Thứ Ba, 31 Tháng Bảy, 2012

Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro : The Snows of Kilimanjaro

Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro : The Snows of Kilimanjaro by Ernest Hemingway

Kilimanjaro là ngọn núi tuyết phủ cao 19,710 feet và được coi là ngọn núi cao nhất Phi Châu. Đỉnh phía tây mang tên Masai "Ngàje Ngà,", Nhà của Thượng Đế. Gần đỉnh phía tây có một cái xác khô và đông cứng của một con báo. Không ai giải thích được con báo đã tìm kiếm gì ở cao độ đó.

 "Tuyệt ở chỗ là nó không gây đau đớn gì cả," chàng nói. "Nhờ đó mà ta biết nó bắt đầu."

"Thật thế ư?"

"Thật mà. Dù sao anh rất ái ngại vì cái mùi hôi thối. Hẳn nó làm em khó chịu."

"Xin đừng!"

"Nhìn chúng kìa," chàng nói. "Giờ thì không biết cảnh tượng hay mùi hương, thứ nào đã lôi kéo chúng tới đây?"

Cái chõng người đàn ông nằm đặt dưới bóng một cây mimosa tàn rộng và khi chàng đưa mắt qua khỏi bóng râm nhìn về phía vùng ánh sáng chói chang của cánh đồng nơi ba con chim to chồm chổm ngồi, trong khi trên trời có chừng một tá khác đang bay lượn, mỗi khi bay qua chúng để lại những bóng râm lướt nhanh trên mặt đất.

"Chúng có mặt ở đây từ lúc xe tải bị hỏng máy," chàng nói. "Hôm nay lần đầu tiên có đứa đậu xuống. Mới đầu anh quan sát cách chúng đã cẩn thận nghiêng mình như thế nào để nhỡ khi anh cần phải đưa vào truyện. Giờ thì thấy buồn cười."

"Em ước gì anh đừng," nàng nói.

"Anh chỉ nói mà thôi," chàng nói. "Dễ dàng hơn nhiều khi anh nói. Nhưng anh không muốn làm em bực."

"Anh biết cái đó không làm em bực," nàng nói. "Em chỉ nóng nảy vì không thể làm được chuyện gì. Em nghĩ chúng ta có thể giữ cho mọi thứ nhẹ nhàng dễ chịu cho đến khi có chuyến phi cơ."

"Hay đến khi không có chuyến phi cơ."

"Xin nói cho em biết em có thể làm gì. Phải có một việc gì đó em có thể làm."

"Em có thể cưa chân anh và không chừng sẽ chấm dứt, tuy anh ngờ lắm. Hay em có thể bắn bỏ anh. Bây giờ em là một tay súng cừ khôi. Anh dạy em bắn, phải không nào?"

"Xin anh đừng nói thế. Em đọc cho anh nghe nhé?"

"Đọc gì ?"

"Bất cứ sách gì trong giỏ mà chúng ta chưa đọc."

"Anh không thể nghe," chàng nói. "Nói chuyện là dễ nhất. Chúng ta cãi nhau và thời gian sẽ qua mau."

"Em không cãi. Không bao giờ em muốn. Đừng cãi nhau nữa. Cho dù chúng ta có lo âu cách mấy. Hôm nay có thể họ sẽ trở lại với một chiếc xe tải khác. Có thể sẽ có phi cơ."

"Anh không muốn đi đâu cả," người đàn ông nói."Việc di chuyển bây giờ không có ích gì, ngoại trừ dễ dàng cho em ." 

"Như thế là hèn nhát."

"Em không thể để cho một người sắp chết được yên thân mà không thóa mạ người ấy sao? Lăng nhục anh để làm gì nhỉ?"

"Anh không chết đâu."

"Đừng ngốc thế. Anh sắp chết đến nơi. Hỏi mấy đứa trời đánh này." Chàng nhìn qua chỗ mấy con chim to kềnh, bẩn thiu đang ngồi thu lu, những cái đầu trọc của chúng lọt thỏm trong đám lông trên vai so. Con thứ tư vỗ cánh đáp, cặp chân lách chách chậm dần rồi bì bạch đi tới những con kia.

"Chúng có mặt khắp các lều trại. Anh không để ý tới chúng mà thôi. Anh không thể chết nếu anh không bỏ cuộc."

"Em đọc điều ấy ở đâu nhỉ. Em là một người đại ngốc."

"Chắc anh nghĩ về một người khác."

"Trời thần ơi," chàng nói," đó là nghề của anh."

Rồi chàng nằm xuống và im lặng trong giây lát và nhìn qua hơi nóng lung linh của cánh đồng đến tận bờ những bụi rậm. Một vài chú cừu đực, nhỏ và phô màu trắng trên nền vàng và, xa hơn nữa, một đàn ngựa rằn, trắng trên nền lá xanh của các lùm bụi. Đây là một vị trí cắm trại thoải mái dưới những chòm cây cao sát một ngọn đồi, có nguồn nước trong, và gần đó, một cái hố sắp cạn nơi mỗi sáng những con gà rừng xào xạc bay.

"Anh muốn em đọc cho anh không?" nàng hỏi. Nàng ngồi trên chiếc ghế vải đặt cạnh chỏng của chàng. "Sắp có gió mát."

"Không, cảm ơn em."

"Có lẽ xe tải sắp đến."

"Anh đếch có để ý tới nó."

"Em có."

"Em quan tâm tới nhiều thứ mà anh không màng."

"Không nhiều lắm, Harry."

"Một cốc rượu được không?"

"Rượu không tốt cho anh. Theo Black anh phải cử rượu. Anh không nên uống ."

"Molo!" chàng la lớn.

"Thưa vâng, Bwana."

"Đem whiskey-soda ra."

"Thưa vâng, Bwana."

"Anh không nên," nàng nói. "Em muốn nói là anh nên cử rượu. Sách nói rượu không tốt  cho anh. Em biết rượu không tốt cho anh."

"Không," chàng nói. "Tốt cho anh."

Vậy thì giờ đây không còn gì nữa, chàng nghĩ. Chẳng bao giờ chàng còn cơ hội để hoàn tất nó. Hóa ra đây cách mà nó kết thúc, lằng nhằng với nhau về một cốc rượu. Từ lúc chân phải bị hoại tử chàng không thấy đau và sự sợ hãi cũng biến mất theo cơn đau và hiện nay tất cả những gì chàng cảm thấy chỉ là mệt mỏi rã rời và tức giận vì đây là chung cuộc. Nó đang đến, nhưng chàng không một chút tò mò. Trong nhiều năm, nó đã ám ảnh chàng; thế nhưng bây giờ nó không còn mang một ý nghĩa nào nữa. Thật lạ lùng thay chỉ với một chút mệt mỏi nó đã dễ dàng xảy ra.

Giờ thì chàng không bao giờ có dịp để viết lên những gì chàng đã tích lũy cho một ngày có nhiều hiểu biết để viết hay hơn. Chàng cũng chẳng bao giờ sợ bị thất bại nữa. Có lẽ chàng không có tài viết lách, và đó là lý do khiến chàng cứ trì hoản và không muốn bắt đầu. Giờ thì, làm sao biết được.

"Phải chi mình đừng đến đây," người đàn bà nói. Tay cầm cốc rượu, nàng cắn môi nhìn chàng." Anh sẽ không bao giờ gặp những chuyện như thế này ở Paris. Anh thường nói anh yêu Paris. Chúng ta có thể ở lại Paris hay du ngoạn chỗ khác. Em sẽ đi bất cứ nơi nào. Em đã nói em sẽ đi bất cứ nơi nào anh muốn. Nếu anh thích săn bắn chúng ta có thể đi săn thoải mái ở Hungary."

"Bằng tiền túi của em," chàng nói.

"Anh thiếu công bằng nhé," nàng nói. "Lúc nào cũng là tiền chung của hai đứa chứ đâu phải của riêng em. Em đã bỏ tất cả, đi bất cứ nơi nào, làm bất kỳ chuyện gì anh muốn. Tuy thế em ước gì chúng ta chưa bao giờ đến đây."

"Em nói em thích nơi này."

"Em thích nơi này lúc anh bình an. Nhưng bây giờ em căm ghét. Không hiểu tại sao chuyện ấy lại xảy đến với anh.Chúng ta nào có tội tình gì. "

"Anh nghĩ là anh quên không sát trùng chỗ sướt với iodine. Rồi anh quên hẳn luôn vì da thịt anh vốn lành. Thế rồi, sau đó, khi vết thương sưng tấy, không còn loại thuốc sát trùng nào khác, anh đã sử dụng dung dịch carbolic loãng, có lẽ vì thế các mạch máu nhỏ bị hủy và chứng hoại tử bắt đầu." Chàng nhìn nàng. "Có lý do nào khác hơn?"

