Thứ Tư, 11 Tháng Ba, 2020

Rabindranath Tagore (1861-1941)

RABINDRANATH TAGORE (1861-1941)

Giải Nobel Văn Học 1913

* Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhạc sĩ và họa sĩ Ấn Độ

* Nơi sinh: Calcutta (Ấn Độ)

* Nơi mất: Calcutta (Ấn Độ)

Rabindranath Tagore được trao giải vì những vần thơ tuyệt diệu, mang những cảm nhận sâu sắc, độc đáo, thể hiện một tài năng thơ ca đặc biệt khác thường. Thơ của Tagore giàu tinh thần nhân loại, là chiếc gạch nối giữa những truyền thống văn hóa Ấn Độ và văn hóa hiện đại Phương Tây. Thi phẩm nổi tiếng nhất của ông là Lời dâng (Gitanjali).

Rabindranath Tagore là con thứ mười bốn của một điền chủ - nhà cải cách tôn giáo giàu có. Ông đi học ở trường một thời gian ngắn; về sau học ở nhà với cha. 8 tuổi, R. Tagore nổi tiếng giỏi văn nhất vùng Bengal; 13 tuổi có thể sáng tác nhạc, họa, đọc sách cổ bằng tiếng Phạn và dịch kịch Shakespeare(*); 17 tuổi sang Anh du học; năm 1880, trở về Ấn Độ, viết vở nhạc kịch đầu tiên. Từ giữa những năm 1880, R. Tagore sáng tác nhiều tập thơ, truyện ngắn, kịch; về sau, khi trở thành chủ bút các tờ báo khác nhau ông đã tự in tác phẩm của mình. Hầu hết sáng tác viết bằng tiếng Bengal, trong đó có một phần được R. Tagore dịch sang tiếng Anh.

Là người yêu nước nhiệt thành, nhưng R. Tagore không thể hiện mối quan tâm lớn đến chính trị, và việc từ chối ủng hộ M. Gandhi(*) của ông đã làm thất vọng nhiều người hâm mộ ông ở Ấn Độ. R. Tagore coi điều quan trọng hơn cả không phải là thay đổi chính thể, mà là phục hưng dân tộc, cho rằng có thể tổng hợp những tinh hoa từ các nền văn hóa Đông và Tây. Vì mục đích đó, năm 1901 ông thành lập trường tư thục Santiniketan dành cho học sinh nam tại thái ấp cùng tên của gia đình ở ngoại ô Calcutta; năm 1921 nơi đây trở thành trường Đại học Tổng hợp Quốc tế Visvabkharati dành cho các nhà khoa học có nguyện vọng tìm hiểu các nền văn minh Phương Đông. R. Tagore dành phần lớn thời gian trong những năm cuối đời cho việc phát triển trường đại học này và cho nhiệm vụ đoàn kết thế giới trong nền văn hóa quốc tế. 50 năm sau Visvabkharati trở thành một trường Đại học Tổng hợp danh tiếng thế giới.

Năm 1910 ra đời tiểu thuyết sáng giá nhất của R. Tagore - Gora - ủng hộ tính nhẫn nại tôn giáo và chính trị.

Năm 49 tuổi R. Tagore xuất bản bằng tiếng Anh tập thơ Gitanjali (theo tiếng Bengal có nghĩa là Lời dâng). Thi phẩm này là lí do cho việc đề cử trao giải Nobel Văn học năm 1913, được cả thế giới công nhận là kì công thứ hai của văn học Ấn Độ (sau Sakuntala của Kalidasa(*), nhà thơ lớn Ấn Độ thế kỉ thứ V). Đang ở Mỹ, R. Tagore không đến Thụy Điển nhận giải, chỉ gửi một bức điện cảm ơn ngắn. Nhà thơ hiến số tiền nhận từ giải thưởng cho ngôi trường của mình để miễn học phí cho học sinh. Thời kì sau Lời dâng R. Tagore bắt đầu được tôn vinh ở Tổ quốc của mình như một vị thánh.

Từ năm 45 đến 59 tuổi, R. Tagore lần lượt đi thăm các nước Nhật, Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Liên Xô; năm 1929 ông đã đến thăm Sài Gòn 3 ngày. Năm 1915, ông được vua Anh phong tước hiệu quý tộc, nhưng sau vụ thảm sát ở Amritsar năm 1919, ông đã từ chối danh hiệu đó. R. Tagore được trao học vị danh dự của bốn trường đại học tổng hợp Ấn Độ và trường Đại học Tổng hợp Oxford.

