Thứ Hai, 22 Tháng Giêng, 2024

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

 Bốn chất thay thế đường lành mạnh - 1


Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu.

 

Đường cỏ ngọt

Bốn chất thay thế đường lành mạnh - 2

 

Đường cỏ ngọt (đường stevia) là một chất làm ngọt được chiết xuất từ lá của cây cỏ ngọt. Loại đường này không chứa calorie và không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hoặc lượng insulin. Đây có thể là đường thay thế tốt cho bệnh nhân tiểu đường và người béo phì.

Một phân tích gộp gồm chín nghiên cứu với 756 người tham gia cho thấy việc dùng đường cỏ ngọt có thể làm giảm đáng kể huyết áp và đường huyết lúc đói; huyết áp giảm trung bình 2.98 mmHg và mức giảm lớn nhất là 6.23 mm Hg. Trên thực tế, các nghiên cứu trước đây đã cho thấy đường cỏ ngọt có thể ổn định nồng độ insulin.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đường cỏ ngọt có dư vị hơi đắng.

Đường la hán quả

 

Bốn chất thay thế đường lành mạnh - 3

 

Một bài tổng quan đăng trên Tập san Scientific Reports (Báo cáo Khoa Học) cho thấy rằng la hán quả có thể là chất làm ngọt tự nhiên tốt thứ hai sau cỏ ngọt. Đường la hán quả được chiết xuất từ cây la hán quả. Các nghiên cứu hiện tại phát hiện thấy loại đường này có đặc tính chống khối u, chống tiểu đường, chống viêm và chống oxy hóa.

Đường la hán quả cũng không chứa calorie, không được cơ thể hấp thụ và chuyển hóa nên không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và không gây béo phì.

Bốn chất thay thế đường lành mạnh - 4

 

Đây là đường thay thế phù hợp với nhiều người, có vị ngọt tương đối tinh khiết, gần giống với đường trắng. Ngoài ra, đường la hán quả có thể ức chế sự phát triển của Streptococcus mutans và làm giảm khả năng sản xuất acid cũng như bám dính của vi khuẩn này, do đó có ích cho sức khỏe răng miệng.

Stevia in the Raw, Pure Via, Truvia và các nhãn hiệu đường thay thế khác dùng đường cỏ ngọt trong công thức, trong khi Monk Fruit in Raw, Lakanto, v.v., dùng đường la hán quả làm nguyên liệu thô.

Mật ong có thể chống bệnh cúm

Bốn chất thay thế đường lành mạnh - 5


Mật ong chứa khoảng 82% carbohydrate (40% fructose và 30% glucose), 17% nước, 4 đến 5% fructooligosaccharides là những chất lợi khuẩn.

Mật ong chứa khoảng 180 chất khác nhau, bao gồm acid hữu cơ, enzyme, protein, acid amin, khoáng chất, vitamin, v.v.

So với mật ong chế biến đã được tiệt trùng ở nhiệt độ cao, mật ong nguyên chất giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn, và đặc biệt là các lợi khuẩn như Lactobacillus và amylase. Mật ong thô thường bổ dưỡng và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn.

Do hoạt tính chống lại vi khuẩn gây bệnh phổ rộng, mật ong đã được dùng để chữa lành vết thương từ thời cổ đại.

Bốn chất thay thế đường lành mạnh - 6

 

Glucose và fructose trong mật ong có thể được tế bào hấp thụ trực tiếp, còn acetylcholine trong mật ong có tác dụng chống mệt mỏi nên có thể nhanh chóng phục hồi thể lực và năng lượng. Các acid hữu cơ trong mật ong có thể kích thích tiết dịch tiêu hóa và quá trình tiêu hóa. Mật ong cũng được cho là có tác dụng làm tăng nhu động ruột, giải rượu, bảo vệ gan, làm ẩm phổi, giảm ho và tăng miễn dịch.