"Em không nghĩ thế."

"Thay vì ông tài xế người Kikuyu dở tệ, nếu ta mướn một ông thợ máy giỏi, hẳn ông ấy đã kiểm tra dầu mỡ đàng hoàng và đã không cháy máy xe tải."

"Em không nghĩ thế."

"Nếu em đừng bỏ những người bạn cũ của em, đám trưởng giả ở Old Westbury, Saratoga, Palm Beach để đi với anh ---"

"Sao thế, em yêu anh. Anh không công bằng rồi. Em yêu anh. Em sẽ mãi mãi yêu anh.  Anh không yêu em hay sao?"

"Không," người đàn ông nói. "Anh không nghĩ thế. Anh chưa bao giờ yêu em."

"Harry, anh nói gì vậy? Anh loạn trí rồi."

"Không. Anh làm gì có trí để mà loạn."

"Đừng uống rượu," nàng nói. "Anh yêu, xin đừng uống nữa. Còn nước còn tát."

"Em cứ tát," chàng nói. "Anh mệt rồi."

                                                                          oOo

Bây giờ trong đầu chàng là hình ảnh nhà ga xe lửa Karagatch và chàng đứng đó với hành lý và ánh đèn cắt ngang màn đêm của đầu tàu Simplon-Orient chạy đến và thủa ấy chàng rời khỏi Thrace sau cuộc triệt thoái. Đấy là một trong những thứ chàng cố nhớ để viết, cùng với, sáng hôm sau lúc điểm tâm, nhìn ra cửa sổ và trông thấy tuyết phủ trên các ngọn núi Bulgaria và Thư ký của Nansen hỏi một ông già có phải đó là tuyết và ông già nhìn ra và nói, Không, đó không phải là tuyết. Hãy còn sớm chưa có tuyết. Và Thư ký lập lại với các cô gái khác, Không, các chị thấy đó. Không phải tuyết và tất cả đều nói. Không phải tuyết chúng ta nhầm rồi. Nhưng đó chính là tuyết và chàng đã gởi họ đến đấy khi triển khai kế hoạch trao đổi dân số. Và chính là tuyết họ đã bì bõm lội đến khi gục chết mùa đông ấy.

Cũng chính tuyết đã rơi suốt tuần lễ Giáng Sinh năm ấy ở đỉnh Gauertal, năm ấy họ sống ở nhà một người thợ xẻ gỗ, với một lò sứ to vuông chiếm hết nửa diện tích nhà và họ ngủ trên những tấm nệm dồn bằng lá sồi, vào thời gian ấy có một người đào ngũ tìm đến, đôi chân máu loang trong tuyết. Anh ta nói đang bị cảnh sát truy lùng và họ cho anh ta vớ len và vờ vịt nói chuyện với viên sen đầm cho đến khi dấu vết của anh ta trên tuyết đã nhạt.

Ở Schrunz, vào ngày Giáng sinh, tuyết sáng đến nhức mắt khi ta ngồi trong Weinstube nhìn ra và thấy mọi người tan lễ nhà thờ. Đó là khi họ trèo dốc trên đường --tuyết vàng như màu nước tiểu, phẳng lì vì xe trượt tuyết cài qua-- dọc theo giòng sông có những ngọn đồi thông dốc đứng, ván trượt tuyết nặng trỉu trên vai, và họ có một cuộc trượt tuyết tuyệt vời từ trên Madlener-haus đổ xuống, tuyết mịn màng như kem phủ trên bánh và nhẹ như bột phấn và chàng còn nhớ sự im lặng mà tốc độ cao tạo ra khi ta rơi xuống như một con chim.

Lúc ấy họ phải giam mình trong nhà suốt một tuần tại Madlener-haus trong cơn bảo tuyết, chơi bài trong làn khói ám của một cây đèn dầu và tiền cược lúc nào cũng cao khi Herr Lent càng  lúc càng thua đậm. Cuối cùng chàng mất tất cả. Mọi thứ, số tiền Skischule và lợi nhuận nguyên mùa, rồi đến tiền vốn. Chàng có thể hình dung mình với cái mủi dài, cầm những lá bài lên nặn,"Sans Voir." Thời ấy lúc nào cũng có bài bạc. Khi không có tuyết ta đánh bài và khi có quá nhiều tuyết ta cũng đánh bài. Chàng nghĩ đến những khoảng thời gian trong đời đã dành cho bài bạc. 

Nhưng chàng chưa bao giờ viết một hàng về chuyện ấy, cũng như một ngày Giáng Sinh lạnh lẽo, chói chang với những rặng núi lộ ra bên kia cánh đồng mà Barker đã bay qua giới tuyến để oanh tạc chuyến tàu chở những sĩ quan Austria, nả súng máy vào họ khi họ tan tác chạy trốn. Chàng nhớ sau đó Barker bước vào căn phòng bừa bãi và bắt đầu kể lại chuyện ấy. Và không khí đã trở nên im lặng thế nào và rồi ai đó thốt lên, "Quân sát nhân chó đẻ."

Đó cũng là những người Austrians họ đã giết khi ấy, mà chàng cùng trượt tuyết sau này. Không, không phải những người đó. Hans, người chàng cùng trượt tuyết suốt năm, thuộc trung đoàn Kaiser và khi họ đi săn thỏ rừng với nhau ở cái thung lũng bé nhỏ phía trên xưởng cưa họ đã nói với nhau về trận Pasubio và các cuộc tập kích Perticara và Asalone và chàng chưa bao giờ viết một chữ về chúng. Cũng chưa từng viết về Monte Corona, cũng như Sette Communi, cũng như Asiero.

Đã bao nhiêu mùa đông chàng sống ở Vorarlberg và Arlberg? Bốn năm ở đó và rồi chàng nhớ lại người đàn ông có con chồn muốn bán khi họ cùng bước vào Bludenz, lúc ấy để mua quà, và mùi hạt anh đào của rượu kirsch ngon, cảm giác trơn trợt khi lướt nhanh lớp tuyết xốp trên vỏ tuyết cứng chắc, hát vang "Hi! Ho! said Rolly!" khi ta trợt quãng đường cuối cùng trước khi rơi xuống đoạn dốc sâu, chạy thẳng, rồi vòng vèo ba lần qua vườn ăn trái rồi ra khỏi đó đến một cái hào sâu rồi đến con đường băng giá đàng sau lữ quán. Vội vàng tháo dây cài, đá vung tấm trượt tuyết, dựng chúng dựa vào vách gỗ của lữ quán, ánh đèn từ cửa sổ tỏa ra, bên trong, trong bầu không khí ấm cúng thơm mùi rượu vang mới và khói mờ, họ chơi đàn accordion.

"Tại Paris chúng ta thường ngụ ở chỗ nào em nhỉ?" chàng hỏi người đàn bà ngồi cạnh, trên chiếc ghế vải, hiện thời, ở Phi châu.

"Ở Crillon. Anh biết mà."

"Làm sao anh biết được?"

 "Chúng ta luôn luôn ở đấy."

"Không. Không phải lúc nào cũng thế."

"Chỗ đấy và Pavillion Henri-Quatre trong khu St. Germain. Anh nói anh yêu chỗ đấy."

 "Tình yêu là một đống phân," Harry nói. "Và anh là con gà trống gáy trên đó."

"Nếu phải ra đi," nàng nói, "có nhất thiết anh phải hủy hoại những gì còn lại? Em muốn nói, anh có cần lấy đi tất cả? Anh có cần giết ngựa của anh, vợ của anh và đốt bỏ yên cương, chiến bào?"   

"Cần," chàng nói. "Gia tài của em là chiến bào của anh. Là Gom vàng và Giáp bạc của anh."

"Đừng."

 "Được. Anh không nói nữa. Anh không muốn làm em buồn."

 "Hơi muộn."

 "Tốt thôi. Vậy anh nói tiếp. Cái này thú vị hơn. Điều duy nhất anh thích làm với em hiện giờ anh không làm được."

 "Không, không đúng. Anh thích làm nhiều thứ và tất cả mọi thứ anh muốn em đều đã làm."

 "Ôi trời, đừng khoác lác nữa có được không?"