Năm 68 tuổi R. Tagore bắt đầu vẽ tranh và triển lãm ở Münich, New York, Paris, Moxcva và nhiều nơi khác.

80 tuổi R. Tagore qua đời sau hai năm bị mù, để lại 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bút kí, tiểu luận, diễn văn, hồi ức, thư tín cùng hàng ngàn ca khúc và tranh vẽ vô giá.

Ở Việt Nam, R. Tagore được dịch khá nhiều. Năm 2004 Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đã tổ chức xuất bản R. Tagore. Tuyển tập tác phẩm - bao gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn của R. Tagore và các công trình nghiên cứu về ông.

Ca khúc Chúa là linh hồn tất cả chúng sinh viết năm 1911 trở thành quốc ca Ấn Độ từ năm 1950.

* TÁC PHẨM :

- Câu chuyện nhà thơ (Kabikahine, 1878), trường ca.

- Tiếng hát buổi chiều (Sandhya sangeet, 1882), thơ.

- Tiếng hát buổi sáng (Prabhat sangeet, 1883), thơ.

- Lễ hiến sinh (Visarjan, 1890), kịch.

- Một lí tưởng (Manasi, 1890), thơ [The ideal one].

- Con thuyền vàng (Sonar tari, 1894), thơ [The golden boat].

- Khoảnh khắc (Khanika, 1900), thơ.

- Tặng vật (Naivedya, 1901), thơ.

- Kí ức (Sharan, 1902), thơ.

- Hạt cát nhỏ (Cokher bāli, 1903), tiểu thuyết.

- Đắm thuyền (Naukādubi, 1906), tiểu thuyết.

- Trẻ thơ (Sisu, 1909; năm 1915 đổi tên thành Trăng non) , thơ.

- Gora (1910), tiểu thuyết.

- Vượt biển (Kheya, 1906), thơ.

- Hi sinh (Naibedya, 1910), thơ.

- Lời dâng (Gitanjali, 1910), thơ [(Song offerings].

- Thân chủ của gia đình (Raja, 1910), kịch [The king of the dark chamber].

- Vô cảm (Achalayatan, 1912), kịch [The immovable].

- Sở bưu điện (Dakghar, 1912), kịch.

- Hồi ức (Jibansmriti, 1912), thơ.

- Đá khát và những câu chuyện khác (Hungry stones and other stories, 1913), tập truyện.

- Bài hát tưởng niệm (Gitimalya, 1914), thơ [Wreath of song].

- Người làm vườn (The gardener, 1914), thơ.

- Vòng hoa thơ (Gitali, 1914), thơ.

- Ngôi nhà và thế giới (Ghare - baire, 1916), tiểu thuyết [The home and the world].

- Thầy tu khổ hạnh (Xaniaxi, 1916), kịch.

- Mùa xuân trở lại (Phalguni, 1916), kịch.

- Đường bay của chiếc cần cẩu (Balaka, 1916), thơ [The flight of cranes].

- Mùa hái quả (Fruit - gathering, 1916), thơ.

- Tặng vật (Lover's gift, 1918), thơ.

- Kẻ lánh nạn (The fugitive, 1921), thơ.

- Thác nước (Muktadhara, 1922), kịch [The waterfall].

- Cây trúc đào đỏ (Rakta - karabi, 1926), kịch [Red oleanders].

- Dòng chảy (Yogayog, 1929), tiểu thuyết [Crosscurrents].

- Cuộc khủng hoảng của nền văn minh (Sabhyatar sankat, 1941), tiểu luận.

* TÁC PHẨM ĐÃ DỊCH RA TIẾNG VIỆT :

- Lời tuyên cáo của Đông phương, Hoa Đường dịch, Tạp chí Nam Phong số 89, 1924.

- Thần ái tình, Diệp Văn Kỳ dịch, Nhứt đức - thơ xã, 1929.

- Gia đình và thế giới, Mặc Lan dịch, Tạp chí Tao Đàn (từ số 6-13), 1939.

- Tagorơ, (thơ, truyện ngắn, kịch), Cao Huy Đỉnh - La Côn tuyển chọn và giới thiệu, NXB Văn Học, 1961.

- Tập thơ kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Rơ- vin Đra-nat Ta-gor, nhiều người dịch, NXB Văn Học, 1961.

- Thơ, Xuân Diệu - Yến Lan - Nguyễn Đình Thi tuyển chọn và giới thiệu, NXB Văn Học, 1961.

- Khúc hát dâng đời, Phạm Hồng Dung - Phạm Bích Thủy dịch, NXB Nguồn Sáng, 1969.

