Thứ Ba, 31 Tháng Bảy, 2012

Buồn Ơi! Chào Mi ! Adieu Tristesse

Buồn Ơi! Chào Mi (Adieu Tristesse)

Nguyên tác Adieu Tristesse - Françoise Sagan

 

Phần Một

Adieu tristesse

 Bonjour tristesse

 Tu es inscrite dans les lignes du plafond

 Tu es inscrite dans les yeux que j'aime

 Tu n'es pas tout à fait la misère

 Car les lèvres les plus pauvres te dénoncent

 Par un sourire

 Bonjour tristesse

 Amour des corps aimables

 Puissance de l'amour

 Dont l'amabilité surgit

 Comme un monstreur sans corps

 Tête désappointée

 Tristesse beau visage.

 

Paul Eluard.

(La vie immédiaté.)

 

MỘT

 "những người khác" là cha tôi và người tình của ông, Elsa. Tôi phải giải thích chuyện này tức thì, nếu không sẽ gây hiểu lầm. Cha tôi bốn mươi tuổi, và góa vợ đã mười lăm năm. Cha tôi trẻ so với tuổi, đầy nhựa sống và sôi nổi. Khi tôi rời khỏi trường nội trú của các bà sơ hai năm trước và đến Paris ở với ông, tôi sớm biết rằng ông đang sống chung với một người đàn bà. Nhưng tôi không thể chấp nhận ngay việc ông thay đổi người tình soành sạch mỗi sáu tháng! Nhưng rồi dần dà sự quyến rũ của ông, cuộc đời mới dễ chịu của tôi, và tính khí của chính tôi đã khiến tôi ngã lòng trước lối sống của ông. Ông là một người phù phiếm, giỏi việc thương mãi, luôn tò mò, mau chán, và rất hấp dẫn phụ nữ. Tôi dễ dàng yêu ông, vì ông tử tế, rộng lượng, vui vẻ và cưng chìu tôi. Tôi không thể tưởng tượng ra còn có người bạn nào tốt hơn hay thú vị hơn ông. Vào đầu mùa hè mà tôi đang kể, ông còn hỏi nếu tôi có phản đối việc ông đem Elsa theo kỳ nghĩ mát của chúng tôi hay không. Chị ấy là bồ của ông thủa đó, cao, tóc đỏ, gợi cảm và dễ thương, có đầu óc tầm thường, hiền lành hầu như đơn giản, và không giả vờ, khoe mẽ. Ai cũng có thể gặp chị ấy tại các phòng tranh và quán rượu ở đại lộ Champs-Elysées bất kỳ ngày nào. Tôi chấp thuận, vì tôi hiểu ông cần có một người đàn bà, và tôi, cũng hiểu rằng, Elsa sẽ không là một chướng ngại giữa chúng tôi. Ngoài ra, cha tôi và tôi quá hân hoan trước viễn ảnh của chuyến đi nên tôi không ở trong một tâm trạng chống đối điều gì. Ông thuê một ngôi biệt thự lớn màu trắng ở vùng Mediterranean, nơi chúng tôi ao ước mãi từ mùa xuân. Nó ở một chỗ vắng và đẹp, trên một voi đất vươn ra biển, che khuất khỏi đường lộ bằng một rừng thùy dương. Một lối mòn dê chạy dẫn xuống một vịnh nhỏ, nơi sóng biển mơn man vỗ vào những gành đá màu sét rỉ.

 Những ngày đầu thật huy hoàng. Chúng tôi ở lì ngoài bãi, phơi thân dưới mặt trời nóng gắt, dần dần có được một làn da nâu hồng khỏe mạnh -- ngoại trừ Elsa, da của chị ấy đỏ lừ và bong tróc làm chị ấy đau đớn vô ngần. Cha tôi tập đủ các bài thể dục phức tạp để mong làm phẳng lại cái bụng phệ không thích hợp với một chàng Don Juan. Từ sáng tinh mơ tôi đã trầm mình dưới nước. Nước lạnh và trong suốt, và tôi vẫy vùng tung tóe trong cố gắng vứt bỏ bóng tối và bụi bậm của Paris. Tôi nằm xoải tay trên cát, hốt lên một nắm rồi để tuôn những dòng mềm, vàng qua kẻ tay. Tôi nói với tôi là cát trôi như thời gian. Đó là một ý nghĩ vu vơ, và thật vui khi có những ý nghĩ vu vơ, vì đang mùa hè.

 Đến ngày thứ sáu, tôi nhìn thấy Cyril lần đầu. Anh lái một chiếc thuyền buồm nhỏ gần bờ và thuyền lật ngay trước cái vịnh con của chúng tôi. Tôi đã có một thời gian tuyệt vời giúp anh thu lượm đồ vật, trong thời gian ấy anh nói cho tôi biết tên anh, rằng anh học luật, và đang nghĩ hè với mẹ ở một biệt thự gần đó. Anh có gương mặt rất tiêu biểu của người Latin -- da rất sậm và rất cởi mở. Ở anh có một thứ gì đó toát ra trách nhiệm và che chở, khiến tôi lập tức ưa thích anh. Tôi thường tránh bọn sinh viên, tôi thấy họ tàn bạo, chỉ chú trọng đến bản thân, nhất là đến thời niên thiếu mà họ lấy chất liệu cho những lúc lên cơn, hoặc biện minh cho nỗi chán chường của họ. Tôi không quan tâm đến những người trẻ; tôi thích bạn của cha tôi hơn nhiều, những người đàn ông trạc tứ tuần, trò chuyện với tôi một cách lịch sự và dịu dàng -- đối xử tôi bằng sự trìu mến của một người cha -- hay một người tình. Nhưng Cyril thì khác. Anh cao và hầu như đẹp, một vẻ đẹp dễ khơi gợi tức thì lòng tin nơi người khác. Mặc dù tôi không giống cha tôi ở tật ghét bỏ cái xấu -- mà ta thường liên kết với những người ngu độn -- tôi vẫn có một cảm giác mơ hồ thiếu thoải mái trước sự hiện diện của những người không hấp dẫn. Đối với tôi sự cam chịu bị xấu xí của họ dường như là khiếm nhã. Bởi chúng ta tìm kiếm điều gì nếu không phải là làm người khác vui lòng? Tôi không biết dục vọng quyến rũ người khác đến từ sự dư thừa sức sống, lòng chiếm hữu, hay từ một nhu cầu sâu lắng là cần được xác định.

 Khi Cyril ra về anh đề nghị sẽ dạy tôi lái thuyền buồm. Tôi lên nhà ăn tối bận rộn với những ý nghĩ của mình về anh, và nói rất ít và không để ý đến nỗi bồn chồn của cha tôi. Sau bửa tối chúng tôi ra sân thượng hóng mát theo lệ thường. Trời đầy những nụ sao. Tôi chăm chú nhìn lên, thoảng một chút hy vọng sẽ bắt gặp một tia sáng bất thần xoẹt ngang đỉnh trời, nhưng mới đầu tháng Bẩy và hãy còn quá sớm cho những vì sao lạc. Ở sân thượng lũ dế đang gáy rền rỉ. Hẳn phải có đến hàng ngàn chú, say tình và say trăng, hát hỏng suốt đêm. Người ta nói với tôi là chúng phát ra âm thanh bằng cách cọ chân vào nhau, nhưng tôi vẫn thích tin rằng tiếng dế gáy xuất phát từ cổ họng, sâu lắng, bản năng như tiếng gào rú của lũ mèo động cỡn.

 Chúng tôi cảm thấy rất thoải mái. Vài hạt cát bé tí sót lại trên da dưới lớp áo làm tôi không thể nào ngủ gật. Cha tôi bỗng ho khan như xin lỗi và ngồi thẳng lên.

 "Có một người sẽ đến đây với chúng ta," ông nói.

 Tôi nhắm mắt lại bất bình. Chúng tôi hạnh phúc làm sao; thế mà chẳng được bao lâu!

 "Mau nói cho tụi này biết là ai!" Elsa kêu lên, lúc nào cũng sốt sắng với chuyện gẫu.

 "Anne Larsen," cha tôi đáp, và ông quay sang tôi.

 "Cha mời cô ấy đến chơi khi nào cô ấy mệt vì những bộ sưu tập và cô ấy ... cô ấy sắp đến."

 Anne là người cuối cùng mà tôi nghĩ rằng cha tôi có thể mời đến chơi. Cô ấy là bạn của mẹ tôi, và ít có quan hệ với cha tôi. Mặc dù vậy, khi tôi bỏ trường bà sơ hai năm trước đây và cha tôi phát điên lên vì tôi, ông đã nhờ cậy cô. Trong một tuần, cô đã giúp tôi ăn mặc chỉnh tề và dạy tôi một ít điều về cuộc sống. Tôi nhớ là tôi cho rằng cô là người phụ nữ tuyệt vời nhất và tôi bẻn lẻn yêu thích cô. Nhưng cô đã sớm chuyển hướng tình cảm của tôi sang một chàng trai mà cô quen biết. Cô đã cho tôi một óc thẩm mỹ về thời trang và một cuộc tình phất phơ đầu đời, và tôi rất biết ơn cô. Bốn mươi hai tuổi, cô là người quyến rũ nhất, được theo đuổi nhất, có một gương mặt đẹp, sang cả, trầm lặng và dè dặt. Sự xa cách là thứ duy nhất mà người ta có thể than phiền ở cô. Nhưng cô cũng tử tế bằng như là xa cách. Ở cô toát ra một ý chí cứng rắn, một nội tâm thanh thản -- một điều đáng nễ. Mặc dù đã ly dị, dường như cô không có người yêu; nhưng chúng tôi không quen với bạn bè của cô. Bạn của cô, lanh lợi, khôn ngoan và kín đáo. Bạn của chúng tôi, những người mà cha tôi chỉ cần đẹp hay thú vị, thì ồn ào và đòi hỏi không thôi. Tôi nghĩ rằng cô coi thường chúng tôi vì thói yêu chuộng những thứ linh tinh phù phiếm của chúng tôi, bởi lẽ cô khi dễ mọi điều cực đoan. Chúng tôi rất ít có dịp tiếp xúc với cô, trừ phi trong việc làm và qua kỷ niệm của mẹ tôi. Cô làm trong ngành thời trang, cha tôi ngành quảng cáo, nên thỉnh thoảng họ gặp nhau trong các bửa tiệc chuyên môn. Thêm vào đó là các nỗ lực của tôi để giữ liên lạc với cô, bởi vì, mặc dù cô làm tôi e sợ, nhưng tôi sâu sắc ngưỡng mộ cô. Vì thế sự có mặt của cô nơi đây làm tôi lo ngại vì Elsa cũng hiện diện và vì quan điểm của cô về cách nuôi dạy tôi.

 Elsa lên lầu đi ngủ sau khi đã gặng hỏi về địa vị của cô. Còn lại một mình tôi với cha tôi và tôi dời qua những bậc thềm, ngồi dưới chân ông. Ông nghiêng người tới trước và đặt hai tay lên vai tôi.

 "Sao mà gầy rọc vậy, hở cưng? Con giống một con mèo hoang nhỏ. Cha muốn có một đứa con gái tóc vàng, đầy đặn, đáng yêu với cặp mắt xanh màu men sứ và ..."

 "Chẳng phải là điều con muốn bàn," tôi đáp. "Tại sao cha lại mời Anne, và tại sao cô ấy nhận lời?"

 "Có lẽ cô ấy muốn gặp ông già của con, ai mà biết được."

 "Cha không phải là loại người mà Anne thích," tôi nói. "Cô ấy quá thông minh và quá tự trọng. Còn Elsa thì sao? Cha có nghĩ đến chị ấy không? Cha có thể tưởng tượng Elsa và Anne sẽ nói chuyện gì với nhau không? Con không thể!"

 "Phải nói cha chưa hề nghĩ đến chuyện đó," ông thú nhận. "Nhưng con nói đúng, thật là một ý tưởng đáng sợ. Cécile, con yêu quý của cha, hay là mình nên trở lại Paris?"

 Ông cười nhẹ và xoa xoa lên gáy của tôi. Tôi ngoái cổ lại để nhìn ông. Đôi mắt sẫm màu của ông long lanh, những vết nhăn li ti ngộ nghĩnh viền quanh, môi ông hơi cong lên. Ông trông như một vị thần dê. Tôi cười to với ông như tôi vẫn luôn luôn cười mỗi khi ông tạo ra một tình huống phức tạp cho chính mình.

 "Con nhãi ranh tòng phạm của cha," ông nói. "Nếu không có con cha biết làm sao bây giờ?"

 Giọng nói của ông quá nghiêm trang nhưng cũng quá đỗi ngọt ngào đến độ tôi biết ông sẽ thật sự khổ sở nếu không có tôi. Chúng tôi trò chuyện đến khuya về tình yêu, về sự phức tạp của nó. Trong mắt cha tôi, chúng đều là sản phẩm tưởng tượng. Ông chối bỏ tất cả các ý niệm về lòng chung thủy hay cam kết nghiêm chỉnh. Ông giải thích rằng chúng chỉ tùy tiện và khô cằn. Nếu xuất phát từ người khác, những quan điểm như thế sẽ làm tôi chới với, nhưng tôi biết trong trường hợp của ông chúng không loại trừ sự dịu dàng và tận hiến -- những cảm xúc càng dễ đến với ông một khi ông quyết định rằng chúng chỉ là tạm bợ. Tôi thấy nhận thức về những mối tình mau đến, mau đi, đầy sóng gió kiểu này rất quyến rũ. Tôi không ở lứa tuổi mà sự chung tình là hấp dẫn. Và dĩ nhiên, tôi chẳng biết một tí gì về tình yêu: những hẹn hò, những nụ hôn, sự mệt mỏi rã rời sau đó.

 

HAI

 Một tuần nữa Anne mới đến, và tôi tận dụng những ngày tự do còn lại. Chúng tôi thuê ngôi biệt thự trong hai tháng, nhưng tôi biết một khi cô ấy có mặt ở đây sẽ không ai có thể thoải mái được nữa. Anne khoác lên sự vật và lời nói một hình dạng và ý nghĩa mà cha con chúng tôi chỉ muốn phớt lờ. Cô dựng nên một tiêu chuẩn thẩm mỹ và kén chọn tinh tế mà ta không thể không nhận ra trong những lúc cô bất ngờ nín lặng, vẻ mặt xa vắng và chịu đựng. Điều ấy khiến chúng tôi vừa phấn khích vừa mệt lã, nhưng về lâu về dài lại hổ thẹn, vì tôi không thể không hiểu ra rằng cô đã đúng.

 Vào ngày cô đến chúng tôi quyết định rằng cha tôi và Elsa sẽ ra Fréjus. Tôi nhất quyết không đi theo.Trong tuyệt vọng, cha tôi cắt tất cả hoa lay-ơn trong vườn để tặng cô khi cô bước xuống tàu. Lời khuyên duy nhất của tôi là cha tôi đừng để cho Elsa cầm bó hoa. Khi họ đi rồi, tôi xuống bãi biển. Ba giờ chiều và trời nóng kinh hồn. Tôi đang mơ màng nằm trên cát khi Cyril réo gọi. Tôi mở mắt; bầu trời trắng lóa lung linh cái nóng. Tôi không trả lời, vì tôi không muốn nói chuyện với anh, hay với ai. Tôi như đóng đinh trên cát bởi sức nóng hừng hực của mùa hè -- tay nặng như chì, cổ họng khô khốc.

 "Em chết rồi hử?" anh nói. "Nhìn từ xa, trông em như một vật gì bị sóng dạt vào bờ."

 Tôi mỉm cười. Anh ngồi xuống cạnh tôi và tim tôi khởi sự đập nhanh hơn, mạnh hơn, bởi một bàn tay của anh vừa chạm lên vai tôi. Trong tuần qua, tay nghề đi biển xuất sắc của tôi đã khiến chúng tôi rơi tỏm xuống nước hàng chục lần, tay quấn vào nhau, và tôi chẳng cảm thấy một chút rung động nào. Nhưng hôm nay cái nóng, tình trạng ngái ngủ của tôi và sự va chạm vô tình của anh một cách nào đó đã phá vỡ hàng rào phòng vệ của tôi. Tôi quay mặt qua anh. Tôi hiểu anh nhiều thêm. Anh có tính cách nhất quán và có lẽ là khổ hạnh hơn những người đồng tuổi. Vì lý do đó tình huống của gia đình tôi, bộ ba bất thường chúng tôi, đã làm anh sửng sốt. Anh quá hiền hoặc quá rụt rè để nói cho tôi biết, nhưng tôi cảm nhận điều ấy trong cái nhìn lẫn tránh không chấp nhận mà anh dành cho cha tôi. Có lẽ anh sẽ vui lòng nếu tôi cho anh biết là tôi, cũng vậy, bị dằn vật bởi tình thế ấy. Nhưng tôi nào có. Thật ra, nỗi khổ đau duy nhất của tôi trong giây phút này chỉ là cách trái tim tôi đang thùm thụp đập. Anh cúi xuống. Tôi nghĩ đến những ngày qua, đến cảm giác bình an và tự tin khi tôi ở bên anh, và tôi muốn từ chối sự tiếp xúc của đôi môi mềm đầy của anh trên môi tôi.

 "Cyril," tôi nói. "Chúng ta đang vui mà ..."

 Nhưng nụ hôn của anh thật dịu dàng. Tôi nhìn lên trời, mà không thấy gì cả ngoại trừ bầu ánh sáng vỡ bùng dưới đôi mi nhắm nghiền của tôi. Sức nóng, sự xây xẩm choáng váng của tôi, và hương vị của những nụ hôn đầu kéo dài một lúc lâu. Tiếng còi xe tách rời hai đứa chúng tôi lúng túng. Tôi bỏ Cyril không nói một lời và đi lên nhà. Tôi ngạc nhiên vì xe trở về quá sớm. Xe lửa của Anne đâu thể nào đã đến. Nhưng kìa Anne đang ở sân lộ thiên, vừa bước xuống xe của cô.

 "Yên lặng cứ như là nhà của Người Đẹp Ngủ Say," cô nói. "Da của cháu nâu hồng đến thế ư, Cécile! Cô rất vui gặp lại cháu."

 "Cháu cũng vậy," tôi đáp. "Vậy cô lái xe từ Paris đến đây?"

 "Cô quyết định lái. Và nhân tiện, cô đang mệt, cháu ạ."

 Tôi dẫn cô về phòng riêng và mở cửa sổ, hy vọng bắt gập dáng thuyền của Cyril. Nó đã biến mất. Anne ngồi xuống giường. Tôi nhận ra quầng thâm dưới mắt cô.

 "Biệt thự đẹp quá!" cô nói. "Thế ông chủ nhà đâu rồi?"

 "Ông ấy ra ga xe lửa đón cô, cùng với Elsa."

Tôi đặt hành lý của cô trên ghế, và khi xoay người lại, tôi giật mình. Gương mặt của cô bỗng nhiên méo mó; đôi môi run rẩy.

"Elsa Mackenbourg? Ông ấy mang theo Elsa Mackenbourg?"

 Tôi không nghĩ ra điều gì để nói. Tôi nhìn cô, và ngơ ngẩn. Đây có phải là gương mặt mà tôi từng biết, luôn luôn điềm tĩnh và tiết chế? Cô nhìn tôi, nhưng tôi biết cô không thấy tôi mà chỉ thấy hình ảnh gợi lên bởi câu nói của tôi. Cuối cùng cô đọc được cảm nghĩ trên mặt tôi và nhìn sang hướng khác.

 "Lẽ ra cô phải báo trước cho gia đình cháu biết," cô nói. "Nhưng cô phải đi rất vội và cô mệt quá."

 "Và bây giờ thì..." tôi tiếp tục như một người máy.

 "Bây giờ thì cái gì?" cô nói.

 Nét mặt của cô chỉ đơn thuần là một câu hỏi lấp liếm những gì vừa xảy ra, như không có chuyện gì cả.

 "Vâng, bây giờ cô đang ở đây," tôi ngu ngơ nói, hai tay xoa vào nhau. "Cô không biết cháu vui đến mức nào đâu. Cô tháo hành lý và nghĩ ngơi nhé, và cháu đợi cô dưới nhà. Nếu cô thích uống, quầy rượu có khá nhiều rượu, cô ạ."

 Nói năng lũng củng, tôi bước ra khỏi phòng và xuống lầu với một tâm trí quay cuồng. Cái gì đã thình lình tạo nên gương mặt méo mó, giọng nói thảng thốt và vẻ mặt đau khổ ấy? Tôi ngồi trên chiếc ghế dài và nhắm mắt. Tôi cố nhớ những nét mặt kia của Anne: đôi khi lạnh nhạt, đôi khi tình cảm -- những tâm trạng mỉa mai, quyền lực. Tôi cảm thấy vừa xúc động vừa khó chịu vì đã khám phá ra nhược điểm của cô. Có phải cô đang si tình cha tôi? Có thể nào cô lại đem lòng yêu cha tôi cho được?

 Ông ấy hoàn toàn không phải là mẩu người cô ưa chuộng. Ông yếu đuối, phù phiếm và một đôi khi không thể tin cậy. Nhưng có lẽ đó chỉ là sự mệt nhọc sau chuyến đi -- hoặc là nỗi bất bình về mặt đạo đức. Tôi mất cả tiếng đồng hồ để suy đoán.

 Đến năm giờ cha tôi và Elsa về tới. Tôi thấy ông bước xuống xe. Một lần nữa tôi tự hỏi có lẽ nào Anne phải lòng cha tôi. Ông bước nhanh đến bên tôi, đầu hơi ngã ra sau. Ông đang mỉm cười. Dĩ nhiên rồi, Anne có thể yêu ông lắm chứ, cũng như bất cứ người nào cũng đều có thể yêu ông.

 "Không thấy Anne ở đó," ông nói với tôi. "Cha mong là cô ấy không rơi khỏi xe lửa?"

 "Cô ấy đang nghĩ trên phòng," tôi nói. "Cô ấy lái xe đến đây."

 "Không à? Tuyệt! Vậy con đem bó hoa lên cho cô ấy nhé?"

 "Anh mua hoa cho em đấy à? " Giọng của Anne vang lên. "Anh thật đáng yêu!"

 Cô bước xuống cầu thang đến gần ông, tươi mát, mỉm cười, trong chiếc áo không một vết nhầu bởi đường xa. Tôi nhớ cô chỉ xuất hiện khi nghe tiếng xe; nếu muốn trò chuyện với tôi, cô đã có thể xuống nhà sớm hơn -- dù chỉ để hỏi thăm kết quả thi cử của tôi, tiện thể xin nói, kỳ thi mà tôi đã trượt. Ý tưởng sau cùng này an ủi tôi.

 Cha tôi bước vội đến và hôn tay Anne.

 "Anh đứng ở sân ga suốt mười lăm phút, cầm bó hoa này và thấy ngốc dễ sợ. Cảm ơn trời em đã ở đây. Em biết Elsa Mackenbourg chưa?"

 Tôi nhìn sang chỗ khác.

 "Chúng em hẳn đã gặp nhau," Anne nói, thân thiện. "Anh dành cho em căn phòng ấm cúng quá. Anh thật tử tế đã mời em đến chơi. Em đang kiệt sức."

 Cha tôi khịt mũi sung sướng. Trong mắt ông mọi thứ đều diễn tiến tốt đẹp. Ông gợi chuyện, khui rượu. Nhưng tôi vẫn tiếp tục suy gẫm, trước nhất đến nét mặt đam mê của Cyril, rồi gương mặt của Anne, cả hai đều in dấu bạo lực. Và tôi tự hỏi liệu phần hè còn lại sẽ không phức tạp như cha tôi tin tưởng hay không.

 Buổi ăn tối đầu tiên thật vui. Cha tôi và Anne nhắc đến những người quen chung, tuy ít, nhưng đều huê dạng. Tôi cảm thấy dễ chịu cho đến khi Anne nói rằng người cộng tác với cha tôi là một gã khờ. Ông ấy uống nhiều rượu, nhưng tôi rất thích ông ấy, và hai cha con tôi đã có những đêm kỷ niệm êm đềm với ông.

 "Nhưng Anne," tôi phản đối. "Lombard tếu lắm. Ông ấy có thể làm ta cười vỡ bụng."

 "Nhưng cháu vừa nhìn nhận là ông ấy có khiếm khuyết, và kiểu khôi hài của ông ấy thì --"

 "Có lẽ ông ấy không có đầu óc thông minh cho lắm, nhưng --"

 Cô khoan dung ngắt lời tôi.

 "Thứ mà cháu gọi là đầu óc thật ra chỉ là kinh nghiệm của tuổi tác."

 Tôi rất yêu lời nhận xét ấy của cô. Có những câu nói hấp dẫn tôi với ý nghĩa thâm trầm của nó, ngay cả khi tôi không hiểu tận tường. Tôi bảo Anne là tôi muốn ghi vào sổ tay của tôi câu nhận xét ấy. Cha tôi phá lên cười:

 "Ít ra là con không giận dỗi."

 Làm sao tôi dỗi hờn cho được khi Anne không cố ý làm tôi buồn? Tôi cảm thấy cô rất công bằng, rằng những phê phán của cô không bén ngót với hận thù. Vì thế chúng lại càng hữu hiệu.

 Đêm đầu tiên dường như Anne chẳng để ý đến việc Elsa công khai đi vào phòng ngủ của cha tôi. Anne tặng tôi một chiếc áo len mà cô vẽ kiểu, nhưng không cho phép tôi cám ơn. Chỉ là nhàm chán khi bị cảm ơn, cô nói, và vì tôi rất vụng về trong việc biểu lộ lòng biết ơn, tôi cảm thấy dễ chịu.

 "Cô nghĩ là Elsa rất dễ thương," cô nói khi tôi sắp bước chân ra khỏi phòng cô để đi ngủ.

 Cô nhìn thẳng vào mặt tôi và không mỉm cười, thách tôi nhớ lại phản ứng trước đây của cô; tôi hiểu rằng tôi phải quên nó đi.

 "Vâng ạ, chị ấy có duyên lắm ... rất hồn hậu," tôi lấp bấp.

 Cô cười lớn, và tôi lên giường, tức tối. Tôi chìm vào giấc ngủ, nhớ Cyril có lẽ giờ phút này đang khiêu vũ ở Cannes với cùng loại con gái duyên dáng như thế.