 Chàng nhìn nàng và thấy nàng khóc.

 "Nghe này," chàng nói. "Em tưởng anh vui lắm phải không? Anh không biết tại sao anh lại làm như thế. Cố hủy diệt người khác để sinh tồn. Anh đoán vậy. Khi chúng ta bắt đầu trò chuyện, anh vẫn bình thường. Anh không có ý gây hấn, thế nhưng giờ đây anh như một thằng điên và hết sức độc ác với em. Đừng để ý tới lời anh nói, em thương. Anh yêu em, thực thế. Em biết rằng anh yêu em. Anh chưa bao giờ yêu ai như yêu em."

Chàng lại trôi tuột vào câu nói dối quen thuộc vẫn dùng để kiếm ăn.

"Anh tử tế với em."

"Em, con mụ lăng loàn," chàng nói. "Con mụ lăng loàn giàu sụ. Là thi ca đấy. Hồn thơ anh lai láng. Thối rữa và thi ca. Thi ca thối rữa."

"Ngưng đi. Harry, sao anh phải biến thành quỷ dữ ?"

"Anh không muốn để lại thứ gì," người đàn ông nói. "Anh không thích để lại thứ gì."

oOo

Bấy giờ là buổi chiều và chàng vừa thức giấc. Mặt trời đã khuất sau đồi và bóng râm trải khắp cánh đồng và những con thú nhỏ mon men đến gần lều trại kiếm ăn; những cái đầu thụp xuống, những cái đuôi phe phẩy rất nhanh, chàng ngắm chúng càng lúc càng tách rời bụi rậm. Bầy chim không còn chờ chực trên đất. Chúng bâu đầy trên cây. Có thêm nhiều con nữa. Thằng bé giúp việc ngồi cạnh giường chàng.

 "Memsahib đi săn," chú bé nói. "Bwana cần gì ạ?"

 "Chẳng cần gì."

Nàng săn mồi để lấy thịt và, biết chàng thích ngắm cuộc săn, nàng đã đi khá xa tránh gây xáo trộn mảnh đất con con của cánh đồng, nơi chàng có thể quan sát. Nàng luôn luôn tế nhị, chàng nghĩ. Về bất cứ chuyện gì nàng đã biết, đã đọc hay nghe qua.

 Không phải lỗi của nàng, khi đến với nàng chàng đã tiêu đời. Làm sao người đàn bà biết được rằng ta không nói những điều ta nghĩ; làm sao họ biết ta nói chỉ vì thói quen và tiện ích?  Từ lúc chàng không còn nói những gì chàng nghĩ, những lời dối trá của chàng với phụ nữ lại thành công hơn những lời nói thật.

 Cũng chẳng có nhiều gian dối bởi lẽ không còn bao nhiêu sự thực để nói. Chàng đã sống trọn cuộc đời mình và nó đã tàn và chàng lại tiếp tục sống cuộc đời ấy với những người khác và với thêm nhiều tiền bạc, hưởng những gì tốt đẹp nhất ở những nơi chốn cũ, và một vài nơi chốn mới.

Ta tránh né không suy tư và cứ thế tất cả đều êm đẹp. Ta được trang bị một sức mạnh tiềm tàng nên ta không vỡ tan từng mảnh, theo kiểu ấy, như hầu hết mọi người, và ta có một thái độ dửng dưng với công việc xưa kia, vì nay ta không thể nào sáng tác. Nhưng tận đáy lòng, ta thầm nhủ rằng ta sẽ viết về những người này, những người cực kỳ giàu có; rằng chắc chắn ta không phải là một người như họ mà là một gián điệp trà trộn trong thế giới của họ; rằng ta muốn lìa bỏ nơi ấy, muốn viết về nó và phải có một lần, thế giới ấy được miêu tả bởi một người biết rõ những gì anh ta viết. Nhưng không bao giờ chàng làm được điều đó, bởi mỗi ngày không viết, mỗi ngày trong nhung lụa, mỗi ngày hèn hạ, đã cùn nhụt đi khả năng và yếu mềm ý chí để rồi, cuối cùng, chàng không sáng tác được gì. Những người quen của chàng hiện nay đều thoải mái khi chàng không viết. Phi châu là nơi chàng đã có thời gian hạnh phúc nhất, vì thế chàng đến đây để làm lại từ đầu. Chuyến đi săn chỉ có những tiện ích tối thiểu. Không quá cực nhọc; nhưng cũng không xa hoa và chàng nghĩ mình có thể rèn luyện bằng cách ấy. Rằng với một cách nào đó, chàng có thể tập dợt cho linh hồn mình không còn béo phị như kiểu một người lính, được đưa lên núi làm việc và huấn luyện cho tiêu hết mỡ thừa.

 Nàng thích vậy. Nàng nói nàng thích lắm. Nàng yêu tất cả những gì hấp dẫn, liên quan đến phong cảnh mới, con người mới và những thứ dễ chịu. Và chàng có ảo tưởng ý chí của chàng đã trở lại. Nếu đây là cách cuộc đời chàng chấm dứt và chàng biết quả thực là thế, chàng không nên biến thành một con rắn mổ bậy vào mình vì lưng gẩy. Nếu chàng sống bằng một lời dối trá chàng nên cố mà chết vì nó. Chàng nghe một tiếng súng bên kia đồi.

Săn bắn lành nghề lắm, con mẹ lăng loàn giàu có giỏi giang này, người đã tận tâm chăm sóc chàng, người đã hủy diệt tài nghệ của chàng. Vô lý. Chính chàng đã hủy hoại tài của mình. Sao lại trách người đàn bà này chỉ vì nàng đã cung ứng đầy đủ cho chàng? Chàng tự hủy diệt tài năng bằng cách không sử dụng nó, bằng cách phản bội bản thân và niềm tin của mình, bằng cách nhậu nhẹt say sưa đến độ cảm xúc cùn nhụt, bằng tính chây lười, bằng tính tham lam, bằng tính khinh người, bằng lòng kiêu hảnh và thành kiến và bằng cách sử dụng bất kỳ phương tiện nào miễn đạt được kết quả. Kể lể gì thế? Danh mục của những đầu sách cũ? Dù sao, đâu là tài năng của chàng? Thôi được, chàng quả có tài thế nhưng thay vì sử dụng nó, chàng đã đem bán rao. Không bao giờ về những gì chàng đã làm, luôn luôn về những gì chàng có thể làm. Và chàng đã chọn một thứ khác hơn ngòi bút để làm phương tiện sinh nhai. Kỳ lạ thay, phải không, mỗi khi chàng yêu một người đàn bà khác, người ấy luôn luôn sang giàu hơn người cũ? Nhưng khi không còn yêu thương nữa, khi chỉ còn gian dối, như với người này, hiện nay, người có nhiều tiền nhất trong bọn, người đã sở hữu tất cả, người đã có đầy đủ chồng con, người đã có nhiều tình nhân nhưng vẫn không hài lòng, người đã yêu chàng thắm thiết, như một nhà văn, như một bạn đồng hành và như một báu vật; thật lạ lùng thay khi không còn yêu nữa và khi chỉ còn lừa dối, với tiền bạc của nàng, chàng có thể trao cho nàng nhiều hơn lúc chàng thực lòng yêu nàng. 

Hẳn chúng ta đều xứng hợp với công việc của mình, chàng nghĩ. Dù kiếm sống bằng cách nào, tài năng của ta đều biểu lộ qua đó. Chàng đã bán sinh lực của mình, dưới hình thức này hay hình thức khác, bán trọn cuộc đời của chàng và nếu không để nhiều tình cảm vương vấn, ta sẽ nâng cao mãi lực của đồng tiền. Chàng đã nghiệm được điều ấy nhưng không bao giờ viết ra, bây giờ, cũng vậy. Không, chàng sẽ không viết ra, mặc dù rất đáng viết.

Giờ chàng thấy nàng băng qua cánh đồng trở về trại, nàng mặc quần kỵ mã và mang súng trường. Hai thằng bé vác cái bọc đựng cừu theo sau. Nàng vẫn còn nét ưa nhìn, chàng nghĩ, và có thân hình gợi cảm. Nàng rất giỏi thuật yêu đương và biết tán thưởng, nàng không xinh đẹp nhưng chàng thích gương mặt của nàng, nàng đọc nhiều, thích cưỡi ngựa săn bắn và, chắc chắn là uống rượu quá nhiều. Chồng nàng qua đời khi nàng tương đối còn trẻ và trong một thời gian dài nàng dành hết nhiệt tình cho hai đứa con mới lớn, tuy chúng không cần nàng và xấu hổ vì sự hiện diện của nàng; cho chuồng ngựa, cho sách vở, và cho chai lọ. Nàng thích đọc vào buổi chiều trước khi ăn và nhâm nhi Scotch pha soda trong khi đọc. Đến giờ ăn tối nàng đã ngà ngà và sau một chai rượu vang ở bàn ăn, thông thường nàng đủ say để ngủ.