- Thực hiện tâm linh, Như Hạnh dịch, NXB Kinh Thi, 1969.

- Tâm tình hiến dâng (nguyên tác: The gardener, thơ), Đỗ Khánh Hoan dịch, NXB An Tiêm, 1969 - 1986; NXB Ba Vì, 1969 -1971 - 1972 - 1973 - 1974; NXB Đà Nẵng, 1997 - 2001.

- Lời dâng ( thơ), Đỗ Khánh Hoan dịch, NXB An Tiêm, 1972; NXB Ba Vì, 1969 - 1971 - 1972 - 1973 - 1974; NXB Đà Nẵng, 1997 - 2001.

- Tặng vật (thơ), Đỗ Khánh Hoan dịch, NXB An Tiêm, 1972; NXB Ba Vì, 1969-1971- 1972 - 1973 - 1974; NXB Đà Nẵng, 1997 - 2001.

- Khúc hát dâng đời - Gitanjali - và ba danh tác khác: Tặng phẩm người tình, Mảnh trăng non, Chim lạc, Phạm Hồng Dung - Phạm Bích Thủy dịch, NXB Nguồn Sáng, 1971.

- Kẻ lang thang (truyện), Lê Thanh Hoàng Dân dịch, NXB Trẻ, 1973.

- Thực hiện toàn mãn, Nguyễn Ngọc Thơ dịch, NXB An Tiêm, 1973.

- R.Tagore - Thơ, Đào Xuân Quý dịch, NXB Văn Học, 1979.

- Đời tôi, Hoàng Hải dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài, 1984.

- Mây và mặt trời (tuyển tập truyện ngắn), Hoàng Cường - Nguyên Tâm dịch, NXB Văn Học, 1986.

- Nàng Binôdini (tiểu thuyết), Hồng Tiến - Mạnh Chương, NXB Đà Nẵng, 1989.

- Đắm thuyền (tiểu thuyết, 2 tập), Lưu Đức Trung - Trương Thị Thu Vân - Hoàng Dũng dịch, NXB Văn Học, 1989.

- R. Tagore - Tác phẩm chọn lọc , Lưu Đức Trung tuyển chọn và giới thiệu, NXB Giáo Dục, 1990 - 1994.

- Tagore - người tình của cuộc đời (có tuyển chọn một số bản dịch thơ của Tagore), Nhật Chiêu - Hoàng Hữu Đản biên soạn, NXB Hội Nhà Văn, 1991.

- Mảnh trăng non (thơ), Phạm Hồng Dung - Phạm Bích Thủy dịch, NXB Nguồn Sáng, 1969; NXB Đà Nẵng, 1997.

- Thơ Tago (thơ), Đào Xuân Quý dịch, NXB Văn hóa - Thông tin, 2000.

- Người đàn ông xứ Kabul, Phạm Viêm Phương dịch; Ảo ảnh tan vỡ, Quan chánh án, Hoàng Cường dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1997.

- Cứu rỗi, Ngô Tự Lập dịch, in trong Đôi mắt lụa, NXB Văn Học, 1998.

- R. Tagore như tôi hiểu (60 bài thơ), Nguyễn Linh Quang dịch, NXB Văn hóa - Thông tin, 2001; NXB Giáo Dục, 2003.

- Đói, Lá số tử vi, Từ con, Người láng giềng xinh đẹp, Hoàng Cường dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc - tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.

- Dàn hỏa thiêu, Chiến thắng, Kho vàng bí mật, Những bậc bến tắm bên sông, Hoàng Cường dịch; Từ con, Các babu vùng Nayajor , Nguyễn Tâm dịch; Cô dâu bé nhỏ, Nguyễn Văn dịch; Cứu rỗi, Ngô Minh Tự dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1999.

- R. Tagore, tuyển tập tác phẩm, Lưu Đức Trung tuyển chọn và giới thiệu, 2 tập, NXB Lao Động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2004.

Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển

Harald Hjärne, Chủ tịch Uỷ ban giải Nobel, Viện Hàn lâm Thụy Điển

Khi trao giải Nobel văn chương cho nhà thơ Anh - Ấn Rabindranath Tagore, Viện Hàn lâm Thụy Điển lấy làm vinh hạnh trao sự công nhận này cho một tác giả mà, đúng như những lời trong bản di chúc cuối cùng của Alfred Nobel, trong suốt một năm qua đã viết nên những bài thơ hay nhất "của một khuynh hướng lí tưởng". Hơn nữa, sau khi cân nhắc kĩ lưỡng thấu đáo và đi đến kết luận rằng những bài thơ của ông gần như đã đạt những chuẩn mực qui định, Viện Hàn lâm cho rằng không còn lí do gì để do dự, bởi vì tên tuổi nhà thơ vẫn còn xa lạ với châu Âu do sự xa cách về địa lí, càng không có lí do gì để từ chối, khi người sáng lập ra giải thưởng đã nói dứt khoát ý nguyện và mong muốn của ông rằng “khi xét trao giải, không nên quan tâm đến quốc tịch của người được đề cử”.