 Tôi ý thức là tôi bỏ sót một yếu tố quan trọng: độ gần của biển với nhịp sóng vỗ không ngừng. Tôi cũng quên không nhắc đến bốn cây đoan trồng ở khuôn viên trường bà sơ và mùi hương của chúng, hay nụ cười của cha tôi khi chúng tôi đứng ở nhà ga xe lửa ba năm về trước lúc cha tôi đến đón tôi về --nụ cười xấu hổ của ông vì tóc tôi còn tết bím và tôi mặc một chiếc áo sậm màu, xấu xí. Và rồi trên xe lửa niềm hân hoan đột ngột của ông vì ông thấy tôi có đôi mắt, cái miệng của ông và tôi sắp sửa trở thành món đồ chơi yêu dấu nhất, tuyệt vời nhất của ông. Tôi hoàn toàn trong trắng; ông sẽ cho tôi biết đến Paris, sang trọng, cuộc sống vui tươi. Tôi dám nói rằng hầu hết những hạnh phúc của tôi trong thời gian ấy đều dựa vào tiền; thú vui được ngồi trong xe mã lực cao lái như bay; mua một chiếc áo mới, nhiều dĩa hát, sách, và hoa. Ngay cả hiện thời tôi cũng không hổ thẹn vì hưởng thụ chúng. Thực tình tôi tin rằng tôi đương nhiên được hưởng những niềm vui ấy. Chẳng thà tôi chối từ các tâm trạng huyền bí hay tuyệt vọng của mình còn hơn là từ bỏ những nuông chìu ấy. Ưa chuộng lạc thú dường như là bộ mặt kiên định duy nhất của bản chất của tôi. Có phải vì tôi không đọc đủ sách? Ở trường ta chỉ đọc những tác phẩm khai trí. Ở Paris không có thời gian để đọc; sau giờ học lũ bạn trai của tôi hấp tấp đẩy tôi vào rạp chiếu bóng. Họ ngạc nhiên khi thấy tôi mù tịt tên tuổi các ngôi sao. Tôi ngồi với họ ở những quán cà phê lộ thiên ngập nắng, tôi thưởng thức thú vui được chan hòa trôi theo đám đông, được uống một ly rượu, được ở bên cạnh một đứa con trai nhìn sâu vào mắt mình, cầm tay mình, dẫn mình rời xa chính đám đông ấy. Chúng tôi thư thả đi bộ về nhà. Trước cửa, đứa con trai sẽ kéo tôi lại gần và ôm tôi vào lòng; tôi hiểu niềm thích thú khi được hôn. Tôi không đặt tên cho những kỷ niệm này: Jean, Hubert, Jacques. Chúng là những cái tên chung cho kinh nghiệm của cả bầy con gái. Khi đêm về, những trò tiêu khiển của tôi người lớn hơn; tôi dự tiệc với cha tôi. Những buổi tiệc đủ loại và tôi lạc lỏng một chút, nhưng tôi thích, và sự việc tôi còn quá trẻ khiến mọi người thú vị. Khi tan tiệc cha tôi sẽ đưa tôi về nhà, rồi đưa bạn gái về nhà của họ. Tôi không bao giờ nghe tiếng ông trở về nhà.

 Tôi không muốn tạo cảm tưởng sai lầm là ông ấy tự đắc với những cuộc tình của ông, nhưng ông không thèm dấu diếm hay bịa chuyện để giải thích với tôi sự có mặt thường trực của một cô bạn trong bửa ăn sáng, ngay cả khi chị ấy là một thành viên tạm thời trong gia đình. Ngoài ra tôi sẽ sớm khám phá bản chất của những mối liên hệ của ông với các "nữ khách," và có lẽ ông thấy rằng cứ thẳng thắn với tôi lại dễ hơn là lừa dối vì sẽ đánh mất niềm tin của tôi về sau. Kết quả, tuy thế, là tôi thu nạp một thái độ báng bỗ với tình yêu mà, dựa trên tuổi trẻ và sự non nớt của tôi, nên mang ý nghĩa hạnh phúc hơn chỉ đơn thuần là cảm giác.Tôi rất thích lập lại cho chính tôi câu văn của Oscar Wilde:

 "Tội lỗi là sắc màu rực rỡ duy nhất còn sót lại trong thế giới hiện đại."

 Tôi sẽ nhận thái độ này làm phương châm cho tôi với nhiều tin tưởng hơn, tôi nghĩ, nếu tôi tức thì áp dụng nó. Tôi tin rằng tôi có thể sống cuộc đời của tôi dựa trên đó. Tôi quên những đoạn đời đen tối, những đỉnh cao và vực sâu, những hạnh phúc từng ngày. Tôi hình dung một cuộc sống suy đồi và đê tiện về đạo đức là cuộc sống lý tưởng của mình.

 

BA

 Sáng hôm sau tôi bị đánh thức bởi một tia nắng nóng chiếu nghiêng nghiêng phả xuống khắp giường, kết thúc những giấc mơ lạ lùng và khá rối rắm của tôi. Nửa mê nửa tỉnh, tôi đưa tay che mặt để chặn bớt sức nóng dai dẳng ấy, nhưng rồi chịu thua. Mười giờ. Tôi vẫn mặc bộ quần áo ngủ đi xuống sân thượng và gặp đôi mắt Anne ngước nhìn từ sau trang nhật báo. Tôi nhận thấy cô trang điểm đơn sơ nhưng hoàn hảo; rõ ràng cô không bao giờ thôi trang điểm dù chỉ một ngày. Vì cô chẳng nói gì với tôi, nên tôi ngồi ở bậc thềm, với ly cà phê và một trái cam, thưởng thức buổi sáng tuyệt vời. Tôi ngoạm vào trái cam để chất nước ngọt ngào của nó ứa vào miệng, rồi hớp một ngụm cà phê đen nóng bỏng và lại ngoạm tiếp trái cam. Mặt trời hâm nóng mái tóc tôi và xóa đi những nếp gấp của khăn trải giường in trên da tôi. Năm phút nữa tôi sẽ ra bãi tắm. Tiếng nói của Anne làm tôi giật thót mình.

 "Cécile, cháu không ăn gì sao?"

 "Buổi sáng cháu chỉ uống cà phê."

 "Muốn xinh đẹp, cháu phải lên thêm vài kí. Gò má hóp và thân hình gầy trơ bẹ sườn như thế kia. Cháu làm ơn vào nhà, ăn một chút bánh mì và bơ!"

 Tôi xin cô đừng ép buộc tôi, và khi cô đang thuyết giảng tầm quan trọng của sự ăn uống, cha tôi xuất hiện trong chiếc áo choàng lụa có điểm những chấm tròn sang trọng của ông.

 "Thật là một cảnh tượng đáng yêu," ông nói. "Hai cô bé tắm nắng và bàn luận về bánh mì và bơ."

 "Than ơi, chỉ có một cô bé mà thôi," Ann vui vẻ đáp. "Đừng quên em cùng một lứa tuổi với anh, Raymond thân mến."

 Cha tôi cúi xuống, cầm tay cô.

 "Vẫn ăn nói thẳng thừng như bao giờ!" ông âu yếm trả lời, và tôi thấy hàng mi của Anne xao động như thể cô đang đón nhận một ve vuốt bất ngờ.

 Tôi lẻn ra mà không ai thấy. Ở cầu thang tôi gặp Elsa. Rõ ràng chị vừa bước xuống giường, mắt bụp, môi nhạt, da đỏ và bong từng mảng vì tắm nắng quá độ. Suýt chút nữa tôi đã chận chị ấy lại để bảo rằng Anne đã xuống nhà dưới, mặt mày thanh tao và tuyệt hảo -- rằng Anne sẽ cẩn thận phơi nắng và không để cho da bị phỏng. Tôi định tạo cho chị sự cảnh giác, nhưng có thể chị sẽ không phản ứng thuận lợi. Chị hai mươi chín, trẻ hơn Anne mười ba tuổi, và dường như đối với chị, đó là một quân bài chủ.

 Tôi cầm áo tắm chạy ra vũng. Tôi ngạc nhiên, Cyril đã có mặt ở đó, ngồi trên thuyền. Anh bước lại gần tôi, nghiêm trang, cầm tay tôi và dẫn tôi về phía thuyền.

 "Anh xin em tha lỗi cho anh hôm qua," anh nói.

 "Lỗi của em," tôi trả lời, tự hỏi sao anh lại trịnh trọng đến thế.

 "Anh ghét anh lắm," anh nói tiếp, đẩy thuyền xuống nước.

 "Không có lý do nào cả," tôi vui vẻ nói.

 "Nhưng anh vẫn,

 Tôi đã ngồi trong thuyền. Anh còn đứng, nước cao tới gối, hai tay tựa lên mạn thuyền như thể đó là lan can của vành móng ngựa. Tôi đã rất quen với gương mặt của anh nên tôi có thể hiểu được những biểu lộ của nó và tôi biết anh sẽ không lên thuyền với tôi nếu anh chưa nói ra những gì đang chứa đựng trong đầu. Tôi buồn cười nghĩ rằng đã hai mươi lăm tuổi mà anh vẫn có thể nghĩ rằng mình là một tay chim gái tồi tệ.

 "Đừng cười," anh nói. "Anh đã có thể đi đến tận cùng, chiều qua. Em không có cách gì tự vệ. Hãy nhìn tấm gương của cha em và người đàn bà ấy. Không chừng anh là thằng đểu giả nhất mà em biết."

 Tôi không thấy anh vô lý. Tôi thấy anh hiền lành, anh đang ở ven bờ của tình yêu chân thật. Tôi nghĩ cũng tốt cho tôi, nếu tôi cũng yêu anh. Tôi vòng tay qua cổ anh và áp má lên mặt anh. Anh có bờ vai rộng; thân thể anh cứng chắc trên tôi.

 "Anh thật dịu dàng, Cyril," tôi thì thầm. "Anh sẽ là anh trai của em."

 Anh khép chặt vòng tay gừ lên một âm thanh bất bình, rồi nhẹ nhàng kéo tôi khỏi thuyền. Anh nhấc tôi lên và ôm tôi sát vào lòng, đầu tôi dựa trên vai anh. Trong giây phút ấy tôi yêu anh. Trong nắng sáng anh cũng nâu đồng, cũng mềm mại, cũng dễ xúc cảm như tôi, và anh sẽ che chở tôi. Khi môi anh chạm môi tôi cả hai đứa run lên hoan lạc; nụ hôn của chúng tôi không nhuốm màu hổ thẹn hay hối tiếc, nó chỉ là một tìm kiếm sâu sắc, thỉnh thoảng bị ngắt đứt bởi những lời thủ thỉ. Cuối cùng tôi tách ra và bơi về thuyền, đang bập bềnh trôi xa. Tôi úp mặt lên làn nước xanh như ngọc cho tươi tỉnh. Một cảm giác hạnh phúc hoang dại tràn ngập hồn tôi.

 Lúc mười một giờ rưởi Cyril đi về, cha tôi và hai người đàn bà của ông xuất hiện trên lối mòn. Ông đi giữa, tay đỡ lưng họ, với sự duyên dáng tự nhiên của riêng ông. Anne vẫn mặc chiếc áo choàng đi biển. Cô ung dung cởi áo, không để ý là chúng tôi đang hau háu nhìn, và nằm xuống cát. Cô có chiếc eo thon và đôi chân tuyệt hảo, và không ngờ gì nữa, kết quả của một đời nâng niu chăm sóc, một làn da hầu như không chút tì vết. Không định trước tôi liếc qua cha tôi, ông đang nhướng một bên mày ngầm tán thưởng. Elsa tội nghiệp, da đang ở một tình trạng đáng than khóc, đang bận rộn bôi dầu lên thân thể. Tôi không nghĩ là cha tôi sẽ chịu đựng chị ấy quá một tuần ... Anne quay đầu nhìn tôi.

 "Cécile, sao nơi đây cháu dậy sớm thế nhĩ? Ở Paris cháu nướng trong giường đến giữa trưa."

 "Lúc đó cháu đang học thi," tôi nói. "Nên cháu mệt."

 Cô không cười. Cô chỉ cười khi nào cảm thấy thích, không bao giờ vì phép lịch sự, như người khác.

 "Kết quả sao rồi?'

 "Cháu thi hỏng!" tôi hớn hở nói. "Điểm thấp lắm."

 "Nhưng cháu phải thi đỗ kỳ tháng Mười, nhất định phải thế!"

 "Tại sao nó phải thi đỗ?" cha tôi can thiệp. "Anh chẳng có bằng cấp nào thế nhưng anh vẫn có một cuộc sống phong lưu."

 "Anh may mắn đã thừa hưởng một gia tài từ đầu," Anne nhắc nhở ông.

 "Con gái của anh luôn luôn sẽ có một người đàn ông bảo bọc nó," cha tôi khoác lác đáp.

 Elsa bắt đầu cười to, nhưng ngừng ngay khi chị ấy nhìn thấy vẻ mặt của ba người chúng tôi.

 "Cécile phải ôn thi trong khi nghĩ hè," Anne nói, nhắm mắt lại để chấm dứt câu chuyện.

 Tôi nhìn cha tôi cầu cứu nhưng ông chỉ đần độn mỉm cười. Tôi thấy trước mắt tôi một trang sách của Bergson mở ra, những hàng chữ đen nhảy múa, trong khi Cyril đợi chờ ngoài vũng. Ý tưởng đó làm tôi kinh hoàng. Tôi bò đến bên Anne và nói khẻ với cô. Cô mở mắt. Tôi hướng nét mặt lo âu, van xin đến cô, cố hóp má lại cho giống một người trí thức làm việc quá độ.

"Anne, đừng bắt cháu phải làm thế -- trong cái nóng này. Cháu đang rất vui!"

 Cô đâm đâm nhìn tôi một chốc, rồi mỉm cười bí ẩn và quay đầu đi.

 "Cô sẽ bắt cháu phải làm thế, cho dù trong cái nóng này, như cháu nói. Cháu sẽ ghét cô trong một hay hai ngày, nếu cô đoán đúng, nhưng cháu sẽ thi đỗ."

 "Có những điều mà người ta không thể bị ép uổng," tôi buồn rầu nói.

 Đáp ứng duy nhất của cô là một nụ cười của người bề trên, và tôi quay lại chỗ của mình trên bãi, lòng đầy âu lo cho tương lai. Elsa đang lanh chanh nói về những hội hè diễn ra dọc theo miền Riviera, nhưng cha tôi chẳng lắng nghe. Từ chỗ của ông là đỉnh của cái tam giác vẽ ra bởi cơ thể của ba người, ông chằm chằm nhìn hình ảnh của Anne nằm ngửa người trên bãi cát với sự kiên quyết mà tôi có thể nhận ra. Bàn tay của ông nắm vào, mở ra trên cát một cách nhịp nhàng, đều đặn, bền bỉ. Tôi chạy ùa ra biển và lao xuống nước, thương khóc cho mùa hè của chúng tôi lẽ ra phải rất vui nhộn. Tất cả những yếu tố của một bi kịch đã được đưa tới: một người phóng túng, một người lang chạ, và một người đàn bà với ý chí mãnh liệt. Tôi thấy một chiếc vỏ ốc thanh tú màu hồng và xanh lơ nằm ở đáy biển. Tôi lặn xuống nhặt lấy nó, và giữ nó, bóng mượt và rỗng không trong tay tôi suốt buổi sáng. Tôi tin nó là một vật đem đến sự may mắn, và tôi sẽ giữ nó lại. Tôi ngạc nhiên vì tôi không mất nó, cho dù tôi đã đánh mất mọi thứ. Đến hôm nay, nó vẫn hồng và ấm trong lòng bàn tay tôi, và làm tôi muốn khóc.

 

BỐN

 Anne rất tử tế với Elsa trong những ngày sau đó. Mặc cho những nhận xét ngô nghê điểm xuyết lời nói của Elsa, Anne không bao giờ thốt lên những câu sắc sảo mà cô vốn sở trường, và hẳn là chúng sẽ khiến Elsa thêm lố bịch. Tôi ngạc nhiên, và bắt đầu ngưỡng mộ sức chịu đựng và sự rộng lượng của Anne tuy không hiểu cô đã thâm trầm sâu sắc đến dường nào. Cha tôi sẽ sớm chán ghét các chiến thuật ác độc, và vào lúc ấy ông biết ơn Anne nhiều đến nỗi không ngừng tìm đủ cách làm cô vui lòng. Ông dùng sự biết ơn như một phương tiện để lôi cuốn cô, có thể nói như vậy, vào vòng quyến thuộc; ông thường đề xuất rằng tôi là một phần trách nhiệm của Anne, và nói chung, đối xử với cô như thể cô là bà mẹ thứ nhì của tôi. Nhưng tôi để ý thấy mỗi cái nhìn và cử chỉ của ông đều biểu lộ nỗi thèm khát âm thầm của ông với cô, người mà ông chưa chiếm được và hằng ao ước. Tôi cũng nhận thấy một tia sáng tương tự lấp lánh trong mắt Cyril, và tôi phân vân không biết nên khuyến khích anh hay nên bỏ chạy. Trên phương diện này, hẳn tôi dễ bị lung lạc hơn Anne, vì thái độ của cô với cha tôi cho thấy một sự thân thiện có chừng mực, một sự điềm tĩnh đến mức làm tôi yên tâm. Tôi bắt đầu tin rằng tôi đã nghĩ sai về cô ở ngày đầu tiên. Tôi không biết sự thẳng thắn rất lôi cuốn của cô chính là thứ làm cha tôi thích. Và sự im lặng của cô, rõ ràng quá tự nhiên, quá tế nhị, là một tương phản rõ rệt với lời nói huyên thiên của Elsa, như ngày với đêm. Elsa đáng thương! chị ấy chẳng nghi ngờ gì cả, và, mặc dù đau đớn vì phỏng nắng, vẫn ba hoa và nồng nhiệt quá độ.

 Một ngày nọ, tuy nhiên, có lẽ chị bắt gặp cái nhìn của cha tôi gửi đến Anne và tự rút ra kết luận. Trước bửa ăn trưa tôi thấy chị nói thầm vào tai ông. Trong một thoáng, ông dường như khó chịu, nhưng rồi gật đầu và mỉm cười. Sau chầu cà phê, Elsa bước ra cửa, xoay người, và tạo một dáng đứng uể oải lã lơi, như diễn viên màn bạc. Trong giọng nói của chị có mười năm tán tỉnh kiểu Pháp.

 "Có theo em không, Raymond?"

 Cha tôi đứng lên, đỏ hồng mặt, vừa theo sau Elsa vừa lẩm bẩm về lợi ích của việc bỏ giấc ngủ ngày. Anne ngồi im. Điếu thuốc âm ỉ cháy giữa hai ngón tay. Tôi cảm thấy cần phải đẩy đưa một câu: "Người ta bảo giấc ngủ trưa giúp ta ngơi nghĩ, nhưng cháu thấy nó có thể mang một ý nghĩa trái ngược..."

Tôi ngừng, chợt thấy mình như đang bóng gió.

 "Thôi đủ rồi," Anne lạnh nhạt nói.

 Không một chút mập mờ trong giọng điệu của Anne. Cô đã, dĩ nhiên, cho rằng nhận xét của tôi là thô tục, nhưng khi nhìn cô tôi thấy cô phải cố gắng mới giữ được bình tĩnh. Có lẽ trong giây phút đó cô đã ghen tức điên cuồng với Elsa. Trong khi tôi tự hỏi làm sao để có thể an ủi cô, một ý nghĩ cay độc nảy sinh. Sự cay độc luôn luôn làm tôi vui sướng; nó cho tôi cảm giác thích thú của tự tin và hài lòng với bản thân. Tôi không kềm chế được.

 "Cháu tưởng tượng, với làn da bỏng rộp của Elsa, kiểu ngủ trưa ấy sẽ chẳng thú vị gì cho cả hai người."

 Nếu tôi im lặng có lẽ đã tốt hơn cho tôi.

 "Cô tởm lợm kiểu bình luận ấy. Ở tuổi cháu nó còn tệ hơn là ngu đần. Đau đớn thay."

 Tôi giận dữ đáp: "Cháu chỉ đùa thôi, cô biết mà. Cháu tin chắc họ đang thật sự vui vẻ với nhau."

 Cô quay lại nhìn tôi với vẻ mặt bị xúc phạm nặng nề, và tôi xin lỗi cô lập tức. Cô nhắm mắt, bắt đầu nói khẻ và từ tốn.

 "Ý niệm của cháu về tình yêu khá thô sơ. Tình yêu không phải là một chuỗi các cảm giác, cái này độc lập với cái kia ..."

 Tôi chợt nhận ra mỗi khi đem lòng yêu ai, sự việc lại diễn tiến y hệt như thế: một cảm xúc bất ngờ, khơi gợi bởi một khuôn mặt, một cử chỉ hay một nụ hôn ... những giây phút bồi hồi tê tái, rời rạc không liên hệ, là tất cả những gì tôi nhớ được.

 "Nó là một thứ khác," Anne nói. "Có những thứ như là tình cảm bền lâu, ngọt ngào, cần thiết ... nhưng cô đoán, cháu không thể hiểu."

 Cô xua tay đuổi tôi đi và cầm tờ báo. Phải chi cô giận dữ thay vì cam chịu sự vô cảm của tôi. Dù thế nào tôi cũng thấy cô đúng -- rằng tôi như một con thú bị bản năng chi phối, bị người khác lũng đoạn tư tưởng, rằng tôi nông cạn và yếu đuối. Tôi khinh tôi, và đó là một cảm giác đau đớn khủng khiếp, càng đau hơn khi tôi không có thói quen tự chỉ trích. Tôi lên lầu về phòng trong mụ mị. Nằm trong giường trên khăn ấm, tôi nghĩ đến lời của Anne. "Nó là một thứ khác, là một cần thiết." Đã có bao giờ tôi cần đến ai chưa?

 Hai tuần sau đó lờ mờ trong trí nhớ vì tôi cố ý làm ngơ các hiểm họa cho sự an toàn của chúng tôi, nhưng thời gian còn lại của kỳ hè lại nổi bật, vì vai trò tôi đã chọn để diễn.

 Trở lại ba tuần đầu, vỏn vẹn ba tuần hạnh phúc: từ lúc nào cha tôi công khai nhìn ngắm miệng của Anne? Có phải đó là ngày ông trách móc thái độ xa vắng của cô, trong khi giả vờ cười nhạo nó? Hay đó là ngày ông so sánh sự tinh tế của cô với sự ngớ ngẩn gần như đần độn của Elsa? Tôi đã yên lòng vì ý tưởng ngu ngốc của tôi rằng họ đã quen nhau mười lăm năm, và nếu như có thể phải lòng nhau, hẳn họ đã yêu nhau từ lâu không cần đợi đến bây giờ. Và tôi cũng nghĩ, nếu mối tình ấy có xảy ra chăng nữa, nó cũng không thọ quá ba tháng, và Anne sẽ bị bỏ rơi với những kỷ niệm của cô và có lẽ với một chút tủi nhục. Tuy thế, từ trong tâm khảm, tôi luôn luôn hiểu rằng Anne không phải là một người đàn bà có thể bị ruồng bỏ dễ dàng.

 Nhưng Cyril có mặt ở đó và chiếm trọn tư tưởng của tôi. Ban đêm anh và tôi thường lái xe đến Saint Tropez, và khiêu vũ trong các hộp đêm theo giọng kèn da diết. Trong những giây phút ấy chúng tôi cảm thấy chúng tôi yêu nhau điên dại, nhưng sáng hôm sau tất cả đều bị lãng quên. Ban ngày chúng tôi rong thuyền buồm. Đôi khi cha tôi đi cùng với chúng tôi. Ông quý Cyril lắm, đặc biệt từ lúc Cyril để cho ông thắng một cuộc đua thuyền.

 Ông gọi Cyril là "con trai," và Cyril thưa "Ông." Nhưng đôi khi tôi tự hỏi giữa họ, ai mới là người lớn.

 Một buổi chiều nọ chúng tôi đến nhà Cyril uống trà với mẹ anh, một bà đứng tuổi, ít nói, hay mỉm cười, tâm tình với chúng tôi về những khó khăn của bà trong vai trò góa phụ và mẹ. Cha tôi đồng cảm với bà, nhìn Anne cầu cứu, và không ngớt lời khen ngợi bà. Phải nói rằng ông không bao giở tiếc thì giờ của mình! Anne nhìn cảnh tượng ấy với một nụ cười thân ái, và sau đó nhận xét rằng mẹ của Cyril đáng mến. Tôi ngắt lời bằng những câu rũa xả những mụ già ấy. Anne và cha tôi cười lớn, làm tôi tức giận.

 "Cha và cô không thấy cách bà ấy hài lòng với bản thân như thế nào chăng?" tôi nhấn mạnh. "Bà ấy tự vỗ vai khen tặng vì đã làm tròn nhiệm vụ và ..."

 "Nhưng đó là sự thật," Anne nói. "Bà ấy đã làm tròn bổn phận một người vợ và người mẹ, như người ta nói."

 Còn bổn phận của một tình nhân thì sao?" tôi hỏi.

 "Cô không thích sự thô tục một chút nào," Anne nói, "cho dù là dí dỏm."

 "Nhưng cháu không cố nói cho dí dỏm. Bà ấy lấy chồng như bao nhiêu người khác, vì ước muốn, hay vì đó là chuyện phải làm. Bà ấy có con -- cô có biết con nít từ đâu ra không?"

 "Có lẽ không biết nhiều bằng cháu," Anne mỉa mai. "Nhưng cô có một ý niệm."

 "Bà ấy nuôi con. Có lẽ bà ấy ngại không muốn dây dưa với ái tình. Bà ấy sống một cuộc đời như hàng triệu người vợ khác, và hãnh diện vì thế; cha và cô hiểu không. Bà ấy có địa vị của một người mẹ và một người vợ trẻ thuộc giai cấp trung lưu, và bà ấy đã không làm một điều gì có thể gây phương hại đến địa vị ấy. Bà ấy hài lòng với những thứ bà ấy không làm, chứ không phải với những thành tựu."

 "Nói vô nghĩa," cha tôi nói.

 "Giống như một con chim say mê chính nó," tôi gào lên. "Bà ấy tự bảo: 'Tôi đã làm tròn bổn phận' khi bà ấy chẳng làm gì. Nếu bà ấy, với gia thế đó, trở thành một cô gái đứng đường, mới là đáng khen."

 "Ý tưởng của cháu rất thời thượng, nhưng cháu không biết cháu đang nói gì," Ann đáp.

 Có lẽ cô nói đúng. Lúc ấy, tôi tin tưởng ở những điều tôi nói nhưng phải thú thật, tôi chỉ lập lại những gì đã nghe như một con vẹt. Dù sao, cuộc đời của tôi và cha tôi đang xuôi chảy theo ý tưởng của tôi và Anne gây thương tổn cho tôi bằng cách khinh bỉ chúng. Ta có thể gắn bó với những ý tưởng phù phiếm cũng như với bất cứ những thứ khác, phải không? Anne không coi tôi như một người có đầu óc. Tôi rất muốn chứng minh rằng cô ấy sai. Tôi không thể biết cơ hội có thể tới sớm đến thế, cũng như tôi có thể chụp được cơ hội. Dù sao chỉ chừng một tháng nữa, có lẽ tôi sẽ có những ý kiến hoàn toàn trái ngược về mọi thứ. Có thể nào trông mong nơi tôi một điều gì khác hơn được sao?

 

NĂM

 Và rồi một ngày kia mọi việc đều dẫn dắt tới cao điểm. Từ sáng cha tôi đã nói ông muốn đêm ấy sẽ đi Cannes để khiêu vũ ở casino, và có lẽ để đánh bạc nữa. Tôi còn nhớ Elsa vui vẻ biết bao. Trong khung cảnh quen thuộc của sòng bài, chị ấy hy vọng đóng tiếp vai trò một femme fatale, vừa mới đây bị lu mờ vì làn da bỏng nắng và lối sống nửa phần cô lập của chúng tôi. Ngược với điều tôi nghĩ, Anne không phản đối dự tính ấy. Cô còn có vẻ khá hài lòng. Vừa ăn tối xong tôi đã chạy lên phòng riêng để mặc áo dạ hội, cũng chính là chiếc áo dạ hội duy nhất mà tôi sở hữu. Cha tôi đã chọn áo này, may bằng một loại vải hiếm có ở nước ngoài, có lẽ quá lạ, quá hiếm cho một cô gái ở lứa tuổi tôi. Nhưng cha tôi, vì khuynh hướng hay vì thói quen, thích cho tôi ăn mặc tinh tế và tao nhã. Tôi gặp ông ở chân cầu thang, phong lưu trong cái áo dạ tiệc mới, và tôi quàng tay quanh cổ ông.

 "Cha là người đàn ông đẹp trai nhất mà con biết."

 "Ngoại trừ Cyril," ông nói một cách thiếu chân thành. "Về phần con, con là cô gái xinh đẹp nhất mà cha biết."

 "Sau Elsa và Anne," tôi đáp, cũng không tin lời nói của mình.

 "Vì họ chưa xuống, và cả gan bắt cha chờ đợi, vậy con khiêu vũ với ông bố già nua, thấp khớp này nhé!"

