi nói nhỏ với nó. Tôi kéo nó lại hôn lên trên trán, có cảm tưởng nó hơi ngả đầu lại phía sau như muốn né tránh; nhưng lúc đó tôi không muốn bận tâm vì những chi tiết như vậy.

 

Phần III

Ngày 10 tháng Ba.

Ngôi nhà chúng tôi nhỏ hẹp, chuyện riêng tư thật khó khăn, có khi cũng thật bất tiện để làm việc dù tôi đã dành riêng một phòng nhỏ trên gác làm bàn giấy mà cũng để tiếp khách. Bất tiện nhất là khi tôi muốn nói riêng với ai trong nhà; câu chuyện trở thành nghiêm trọng quá trong phòng làm việc này mà tụi trẻ con gọi đùa là Thánh Địa, vì chúng tuyệt đối không được vào. Nhưng sáng hôm nay Jacques lên Neuchatel mua giày đi núi. Thấy trời đẹp, ăn sáng xong lũ trẻ lại ra ngoài dạo chơi với Gertrude (Charlotte â n cần với Gertrude làm tôi mát ruột). Thành thử tới lúc uống trà như thường lệ trong căn phòng lớn, thì chỉ còn hai vợ chồng ở nhà. Đây cũng là điều tôi muốn, vì tôi cũng cần nói chuyện với vợ. Ít khi tôi có dịp nói chuyện riêng với nàng nên cảm thấy như rụt rè, và tầm quan trọng những điều sắp nói với nàng làm tôi lúng túng, tựa hồ như sắp phải bàn về chuyện riêng của chính tôi thay vì tâm sự mới thổ lộ của con. Tôi ghi nhận là vợ chồng chung sống suốt đời, yêu nhau mà vẫn có thể là xa lạ cách biệt (hay sự cách biệt này về sau mới tới); câu chuyện vợ chồng trao đổi nghe lạc lõng như những tiếng cồng dọ dẫm, bị dội lại vì một bức tường ngăn cách, nếu không coi chừng mỗi ngày một bịt bùng thêm.

Tôi nói lúc vợ tôi rót trà:

“Thằng Jacques vừa nói chuyện với anh chiều qua. Nó bảo nó yêu con Gertrude.”

Hôm qua giọng thằng Jacques chững chạc bao nhiêu thì hôm nay giọng tôi lại ngập ngừng bấy nhiêu. Vợ tôi tiếp tục rót trà, trả lời mà mắt không nhìn tôi:

“Nó thưa với anh là phải.”

Giọng nàng bình thản, làm như câu chuyện vừa nói hoàn toàn bình thường, hay đúng ra không có gì mới.

“Nó bảo nó muốn cưới con bé làm vợ. Nó quyết định…”

Nàng nhún vai, khẽ nói:

“Chuyện này thì ai cũng đã tiên đoán.”

“Em cũng đã ngờ vậy sao?”

“Ai cũng thấy trước từ lâu là chuyện sẽ đến. Chỉ có điều là loại việc này đàn ông không biết để ý.”

Tôi thấy không được việc gì cãi với nàng về đàn ông thế này thế khác, vả lại ý nàng cũng có phần đúng, tôi chỉ trách nhẹ:

“Nếu thấy vậy, lẽ ra em nên cho anh hay.”

Nàng cười mím góc môi, nụ cười quen thuộc mỗi khi nàng không muốn bàn thêm về một chuyện gì. Rồi khẽ lắc đầu, nàng nói:

“Đi theo mà nhắc anh những chuyện anh không để ý thì bao giờ cho hết.”

Nàng định ám chỉ gì đây. Tôi không biết mà cũng không muốn biết. Tôi làm làm lơ như không để ý:

“Anh muốn biết ý kiến em về việc này.”

Nàng thở dài:

“Như anh vẫn biết, em không bao giờ ưng thuận chuyện mang con bé về nhà.”

Thấy nàng lại nhắc đến chuyện cũ, tôi gắng dằn nóng giận. Tôi nhắc nàng:

“Anh đâu có hỏi ý kiến em về con Gertrude.”

Nhưng Amélie vẫn nối tiếp ý cũ:

“Ngay từ ngày đầu, em đã nghĩ là con bé chỉ đem lại những điều đáng tiếc cho nhà này.”

Nắm lấy cơ hội, tôi nói theo đà:

“Thì ra em cũng không tán thành hôn nhân này. Thực ra, anh cũng mong em nghĩ vậy. Anh sung sướng thấy vợ chồng mình đồng ý điểm này.”

Tôi cũng cho nàng hay là Jacques đã ngoan ngoãn vâng lời cha, và nàng không còn phải bận tâm về việc này nữa. Mọi chuyện đã thỏa thuận là ngày mai nó sẽ lên đường để đi du lịch một tháng.

Sau cùng tôi nói thêm:

“Anh cũng như em, anh không muốn chúng nó còn gặp nhau nữa khi Jacques du lịch trở về. Anh nghĩ tốt nhất là gửi Gertrude cho cô Louise de la M. nuôi. Anh vẫn có thể tiếp tục đến thăm con bé. Anh có trách nhiệm với Gertrude. Cô Louise sẵn sàng chiều ý vợ chồng mình. Như vậy, em cũng khỏi bực mình, không còn phải hàng ngày thấy mặt Gertrude. Cô Louise sẽ săn sóc cho con bé. Cô ta rất hài lòng vì vụ sắp xếp này. Cô ta đang náo nức vì sẽ được dạy nhạc cho nó.”

Thấy Amélie nhất định không chịu hé răng, tôi nói tiếp:

“Anh muốn ngăn ngừa chuyện Jacques sẽ thì thụt chạy sang nhà cô Louise tìm gặp Gertrude. Anh tính cho cô Louise biết hết câu chuyện. Em nghĩ có nên không?”

Tôi trực tiếp hỏi ý kiến nàng, dụng ý buộc nàng nói chuyện. Nhưng nàng mím môi nhất định không góp ý. Tôi lại nói, không phải có điều gì quan trọng, mà vì thái độ yên lặng của vợ làm tôi khó chịu:

“Có thể khi Jacques du lịch về, nó không còn si mê nữa. Ở tuổi nó, người ta nhiều khi không biết mình muốn gì.”

Đến đây, Amélie chêm vào một câu kỳ cục tối nghĩa:

“Ô, nói chi tuổi nó. Già nữa mà có khi cũng không biết mình muốn gì nữa là.”

Bản tính ngay thẳng ghét chuyện úp mở, tôi bực mình vì giọng điệu bí hiểm và nghe như có ẩn ý kết tội của vợ. Tôi quay lại, bảo Amélie muốn ám chỉ điều gì thì cứ việc nói thẳng ra. Buồn bã, nàng chậm rãi:

“Không, em không muốn ám chỉ gì cả. Chỉ tại em tưởng anh dặn em phải cảnh giác anh những chuyện anh vô tâm không để ý đến thôi.”

“Rồi sao nữa?”

“Rồi em thấy không dễ gì mà cảnh giác được ai.”

Như đã nói, tôi ghê sợ bóng gió úp mở, và như một nguyên tắc, tôi nhất định không bận tâm vì những những lời nói mánh. Tôi đối đáp, giọng có hơi phũ phàng:

“Khi nào em muốn anh hiểu em, thì hãy gắng nói cho minh bạch rõ ràng.”

Vừa lỡ miệng, tôi đã ân hận. Tôi nhận thấy môi nàng run run. Nàng quay mặt, rồi ngập ngừng đứng dậy, nàng bước đi mấy bước lảo đảo. Tôi nói với theo:

“Amélie, anh không hiểu sao em còn buồn bực. Mọi việc đã chẳng thu xếp êm đẹp rồi sao?”

Nàng ngại ngùng tránh mắt tôi. Lưng quay lại vợ, khuỷu tay chống bàn, hai tay ôm đầu, khốn khổ, tôi nhỏ nhẹ với nàng:

“Xin lỗi em, anh đã nặng lời với em.”

Tôi nghe tiếng nàng bước trở lại, rồi những ngón tay nàng nhẹ nhàng vuốt nhẹ trán tôi. Nàng dịu dàng, giọng đầy nước mắt:

“Tội nghiệp chồng em.”

Rồi nàng bước ra khỏi phòng. Lúc đó tôi không hiểu những lời bí ẩn của Amélie. Mãi về sau tôi mới vỡ nghĩa. Trước tiên tôi chỉ ghi lại cho đúng nguyên văn. Hôm đó chỉ có điều rõ ràng cho tôi là đã đến lúc Gertrude phải rời khỏi nhà này.