Tác phẩm Thơ Dâng (1912) (Gitanjali), một tuyển tập các bài thơ tôn giáo, là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà phê bình văn học.

Kể từ năm ngoái, tập thơ này, trong ý nghĩa đích thực và đầy đủ nhất, đã thuộc về nền văn học Anh, bởi vì chính tác giả, một người được giáo dục và tôi luyện thành nhà thơ bằng tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ Ấn, đã tự dịch các bài thơ của mình sang tiếng Anh, khoác lên chúng một chiếc áo mới, cũng hoàn thiện trong hình thức và độc sáng trong cảm hứng không kém nguyên tác. Nhờ vậy mà những bài thơ đến được với mọi người ở cả Anh, Hoa Kỳ và toàn thế giới phương Tây, nơi văn chương tao nhã luôn luôn được chú ý và coi trọng. Hoàn toàn độc lập với bất kì kiến thức nào về thơ ca Bengal, cũng đứng ngoài mọi khác biệt về niềm tin tôn giáo, trường phái văn học và mục đích đảng phái, Tagore nổi lên ở mọi lĩnh vực như một bậc thầy mới mẻ và đáng khâm phục về nghệ thuật thơ ca, nền nghệ thuật luôn luôn khăng khít không rời với sự bành trướng của nền văn minh nước Anh kể từ thời Nữ hoàng Elizabeth. Đặc điểm của loại thơ này, một loại thơ mà ngay lập tức đã nhận được sự ngưỡng mộ nồng nhiệt, là sự kết hợp hoàn hảo những ý tưởng của chính nhà thơ và những ý tưởng vay mượn từ người khác thành một chỉnh thể thống nhất; phong cách cân đối về tiết tấu của ông, như một nhà phê bình Anh đã đúc kết, là "sự kết hợp đồng thời giữa nét duyên dáng nữ tính của thơ ca với sức mạnh đầy nam tính của văn xuôi"; sở thích nghiêm ngặt, có thể nói là cổ điển của ông trong việc chọn từ, và cách sử dụng những yếu tố biểu đạt trong một ngôn ngữ vay mượn - tất cả những đặc điểm này, nói ngắn gọn, đã làm tác phẩm của ông thật độc đáo, không thể lặp lại, nhưng cũng vì vậy mà khó lòng chuyển được sang bất kì ngôn ngữ nào khác.

Sự đánh giá tương tự cũng đúng với tập thơ ra đời trước đó: Người làm vườn, Những vần thơ tình ái và cuộc sống (1913). Tuy nhiên, trong tác phẩm này, như chính tác giả chỉ ra, ông đã đúc kết lại chứ không phải diễn dịch những cảm hứng của ông thời trước. ở đây ta thấy một khía cạnh khác của con người ông, một con người lúc đắm mình trong những cảm xúc hạnh phúc và dằn vặt luân phiên xen kẽ nhau trong tình yêu non trẻ, khi lại làm mồi cho những cảm xúc đợi chờ và vui sướng dâng lên trước những thăng trầm của cuộc đời. Tuy nhiên, tất cả lại đan xen với những hình ảnh thoáng qua về một thế giới cao hơn cõi trần thế.

Bản dịch tiếng Anh cuốn tiểu thuyết của Tagore được xuất bản với tiêu đề Phác hoạ về cuộc sống người Bengali (1913). Mặc dù hình thức những câu chuyện này không mang đậm dấu Ấn của ông - dấu Ấn của một bút lực khác hẳn, nhưng nội dung của chúng minh chứng cho sự linh hoạt và tầm quan sát rộng của ông, sự thông cảm sâu sắc với số phận và cuộc đời của nhiều loại người khác nhau, và tài năng của ông trong việc xây dựng và phát triển cốt truyện.