Đó là quãng đời trước những người tình. Sau khi có tình nhân nàng không còn uống nhiều nữa vì nàng không cần phải say sưa để dỗ giấc. Nhưng những người tình nhàm chán. Chồng nàng không bao giờ làm nàng chán, còn những người này khiến nàng ngấy tận cổ.

Rồi một trong hai đứa con của nàng chết trong một tai nạn phi cơ và khi mọi chuyện đã xong nàng không cần đến những người tình, và rượu cũng không phải là thứ thuốc làm tê dịu thần kinh mà nàng cần cho cuộc đời mới. Bất thình lình, nàng kinh sợ sự cô độc. Nhưng nàng cần một người nàng kính trọng.

Chuyện xảy ra rất đơn giản. Nàng thích những gì chàng viết và nàng luôn luôn ao ước được sống như chàng. Nàng tưởng chàng đã làm được những gì chàng muốn. Những bước kế tiếp cho nàng có được chàng và cách nàng phải lòng chàng đều thuộc một quá trình bình thường, trong đó nàng xây đắp cuộc đời mới cho nàng còn chàng đổi chác phần còn lại cuộc đời cũ của mình.

Chàng đã đổi nó lấy sự an toàn, và cả tiện ích, không thể nào chối bỏ được điều ấy, và ngoài ra còn có thêm gì khác? Chàng không biết. Nàng sẽ mua cho chàng bất cứ thứ gì chàng muốn. Chàng biết vậy. Nàng cũng là một người đàn bà hết sức tử tế. Chàng sẳn sàng lên giường với nàng như với những người đàn bà khác; chẳng thà với nàng, bởi nàng có nhiều tiền hơn, bởi nàng dễ chịu và biết ơn và bởi nàng không bao giờ dở trò ầm ỷ. Và giờ đây cuộc đời mà nàng tái tạo đang đến hồi kết thúc vì hai tuần trước chàng đã không bôi iodine lên vết sướt do gai cào trên đầu gối chàng, khi họ sấn tới tìm cách chụp ảnh một bầy trâu nước đang đứng, đầu ngẩng cao, mắt sục sạo trong lúc nghếch mủi đánh hơi, tai vểnh lên sẳn sàng cất vó biến vào bụi rậm khi có tiếng động. Chúng đã chạy tán loạn trước khi chàng kịp chụp được tấm ảnh nào.

Kìa nàng đã đến.

Trên chõng chàng ngoái cổ lại nhìn nàng. "Em đấy à," chàng nói.

"Em hạ một con cừu đực," nàng nói. "Sẽ được nước canh ngon và em sẽ nhờ họ làm món khoai tán với sửa bột. Anh ra sao rồi?"

"Khá hơn nhiều."

"Tốt quá phải không anh? Anh biết em mong anh được thế. Khi em đi, anh còn đang ngủ."

"Anh ngủ ngon lắm. Em đi xa không?"

"Không. Chỉ bên kia đồi. Em bắn trúng đích dễ dàng."

"Em săn giỏi lắm, em biết mà."

"Em thích lắm. Em thích Phi Châu. Thật thế. Nếu anh bình an thì đây là lần đi chơi thích thú nhất em đã có. Anh không biết là đi săn với anh làm em vui đến mức nào. Em yêu thích đất nước này."

"Anh cũng thế."

"Anh yêu, anh không biết là tuyệt vời đến thế nào khi em thấy anh được dễ chịu hơn. Em không chịu nỗi anh khi trước. Anh đừng nói chuyện với em như thế nữa, anh nhé? Hứa với em đi?"

"Không," chàng nói. "Anh không nhớ anh đã nói gì."

"Anh không cần phải hủy diệt em. Phải không? Em chỉ là một thiếu phụ trung niên yêu thương anh và làm những gì anh muốn. Em đã chết đi sống lại đôi ba lần. Anh không muốn em chết thêm một lần nữa, phải không?"

"Anh muốn cho em chết vài ba lần trên giường," chàng nói.

"Vâng. Đó là cái chết đẹp. Đó là cách chúng ta được tạo ra để bị hủy diệt. Ngày mai phi cơ sẽ đến."

"Làm sao em biết?"

"Em chắc thế. Phi cơ phải đến. Tụi nhỏ đã chuẩn bị củi và cỏ để đốt tín hiệu. Hôm nay em đã ra đó xem lại. Có thừa chỗ cho phi cơ đáp và chúng ta sẽ đốt lửa tạo khói ở hai đầu."

"Điều gì làm cho em nghĩ rằng ngày mai sẽ có phi cơ?"

"Em chắc thế. Đã quá hạn còn gì. Rồi, ở thành phố, họ sẽ trị cái chân của anh và chúng ta sẽ có một vài lần hủy diệt đẹp. Không phải kiểu hủy diệt bằng lời nói đáng sợ kia."

"Chúng ta nên uống rượu không? Mặt trời đã lặn."

"Anh nghĩ rằng anh nên uống?"

"Anh đang uống một ly đây."

"Chúng ta sẽ cùng nhau uống. Molo, letti dui whiskey-soda!"  nàng gọi.

"Em mang ủng chống muỗi vào đi," chàng bảo nàng.

"Em đợi đến khi tắm xong đã..."

Khi bầu trời tối dần họ uống rượu và trước khi trời tối hẳn và không còn ánh sáng để săn bắn, một con lang lửng thửng băng qua đồng về hướng chân đồi.

"Con khốn nạn đó băng qua đây mỗi đêm," chàng nói. "Mỗi đêm suốt hai tuần nay."

"Nó là đứa làm ồn trong đêm. Không sao. Tuy chúng là những con vật bẩn thỉu ghê tởm."

Cùng uống với nhau, không đau đớn chi ngoại trừ cảm giác thiếu thoải mái vì phải nằm hoài một kiểu, bọn trẻ đang nhóm lửa, ánh lửa bập bùng trên vách những căn lều, chàng có thể cảm nhận sự trở lại của lòng đồng thuận cách sống an nhàn thoải mái. Nàng rất tốt với chàng. Chàng đã tàn ác và thiếu công bằng chiều nay. Nàng là một phụ nữ tao nhã, phải nói là tuyệt vời. Và rồi bất chợt chàng biết rằng chàng sắp chết.

Nó đến rất nhanh; không phải cái nhanh của nước hay gió; nhưng của một hư không nặng mùi hôi thối và kỳ lạ ở chỗ là con lang ấy nhẹ lướt ở ven bờ.

"Có chuyện gì thế, Harry?" nàng hỏi.

"Không có gì hết." chàng đáp. "Em nên ngồi qua phía bên kia. Trên gió."

"Molo có thay băng chưa?"

"Có. Anh vừa mới dùng boric."

"Anh thấy thế nào?"

"Hơi choáng váng."

"Em sắp tắm," nàng nói. "Em sẽ ra ngay. Em sẽ dùng bửa với anh rồi chúng ta dời chõng vào trong."

Vậy là, chàng nhủ thầm, chúng ta đã chấm dứt vụ cãi cọ một cách êm ái. Chàng thường không cãi nhau với nàng, trong khi với những người đàn bà khác chàng yêu, chàng đã cãi nhiều đến nỗi cuối cùng, luôn luôn, với tính cách xói mòn của việc tranh cãi, họ đã giết chết những gì cùng có. Chàng đã yêu quá nhiều, đòi hỏi quá nhiều, và làm nó chết lần mòn.