 Một lần nữa tôi lại có cảm giác rạo rực, thứ cảm giác luôn luôn khởi đầu những buổi tối chúng tôi đi chơi với nhau. Ông chẳng có một chút gì giống một ông già lọm khọm! Trong khi khiêu vũ tôi hít thở mùi hương quen thuộc của ông: một pha trộn của eau de cologne, thân nhiệt và thuốc lá. Ông nhảy chậm, với đôi mắt khép nửa vời, một nụ cười hạnh phúc, không thể kềm chế, hệt như nụ cười của tôi, phơn phớt trên môi.

 "Một lúc nào đó con phải dạy cha điệu bebop," ông nói, quên bẳng câu chuyện thấp khớp của mình.

 Ông ngừng nhảy, lịch thiệp chào Elsa. Chị đang bước từng bước xuống thang trong chiếc áo xanh lục, với nụ cười mẩu mực trên gương mặt, nụ cười casino của chị. Chị đã cố sức tô điểm cho mái tóc khét nắng và làn da bong tróc, nhưng kết quả chỉ đáng khuyến khích hơn là hoàn mỹ. May mà chị không biết điều ấy.

 "Chúng ta đi chứ?"

 "Anne chưa xuống," tôi đáp.

 "Con lên lầu xem cô ấy xong chưa. Chắc phải tới khuya chúng ta mới đến Cannes."

 Tôi chạy lên, cái váy dài vướng víu nơi chân, và gõ cửa phòng Anne. Cô nói vọng ra bảo tôi vào, nhưng tôi ngừng ở cửa. Cô mặc một chiếc áo xám, một màu xám rất đặc biệt, gần như trắng, khi ánh đèn chiếu vào, trông như mặt biển lúc bình minh. Với tôi cô là hiện thân của sự quyến rũ chín muồi. "Ô, Anne, cái áo thật lộng lẫy làm sao!" tôi nói.

 Cô mỉm cười với tấm gương như ta mỉm cười với một người mà ta đang từ biệt.

 Màu xám này được nhiều người cho là đẹp," cô nói.

 "Cô chính là người được nhiều người cho là đẹp!" tôi khen.

 Cô véo tai tôi. Đôi mắt xanh thẫm sáng lên với nụ cười.

 "Cháu là một cô bé đáng yêu dù đôi khi cháu có thể làm người ta phải bực mình."

 Cô dẫn đầu và không liếc một lần qua cái áo của tôi. Trong một chừng mực nào đó, tôi thấy nhẹ nhõm nhưng nói chung, tôi chết lịm trong hồn. Tôi theo cô xuống lầu và tôi thấy cha tôi tiến lại chào cô. Ông dừng ở đầu cầu thang, một chân đặt trên bậc thứ nhất, ngước mặt lên. Elsa đang nhìn. Tôi nhớ rất rõ cảnh tượng ấy. Trước nhất, trước mặt tôi, cái gáy vàng óng và bờ vai tuyệt hảo của Anne, xuống thấp một chút nữa là gương mặt say mê và bàn tay cha tôi đưa ra, và, xa hơn nữa làm nền, hình bóng của Elsa.

 "Anne, em trông đẹp tuyệt vời!" cha tôi nói.

 Cô mỉm cười lướt ngang và cầm tấm áo choàng.

 "Ta sẽ gặp lại sau ở casino nhé. Cécile, cháu đi với cô chứ?"

 Cô để tôi lái xe. Về đêm, con đường như đẹp hơn khiến tôi phải lái chậm lại. Anne im lặng; gần như chẳng để ý tới tiếng radio ồn ào. Khi xe của cha tôi vượt qua xe chúng tôi ở một khúc quanh, cô vẫn không cử động. Tôi thấy mình như bị loại khỏi vòng đua, chỉ theo dõi cuộc tranh tài mà không thể can thiệp.

 Tại casino cha tôi cố tình làm chúng tôi sớm mất dấu nhau. Tôi thơ thẩn đến một quầy rượu gặp Elsa và người quen của chị ấy, một ông Nam Mỹ đã say ngà ngà. Ông ấy có quan hệ với ngành sâu khấu và mê đắm nó đến mực có thể làm cho tình trạng say sưa của ông trở nên thú vị. Tôi có một giờ vui nhộn bên ông, nhưng Elsa đã chán ngấy. Chị thích nghe nhắc tới những tên tuổi lừng lẫy, nhưng thế giới sân khấu không phải là của chị. Một cách bất ngờ chị hỏi tôi cha tôi đang ở đâu, làm như tôi có cách gì để biết. Rồi chị bỏ đi. Ông Nam Mỹ có vẻ bực mình một chút, nhưng một ly whisky khác làm ông vui trở lại. Đầu tôi trống rỗng. Tôi hơi choáng váng, vì tôi đã theo phép xã giao, uống rượu với ông. Buồn cười hơn nữa khi ông muốn khiêu vũ. Tôi bắt buộc phải đở ông đứng lên, và rút bàn chân của tôi bị chèn dưới chân ông, việc này đòi hỏi sự nhanh nhẹn khéo léo. Chúng tôi đang cười toe toét thì Elsa gỏ nhẹ lên vai tôi và tôi nhìn thấy nét mặt Cassandra của chị, tôi muốn nói thẳng với chị, làm ơn cút đi chỗ khác cho tôi nhờ.

 "Chị không tìm ra họ," chị nói.

 Trông chị hoàn toàn thảm hại. Phấn đã nhạt, phơi ra nước da trơn bóng, và nét mặt ủ dột. Chị là một cảnh tượng thê thảm. Bỗng dưng tôi nổi giận với cha tôi; ông đã cư xử một cách lỗ mãng không thể tả.

 "Cécile, em biết chỗ của họ," tôi nói, mỉm cười như thể mọi chuyện đều bình thường và chị không cần phải lo lắng. "Em sẽ trở lại ngay."

 Không còn tôi, ông Nam Mỹ ngã chúi vào cánh tay của Elsa và dường như ông hài lòng ở nơi đó. Tôi hơi buồn hiểu ra rằng ông trời đã cho chị ấy một thân hình đầy đặn hơn tôi nhiều, và tôi không thể trách chị chuyện ấy.

 Casino rất rộng, tôi đi hai vòng mà không thành công. Tôi kiểm qua sân thượng và cuối cùng tôi nghĩ đến chiếc xe hơi. Phải một lúc tôi mới tìm được nó trong bãi đậu xe. Họ đang ở bên trong. Tôi lại gần từ đàng sau và nhìn thấy họ qua khung kính. Gương mặt nhìn nghiêng của họ kề bên nhau, nghiêm trang và đẹp lạ lùng dưới ánh đèn đường. Họ ngồi đối diện và hẳn là họ nói rất khẽ vì tôi thấy môi họ mấp máy. Tôi đã muốn bỏ đi nhưng ý nghĩ về Elsa lại khiến tôi đến mở cửa xe. Tay của cha tôi còn đặt trên cánh tay của Anne, và họ không để ý gì tới tôi.

 "Cha và cô vui chứ ạ?" tôi lễ phép hỏi.

 "Có chuyện gì thế?" cha tôi bực dọc nói. "Con làm gì ở đây?"

 "Còn cha thì sao? Elsa tìm cha khắp nơi cả tiếng đồng hồ rồi."

 Anne chậm rãi và ngần ngừ, quay đầu qua tôi.

 "Cha của cháu và cô sắp về nhà. Bảo Elsa rằng cô mệt và cha của cháu phải đưa cô đi. Khi nào cháu thấy vui chơi đủ rồi, thì lái xe của cô về."

 Tôi run lên vì giận dữ và gần như không thốt nên lời.

 "Đủ vui chơi ư ? Nhưng cha và cô không biết mình đang làm gì! Kinh tởm quá!"

 "Cái gì kinh tởm?" cha tôi ngạc nhiên hỏi.

 "Cha đem một cô tóc đỏ ra biển, làm cho cô ấy phơi nắng là thứ mà cô ấy không chịu được, và khi da của cô bong tróc ra, thì cha ruồng bỏ cô ấy. Dễ quá mà! Con phải ăn nói làm sao với Elsa?

 Anne quay sang cha tôi với nét mặt ngán ngẩm. Ông mỉm cười với cô, rõ ràng không thèm lắng nghe tôi. Nỗi tuyệt vọng của tôi vô bờ bến.

 "Con sẽ bảo Elsa rằng cha đã tìm được một người khác để ngủ, và chị ấy có thể gọi cha sau. Đúng chưa?"

 Tiếng kêu của cha tôi và cái tát của Anne xảy ra cùng một lúc. Tôi vội vàng rút đầu khỏi cửa xe. Cô làm tôi đau điếng.

 "Xin lỗi lập tức!" cha tôi nói.

 Tôi đứng trơ ra và lặng im với những ý nghĩ quay cuồng như cơn lốc trong đầu. Những câu trả treo thường đến với tôi quá muộn.

 "Lại đây!" Anne nói.

 Cô không có vẻ giận dữ, nên tôi lại gần. Cô đặt tay lên má tôi và nói chậm và nhẹ nhàng như thể tôi đần lắm vậy.

 "Đừng hỗn như thế. Cô rất tiếc về Elsa, nhưng cháu đủ khôn khéo để lo cho cô ấy. Ngày mai chúng ta sẽ nói chuyện với nhau cặn kẻ. Cô có làm cháu đau lắm không?"

"Không đâu," tôi lịch sự đáp. Sự dịu dàng của cô sau cơn giận dữ bất thường của tôi khiến tôi muốn khóc òa. Tôi nhìn họ lái đi, lòng ỉu xìu như một quả bóng đã xì hơi. Niềm an ủi duy nhất là ý tưởng về sự khéo léo mà cô đã ghi nhận nơi tôi.

 Tôi lê bước trở lại casino, nơi tôi tìm thấy Elsa với ông Nam Mỹ dính chặt vào tay chị.

 "Anne không khỏe," tôi nói một cách tự nhiên. "Papa phải đưa cô ấy về nhà. Chúng ta uống thêm một ly nữa nhé?"

 Chị nhìn tôi và không trả lời. Tôi cố tìm một câu giải thích thỏa đáng hơn.

 "Cô ấy ốm nặng lắm," tôi nói. "Kinh quá, áo của cô ấy cũng hỏng." Chi tiết này khiến câu chuyện của tôi có vẻ hợp lý hơn. Nhưng Elsa khởi sự khóc, lặng lẽ và buồn thảm.Tôi không biết phải làm sao.

 "Ô, Cécile, chúng ta đã hạnh phúc biết bao!" chị nói và khóc nức lên. Ông Nam Mỹ bắt đầu khóc theo, lập lại, "Chúng ta đã hạnh phúc biết bao, hạnh phúc biết bao!" Ở giây phút đó tôi căm ghét Anne và cha tôi cùng cực. Tôi sẳn sàng làm bất cứ điều gì để Elsa thôi khóc, mascara của chị thôi tèm nhem, và ông Nam Mỹ thôi gào rú.

 "Chưa có gì rạch ròi đâu, Elsa; về nhà với em ngay!"

 "Không! Chị sẽ tới và lấy hành lý của chị sau," chị nức nở. "Từ biệt em! Chúng mình đã rất hợp nhau, phải không, Cecile?"

 Chúng tôi chẳng bao giờ nói với nhau về một thứ gì khác ngoại trừ quần áo hay thời tiết, nhưng với tôi, dường như tôi đang đánh mất một người bạn cũ. Tôi vội vã quay mặt đi và chạy ra xe.

 

SÁU

 Sáng hôm sau tôi thật khổ sở, có lẽ vì những ly whisky đã uống đêm qua. Tôi thức dậy trong căn phòng tối đen thấy mình nằm vắt ngang giường -- lưỡi nặng, tứ chi ẩm ướt và nhớp nháp không thể chịu được. Một tia nắng duy nhất xuyên qua khe của mành cửa sổ và tôi có thể trông thấy hàng triệu vãy bụi li ti quay cuồng trong đó. Tôi không muốn dậy, cũng không muốn nằm mãi trên giường. Tôi thắc mắc không biết cha tôi và Anne phản ứng ra sao nếu như Elsa trở lại sáng hôm đó. Tôi bắt tôi phải nghĩ về họ để có thể bước xuống giường. Cuối cùng tôi cũng đứng lên nền nhà lót gạch mát rượi. Tôi thấy chóng mặt và ê ẩm cả người.

 Tấm gương phản chiếu một quang cảnh buồn. Tôi tựa vào gương và soi mói nhìn tròng mắt nở to và đôi môi khô khốc này, mặt của một người xa lạ. Có phải đó là gương mặt của tôi? Nếu tôi yếu đuối và hèn nhát, có phải vì làn môi này, hình dạng đặc biệt của thân hình này, những giới hạn thể hình độc đoán ghê tởm này? Và nếu tôi bị giới hạn, tại sao bây giờ tôi mới có ý thức về nó? Tôi tự làm cho bận rộn bằng cách chán ghét hình ảnh của tôi, ghét cái mặt giống như chó sói, vêu vao hốc hác vì trác táng. Tôi vừa lập lại "trác táng" vừa nhìn vào mắt tôi trong gương. Rồi thình lình tôi thấy tôi mỉm cười. Một thứ trụy lạc tuyệt làm sao! Vài ly rượu đắng, một cái tát, và mấy giọt sầu! Tôi đánh răng và đi xuống nhà.

 Cha tôi và Anne đã ngồi ở sân thượng, kề bên nhau trước khay thức ăn sáng của họ. Tôi ngồi đối diện, lí nhí chào. Một cảm giác xấu hổ khiến tôi cúi gầm, nhưng sau một lúc, vì họ vẫn lặng im, tôi bắt buộc phải ngước lên nhìn họ. Cả hai đang mỉm cười hớn hở, và tôi xúc động mạnh, vì đối với tôi hạnh phúc mãi mãi là một thành tựu rất lớn.

 "Con ngủ ngon không?" cha tôi hỏi.

 "Không tệ lắm," tôi đáp. "Tối qua con uống khá nhiều whisky."

 Tôi rót cà phê ra tách, nhưng chỉ sau một ngụm tôi đã đặt tách xuống bàn. Sự im lặng của họ mang một vẻ mong đợi khiến tôi cảm thấy khó chịu. Tôi quá mệt để có thể cầm cự lại.

 "Có chuyện gì thế? Cha và cô trông bí ẩn lắm."

 Cha tôi đốt một điếu thuốc, làm như dửng dưng, nhưng lần duy nhất trong cuộc đời của mình Anne tỏ ra ngượng ngập.

 "Cô muốn hỏi cháu một điều," cuối cùng cô nói.

 "Cô muốn nhờ cháu nhắn chuyện gì với Elsa?" tôi nói, tưởng tượng ra tình huống xấu tệ nhất.

 Cô quay sang cha tôi. "Cha cháu và cô định cưới nhau," cô nói.

 Tôi trợn mắt nhìn cô, rồi đến cha tôi. Tôi có chút hy vọng sẽ nhận một dấu hiệu nào đó từ ông, có thể là một cái nheo mắt, vì ông nghĩ rằng tôi đang choáng, và cần an ủi tôi. Nhưng ông cứ nhìn mãi xuống đôi bàn tay của ông. Tôi thầm nhủ, "Không thể nào!" tuy tôi đã hiểu đó là sự thật.

 "Thật là một ý tưởng hay!" tôi nói để kéo dài thời gian.

 Tôi không thể hiểu vì sao cha tôi, người luôn luôn chống đối một cách bướng bỉnh hôn nhân và những xích xiềng của nó, lại có thể quyết định kết hôn chỉ trong một đêm. Chúng tôi sắp đánh mất sự độc lập của chúng tôi. Tôi có thể hình dung ra một đời sống gia đình trong tương lai, được cân bằng bởi trí thông minh và sự tao nhã của Anne, thứ cuộc sống mà tôi từng ghen tị với cô. Chúng tôi sẽ có những người bạn lanh lợi, khéo léo, và những đêm vui êm đềm ... Tôi thấy tôi khinh khi những buổi tiệc ồn ào, người Nam Mỹ, và hạng con gái như Elsa. Tôi thấy mình kiêu hãnh và cao sang.

 "Thật là một ý tưởng tốt đẹp," tôi lập lại, và tôi mỉm cười với họ.

 "Cha biết con sẽ vui lòng, con gái cưng," cha tôi nói.

 Ông nhẹ nhõm và và vui sướng. Gương mặt của Anne, thay đổi vô cùng tinh tế bởi tình yêu, như dịu dàng thêm, cho ta cảm giác gần gụi hơn bao giờ hết.

 "Đến đây, con gái cưng," cha tôi nói, và dang rộng tay, kéo tôi lại gần họ. Tôi nửa đứng nửa quỳ trước mặt họ, trong khi họ vuốt tóc tôi và nhìn tôi âu yếm. Nhưng tôi không thể không nghĩ rằng mặc dù cuộc đời tôi có lẽ ở giây phút ấy đang chuyển sang một hướng hoàn toàn khác lạ, trong thực tế với họ tôi chẳng khác gì một chú mèo con, một con vật bé bỏng đáng yêu. Tôi cảm thấy họ ở trên cao, gắn bó với nhau bởi quá khứ và tương lai, bởi những mối liên kết mà tôi không biết và không bao gồm tôi. Nhưng tôi cố sức nhắm mắt lại và tiếp tục diễn xuất vai trò của mình, ghé đầu lên gối họ và cười to. Bởi tôi không sung sướng hay sao? Anne được lắm, không có một chút gì ác độc, ti tiện nào trong cô. Cô sẽ hướng dẫn tôi, gánh vác trách nhiệm cho tôi, và sẳn sàng khi tôi cần đến. Cô sẽ giúp cha con chúng tôi trở thành những tuyệt phẩm đức hạnh.

 Cha tôi đi lấy một chai champagne. Lòng tôi chùng xuống. Ông đang vui sướng, đó là điều chính yếu, nhưng tôi đã thường trông thấy ông vui sướng vì có một người đàn bà.

 "Cô đã e sợ cháu," Anne nói.

 "Tại sao?" tôi hỏi. Câu ấy có hàm ý rằng sự chống đối của tôi có thể ngăn chận cuộc hôn nhân của họ.

 "Cô sợ rằng cháu khiếp sợ cô," cô cười nói.

 Tôi cũng bắt đầu cười to, vì thực sự tôi đã sợ hãi cô. Cô muốn tôi hiểu rằng cô ý thức được vấn đề đó, và tôi không cần phải khiếp đảm vì cô.

 "Cháu có thấy hôn nhân của hai người già như chúng tôi là kỳ cục không?"

 "Đâu có già!" tôi nhấn mạnh, trong khi cha tôi phớn phở bước vào với chai rượu trong tay.

 Ông ngồi xuống cạnh Anne và choàng tay lên vai cô. Cách cô quay lại nhìn cha tôi làm tôi phải cúi mặt. Không ngờ gì nữa cô kết hôn với cha tôi chỉ vì điều đó; vì chuỗi cười dòn tan, vòng tay cứng cáp, sinh lực dồi dào và sự nồng nhiệt ân cần của ông. Ở tuổi bốn mươi có thể có sự sợ hãi nỗi cô liêu, hay có lẽ có đợt trào dâng cuối cùng của ngũ quan ... Tôi không bao giờ nghĩ đến Anne như một người đàn bà, chỉ như một nhân cách. Tôi đã nhìn thấy ở Anne một người tự tin, trang nhã và khôn ngoan, nhưng chưa bao giờ yếu ớt hay đầy nhục cảm. Tôi hiểu rõ là cha tôi rất tự hào -- cô Anne Larsen kiêu kỳ sắp sửa làm vợ ông. Nhưng ông có yêu cô không, và nếu có, ông có khả năng yêu cô lâu dài hay không? Có khác biệt nào chăng giữa cảm giác của ông với cô và cảm giác mà ông đã có với Elsa? Mặt trời làm đầu tôi quay cuồng, và tôi nhắm mắt. Ba người chúng tôi ngồi ở sân thượng, đầy những ý nghĩ không nói ra, của những lo sợ dấu kín, và của hạnh phúc.

 Elsa không trở lại trong thời gian này. Một tuần trôi qua, bẩy ngày vui vẻ quần tụ bên nhau --và rồi mọi sự thay đổi. Trong thời gian ấy chúng tôi soạn những kế hoạch tỉ mỉ cho việc tái trang hoàng căn hộ của chúng tôi ở Paris, và bàn thảo một thông lệ cho cuộc sống của chúng tôi, điều mà cha tôi và tôi lấy làm vui sướng với sự bướng bĩnh của những người chưa bao giờ biết đến dụng ích của thông lệ. Cha tôi và tôi có bao giờ tin vào nó dù chỉ trong khoảng khắc? Cha tôi có thực tình nghĩ rằng chúng tôi có thể ăn trưa mỗi ngày tại cùng một địa điểm và chính xác lúc mười hai giờ ba mươi, ăn tối ở nhà và trải qua một đêm tĩnh lặng? Dù sao chăng nữa ông cũng hớn hở chuẩn bị từ bỏ chủ nghĩa Bohemianism, và bắt đầu thuyết giảng trật tự, tán dương niềm vui của một cuộc sống trưởng giả, ngăn nắp và có văn hóa. Ông, cũng như tôi, không ngờ rằng tất cả những dự tính ấy chỉ là lâu đài trong không khí.

 Tôi nhớ tuần lễ ấy mới rõ ràng sao! Anne thanh thản, tin tưởng, và rất ngọt ngào; cha tôi yêu cô say đắm. Tôi gặp họ buổi sáng bước xuống lầu, dựa vào nhau, nói cười vui vẻ, quầng thâm dưới mắt, và tôi thề rằng tôi không thích điều gì hơn là hạnh phúc đó được kéo dài suốt cuộc đời họ. Buổi tối chúng tôi thường uống rượu khai vị ở sân lộ thiên của mấy quán cà phê dọc theo bờ biển. Bất kỳ ở đâu chúng tôi đều được xem như một gia đình bình thường, hạnh phúc, và tôi, người hay ra ngoài một mình với cha tôi và gặp những nụ cười láu lĩnh, những ánh mắt độc địa hay tọc mạch, đã sung sướng được đóng một vai trò thích hợp với lứa tuổi của tôi. Họ sẽ làm đám cưới khi trở lại Paris.

 Cyril đáng thương sừng sờ chứng kiến sự biến đổi cuộc sống của chúng tôi, nhưng anh hài lòng với ý nghĩ có lẽ lần này nó sẽ được hợp pháp hóa. Chúng tôi vẫn rong thuyền buồm và hôn nhau mỗi khi chúng tôi muốn. Nhưng có những lúc khi môi anh ép sát môi tôi, tôi lại nhớ gương mặt của Anne với những đường nét mềm mại mà tôi gặp mỗi buổi sáng. Tôi nhớ vẻ vui tươi thoải mái, vẻ uể oải duyên dáng mà tình yêu ban phát cho những cử chỉ của cô, và tôi ganh ghét cô. Chỉ hôn suông có thể không thỏa, và chẳng ngờ chi nữa, nếu Cyril không quý tôi đến thế, có lẽ tôi đã trở thành người tình của anh trong tuần đó.

 Lúc sáu giờ, khi chúng tôi từ đảo trở về, Cyril sẽ kéo thuyền lên bãi cát. Chúng tôi sẽ lên nhà qua cánh rừng dương, theo hàng một, giả vờ là người Da Đỏ. Hoặc anh sẽ chấp tôi chạy đua cho ấm người. Anh sẽ luôn luôn đuổi kịp tôi trước khi tới nhà và nhảy bổ lên tôi gào to đắc thắng, lăn tôi trên lớp lá dương, dấu tay tôi dưới thân và hôn tôi. Tôi vẫn còn nhớ hương vị những nụ hôn ngạt thở ấy, và tiếng đập của trái tim Cyril hòa với tim tôi theo âm thanh êm đềm của con sóng vỗ bờ. Một - hai - ba, tim anh thùm thụp, và một-- hai - ba, tiếng sóng dạt dào. Rồi dần dần, khi hơi thở đã điều hòa trở lại, những nụ hôn của anh sẽ thúc bách hơn, tiếng sóng biển sẽ nhạt nhòa đi nhường cho mạch tim thổn thức bên tai.

 Một chiều nọ giọng nói của Anne tách rời chúng tôi. Cyril đang nằm phủ trên tôi. Chúng tôi gần như khỏa thân dưới ánh sáng đỏ au của mặt trời đang lặn, và tôi có thể hiểu vì sao Anne có thể hiểu lầm những gì trông thấy. Cô gay gắt gọi tôi. Cyril đứng phắt dậy, đương nhiên anh hơi luống cuống. Không rời mắt khỏi Anne, tôi từ từ đứng lên. Cô trực diện với Cyril, và nhìn xuyên qua người anh, nói nhỏ nhẹ: "Tôi không muốn gặp cậu nữa."

 Anh không trả lời, nhưng cúi xuống và hôn vai tôi trước khi bỏ đi. Tôi ngạc nhiên và xúc động, như thể cử chỉ đó là một ước thề. Anne chằm chặp nhìn tôi với cùng ánh mắt nghiêm khắc xa vắng, như thể cô đang suy nghĩ tới một điều gì khác. Cung cách của cô làm tôi tức giận. Nếu cô đang chìm sâu trong suy tư đến thế cô nói với chúng tôi làm gì? Tôi đi lên gần cô, và một cách lễ độ giả vờ xấu hổ. Cuối cùng cô cũng tỏ vẻ chú ý đến tôi và lơ đãng nhặt một cọng lá dương trên cổ tôi và vứt đi. Tôi thấy cô đang khoác một lớp mặt nạ khinh thị xinh đẹp, mà vẻ khinh khỉnh và kiêu kỳ rất hợp với cô, và luôn luôn khiến tôi e ngại.

 "Cháu nên hiểu là thứ tiêu khiển ấy thường đưa ta đến bệnh viện."

 Cô đứng đó nhìn thẳng mặt tôi trong khi nói và tôi thấy nhục nhã vô cùng. Cô là một trong những người đàn bà có thể đứng im khi nói. Tôi luôn luôn cần sự trợ giúp của một cái ghế, hay một vật gì đó để cầm, như một điếu thuốc lá, hay sự chia trí bằng cách nhấc một chân lên chéo qua chân kia và nhìn nó đung đưa.

 "Đừng phóng đại," tôi nói với một nụ cười. "Cháu chỉ hôn Cyril, và việc đó không đưa cháu tới bệnh viện nào cả."

 "Xin đừng gặp cậu ấy nữa," cô nói, như không tin tôi. "Và đừng chống đối. Cháu mới mười bẩy và cô cảm thấy có một trách nhiệm nào đó với cháu. Cô sẽ không để cho cháu hủy hoại cuộc đời của mình. Dù sao đi nữa cháu cũng phải học thi, và sẽ bận rộn suốt các buổi chiều.

 Cô quay lưng và đi về nhà, theo cách thức lãnh đạm của cô. Tôi choáng người. Cô mới cương quyết làm sao. Chẳng ích gì mà cãi cọ hay chối bỏ khi cô sẽ đón nhận chúng với một sự thờ ơ còn tồi tệ hơn là khinh bỉ, như thể tôi chưa từng có mặt, như thể tôi là một vật gì đó đáng bị dày xéo, và không phải tôi, Cécile, là người cô quen biết từ lâu. Hy vọng duy nhất của tôi hiện giờ là cha tôi. Chắc chắn ông sẽ nói như bao lần trước: "Úi giào, kỳ này là đứa nào thế? Cha hy vọng ít nhất nó phải đẹp trai và khỏe mạnh. Nhưng con nhớ tránh xa bầy sói, con gái của cha!" Nếu ông không phản ứng như thế, mùa hè của tôi sẽ hỏng bét.