 

o0o

 

Ngày 12 tháng Ba.

Tôi tự cho mình bổn phận phải dành thì giờ cho Gertrude mỗi ngày; có khi là vài giờ, có khi là vài khắc, tùy theo công việc hàng ngày bận bịu hay rảnh rang. Sau hôm nói chuyện với Amélie, thời tiết tốt như mời mọc, lại được dịp nhàn rỗi, tôi đưa Gertrude vào rừng dạo chơi. Tôi dẫn nàng tới một vùng gần đỉnh Jura, nơi mà nhìn qua hàng cây lơ thơ, quá cánh đồng mênh mông bát ngát dưới bóng núi, khi trời quang có thể bao quát được tất cả dẫy núi Alpes phủ tuyết hiện ra phía trên màn sương mù. Tới góc rừng quen thuộc nơi chúng tôi thường tới ngồi chơi, thì mặt rời đã chênh chếch về phía trái. Dưới chân chúng tôi trải dài nội cỏ thấp và dầy; xa hơn nữa vài ba con bò gậm cỏ; như bò miền núi chúng đều đeo chuông ở cổ. Lắng nghe tiếng chuông leng keng, Gertrude nói:

“Đàn bò đang kể lại cảnh vật cho con.”

Và như thường lệ, nàng đòi tôi tả cho nàng phong cảnh trước mặt. Tôi nhắc nàng:

“Nhưng chỗ này con biết rồi mà. Chính là khoảng rừng thưa nhìn ra núi Alpes đó con.”

“Núi hôm nay trông có rõ không?”

“Hôm nay núi Alpes hiện ra cực kỳ huy hoàng hùng vĩ.”

“Nhưng Mục sư bảo con là cảnh núi thay đổi mỗi ngày mà.”

“Vậy để ta thử nhé. Lấy gì mà ví nhỉ? À, ví với cơn khát giữa ngày hè. Lát nữa đến chiều, chắc núi sẽ tan vào không trung mất.”

“Con muốn Mục sư cho con hay là có thấy hoa huệ đồng nở trong nội cỏ trước mặt mình không.”

“Gertrude con, huệ không mọc trên núi cao thế này. Họa chăng chỉ một vài loại hiếm hoi mà thôi.”

“Ngay cả những cánh đồng gần Neuchatel cũng không có huệ sao?”

“Huệ không mọc ngoài đồng.”

“Thế sao Chúa lại phán rằng: Các con hãy chiêm ngưỡng những bông huệ của đồng nội?”

“Chắc thời Chúa, hoa huệ còn mọc dại ngoài đồng. Có lẽ về sau người ta khẩn hoang canh tác nên không còn nữa.”

“Con nhớ Mục sư thường giảng là Tin và Yêu là những điều vô cùng cần thiết cho thế gian này. Mục sư có nghĩ là chỉ cần tin một chút, người ta có thể thấy hoa huệ lại nở trên cánh đồng không? Mục sư biết không, sau khi nghe lời Phúc Âm này, con quả quyết là con đã thấy được hoa. Mục sư có muốn con tả cho Mục sư nghe không? Đây này, hoa đẹp tuyệt vời, hoa giống như những chuông màu lửa đỏ, hay màu thiên thanh, ăm ắp hương thơm của tình thương, những cái chuông xinh xắn mà gió chiều rung rinh mơn trớn. Vậy mà sao Mục sư lại bảo con là cánh đồng không có hoa. Con ngửi được hương hoa mà. Con thấy hoa nở đầy ắp cánh đồng…

“Gertrude cưng, hoa thật không thể đẹp hơn hoa con thấy.”

“Mục sư nói đi, hoa thật ít ra cũng không xấu hơn phải không?”

“Hoa đẹp in hệt như ý con muốn.”

Nàng đọc lớn, kể lại đoạn Phúc Âm:

“Và ta nói thật cùng các con, rằng ngay cả vua Salomon dù lúc cực kỳ hiển vinh, phục sức cũng không thể huy hoàng hơn…”

Tiếng nàng du dương như âm nhạc, và tôi có cảm tưởng như được nghe đoạn Phúc Âm ấy lần đầu. Đọc xong, nàng lẩm nhẩm một mình ‘Cực kỳ hiển vinh’, rồi yên lặng giây lâu.

Tôi nối tiếp câu chuyện:

“Gertrude, ta vẫn nói với con, những kẻ có thị giác lại chính là những kẻ không biết nhìn.”

Và từ đáy lòng, tôi nghe dâng trào lên lời kinh cầu “Con đội ơn Chúa đã chỉ cho kẻ ngu độn những điều mà ngài đã giấu những người tinh thông.” Nàng bỗng cất tiếng, giọng thích thú và đầy cao hứng:

“Mục sư ơi, nếu Mục sư biết, nếu Mục sư có thể biết con có thể hình dung dễ dàng làm sao tất cả phong cảnh trước mặt. Dễ lắm. Đây này, để con tả cho Mục sư nhé… Đằng sau chúng mình, bên trên, cũng như xung quanh, là rừng bách với những cây Mã Vĩ Tùng cổ thụ, thơm mùi nhựa thông, thân cây màu thạch lựu, có những tàn lá xòe ngang ra bên, rên rỉ nhè nhẹ mỗi khi gió thổi uốn cành. Còn dưới chân chúng gauguin_alyscampsmình là nội cỏ bao la, xanh ngát, tựa như một quyển sách mở rộng, dựa nghiêng nghiêng trên sườn đồi chân núi. Trên trang sách, có chỗ tô màu lục đậm vì bóng mây, có chỗ lại tô màu vàng vì ánh nắng. Trang sách đầy chữ, mỗi chữ là một bông hoa. Nào hoa khổ-sâm, nào hoa bạch-đầu-ông, nào hoa mao-lương, và tất nhiên là có hoa huệ đồng của vua Salomon. Và có những con bò cổ đeo chuông, bước tới đánh vần từng chữ, và thiên thần cũng bay tới đọc, vì như Mục sư nói, mắt người trần gian khép kín không đọc được sách này. Dưới trang sách con thấy vẽ một con sông sữa trắng bốc khói, phủ sương mù, che giấu một vực thẳm huyền bí, một con sông rộng không thấy bờ bên kia, trong khi ngoài cõi xa xăm trước mặt là núi Alpes lộng lẫy hùng vĩ… Anh Jacques phải đi đến đó phải không Mục sư. Mục sư nói cho con đi. Ngày mai anh ấy phải lên đường phải không? “

“Đúng, mai anh ấy phải đi. Anh ấy nói với con sao?”

“Anh ấy không nói, nhưng con hiểu. Anh ấy phải vắng nhà bao lâu?”

“Khoảng độ một tháng… Gertrude con, ta muốn hỏi con… là sao con không cho ta hay khi Jacques tới gặp con ở nhà thờ.”

“Anh ấy đến gặp con cả thảy hai lần. Ô! Con đâu có muốn giấu Mục sư chuyện gì. Con chỉ sợ làm Mục sư phiền lòng.”

“Con không nói, ta mới phiền lòng.”

Tay nàng tìm tay tôi:

“Phải ra đi, anh ấy buồn lắm.”

“Gertrude con, anh ấy có nói với con là anh ấy yêu con không?”

“Anh ấy không nói. Nhưng chuyện như vậy, dù không nói con cũng biết. Anh ấy không yêu con bằng Mục sư yêu con.”

“Còn con, anh ấy phải lên đường, con có đau khổ không?”

“Mục sư biết quá rồi còn hỏi con. Con chỉ yêu có Mục sư thôi… Ô, sao Mục sư lại rút tay lại. Nếu Mục sư chưa vợ, con đâu dám nói với Mục sư như thế này. Nhưng mà ai mà lấy người mù làm vợ. Vậy thì tại sao chúng mình lại không được yêu nhau. Mục sư ơi, nói con nghe đi. Mục sư có nghĩ như vậy là xấu không?”

“Tình thương không bao giờ xấu.”

“Trong lòng con con chỉ thấy tốt lành. Con không muốn làm cho Jacques đau khổ. Con cũng không muốn làm cho bất cứ ai đau khổ. Con chỉ muốn mang hạnh phúc lại cho mọi người.”

“Jacques muốn hỏi con làm vợ.”

“Mục sư có cho phép con nói chuyện với anh ấy trước khi anh ấy lên đường không? Con muốn anh ấy hiểu là anh ấy phải quên con đi. Mục sư hiểu con. Mục sư biết là con không thể lấy chồng được. Mục sư để cho con nói với anh ấy đi.”