Từ đó đến nay, Tagore xuất bản một tuyển tập thơ, tranh vẽ về tuổi thơ và cuộc sống gia đình, có tựa đề mang tính biểu tượng là Trăng non(1913) (The Crescent Moon), và một số bài thuyết trình trước sinh viên các trường đại học Hoa Kỳ và Anh, về sau được tập hợp thành một quyển sách mà ông gọi là Sādhanā (bản dịch tại Việt Nam: Thực nghiệm tâm linh, hay Thực hiện toàn mãn (1913)). Những tác phẩm này tiêu biểu cho quan điểm của ông về những phương cách để con người đạt được một đức tin mà nhờ nó họ có thể sống. Chính sự kiên trì tìm kiếm mối quan hệ đích thực giữa đức tin và tư tưởng đã khiến Tagore nổi bật lên là một nhà thơ có tài năng phong phú mà nét đặc trưng là tư tưởng uyên thâm, nhưng trên hết là cảm xúc nồng nàn và sức mạnh lớn lao trong ngôn ngữ hình tượng. Quả thật, văn học hư cấu rất hiếm khi đạt tới những âm thanh và sắc màu với sự tương phản và đa dạng lớn lao đến thế, có khả năng thể hiện một cách hài hoà và tinh tế mọi cung bậc khác nhau của cảm xúc, từ sự khao khát của linh hồn về cõi vĩnh hằng cho đến niềm hân hoan khi ngắm nhìn những trò chơi con trẻ.

Tầm hiểu biết của chúng ta (người phương Tây, ND) về loại thơ này, vốn hoàn toàn không phải là một thứ thơ “của lạ phương xa” (exotic, còn dịch là “dị lãm”, ND) mà thực chất là một thứ thơ phổ quát toàn nhân loại, tương lai có lẽ sẽ bổ khuyết cho những gì ta biết ngày nay. Tuy nhiên chúng ta biết rằng, động cơ của nhà thơ là nhằm đạt tới nỗ lực hòa giải hai bán cầu của nền văn minh vốn bị tách xa nhau, sự tách biệt mà trên tất cả là dấu Ấn đặc thù của thời đại chúng ta và chứa đựng những nhiệm vụ và vấn nạn quan trọng nhất của nó. Ý nghĩa đích thực của tác phẩm này được phát lộ một cách rõ ràng và thuần khiết nhất trong những nỗ lực truyền bá Cơ đốc giáo trên toàn thế giới. Trong tương lai, những người nghiên cứu sử sẽ biết rõ hơn chúng ta trong việc đánh giá tầm quan trọng và ảnh hưởng của nó (việc truyền bá Cơ đốc giáo), kể cả trong những điều hiện nay còn ẩn giấu khỏi tầm nhìn của chúng ta, và ở những nơi người ta không hề công nhận nó hoặc chỉ công nhận một cách ậm ừ miễn cưỡng. Họ sẽ không ngần ngại đánh giá nó cao hơn cách đánh giá mà hiện nay người ta nghĩ là thích hợp ở nhiều nơi. Chính nhờ chuyển động này mà những suối nguồn tươi trẻ và trong mát được khai thông, từ đó thơ ca uống nguồn cảm hứng, thậm chí cho dù những dòng suối này có thể hòa quyện với những dòng chảy lạ, và cho dù ta có thể lần về đúng cội nguồn của chúng hay không, hay nguồn của chúng có được qui vào những chiều sâu của thế giới mộng mơ không. Đặc biệt hơn, ở nhiều nơi trên thế giới, sự truyền bá Cơ đốc giáo đã đem lại cú hích quyết định đầu tiên cho sự hồi sinh và phục hưng ngôn ngữ bản địa, ví như việc thoát khỏi sự ràng buộc vào một truyền thống giả tạo, hay, như hệ quả tự nhiên, hướng tới sự phát triển khả năng của nó trong việc nuôi dưỡng và duy trì mạch máu thơ ca sống động, tự nhiên.

Hội truyền giáo Cơ đốc đã sử dụng ảnh hưởng như một lực lượng có tác dụng trẻ hoá ở cả Ấn Độ, nơi mà, cùng với sự phục hưng tôn giáo, nhiều ngôn ngữ bản địa đã sớm được đưa vào sử dụng trong văn học, nhờ vậy mà được công nhận và có một vị trí ổn định. Tuy nhiên, rất có thể, chúng lại hoá thạch một lần nữa dưới áp lực của một truyền thống mới đang dần hình thành. Nhưng ảnh hưởng của Hội truyền giáo Cơ đốc lớn lao hơn nhiều so với danh sách chính thức những người đăng kí cải đạo. Cuộc chiến tranh trong suốt thế kỉ qua giữa những ngôn ngữ bản địa đang tồn tại và thứ ngôn ngữ linh thiêng (đã chết từ lâu) của những thời xa xưa để kiểm soát những nền văn học mới lẽ ra đã có một chiều hướng và một kết cục hoàn toàn khác, nếu như các ngôn ngữ bản địa kia không được sự quan tâm hỗ trợ và nâng đỡ từ các nhà truyền giáo đầy đức độ hi sinh.