 Bửa ăn tối là cơn mộng dữ. Anne không hề trong một khoảng khắc thân mật nói với tôi là cô sẽ không mách lẽo với cha tôi nếu tôi hứa sẽ chăm học. Tính khí của cô không có chỗ cho sự mặc cả. Một mặt tôi ưa thích cô với tính cách đó, một mặt tôi vẫn mong cô sẽ có một hành động có thể cho tôi cơ hội để khinh thường cô. Như thông lệ cô dè dặt tránh đi một nước cờ sai, và chỉ sau khi chúng tôi dùng xong món soup cô mới làm như chợt nhớ ra sự kiện.

 "Em ước chi anh có thể cho con bé một lời khuyên, Raymond. Em gặp nó cùng với Cyril trong rừng chiều nay, và hai đứa dường như sa đà một chút."

 Cha tôi, người đàn ông tội nghiệp, cố xử sự như toàn thể câu chuyện là một trò đùa.

 "Em nói gì thế? Tụi nó định làm gì cơ?"

 "Anh ấy đang hôn con," tôi nói. "Và Anne nghĩ rằng ..."

 "Em chẳng nghĩ gì cả, " cô cắt lời tôi. "Nhưng có lẽ sẽ là một ý kiến tốt nếu con bé ngưng gặp cậu ấy một thời gian và thay vào đó, chú tâm vào môn triết."

 "Ô, tội nghiệp con bé!" cha tôi nói. "Dù sao, Cyril là một chàng trai tử tế, phải không?"

 "Và Cécile là một cô gái ngoan," Anne nói. "Đó là lý do em sẽ rất đau lòng nếu có chuyện không hay xảy ra cho con bé, và theo em rõ ràng sẽ không tránh khỏi chuyện ấy nếu con bé tiếp tục phóng túng như thế. Cyril và con bé thường xuyên gặp nhau và chúng rảnh rỗi cả ngày. Anh có thể suy nghĩ khác chăng? Anh không đồng ý với em ư?"

 Khi cô nói tới những chữ sau cùng, tôi ngước mắt lên còn cha tôi nhìn xuống, xấu hổ.

 "Có lẽ em nói đúng," ông đáp. "Dù sao, con cũng cần học một chút gì, Cécile. Chắc chắn con không muốn trượt môn triết và phải thi lại?"

 "Cha nghĩ con cần cái quái gì?" tôi chua chát trả lời.

 Ông liếc tôi rồi quay sang nơi khác. Tôi bối rối. Tôi biết sự bất cần có thể cai quản đời sống của chúng ta, tuy nhiên nó lại không cung cấp một lý lẽ nào giúp ta bênh vực nó.

 "Nghe này cháu," Anne nói, đưa tay qua bàn ăn nắm tay tôi.

 "Cháu có thể từ bỏ vai nữ thần xinh đẹp trong rừng và trở thành một cô học trò gương mẫu trong một tháng thôi? Có khó lắm không?"

 Họ cùng nhìn tôi, mỉm cười trìu mến. Dưới ánh sáng này lời lẽ ấy thật hiển nhiên. Tôi nhẹ nhàng rút tay ra.

 "Vâng, khó lắm ạ," tôi nói rất khẽ đến độ họ không nghe, hay không muốn nghe.

 Sáng hôm sau tình cờ tôi đọc được đoạn văn này của Bergson. Phải mấy phút tôi mới hiểu:

 "Cho dù ban đầu ta có thể nghĩ rằng chẳng có tương quan nào giữa nguyên nhân và hậu quả, và mặc dù một quy tắc hướng đẫn để đưa tới sự khẳng định liên hệ đến nguồn gốc của mọi vật có lẽ còn quá xa vời, luôn luôn khi tiếp xúc với năng lực sản sinh cuộc sống ta có thể chiết suất từ đó một sức mạnh để yêu thương nhân loại."

 Tôi lập lại đoạn văn, ban đầu khe khẻ cho đỡ bực bội, và sau đó to lên. Hai tay ôm đầu, tôi định thần nhìn những con chữ. Rốt cuộc rồi tôi cũng hiểu, nhưng tôi cảm thấy lạnh và bất lực như lần đầu tôi đọc. Rõ ràng tôi không thể tiếp tục. Bằng ý chí mạnh nhất trần đời, tôi buộc mình lướt qua những dòng kế tiếp, nhưng bỗng trong tôi có một cái gì đó bùng lên như giông bão, quật tôi xuống giường. Tôi nghĩ đến Cyril đang mong chờ nơi cái vũng nhỏ yêu dấu, đến chiếc thuyền buồm rập rình trên sóng, đến hươn g vị những nụ hôn của chúng tôi, và tôi nghĩ đến Anne, nhưng theo một cách khiến tôi phải bật dậy tim đập dồn dập, và tự nhủ chẳng qua tôi chỉ là một đứa con gái hư hỏng, biếng nhác, quái đản, ngu si và tôi không có quyền tơ tưởng đến những thứ ấy. Thế mà, dù không muốn, tôi vẫn tiếp tục nghĩ rằng Anne là một hiểm họa cho tôi, và tôi cần loại trừ cô. Tôi nghĩ đến bửa ăn tối mà tôi phải nghiến răng chịu đựng, phải dày vò bởi một niềm oán hận mà chính tôi khinh miệt và chế diễu.

 Vâng, đây là lý do cho tôi chống đối Anne: cô cứ mãi làm tôi không ưa thích tôi. Với bản tính thiên về hạnh phúc và vui nhộn, tôi đã bị cô thúc ép vào việc tự phê bình chỉ trích, và mặc cảm tội lỗi. Không quen với cách chiêm nghiệm nội tâm, tôi hoàn toàn lạc lối. Và cô đã làm được điều gì tốt đẹp cho tôi? Tôi bàng hoàng: cô muốn cha tôi, và cô đã đoạt được. Dần dà cô sẽ biến chúng tôi thành chồng và con riêng của Anne Larsen, nghĩa là, cô sẽ chuyển đổi chúng tôi thành hai con người tự mãn, đức hạnh và văn minh. Bởi chắc chắn cô sẽ tốt cho chúng tôi. Thật dễ dàng sao-- vốn dễ thay đổi và vô trách nhiệm -- chúng tôi sẽ khuất phục dưới ảnh hưởng của cô và sẽ bị khép vào khuôn khổ hấp dẫn của lối sống trật tự mà cô vạch ra. Cô hành động hữu hiệu lắm. Cha tôi đã xa rời tôi. Tôi đau lòng bởi gương mặt ông nơi bàn ăn, hổ thẹn, quay sang hướng khác để tránh tôi. Mắt tôi nhòa lệ nhớ lại những câu khôi hài mà chúng tôi đã chia sẻ, những tràng cười dòn tan khi chúng tôi lái trên đường phố Paris vắng tênh các buổi sáng tinh mơ. Tất cả đều đã hết. Về phần mình, tôi sẽ bị ảnh hưởng, bị chỉnh đốn, bị đổi kiểu bởi Anne. Tôi sẽ không phiền, bởi cô sẽ đối xử với tôi một cách khéo léo, hóm hỉnh và ngọt ngào. Tôi sẽ không thể kháng cự. Trong sáu tháng, tôi sẽ chẳng còn ý muốn ấy nữa là.

 Bằng mọi giá tôi phải tự cứu, đoạt lại cha tôi và cuộc đời cũ của chúng tôi. Hai năm sống với ông giờ đây dường như tuyệt vời vô hạn, quãng đời vui tươi mà chỉ vừa hôm kia tôi đã sẳn sàng từ bỏ... sự tự do trong suy nghĩ cho riêng tôi, dù nghĩ sai hay không nghĩ gì cả, tự do chọn lựa cuộc đời của riêng tôi, chọn lựa là chính tôi. Tôi không thể nói tôi muốn được là "chính tôi," bởi tôi hiểu tôi vẫn còn là đất sét non mềm. Nhưng tôi không muốn bị nhào nắn vào khuôn.

 Tôi hiểu có vài người sẽ nghĩ tới những động cơ rối rắm cho sự nổi loạn của tôi. Vài người sẽ gán cho tôi những phức cảm: như là một tình yêu loạn luân với cha tôi, hay một đam mê bệnh hoạn với Anne. Nhưng tôi biết lý do thực là cái nóng, Bergson và Cyril, nói đúng hơn là sự thiếu vắng Cyril. Tôi suy nghĩ không ngừng suốt buổi chiều. Tôi đang ở một tâm trạng khó chịu nhất, mang đến bởi khám phá rằng chúng tôi hoàn toàn ở trong vòng sự điều khiển của Anne. Tôi không quen với sự chiêm nghiệm nội tâm, và điều đó làm tôi cáu kỉnh. Trong buổi ăn tối, cũng như khi sáng, tôi chẳng mở miệng. Cuối cùng cha tôi cũng gắng trêu chọc tôi một tí.

 "Điều mà cha thích về tuổi trẻ là tính cách ngẫu hứng linh hoạt, cuộc đối thoại vui vẻ của họ."

Tôi rung lên vì giận dữ. Đúng là ông yêu mến tuổi trẻ; và tôi sẽ nói chuyện với ai nếu không phải với ông? Chúng tôi đã thảo luận về đủ mọi thứ: tình yêu, cái chết và âm nhạc. Giờ đây chính ông là người đã làm tôi im bặt, đã ruồng rẩy tôi. Nhìn ông tôi nghĩ: "Cha không yêu con nữa, cha đã phản bội con!" Tôi cố làm cho ông hiểu mà không cần nói ra tôi tuyệt vọng đến dường nào. Tôi hoàn toàn buông trôi trong cơn cuồng loạn. Rồi thình lình dường như ông nhận ra điều ấy; có lẽ ông hiểu rằng cái thời đùa cợt nay đã qua, và mối liên hệ giữa chúng tôi đang rạn vỡ. Tôi thấy ông cứng người lại, và sắp sửa nói với tôi. Anne quay lại tôi: "Trông cháu không khỏe lắm. Cô xin lỗi đã bắt cháu học."

Tôi không trả lời. Tôi cảm thấy ghê tởm vì đang ở một tình trạng mà tôi không thể kiểm soát được nữa. Chúng tôi đã dùng xong bửa tối. Nơi sân thượng, trong vuông ánh sáng hắt ra từ cửa sổ, tôi nhìn thấy bàn tay thon dài của Anne khắc khoải tìm đến bàn tay cha tôi. Tôi nghĩ đến Cyril. Tôi muốn anh ôm tôi vào lòng trên cái sân thượng ấy, tràn ngập ánh trăng và tiếng dế rả rích. Tôi muốn được vuốt ve, an ủi, làm lành với chính tôi. Cha tôi và Anne im lặng. Họ có một đêm yêu đương chờ đợi họ, tôi có Bergson. Tôi cố khóc, cố thương xót cho bản thân, nhưng không thể. Tôi lại cảm thấy thương xót Anne, như thể biết chắc mình sẽ chế ngự được cô.

 

 PHẦN HAI

 MỘT

 Tôi nhớ những việc xảy ra sau đó rõ ràng làm sao! Ý thức của tôi về mọi người cũng như về chính tôi bén nhạy hơn. Bản tính vốn vô tư, hời hợt, tôi đã sống như thế tự bao giờ. Nhưng vài ngày gần đây đã gây ra bực bội, đã khiến tôi phải suy tư, nghiền ngẫm nội tâm. Tôi khổ sở với những cơn truy vấn, và tôi vẫn chưa thể hòa giải với chính mình. "Những cảm tưởng này," tôi nghĩ, "những cảm tưởng về Anne là ti tiện và ngu si; cái ước muốn chia rẽ Anne với cha tôi là độc ác," nhưng nói cho cùng, sao tôi lại hà khắc với mình đến thế? Chẳng phải tôi được tự do phê phán những gì đã xảy ra? Lần đầu trong đời cái "tôi" của tôi dường như bị chẻ đôi, và tôi khám phá trong ấy những sức mạnh đối nghịch khiến tôi chới với. Tôi tìm tòi những lý lẽ tốt đẹp để biện minh, tôi lẩm nhẩm trong đầu, cố gắng thành thật và rồi đột nhiên cái "tôi" kia nhổm dậy đối đáp những lý lẽ ấy, nói rằng tôi chỉ dùng chúng để tự dối lòng mà thôi, dù chúng đều có vẻ chân thật. Nhưng thật tình, chẳng phải cái "tôi" kia mới chính là kẻ sai lầm hay sao? Chẳng phải cái tâm trí sáng suốt của tôi chính là lỗi lầm tai hại nhất đời tôi? Trên phòng riêng tôi biện luận với mình hàng giờ trong cố gắng tìm hiểu xem nỗi sợ hãi và thù nghịch mà Anne đã khơi gợi trong tôi là chính đáng, hay chỉ đơn giản tôi là một con bé ngu muội, ích kỷ, hư hỏng vì được nuông chìu đang giả vờ làm người lớn.

 Trong khi ấy mỗi ngày tôi càng gầy rọc đi. Trên bãi biển tôi chẳng làm gì khác hơn là ngủ, và trong giờ ăn tôi vẫn giữ sự im lặng căng thẳng khiến cho mọi người cuối cùng đều khó chịu.

 Và tôi luôn luôn theo dõi Anne. Trong các buổi ăn tối tôi sẽ nhủ lòng, "Mọi thứ cô ấy làm đều chứng tỏ cô ấy yêu cha mình tha thiết dường nào. Cỏn ai có thể yêu nhiều hơn nữa? Làm sao tôi có thể giận cô ấy khi cô ấy mỉm cười với tôi bằng ánh mắt lo âu như thế?" Nhưng rồi cô sẽ nói, "Khi chúng ta trở lại Paris, Raymond ..." Và ý tưởng cô ấy sẽ chia sẻ và can thiệp vào cuộc sống của chúng tôi khiến tôi lại bừng giận. Một lần nữa, cô có vẻ tính toán và lạnh lùng. Tôi nghĩ: "Cô ấy lạnh tanh, chúng tôi nồng nhiệt. Cô ấy độc đoán, chúng tôi dễ dãi. Cô ấy cách biệt; cô ấy chẳng mảy may để ý tới những người mà chúng tôi yêu mến. Cô ấy trầm lặng; chúng tôi vui nhộn. Chúng tôi đây, hai người, và cô ấy sẽ chen tọt vào. Cô ấy sẽ sưởi bằng ngọn lửa nhiệt tình của chúng tôi và sẽ ấm dần lên. Cô ấy sẽ quấn chúng tôi trong những khoanh tròn, như một con rắn đẹp," tôi lập lại, "chính là con rắn đẹp." Và khi Anne chuyền bánh mì qua tôi, thình lình tôi tỉnh táo. "Mình điên rồi," tôi nghĩ. "Đấy là Anne, người bạn luôn luôn tử tế với mình, một người khôn ngoan. Nét xa vắng của cô chỉ là một thói quen, không có gì tính toán trong đó. Sự dè dặt của cô chỉ để che chắn cô khỏi những nhơ nhớp của cuộc đời. Đó là một dấu hiệu của sự cao cả. Một con rắn đẹp ..." Tôi thấy mình tái xanh vì hổ thẹn. Tôi nhìn cô, thầm xin tha thứ. Một đôi khi cô để ý tới nét mặt của tôi và sự ngạc nhiên và quan tâm như một vầng mây phủ bóng đen trên mặt cô và làm cô cắt đứt nửa chừng câu nói. Rồi theo bản năng cô quay mắt sang cha tôi; nhưng cái nhìn của ông chẳng biểu lộ điều gì khác hơn lòng ngưỡng mộ hay thèm muốn. Ông không hiểu lý do của sự im lặng bất chợt của cô. Từng chút từng chút một, tôi làm không khí khó thở hơn, và tôi ghê tởm mình bởi thế.

 Cha tôi khổ sở đến mức độ mà bản tính của ông cho phép, nghĩa là, chẳng khổ sở tí gì, bởi ông đang điên mê Anne, ông vô cùng hãnh diện và hạnh phúc, và với ông không có điều gì khác tồn tại. Tuy nhiên, một ngày kia khi tôi đang thiu thiu ngủ trên bãi biển sau lượt bơi buổi sáng, ông ngồi xuống cạnh tôi và chăm chú nhìn tôi. Cảm nhận ánh mắt của ông trên tôi, và với nét vui vẻ giả tạo mà tôi đã nhanh chóng tạo thành thói quen, tôi sắp rủ rê ông bơi với tôi khi ông đặt tay lên trán tôi và gọi Anne bằng một giọng buồn rầu:

 "Đến đây mà nhìn con vật bé bỏng này. Nó gầy như que củi. Nếu đây là kết quả của việc học, nó phải ngưng học ngay!"

 Ông nghĩ rằng như thế mọi việc đều ổn thõa, và không ngờ chi nữa có lẽ đã là vậy nếu ông nói như thế mười ngày trước. Nhưng hiện nay tôi đã ngụp sâu trong sự phức tạp và giờ giấc dành cho việc học buổi chiều không làm bận lòng tôi nữa, nhất là từ Bergson đến nay tôi chẳng mở thêm một trang nào.

 Anne lại gần. Tôi vẫn nằm úp mặt trên cát, lắng nghe bước chân âm thầm của cô. Cô ngồi xuống phía bên kia.

 "Có lẽ không phù hợp với con bé," cô nói. "Nhưng nếu con bé thực sự học một cái gì đó thay vì cứ bước tới bước lui mãi trong phòng ..."

 Tôi phải xoay mình lại và nhìn họ. Làm sao cô biết tôi không học hành chi cả? Có lẽ cô đọc được ý nghĩ của tôi? Tôi nghĩ là cô có khả năng ấy. Điều đó làm tôi kinh hoàng. Tôi phản đối.

 "Cháu đâu có đi tới đi lui trong phòng!"

 "Con có nhớ cậu ấy lắm không?" cha tôi hỏi.

 "Không!"

 Điều này không hẳn đúng, nhưng chắc chắn tôi đã không có thì giờ nghĩ tới Cyril.

 "Nhưng dù thế nào, con cũng không khỏe," cha tôi quả quyết. "Anne, hãy nhìn cho kỹ. Trông nó như như một con gà bị vặt trụi lông và nướng trong nắng."

 "Cécile, cháu yêu," Anne nói. "Hãy bình tỉnh lại. Học một chút và ăn thật nhiều. Kỳ thi quả thực quan trọng ..."

 "Cháu cóc cần kỳ thi ấy ..." Tôi gào lên. "Cô không thể hiểu sao? Cháu chẳng cần gì!"

 Tôi nhìn thẳng vào mặt cô, một cách tuyệt vọng, mong cô có thể nhận ra rằng có một thứ khác đang trong cơn nguy biến. Tôi nóng lòng chờ cô hỏi, "Ơ, có chuyện gì vậy cháu?" và cật vấn tôi, và tôi phải nói ra tất cả. Rồi tôi sẽ bị chinh phục và cô có thể làm bất kỳ điều gì với tôi, và tôi sẽ không còn bị dằn vặt đau khổ. Cô đăm đăm nhìn tôi. Tôi có thể thấy màu xanh thẩm của đôi mắt cô tối sầm lại vì sự tập trung và trách móc. Rồi tôi hiểu sẽ không bao giờ cô nghĩ đến chuyện tra vấn tôi và do vậy giải phóng tôi, bởi vì ngay cả khi một ý nghĩ như thế xuất hiện trong đầu cô, những nguyên tắc đạo đức của cô cũng sẽ ngăn cấm cô làm như vậy. Và tôi, cũng thấy rằng, cô không có một ý niệm nào về sự xáo động trong tôi. Hay là dù có biết, tôi nghĩ, cô cũng sẽ rút lui trong khinh miệt và không chấp nhận, chính xác những thứ mà tôi đáng hưởng! Anne luôn đánh giá mọi việc một cách chuẩn xác; đó là lý do tôi không bao giờ có thể đồng cảm với cô.

 Tôi buông mình xuống và để má áp vào làn cát êm ấm. Tôi thở dài rất sâu và khởi sự run rẩy. Tôi có thể cảm nhận bàn tay của Anne, tĩnh lặng và vững chải, trên gáy tôi, giữ tôi yên trong một lúc, đủ lâu để ngừng cơn kích động của tôi. "Đừng phức tạp hóa cuộc đời của mình," cô nói. "Cháu đã quá tự mãn và sống động, quá vô tư. Và giờ đây, cháu lại buồn và chiêm nghiệm nội tâm. Không thích hợp với cháu!"

 "Cháu biết," tôi trả lời. "Cháu chỉ là một đứa trẻ hời hợt, khỏe mạnh, vui nhộn và khờ khạo!

"Đi ăn trưa nhé cháu," cô nói.

 Cha tôi đã rời xa chúng tôi; ông ghét những cuộc thảo luận kiểu ấy. Trên đường về, ông cầm tay tôi. Bàn tay của ông cứng chắc và dễ chịu; nó đã lau khô những dòng lệ của tôi lần thứ nhất tôi thất vọng vì tình, nó đã ấp ủ bàn tay tôi trong những phút giây an bình và hạnh phúc toàn hảo; nó đã lén lút xiết tay tôi những khi chúng tôi cư xử nghịch ngợm, hay phá cười huyên náo. Tôi nghĩ đến bàn tay của cha tôi trên tay lái, hay lúc cầm chìa khóa ban đêm và kiếm tìm vô vọng ổ khóa; bàn tay của ông trên bờ vai một người đàn bà, hay khi kẹp một điếu thuốc lá --- bàn tay không còn có thể làm gì cho tôi nữa. Tôi xiết chặt nó. Quay sang tôi, ông mỉm cười.

 

HAI

Hai ngày trôi qua. Tôi quanh quẩn mệt nhoài với ám ảnh là Anne sẽ phá hỏng cuộc đời chúng tôi. Tôi không tìm cách gặp Cyril. Anh có thể an ủi và làm tôi vui thú hơn, nhưng đó không phải là điều tôi muốn. Tôi lại có một cảm giác hài lòng nào đó trong việc đặt ra những câu hỏi không lời giải, nhắc nhở những ngày tháng cũ, và lo sợ những ngày sẽ đến. Trời thật nóng. Tôi khép các cửa chớp để phòng tối lờ mờ, nhưng dù vậy không khí vẫn nặng và ẩm. Tôi nằm đờ nhìn lên trần, chỉ lăn trở qua chỗ mát hơn trên tấm trải giường. Tôi không ngủ được. Tôi thường xuyên mở máy hát ở cuối giường. Tôi chọn những dĩa hát nhịp chậm rả rời, không làn điệu du dương. Tôi đốt thuốc lá liên miên và cảm thấy mình đồi bại, điều này càng khiến cho tôi khoái trá. Nhưng tôi không bị lừa dối bởi trò chơi giả vờ này: tôi vẫn buồn và hoang mang.

 Một buổi chiều chị người làm gõ cửa phòng và nói một cách bí mật: "Có ai đó dưới nhà." Tôi nghĩ ngay đến Cyril và xuống lầu. Không phải Cyril, mà là Elsa. Chị chào tôi nồng nhiệt. Nhìn chị, tôi ngạc nhiên trước nhan sắc mới của chị. Cuối cùng chị cũng có một làn da nâu mịn màng, và chị trang điểm tỉ mỉ và rạng ngời tươi trẻ.

 "Chị đến lấy va-li," chị giải thích. "Juan có mua mấy cái áo đầm cho chị, nhưng không đủ, và chị cần những vật dụng của chị."

 Trong một thoáng tôi tự hỏi Juan là ai, nhưng tôi không tra vấn. Tôi hài lòng vì Elsa trở lại. Chị đem đến vầng hào quang của một cô gái bao, của các quầy rượu, của những đêm vui, nhắc tôi những ngày hạnh phúc. Tôi nói với chị là tôi vui lắm được gặp lại chị, và chị quả quyết rằng chúng tôi luôn luôn tương đắc vì chúng tôi có cùng sở thích. Tôi cố nén một cái rùng mình nhẹ và đề nghị lên phòng để tránh gặp Anne và cha tôi. Khi tôi nhắc đến cha tôi, đầu Elsa giật khẽ và tôi tự hỏi chị còn yêu cha tôi nữa không, mặc dù Juan và các chiếc áo. Tôi cũng nghĩ rằng ba tuần trước tôi đã không thể nhận ra cái nguẩy đầu ấy của chị.

 Trên phòng, tôi lắng nghe chị sôi nổi mô tả cuộc sống xa hoa, phù phiếm của chị ở những địa chỉ sang trọng vùng Riviera. Các ý nghĩ rối bời hình thành trong óc tôi, một phần bởi bề ngoài tươi tốt hơn của chị. Cuối cùng chị ngừng nói, có lẽ vì tôi nín thinh. Chị đi mấy bước, và không quay đầu lại, bất thần hỏi, "Raymond có hạnh phúc không?" Trong phút chốc tôi lập tức hiểu rằng tôi cần nói với chị.

 "Nói 'Hạnh phúc' là hơi quá lố. Anne chẳng cho cha em một cơ hội nào để nghĩ rằng ông không hạnh phúc. Cô ấy khôn khéo lắm."

 "Rất mực!" Elsa thở dài.

 "Chị không biết cô ấy đã thuyết phục cha em làm gì đâu! Cô ấy sắp kết hôn với cha em..."

 Elsa quay gương mặt kinh hoàng sang tôi.

 "Kết hôn với ông ấy? Raymond thật tình muốn cưới vợ?"

 "Vâng," tôi trả lời. "Raymond sắp sửa lập gia đình."

 Một ham muốn đột ngột được cười to vướng nơi cổ họng tôi. Tay tôi run bây bẩy. Elsa khụy xuống, làm như vừa bị tôi đánh trúng. Tôi không thể để chị ấy gậm nhấm cái ý tưởng rằng cha tôi đã tới lứa tuổi thích hợp cho hôn nhân, rằng ông không thể sống những ngày còn lại với các ả giang hồ. Tôi nghiêng mình tới trước và hạ giọng để tạo một ấn tượng sâu sắc hơn.

 "Không thể để cho việc ấy xảy ra, Elsa. Cha em khổ sở lắm. Đó là một tình trạng không chấp nhận được, chị thừa sức hiểu."'

 "Vâng," chị nói. Dường như chị bị mê hoặc bởi lời nói của tôi.

 "Chị chính là người em mong đợi," tôi tiếp tục. "Bởi chị là người duy nhất có thể sánh với Anne. Chỉ có chị mới đạt tiêu chuẩn của Anne."

 Dường như chị cắn mồi. "Nhưng nếu ông ấy cưới vợ, hẳn ông ấy đã yêu!" chị cãi.

 "Nhìn đây, Elsa, chính chị mới là người mà cha em yêu! Đừng nói với em là chị không biết điều đó."

 Chị chớp mắt, và quay đi dấu niềm khoái trá và hy vọng mà lời nói của tôi đưa đến. Tôi như bị thôi miên, nhưng tôi biết tôi phải nói gì với chị.

 "Chị không thấy sao? Anne lải nhải mãi về hạnh phúc lứa đôi, và những chuyện khác, và cuối cùng cô ấy tóm được cha em."

 Tôi ngạc nhiên với câu nói của mình. Bởi lẽ, dù diễn đạt khá thô thiển nhưng chúng đúng là điều tôi nghĩ.

 "Nếu họ cưới nhau, cuộc đời của cả ba người chúng ta sẽ hỏng bét, Elsa! Cha em phải được bảo vệ. Ông ấy chỉ là một đứa bé to xác mà thôi."

 Tôi lập lại "đứa bé to xác" và nhấn mạnh. Tôi ý thức rằng có lẽ tôi đã quá cường điệu nhưng tôi trông thấy đôi mắt ngọc bích xinh đẹp của Elsa đầy thương cảm và tôi trở nên, như trong kinh cầu: "Giúp em với, Elsa! Cho em sự trợ giúp của chị! Vì lợi ích của chị! Vì lợi ích của cha em! Và tình yêu mà hai người đã cho nhau!"