“Ngay chiều nay nhé?”Không, ngày mai, chính lúc anh ấy lên đường…”

Mặt trời đi ngủ trong một buổi hoàng hôn cực kỳ lộng lẫy. Không khí ấm áp. Chúng tôi đứng dậy, và vui vẻ trò chuyện trên đường về đang đẫm bóng chiều.

 

Phần IV

Ngày 28 tháng Tư.

Đã lâu tôi bận nên không viết tiếp.

Tuyết đã tan và đường xá đã lưu thông trở lại, tôi phải thanh toán xong một số công việc bấy lâu ứ đọng khi làng bị tuyết cô lập. Mãi hôm qua tôi mới được chút rảnh rang.

Đêm qua tôi ngồi đọc lại những điều đã viết…

Hôm nay mới dám gọi đúng tên cái tình cảm tôi đã không chịu nhìn nhận suốt thời gian qua, tôi ngạc nhiên làm sao tôi đã có thể lầm lẫn lâu như vậy; làm sao tôi đã không cảnh giác với những lời bóng gió tối nghĩa của vợ; làm sao sau những tỏ tình thơ ngây của Gertrude, tôi còn hồ nghi tình yêu tôi dành cho nàng.

Có lẽ không chấp nhận yêu đương ngoài hôn nhân, tôi không muốn thấy luyến ái đam mê đang kéo tôi về Gertrude là điều gì cấm kỵ. Sự ngây thơ khi nàng tỏ tình, cũng như sự thật thà của sự tỏ tình ấy làm tôi yên bụng. Tôi tự nhủ, nàng chẳng qua là đứa trẻ. Nếu là chính thực yêu đương, làm sao lại không có thẹn thùng xấu hổ? Còn phần tôi, tôi đã tự thuyết phục rằng chẳng qua là mình xót thương một em bé tật nguyền. Tôi nghĩ tôi săn sóc Gertrude như người ta săn sóc bệnh nhân, và từ sự dạy dỗ nàng tôi đã tạo ra một trách nhiệm tinh thần, một bổn phận. Đúng, sau hôm nói chuyện với nàng như tôi đã kể, tôi vì thấy lòng nhẹ nhàng và hạnh phúc nên lại lầm lẫn nữa khi ghi lại những lời nàng tỏ tình. Tôi nghĩ, yêu nàng trong cảnh tôi là điều đáng khinh bỉ, và chuyện gì đáng khinh bỉ tất làm tâm hồn nặng nề trì trệ. Nên chi, không thấy tâm hồn trì trệ nặng nề, tôi đã tưởng là mình không yêu.

Hôm đó ngồi ghi nhật ký, tâm hồn trong sáng thảnh thơi, tôi đã không nhận ra; giờ đây đọc lại những hàng chữ đó tôi mới hiểu lòng mình…

Kể từ hôm Jacques đi- tôi đã để Gertrude nói chuyện với con trai tôi, và nó chỉ về nhà mấy ngày cuối hè, làm bộ tránh né hay chỉ nói chuyện với Gertrude những lúc tôi có mặt- cuộc sống chúng tôi trở lại bình thường. Còn Gertrude, như đã thu xếp, dọn tới nhà cô Louise ở. Ngày ngày, tôi đến thăm nàng. Nhưng vẫn còn e dè tình yêu, tôi làm bộ tránh nói với nàng những điều có thể làm chúng tôi xúc động. Tôi nói chuyện như Mục sư nói với con chiên, thường thường trước mặt cô Louise. Tôi chuyên tâm dạy nàng giáo lý, sửa soạn lễ thông công cho nàng vào dịp lễ Phục Sinh vừa rồi.

Hôm lễ Phục Sinh, chính tôi cũng rước lễ. Sự việc xảy ra đã mười lăm hôm. Tôi ngạc nhiên, Jacques đang nghỉ lễ ở nhà một tuần, không theo tôi ra ban thờ Chúa. Tôi cũng rất buồn phải nói là Amélie, lần đầu tiên từ ngày lấy nhau, đã không theo chồng làm lễ. Hình như cả hai mẹ con đã hẹn nhau tẩy chay không tới tham dự, chủ tâm làm giảm niềm vui của tôi. Cũng mừng là Gertrude mù lòa, nên tôi một mình được gánh vác nỗi buồn. Tôi quá biết Amélie để không hiểu thái độ trách móc gián tiếp của nàng. Không bao giờ nàng chống đối chồng ra mặt, nhưng dùng sự xa lánh để tỏ ý bất mãn.

Tôi rất buồn chỉ vì bực dọc chừng ấy- tôi muốn nói tầm thường đến nỗi không đáng đếm xỉa- mà Amélie đã hạ tâm hồn tới mức quên mất những chuyện cao cả. Hôm đó về nhà tôi chân thành cầu nguyện cho nàng.

Còn Jacques tẩy chay lễ rửa tội vì một lý do hoàn toàn khác biệt, mà mãi về sau nói chuyện với con tôi mới hiểu.

 

o0o

 

Ngày 3 tháng Năm.

Nhân dịp dạy dỗ giáo lý cho Gertrude, tôi có dịp đọc lại Phúc Âm với nhãn quan mới. Tôi thấy rõ là những cấm kỵ trong giáo điều không phải từ lời Chúa, mà do thánh Paul đặt ra.

gauguin_christ-jaune Đây chính là đề tài thảo luận sôi nổi giữa tôi và Jacques. Tính tình hơi khô khan, trái tim nó thiếu tình thương để nuôi dưỡng suy tư; nó trở nên bảo thủ và nặng giáo điều. Nó trách tôi đã chọn trong giáo lý những điều tôi thích. Nhưng tôi đâu có dám gạn lọc lời Chúa, để lựa riêng ra điều này điều nọ. Tôi chỉ chọn Chúa thay vì chọn thánh Paul.

Còn con trai tôi sợ thấy đối lập giữa Chúa và Thánh, đã không chịu ghi nhận sự khác biệt về mạc khải giữa hai vị, và phản đối khi tôi bảo rằng một đằng là người trần gian, còn một đằng là Chúa. Nó càng cãi lý thì tôi càng thấy rõ là Jacques không nhạy bén với những gì thiêng liêng trong lời Chúa dạy.

Tôi lục tìm trong Phúc Âm mà không thấy được dù một mệnh lệnh hay một đe dọa hay một cấm đoán nhỏ… Tất cả những thứ ấy đều từ Thánh Paul mà ra.

Jacques lúng túng vì không tìm được mệnh lệnh hay đe dọa trong lời Chúa. Những linh hồn như nó thường hốt hoảng nếu không được dìu dắt, nếu thiếu lan can để vịn cho khỏi sa ngã lầm lạc. Hơn nữa, họ khó chịu khi thấy kẻ khác dám hưởng quyền tự do mà họ đã tự chối bỏ. Lúc nào họ cũng gò bó, bắt buộc, để đoạt được những mục tiêu mà lẽ ra có thể thu hoạch dễ dàng qua tình thương. Nó bảo tôi:

“Nhưng thưa Ba, con đâu có chối bỏ hạnh phúc của tâm hồn.”

“Không phải đâu. Con muốn tâm hồn phải phục tòng.”

“Hạnh phúc nằm trong phục tòng giáo điều.”

Tránh cãi lý giằng co với con, tôi không đáp lại; tuy nhiên tôi biết rõ rằng hạnh phúc sẽ bị sứt mẻ nếu ta đòi hỏi phải phục tòng trước mới được hưởng hạnh phúc sau, thay vì coi sự phục tòng là kết quả tất nhiên một khi có hạnh phúc- và rằng một tâm hồn yêu thương sẵn lòng phục tòng, nhưng không có gì có thể xa cách hạnh phúc hơn là phục tòng mà không yêu thương.

Ngoài ra Jacques lập luận rất vững chãi. Nếu không vì buồn lòng thấy nó còn trẻ mà đã quá cứng cỏi về giáo lý, thì tôi phải công nhận lập luận của nó rất chỉnh và luận lý của nó rất nhất quán. Nhiều khi tôi thấy mình còn trẻ hơn con; trẻ hơn chính bản thân mình so với hôm qua, và tôi lẩm nhẩm lời Phúc Âm, rằng ‘Nếu các người không trở lại thành trẻ nhỏ, làm sao các người được nhận vào nước Chúa?’