Chàng nghĩ về thời gian cô độc ở Constantinople, cãi nhau ở Paris trước khi lên đường. Chàng đã miệt mài trong những cuộc truy hoan và rồi, khi cuộc vui tàn, vẫn không giết được niềm cô đơn, chỉ làm nó càng thêm sâu lắng, chàng viết cho nàng, người đầu tiên, người đã lìa bỏ chàng, kể với nàng rằng chàng đã không thể tiêu diệt cảm giác đơn côi ra sao... Có một lần tưởng chừng gặp nàng bên ngoài Regence, suýt nữa chàng đã ngất xỉu và đau lòng đến mức nào, và chàng đã theo sau một thiếu phụ hao hao giống nàng, trên Boulevard, run sợ sẽ nhận biết thiếu phụ ấy không phải là nàng, run sợ cảm giác hồi hộp sẽ tan. Rằng mỗi người đàn bà đã ngủ với chàng chỉ làm cho chàng thêm nhung nhớ. Rằng những gì nàng làm đều không có tác dụng vì chàng biết chàng không tự chửa lành căn bịnh tương tư. Chàng viết thư ấy trong Club, hoàn toàn tỉnh táo, và gửi sang New York xin nàng hồi đáp về văn phòng của chàng ở Paris. Tưởng đã an toàn. Và đêm ấy nhớ nàng quay quắt, chàng lang thang khỏi Maxim's, chọn một cô, đưa đi ăn tối. Sau đó họ đến một chỗ để khiêu vũ, cô ấy nhảy dở tệ, và chàng bỏ cô ấy theo một ả Armenian đĩ thõa, hây hẩy cọ bụng ả lên bụng chàng cháy bỏng. Chàng giành ả từ một tay xạ thủ cấp thấp quân lực Anh sau khi đã lời qua tiếng lại. Gã rủ chàng ra ngoài và họ đánh nhau ở đấy trên con đường lát đá trong bóng đêm. Chàng đấm gã hai lần, mạnh, trên quai hàm và khi gã không ngã, chàng biết mình sắp phải quần nhau một trận. Gã xạ thủ đấm lên người chàng, rồi ở gần mắt. Chàng vung tay trái một lần nữa và thụi trúng gã và gã té nhào và kéo ghịt áo khoác của chàng và làm rách tay áo và chàng đấm hai cú sau mang tai gã rồi dộng gã bằng tay phải trong khi xô ra. Tay xạ thủ té đầu đập xuống đất và chàng với ả chạy trốn vì nghe đám QC kéo đến. Họ đón được taxi và ra khỏi nơi ấy đến Rimmily Hissa dọc theo Bosphorus, và vòng lại và trở về trong đêm lạnh và lên giường và hương vị của ả cũng chín rục như dáng vẻ bên ngoài nhưng mịn màng, hồng như cánh hoa, ngọt ngào ướt át, bụng phẳng, ngực đầy và không cần phải lót gối dưới mông, và chàng bỏ đi trước khi ả tỉnh giấc đủ lộ nét nhầu nhẹt trong ánh sáng đầu ngày và chàng quay lại Pera Palace với vết bầm ở mắt, cầm áo khoác vì một ống tay áo đã sứt.

Ngay đêm ấy chàng lên đường đi Anatolia và chàng nhớ, sau đó trong cuộc hành trình, suốt ngày ngồi xe băng qua những cánh đồng hoa anh túc được trồng để thu hoạch nha phiến và chuyến đi, cuối cùng, gây cho ta cảm giác kỳ cục như thế nào và dường như ta đánh mất ý niệm về không gian, chàng đã đến chỗ họ mở cuộc tấn công với các sĩ quan Constantine vừa được điều tới chẳng hiểu biết gì, và đại pháo đã rót xuống các toán quân và tay quan sát viên người Anh khóc như một đứa trẻ.

Đó là ngày lần đầu tiên trong đời chàng thấy người chết mặc váy ballet trắng và đi giày mủi cong gắn búp tròn. Quân Thổ đổ từng đợt đều đặn và dầy đặc và chàng thấy những người  đàn ông mặc váy rùng rùng chạy bộ và những sĩ quan bắn tưới vào và rồi cũng chạy và chàng và tay quan sát viên Anh cũng đuổi theo cho đến khi buồng phổi của chàng đau nhói và miệng chàng có vị của đồng xu và họ dừng lại đàng sau mấy tảng đá và kìa quânThổ vẫn tiến công ào ạt từng đợt như bao giờ. Sau đó chàng thấy những gì chàng không bao giờ có thể tưởng tượng và sau đó nữa chàng thấy nhiều thứ còn ghê gớm hơn. Vì thế khi trở về Paris lần ấy chàng không thể nói hay nghe người khác bàn bạc về nó. Và ở quán cà phê chàng đi qua, nhà thơ Mỹ với chồng đĩa xếp trước mặt và một vẻ ngu ngốc trên gương mặt tròn như củ khoai tây đang nói về trường phái DaDa với một tay Roumanian tự xưng là Tristan Tzara, luôn luôn mang kính kẹp mủi và luôn luôn bị nhức đầu, và, chàng trở về căn apartment với người vợ nay đã yêu trở lại, không còn cãi vả, không có những cơn điên rồ nữa, vui được trở lại nhà, văn phòng chuyển thư của chàng đến apartment. Và rồi do đó một ngày lá thư trả lời cho bức thư chàng đã gởi đến trên khay và khi nhìn thấy nét chữ chàng lạnh toát người, cố giấu nó dưới những tờ thư khác. Nhưng vợ chàng hỏi, "Thư của ai thế, hở anh?" và đó là đoạn kết của phần mở đầu của việc ấy.

Chàng nhớ hết những lần hạnh phúc với tất cả bọn họ, và những lần cãi nhau. Bọn họ lúc nào cũng chọn những nơi thanh lịch nhất để cãi với chàng. Và tại sao họ thường gây gỗ đúng vào những lúc chàng cảm thấy sung sướng nhất? Chàng chưa bao giờ viết về những lần ấy bởi, trước hết, chàng không bao giờ muốn làm buồn lòng ai và sau nữa, dường như chàng có dư đề tài để viết. Nhưng chàng luôn luôn tâm niệm rằng cuối cùng chàng sẽ viết về chúng. Có quá nhiều thứ để viết. Chàng đã chứng kiến thế giới thay đổi; không phải chỉ những sự kiện mà thôi; mặc dù chàng đã thấy nhiều sự việc và quan sát nhiều nhân vật, nhưng chàng thấy được sự thay đổi tinh tế và chàng có thể nhớ người ta đã ra sao ở những thời điểm khác nhau. Chàng đã sống và chứng kiến và viết về chúng là nhiệm vụ của chàng; nhưng từ nay sẽ không bao giờ.

"Anh thấy thế nào?" nàng hỏi. Nàng đã tắm xong, vừa bước ra khỏi lều.

"Cũng được."

"Anh có thể ăn chưa?" Chàng thấy sau lưng nàng, Molo với cái bàn xếp và những người khác với đĩa ăn.

"Anh muốn viết," chàng nói.

"Anh cần ăn một ít canh để lấy sức."

"Anh sắp chết đêm nay," chàng nói. "Anh không cần thêm sức."

"Harry, xin anh đừng cường điệu hóa," nàng nói.

"Khứu giác của em để làm gì sao không dùng đến? Anh đã thối ủng quá nửa đùi. Anh cần nước canh làm quái gì? Molo, đem whiskey- soda."

"Anh làm ơn uống một chút nước canh," nàng khẩn khoản.

"Thôi được."

Canh quá nóng. Chàng phải giữ tô canh trên tay cho đến khi vừa nguội và rồi nuốt ực một hơi không nhợn nhạo.

"Em là một phụ nữ thanh lịch," chàng nói. "Đừng bận tâm vì anh nữa."

Nàng nhìn chàng với gương mặt quen thuộc, rất được yêu chuộng trong Spur và Town & Country, chỉ có điều hơi xấu hơn một chút để cùng đối ẩm, hơi xấu hơn một chút để lên giường, nhưng Town & Country không bao giờ cho ta xem đôi vú xinh đẹp này, cặp đùi  hữu dụng này và đôi tay thon vuốt ve nhẹ nhàng này, và trong khi ngắm nụ cười khả ái nổi tiếng của nàng, chàng cảm thấy cái chết trở lại. Lần này không vội vã. Chỉ một hơi ngắn, như một làn gió thoảng khiến cho ngọn nến leo lắt rồi vươn cao.

"Họ có thể giăng màng của anh dưới gốc cây và thêm củi cho lửa to hơn. Tối nay anh không ngủ trong lều. Không đáng công dời anh vào. Đêm nay trời trong. Sẽ không có mưa."

Vậy đây là cách ta lìa trần, trong những lời thì thầm không nghe rõ. Mà này, sẽ không còn cãi nhau. Chàng có thể hứa. Nhưng chàng sẽ không phá hỏng kinh nghiệm chưa bao giờ có này. Dám lắm. Ta làm hỏng đủ thứ. Nhưng lần này, có lẽ không.