 Tôi nói tiếp sotto voce: "và lợi ích của John Tàu Phù!"

 "Nhưng chị có thể làm được gì?" Elsa van lơn. "Dường như không một cách gì."

 "Nếu chị nghĩ rằng không có cách gì, chị hãy quên đi," tôi buồn bã nói.

 "Con mụ chó đẻ!" Elsa thì thào.

 "Chị nói chính xác," tôi đáp, quay mặt đi dấu sự hài lòng.

 Elsa tươi hẳn ra. Chị trút cạn tâm tình. Chị đã bị phụ phàng, chị nói, nhưng bây giờ chị sẽ chứng tỏ cho con mụ gian tà ấy biết là chị, Elsa Mackenbourg, có thể làm được gì. Và dĩ nhiên cha tôi yêu chị; chi luôn luôn biết là cha tôi yêu chị. Ngay cả khi ở bên Juan, chị cũng không thể gạt Raymond khỏi tâm trí chị. Chị chưa bao giờ nhắc đến hai chữ hôn nhân với Raymond, và chị luôn luôn làm ông hạnh phúc. Và chị chưa thử một lần... Đến lúc ấy tôi không thể chịu đựng chị hơn nữa. "Elsa," tôi nói, "gặp Cyril và nhờ anh ấy làm ơn dùm em, nếu có thể, cho chị đến ở cùng với mẹ của anh. Nói rằng chị cần nơi trú ngụ. Em chắc anh ấy sẽ xin được. Nói với anh ấy em sẽ gặp anh ấy sáng mai, và ba đứa chúng ta sẽ bàn bạc tình hình."

 Ở ngưỡng cửa, dụng ý khôi hài, tôi thêm vào: "Chị đang chiến đấu cho tương lai của chị, Elsa!"

 Chị nghiêm nghị đồng ý, như thể không có mươi lăm, hai mươi tương lai dưới hình thức những người tình sẳn sàng bảo bọc chị. Tôi ngắm chị yểu điệu bước đi trong nắng. Tôi nghĩ, trong một tuần thôi, cha tôi sẽ muốn có lại chị.

 Đã ba giờ rưởi. Lúc ấy cha tôi hẳn đang gối đầu trên cánh tay Anne, và cô ấy, đẹp mặn mà, uể oải trong sức nóng của lạc thú và hạnh phúc, hẳn cũng thiêm thiếp giấc nồng. Tôi bắt đầu vẽ ra hết kế hoạch này đến kế hoạch khác, không dừng lại suy ngẫm. Trong phòng, tôi bước loanh quanh giữa cửa phòng và cửa sổ, thỉnh thoảng lại nhìn ra mặt biển hiền hòa trải theo bờ cát. Tôi tính toán những cơ may, những nguy hiểm và dần dà tôi vượt qua mọi chướng ngại. Tôi cảm thấy mình tinh ranh hiểm ác, và đợt sóng ghê tởm bản thân vỗ đập hồn tôi từ khi khởi sự trò chuyện với Elsa giờ đã nhường cho cảm giác tự đắc với khả năng của mình.

 Khỏi cần nói nó đã tan tành khi chúng tôi xuống bãi bơi với nhau. Vừa nhìn thấy Anne tôi đã tràn trề hối hận và tôi cố gắng hết mực để chuộc tội lỗi của mình. Tôi xách giỏ cho cô, tôi chạy ào đến với khăn mỏng quấn người của cô khi cô bước lên bờ. Tôi chăm chú nhìn cô và nói những lời ngọt ngào nhất. Đương nhiên sự thay đổi đột ngột của tôi sau những ngày im lặng vừa qua đã khiến cô ngạc nhiên. Cha tôi sung sướng lắm. Anne mỉm cười với tôi và vui vẻ hẳn lên. Tôi nghĩ đến những từ ngữ đã dùng để nói về cô với Elsa. Làm sao tôi có thể nói như thế được, và làm sao tôi có thể chịu đựng cái ngớ ngẩn vô lý của Elsa? Ngày mai tôi sẽ khuyên chị ra đi, nói rằng tôi đã sai lầm. Mọi chuyện sẽ trở lại như xưa, và, nói cho cùng, tại sao tôi không nên gắng học để thi đỗ? Một mảnh bằng đại học chắc hẳn sẽ có lợi về sau.

 "Phải không ạ?" tôi hỏi Anne. "Có phải một tấm bằng đại học sẽ hữu dụng?"

 Cô nhìn tôi và phá lên cười. Tôi cười theo, sung sướng vì cô vui tươi đến thế. "Cháu thật là hết ý!" cô nói.

 Hẳn là tôi hết ý, và cô sẽ nghĩ tôi càng hết ý hơn nếu cô biết mưu mô của tôi. Tôi tha thiết muốn kể cho cô tất cả, để cô thấy tôi tuyệt vời dường nào. Tôi muốn nói với cô: "Cô có tưởng tượng là cháu sẽ làm cho Elsa giả đò yêu Cyril không? Chị ấy sẽ ở nhà của anh và chúng ta sẽ thấy họ cùng dong thuyền buồm, dạo trong rừng hay trên đường phố. Elsa sẽ rất đáng yêu. Dĩ nhiên chị ấy không đẹp như cô. Chị ấy có thứ nhan sắc khêu gợi khiến cho đàn ông phải quay đầu lại. Cha em sẽ không thể chịu được. Ông không bao giờ có thể để một người đẹp đã từng sống với ông sớm có tình nhân mới, và, phải nói, ngay trước mắt ông, hơn nữa lại là một thanh niên trẻ trung hơn. Cô hiểu mà, Anne, ông ấy sẽ muốn giành lại chị ấy mặc dù vẫn yêu cô, để nâng cao nhuệ khí của ông ấy. Ông ấy rất phù phiếm, hoặc thiếu tự tin, ta muốn hiểu cách nào cũng đúng. Elsa, dưới sự điều khiển của cháu, sẽ làm tất cả những gì cần thiết. Ngày ông phản bội cô chắc chắn rồi sẽ đến. Và cô không chịu được, phải không? Cô không phải là một trong số những người đàn bà có thể san sẻ tình yêu. Do đó cô sẽ ra đi. Và đó chính là điều cháu muốn. Thật ngốc nghếch, cháu biết, cháu tức giận cô vì Bergson, vì cái nóng. Cháu còn tưởng tượng ... Cháu chẳng dám nói cho cô biết đâu, nó kỳ cục và siêu thực quá. Vì vấn đề thi cử mà cháu có thể cắt đứt quan hệ với cô -- cô, bạn thân của mẹ cháu, của chúng cháu ... Và sẽ hữu dụng, phải không ạ, có một văn bằng đại học?" Rồi: "Phải không ạ?" tôi nói lớn.

 "Phải không cái gì?" Anne hỏi. "Bằng đại học hữu dụng phải không?"

 "Vâng," tôi đáp.

 Nói cho cùng, tốt nhất đừng nói gì với cô; có lẽ cô không hiểu được. Có những điều Anne hoàn toàn không hiểu. Tôi chạy xuống biển phía sau cha tôi và vật lộn với ông. Một lần nữa tôi có thể nô đùa trong sóng nước, bởi lòng tôi thanh thản. Ngày mai tôi sẽ đổi phòng; tôi sẽ dọn lên gác mái với mớ sách giáo khoa. Nhưng sẽ không có Bergson trong đó; không cần phải thái quá! Hai giờ mỗi ngày tôi sẽ tập trung học trong cô liêu. Tôi tưởng tượng tháng Mười tôi sẽ thi đỗ vẻ vang, và nghĩ đến tiếng cười ngạc nhiên của cha tôi, sự chấp thuận của Anne, và văn bằng của tôi. Tôi sẽ thông thái, lịch lãm, xa vắng một tí như Anne. Không chừng tôi là một trí thức bẩm sinh? Chẳng phải tôi có khả năng vạch một kế hoạch vững chắc, hợp lý, có lẽ ghê tởm, nhưng hợp lý? Còn Elsa thì sao? Tôi biết cách kêu gọi bản tính nhẹ dạ và ủy mị của chị ấy, và chỉ trong vòng vài phút đã thuyết phục được chị, khi mà mục tiêu duy nhất của chị lúc trở lại là để thu thập hành lý. Tôi cảm thấy kiêu hãnh: tôi đã tóm gọn chị, tìm ra nhược điểm, và cẩn thận sử dụng ngôn từ. Lần đầu trong đời, tôi biết đến lạc thú sâu đậm của sự phân tích tâm hồn người khác, và điều khiển họ theo ý mình. Đó là một kinh nghiệm mới; trong quá khứ tôi thường quá bồng bột, và nếu tôi có tiến gần đến chỗ hiểu được một ai, chỉ là may mắn mà thôi. Giờ đây bỗng nhiên tôi có được một ý niệm loáng thoáng về cơ chế tuyệt vời của phản xạ của con người, và quyền lực nằm trong từ ngữ. Tôi rất tiếc tôi đã đến bằng lời gian dối. Sẽ có một ngày tôi điên mê một người, và sẽ phải mỏi mệt, dịu dàng tìm kiếm con đường dẫn tới trái tim của người ấy.

 

BA

 Sáng hôm sau trên đường đến biệt thự của Cyril, tôi cảm thấy kém tin tưởng rất nhiều vào quyền lực trí tuệ của mình. Để mừng sự quy thuận, tối hôm trước tôi đã uống khá nhiều và vui hơn mức cần thiết. Tôi nói với cha tôi rằng tôi sẽ chăm học để đoạt lấy mảnh bằng, và sẽ giao du với giới trí thức mà thôi; tôi muốn nổi tiếng và tẻ nhạt. Tôi nói với cha tôi rằng ông cần áp dụng những mánh khóe gây tai tiếng từng có để làm bệ phóng cho nghề nghiệp của tôi. Chúng tôi cười đùa ầm ĩ, ba hoa những câu nhăng nhít nhất. Anne cũng cười, dễ dãi, nhưng không to như chúng tôi. Khi tôi quá đà, cô nín bặt. Nhưng sự đùa nghịch của chúng tôi đã làm cha tôi hạnh phúc đến độ cô không tìm cách chấm dứt nó. Rồi họ cũng đi ngủ, sau khi sửa lại chăn mền ủ ấm cho tôi. Tôi cảm ơn họ chân thành, và nói rằng tôi sẽ không làm được gì nếu thiếu họ. Cha tôi không trả lời, nhưng Anne có vẻ như sắp nói ra một ý kiến quyết liệt. Vừa lúc cô nghiêng qua, tôi đã thiếp đi. Đến giữa khuya tôi thấy khó chịu trong người, và sáng hôm sau là lần thức giấc tồi tệ nhất trong đời mà tôi còn nhớ. Vẫn ngầy ngật mệt mỏi, tôi lê bước vào rừng, không buồn nhìn biển hay bầy hải âu xao xác.

 Cyril đứng ở cổng vườn. Anh chạy đến, đưa tay ôm tôi, và giữ chặt, nói không đầu không đuôi.

 Anh lo quá! Ô, em yêu! Đã lâu lắm rồi! Anh không biết em đang làm gì, có bị người đàn bà ấy đày đọa không. Anh chưa bao giờ khổ sở như thế này. Có nhiều lần anh lảng vảng trong cái vịnh nhỏ trước nhà em suốt buổi chiều, hy vọng ... Anh không biết anh yêu em nhiều đến thế!"

 "Em cũng không biết," tôi đáp.

 Thực tình mà nói, tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm động, nhưng tôi không thể bày tỏ cảm xúc của mình vì tôi vẫn còn khó chịu bởi dư chứng của cơn say.

 "Em xanh mướt à!" anh nói. "Từ nay trở đi anh sẽ chăm sóc em. Anh sẽ không để cho em bị đối xử tồi tệ."

 Tôi biết đó là sự thêm thắt của Elsa và tôi hỏi Cyril rằng mẹ của anh nghĩ gì về Elsa.

 "Anh giới thiệu chị ấy là bạn của em, mồ côi. Thật ra chị ấy khá dễ mến; chị ấy kể cho anh nghe hết về người đán bà đó. Thật lạ lùng sao với gương mặt thanh tú, quý phái như thế mà bà ta lại có thể là một người phóng đãng."

 "Elsa có lắm cảm xúc bi hài," tôi yếu ớt nói. "Nhưng em sắp nói với chị ấy ..."

 "Anh, cũng vậy, có chuyện muốn nói với em," Cyril ngắt lời. "Cécile, anh muốn cưới em."

 Tôi hoảng hồn mất một lúc. Tôi bắt buộc phải làm hay nói một điều gì đó. Phải chi tôi không đang ngất ngư vì bệnh!

 "Anh yêu em," Cyril nói, vào tóc tôi. "Anh sẽ bỏ học luật. Bác của anh có hỏi anh muốn làm việc cho ông ấy không. Anh hai mươi sáu tuổi. Anh không còn là một cậu bé nữa. Anh nghĩ về chuyện này một cách nghiêm túc. Em thấy sao?"

 Tôi tuyệt vọng tìm một câu rỗng tuếch, không hẹn ước. Tôi không muốn kết hôn với anh. Tôi yêu anh, vâng, nhưng tôi không muốn làm vợ anh. Tôi không muốn làm vợ ai; tôi mệt lắm.

 "Có lẽ được .. ," tôi ấp úng. "Cha em ..."

 "Anh sẽ đối phó với cha em," Cyril nói.

 "Anne sẽ không chấp thuận," tôi nói. "Cô ấy không cho rằng em đã lớn. Nếu cô ấy nói không, cha em sẽ nói không. Em đang kiệt lực, Cyril. Những xúc động này làm em mệt lã. Elsa kia rồi!"

Elsa mặc chiếc áo ngủ dài mỏng thướt tha; trông chị tươi tắn, rạng rở. Còn tôi thì bạc nhược, gầy gò. Cyril và Elsa đều khỏe mạnh và hăng hái khiến tôi càng thêm nảo ruột. Chị rối rít cả lên, làm như tôi mới trốn khỏi trại tù. Tôi ngồi xuống.

 "Raymond khỏe không em?" chị hỏi. "Ông ấy có biết chị ở đây không?"

 Chị có nụ cười hạnh phúc của một người đã tha thứ và đầy hy vọng. Làm sao tôi nói với chị rằng cha tôi đã quên sự có mặt của chị? Làm sao tôi giải thích với Cyril rằng tôi không muốn kết hôn với anh? Tôi nhắm nghiền mắt. Cyril đi lấy cà phê. Elsa thao thao nói. Rõ ràng chị nghĩ tôi là một người khôn ngoan mà chị có thể hoàn toàn trông cậy. Cà phê đậm và thơm. Mặt trời sáng và ấm. Tôi cảm thấy khỏe hơn một ít.

 "Chị suy nghĩ mãi, nhưng vẫn không tìm ra lối thoát," Elsa nói.

 "Không có lối nào," Cyril nói. "Cha em đang si mê, ta không làm được gì đâu."

 "Ô, được chứ!" tôi nói. "Hai người chẳng có óc tưởng tượng gì cả."

 Tôi khoan khoái vì họ bám vào từng chữ của tôi. Họ lớn hơn tôi mười tuổi, vậy mà họ chẳng nghĩ ra một ý tưởng nào! Tôi lên giọng kẻ cả: "Đó là một vấn đề tâm lý học."

 Tôi tiếp tục giải thích kế hoạch của tôi. Họ đưa ra những lập luận chống đối như tôi đã làm hôm qua và tôi cảm thấy đặc biệt vui sướng trong việc phản bác. Tôi thấy phấn khởi trở lại khi cố gắng thuyết phục họ rằng kế hoạch của tôi là khả thi. Nhưng khi phải chứng minh vì sao không nên thi hành kế hoạch đó, lý lẽ của tôi lung lay.

 "Anh không thích mưu kế rắc rối kiểu ấy," Cyril do dự. "Nhưng nếu đó là cách duy nhất giúp em kết hôn với anh, anh sẽ làm."

 "Chuyện ấy không hoàn toàn tùy thuộc Anne," tôi nói.

 "Nhưng em dư biết là nếu cô ta ở lại, em sẽ phải kết hôn với người mà cô ta chọn," Elsa nói.

 Có lẽ đúng. Tôi có thể hình dung ra cảnh Anne giới thiệu tôi trong tiệc sinh nhật hai mươi tuổi với một thanh niên cũng có bằng đại học như tôi, để bảo đảm một tương lai tươi sáng, vững bền và chung thủy. Chính ra, một người tương tự Cyril! Tôi phì cười.

 "Làm ơn đừng cười," Cyril nói. "Nói với anh rằng em sẽ ghen tương khi anh giả vờ yêu Elsa. Làm sao em có thể chịu đưng ý tưởng ấy dù chỉ trong giây lát? Em có yêu anh không?"

 Anh nói rất khẽ. Elsa đã kín đáo bỏ đi, chỉ còn lại chúng tôi. Tôi nhìn gương mặt căng thẳng, làn da nâu và đôi mắt sẫm tối của anh. Tôi có một cảm giác lạ lùng khi nghĩ rằng anh yêu tôi. Tôi nhìn đôi môi đỏ tươi của anh, rất gần môi tôi. Tôi không cảm thấy mình trí thức nữa. Anh cúi xuống, môi chúng tôi chạm vào nhau, và anh hôn tôi đắm đuối. Tôi vẫn ngồi, mắt vẫn mở, miệng anh kề lên miệng tôi, nóng và cứng. Một rung động nhè nhẹ lan trong cơ thể tôi. Anh ngừng một phút, rồi đôi môi anh mở ra và những nụ hôn của chúng tôi nhanh chóng trở thành cấp bách, thành thạo, quá thành thạo. Tôi hiểu ra tôi có năng khiếu hôn hít con trai trong nắng ấm hơn là học thi. Tôi rứt khỏi anh, lấy hơi thở.

 "Cécile, chúng ta phải chung sống với nhau, mãi mãi! Trong khi ấy anh sẽ dự trò chơi với Elsa!"

 Tôi không biết tính toán của tôi đúng hay sai. Nhưng là tên đầu xỏ, tôi nghĩ, tôi có thể ngưng lại khi nào tôi muốn.

 "Em nhiều ý tưởng quá," Cyril nói với nụ cười đặt biệt của anh, nó làm một góc môi nhếch lên và trông anh như một tay thảo khấu bảnh trai.

 Và đó là cách mà tôi đã mở đầu tấn bi kịch, mặc dù óc suy xét khôn ngoan của tôi. Đôi khi tôi nghĩ tôi sẽ trách mình ít hơn nếu hôm đó tôi bị xúi giục bởi lòng thù ghét và bạo động, chứ không phải bởi sự trì độn, mặt trời và những nụ hôn của Cyril.

 Khi từ giã những người đồng dự mưu một giờ sau đó, tôi lại bồn chồn lo ngại. Tuy nhiên, vẫn có lý do để tôi an tâm; kế hoạch của tôi có thể tịt ngòi vì lòng đam mê chân thành của cha tôi với Anne có lẽ sẽ giữ cho ông chung thủy. Ngoài ra, cả Cyril lẫn Elsa đều không thể làm gì nếu không có sự thông đồng của tôi. Nếu cha tôi có dấu hiệu mắc bẫy, tôi có thể tìm cách chấm dứt toàn bộ sự việc. Nhưng vẫn thú vị nếu ta cứ thi hành kế hoạch, và thử xem phán đoán về tâm lý của tôi đúng hay sai.

 Hơn nữa Cyril yêu tôi và đã hỏi cưới tôi. Điều này đủ làm tôi ngây ngất. Nếu anh có thể chờ hai năm nữa, cho tôi đủ thời gian trưởng thành, tôi sẽ nhận lời anh. Chưa gì tôi đã tưởng tượng ra cảnh tôi với Cyril, nằm ngủ bên anh, không bao giờ lìa xa. Mỗi Chúa Nhật chúng tôi sẽ đi ăn trưa với Anne và cha tôi, đôi vợ chồng hạnh phúc, và thỉnh thoảng có thể mời thêm mẹ của Cyril, một chấm phá cuối cùng cho bức tranh gia đình.

 Tôi thấy Anne tại sân thượng trên đường cô xuống bãi gặp cha tôi. Cô đón tôi với một nụ cười trêu chọc mà người ta thường dành cho những kẻ say mèm đêm trước. Tôi hỏi cô định nói gì với tôi khi tôi thiếp ngủ, nhưng cô chỉ cười và bảo rằng nó có thể làm tôi cáu giận. Khi ấy cha tôi từ dưới nước bước lên. Vai rộng và bắp thịt gân guốc, tôi nghĩ là ông tuyệt vời. Tôi xuống nước với Anne, cô bơi chầm chậm đầu ngẫng cao khỏi mặt nước để giữ tóc không ướt. Sau đó cả ba chúng tôi nằm dài úp mặt trên cát, tôi ở giữa. Chúng tôi im lặng và hòa bình.

 Ngay lúc ấy một chiếc thuyền xuất hiện sau ghềnh đá, buồm căng gió. Cha tôi là người đầu tiên thấy nó.

 "Vậy là Cyril không chịu nỗi rồi!" cha tôi cười nói. "Chúng ta có nên tha thứ cho cậu ấy không, Anne? Nói cho cùng, cậu ấy là một người tốt."

 Tôi ngẫng đầu lên, đánh hơi sự nguy hiểm.

 "Mà cậu ấy đang làm gì thế?" cha tôi hỏi. "Cậu ấy không lái thuyền vào. A! Cậu ấy không chỉ một mình."

 Anne cũng quay đầu lại nhìn. Con thuyền lướt ngang vũng biển trước mặt chúng tôi, trước khi đổi hướng. Tôi có thể nhận ra nét mặt của Cyril. Tôi âm thầm cầu nguyện cho anh biến mất, nhưng tôi nghe cha tôi kêu thảng thốt:

 "Elsa kìa! Cô ấy làm trò khỉ gì nơi đó?"

 Ông quay sang Anne. "Thật không thể tin nỗi! Hẳn cô ta đã vồ được con mồi xấu số và bắt bà cụ phải chịu đựng."

 Nhưng Anne không nghe cha tôi nói; cô đang quan sát tôi. Tôi nhìn cô rồi vùi mặt trong cát để dấu nỗi hổ thẹn. Anne đưa tay ra và sờ lên cổ tôi.

 "Nhìn cô này. Cháu có phiền trách cô không?"

 Tôi mở mắt. Cô khom xuống, lo lắng, hầu như van nài. Lần đầu cô đối xử với tôi như một người bén nhạy với những cảm giác buồn vui cũng chính là ngày mà ... Tôi rên khẽ và quay đầu sang cha tôi để rứt khỏi tay cô. Ông đang nhìn theo con thuyền.

 "Tội nghiệp cháu tôi," Anne nói rất khẽ, "tội nghiệp bé Cécile! Cô nghĩ rằng tất cả đều do lỗi của cô. Có lẽ cô không nên nghiêm khắc với cháu đến thế. Cô không bao giờ muốn làm cháu đau khổ. Cháu tin cô không?"

 Cô dịu dàng vuốt tóc và gáy tôi. Tôi nằm thật yên. Tôi có cùng một cảm xúc như khi một làn sóng rút ra biển kéo theo lũ cát dưới thân. Chưa bao giờ sự giận dữ cũng như ham muốn hoạt động một cách mãnh liệt đến thế trong tôi, khi mà lòng mong ước của tôi ngay trong giây phút ấy là được thất bại nảo nề. Uớc muốn của tôi là bỏ ngang những kế hoạch và phó thác hoàn toàn trong tay cô suốt cuộc đời còn lại. Chưa bao giờ trong đời tôi đã mất hết tự chủ vì một cảm giác bất lực tuyệt đối. Tôi nhắm mắt. Dường như tim tôi ngừng đập.

 

BỐN

Cho đến nay cha tôi vẫn không biểu lộ một tình cảm nào khác hơn sự ngạc nhiên. Về nhà, chị giúp việc báo với ông rằng Elsa đã đến lấy va-li, nhưng không nói Elsa có ghé thăm tôi. Là một thôn nữ có đầu óc lãng mạn, hẳn chị ưa thích lắm những thay đổi trong gia đình tôi từ khi chị vào làm, nhất là những thay đổi trong phòng ngủ.

 Cha tôi và Anne, trong cố gắng bù đắp cho tôi, đã nuông chìu tôi đến độ lúc đầu tôi không chịu được. Mặc dù là người tự chuốc họa vào thân, tôi đã sớm đổi ý, không thấy dễ chịu gì lắm khi phải chứng kiến Cyril và Elsa tay trong tay tản bộ, phô bày mọi dấu hiệu vui sướng bên nhau. Tôi không được đi thuyền buồm với anh nữa, lại còn phải ngắm Elsa lướt ngang, tóc bay bay trong gió, như tôi trước đây. Khá dễ cho tôi dửng dưng quay đi mỗi lần chúng tôi gặp nhau, như thường gặp: trong rừng, trong làng, và trên đường. Anne sẽ liếc tôi, khởi đầu một đề tài mới, và đặt tay lên vai tôi an ủi. Có bao giờ tôi nhắc đến sự tử tế đến dường nào của cô hay chưa? Lòng tốt của cô bắt nguồn từ trí thông minh, hay chỉ là một phần của sự tự chủ của cô, tôi không rõ. Nhưng cô có một tài năng thiên phú trong việc chọn lựa những từ ngữ khéo léo, tế nhị. Nếu tôi thật sự đau khổ bởi Cyril, có lẽ tôi đã không thể tìm đâu ra một nguồn an ủi tốt lành hơn.

 Vì cha tôi không tỏ ra ghen tuông, nên tôi chẳng lo lắng, và cứ để mọi việc trôi đi. Nhưng khi nhận thấy cha tôi quý mến Anne, tôi lại khá khó chịu vì mưu kế của mình đã bất thành. Một ngày nọ trên đường ra nhà bưu điện, cha tôi và tôi vượt qua Elsa. Chị giả vờ không nhìn thấy chúng tôi, nhưng cha tôi quay đầu lại huýt sáo ngạc nhiên, như thể chị là một người xa lạ.

 "Nghe này, sao bây giờ cô ấy đẹp thế?"

 "Khi yêu người ta đẹp hơn," tôi nói.

 Ông có vẻ ngạc nhiên. "Phải nói là, con tiếp nhận sự việc điềm đạm lắm!"

 "Ta có thể trông mong gì hơn? Cyril và Elsa cùng lứa tuổi. Con nghĩ chuyện đó đương nhiên phải xảy ra."

 "Nếu không có Anne, không hẳn là không thể tránh được!" Ông giận dữ nói. "Con đừng nghĩ răng cha có thể để mặc cho thằng nhãi ranh cướp trên tay ngưòi tình của cha, trừ phi cha muốn."

 "Có Anne hay không cũng thế thôi, tuổi tác mới là điều đáng kể." tôi nghiêm trang nói.

 Ông nhún vai. Trên đường về tôi nhận thấy ông tư lự. Có lẽ ông nghĩ rằng Cyril và Elsa đều trẻ trung, và khi cưới một người đàn bà trạc tuổi mình, ông không thuộc về nhóm trai tráng nữa. Tôi có một cảm giác thắng lợi ngắn ngủi, nhưng khi nhìn các nếp nhăn li ti ở đuôi mắt và đường nhăn mờ nhạt quanh miệng Anne, tôi lại cảm thấy tội lỗi. Thật dễ dàng làm theo ý thích xốc nỗi của mình rồi hối hận sau đó.