Thấy trong Phúc Âm con đường dẫn tới cuộc sống hạnh phúc, đâu có phải là phản Chúa, là phản Thánh Kinh? Hạnh phúc mà tính ngờ vực và trái tim chai sạn cấm đoán, hạnh phúc đó chính là bổn phận của con chiên. Ai cũng có khả năng hạnh phúc. Về điều này, tôi học được từ nụ cười của Gertrude nhiều hơn là nàng học được từ tất cả những bài giáo lý tôi đã dậy nàng.

Và lời Chúa sừng sững sáng ngời trước mắt tôi, ‘Nếu con mù lòa, con sẽ không có tội’. Tội lỗi là những điều làm cho tâm hồn vẩn đục, những điều đối kháng với hạnh phúc. Hạnh phúc viên mãn và tỏa ra nơi Gertrude như hào quang như thế là vì nàng không hề biết tội lỗi là gì. Ở nàng chỉ có sự trong sáng và tình yêu.

Tôi trao nàng bốn cuốn Phúc Âm, mấy cuốn Thánh Thi, cuốn Mạc Thị Lục, và ba tập Sứ Đồ của thánh Jean, trong đó nàng tìm thấy những lời vàng ngọc như ‘Chúa là ánh sáng, và trong Chúa không có âm u tối tăm.’ Qua Thánh Kinh, nàng có thể nghe lời Chúa dạy ‘Ta là ánh sáng, kẻ theo ta không sợ tối tăm’ như nàng đã nghe được lời Chúa rằng ‘Ta là ánh sáng của thế gian; ai đi với ta không phải bước trong tăm tối.’ Tôi nhất định không cho nàng xem kinh của thánh Paul, vì mù lòa, nàng đâu cần biết đến tội lỗi, ích gì làm cho nàng lo lắng phải đọc những câu như ‘Tội lỗi đã thu hoạch được những sức lực mới… như trong kinh Romains VII, 13, v..v..

 

o0o

 

Ngày 8 tháng Năm.

Bác sĩ Martins chiều qua từ La Chaux de Fonds đến thăm tôi. Anh lấy võng mô kính ra khám mắt rất lâu cho Gertrude. Anh cho hay anh có trình bày trường hợp Gertrude với bác sĩ Roux, vị danh y nhãn khoa ở Lausanne. Cả hai vị đều đồng ý là mắt Gertrude có thể mổ sáng lại được. Nhưng chúng tôi quyết định là đợi sự việc chắc hơn mới cho nàng biết. Sau khi họp với bác sĩ Roux, Martins sẽ cho tôi hay. Làm nàng hy vọng hụt, đâu có ích gì? Vả lại ngay cả bây giờ, nàng đã chẳng hạnh phúc rồi sao?

 

o0o

 

Ngày 10 tháng Năm.

Lễ Phục Sinh, Jacques và Gertrude gặp nhau lại dưới sự chứng kiến của tôi- ít ra Jacques đã tìm gặp lại Gertrude và đã nói chuyện với nàng, tuy chỉ là những câu chuyện thông thường. Nó không tỏ ra xúc động nhiều như tôi đã tưởng. Tôi lại tự trấn tâm là nếu đã nồng nhiệt, thì dù năm ngoái có bị Gertrude cho hay là tình nó vô vọng chăng nữa, tình đó đã không dễ dập tắt như vậy. Nó xưng hô ‘cô, tôi’ với nàng, như vậy thật ra chỉnh hơn; tôi đã không ép nó phải làm vậy, nên rất hài lòng khi thấy nó biết tự giác. Không thể phủ nhận là thằng bé có nhiều điểm tốt lành.

Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ là sự phục tòng của Jacques khắc khoải khó khăn. Chỉ tiếc rằng nó cho gò bó con tim như vậy là thánh thiện; nó muốn tất cả mọi người cũng gò bó như nó; tôi nhận thấy điều này trong cuộc bàn cãi vừa qua với con mà tôi đã kể lại trước đây. Hình như La Rochefoucauld có nói, trí tuệ thường bị con tim đánh lừa. Tất nhiên tôi không dám nhắc nó điều này bây giờ. Biết tính con bướng bỉnh, khi thảo luận bị trái ý lại càng bướng bỉnh hơn; nhưng ngay chiều hôm đó, lấy ngay trong kinh thánh Paul (phải lấy độc trị độc) câu trả lời cho nó, tôi để lại trong phòng con mảnh giấy nhỏ chép ‘Rằng kẻ nào không ăn đừng phán xét kẻ đã ăn, vì Chúa đã đón nhận người này’. (Romains, XIV, 2).

Và tôi cũng định chép luôn câu tiếp theo ‘Tôi biết vì tôi được Chúa Ky Tô dạy rằng sự vật tự nó không tội lỗi, và chỉ tội lỗi cho những kẻ muốn thấy tội lỗi’. Nhưng tôi lại đổi ý, sợ rằng Jacques sẽ có những suy diễn xúc phạm liên quan đến Gertrude, điều nó không được phép nghĩ tới. Tất nhiên đoạn kinh này nói về thực phẩm. Nhưng trong kinh thánh, có biết bao nhiêu đoạn có thể hiểu theo đôi ba ngả khác nhau… (Như đoạn ‘Nếu mắt con’, hay đoạn làm bánh mì biến hóa một thành nhiều, hay đoạn đám cưới Cana, vân vân). Ở đây không phải chuyện chẻ sợi tóc làm tư; ý nghĩa đoạn kinh trên rộng và sâu rằng không nên lấy luật mà đòi hỏi giới hạn hay cấm đoán, mà phải lấy tình thương… và thánh Paul đã dõng dạc nói rằng: ‘nếu vì một món đồ ăn mà buồn phiền, thì con đã không theo đạo của tình thương.’ Quỷ dữ tấn công chúng ta vì thiếu tình thương. Lạy Chúa, xin gạn lọc khỏi tim con tất cả những điều gì không phải là tình thương… Vì tôi đã lầm khi trêu tức Jacques. Ngày hôm sau tôi tìm thấy trên bàn tôi miếng giấy tôi viết cho nó. Nó viết lại mặt sau, một câu kinh khác, cũng chương đó rằng ‘Đừng vì món ăn của con mà làm hại đến kẻ Chúa đã xả thân cứu rỗi’. (Romains XIV, 15).

Tôi đọc lại cả chương sách một lần nữa. Thật ra đề tài này mà cãi lý thì không bao giờ hết. Nhưng tội gì lại vẩn đục cả bầu trời trong sáng của Gertrude với những thắc mắc dằn vặt loại này. Hai chúng tôi gần gũi với Chúa biết bao, khi tôi dạy Gertrude là tội lỗi nặng nhất là làm phương hại đến hạnh phúc của người khác cũng như của chính mình.

Buồn thay, có những linh hồn không có khả năng chấp nhận hạnh phúc; vì kém cỏi vụng về… Tôi chạnh lòng nghĩ đến vợ. Tôi luôn luôn chào mời nàng hưởng lấy hạnh phúc, xô đẩy nàng về phía hạnh phúc, gần như cưỡng ép hạnh phúc lên nàng. Đúng, lòng tôi muốn nâng mọi người lên cao để hưởng ơn phước Thượng Đế. Nhưng nàng vẫn khăng khăng trốn chạy, tâm hồn luôn luôn khép kín như những loài hoa sầu muộn, mà không nắng nào có thể mãn khai. Chuyện gì cũng có thể làm cho nàng lo lắng bận tâm.

Một hôm nàng nói với tôi:

“Biết làm sao đây? Em không có may mắn được mù lòa.”

Chao ôi, lời nàng mai mỉa cay đắng làm sao. Đạo đức nào che chở cho tôi khỏi bị tổn thương bởi miệng lưỡi độc ác này. Tối thiểu nàng cũng phải biết tôi đau đớn dường nào, nếu ai ám chỉ đến tật nguyền của Gertrude. Nhưng hành động của vợ tôi làm tôi cảm thấy lòng vị tha nơi Gertrude lại càng cao quý hơn. Gertrude chưa hề mở miệng trách móc hay oán hờn bất cứ một ai bao giờ. Thật ra tôi không để nàng biết những chuyện có thể thương tổn nàng.