Chính ở Bengal, tỉnh Anh-Ấn lâu đời nhất, nơi mà nhiều năm trước mục sư Carey, nhà tiên phong trong sứ mệnh truyền giáo không mệt mỏi ấy, đã tới để rao giảng về nước Chúa và cải thiện ngôn ngữ bản địa. Chính ở đó, Rabindranath Tagore đã ra đời, năm 1861. Ông là con của một gia đình thế gia vọng tộc, có truyền thống về năng lực trí tuệ trong rất nhiều lĩnh vực.

Môi trường nơi cậu bé, sau là chàng thanh niên Tagore lớn lên hoàn toàn không phải một môi trường thô thiển, một môi trường áp đặt cho con người những ý niệm có sẵn về thế giới và cuộc sống. Ngược lại, trong gia đình ông, bên cạnh một cảm quan được hàm dưỡng cao độ về nghệ thuật là một niềm tôn kính sâu xa đối với tinh thần tìm kiếm và sự minh triết của tổ tiên, những người đã để lại cho đời sau những bản văn thiêng dùng trong nghi lễ thờ cúng của gia đình. Xung quanh ông cũng vậy, đang hình thành một tinh thần văn học mới có ý thức vươn tới nhân dân và làm quen với những nhu cầu cuộc sống của họ. Tinh thần mới này được tiếp thêm sức mạnh bởi những cải cách mà chính phủ tiến hành sau khi cuộc nổi dậy của người lai Ấn bị dập tắt.

Cha của Rabindranath là một trong những thành viên lãnh đạo nhiệt thành nhất của một cộng đồng tôn giáo mà con trai ông vẫn theo cho đến nay. Tổ chức này, tên gọi là "Brahmo Samaj", không nổi lên như một giáo phái theo kiểu Ấn Độ giáo thời cổ, mà với mục đích truyền bá việc tôn thờ một số vị thánh siêu việt hơn mọi vị thánh khác. Đúng hơn, nó được sáng lập vào nửa đầu thế kỉ XIX bởi một người giác ngộ và có thế lực, bị lôi cuốn bởi giáo lí đạo Cơ đốc mà ông học được ở Anh. Ông cố gắng mang lại cho truyền thống Ấn Độ giáo cổ xưa một cách diễn dịch mới phù hợp với những gì ông cho là tinh thần và ngụ ý của niềm tin Cơ đốc giáo. Cuộc tranh luận về giáo thuyết từ đó lan rộng cùng với sự diễn dịch về sự thật mà ông và những người kế tục rao giảng, từ đó cộng đồng bi chia cắt thành nhiều giáo phái độc lập. Đặc điểm của tổ chức này, vốn đặc biệt hấp dẫn với những người trí thức được đào tạo ở trình độ cao, ngay từ khởi thủy đã luôn luôn loại trừ sự gia tăng tín đồ đơn thuần về số lượng. Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp của tổ chức này, ngay cả đối với sự phát triển của nền giáo dục cộng đồng và văn học, thật sự là rất to lớn. Trong các thành viên của tổ chức trưởng thành mấy năm gần đây, Rabindranath Tagore đã đạt tới mức độ ưu việt. Đối với họ, ông như một vị đạo sư và nhà tiên tri đáng kính. Mối liên hệ mật thiết giữa đạo sư và môn đồ cùng với những điều mà người ta nhiệt thành tìm kiếm đã đuợc thể hiện một cách sâu sắc và giản dị cả trong cuộc sống tôn giáo lẫn trong đào tạo văn chuơng.