"Em không ghi bài được, phải không?"

"Em có bao giờ học đâu," nàng trả lời.

"Không sao em ạ."

Dĩ nhiên là không đủ thì giờ, mặc dù dường như nó đã cô đọng vừa đủ một đoạn ngắn nếu ta biết cách.

Có một ngôi nhà gỗ, trám vữa trắng, nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống hồ. Cạnh cửa ra vào là một cây cột nhỏ gắn chuông để báo giờ ăn. Sau nhà là những cánh đồng. Sau những cánh đồng là rừng cây. Một hàng dương Lombardy nối ngôi nhà với bến tàu. Những cây dương khác mọc dài theo doi đất. Một con đường dẫn lên đồi chạy gần bìa rừng và chàng hái quả mâm xôi dọc theo con đường đó. Rồi căn nhà gỗ ấy cháy rụi và tất cả súng máng ở các giá chân nai trên lò sưởi cũng cháy và sau đó, nòng súng với chì chảy trong bìa đạn, và bá súng cháy trụi, vứt trên đống tro trước đây dùng làm nước kiềm cho những ấm sắt lớn nấu xà phòng, và ta xin phép Nội để chơi với chúng, và Nội nói, không. Ta thấy chúng vẫn còn thuộc về Nội và chàng không bao giờ mua súng khác. Chàng cũng không bao giờ đi săn nữa. Căn nhà được cất lại bằng ván xẻ, dựng trên địa điểm cũ và sơn trắng và từ cổng ta thấy rặng dương và hồ nước phía xa; nhưng không bao giờ có súng ống nữa. Nòng của những cây súng trước đây máng ở giá chân nai trên vách căn nhà gỗ nằm chỏng chơ trên đống tro và chưa hề có ai sờ đến.

Ở Black Forest, sau chiến tranh, chúng ta thuê một ngọn suối có cá hồi và có hai cách đi bộ đến đấy. Cách thứ nhất, từ Triberg thả xuống, theo con đường thung lũng trắng dưới bóng râm của hai hàng cây viền bên đường, rồi rẽ qua một con đường nhỏ bên cạnh, leo dốc lên những ngọn đồi qua các nông trại nhỏ với những ngôi nhà Schwarzwald to, đến khi gặp dòng suối cắt ngang. Nơi ấy là chỗ ta bắt đầu.

Còn một cách khác là trèo lên một con dốc cao tới bìa rừng rồi băng qua khu rừng thông trên đỉnh đồi, đến ven đồng cỏ và xuyên qua đồng cỏ xuống một cây cầu. Có nhiều cây hoa thụ mọc bên giòng suối và suối không to, nhưng hẹp, trong và chảy xiết, có vũng sâu ở những chỗ nước chảy luồn dưới rễ. Chủ nhân Khách Sạn Triberg có một mùa đắt khách. Lúc ấy thật vui và tất cả chúng ta đều là bạn tốt với nhau. Năm sau có nạn lạm phát và số tiền kiếm được trong năm vừa qua không đủ để trang trải chi phí và ông ấy thắt cổ tự vẫn.

Ta có thể đọc xuống để chép lại điều đó, nhưng không thể đọc về Place Contrescarpe, nơi những ngưới bán hàng bông nhuộm hoa của họ trên phố và màu nhuộm tràn lan trên mặt đường ở bến autobus và những ông già bà lão, lúc nào cũng say khướt vì rượu vang và rượu bã nho; và trẻ con mũi rãi  lòng thòng khi trời lạnh; mùi mồ hôi dơ bẩn, khó nghèo và say sưa trong tiệm Café des Amateurs và những cô gái làng chơi tại Bal Musettte nơi họ sống trên lầu. Bà concierge tiếp một anh kỵ binh Garde Republicaine trong lô riêng của bà, cái mũ cắm lông ngựa của anh nằm trên ghế. Thiếu nữ thuê phòng đối diện, chồng là một tay đua xe đạp và niềm vui của cô trong tiệm crémerie khi cô mở báo L'Auto và đọc thấy chồng mình đoạt giải ba cuộc đua Paris - Tours, cuộc đua quan trọng đầu tiên của anh. Cô cười má ửng hồng và vừa lên thang lầu vừa khóc, tờ báo thể thao màu vàng trên tay. Chồng của người đàn bà tổ chức Bal Musette làm nghề lái taxi và khi chàng, Harry, có chuyến bay sớm, ông ta gõ cửa đánh thức chàng rồi mỗi người uống một ly vang trắng ở quầy trước khi khởi hành. Chàng quen biết tất cả những người láng giềng ở khu phố, vì thuở ấy họ đều nghèo.

Có hai hạng người lui tới Quảng trường ấy; những người say xỉn và những người ưa thích thể thao. Người say giết cái nghèo của họ trong men rượu; người chuộng thể thao tập luyện cho vơi đi nỗi lòng. Là hậu duệ của những Chiến sĩ Công xã Paris, họ không có mảy may khó khăn nào nắm bắt đường lối chính trị của họ. Họ biết, khi quân Versailles tiến vào thành phố và phá tan chế độ Công xã, ai đã bắn vào cha, anh, cô bác họ, ai đã hành quyết bất kỳ người nào có bàn tay chai nhám, hoặc đội mũ, hoặc mang bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy thuộc về giai cấp công nhân. Và trong nỗi túng nghèo ấy, và trong khu phố ấy, đối diện với tiệm Boucherie Chevaline và hợp tác xã rượu vang, chàng đã viết khúc khởi đầu cho tất cả những gì chàng sắp viết. Chàng không yêu nơi nào ở Paris cho bằng nơi này, những hàng cây lã bóng, những căn nhà vôi trắng cũ sơn nâu phần dưới, xe autobus xanh lục dài trong quảng trường tròn, màu tím của thuốc nhuộm hoa trên đá lát đường, rue Cardinal Lemoine đột ngột đổ dốc trên đồi xuống rue River, và ngược lại, thế giới chật chội nhỏ hẹp của rue Mouffetard. Dường dẫn lên điện Pantheon và một con đường khác chàng hay rong ruổi trên xe đạp, con đường tráng nhựa duy nhất trong khu ấy, nhựa đường phẳng phiu dưới bánh xe, với những ngôi nhà cao và hẹp và cái lữ quán cao và tồi tàn, nơi Paul Verlaine qua đời. Những chung cư chàng ở chỉ có hai phòng và chàng thuê một phòng ở tầng trên cùng của lữ quán ấy, sáu mươi  francs một tháng, nơi đấy chàng viết, và có thể phóng tầm mắt bao quát những mái nhà, chụp ống khói và tất cả các ngọn đồi Paris.

Từ chung cư ta chỉ có thể nhìn thấy chỗ của người bán gỗ và than đá. Chàng cũng bán rượu vang, thứ dở. Đầu con ngựa vàng bên ngoài Boucherie Chevaline nơi xác của nó, vàng và đỏ, treo ở cửa sổ, và hợp tác xã sơn màu xanh lục chỗ họ mua rượu vang; loại ngon và rẻ. Phần còn lại là tường vôi và cửa sổ nhà hàng xóm. Những người hàng xóm mà, buổi tối, nếu có ai say xỉn nằm giửa đường, rên rỉ trong ivresse, cơn say điển hình của người Pháp mà ta bị tuyên truyền là không còn tồn tại, sẽ mở cửa sổ và rầm rì với nhau.

"Cảnh sát đâu nhỉ?  Mình không muốn nhưng cứ gặp thằng phải gió mãi. Thằng này cặp với một mụ concierge. Gọi Phú lít đi," Đến khi có ai đó hất nguyên xô nước từ cửa sổ xuống, tiếng rên mới ngưng lại. "Cái gì thế? Nước. À, thông minh thật." Và những cánh cửa sổ khép lại. Marie, femme de ménage của chàng, phản đối chính sách tám giờ thông tầm, nói. "Nếu đàn ông tan sở lúc sáu giờ, trên đường về hắn chỉ say sưa vớ vẩn và không tiêu nhiều mấy. Nếu tan sở lúc năm giờ , hắn sẽ say bét nhè mỗi tối và không còn đồng nào nữa. Người chịu hậu quả của việc rút ngắn giờ làm việc chính là vợ con họ."

"Anh không muốn ăn canh nữa?" thiếu phụ hỏi chàng.

"Không, cám ơn em. Canh ngon tuyệt."