 Một tuần trôi qua. Cyril và Elsa, không có một ý niệm nào về diễn tiến của tình hình, hẳn phải trông đợi tôi mỗi ngày. Tôi ngại không dám gặp họ, vì tôi sợ tôi sẽ yếu lòng gây thêm một trò tai quái khác. Mỗi chiều, tôi lên phòng riêng, giả vờ học bài, nhưng thực sự chẳng làm gì cả. Tôi tìm thấy một quyển dạy Yoga, và dành hết thì giờ thực tập mọi tư thế. Tôi không dám cười to sợ Anne nghe thấy. Tôi nói với cô rằng tôi chăm học lắm. Tôi làm như vì thất tình mà tôi cố gắng giật một mảnh bằng để đền bù. Tôi hy vọng cô đánh giá tôi cao hơn, và tôi còn đi xa thêm nữa, nhắc lại Kant ở bàn ăn, trước sự ngỡ ngàng của cha tôi.

 Một buổi chiều nọ, quấn mình trong khăn bông cho giống người Ấn, tôi đang xếp bằng tròn miệt mài ngắm mình trong gương, hy vọng đạt được một trạng thái nhập định kiểu Yoga thì có tiếng gõ cửa. Tôi nghĩ đó là chị người làm, và bảo chị ấy cứ vào.

 Hóa ra là Anne. Trong một thoáng cô vẫn cúi mặt nhìn xuống lối đi, rồi cô mỉm cười.

 "Cháu đang làm trò gì thế?"

 "Yoga," tôi trả lời, "nhưng đó không phải là một trò chơi. Đó là một triết lý Ấn Độ."

 Cô bước lại bàn và cầm quyển sách của tôi lên. Tôi bắt đầu lo lắng. Sách mở ra ở trang một trăm và những trang trước chằng chịt các ghi chú của tôi, như "khó hiểu quá" hay "làm mình kiệt sức."

 "Cháu thật chăm chỉ," cô nói. "Thế còn bài luận về Pascal mà cháu đang viết thì sao? Cô chẳng thấy nó ở đâu cả."

 Hồi trưa trong bửa ăn tôi có nhắc đến Pascal, ra điều là tôi đang viết một đoạn ngắn, nhưng, không cần phải nói, tôi nào có viết một chữ gì. Anne chờ tôi trả lời, nhưng tôi im như thóc, nên cô hiểu ngay.

 "Thay vì học, nếu cháu muốn làm trò trống gì trên này thì đó là việc của cháu, tuy nhiên lại là một vấn đề khác nếu cháu nói dối với cha cháu và cô. Phải thú thật là khó lòng tin được những hoạt động trí tuệ bất ngờ này."

 Cô ra khỏi phòng, để lại tôi chết điếng trong tấm khăn bông. Tôi không thể hiểu vì sao cô dùng chữ "nói dối." Tôi nhắc đến Pascal vì ông thú vị, và tôi nói đến bài luận của tôi với ý định làm cho cô hạnh phúc, thế mà bây giờ cô lại la mắng tôi. Đã quen với sự rộng lượng mới đây của cô, thái độ khinh bỉ của cô khiến tôi nhục nhã và phẩn nộ. Tôi quăng bỏ tấm khăn hóa trang, khoác vội cái quần tây và áo sơ mi cũ và hấp tấp ra khỏi nhà.

 Trời nóng kinh hồn, nhưng tôi khởi sự chạy, thôi thúc bởi cơn giận của tôi, càng bạo liệt hơn vì trộn lẫn với hổ thẹn. Tôi chạy một mạch đến biệt thự của Cyril, chỉ ngừng lại khi đã tới cửa để lấy hơi thở. Trong sức nóng gay gắt của buổi chiều, căn nhà dường như to hơn và im vắng một cách dị thường, đầy bí ẩn. Tôi rón rén lên phòng Cyril; anh đã dẫn tôi đến phòng của anh khi chúng tôi thăm mẹ anh lần trước. Tôi mở cửa. Anh đang nằm trên giường, ngủ say đầu gối trên cánh tay. Tôi đứng nhìn anh. Lần đầu trong đời trông anh yếu ớt và đáng yêu. Tôi khẽ gọi tên anh. Anh mở mắt và bật dậy.

 "Kìa em, Cécile! Có chuyện gì thế?"

 Tôi ra hiệu cho anh nói nhỏ lại. Nếu mẹ anh lên tới và bắt gặp tôi trong phòng của anh thì sao? Bà ấy sẽ nghĩ rằng ... mà ai cũng sẽ nghĩ như vậy ... phải không? Tôi hoảng hốt và bỏ ra cửa.

 "Đừng đi!" anh kêu lên. "Lại đây, Cécile!"

 Anh với được cổ tay tôi, cười to, nắm chặt nó không cho tôi cử động. Tôi quay lại và thấy mặt anh đột nhiên tái mét, có lẽ cũng hệt như tôi. Anh thả lỏng cổ tay tôi, để rồi ôm tôi và kéo tôi ngã xuống giường. Chuyện gì phải xảy ra sẽ xảy ra, đầu óc bấn loạn tôi nghĩ thế, chuyện gì phải xảy ra sẽ xảy ra ...

Bởi lẽ đó là chu kỳ của tình yêu: sợ hãi dẫn tới khát khao, ân cần và cuồng nộ, và niềm thống khổ ấy hân hoan đi theo sau cơn hoan lạc. Tôi đã đủ may mắn -- nhờ sự dịu dàng của Cyril -- khám phá ra tất cả những điều ấy trong ngày hôm đó.

 Tôi ở lại với anh khoảng một giờ. Tôi hạnh phúc, nhưng bối rối cùng cực. Tôi quen nghe người ta bàn luận về hai chữ tình yêu, và tôi thường khờ khạo nói về nó với chính tôi, như người ta thường làm khi người ta còn trẻ và ngu muội. Nhưng bây giờ tôi tin là không khi nào tôi còn có thể nói về tình yêu với một cung cách tàn bạo, tách biệt như thế nữa.

 Cyril, nằm bên tôi, mãi miết bàn tới chuyện cưới xin và cách chúng tôi sẽ luôn luôn bên nhau. Sự im lặng của tôi khiến anh bức rức. Tôi ngồi dậy, âu yếm nhìn anh, và thì thầm: "Người tình của em!" Tôi hôn lên đường gân xanh trên cổ anh, thủ thỉ: "Anh yêu! Cyril yêu!"

 Tôi không chắc lắm tình cảm của tôi với anh trong giây phút ấy có phải là tình yêu. Tôi thường hay thay lòng đổi dạ, và tôi không muốn tự lừa dối mình. Nhưng lúc ấy tôi yêu anh nhiều hơn tôi yêu tôi; tôi có thể hy sinh cuộc sống của mình cho anh. Khi tôi ra về, anh hỏi tôi có phải tôi giận anh không. Tôi chỉ cười! Làm sao tôi có thể giận anh khi anh đã ban tặng tôi một niềm hoan lạc như thế?

 Tôi thư thả đi bộ về qua rừng thùy dương. Tôi yêu cầu Cyril đừng tiễn tôi, sẽ nguy hiểm lắm. Ngoài ra, tôi sợ một thứ gì đó có thể bộc lộ trên nét mặt hay cử chỉ của tôi. Anne nằm trên ghế xếp ở sân trước, đọc sách. Tôi đã bịa sẳn một câu chuyện để giải thích tôi đã đi đâu. Nhưng tôi không cần đến nó. Cô không hỏi tôi một lời nào. Rồi tôi nhớ ra chúng tôi đã cãi nhau, và tôi ngồi xuống gần cô trong nỗi im lặng chết người. Tôi ngồi bất động, ý thức về hơi thở của tôi, về những ngón tay run rẩy của tôi, và nhớ Cyril.

 Tôi nhón một điếu thuốc lá trên bàn và đánh diêm châm lửa. Nó tắt ngúm. Tôi lập cập đánh thêm một que diêm khác và mặc dù trời không gió, nó, cũng thế, tắt ngúm. Trong sự bực dọc cực độ tôi lấy que diêm thứ ba, và vì một lý do nào đó que diêm này mang một ý nghĩa hệ trọng, có thể vì Anne đang nhìn tôi chầm chập. Thình lình mọi vật quanh tôi mờ nhòe và chẳng còn gì cả ngoại trừ que diêm giữa ngón tay tôi, hộp diêm, và đôi mắt của Anne xoáy lên tôi. Tim tôi đập thùm thụp. Tôi cầm chặt que diêm và quẹt mạnh, nhưng khi tôi cúi xuống, điếu thuốc của tôi dập tắt nó. Hộp diêm rơi xuống thềm và tôi có thể cảm nhận cái nhìn dò xét của Anne lướt qua mặt tôi. Sự căng thẳng không thể nào chịu đựng. Rồi bàn tay của cô luồn dưới cằm tôi, và khi cô nâng nó lên, tôi nhắm nghiền mắt vì tôi sợ cô đọc được biểu lộ của chúng và nhìn thấy nước mắt dâng đầy trong đó, nước mắt của mệt mỏi, của khoái lạc, của tủi thẹn. Cô khẽ vuốt má tôi, rồi thả tôi ra, như thể cô quyết định rằng cứ để mọi việc tự nhiên xuôi dòng. Rồi cô đốt một điếu thuốc, đặt lên môi tôi và quay lại với quyển sách của cô.

Có lẽ sự kiện đó đã trở thành biểu tượng. Thỉnh thoảng khi sờ soạng tìm hộp diêm, tôi lại nghĩ đến giây phút lạ lùng ấy khi bàn tay tôi dường như không thuộc về tôi nữa, và tôi lại nhớ đến cái nhìn mãnh liệt của Anne, và sự trống rỗng vây quanh tôi -- cái hư không bát ngát.

 

NĂM

 Sự kiện mà tôi vừa mô tả trên đây không phải là không có hậu quả của nó. Như một số người khéo kiềm chế và tự tin vào bản thân, Anne không thích thỏa hiệp. Như khi, ở sân thượng, phải bỏ qua cho tôi, cô đã vi phạm nguyên tắc của mình. Cô đã, dĩ nhiên, đoán được phần nào, và sẽ rất dễ dàng nếu cô muốn tôi nói lên tất cả. Nhưng rồi cô nhân nhượng, vì thương hại hoặc vì thờ ơ. Với cô, dung thứ những khuyết điểm của tôi cũng khó như cố gắng loại trừ chúng. Trong cả hai trường hợp, cô chỉ bị thúc đẩy bởi bổn phận. Cô cảm thấy khi kết hôn với cha tôi, cô phải chịu trách nhiệm về tôi. Tôi sẽ chịu nỗi những lần chê bai thường xuyên của cô nếu như đôi khi cô tỏ ra bực tức, hoặc có một tình cảm sâu sắc nào đó thay vì chỉ phơn phớt ngoài da. Ta sẽ quen với lỗi lầm của người khác nếu ta không cảm thấy có nhiệm vụ sửa đổi chúng. Trong vài tháng cô sẽ không quấy rầy tôi và sự lãnh đạm của cô có lẽ sẽ pha trộn với cảm tình. Thái độ ấy sẽ thích hợp với tôi. Nhưng nó sẽ không bao giờ xảy đến với cô, vì ý thức về trách nhiệm của cô nặng nề quá, đặc biệt khi tôi vẫn còn non trẻ để uốn nắn. Tôi dễ bảo, dù bướng bỉnh.

 Do vậy sự thất vọng của cô liên quan đến tôi. Cô bực với bản thân và để tôi nhìn thấy điều đó. Vài hôm sau lúc chúng tôi đang ăn trưa, đề tài nóng hổi là việc học bài trong kỳ hè của tôi nổ ra. Tôi phản ứng khá xốc nổi, và ngay cả cha tôi cũng tỏ ra tức giận. Nhưng chính Anne lại là người khóa cửa phòng của tôi, mặc dù cô không hề lớn tiếng trong suốt cuộc tranh cãi. Tôi không biết gì cả, cho đến lúc tôi muốn ra khỏi phòng để lấy một ly nước. Tôi chưa bao giờ bị nhốt trong phòng, và ban đầu tôi đã hoảng loạn. Tôi chạy đến cửa sổ, nhưng ở đó không có lối thoát. Rồi tôi quăng mình lên cửa phòng mạnh đến đỗi vai bị tím bầm. Tôi nghiến răng dùng cái nhíp gắng sức nạy ổ khóa. Tôi không muốn gọi ai mở cửa cho tôi. Sau đó tôi đứng yên giữa phòng, cố tập trung tư tưởng, rồi dần dà tôi bình tâm trở lại. Đây là lần đầu tôi tiếp xúc với sự ác độc. Tôi cảm thấy nó lớn dần trong tôi, như thể các ý nghĩ của tôi là chất liệu nuôi dưỡng nó. Tôi nằm trên giường, duỗi tay chân, và bắt đầu tính toán việc trả thù. Sự cuồng nộ của tôi không cân xứng với nguyên nhân gây ra nó. Quả thật có mấy lần tôi mở cửa và ngạc nhiên thấy mình bị cầm giữ.

 Lúc sáu giờ cha tôi đến giải cứu tôi. Tôi ngồi dậy khi ông bước vào, và mỉm cười với ông. Ông nhìn tôi trong im lặng.

 "Con không có điều gì nói với cha sao?" ông hỏi.

 "Về chuyện gì chứ?" tôi nói. "Cha đã biết chúng ta có những lý lẽ khủng khiếp chẳng đưa tới đâu cả."

 Ông có vẻ yên lòng. "Nhưng con cần tử tế với Anne, hãy kiên nhẫn hơn."

 Cách chọn lựa từ ngữ của ông khiến tôi ngạc nhiên: tôi mà kiên nhẫn với Anne? Ngược lại mới đúng chứ. Tôi hiểu ông nghĩ đến Anne như một người đàn bà mà ông ép uổng con gái của ông chịu đựng, không phải điều ngược lại. Rõ ràng vẫn còn chỗ cho hy vọng.

 "Con dữ dằn quá," tôi nói. "Con sẽ xin lỗi cô ấy."

 "Con không khổ sở chứ, phải không?"

 "Dĩ nhiên là không!" tôi trả lời. "Và, dù sao, nếu cô ấy và con cãi nhau nhiều, bất quá con sẽ lấy chồng sớm một chút, vậy thôi!" Tôi biết lời nói của tôi sẽ đánh động hồn ông.

 "Con không nên nhìn sự việc theo cách ấy. Con có phải là Bạch Tuyết đâu! Con sẽ không bỏ cha đi lấy chồng sớm chứ? Cha con mình sống bên nhau mới hai năm."

 Ý tưởng đó thật không thể chịu đựng, với tôi cũng như với ông. Tôi có thể hình dung ra tôi nỉ non khóc trên vai ông, than vãn một hạnh phúc đã mất. Nhưng tôi sẽ không bao gồm ông trong mưu kế của tôi.

 "Cha biết con thường hay phóng đại. Với một chút nhường nhịn của đôi bên, Anne và con sẽ hòa thuận."

 "Vâng," ông nói. "Dĩ nhiên là thế!"

 Hẳn ông đã nghĩ, cũng như tôi trong giây phút ấy, có lẽ nhường nhịn không thuộc về đôi bên, mà chỉ thuộc về tôi.

 "Cha thấy không," tôi nói. "Con hiểu rất rõ là Anne luôn luôn đúng. Cách sống của cô thật sự tốt đẹp hơn cách sống của chúng ta, nó sâu sắc hơn."

 Ông chực phản đối, nhưng tôi tiếp tục: "Trong một hai tháng nữa, con sẽ thấm nhuần tư tưởng của Anne, và sẽ không còn những trận cãi cọ ngu si nào nữa. Chỉ phải kiên nhẫn hơn."

 Ông ngạc nhiên ra mặt. Không những ông đánh mất một người bạn vui tính, mà luôn cả một mảnh đời quá khứ.

 "Này, đừng phóng đại nữa!" ông yếu ớt nói. "Cha biết cuộc sống mà con đã chia sẻ với cha có lẽ không thích hợp với con, cũng như với cha, về phương diện tuổi tác, nhưng không hề tẻ nhạt hay buồn thảm. Nghĩ cho cùng, chúng ta chưa bao giờ cảm thấy chán chường hay trầm uất trong hai năm qua, phải không? Ta không cần thay đổi một cách quyết liệt, chỉ vì nhận thức của Anne về cuộc đời khác biệt chút ít với nhận thức của chúng ta."

 "Ngược lại là đàng khác," tôi quả quyết. "Chúng ta phải đi xa hơn những gì con nói, rũ bỏ hoàn toàn lối sống cũ của chúng ta!"

 "Ôi, cha cũng nghĩ thế," người cha đáng thương của tôi nói, khi chúng tôi bước xuống cầu thang.

 Tôi xin lỗi Anne không một chút ngượng ngùng. Cô nói tôi đừng ái ngại, có lẽ trời nóng là nguyên cớ gây ra tranh cãi giữa chúng tôi. Tôi cảm thấy hân hoan và phơi phới.

 Tôi gặp Cyril trong rừng thùy dương, như đã định. Tôi báo cho anh các việc cần làm trong những ngày sắp tới. Anh lắng nghe trong cảm xúc sợ hãi trộn lẫn ngưỡng mộ. Rồi anh ôm tôi vào lòng, nhưng tôi không thể ở lại vì trời đã về chiều. Tôi ngạc nhiên nhận thấy tôi không muốn lìa xa anh. Nếu anh tìm tòi những phương cách làm cho tôi gắn bó với anh, có lẽ anh đã tìm thấy. Thân thể tôi đáp ứng thân thể anh và rực rỡ nở hoa bên anh. Tôi mê đắm hôn anh, tôi còn muốn làm anh bầm tím, để đêm nay không một giây phút nào anh có thể quên tôi, và sẽ mơ tưởng đến tôi suốt đêm. Tôi không chịu nỗi cái ý tưởng của đêm thiếu vắng anh, cạnh tôi, thiếu vắng nỗi cuồng nhiệt đột ngột và sự mơn trớn dài lâu của anh.

 

SÁU

 Sáng hôm sau tôi cùng với cha tôi đi dạo. Chúng tôi vui vẻ nói những chuyện bông lơn. Tôi đề nghị quay về làng bằng con đường băng ngang rừng dương. Khi ấy chính xác là mười giờ ba mươi phút; vừa đúng lúc. Cha tôi đi trước trên con đường nhỏ, vẹt nhánh của các bụi gai để chúng không làm trầy sướt chân tôi. Khi ông dừng lại chết trân một chỗ, tôi biết ông đã nhìn thấy họ. Tôi bước lại gần ông. Họ đây rồi, Cyril và Elsa, nằm trên lớp thảm lá dương, rõ ràng say ngủ. Mặc dù họ chỉ đóng kịch theo chỉ thị của tôi, và tôi biết rõ họ không yêu nhau, tuy thế họ trẻ đẹp không ngờ, và tim tôi không khỏi nhói lên vì ghen tức. Cha tôi trắng nhợt như tờ giấy. Tôi khoác tay ông.

 "Đừng làm phiền họ. Đi thôi!"

 Ông lại liếc qua Elsa, chị nằm đó với tất cả vẻ đẹp tươi mát rực rỡ, mái tóc đỏ hoe và nụ cười nửa miệng. Chị quả tình giống như một nữ thần trẻ, cuối cùng sa vào chiếc bẫy tình yêu. Rồi ông quay gót, hấp tấp bước đi. Tôi có thể nghe ông lầm bầm: "Thứ đàn bà lăng loàn!"

 "Sao cha lại nói thế? Chị ấy có tự do mà, phải không?"

 "Không phải là điều cha muốn nói! Vấn đề là con có vui sướng gì không khi thấy cô ấy nằm trong vòng tay Cyril?"

 "Con không còn yêu anh ấy," tôi nói.

 "Cha cũng không yêu Elsa," ông giận dữ trả lời. "Nhưng vẫn đau lòng không khác. Nói cho cùng, cha đã từng ... chung sống với cô ta. Do đó lại càng đau đớn."

 Tôi có biết như thế lại càng đau đớn không? Có chứ, hẳn thế! Chắc ông đã có cảm giác muốn nhảy chồm tới tách lìa họ ra và đoạt lại tài sản -- hay thứ đã một thời là tài sản.

 "Nếu Anne nghe được câu ấy của cha thì sao!" tôi nói.

 "Con định nói gì? Ơ, dĩ nhiên Anne sẽ không hiểu. Cô ấy sẽ thấy khủng khiếp, ai cũng sẽ có phản ứng như vậy thôi! Nhưng còn con thì sao? Con không hiểu cha nữa phải không? Con có hụt hẫng chút nào không?"

 Lèo lái suy nghĩ của ông theo chiều hướng mà tôi đã định thật dễ dàng sao! Quả đáng sợ khi tôi có thể hiểu ông rõ ràng đến thế.

 "Dĩ nhiên là không," tôi nói. "Nhưng cha phải nhìn sự việc một cách khách quan. Elsa có trí nhớ ngắn ngủi, chị ấy thấy Cyril hấp dẫn, và những gì có liên can đến cha tới đó là chấm hết. Dù sao, hãy nhớ lại cách cha đối xử với chị ấy. Không thể nào tha thứ cho được!"

 "Nếu cha muốn cô ta ..." cha tôi mở miệng ra, nhưng rồi ngưng bặt.

 "Cha đừng hòng," tôi dõng dạc nói, như thế phân tích cơ may mà ông có thể chiếm đoạt lại Elsa là công việc tự nhiên nhất trên đời của tôi.

 "Dù sao đó cũng là một chuyện không tưởng," ông nói, giọng nhẫn nhịn hơn.

 "Dĩ nhiên rồi!" tôi đáp, nhún vai như muốn ngụ ý rằng ông, con người tội nghiêp, đã bị loại ra khỏi cuộc đua rồi. Từ đó cho đến khi về tới nhà, ông không thốt một lời nào. Rồi ông kéo Anne lại, ôm vào lòng. Cô ngạc nhiên, nhưng sung sướng phục tùng sự âu yếm của ông. Tôi bước ra khỏi phòng, run lên vì xấu hổ.

 Lúc hai giờ, tôi nghe tiếng huýt sáo rất khẽ, và tôi đi xuống bãi gặp Cyril. Chúng tôi lên thuyền của anh và lái ra khơi. Chung quanh chúng tôi không có gì cả; không một bóng người trong cái nóng bức ấy. Khi chúng tôi cách bờ một quãng xa, Cyril hạ buồm xuống. Chúng tôi chưa trao đổi với nhau một lời.

 "Sáng nay," anh bắt đầu.

 "Đừng nói," tôi đáp. "Ô, xin anh đừng nói."

 Anh nhẹ nhàng đẩy tôi nằm xuống. Chúng tôi rập rờn, đẫm mồ hôi, vụng dại và hối hả. Tôi có thể cảm nhận con thuyền chồng chềnh theo nhịp yêu đương. Tôi nhìn mặt trời trên cao. Thình lình tiếng thì thào dịu dàng và cấp bách của Cyril vang lên. Mặt trời bùng nổ và rơi rụng xuống tôi. Tôi đang ở đâu? Ở đáy biển, ở đáy thời gian, ở đáy lạc thú. Tôi gọi lớn tên Cyril. Anh không trả lời. Anh không cần trả lời.

 Sau đó là vị mặn của nước biển. Chúng tôi phơi dưới nắng, cười to và hạnh phúc. Chúng tôi có mặt trời và biển, tiếng cười rộn ràng và tình yêu. Tôi tự hỏi liệu có khi nào anh hay tôi sẽ gặp lại nỗi huy hoàng đặc sắc của ngày ấy. Và về phần tôi, nó lại càng đậm đà hơn bởi một luồng sóng ngầm của lo âu và hối hận.

 Tôi tìm thấy, ngoài lạc thú xác thịt của tình yêu, có một thứ lạc thú tinh thần khi ta nghĩ về nó. Chữ "làm," mang tính vật chất và tích cực, kết hợp với tính trừu tượng thi vị của chữ "tình," làm tôi vui thích. Trước đây tôi đã nói ra hai chữ này mà không ngượng ngùng hay nhận biết hương vị đặc biệt của chúng. Giờ đây tôi thấy mình đoan trang hẳn ra. Tôi cụp mắt xuống mỗi khi cha tôi quay sang nhìn Anne khi cô cười nhẹ, thân mật và suồng sã, khiến chúng tôi, cha tôi và tôi, tái mặt và nhìn ra cửa sổ. Nếu chúng tôi nói cho Anne biết tiếng cười của cô đã phơi bày cô như thế, hẳn cô sẽ không tin chúng tôi. Cô không cư xử như tình nhân của cha tôi, mà như một người bạn, một người bạn thân thương. Nhưng khi đêm về ...tôi không muốn nghĩ tới những chuyện ấy, tôi ghét những tư tưởng làm tôi bực bội.

 Thời gian trôi qua thật nhanh. Tôi gần như quên bẳng Anne, cha tôi, và Elsa. Bằng tình yêu tôi đã đi vào một thế giới mới. Tôi mơ màng, nhưng vẫn tỉnh thức, yên bình và toại nguyện. Cyril hỏi tôi có sợ mang thai hay không. Tôi bảo tôi hoàn toàn tùy thuộc vào anh, và dường như anh hài lòng với điều đó. Có lẽ tôi đã phó thác mình cho anh vì tôi biết rằng nếu tôi có con, anh sẽ chấp nhận trách nhiệm. Anh sẳn sàng nhận lãnh thứ mà tôi không bao giờ đối mặt: trách nhiệm. Ngoài ra, tôi không thể nào tưởng tượng ra mình có mang, với thân hình gầy gò, cứng đờ của tôi .... Ít ra tôi cũng một lần cám ơn tấm thân trẻ thơ của mình.

 Nhưng Elsa không đủ kiên nhẫn. Chị dồn dập gạn hỏi tôi. Tôi thường lo sợ bị bắt gặp với chị ấy hay với Cyril. Chị ấy rình rập cha tôi khắp nơi, và tự thuyết phục rằng ông khó lòng xa rời chị. Tôi ngạc nhiên vì người đàn bà của lạc thú này, người luôn luôn kết hợp tiền bạc với tình yêu, lại có những ý tưởng lãng mạn như thế, phấn khởi bởi một cái nhìn hay một cử chỉ, khi mà những thứ này trước đây đơn thuần chỉ là thông lệ. Với chị dường như vai trò mà chị đang thủ diễn là đỉnh cao của tinh tế về tâm lý.

 Mặc dù cha tôi dần dần bị ám ảnh với các ý nghĩ về Elsa, dường như Anne không nhận ra. Ông âu yếm ân cần với cô hơn bao giờ hết, điều này làm tôi kinh sợ, vì tôi hiểu đó là dấu hiệu của mặc cảm tội lỗi vô thức. Ba tuần nữa, chúng tôi sẽ trở lại Paris, và điều chính yếu là không nên có chuyện gì xảy ra trước ngày ấy. Elsa sẽ biến mất khỏi cuộc đời chúng tôi, và cha tôi và Anne sẽ kết hôn với nhau nếu đến lúc ấy họ vẫn không đổi ý. Ở Paris, tôi sẽ có Cyril, và cũng như Anne không thể chia cách chúng tôi ở đây, cô ấy sẽ thấy là không thể nào ngăn cản tôi gặp anh ấy khi chúng tôi về lại nhà. Tại Paris, Cyril không ở chung với mẹ, anh có phòng riêng. Tôi đã hình dung được cửa sổ mở ra bầu trời hồng và lam, bầu trời tuyệt vời của Paris, với lũ bồ câu rù rù ở bệ cửa sổ, và với Cyril nằm cạnh tôi trên chiếc giường hẹp ...