Nếu một tâm hồn hạnh phúc tỏa hào quang ra và reo rắc tình thương và niềm vui, thì xung quanh Amélie chỉ có tối tăm bệnh hoạn. Nếu Amiel nhà văn chuyên về bất an của đời sống tả nàng, chắc ông ta đã viết rằng tâm hồn Amélie phát ra những tia sáng đen. Sau một ngày thăm viếng những kẻ ốm đau tật nguyền, tôi về nhà mệt mỏi từ tâm hồn đến thể xác, mong đợi một tình yêu đầm ấm… vậy mà tôi chỉ tìm được những lo lắng buồn phiền hay đay nghiến oán trách. Mưa lạnh gió buốt bên ngoài còn muôn vàn dễ chịu hơn. Tôi biết vú già Rosalie nhiều khi cứng đầu chỉ muốn làm theo ý mình, tuy nhiên không phải bao giờ vợ tôi cũng đúng mà người làm cũng sai. Tôi cũng thừa biết là thằng Gaspard và con Charlotte là hai đứa trẻ tinh nghịch, nhưng nàng có thể thành công hơn nếu bớt to tiếng và kềm kẹp chúng suốt ngày. Lúc nào cũng mắng, lúc nào cũng phạt, thét ra rồi chúng chai lì rắn mày rắn mặt như sỏi đá. Kết quả là nhà tôi mắng chửi con mà chỉ có mình tôi khó chịu. Tôi cũng biết thằng út Claude mọc răng, nhưng nó vừa o oe là Amélie hay Sarah lại chạy lại bế ẵm… như thế có khác gì là khuyến khích cho nó hay nhè. Tôi tin rằng nó sẽ ít hét hơn nếu cứ để hét vài lần cho thỏa thích khi tôi không có ở đấy. Nhưng tôi biết chỉ những lúc tôi có mặt hai mẹ con mới vội vã bế nó.

Sarah càng lớn càng giống mẹ, làm tôi muốn bỏ nó vào nội trú. Sarah không giống mẹ khi Amélie còn trẻ vào cỡ tuổi nó khi chúng tôi mới đính hôn. Không, nó giống như mẹ nó bây giờ, sau tất cả những lo lắng và bận tâm của đời sống vật chất, tôi muốn nói sau cái thú nuôi dưỡng lo âu phiền muộn (vì quả thật Amélie có cái thú này). Nhìn vợ bây giờ, tôi không thể tưởng tượng lại hình ảnh nàng tiên mỉm cười với mỗi ước vọng hướng thượng của tôi, người con gái mà tôi muốn gắn bó tất cả cuộc đời, vị thiên thần đi trước và kéo tôi về phía ánh sáng _ Phải chăng tình yêu thủa đó đã làm tôi mù quáng? Bây giờ nơi con gái, tôi chỉ thấy những bận tâm nhỏ nhen tẹp nhẹp như mẹ nó. Ngay cả dung nhan nó thiếu cái ấm tình nội tâm, sao mà cứng cỏi buồn bã. Nó không thích thi ca, mà cũng chẳng ham sách vở; tôi chưa từng bắt gặp hai mẹ con bàn bạc chuyện gì mà tôi muốn dự vào; bên cạnh vợ con tôi còn thấy cô đơn hơn là khi lui vào phòng làm việc, điều mà mỗi ngày tôi làm mỗi nhiều hơn.

Từ độ sang thu ngày ngắn dần, tôi hay sang nhà cô Louise dùng trà, mỗi khi mục vụ xong sớm và có dịp rảnh rỗi. Tôi quên chưa kể từ tháng mười một, cô Louise đã nhận thêm mấy em bé mù do bác sĩ Martins gửi tới; Gertrude bây giờ trở thành cô giáo kèm học các em, và kết quả thật khả quan.

Biệt thự La Grange đầm ấm và an bình biết bao. Nếu hai ba hôm liền mà không tới được, tôi thấy khổ sở thiếu thốn làm sao. Cô Louise thật ra không phải vất vả lắm khi chăm sóc cho Gertrude và ba em bé mù; ba người làm tận tâm phục vụ, đỡ đần cô chủ những việc nặng nhọc. Nhưng phải nói là tiền của và thời gian xử dụng như vậy không thể còn cách nào xứng đáng hơn. Cô luôn luôn tỏ lòng thương người khốn khó. Thật là một tâm hồn ngoan đạo, một thiên thần tạm lưu lại cõi trần chỉ vì yêu thương và muốn giúp đỡ kẻ khác; dù cô đã có tuổi, mái đầu đã bạc trắng, nhưng không có gì trẻ trung hơn nụ cười của cô, hài hòa hơn dáng điệu của cô, êm đềm hơn giọng cô nói. Gertrude đã học được nơi cô, không những về lời ăn tiếng nói, mà còn về đường lối suy nghĩ cũng như cung cách toàn diện con người. Tôi hay trêu hai người về sự giống nhau này, nhưng cả hai không nhận thấy như tôi. Thật là êm đềm cho tôi, nếu hôm nào có thì giờ ở lại trễ với họ, ngắm họ ngồi bên nhau, Gertrude tựa đầu vào vai cô Louise, hay để cô cầm tay, nghe tôi đọc thơ Lamartine hay Hugo; sung sướng tuyệt vời cho tôi khi được ngắm ý thơ mỹ miều phản chiếu lại từ hai tâm hồn trong sáng. Tốt lành lan tràn đến ba em bé mù. Trong môi trường an bình và ấm tình thương, chúng tiến bộ nhanh chóng. Mới đầu tôi không tin, khi cô Louise nói đến chuyện cho các em học khiêu vũ, vừa giải trí mà lại tốt cho sức khỏe; nhưng bây giờ tôi phải thán phục tài vũ của các em, khi ngắm những bước điệu uyển chuyển các em thực hiện được. Chỉ tiếc các em không có thị giác để biết mình nhảy khéo đến đâu. Tuy nhiên cô Louise thuyết phục tôi rằng tuy không thấy được bằng mắt cái đẹp của những động tác khéo léo, các em vẫn cảm được qua cơ bắp mình. Gertrude cũng tham dự vào những điệu vũ này với duyên dáng, và cũng tỏ ra rất thích thú. Có lúc cô Louise nhảy chung với các em, trong khi Gertrude ngồi đàn dương cầm. Tiến bộ của nàng về âm nhạc thật là bất ngờ; bây giờ nàng phụ trách cây phong cầm mỗi chủ nhật, và đệm cho những buổi cầu kinh sáng chủ nhật bằng những đoạn ngắn tùy hứng.

Gertrude thường tới tôi ăn trưa với gia đình; đám con tôi rất mừng mỗi khi nàng tới, tuy rằng sở thích và thẩm mỹ của nàng mỗi ngày mỗi khác với chúng. Amélie nói chung, không tỏ ra khó chịu lắm, và bữa ăn thường thường trôi qua êm đẹp. Xong bữa, chúng tôi tiễn Gertrude về lại biệt thự La Grange, và chúng tôi ở đó tới chiều để uống trà. Đúng là một dịp vui hiếm có cho đám con tôi, và cô Louise có gì ngon ngọt là đem ra đãi chúng. Cả Amélie, thường không nhậy ứng với sự tiếp đón ân cần nói chung, cũng thư giãn, và sau cùng cũng như có phần trẻ lại trong những dịp thăm viếng này. Tôi nghĩ nàng cũng thích thói quen mới này, như một chút nhàn hạ cho cuộc sống vội vàng tất bật của nàng, và nếu phải bỏ chắc nàng sẽ thấy cũng hơi khó khăn.

 

o0o

 

Ngày 18 tháng Năm.

Bây giờ thời tiết đã ấm áp, và tôi lại có dịp dẫn Gertrude ra ngoài, việc đã không làm khá lâu (vì tuyết lại rơi, và mãi gần đây đường xá ở trong tình trạng lầy lội). Vả lại lâu lắm tôi cũng không có dịp gặp riêng nàng.

kand1 Ra khỏi nhà, chúng tôi vui vẻ rảo bước; gió lạnh làm nàng đỏ má, thổi mấy lọn tóc vàng phất phơ trước trán. Lúc đi dọc theo một đầm lầy, tôi với tay hái vài bông cói mới nở cho nàng gài dưới mũ và bím vào mái tóc để giữ cho khỏi bay.

Một lát rồi mà chúng tôi vẫn chưa nói chuyện, như còn ngạc nhiên sung sướng vì thú vui được gặp riêng nhau, khi Gertrude bỗng ngoảnh lại hỏi tôi:

“Mục sư có nghĩ là anh Jacques còn yêu con không?”

Tôi vội trả lời:

“Anh ấy đã cam kết không theo đuổi con nữa.”

Nàng lại hỏi:

“Mục sư có nghĩ là anh ấy biết Mục sư yêu con không?”