Để thực hiện tác phẩm của đời mình, Tagore đã tự trang bị một nền văn hoá đa diện, Âu cũng như Ấn, được mở rộng và trưởng thành bằng cách đi du lịch nước ngoài và học tập chuyên sâu tại Luân Đôn. Thời thanh niên ông đã đi du lịch khắp đất nước, cùng với cha đến tận dãy Himalaya. Khi bắt đầu sáng tác bằng tiếng Bengali ông vẫn còn rất trẻ, và ông cũng đã thử tài năng trong lĩnh vực văn xuôi và thơ, thơ trữ tình và kịch. Ngoài việc mô tả cuộc sống của những người bình thường ở đất nước mình, ông còn nhắc đến trong nhiều tác phẩm những vấn đề về phê bình văn học, triết học và xã hội học. Cách đây không lâu, ông đã có một thời kì ngắt quãng trong vòng quay những hoạt động sôi nổi và bận rộn, bởi vì, theo đúng tập tục lâu đời của dòng họ, ông cảm thấy cần phải sống ẩn dật một thời gian trên một chiếc thuyền bồng bềnh trên mặt nước tại một chi lưu của sông Hằng thiêng liêng. Sau khi trở về cuộc sống bình thường, ông ngày càng nổi danh với mọi người như một người thông thái và đáng sùng kính. Ngôi trường ngoài trời mà ông thành lập ở miền tây Bengal, dưới tán những cây xoài, đã đào tạo một số lớn thanh niên, và đến lượt họ, những người này, môn đệ thuần thành của ông, lại truyền bá học thuyết của ông trên toàn quốc. Hiện nay ông đã nghỉ hưu, sau gần một năm là khách mời danh dự của các hội văn chương ở Anh và Hoa Kỳ, và tham gia Đại hội về Lịch sử tôn giáo tổ chức mùa hè năm ngoái (1913) tại Paris.

Bất cứ khi nào gặp những tâm hồn rộng mở đón nhận học thuyết cao siêu của mình, ông đều truyền dạy với tư cách kẻ mang tin lành đến từ ngôi nhà báu vật ở phía Đông mà từ lâu người ta tiên đoán là có thật, bằng một ngôn ngữ mà mọi người đều hiểu. Hơn nữa, trong thái độ của chính Tagore, ông chỉ là người trung gian trao lại cho kẻ khác những gì bẩm sinh ông có mà không đòi hỏi gì đáp lại. Ông hoàn toàn không có ý định toả sáng trước mọi người như một thiên tài hay kẻ phát minh ra cái gì mới mẻ. Trái với sự sùng bái công việc, vốn là sản phẩm của cuộc sống khép kín của những thành phố phương Tây, luôn nuôi dưỡng một tinh thần bất an, luôn tranh đấu là tinh thần luôn đấu tranh đòi chinh phục tự nhiên nhằm thỏa mãn ý thích sở hữu và lợi nhuận, "dường như chúng ta đang sống" - Tagore nói - "trong một thế giới thù địch nơi chúng ta phải vắt kiệt mọi thứ ta cần từ một kết cấu sự vật ương bướng và xa lạ" (Sādhanā, trang 5). Ngược với tất cả những vội vàng tất bật khiến con người kiệt sức kia, ông đặt trước chúng ta một nền văn hoá mà trong những khu rừng rộng lớn, hoà bình và thiêng liêng của Ấn Độ đã đạt được sự hoàn thiện của nó, một nền văn hoá chủ yếu tìm kiếm bình an trong tâm hồn trong sự hoà điệu ngày càng viên mãn với sự sống của chính tự nhiên. Đó là một bức hoạ mang chất thơ - chứ không phải tính lịch sử - mà Tagore đã phát lộ cho chúng ta để khẳng định lời hứa của ông rằng có một hoà bình cũng đang chờ đợi chúng ta. Nhờ quyền lực gắn liền với năng lực tiên tri, ông thoải mái miêu tả những quang cảnh lờ mờ hiển lộ trước nhãn quan sáng tạo của ông vào một giai đoạn đồng thời với chỗ khởi đầu của thời gian.

Tuy nhiên, cũng như chúng ta, ông cách xa những gì quen được gọi là triết học phương Đông, cách xa những giấc mơ đau đớn về sự chuyển linh hồn và cái nghiệp (karma) phi ngã, cách xa đức tin phiếm thần - trên thực tế là trừu tượng - vốn được xem như một đặc tính riêng biệt của nền văn minh cao ở Ấn Độ. Chính Tagore không thừa nhận rằng một đức tin như thế lại có thể được rút từ những hành ngôn dù sâu sắc nhất của các nhà hiền triết trong quá khứ. Ông nghiên cứu thánh kinh Veda, Áo nghĩa thư (Upanishad) và cả lời của Phật tổ theo cách của riêng ông, để khám phá ra trong đó những gì đối với ông là sự thật không thể chối cãi. Khi tìm kiếm cái thần thánh trong thiên nhiên, ông tìm thấy một nhân cách sống thực với những đặc điểm của quyền năng tuyệt đối, vị Chúa Trời bao quát toàn vũ trụ, kẻ mà năng lực tinh thần siêu nhiên dù thế nào đi nữa vẫn hiển lộ trong mọi đời sống tạm bợ phù du, nhỏ cũng như lớn, nhưng đặc biệt là trong tâm hồn con người luôn khao khát sự vĩnh hằng. Lời ngợi ca, cầu nguyện, và lòng mộ đạo nhiệt thành tràn ngập những bài thánh ca mà ông đặt dưới chân vị Chúa Trời vô danh của ông. Một tinh thần khắc khổ hay thậm chí là đạo hạnh sẽ trở nên xa lạ với kiểu sùng mộ thánh thần này của ông, kiểu tôn thờ có thể xem như một loại thuyết hữu thần duy mĩ. Lòng mộ đạo đó hoàn toàn hòa hợp với toàn bộ sự nghiệp thơ ca của ông, và nó đã mang lại bình an cho ông. Ông tuyên giảng về bình an sẽ đến với những tâm hồn kiệt sức và mòn mỏi âu lo ngay cả trong vương quốc của Chúa Trời Cơ đốc giáo.