"Gắng ăn thêm chút nữa, anh nhé."

"Có hại cho anh."

"Không, có hại cho anh. Cole Porter đã viết nhạc và lời. Kiến thức mà em nhất định áp đặt cho anh."

"Anh biết em bằng lòng cho anh uống cơ mà."

"Ôi, đúng làm sao. Chỉ có điều, nó có hại cho anh."

Khi nàng đi rồi, chàng nghĩ. Ta sẽ uống bằng thích. Không phải bằng thích mà tất tần tật những gì đang có. Ui chao chàng đang mệt. Mệt quá. Chàng sẽ ngủ tạm một giấc. Chàng im lặng nằm đó và cái chết không ở đấy. Hẳn nó đang đi vòng lối khác. Nó đến từng đôi, trên xe đạp, và di chuyển không một tiếng động trên mặt đường.

Không, chàng chưa bao giờ viết về Paris. Không phải Paris mà chàng thương mến. Nhưng còn những thứ chàng chưa bao giờ viết thì sao?

Còn trang trại và bụi ngải trắng xám-bạc, dòng nước nhanh, trong của những con kênh và màu xanh thăm thẳm của cánh đồng alfafa. Đường mòn dẫn lên đồi và bầy gia súc mùa hè nhút nhát như nai. Tiếng rống rền rĩ và âm thanh đều đều và cái khối to chuyển dịch chầm chậm khuấy lên một lớp bụi mờ khi ta lùa bầy xuống núi. Và sau những triền núi nhấp nhô, đỉnh núi sắc nét dưới màn đêm huyền hoặc và, ta cỡi ngựa trên con đường mòn dưới bóng trăng, trăng sáng mênh mang khắp thung lũng. Giờ thì chàng nhớ lúc xuống núi băng qua khu rừng trong bóng tối không nhìn thấy gì phải nắm đuôi ngựa mà đi và tất cả những câu truyện mà chàng dự định viết.

Về thằng bé phụ việc ngu khờ, lúc ấy được lưu lại trang trại và được dặn không cho ai lấy chút rơm rạ nào và lão già khốn kiếp ở Forks, người đã đánh đập thằng bé khi nó làm việc với lão, ghé qua lấy thức ăn gia súc. Thằng bé từ chối và lão dọa sẽ đánh nó. Thằng bé lấy khẩu súng trường trong bếp và bắn lão khi lão tìm cách lẻn vào vựa rơm và khi họ trở lại trang trại, lão đã chết cả tuần, xác đông cứng ở chuồng ngựa, và bầy chó ăn mất một phần thi thể. Ta gói những gì còn lại trong chăn, bỏ lên xe trợt tuyết và buộc dây và nhờ thằng bé phụ kéo đi, và hai ta trượt ski kéo nó trên đường, và sáu mươi dặm xuống thành phố để giao nộp thằng bé. Thằng bé không ngờ rằng sẽ bị bắt. Nghĩ rằng nó đã làm tròn trách nhiệm và ta là bạn và nó sẽ được tưởng thưởng. Nó đã giúp kéo xác lão đến để mọi người biết lão là người xấu ra sao và lão đã tìm cách đánh cắp thức ăn gia súc không phải của lão, và khi bị viên cảnh sát trưởng còng tay, nó không thể tin được. Rồi thằng bé khóc. Đó là câu chuyện mà chàng để dành cho mai sau. Chàng biết ít nhất hai mươi câu chuyện cũng hay như thế ở đấy và chàng chưa bao giờ viết xuống một chuyện nào. Tại sao?

"Em nói cho họ biết tại sao," chàng nói.

"Tại sao cái gì, anh yêu?"

"Không có gì."

Nàng không uống nhiều nữa, từ khi có chàng. Nhưng nếu còn sống chàng sẽ không bao giờ viết về nàng, chàng hiểu ra điều ấy. Cũng sẽ không viết gì về bất kỳ ai trong bọn họ. Những con người giàu sang tẻ nhạt và uống rượu quá nhiều, hay chơi blackgammon quá nhiều. Họ chẳng có gì gọi là thú vị và họ đơn điệu sáo mòn. Chàng nhớ Julian đáng thương và lòng ngưỡng mộ của anh ta với bọn nhà giàu và anh ta đã mở đầu một câu truyện bằng, "Những người rất giàu khác hẳn anh và tôi." Và ai đó đã nói với Julian, Vâng, họ có nhiều tiền hơn. Nhưng Julian không nhận ra sự khôi hài đó. Anh ta nghĩ người giàu là một chủng tộc quyến rũ đặc biệt và khi anh ta biết không phải như thế, anh ta đã suy sụp cũng não nề như những thứ khác từng làm anh ta suy sụp.

Chàng đã coi thường những người bị hủy hoại này. Chàng không cần ưa thích nó vì chàng hiểu rõ nó. Chàng có thể đánh bại bất kỳ điều gì, chàng nghĩ, bởi không gì có thể làm chàng đau nếu chàng không quan tâm tới.

Được rồi. Bây giờ chàng cóc cần để ý tới cái chết. Một thứ luôn luôn khiến chàng kinh sợ là cơn đau. Chàng có thể chịu đựng cơn đau như những người đàn ông khác, cho đến khi nó kéo dài quá lâu làm chàng kiệt sức, nhưng ở đây có một điều gì đó làm chàng đau đớn khủng khiếp và ngay khi chàng cảm thấy không còn sức chịu đựng, cơn đau liền chấm dứt.

Chàng nhớ ngày xưa Williamson, sĩ quan oanh tạc, đêm ấy khi chui hàng rào về bị ai đó trong đội tuần tra Đức ném một trái bom miểng và, đã gào rú, van xin mọi người làm ơn giết anh. Người béo tốt, rất can đảm, và là một sĩ quan giỏi tuy mê nghiện các màn trình diễn độc đáo. Nhưng đêm ấy anh mắc dính tại hàng rào, một đóm hỏa châu lập lòe trên cao và ruột của anh đổ tràn trên mớ kẽm gai, nên khi mang anh về, vẫn tỉnh táo, họ phải cắt bỏ. Bắn tôi, Harry. Vì lòng kính Chúa, bắn tôi đi. Có lần họ tranh cãi về chuyện Chúa không bao giờ khiến ta phải vác một thập giá nào nặng hơn sức ta có thể và lý thuyết của ai đó cho rằng điều ấy có nghĩa là khi không chịu nổi ta sẽ tự động ngất xỉu. Không có gì làm Williamson ngất xỉu, cho đến khi chàng cho anh uống tất cả những viên morphine dành dụm của mình và rồi thuốc cũng không hiệu nghiệm tức thì.

Bây giờ cũng thế, những gì chàng đã trải qua, thật dễ dàng; và nếu như nó không trở nên tệ hơn những gì đã có, thì chẳng có chi phải lo ngại. Trừ một điều, chàng ước ao có ai khác bầu bạn với mình.

Chàng suy ngẩm một chút về người chàng muốn có mặt lúc này.

Không, chàng nghĩ, chuyện gì cũng thế, khi ta kéo dài quá lâu và thi hành quá muộn, đừng mong có người ở lại. Ai cũng ra đi. Tiệc đã tan và chỉ còn ta với bà chủ nhà.

Cái chết cũng làm mình phát ngấy y như những thứ khác, chàng nghĩ.

"Rõ chán," chàng nói to.

"Cái gì chán, anh yêu?"

"Cái gì ngươi làm cũng kéo dài thậm thượt."

Chàng ngắm gương mặt nàng, giữa chàng và đám lửa. Nàng dựa lưng vào ghế và ánh lửa soi nét mặt khả ái của nàng và chàng có thể nhìn thấy nàng đang buồn ngủ. Chàng nghe tiếng tru của con lang ngay ngoài đám lửa.

"Anh đang viết," chàng nói. "Nhưng anh mệt rồi."

"Anh nghĩ anh sẽ ngủ được không?"

"Được chứ. Sao em chưa vào trong?"

"Em thích ngồi đây với anh."

"Em có thấy gì khác thường không?" chàng hỏi.

"Không. Chỉ hơi buồn ngủ."

"Anh thấy lạ," chàng nói.

Chàng cảm thấy cái chết lại đến.

"Em biết đấy, điều duy nhất anh không bao giờ đánh mất là tính hiếu kỳ," chàng nói với nàng. 

"Anh không đánh mất gì cả. Anh là người đàn ông toàn vẹn nhất mà em từng gặp."