Từ câu chuyện mùa hè năm ngoái tôi đã kể, từ sáu tháng nay chúng tôi không nói đến yêu đương. Chúng tôi không có dịp gặp riêng nhau, mà kể như vậy cũng là điều hay… Bây giờ câu hỏi của Gertrude làm tim tôi đập liên hồi, đến nỗi tôi phải chậm bước lại. Tôi đáp:

“Ai chả biết là ta thương con.”

Nàng không chịu thua:

“Không đâu. Như vậy là Mục sư không trả lời câu con hỏi.”

Một giây yên lặng trôi qua, nàng cúi đầu khẽ nói:

“Dì Amélie biết. Mà con biết là biết điều này, Dì con buồn lắm.”

“Không có chuyện này thì Dì cũng vẫn buồn. Bản tính Dì không bao giờ vui.”

Nàng có vẻ bực mình:

“Ô! Mục sư luôn luôn tìm cách làm con an lòng. Con không muốn an lòng như vậy. Con biết có nhiều chuyện Mục sư giấu con, sợ con buồn. Vì có nhiều chuyện con không được biết, nên nhiều khi con nghĩ…”

Giọng nàng nhỏ dần rồi tắt, tựa hồ như hụt hơi. Bắt lấy mấy chữ cuối cùng nàng vừa nói, tôi hỏi:

“Nên nhiều khi làm sao hở cưng?”

Nàng tiếp lời, buồn bã:

“Thỉnh thoảng con thấy như thể là tất cả niềm hạnh phúc Mục sư dành cho con là dựa trên việc con không được biết hết cả mọi chuyện.”

“Gertrude con, nhưng mà…”

“Không, Mục sư để cho con nói hết: Con không muốn hạnh phúc như vậy. Hãy hiểu cho con là… Con không cần hạnh phúc. Con muốn biết sự thật hơn. Có rất nhiều chuyện, nhiều chuyện buồn mà con không thấy được, nhưng Mục sư không được giấu con. Mấy tháng mùa đông, con đã suy nghĩ rất nhiều. Mục sư, con sợ rằng thế giới không đẹp như Mục sư muốn con nghĩ, thậm chí còn xấu hơn nhiều lắm.”

Sợ hãi, tôi gắng biện minh:

“Thật ra thì loài người nhiều khi làm thế giới này xấu đi.”

Đà suy nghĩ của nàng làm tôi lo sợ. Như tuyệt vọng, tôi tìm cách đổi hướng câu chuyện. Nàng bắt lấy lời tôi nói, như một chiếc chìa khóa để cởi mở mối bận tâm. Nàng nói:

“Chính vậy. Con không muốn thân phận con lại làm cho cuộc đời thêm xấu.”

Trong giây lâu, chúng tôi yên lặng rảo bước. Những lời tôi có thể nói với nàng chưa nói đã cảm thấy vấp phải những điều nàng đang nghĩ; tôi sợ nói lỡ ra một câu nào đó có khả năng quyết định số phận chúng tôi. Nghĩ đến lời anh bạn Martins cho hay mắt nàng nếu mổ có thể nhìn lại được, lòng tôi bỗng vô cùng bất an.

Sau cùng nàng nói:

“Con có chuyện muốn hỏi Mục sư, nhưng không biết nói làm sao…”

Tất nhiên là nàng đang vận động tất cả can đảm để nói, mà tôi cũng đang vận động tất cả can đảm đợi nghe. Nhưng làm sao mà tôi đoán nổi câu hỏi của nàng:

“Con cái người mù đẻ ra, có bắt buộc phải mù không?”

Trong chúng tôi, tôi không biết ai ngột ngạt hơn ai; nhưng đã đến thế này thì chỉ còn cách tiếp tục. Tôi nói:

“Không Gertrude, trừ trường hợp bất thường lắm. Thật ra không có lý do gì mà con cái người mù, bẩm sinh là đã phải mù.”

Câu trả lời làm nàng hoàn toàn yên tâm. Tôi muốn hỏi tại sao nàng lại thắc mắc chuyện này. Không đủ can đảm hỏi thẳng, tôi vụng về nói quanh:

“Gertrude ạ, phải có chồng rồi mới có con được.”

“Mục sư đừng nói dối con. Con biết sự thật đâu có phải như vậy.”

“Ta chỉ nói những điều đàng hoàng trang trọng. Thật ra có nhiều chuyện thiên nhiên cho phép, mà phong tục loài người cũng như luật Chúa không cho.”

“Thế sao Mục sư lại dạy con là luật Chúa chính là luật của Tình Thương?”

“Tình Thương đây là tình thương tế độ.”

“Mục sư thương con với tình thương tế độ sao?”

“Gertrude cưng. Con dư biết là không phải vậy.”

“Vậy Mục sư cho là tình chúng ta vượt ra ngoài phép Chúa sao?”

“Con muốn nói gì?”

“Mục sư biết mà. Lẽ ra con không phải là người nói ra chuyện này.”

Tôi đã hoài công lẩn trốn. Tim tôi đổ hồi, và những lý lẽ nêu ra lúng túng bất thông. Như điên dại, tôi nói lớn:

“Gertrude… con nghĩ tình con tội lỗi?”

Nàng sửa lời tôi:

“Mục sư muốn nói ‘tình chúng mình’… Con nghĩ là có tội lỗi.”“Vậy tính sao hở con?”

Tôi ngạc nhiên thấy trong giọng mình có van xin năn nỉ. Như hụt hơi, nàng nói tiếp:

“Nhưng dù sao đi nữa, con không thể ngừng yêu Mục sư được.”

Câu chuyện xẩy ra hôm qua. Tôi ngần ngại không ghi chép ngay. Tôi không còn nhớ buổi vãn cảnh đó kết thúc làm sao. Chúng tôi rảo bước như trốn chạy. Tôi ghì chặt cánh tay nàng. Linh hồn như đã lìa khỏi xác, và chỉ một viên sỏi nhỏ trên đường cũng đủ làm chúng tôi vấp ngã.

 

Phần V

Ngày 19 tháng Năm.

Sáng nay Bác sĩ Martins trở về. Mắt Gertrude có thể mổ được.

Bác sĩ Roux chuẩn y việc giải phẫu, và yêu cầu đưa nàng lên Lausanne để trị liệu. Tôi không thể phản đối, tuy vậy vẫn hèn nhát tìm cách trì hoãn để suy nghĩ. Tôi xin cho thư thả, lấy cớ để sửa soạn nàng về mặt tâm lý… Lẽ ra tôi phải vui mừng, vậy mà một nỗi hoang mang không tả nổi đè nặng tim tôi. Cứ nghĩ đến việc cho Gertrude hay là nàng có thể nhìn lại được, lòng tôi lại muôn vàn lo sợ…

 

Đêm 19 tháng Năm.

Tôi đã gặp lại Gertrude, và tôi đã không nói với nàng. Chiều nay tôi đến biệt thự La Grange, không gặp ai ở phòng khách, tôi lên cầu thang tới thẳng buồng nàng. Cả nhà vắng vẻ chỉ có hai chúng tôi.

Tôi ôm nàng vào lòng, yên lặng giây lâu. Nàng không chống cự. Và lúc nàng ngẩng lên, môi chúng tôi chạm nhau…

 

o0o

 

Ngày 21 tháng Năm.

Lạy Chúa, phải chăng Chúa đã cho chúng con đêm bao la và đẹp đến ngần này. Phải chăng Chúa đã vì con… Khí trời ấm áp, ánh trăng bên ngoài chiếu qua khung cửa sổ mở rộng, và con lắng nghe cái tịch mịch bao la của những vùng trời thăm thẳm. Ôi, tim con tan vào niềm thương yêu thờ phụng con dâng lên tất cả tạo vật, trong niềm hoan lạc không lời. Con chỉ còn biết hết lòng nguyện cầu. Con hiểu rồi, nếu tình yêu phải trói buộc trong một giới hạn, thì lỗi là tại loài người, chớ không phải vì ý Chúa. Dù tình con với nàng có mang tội với nhân loại, nhưng trăm lạy Ngài, hãy phán cho con là dưới mắt Ngài, tình này vẫn thánh thiện trong lành.