Đây chính là thuyết huyền nhiệm, có thể gọi như vậy, nhưng không phải là kiểu huyền nhiệm tìm kiếm sự từ bỏ cá nhân để thể nhập vào một cái Tất cả gần với cái Hư không (Nothingness), mà là một thuyết huyền nhiệm, với tất cả sự thông thái và tài năng của một tâm hồn được tu dưỡng đến độ cao nhất, nhiệt thành lên đường tìm gặp Chúa, người tạo dựng toàn vũ trụ. Dạng thức tích cực và năng động này của thuyết huyền nhiệm không phải là không ai biết tới ở Ấn Độ trước thời của Tagore, đúng ra chỉ hạn chế trong số những người tu khổ hạnh và triết gia thời cổ đại, nhưng thường gặp hơn trong nhiều hình thức của bhakti, một loại người mộ đạo mà bản chất là tình yêu và đức tin sâu xa vào Thượng đế. Ngay từ thời trung cổ, bị ảnh hưởng một số biện pháp của đạo Cơ đốc và một số tôn giáo ngoại nhập khác, bhakti đã tìm kiếm lí tưởng cho đức tin của mình trong những khúc đoạn khác nhau của Ấn Độ giáo, rất khác nhau về đặc tính, nhưng về thực chất đều là độc thần trong khái niệm. Tất cả những dạng thức cao của đức tin này đã biến mất hoặc bị thoái hoá đến không nhận ra được, bị bóp nghẹt bởi sự sinh sôi nảy nở tràn lan của vô số thứ ngẫu tượng hổ lốn đã lôi kéo được tất cả những người Ấn mà nội lực không đủ mạnh để cưỡng lại những lời đường mật của chúng. Mặc dù Tagore đã vay mượn đây đó vài nốt nhạc trong những bản tấu khúc của những người tiền bối, nhưng ông bước trên một nền móng vững chắc hơn trong thời đại này, thời đại mà các dân tộc trên trái đất xích lại gần nhau hơn cùng tiến trên con đường hòa bình, nhưng cũng là con đường của xung đột, để chung lưng đấu cật gánh vác trách nhiệm, một thời đại dùng năng lượng của chính mình để gửi đi những thông điệp chào mừng và lời chúc tốt đẹp vượt xa mọi đất liền và biển cả. Mặc dù vậy, bằng những hình ảnh gợi suy tư, Tagore đã chỉ cho ta thấy làm thế nào muôn sự phù vân đều bị cuốn vào trong cõi vĩnh hằng:

Thời gian là vô tận trong tay Người, hỡi Chúa của con. Không ai đếm được những phút của Ngườì

Ngày và đêm qua đi, năm tháng nở rồi tàn như những bông hoa. Người biết chờ đợi.

Những thế kỉ của Người nối nhau hoàn thiện một bông hoa dại nhỏ nhoi.

Chúng con không có thời gian để mất, và vì không có thời gian, chúng con phải giành giật cơ hội.

Chúng con quá nghèo nên không thể chậm trễ.

Và như vậy thời gian trôi qua, trong khi con trao nó cho bất cứ ai cáu kỉnh đòi hỏi nó, và bàn thờ của Người không có bất kì lễ vật gì.

Lúc ngày tàn, con vội vã vì sợ chẳng may cửa của Người sẽ đóng; nhưng rồi con nhận thấy vẫn còn thời gian. (Thơ Dâng, 82)

TRẦN TIỄN CAO ĐĂNG và TÂN ĐÔN dịch

© Bản quyền bản tiếng Việt bài tuyên dương này thuộc Trung tâm Culture Globe.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art