"Trời đất, đàn bà thật kém hiểu biết. Cái gì thế? Trực giác của em hả?"

Bởi vì, ngay lúc ấy, cái chết vừa đến và tựa đầu lên chân chõng và chàng có thể ngửi được hơi thở của nó.

"Đừng bao giờ tin chuyện lưỡi hái và đầu lâu," chàng bảo nàng. "Nó có thể là hai người cảnh sát chạy xe đạp, hay là một con chim, dễ như không. Hay nó có thể có một cái mõm tang hoác như mõm con lang."

Bây giờ nó đã lên đến bên chàng, nhưng không mang hình thù nữa. Chỉ đơn giản lấp đầy chỗ trống.

"Bảo nó đi đi."

Nó không bỏ đi nhưng nhích gần thêm một chút.

"Hơi thở của ngươi hôi hám," chàng bảo nó. "Quân khốn khiếp thối tha."

Nó vẫn đến và bây giờ chàng không thể nói với nó được nữa, và khi nó biết chàng không thể nói, nó càng nhích gần hơn, và bây giờ chàng cố sức xô đẩy nó mà không cần nói, nhưng nó đã trấn ngự trên ngực chàng với tất cả sức nặng của nó, và trong khi nó nằm phục nơi đấy và chàng không thể cựa quậy hay mấp máy môi, chàng nghe người đàn bà ra lệnh, "Bwana đang ngủ. Hãy nhấc chỏng nhẹ nhàng nhé và mang vào lều."

Chàng không thể nói với nàng hãy đuổi nó đi và giờ đây nó núp trong đó trỉu nặng hơn, nên chàng không thở được. Và rồi, khi họ nâng chõng lên, thình lình mọi thứ đều yên xuôi và trọng lực ấy lìa khỏi ngực chàng.

                                                                      oOo

Lúc ấy trời sáng và đã sáng một lúc lâu và chàng nghe tiếng phi cơ. Nó hiện ra nhỏ xíu và lượn một vòng rộng và tụi nhỏ chạy ra và đốt lửa, dùng dầu hôi, và chất cỏ thành đụn cao để tạo thành hai hàng khói ở hai đầu của bãi đất đã san bằng và cơn gió nhẹ buổi sáng thổi đám khói về hướng các căn lều và phi cơ lượn thêm hai vòng nữa, lần này thấp hơn, rồi từ từ hạ cánh và lấy thăng bằng và đáp xuống êm ái và, tiến về phía chàng, Compton thân quen vận quần rộng, jacket bằng len tweed và mũ phớt nâu.

"Có chuyện gì thế, ông bạn vàng?"

"Chân đau," chàng trả lời. "Anh ăn sáng nhé?"

"Cám ơn anh. Tôi mới uống trà xong. Anh biết đây là chiếc Puss Moth. Tôi không thể chở thêm Memsahib. Chỉ có chỗ cho một người. Xe tải của anh sẽ đến."

Helen kéo Compton sang một bên trò chuyện. Compton quay lại, hào hứng hơn bao giờ hết.

"Chúng tôi sẽ đưa anh đến nơi," anh nói. "Sau đó tôi trở lại đón bà ấy. Tôi e rằng phải ngừng ở Arusha để tiếp thêm nhiên liệu. Ta nên lên đường ngay."

"Không uống trà sao?"

"Không cần thiết, anh biết mà."

Mấy đứa trẻ nhấc cái chõng lên, khiêng vòng qua những túp lều xanh lục và dọc theo những tảng đá và vào cánh đồng, và khỏi đám cháy đang rừng rực đỏ, tất cả cỏ đã tiêu rụi, và gió quạt bùng lửa, ra phi cơ. Di chuyển chàng lên phi cơ hơi khó, nhưng một khi đã lên đấy, chàng nằm xuống cái ghế da, một chân đưa thẳng ra phía ghế ngồi của Compton. Compton khởi động máy và leo lên. Anh vẫy tay với Helen và những đứa trẻ và, trong tiếng lạch cạch nở rộ thành tiếng động cơ quen thuộc, họ lắc lư với Compton ngó chừng những hang lỗ của lũ heo rừng Phi châu và phi cơ gầm gừ lao tới, gập ghềnh, trên dãi đất ở giữa hai đám cháy và với cái mấp mô cuối cùng, cất cánh và chàng thấy họ đứng dưới, vẫy tay, và lều trại bên đồi, giờ đây phẳng dẹp, và cánh đồng trãi rộng ra, những cụm cây và những bụi rậm phẳng thấp lại, trong khi những đường mòn đi săn giờ suông sẽ dẫn đến các hồ cạn, và loang loáng nước mới mà chàng không hề biết. Những con ngựa rằn, giờ thu lại thành những tấm lưng tròn, và những chú linh dương Phi châu, đầu như những cái đốm, như leo trèo khi băng qua cánh đồng theo hình những cây kim dài, nay tan tác khi bóng phi cơ đến gần, chúng giờ trông rất bé nhỏ, và không còn những bước nhảy linh hoạt nữa, và đồng bằng bát ngát hút tầm mắt, bây giờ màu vàng xám và phía trước, tấm lưng áo tweed và cái mũ phớt nâu của Compton thân quen. Rồi họ bay khỏi những ngọn đồi đầu tiên và những con linh dương Phi châu bị bỏ lại phía sau, và họ bay trên những ngọn núi với các cánh rừng xanh đột nhiên đủ các sắc màu đậm nhạt dâng cao và những sườn núi toàn tre, và rồi rừng rậm một lần nữa, điêu khắc thành những đỉnh cao và vực sâu cho đến khi họ qua khỏi đó, và các ngọn đồi thoai thoải dần và rồi một cánh đồng khác, bây giờ nóng, và nâu tím, phi cơ chồng chềnh với khí nóng và Compie ngoái cổ lại xem chàng ra sao, rồi những rặng núi đậm màu phía trước.

Và rồi thay vì bay đến Arusha họ lại quẹo trái, chàng suy đoán hẳn là vì họ có đủ nhiên liệu, và chàng nhìn xuống thấy, đột nhiên từ đâu không biết, một áng mây hồng, lững lờ trên mặt đất, và trong không khí, như tuyết đầu mùa trong bão tuyết, và chàng biết đó là đàn châu chấu từ phương Nam đến. Rồi họ lên cao hơn và dường như bay về phương Đông, và rồi trời tối sầm và họ ở giữa một trận bão, mưa lớn đến nỗi như thể họ đang xuyên qua một thác nước, và rồi họ bay khỏi đấy và Compton quay đầu và nhoẽn cười và lấy tay chỉ và kia kìa, trước mặt, tất cả những gì chàng có thể thấy, bát ngát bao la như cả thế giới, huy hoàng, vời vợi, và dưới ánh nắng, trắng lốp đến độ không thể nào tin được, chóp vuông của núi Kilimanjaro. Và rồi chàng biết đó là nơi chàng sẽ đến.

Vừa lúc ấy trong đêm tối, con lang ngừng rền rĩ và khởi sự tạo ra một âm thanh kỳ lạ, rất người, gần như tiếng than khóc. Người đàn bà nghe và cựa mình. Nàng không thức. Trong giấc mơ, nàng thấy mình đang ở nhà tại Long Island và đó là buổi tối trước đêm dạ vũ cho con gái nàng bước vào đời. Không hiểu sao cha nó lại có mặt ở đấy và ông ta cư xử lỗ mãng. Rồi tiếng tru của con lang làm nàng tỉnh dậy và trong một thoáng, không biết mình ở đâu và rất sợ hãi. Rồi nàng tìm cây đèn pin và soi lên cái chõng bên kia, họ đã mang vào lều sau khi Harry thiếp ngủ. Nàng có thể thấy hình dạng lờ mờ của chàng qua lớp lưới mùng, nhưng bằng cách nào đó, một chân của chàng rơi khỏi chõng, buông xuôi. Băng bông xút sổ và nàng không thể chịu nỗi cảnh đó.

"Molo," nàng gọi. "Molo! Molo!"

Rồi nàng kêu, 'Harry, Harry!"  Rồi thất thanh. "Harry! anh ơi. Ôi Harry!"

Không một tiếng trả lời và nàng không nghe hơi thở của chàng.

Bên ngoài lều, con lang tru thêm một tiếng dị thường như tiếng đã đánh thức nàng. Nhưng nàng không nghe nó vì hồi trống ngực của mình.

Hemingway, Ernest

Lan Huệ chuyển ngữ

Truyện khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art