Con muốn vượt lên trên ý niệm tội lỗi. Con không chịu nổi ý niệm tội lỗi, và con không muốn bỏ Chúa Ky tô. Không, khi yêu nàng, con không chấp nhận đây là tội lỗi. Trừ phi phải moi trái tim con vứt bỏ, con mới hết yêu nàng. Nhưng tại sao? Dù có không yêu nàng đi nữa, con vẫn phải yêu nàng vì xót thương. Không yêu nàng nữa, có khác gì là phản bội nàng: nàng không thể thiếu được tình con…

Lạy Chúa, con không còn biết gì nữa. Con chỉ còn biết có Chúa. Chúa dìu dắt con. Nhiều lúc con ngụp lặn trong tăm tối, như thể trong khi người ta sắp trả lại thị giác cho nàng, thì chính con lại thành kẻ mù lòa.

Hôm qua Gertrude nhập viện, và sẽ điều trị ở đó độ hai chục ngày. Tôi vô cùng lo sợ chờ đợi nàng về. Martins sẽ mang nàng về khi cuộc điều trị hoàn tất. Nàng bắt tôi hứa là phải đợi nàng ở nhà, và không được tới bệnh viện thăm nàng.

 

o0o

 

Ngày 22 tháng Năm.

Thơ của Martins cho hay: cuộc giải phẫu thành công mỹ mãn.

Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài.

 

o0o

 

Ngày 24 tháng Năm.

Tôi vô cùng ngượng ngùng và bất an nghĩ đến chuyện trình diện với người đã yêu tôi cho đến bây giờ mà chưa thấy mặt tôi. Không biết nàng có nhận ra tôi không. Lần đầu tiên trên đời, tôi lo lắng ngắm mình trong gương. Tôi sẽ như thế nào nếu thị giác nàng không độ lượng, không yêu đương như trái tim nàng. Chúa ơi, con cần tình thương của nàng để con yêu kính Chúa.

 

o0o

 

Ngày 27 tháng Năm.

Mấy hôm nay giáo khu bất ngờ lắm việc phải giải quyết, giúp tôi khuây khỏa ít nhiều. Tôi mừng rỡ tìm được nhiều chuyện bận rộn để khỏi nghĩ đến nàng. Nhưng hình ảnh nàng vẫn luôn luôn theo tôi ám ảnh.

Ngày mai nàng sẽ trở về. Suốt tuần qua, Amélie biểu lộ những diện tốt lành nhất của mình và để tâm giúp tôi quên kẻ vắng mặt, bây giờ cùng đám trẻ sửa soạn đón nàng về.

 

o0o

 

Ngày 28 tháng Năm.

Thằng Gaspard và con Charlotte đã hái tất cả hoa dại ngoài rừng và trong nội cỏ. Vú già Rosalie làm một chiếc bánh khổng lồ, và Sarah cắt những mẩu giấy vàng để trang hoàng bánh. Trưa nay cả nhà trông ngóng nàng về.

Tôi lấy giấy bút ra viết để bận rộn trí óc trong những phút đợi chờ. Đồng hồ chỉ mười một giờ. Lúc lúc, tôi lại nhìn ra đường tìm bóng cỗ xe của bác sĩ Martins. Tôi quyết định không chạy ra tận xe đón nàng. Tôi không muốn sự đón mừng của tôi có tính cách riêng tư trước mặt Amélie. Tim tôi nhói lên… A! Họ đã về.

Chiều ngày 28.

Tôi rơi vào cái đêm tối hãi hùng nào đây. Lạy Chúa, hãy thương xót con, con xin van Chúa. Con xin hứa sẽ không thương yêu nàng nữa. Nhưng lạy Chúa, con van xin Ngài đừng để cho nàng chết!

Bây giờ tôi mới biết tại sao tôi lo sợ bấy lâu. Nàng toan làm chuyện gì đây? Khổ quá, nàng đã toan làm chuyện gì? Amélie và Sarah cho tôi hay là đã tiễn nàng về tới cổng biệt thự La Grange, tận tay giao nàng lại cho cô Louise. Tức là nàng vào nhà rồi lại trở ra… Chuyện gì đã xẩy ra? Tôi cố gắng sắp xếp đầu óc cho thứ tự. Nhưng tôi không thể nào hiểu nổi, sự việc đầu đuôi trái ngược. Đầu óc tôi rối mù… Bác làm vườn của cô Louise mang nàng về nhà bất tỉnh. Bác kể lại thấy nàng đi dọc theo bờ sông, qua cầu, rồi cúi xuống, rồi mất dạng… nhưng không nghĩ nàng ngã xuống nước, nên bác đã không chạy tới cứu. Lát sau bác tìm thấy nàng trôi về chỗ gần đập nước. Lúc tôi tới thì nàng đang mê man; hay mới mê lại, vì nghe nói nàng đã hồi tỉnh một lát nhờ cứu cấp. May sao, anh Martins vẫn chưa rời làng; anh thấy khó hiểu vì cơn mê kéo dài quá lâu; anh gạn hỏi nhưng nàng không trả lời; nàng như không nghe mà cũng không thấy gì, hay nghe thấy nhưng nhất định không hé răng. Nàng vẫn thở một cách mệt nhọc nặng nề, và anh nghĩ nàng bị sưng phổi; anh đặt chén hút máu tụ, và cho chườm hột cải, rồi hẹn ngày mai trở lại. Chỉ tại lúc cấp cứu, mọi người vô ý, để nàng mặc quần áo lạnh quá lâu trong khi tìm cách làm nàng hồi tỉnh. Nước sông băng giá, cô Louise là người độc nhất được nói chuyện với nàng vài câu cho hay là nàng định hái mấy bông lưu-ly-thảo mọc ven sông, và còn vụng về khi ước lượng khoảng cách, hay tưởng lầm đám hoa nổi là đất liền, nàng đã xảy chân… Ước gì tôi tin được giải thích này. Nếu quả thật là một tai nạn, thì lòng tôi nhẹ nhõm biết bao. Nghĩ lại, tôi nhớ suốt bữa ăn trưa nay, mọi chuyện kể như vui vẻ, chỉ có nụ cười bất thường như không rời môi nàng làm tôi lo âu; nụ cười tôi chưa thấy nơi nàng, cũng như ánh mắt mới của nàng; một nụ cười buồn như nước mắt chảy xuống má nàng, làm tôi khó chịu với sự vui nhộn xô bồ của cả nhà. Nàng không dự phần vào cuộc vui. Nàng như khám phá ra chuyện gì, nếu chỉ có riêng tôi chắc nàng đã chia sẻ. Nàng gần như không nói gì, nhưng không ai để ý, vì tính nàng vốn trầm tĩnh, mọi người xung quanh càng vui nhộn bao nhiêu thì nàng lại càng yên lặng bấy nhiêu.

Lạy Chúa, con van xin Ngài, cho con được nói chuyện với nàng. Con phải biết rõ đầu đuôi, nếu không, làm sao con sống nổi… Tuy nhiên, nàng đã quyết từ trần, phải chăng là nàng đã biết? Em yêu, em biết chuyện gì mà hãi hùng đến thế? Tôi đã giấu em chuyện kinh hoàng gì mà bây giờ em mới thấy?

Tôi ngồi đầu giường nàng, suốt hai giờ đồng hồ, đăm đăm nhìn vừng trán xinh đẹp, đôi má xanh xao, và đôi mi thanh tú úp xuống một trời buồn thảm, và mái tóc ướt nước sông lòa xòa như rong rêu rũ trên mặt gối… Và lắng nghe nhịp nàng thở, nặng nhọc, khi ngắn khi dài…

 

o0o

 

Ngày 29 tháng Năm.

Tôi sắp qua bên biệt thự La Grange, thì cô Louise cho người tới tìm. Sau một đêm khá yên tĩnh, Gertrude đã tỉnh lại.

Nàng cười với tôi khi tôi bước vào phòng. Tôi không dám hỏi chuyện, và nàng cũng như e sợ những câu hỏi của tôi vì nàng nói trước:

“Mục sư gọi những bông hoa màu xanh da trời mọc ngoài sông mà con định hái là hoa gì nhỉ? Mục sư khéo tay hơn con, Mục sư đi hái cho con một bó đi. Con muốn bày hoa ở chỗ này này, gần giường đó…”

Nàng vui gượng làm tôi xót xa. Có lẽ cũng thấy như vậy, nàng lấy giọng nghiêm trang nói với tôi:

“Sáng nay con không nói chuyện với Mục sư được, vì con mệt quá. Mục sư đi hái hoa cho con đi. Đừng đi lâu nhé.”

Độ một giờ sau tôi mang hoa về. Cô Louise cho hay là Gertrude đã ngủ lại và đến chiều mới tiếp tôi được.