 

BẨY

 Vài hôm sau có người bạn nhắn tin cha tôi hẹn uống rượu ở một quán cà phê tại Sain Raphael. Cha tôi vui với ý nghĩ có thể tạm thời trốn thoát cuộc sống cô lập khác thường của chúng tôi. Ông vội vàng nói cho chúng tôi biết. Tôi báo với Elsa và Cyril, chúng tôi sẽ đến quán Bar du Soleil lúc bẩy giờ và nếu muốn, họ sẽ gặp chúng tôi nơi ấy. Rồi tôi được biết người mà chúng tôi sẽ gặp tình cờ cũng là bạn của Elsa, do đó chị càng nao nức muốn đi. Vì thế tôi hiểu ra, tình hình có thể trở nên rối rắm, và tôi tìm cách ngăn cản chị.

 "Charles Webb mê chị lắm," chị nói, hồn nhiên như con trẻ. "Nếu ông ấy gặp chị, cách ông ấy đối xử với chị chắc chắn sẽ làm Raymond muốn có lại chị."

 Saint Raphael hay không, Cyril chẳng màng. Qua cái nhìn của anh, tôi biết anh chỉ cần được ở bên tôi, và tôi cảm thấy vui sướng.

 Lúc sáu giờ ngồi trong xe của Anne chúng tôi lên đường. Đó là một chiếc xe Hoa Kỳ mui trần to tướng mà Anne lái vì địa vị xã hội hơn vì ý thích cá nhân, nhưng nó hợp với tôi lắm, bởi những phụ tùng hào nhoáng của nó. Nó có một lợi điểm là cả ba chúng tôi có thể ngồi chung ở băng trước, và tôi chưa bao giờ hạnh phúc đến thế khi ngồi với họ, chen chúc tay kề tay, chia sẻ niềm hân hoan, và có lẽ cả cái chết. Anne ngồi sau tay lái, tượng trưng cho vai trò tương lai của cô trong gia đình. Đây là lần thứ nhất tôi ngồi trên xe cô, kể từ đêm chúng tôi đi Cannes.

 Chúng tôi gặp Charles Webb và vợ của ông tại quán Bar du Soleil. Ông làm trong ngành quảng cáo kịch trường; bà vợ tiêu hết tiền của ông để làm vui đám trai tơ. Tiền là một ám ảnh lớn của ông. Ông chẳng nghĩ đến điều gì khác hơn là cố gắng kiếm tiền để đấp đổi nhu cầu; và vì thế ông luôn luôn ngúc ngoắc, đứng ngồi không yên. Trong một thời gian dài ông đã là tình nhân của Elsa, và chị ấy xứng với ông, bởi vì, dù rất xinh xắn, chị ấy không đẹp đến mức tiêu hồn.

 Vợ của Charles là một người độc ác. Anne chưa hề gặp bà ta, và tôi thấy gương mặt xinh đẹp của Anne lập tức khoác lên một vẻ kiêu kỳ thường có mỗi khi Anne ra nơi công cộng. Như thường lệ, Charles huyên thiên nói, thỉnh thoảng lại ném một cái nhìn dò hỏi về phía Anne. Rõ ràng ông đang thắc mắc vì sao Anne lại cặp kè với Raymond, tay chơi khét tiếng, và con gái của hắn. Tôi thú vị khi nghĩ đến phản ứng của ông, một khi hiểu ra. Ngay lúc ấy cha tôi nghiêng mình tới và đột ngột nói:  "Tôi có tin cho ông, bạn già. Anne và tôi sẽ làm đám cưới ngày năm tháng Mười."

 Webb sững sốt hết nhìn hết người này qua người khác. Bà vợ, vốn yếu mềm với cha tôi, lại có phần thờ ơ.

 Sau một thoáng im lặng, Webb gào to: "Chúc mừng ông bà! Thật là một ý kiến hết sức hay ho! Chị thân mến, chị không biết chị sẽ nhận được gì đâu! Chị tuyệt vời quá! Bồi đâu, lại đây! Chúng ta phải ăn mừng!"

 Anne mỉm cười bình thản. Rồi tôi thấy mặt Webb bừng sáng; không cần quay lại tôi cũng biết.

 "Elsa! Trời thần ơi! Elsa Mackenbourg kìa! Cô bé chưa nhận ra tôi. Raymond này, ông có thấy cô ấy càng lớn càng xinh đẹp hơn không?"

 "Thế à?" Cha tôi nói ra vẻ chủ nhân ông, nhưng rồi ông chợt nhớ ra, và xịu mặt.

 Anne không thể không nhận ra thay đổi trong giọng nói của cha tôi. Cô quay ngoắt sang tôi, nhưng trước khi cô kịp nói, tôi đã nghiêng tới và thì thầm một cách riêng tư, nhưng vừa đủ lớn để cha tôi có thể nghe.

 "Anne, cô đang làm người ta mê tít. Có một ông đàng kia không thể nào rời ánh mắt khỏi cô."

 Cha tôi vặn mình lại để nhìn gã đàn ông mà tôi đang nói tới.

 "Anh không thể dung dưỡng thứ hành vi ấy!" ông nói, cầm tay Anne.

 "Tình tứ nhỉ!" Bà Webb nói, mĩa mai. "Charles, đúng ra mình không nên quấy rầy họ. Đáng lẽ mình chỉ nên mời cô bé Cécile mà thôi."

 "Bé Cécile sẽ không đến," tôi quả quyết nói.

 "Sao lại không? Cháu đang thích một chàng đánh cá phải không?"

 Có lần bà Webb trông thấy tôi trò chuyện với một anh soát vé xe buýt, và từ đó trở đi, đổi xử với tôi như thể tôi đánh mất giai cấp của mình.

 "Dĩ nhiên là thế!" Tôi nói cố gắng tỏ vẻ hớn hở.

 "Và cháu đi câu với cậu ấy nhiều lần phải không?"

 Mụ ấy tự cho mình khôn ngoan, nhưng như thế lại càng tồi tệ hơn nhiều. Tôi bắt đầu cáu giận.

 "Cháu không chuyên môn về loại cá lù đù," tôi nói. "Nhưng đúng là cháu có đi câu."

 Một im lặng chết người. Rõ ràng họ hiểu cách chơi chữ của tôi. Anne êm ái chen vào:

 "Raymond, anh làm ơn bảo người bồi đem cho em một cọng rơm để uống nước cam?"

 Charles Webb hăng hái đòi uống thêm một chầu rượu nữa. Tôi có thể thấy qua cách cha tôi chầm chập nhìn ly rượu của mình, ông đang cố nín cười. Anne nhìn tôi van lơn. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đồng ý ăn tối với nhau, để chứng tỏ rằng không ai để bụng giận hờn ai.

 Tôi uống khá nhiều trong bửa tối. Tôi muốn quên đi nét mặt xao xuyến của Anne khi cô nhìn cha tôi, và một chút biết ơn dành cho tôi. Mỗi khi bà Webb châm chọc tôi, tôi trả lời bằng một nụ cười ngọt ngào dễ mến. Dường như điều này làm bà ta tức tối, và chằng mấy chốc bà ta tỏ ra hằn học một cách công khai. Anne ra hiệu cho tôi nín nhịn.Cô kinh sợ những trận cãi vã nơi công cộng, thứ mà bà Webb sắp sửa gây nên. Về phần mình, tôi đã quen với chúng. Chúng thường xảy ra với những người quen của chúng tôi, nên tôi chẳng thấy khó chịu mảy may nào trước viễn ảnh đó.

 Sau khi ăn tối chúng tôi đi tiếp một quán rượu khác. Chẳng bao lâu Elsa và Cyril xuất hiện. Elsa nói rất lớn trong khi bước vào. Cyril đáng thương lẻo đẻo theo sau. Tôi nghĩ Elsa thiếu lịch sự, nhưng chị ấy đủ đẹp để mọi người bỏ qua.

 "Con cún đi theo Elsa là ai vậy?" Charles Webb hỏi. "Trông cậu ấy trẻ măng, phải không?"

 "Tình yêu giữ cho cậu ấy tươi trẻ!" bà vợ ranh mãnh nói.

 "Đừng tin vào điều ấy!" cha tôi trả lời. "Cô ta không yêu cậu ấy đâu. Cậu ấy chỉ là một ý thích thoáng qua."

 Tôi quan sát Anne. Cô nhìn Elsa với phong thái điềm đạm, xa cách mà cô vẫn nhìn các thiếu nữ non tơ, hay các hình nộm trưng bày những mẫu quần áo mà cô vẽ kiểu. Trong một khoảng khắc tôi sâu sắc ngưỡng mộ cô vì cô không tỏ ra một chút ghen tương hay khinh miệt nào. Nhưng làm sao cô có thể ghen tương, tôi tự hỏi, khi mà cô đẹp và thông minh gấp trăm lần Elsa? Say khướt, tôi nói với cô điều ấy. Cô nhìn tôi một cách hiếu kỳ.

 "Có thực cháu nghĩ rằng cô đẹp hơn Elsa không?"

 "Dĩ nhiên là hơn!"

 "Câu ấy lúc nào nghe cũng bùi tai. Nhưng cháu uống nhiều quá rồi. Đưa ly của cháu cho cô. Cô mong cháu không quá bực mình khi gặp Cyril. Dù sao, dường như cậu ấy tỏ ra chán chường cực độ."

 "Anh ấy là người tình của cháu," tôi hớn hở tiết lộ.

 "Cháu say rồi! Trời ơi, đến lúc phải về thôi."

 Đỡ quá, được chia tay với ông bà Webbs. Tôi khổ sở nói những câu giã từ đúng phép xã giao với họ. Cha tôi lái xe, và tôi ngã đầu lên vai Anne.

 Tôi nghĩ tới tôi thích cô nhiều hơn những người mà chúng tôi quen biết, cô vượt trội hơn họ trên mọi phương diện. Cha tôi ít nói; có lẽ ông đang mãi mê suy nghĩ đến Elsa.

 "Nó ngủ rồi hở em?" cha tôi hỏi Anne.

 "Ngủ say như con nít. Nói chung, Cécile đã không xử sự tồi tệ cho lắm, phải không anh? Dĩ nhiên, nó không nên trả treo bằng mấy chữ cá lù đù."

 Cha tôi cười vang. Họ im lặng một lúc, rồi tôi lại nghe tiếng ông:

 "Anne, anh yêu em, chỉ một mình em. Em tin anh không?"

 "Xin anh đừng lập lại thường xuyên. Làm em kinh sợ."

 "Đưa tay em cho anh."

 Suýt nữa tôi đã ngồi dậy phản kháng: "Trời ơi, đừng làm vậy khi đang lái xe Corniche!" Nhưng tôi đã say mèm, và nửa thức nửa ngủ. Ngoài ra, mùi nước hoa của Anne, gió biển lùa trong tóc tôi, vết trầy sước trên vai tôi là dấu tích ái ân của Cyril, tất cả đều là những lý do để làm ta hạnh phúc và thinh lặng. Tôi nghĩ đến Elsa và Cyril ra về trên chiếc mô tô, quà sinh nhật của mẹ anh. Tôi cảm thấy tội nghiệp họ đến độ tôi suýt khóc. Xe của Anne được chế tạo cho say ngủ. Nó êm như mơ, không ồn ào như mô tô. Tôi nghĩ đến bà Webb trằn trọc trong đêm. Chẳng còn ngờ chi nữa khi bằng tuổi bà, tôi cũng sẽ phải trả tiền để có người yêu tôi, bởi tình yêu là thứ tuyệt vời nhất trên đời. Tình yêu xứng đáng với giá mà ta phải trả. Điều quan trọng là đừng trở nên cay đắng và ghen tức, như bà ta đối với Elsa và Anne. Tôi bật cười khúc khích. Anne nhích bờ vai để đầu tôi gối vào chỗ trũng êm ái.

 "Ngủ đi cháu," cô hạ lệnh.

 Tôi bèn ngủ.

 

TÁM

 Sáng hôm sau thức dậy tôi cảm thấy sảng khoái, trừ một chút đau nhức nơi cổ. Giường tôi ngập nắng, cũng như mọi buổi sáng. Tôi lật tấm chăn mỏng và quay lưng ra nắng. Nắng ấm và dễ chịu, như thấm vào tận xương tủy. Tôi quyết định nằm ỳ ở đó nguyên buổi sáng.

 Tôi miên man nhớ những chuyện xảy ra đêm qua. Tôi nhớ tôi nói với Anne rằng Cyril là người tình của tôi. Buồn cười ở chỗ, khi đang say dù ta có nói ra sự thật cũng không ai tin. Tôi nghĩ đến bà Webb. Tôi biết loại người đó; các bà cùng lứa tuổi, cùng giai cấp này thường trở thành khó chịu vì họ không đủ cơ hội hưởng thụ cuộc đời. Phong thái điềm đạm, chững chạc của Anne càng làm nổi bật sự ngu dốt và buồn tẻ của bà Webb. Đúng như tôi nghĩ. Tôi không thể tưởng tượng ra một ai trong số bạn bè của cha tôi có thể sánh bằng Anne. Để chịu đựng họ, hoặc ta phải uống say hoặc ta phải thích thú tranh chấp với một người hay cả bọn. Dễ dàng cho cha tôi: Charles Webb và ông đều là những tay phóng đãng. "Đố ông biết con bé nào sẽ ăn tối và ngủ với tôi đêm nay? Con Mars đấy, trong phim mới nhất của Saurel. Tôi đến nhà Dupuis và rồi ..." cha tôi sẽ cười, vỗ vai ông ta.

 "Ông may lắm! Cô ấy xinh gần bằng Elsa."

 Họ nói chuyện với nhau như sinh viên, nhưng tôi thích sự sống động của họ. Rồi những đêm vô tận ở các quán cà phê lộ thiên, và câu chuyện tình đau khổ của Lombard. "Nàng là người duy nhất mà tôi yêu, Raymond! Ông còn nhớ mùa xuân ấy, trước khi nàng bỏ tôi?" "Có ngu ngốc không khi người đàn ông tận hiến cuộc đời của hắn cho một người đàn bà?" Đó là một phần nhỏ của câu chuyện sống sượng, câu chuyện ngượng ngùng nhưng bỏng cháy của hai người đàn ông nói cho nhau nghe "tất cả" ở bàn nhậu.

 Có lẽ bạn của Anne không bao giờ nói về chính họ. Có thể họ không có những cuộc phiêu lưu như thế. Mà nếu họ có nói chút gì về họ đi nữa, họ cũng sẽ kèm theo một nụ cười hối lỗi. Chưa gì, với bạn bè của mình, tôi đã có một thái độ kẻ cả như Anne đã có; việc này dễ lây lan. Một mặt khác, đến độ tam tuần, tôi sẽ giống họ nhiều hơn giống Anne, rồi sự im lặng của cô, sự lạnh lùng, xa cách của cô có lẽ sẽ làm cho tôi chết ngộp. Mười lăm năm nữa, với một chút rã rời, tôi sẽ lã lơi nghiêng mình tới một anh chàng cũng chán chường không kém, và sẽ nói:

 "Người tình đầu tiên của tôi tên là Cyril. Dạo ấy tôi vừa mười tám. Trời nóng bên bờ biển ..."

 Tôi hình dung ra gương mặt của ông ta. Da cũng có một ít nếp nhăn như cha tôi.

 Có tiếng gõ cửa. Tôi khoác áo pyjamas vào và nói, "Xin mời!" Anne đứng đó, cẩn thận cầm một cái tách trên tay.

 "Cô nghĩ có lẽ cháu muốn uống một chút cà phê. Cháu khỏe không?"

 "Khỏe a," tôi trả lời. "Chắc tối hôm qua cháu say lắm, phải không?"

 "Như mọi khi!" cô cười. "Cháu thú vị lắm. Nhưng phải nói, đêm qua thật buồn chán."

 Tôi quên mất mặt trời, quên cả cà phê của tôi. Tôi hoàn toàn cuốn hút vào câu chuyện của Anne. Tôi không nghĩ về bản thân, tuy thế cô lại là người khiến tôi phải lục lọi tìm hiểu động lực của mình. Cuộc sống của tôi, qua cô, mãnh liệt hơn.

 "Cécile, cháu có thấy những người như ông bà Webb hay Dupuis hấp dẫn hay không?"

 "Thường thì họ khủng khiếp lắm, nhưng buồn cười."

 Anne ngắm một con ruồi đang đậu ở sàn nhà. Lông mi của cô dài và rậm; rất dễ làm cô trông như đang hạ cố.

 "Cháu có thấy đối thoại của họ tẻ nhạt đến dường nào chăng? Những câu chuyện không dứt về gái đẹp, về áp phe và tiệc tùng không làm cháu chán ngấy?"

 "Sau mười năm nội trú trường bà phước," tôi đáp, "cháu e rằng sự thiếu đạo đức của họ lại chính là điều lôi cuốn."

 Tôi không dám thêm vào, tôi cũng thích nó.

 "Những hai năm?" cô nói. "Tuy nhiên, vấn đề không phải ở chỗ hợp lý hay hợp đạo đức; mà lại là vấn đề có hay không, khả năng phân biệt cảm nhận về mặt thẩm mỹ và trí tuệ, một loại giác quan thứ sáu."

 Tôi nghi mình không có khả năng ấy. Tôi thấy rõ tôi thiếu sót thứ này.

 "Anne," tôi đột ngột hỏi, "cháu có thông minh hay không?"

 Cô bật cười, ngạc nhiên vì sự thẳng thắn của câu hỏi.

 "Dĩ nhiên! Sao cháu lại hỏi?"

 "Nếu cháu là một con ngốc, cô cũng sẽ trả lời y hệt," Tôi thở dài. "Cháu thường bị choáng ngợp bởi sự xuất sắc của cô."

 "Đó chỉ là vấn đề tuổi tác," cô đáp. "Sẽ đáng buồn, nếu cô không tự tin hơn cháu hay nếu cô bị cháu chế ngự!"

 Cô cười nhưng tôi thấy khó chịu.

 "Như vậy chưa hẳn là xấu."

 "Như vậy sẽ là một thảm họa," cô khẽ nói.

 Thình lình cô ngưng giọng diễu cợt và nhìn thẳng vào tôi. Lập tức tôi cảm thấy lúng túng, tay chân thừa thãi. Cho đến giờ này, tôi vẫn chưa thể quen với việc bị người khác nhìn tôi chòng chọc, hay ghé sát gần để chắc chắn tôi đang lắng nghe. Ý nghĩ duy nhất của tôi sẽ là trốn chạy. Tôi sẽ ậm ừ "vâng ạ" trong khi từ từ lui ra xa. Sự kiên trì và ương ngạnh của họ làm tôi nổi điên. Họ lấy quyền gì để sửa sai tôi? May mắn là Anne không dùng những kế sách này, nhưng cô thật sự nhìn xoáy vào mặt tôi, khiến tôi không thể nào nói chuyện một cách lông bông nữa.

 "Cháu có biết những người như Webb rồi sẽ ra sao không?" cô nói.

 Tôi nghĩ thầm, "Và những người như cha cháu."

 "Lọt dưới sông," tôi cợt nhã nói.

 "Rồi sẽ có lúc họ không còn quyến rũ hay bảnh bao. Họ không thể uống rượu nữa, nhưng họ vẫn thèm muốn đàn bà. Đến khi ấy để thoát khỏi cô độc, họ phải chi trả một món tiền lớn và hạ tiêu chuẩn của họ xuống. Lúc ấy họ sẽ là đề tài đàm tiếu của thế gian. Họ sẽ trở nên ủy mị và hay bẩn gắt. Cô đã gặp nhiều người như thế."

 "Tội nghiệp ông Webb!" tôi đáp.

 Tôi xúc động. Như vậy, đó là số phận của cha tôi trong tương lai? Hay ít ra, cũng là số phận mà Anne mong cứu vãn.

 "Cháu không bao giờ nghĩ đến chuyện ấy, phải không?" Anne nói, với một nụ cười thương xót. "Cháu không nghĩ ngợi mấy tới tương lai, phải không? Nhưng mà thôi, đó là đặc quyền của tuổi trẻ."

 "Xin đừng ném tuổi trẻ của cháu vào mặt cháu như thế! Cháu chưa bao giờ dùng nó làm cớ để bào chữa hay lấy ưu thế. Cháu chưa hề gán ghép tính cách quan trọng cho nó."

 "Thế cháu nghĩ chuyện gì mới quan trong? Sự bình an cho tâm trí của cháu? Hay là tự do của cháu?"

 Tôi khiếp sợ những cuộc đối thoại như thế, nhất là với Anne.

 "Cháu chẳng nghĩ gì cả," tôi trả lời. "Cô biết rõ là hiếm khi nào cháu lại suy nghĩ."

 "Hai cha con cháu thỉnh thoảng làm cô bực hết sức. Cháu không nghĩ về tuổi trẻ. Cháu không có một suy nghĩ nào ra hồn. Cháu không biết gì hết. Cháu thật tình thỏa mãn làm một người như thế?"

 "Cháu không tự mãn. Cháu không yêu thích mình, và cháu cũng không gắng sức yêu thích mình. Nhiều lần cô đã ép buộc cháu phức tạp hóa cuộc đời của cháu. Cháu hận cô vì thế."

 Cô bắt đầu âm ư trong miệng một giai điệu, vẻ mặt trầm ngâm. Tôi nhận ra điệu nhạc quen thuộc, nhưng tôi không biết tên bản nhạc.

 "Tựa của bài đó là gì hở Anne? Nó làm cháu điên tiết."

 "Cô không biết," cô trả lời, ra vẻ chán chường. "Cháu nằm nghĩ đây. Cô sẽ tiếp tục nghiên cứu trí tuệ của gia đình ta ở một chỗ khác."

 Tôi nghĩ cha tôi sẽ dễ dàng thoát khỏi. Tôi có thể tưởng tượng ông nói, "Anh không nghĩ về một chuyện gì khác, trừ chuyện yêu em, Anne." Mặc dù thông minh, Anne sẽ chấp nhận đó là một lý do đúng đắn. Tôi lười lĩnh duỗi tay chân, và vùi đầu trong gối. Anne chỉ giỏi bi kịch hóa tình thế, tôi nghĩ. Hai mươi năm nữa, cha tôi sẽ là một người đàn ông thân thiện với mớ tóc bạc, nghiền whiskey và những hồi tưởng sống động. Chúng tôi sẽ đi chơi với nhau; đến lượt tôi kể ông nghe những cuộc phiêu lưu của tôi, và ông sẽ dạy bảo tôi. Tôi nhận thấy trong tâm tưởng của mình, Anne đã bị loại bỏ. Anne đã bị tôi loại trừ khỏi tương lai; tôi không thấy cách gì để làm cho Anne phù hợp với nó.

 Trong sự náo loạn của căn nhà bừa bộn của chúng tôi ở Paris, lúc đìu hiu, lúc đầy hoa nở, sân khấu của rất nhiều cảnh tượng khác nhau, thường ngỗn ngang hành lý, không biết tại sao đôi lúc tôi không thể hình dung được khúc dạo đầu của trật tự, của hòa bình và yên tĩnh, của cảm giác hài hòa, đi theo Anne khắp nơi, như món quà quý báu nhất của Anne. Tôi khiếp sợ tới chết sự nhàm chán. Nhưng tôi đã bớt sợ hãi ảnh hưởng của cô, kể từ cuộc tình với Cyril, nó đã giải phóng tôi khỏi nhiều mối lo âu. Tuy thế, tôi vẫn kinh sợ sự buồn tẻ và sự yên tĩnh hơn bất kỳ điều gì khác. Để đạt được bình an trong tâm hồn, cha tôi và tôi phải có nhộn nhịp kích động. Và Anne chưa sẳn sàng chấp nhận điều đó.

 

CHÍN

 Tôi đã nói nhiều về Anne và tôi, và rất ít về cha tôi. Tuy thế cha tôi giữ vai trò quan trọng nhất trong chuyện này, và tình cảm tôi dành cho ông sâu lắng và bền vững hơn tất cả những người khác. Tôi hiểu rõ ông, và cảm thấy quá gần gũi để có thể nói bừa bãi về ông, ông chính là người trên tất cả tôi muốn bào chữa và trình bày dưới một ánh sáng thuận lợi. Cha tôi không phù phiếm cũng không ích kỷ, ông chỉ nhẹ dạ không cách gì thay đổi. Tôi không thể nói rằng ông vô trách nhiệm hay thiếu những tình cảm sâu sắc. Ta không thể coi nhẹ tình thương của ông với tôi, hay cho rằng nó chỉ là thói quen của bậc sinh thành. Nếu tôi đau khổ, ông sẽ đau khổ cùng với tôi, hơn bất kỳ người khác, và, về phần mình, tôi hầu như tuyệt vọng ngày ông quay lưng như thể bỏ rơi tôi, một tuyệt vọng chưa hề gặp trong đời. Tôi luôn luôn được ông coi trọng hơn những cuộc tình của ông. Nhiều đêm, đưa tôi về nhà sau khi tan tiệc, hẳn ông phải bỏ lỡ thứ mà Webb bạn của ông gọi là "cơ hội bằng vàng." Một mặt khác, tôi không thể phủ nhận rằng ông hay thay đổi và luôn chọn con đường dễ dàng nhất. Ông không bao giờ suy tư. Ông thường giải thích mọi việc trên cơ sở sinh lý học, mà ông cho là hợp lý. "Con không hài lòng với bản thân? Chỉ cần ngủ nhiều hơn một chút và uống ít hơn một chút!" Tương tự, đôi khi ông mê mệt một người đàn bà đặc biệt nào đó. Ông không bao giờ nghĩ đến việc chế ngự hay nâng niềm ham muốn ấy lên một mức độ thanh cao hơn. Ông là người duy vật, cho dù tử tế và rộng lượng, với một chút tao nhã. Nỗi ham muốn Elsa làm ông khó chịu, nhưng không theo cách ta nghĩ. Ông không tự nhủ: "Mình muốn phản bội Anne, như vậy có nghĩa là mình yêu cô ấy ít hơn," mà ông sẽ nghĩ: "Ham muốn Elsa là một phiền toái. Ta cần sớm vượt qua, nếu không sẽ lôi thôi với Anne." Hơn nữa ông yêu và ngưỡng mộ Anne. Cô khác với những người đàn bà ngu độn, nhẹ dạ mà ông quen biết những năm gần đây. Cô đáp ứng cùng một lúc lòng kiêu căng, thói ham mê nhục dục và tính đa cảm của ông, vì cô hiểu rõ ông. Cô bổ túc ông với trí tuệ và kinh nghiệm của cô. Tuy nhiên tôi không tin là ông biết cô quan tâm đến ông sâu đậm dường nào. Ông nghĩ về cô như một người tình lý tưởng cho ông, một người mẹ lý tưởng cho tôi, tuy nhiên tôi không thể hình dung ra, ông cho cô là một người vợ lý tưởng cho ông -- với tất cả những hệ lụy của nó. Chắc chắn trong mắt Cyril và Anne, ông cũng như tôi, là những người bất thường, có thể nói vậy. Việc ông không coi trọng lối sống của ông, tuy thế, không ngăn ông làm cho lối sống đó hấp dẫn hơn hay đặt tất cả sinh lực vào đó.

 Tôi không quan ngại đến cha tôi khi lập mưu loại trừ Anne khỏi cuộc đời chúng tôi. Tôi biết ông sẽ tìm an ủi với một cô gái khác, như ông đã từng. Một dứt khoát quyết liệt với Anne sẽ ít đau lòng về lâu về dài hơn là làm một người chồng có cuộc sống mẫu mực. Là đối tượng bị khép vào khuôn khỏ chính là điều sẽ hủy diệt ông, cũng như tôi. Chúng tôi cùng chung dòng máu. Đôi khi tôi nghĩ chúng tôi là dân du mục, một sắc tộc thuần chủng và xinh đẹp, còn những người khác thuộc về dòng dõi cằn cỗi, héo tàn của những người ham mê sắc dục.