Đường nâu truyền thống có ích cho sức khỏe

Bốn chất thay thế đường lành mạnh - 7


Đường nâu truyền thống ở Đông phương được phân loại là đường không ly tâm trong thế giới Tây phương. Đây là loại đường thu được bằng phương pháp truyền thống đun sôi và làm khô nước mía. Đường không ly tâm có các tên gọi khác nhau ở các quốc gia khác nhau, chẳng hạn như muscovo, panela, kokuto, đường thốt nốt, đường mía, đường nâu và đường đỏ.

Bốn chất thay thế đường lành mạnh - 8

 

Nhưng cần lưu ý rằng có hai dạng đường nâu. Thuật ngữ đường nâu trong bài viết này đề cập đến loại truyền thống. Còn loại đường nâu thương mại hiện đại được làm bằng cách thêm mật đường vào đường trắng tinh luyện.

Đường trắng được tạo ra bằng cách đun sôi chất lỏng của cây chứa đường và thêm các thành phần như chất khử màu, sau đó quay với tốc độ cao trong máy ly tâm để tách các tinh thể sucrose, đồng thời loại bỏ lượng mật đường màu nâu sẫm. Ngược lại, đường nâu truyền thống có màu nâu đỏ vì còn giữ lại mật đường và đã được đun sôi, thường ở dạng khối rắn hoặc hạt thô, nhưng có một số ở dạng lỏng.

Bên cạnh việc giàu chất dinh dưỡng, người xưa còn dùng đường nâu để điều trị một số bệnh vì chứa nhiều khoáng chất, hợp chất hoạt tính sinh học, flavonoid, acid phenolic, v.v.

Bốn chất thay thế đường lành mạnh - 9

 

Đường nâu chứa nhiều chất sắt hơn đường tinh luyện và cũng chứa selen, một chất tương tự insulin. Ngoài ra, trong đường nâu còn có các khoáng chất như calcium, magnesium, và zinc.

Các nhà khoa học đã phân lập được khoảng sáu chất chống oxy hóa từ đường thốt nốt Nhật Bản (kokuto), bao gồm syringaresinol, rượu coniferyl và rượu sinapyl.

Có 20 acid amin trong đường nâu, trong đó có acid gamma-aminobutyric giúp điều hòa sự dẫn truyền thần kinh, kích thích sự phát triển và giảm căng thẳng tế bào thần kinh, đồng thời ngăn ngừa chứng mất ngủ và trầm cảm.

Người ta cũng phát hiện trong đường nâu chứa policosanols có đặc tính làm giảm cholesterol và giảm lipid.

Sự chuyển hóa đường nâu thành acid acetic trong dạ dày làm tăng hoạt động của enzyme, giúp cải thiện tiêu hóa và kích thích thèm ăn.

Thí nghiệm trên động vật cho thấy đường nâu ức chế hiệu quả đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể trong tế bào do arsenic gây ra, giúp ngăn ngừa và điều trị ngộ độc arsenic.

Trung y cho rằng đường nâu có tính ấm và bồi bổ cơ thể. “Bản Thảo Cương Mục” của Lý Thời Trân ghi chép rằng đường nâu có tác dụng “điều hòa lá lách và làm dịu gan.” Trong khi đó, “Tổ Chức Thảo Dược Tìm Kiếm Sự Thật” mô tả rằng đường nâu có thể “bổ máu, cải thiện lưu thông máu và loại bỏ tắc nghẽn trong các bàng hệ.”

Y học Ayurvedic truyền thống của Ấn Độ cũng chia sẻ chung quan điểm, cho rằng đường nâu có thể điều trị chứng đau nửa đầu cũng như nhiễm trùng họng và phổi.

Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%), tiếp theo là chống độc và bảo vệ tế bào (22%), chống sâu răng (15%), tác dụng đối với bệnh tiểu đường và cao huyết áp (11%).

Flora Zhao  _  Đại Hải

Bài viết khác