Chiều tôi lại đến gặp nàng. Nàng ngồi tựa lưng lên chồng gối cao. Tóc nàng đã bím lại gọn ghẽ, và phía trước cài mấy bông lưu-ly-thảo tôi hái lúc sáng.

Rõ ràng là nàng vẫn sốt và hơi thở vẫn khó khăn. Tôi đưa tay cho nàng. Nàng nắm lấy tay tôi, bàn tay nàng hừng hực như lửa. Tôi đứng cạnh nàng như vậy giây lâu. Gertrude lên tiếng:

“Con phải thú tội với Mục sư, vì con sợ không qua khỏi chiều nay. Ban sáng, con đã nói dối Mục sư… Không phải con hái hoa, rồi vô ý lâm nạn… Mục sư có tha lỗi cho con, nếu con nói với Mục sư là con định tự vận?”

Tôi quỳ xuống bên giường, tay tôi vẫn giữ bàn tay nàng bé bỏng của nàng, mặt úp xuống đệm để giấu cơn khóc. Nhưng nàng gỡ tay ra để vuốt trán tôi.

Nàng dịu dàng nói:

“Mục sư thấy như vậy tội lỗi lắm sao?”

Thấy tôi không trả lời, nàng bỗng nói tiếp:

“Anh! Anh cũng phải thấy rằng em chiếm một chỗ quá lớn trong tim anh, cũng như trong cuộc đời anh. Chỗ em chiếm là chỗ của một người đàn bà khác, và người đó vô cùng sầu muộn. Tội lỗi của em là đã không linh cảm được điều này từ trước. Hay đúng ra - vì thực ra em đã biết trước- tội của em là đã biết vậy mà vẫn để cho anh yêu em. Nhưng bỗng thấy mặt vợ anh, thấy biết bao sầu muộn trên gương mặt ấy, em không thể nào chịu nổi là chừng ấy sầu muộn là do em gây ra… Không, em không trách gì anh, nhưng để cho em đi, và anh hãy trả lại cho vợ anh niềm hạnh phúc cũ của người.”

Nàng không còn vuốt ve trán tôi nữa. Tôi cầm lấy bàn tay nàng hôn như mê dại, những nụ hôn đẫm nước mắt. Nàng bỗng phũ phàng rút tay lại, toàn thân giao động với niềm căm phẫn bất ngờ:

“Không, chuyện này không phải là chuyện em muốn nói với anh chiều nay.”

Và nàng lặp lại, vầng trán lấp xấp mồ hôi:

“Không, không phải chuyện này.”

Và nàng nhắm mắt giây lâu như cố tập trung tư tưởng, như gắng tìm lại tình trạng mù lòa trước kia. Rồi nàng nói, mới đầu giọng lê thê buồn bã, rồi nàng từ từ mở mắt, tiếng nói lớn dần, sau cùng như la hét:

“Khi anh cho lại em thị giác, em mở mắt thấy một thế giới đẹp hơn cả mơ ước của em; đúng, em không ngờ ngày lại trong, không khí lại sáng, và trời lại bao la như vậy. Nhưng em cũng không ngờ vừng trán con người lại có thể nặng nề đến thế; bước chân vào nhà anh, anh có biết em thấy gì trước không… Chao ôi! Nhưng dù sao em cũng phải nói với anh: cái đầu tiên em thấy là lỗi lầm của chúng mình, là tội lỗi của chúng mình. Không, anh đừng cãi em. Anh có nhớ lời Chúa dạy không? ‘Nếu con mù lòa, con không có tội’. Nhưng em không còn mù lòa nữa… Mục sư đứng dậy đi. Ngồi đây này. Gắng nghe em mà đừng ngắt lời. Thời gian ở bệnh viện, em đã đọc, hay đúng ra, đã được đọc cho nghe những đoạn Phúc âm mà em chưa từng được biết, mà Mục sư cũng chưa bao giờ dạy cho em. Có câu kinh của thánh Paul mà em đã nhẩm đi nhẩm lại suốt một ngày, là ‘Xưa tôi vô luật nên tôi đã sống. Nhưng nay Điều Răn đã tới, tội lỗi hồi sinh, và tôi phải từ giã cõi trần’.”

   Nàng nói trong say mê tột độ, lớn tiếng gần như la hét làm tôi ngượng ngùng, sợ ai bên ngoài nghe thấy. Rồi nàng nhắm mắt, lẩm nhẩm một mình:

“Tội lỗi hồi sinh, và tôi từ giã cõi trần.”

Tôi rùng mình, trái tim thắt lại trong băng giá lo âu.

“Ai đọc cho em những câu kinh đó?”

Nàng mở mắt tìm mắt tôi, và nhìn tôi không chớp, nàng nói:

“Anh Jacques. Mục sư có biết là anh ấy cải đạo rồi không?”

Thật là quá sức tưởng tượng. Tôi muốn van xin nàng đừng nói nữa, nhưng nàng đã tiếp tục:

“Mục sư, em làm Mục sư khổ sở quá nhiều. Nhưng chúng mình không nên giấu nhau gì nữa. Khi thấy Jacques, em chợt hiểu Mục sư không phải là người em yêu. Mà là Jacques. Jacques có đúng khuôn mặt của Mục sư… Em muốn nói là khuôn mặt của Mục sư mà em đã hình dung… Chao ôi! Tại sao Mục sư lại xui em xua đuổi Jacques? Lẽ ra em đã có thể lấy Jacques làm chồng…”

Tôi nói trong tuyệt vọng:

“Nhưng Gertrude, bây giờ đâu đã muộn…”

Nàng như hét lên:

“Anh ấy đã vào chủng viện rồi!”

Rồi nàng khóc nức nở, đôi bờ vai rung động, thổn thức. Nàng rên rỉ:

“Chao ôi! Ước gì bây giờ tôi được Jacques làm phép thánh cho tôi. Mục sư thấy không? Tôi chỉ còn một con đường, là chết. Tôi khát quá. Mục sư cho gọi ai vào đi, tôi van Mục sư. Tôi khó thở quá. Để cho tôi nghỉ một mình. Mục sư đi ra đi. A! Vậy mà đã tưởng nói với Mục sư, tôi nhẹ được nỗi lòng. Mục sư đi ra đi. Chúng mình đừng thấy nhau nữa. Thấy Mục sư tôi chịu hết nổi rồi.”

Tôi rời phòng nàng. Tôi gọi cô Louise để thay tôi canh bệnh. Sự giao động tột độ của nàng làm tôi vô cùng lo âu. Tôi biết sự hiện diện của tôi chỉ làm bệnh tình nàng thêm trầm trọng. Tôi năn nỉ mọi người gọi tôi, nếu bệnh nàng trở nặng.

 

o0o

 

Ngày 30 tháng Năm.

Than ôi từ đấy về sau, tôi chỉ được thấy nàng lúc nàng ngủ. Nàng mất sáng nay, lúc sớm tinh sương, sau một đêm mê sảng nặng nề. Nàng mất được vài giờ thì Jacques về tới nhà. Cô Louise theo lời thỉnh cầu cuối cùng của Gertrude, đã đánh điện cho con tôi báo tin. Hắn nặng lời trách móc tôi đã không kịp thời gọi linh mục làm lễ. Nhưng tôi đâu có ngờ nàng cũng đã cải đạo trong lúc dưỡng bệnh tại Lausanne, tất nhiên là do hắn xui giục. Hắn cho tôi hay cùng một lúc hắn và Gertrude đã bỏ đạo cũ. Thế là cả hai đã bỏ tôi; tuồng như bị tôi chia rẽ trong cuộc sống trần thế, chúng đã quyết trốn tôi, bỏ tôi, để tìm nhau xum họp bên Chúa. Nhưng tôi vẫn nghĩ Jacques cải đạo vì trí óc hơn vì con tim. Hắn nói với tôi:

“Thưa Ba. Làm con mà buộc tội cha là điều không phải. Nhưng chính nhờ Ba lầm đường mà con tìm được chính đạo.”

Jacques đi rồi, tôi quỳ xuống bên vợ, xin nàng cầu nguyện cho tôi, vì tôi cần được cứu giúp. Đơn giản, nàng đọc “Lạy Cha… “, nhưng để giữa hai đoạn kinh những đoạn yên lặng dài cho những cầu khẩn van nài chúng tôi dâng lên Chúa.

Tôi muốn khóc, nhưng tim tôi khô cằn còn hơn sa mạc.

André Gide    

Dịch giả: Mai Kim Ngọc

Truyện khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art