 Trong thời khắc ấy cha tôi đang đau khổ, hay ít ra cũng cảm thấy tuyệt vọng. Elsa là biểu tượng của tuổi trẻ và cuộc đời vui nhộn vừa qua của ông, bên trên tuổi trẻ của ông. Tôi biết ông tha thiết muốn nói với Anne:

 "Em yêu, cho anh đi một ngày thôi. Anh phải chứng tỏ với anh, bằng sự giúp đỡ của Elsa, anh không phải là một ông già hủ lậu."

 Nhưng nay chuyện ấy không thể xảy ra, không phải vì Anne ghen tuông, hay quá đạo đức để bàn thảo những đề tài như thế, mà vì cô đã quyết định sống với ông theo cách riêng của cô. Cô quyết tâm chấm dứt kỷ nguyên của sự phù phiếm và đồi trụy, chấm dứt hành vi trẻ con của ông. Cô đã phó thác cuộc đời cho ông và trong tương lai ông phải cư xử đàng hoàng, không còn là nô lệ của các thói hư tật xấu. Ta không thể trách Anne; quan điểm của cô hết sức bình thường và hợp lý. Tuy thế nó không thể giữ cho cha tôi khỏi ham muốn Elsa, không thể giữ sự thèm khát của ông càng ngày càng tăng khi chị ấy vẫn ngoài tầm tay."

 Trong thời điểm ấy tôi hoàn toàn tin tưởng là tôi có thể xếp đặt mọi chuyện. Tôi chỉ cần bảo Elsa đến gặp cha tôi, và cho ông làm tình chóng vánh. Tôi có thể dựa vào một nguyên cớ nào đó, dễ dàng thuyết phục Anne theo tôi đến Nice một buổi chiều. Khi về nhà chúng tôi sẽ thấy cha tôi nhẹ nhàng thoải mái, và biết quý trọng thứ tình cảm hợp pháp, hay, nói đúng hơn, thứ tình cảm sắp sửa được hợp pháp hóa. Nhưng Anne không thể chịu đựng ý nghĩ mình cũng là tình nhân, như những người khác. Cô đã làm cuộc đời của chúng tôi khốn khổ đến dường nào, bởi phẩm giá và tự trọng của cô.

 Nhưng tôi không nói gì với Elsa, cũng không mời Anne đi Nice với tôi. Tôi muốn lòng ham muốn của cha tôi nung nấu cho đến lúc không thể chịu nổi ông sẽ tự đầu hàng. Tôi không thể chịu đựng sự khinh miệt của Anne với quá khứ của chúng tôi, thái độ khinh khỉnh của cô với thứ đã là hạnh phúc của chúng tôi. Tôi không muốn làm nhục cô, chỉ muốn cô phải chấp nhận lối sống của chúng tôi. Vì thế rất cần để cô khám phá ra sự lang chạ của ông, nếu ta nghĩ một cách chủ quan chỉ là một sự nuông chìu thể xác, chứ không phải là một cuộc tấn công vào phẩm cách của cô. Nếu bằng mọi giá cô muốn là cô đúng ở mọi việc, chúng tôi cần phải sai lầm.

 Tôi còn giả vờ không để ý đến hoàn cảnh của cha tôi. Không đời nào tôi làm người trung gian cho ông bằng cách chuyển lời của Elsa, hay lôi kéo Anne mà dọn chỗ cho họ. Tôi phải giả vờ coi như Anne và tình yêu của ông dành cho cô là thiêng liêng, và thú thật chuyện ấy chẳng có gì khó với tôi. Ý tưởng rằng ông có thể phản bội và thách thức cô khiến tôi kinh khiếp và sợ hãi mông lung.

 Trong khi ấy chúng tôi đã có nhiều ngày hạnh phúc. Tôi tận dụng mọi cơ hội để hướng sự chú ý của cha tôi vào Elsa. Gương mặt của Anne không làm tôi hối hận nữa. Đôi khi tôi tưởng tượng rằng cô sẽ chấp nhận tất cả, và chúng tôi có thể sống một cuộc đời thích hợp với cả ba người. Tôi thường gặp Cyril. Chúng tôi bí mật yêu nhau và tôi mê đắm như bị bỏ bùa trong mùi nhựa thơm lá dương, trong âm thanh của biển, và sự tiếp xúc với thân thể anh.

 Cyril bắt đầu tự hành hạ bản thân. Anh ghét vai trò mà tôi bắt anh phải đóng, và anh tiếp tục chỉ vì tôi làm cho anh tin rằng việc đó cần thiết cho tình yêu của chúng tôi. Tất cả những thứ này cần rất nhiều gian dối, và phần lớn phải làm một cách lén lút. Nhưng tôi không mấy khó khăn để nói dối vài câu, và nói cho cùng, tôi là người chủ động, và là người độc nhất phán xét hành vi của tôi.

 Tôi sẽ lướt nhanh qua giai đoạn này, bởi tôi e rằng nếu xem xét tận tường, tôi sẽ làm sống lại những ký ức quá đau thương. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn còn nghẹn ngào nhớ lại chuỗi cười hạnh phúc của Anne, sự ân cần mà cô dành cho tôi. Mỗi khi nhớ lại giây phút ấy, lương tâm của tôi dày vò đến nỗi tôi phải làm bất kỳ điều gì có thể xoa dịu, như châm một điếu thuốc, đặt một dĩa hát lên máy, hay điện thoại một người bạn. Rồi dần dà tôi sẽ nghĩ qua chuyện khác. Nhưng tôi không thích trú ẩn trong quên lãng và phù phiếm, thay vì đối mặt với ký ức và tranh đấu với chúng.

 

MƯỜI

 Định mạng đôi khi xuất hiện dưới những hình tướng lạ lùng. Và mùa hè năm ấy nó mang hình bóng của Elsa, một người tầm thường, tuy quyến rũ. Chị có tiếng cười đặc sắc, bất ngờ và dễ lây lan, tiếng cười chỉ có ở những người khá khờ dại.

 Tôi sớm nhận ra ảnh hưởng của tiếng cười đó trên cha tôi. Tôi bảo chị hãy tận dụng nó mỗi khi chúng tôi "tình cờ" bắt gặp chị với Cyril. Chỉ thị của tôi là: "Khi chị biết tôi và cha tôi sắp đến gần, đừng nói gì, chỉ cười." Và khi tiếng cười vang lên, cơn giận hiện trên mặt cha tôi. Vai trò đạo diễn của tôi tiếp tục đầy kích động. Không bao giờ sai mục tiêu, bởi mỗi khi chúng tôi nhìn thấy Cyril và Elsa công khai bày tỏ mối quan hệ tưởng tượng của họ, cả cha tôi và tôi đều tái mặt vì xúc động mãnh liệt. Cảnh Cyril cúi xuống bên Elsa làm tim tôi nhói đau. Trong phút chốc, tôi nghĩ tôi có thể đánh đổi mọi thứ ở thế gian để ngăn cản họ, quên mất người bày độc kế chính là tôi.

 Ngoài những sự kiện này, ngày của chúng tôi tràn đầy lòng tự tin, sự dịu dàng và (tôi ghét chữ này) hạnh phúc của Anne. Cô gần với hạnh phúc hơn bao giờ hết, kể từ lúc đến với chúng tôi, những người ích kỷ. Cô tách rời khỏi các ham muốn bạo liệt của chúng tôi, khỏi mưu kế ti tiện của tôi. Tôi hy vọng bản chất xa vắng và kiêu kỳ của cô sẽ khiến cô không cố sức giữ chật ông, hy vọng cô chỉ dựa trên nhan sắc, trí thông minh, và tình yêu với bản thân cô. Tôi bắt đầu tội nghiệp cô, và thương hại là một cảm giác dễ chịu, làm cho tinh thần phấn chấn như những khúc quân hành.

 Một sáng đẹp trời chị giúp việc, háo hức ra mặt, trao tôi lá thư của Elsa.

 "Tất cả đều êm đẹp. Đến mau!"

 Tôi có cảm giác thảm họa sắp đổ ập xuống. Tôi ghét lúc cao trào vỡ kịch vỡ ra. Tôi gặp Elsa ngoài bãi; trông chị vẻ vang thắng lợi.

 "Chị vừa nói chuyện với cha em, một giờ trước đây."

 "Cha em nói gì?"

 "Cha em nói, ông rất tiếc về chuyện đã qua, ông đã cư xử như một tên vô lại. Đúng thật vậy, phải không em?"

 Tôi nghĩ tốt nhất tôi nên đồng ý.

 "Rồi cha em khen chị theo cách của ông ấy, em biết mà, mềm mỏng, hạ giọng, như thể ông đang đau khổ."

 Tôi ngắt lời chị.

 "Cha em muốn gì cơ chứ?"

 "Có muốn gì đâu ... Ơ mà, có. Cha em mời chị ra phố uống trà để chứng tỏ là chị không còn buồn giận và tha thứ cho ông ấy. Chị nên nhận lời không?"

 Quan niệm của cha tôi về nhu cầu tha thứ ở những cô tóc đỏ mới thú vị làm sao. Suýt chút nữa tôi đã nói rằng điều đó không ăn nhằm gì tới tôi. Rồi tôi nhớ ra, chị ấy tin rằng nhờ tôi mà chị ấy chiến thắng. Tuy vậy, tôi vẫn bực mình. Tôi cảm thấy mình sụp bẫy.

 "Em không biết, Elsa. Tùy chị. Chị luôn luôn hỏi em rằng chị phải làm gì. Người khác có thể lầm tưởng rằng em là người xúi giục ...."

 "Nhưng chính là em," chị nói. "Hoàn toàn nhờ em mà ..."

 Sự ngưỡng mộ trong giọng nói của chị bỗng nhiên làm tôi hoảng sợ.

 "Nếu chị muốn thì cứ đi, nhưng em lạy chị, đừng bàn tới chuyện này nữa!"

 "Nhưng, Cécile, chẳng phải mục đích của chúng ta là giải thoát cha em khỏi nanh vuốt của con mụ ấy?"

 Tôi chạy trốn. Cứ để cha tôi làm theo ý của ông, và Anne sẽ phải ứng phó theo cách tốt nhất mà cô có thể. Dù sao, tôi đang trên đường tìm gặp Cyril. Dường như tình yêu là phương thuốc duy nhất cho chứng bệnh lo âu dai dẳng.

 Cyril ôm tôi vào lòng. Không nói một lời anh dẫn tôi đi. Bên anh tất cả mọi việc trở nên dễ dàng, thu nạp năng lượng và lạc thú. Sau đó, nằm duỗi tay chân cạnh cơ thể rám nắng của anh, mình ướt đầm mồ hôi tôi có cảm tưởng như tâm tình bị cạn kiệt, linh hồn tôi tan tác lạc loài, và tôi nói với anh là tôi ghét tôi. Tôi mỉm cười khi nói vì, mặc dù tôi ngụ ý là vậy, nhưng không có chút đau đớn nào, chỉ có cảm giác nhẫn nhịn dễ chịu. Anh không tin là tôi nói thật.

 "Không sao. Anh yêu em nhiều đến độ anh sẽ làm cho em nghĩ về em như anh nghĩ về em."

 Suốt bửa ăn trưa, tôi nhớ lời anh nói: "Anh yêu em nhiều đến độ." Đó là lý do tại sao, dù cố gắng hết sức, tôi không thể nhớ nhiều cho mấy bửa ăn đó. Anne mặc áo đầm màu hoa cà, tím như bóng mắt ở mi dưới, tím như mắt cô. Cha tôi cười hớn hở, rõ ràng hài lòng với bản thân. Mọi chuyện đều diễn tiến thuận lợi cho ông. Lúc dùng món tráng miệng ông nói chiều nay ông cần phải ra phố mua sắm một ít thứ. Tôi mỉm cười với tôi. Tôi chán ngấy chuyện ấy và để mặc cho định mệnh đưa đẩy. Tôi chỉ muốn đi bơi.

 Lúc bốn giờ tôi xuống bãi. Tôi thấy cha tôi ngoài sân thượng, sắp sửa ra phố. Tôi không bắt chuyện với ông, nói chi tới việc nhắc nhở ông phải cẩn thận.

 Nước mềm và ấm. Chưa thấy Anne đâu. Tôi đoán cô còn ở trong phòng vẽ kiểu cho bộ sưu tâp mùa tới của cô. Trong khi ấy cha tôi sẽ tận dụng thời gian của ông với Elsa. Hai giờ sau, khi đã chán phơi nắng, tôi lên sân thượng, và, ngồi xuống ghế, mở tờ nhật báo.

 Ngay lúc đó Anne xuất hiện từ phía rừng thông. Cô chạy vụng về, nặng nhọc, khủy tay kẹp sát bên mình. Tôi có một ấn tượng bất thần và ghê rợn là một bà già đang chạy lại gần tôi, và bà sắp té. Tôi ngồi im; cô biến mất sau nhà, về hướng ga-ra. Trong khoảnh khắc như tia chớp tôi hiểu ra và tôi, cũng thế, khởi sự đuổi theo cô.

 Cô đã ngồi trong xe, mở máy. Tôi ào tới và nắm chặt cửa xe.

 "Anne, " tôi gào lên, "Đừng đi. Tất cả là một lầm lỗi. Cháu có tội. Cháu sẽ giải thích cho cô hiểu."

 Cô không để ý đến tôi, khom người nhả thắng.

 "Anne, chúng cháu cần cô!"

 Cô ngồi thẳng lên. Tôi thấy gương mặt của cô rúm ró, méo xệch. Cô đang khóc. Đó là lần thứ nhất tôi hiểu rằng tôi đã làm thương tổn một sinh vật có sự sống, có tình cảm chứ không phải chỉ là một cá tính. Cô, cũng vậy, ngày xưa chắc hẳn cô là một bé gái nhỏ nhắn, kín đáo, sau đó trở thành một thiếu nữ, và sau đó thành một người đàn bà... Hiện nay cô bốn mươi tuổi, và lẻ loi một mình. Cô yêu một người đàn ông, hy vọng sẽ sống mười hay hai mươi năm hạnh phúc với hắn. Phần tôi ... gương mặt khốn khổ đáng thương ấy là hậu quả của hành động của tôi.

 Tôi kinh hoàng. Toàn thân run rẩy tôi dựa vào cửa xe.

 "Cháu không cần ai," cô thầm thì ... "Cháu, cũng như cha cháu."

 Máy nổ đều. Tôi hoảng hốt. Cô không nên lái xe trong trạng thái ấy.

 "Hãy tha thứ cho cháu! cháu van cô..."

 "Tha thứ cho cháu! Về chuyện gì cơ?"

 Nước mắt ràn rụa trên mặt cô. Dường như cô không biết như vậy.

 "Tội nghiệp cháu bé bỏng của cô!" cô nói.

 Cô đặt tay lên má tôi một lát, rồi lái đi. Xe cô biến mất đàng sau nhà. Tôi chết điếng. Tất cả mọi việc đều xảy ra thật nhanh. Tôi nhớ lại lần nữa gương mặt của cô.

 Tôi nghe bước chân ai sau lưng tôi. Đó là cha tôi. Ông đã bỏ thì giờ lau vết son môi của Elsa trên mặt và phủi những đốt lá kim thông khỏi bộ đồ lớn. Tôi quay lại và chồm lên ông.

 "Cha khốn nạn lắm!"

 Rồi tôi khóc nức lên.

 "Nhưng có chuyện gì thế? Anne đâu rồi? Cécile, nói cho cha biết! Cécile!"

 

MƯỜI MỘT

 Mãi đến khi ăn tối cha tôi và tôi mới gặp nhau. Chúng tôi đều bồn chồn lo lắng vì bỗng dưng chỉ còn lại hai người, và cha tôi cũng như tôi đều không thấy ngon miệng. Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi cần có Anne. Tôi không chịu nổi khi nhớ lại nét mặt khủng hoảng của Anne trước khi bỏ đi, nỗi đau khổ của cô, và trách nhiệm của tôi. Tôi quên hẳn những thủ đoạn khôn khéo và kế hoạch tinh vi của tôi. Tôi lạc lõng, và dựa trên nét mặt của cha tôi, tôi đoán ông cũng vậy.

 "Con có nghĩ rằng," cha tôi nói, "cô ấy sẽ tránh không gặp mình một thời gian dài không?"

 "Con tin là cô ấy đã quay về Paris," tôi nói.

 "Paris!" cha tôi thẩn thờ như đang mơ.

 "Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại cô," tôi u sầu nói.

 Dường như không tìm được lời diễn tả, cha tôi với tay ngang mặt bàn, cầm tay tôi.

 "Chắc con giận cha lắm. Cha không biết cái gì nhập vào cha. Cha đi với Elsa qua rừng thùy dương về nhà ... và cha ... ơ...cha hôn cô ấy, và chắc vừa lúc đó, Anne trờ tới."

 Tôi không nghe ông nói gì cả. Hình tượng Elsa và cha tôi ôm ấp dưới rặng thùy dương đầy kịch tính và siêu thực, và tôi không thể hình dung ra nó. Ký ức sống động duy nhất của ngày hôm ấy là cái liếc mắt sau chót của tôi đến gương mặt của Anne, đau đớn và phản bội. Tôi nhón một điếu trong gói thuốc lá của cha tôi và châm lửa. Hút thuốc trong khi ăn là một điều tối kỵ với Anne.

 Tôi mỉm cười với cha tôi. "Con hiểu rõ. Cha không có lỗi gì cả. Đó là một phút lầm lở, như người ta nói. Chúng ta cần van nài Anne tha thứ cho chúng ta, hay đúng ra, tha thứ cho cha."

 "Chúng ta nên làm thế nào đây?" ông hỏi tôi.

 Trông ông mệt mỏi. Tôi thấy thương hại ông, và cả tôi. Nói cho cùng, vì sao Anne lại phản ứng như thế, lìa bỏ chúng tôi trong cơn hoạn nạn, làm chúng tôi đau đớn chỉ vì một thoáng điên rồ?

 Chẳng phải cô đã lãnh phần chăm sóc chúng tôi?

 "Ta hãy viết cho cô ấy," sau cùng tôi nói. "Xin cô ấy tha thứ cho chúng ta."

 Thế là cuối cùng cha tôi tìm ra một phương cách để chạy trốn trạng thái sững sờ và ân hận suốt ba giờ vừa qua. Chưa ăn xong, nhưng chúng tôi gấp khăn trải bàn lại. Cha tôi đi lấy đèn, bút mực và một ít giấy. Chúng tôi ngồi đối diện, hầu như mỉm cười vì sự chuẩn bị của chúng tôi gây cảm tưởng là Anne có thể quay về. Một con dơi bay vòng vòng ngoài cửa sổ. Cha tôi bắt đầu viết.

 Một cảm giác gớm ghiếc và kinh tởm không chịu được dâng lên khi tôi nhớ lại những lá thư lai láng tình cảm mà chúng tôi viết đêm ấy, ngồi dưới ánh đèn như hai đứa học trò vụng về, im thin thít trong cố gắng lôi kéo Anne trở lại. Tuy thế chúng tôi cũng sản xuất được hai tác phẩm nghệ thuật, đầy những lời bào chữa, đầy tình yêu và lòng ân hận. Khi tôi viết xong thư của tôi, tôi thấy chắc chắn Anne sẽ không kháng cự được, và sự hòa giải là chuyện hiển nhiên. Tôi hình dung quang cảnh cô tha thứ chúng tôi. Nó sẽ xảy ra tại phòng khách của chúng tôi ở Paris. Anne sẽ bước vào và ...

 Ngay lúc đó chuông điện thoại vang lên. Mười giờ tối. Chúng tôi trao đổi ánh mắt ngạc nhiên sớm chuyển thành hy vọng. Có lẽ đó là Anne gọi cho chúng tôi nói rằng cô tha th ứ và sẽ trở về. Cha tôi phóng tới điện thoại và reo lên: "Hello!" giọng mừng rỡ.

 Rồi ông chẳng nói gì ngoại trừ: "Vâng, vâng! Ở đâu? Vâng!" thì thào rất nhỏ hầu như không nghe được. Tôi bật dậy, run rẩy vì sợ. Cha tôi tự động lấy tay che miệng. Một lúc sau, ông đặt ống nghe vào máy và quay sang tôi.

 "Cô ấy gặp tai nạn," ông nói. "Trên đường đến Esterel. Phải mất một thời gian người ta mới tìm được địa chỉ của cô ấy. Họ gọi điện thoại đến Paris và từ đó kiếm được số điện thoại của mình."

 Ông nói tiếp giọng đều đều, và tôi không dám ngắt lời.

 "Tai nạn xảy ra tại một điểm nguy hiểm nhất. Dường như đã có nhiều tai nạn xảy ra nơi đó. Xe lăn gần năm mươi mét xuống vực. Nếu Anne còn sống thì đó là một phép lạ."

 Tôi chỉ nhớ phần còn lại trong đêm như một người nhớ cơn ác mộng: mặt đường dâng nhanh dưới ánh đèn pha, nét mặt vô hồn của cha tôi, lối vào bịnh viện. Cha tôi không cho tôi gặp cô. Tôi ngồi trên một băng ghế ở phòng chờ, nhìn một bản in tranh vẽ Venice. Đầu tôi rỗng tuyếch. Một cô y tá nói với tôi đây là tai nạn thứ sáu tại đó kể từ đầu hè. Một lúc lâu cha tôi mới trở lại.

 Rồi tôi chợt hiểu ngay cả trong cái chết, Anne cũng chứng tỏ với chúng tôi rằng cô rất khác biệt. Nếu chúng tôi muốn tự vẫn, giả dụ như chúng tôi có đủ can đảm, sẽ là một viên đạn vào đầu, cùng một tờ tuyệt mạng để lại với ý định làm điêu đứng những người đã dẫn chúng tôi đến hành động ấy. Nhưng Anne tặng chúng tôi một món quà huy hoàng, cho phép chúng tôi tin rằng đó là tai nạn. Một vị trí hiểm trở, một chiếc xe dễ lạc tay lái. Đó là món quà mà chúng tôi sẽ đủ yếu đuối mà đón nhận. Trong bất kỳ trường hợp nào, ý tưởng của tôi cho đó là một vụ quyên sinh, quả là lãng mạn. Có ai thèm chết vì những người như cha tôi và tôi, những người không cần đến ai, còn sống hay đã thành ma? Cha tôi và tôi không bao giờ nói với nhau về cái chết của Anne như một điều gì khác hơn là tai nạn.

 Khoảng ba giờ chiều hôm sau chúng tôi về lại nhà. Elsa và Cyril chờ chúng tôi, ngồi trên những bậc thềm. Họ như hai vai hài, bị lãng quên trong một bi kịch. Cả hai đều không quen Anne, hay yêu cô. Họ ngồi đó với mối tình vụn, bề ngoài xinh đẹp và nỗi hỗ thẹn của họ. Cyril lại gần tôi và đặt tay lên vai tôi. Tôi nhìn anh: tôi chưa bao giờ yêu anh! Tôi thấy anh ngọt ngào và hấp dẫn. Tôi yêu lạc thú mà anh đã cho tôi, nhưng tôi không cần anh. Tôi sẽ bỏ đi, để lại ngôi biệt thự, khu vườn và mùa hè năm ấy. Cha tôi đến cạnh tôi. Ông cầm tay tôi và dẫn tôi vào nhà.

 Trong nhà hãy còn cái áo jacket của Anne, hoa của cô, phòng của cô, mùi hương của cô. Cha tôi khép cửa chớp, lấy một chai rượu từ tủ lạnh và hai cái cốc. Đó là một liệu pháp có sẳn trong tay. Thư xin lỗi của chúng tôi vẫn còn trên bàn. Tôi lấy tay phủi, chúng rơi chầm chậm xuống sàn. Cha tôi, đang đi tới tay cầm ly rượu đầy, ngần ngừ, rồi tránh ra. Tôi thấy việc ấy rất tiêu biểu. Tôi cầm ly của mình và nốc cạn. Phòng nửa sáng nửa tối. Tôi thấy bóng của cha tôi in đậm trước khung cửa sổ. Biển vẫn rạt rào sóng vỗ.

 

MƯỜI HAI

 Đám tang cử hành ở Paris một ngày đẹp trời. Vẫn là đám đông y phục đen tò mò như thường lệ. Cha tôi và tôi bắt tay những người thân cao tuổi của Anne. Tôi để ý nhìn họ; lẽ ra họ có thể đến nhà chúng tôi dùng trà mỗi năm một lần. Mọi người nhìn cha tôi với ánh mắt xót xa. Chắc Webb đã loan truyền cuộc hôn nhân bất thành của cha tôi. Tôi thấy Cyril tìm tôi sau buổi lễ, nhưng tôi tránh anh. Biết rằng oán hận anh là vô căn cứ, nhưng tôi không thể làm khác hơn. Mọi người đều thương tiếc tai nạn thảm khốc, vô nghĩa ấy, và, vì tôi vẫn không chắc đó là một tai nạn, nên tôi thấy nhẹ lòng hơn.

 Trong xe trên đường lái về nhà, cha tôi cầm tay tôi và xiết chặt. Tôi nghĩ: "Bây giờ chỉ còn lại cha với mình. Chúng ta cô độc và không hạnh phúc." Lần thứ nhất tôi khóc. Nước mắt xoa dịu hồn tôi. Chúng không giống chút nào cõi hư vô kinh khủng mà tôi cảm nhận ở bệnh viện trước bức tranh Venice. Cha tôi lẳng lặng đưa khăn tay cho tôi. Gương mặt của ông tan nát thảm sầu.

 Trong một tháng chúng tôi sống như một ông góa và đứa con mồ côi, ăn chung tất cả bửa ăn và ngồi rịt trong nhà. Thỉnh thoảng chúng tôi nhắc tới Anne. "Có nhớ ngày mà ..." Chúng tôi cẩn thận lựa lời, và tránh nhìn vào mắt nhau, e rằng sẽ gợi lên những niềm đau, hay một thứ gì không thể sửa đổi sẽ chen vào giữa. Sự thận trọng và dè dặt của chúng tôi đưa đến một đền bù. Chẳng bao lâu chúng tôi đã có thể nhắc đến Anne như một người bạn yêu quý, người mà chúng tôi có thể chia sẻ hạnh phúc, nhưng Chúa đã sớm gọi về Trời. Tôi viết là Chúa, không phải định mệnh -- nhưng chúng tôi không tin Chúa. Trong những trường hợp này, chúng tôi lấy làm biết ơn là chúng tôi tin vào số phận.

 Rồi một ngày kia ở nhà bạn, tôi gặp người em họ của Anne và tôi thích anh và anh thích tôi. Suốt một tuần tôi liên tiếp đi chơi với anh, và cha tôi, một người không thể gánh chịu cô đơn, làm theo tôi, với một người đàn bà trẻ khá nhiều tham vọng. Cuộc đời lại xuôi theo dòng chảy của nó, như đã định. Bấy giờ, khi chỉ có cha tôi và tôi với nhau, chúng tôi nói đùa tán về những cuộc chinh phục mới nhất của chúng tôi. Cha tôi hẳn phải đoán rằng tình bạn của tôi với Philippe không thể nào tinh khiết, và tôi biết rất rõ ông phải chi quá nhiều cho cô bạn mới của ông. Nhưng chúng tôi hạnh phúc. Mùa đông sắp sửa kết thúc. Chúng tôi sẽ không thuê lại ngôi biệt thự ngày xưa, mà sẽ thuê một căn mới, gần Juan-les-Pins.

 Chỉ khi tôi nằm trên giường, lúc rạng đông, lắng nghe tiếng xe chạy bên dưới trên những đường phố Paris, ký ức của tôi mới phản bội. Mùa hè năm ấy trở lại trong tôi với tất cả những kỷ niệm của nó. Anne, Anne, tôi khe khẻ lập lại trong bóng tối. Một thứ gì đó trào dâng trong tôi mà tôi gọi thành tên, và nhắm mắt. Bonjour, tristesse! Buồn ơi, chào mi!

Dịch : Lan Huệ

Truyện khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art