Trong nửa sau của thế kỷ hai Công nguyên, xuất hiện một cuốn sách bằng tiếng Hy-lạp gây được ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài. Đó là cuốn Ngụy phúc âm của Giacôbê, còn gọi là Phúc âm Giacôbê hay Tiền phúc âm Giacôbê, hay Thời thơ ấu theo Giacôbê. Cuốn sách còn có phụ đề là Sự ra đời của Maria, Mẹ Thánh Thiên Chúa và Mẫu thân Rất Vinh hiển của Đức Giêsu Kitô. Các tình tiết trong sách liên quan chủ yếu tới việc Đức Mẹ Maria được thân mẫu thụ thai một cách mầu nhiệm; việc giáo dưỡng cô bé Maria; hôn nhân của Đức Maria với thánh Giuse; cuộc hành trình của hai vị cực thánh ấy đi Bêlem; sự ra đời của Chúa Giêsu; và những biến cố trong thời gian rất ngắn sau đó.
Tuy cuốn sách này bị lên án bởi Đức Thánh Cha (ĐTC) Innocent năm 405 và bị từ khước bằng Sắc chỉ của ĐTC Gelasius I khoảng năm 500, nhưng nó là một nguồn thông tin có liên quan sâu rộng tới ngành Thánh Mẫu học/Maria học (Mariology). Nó là một văn bản khẳng định sớm sủa nhất và còn giữ được cho tới nay, về sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria.
Sở dĩ sách được gọi là ngụy phúc âm vì (1) Nó không được toàn thể các Giáo hội Kitô chấp nhận như một văn kiện chính thức; (2) Được biên soạn phỏng theo lối hành văn của sách Phúc âm qui điển, và xuất hiện sau các sách ấy mấy chục năm; (3) Không thể xác minh cụ thể về tác giả, dù được giới luân lưu nó qui cho Giacôbê, người được nói là “anh cùng cha khác mẹ” với Chúa Giêsu
Ngoài ra, được xếp loại là tiền phúc âm, hay thời thơ ấu, vì sách kể một số chuyện xảy ra trước các chuyện được kể trong Phúc âm qui điển. Tuy thế, trong tinh thần tìm hiểu và cung cấp thêm thông tin, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về cuốn này, và chủ yếu giới hạn trong khung khổ Giáo hội Kitô tiên khởi rồi Giáo hội Công giáo Tây phương.
SƠ LƯỢC NỘI DUNG
Ngụy phúc âm Giacôbê là một cuốn sách mỏng, gồm bốn phần.
1/ Phần thứ nhất từ chương 1 tới chương 17:
Đức Maria được trình diện như một bé gái kỳ diệu, có số mệnh lớn lao được Thiên Chúa định ngay từ thời điểm và cách thức thân mẫu thụ thai. Thân phụ là đại phú ông Gioakim và vợ là bà Anna. Cả hai khắc khoải vì không có con. Ông Gioakim lìa bỏ vợ, ra nơi hoang mạc để cầu nguyện, để lại bà Anna khóc than cho tình trạng vô sinh và không còn chồng của mình. Thiên Chúa nghe lời cầu nguyện của bà; các thiên thần báo cho biết bà được ban cho có con; bà vui mừng thề hứa dù sinh trai hay gái, cũng sẽ dâng hiến con cho Đền thờ. Bà có thai tới tháng thứ bảy, một bé gái chào đời, như báo trước một cuộc đời tương lai diệu kỳ. Hai ông bà đặt tên con là Maria. Khi cô bé tròn ba tuổi, họ đưa cô bé vào Đền thờ, ở đó cô ca múa trước bàn thờ Thiên Chúa và được thiên thần cho ăn hằng ngày.
Tới lúc Đức Maria tròn mười hai tuổi, các tư tế quyết định cô không còn được ở trong Đền thờ nữa vì tới khi có kinh nguyệt, sẽ khiến thánh địa thành nơi ô uế. Thiên Chúa chỉ định cho thượng tế chọn ông Giuse, một người góa vợ, để làm người bảo hộ, giữ gìn Trinh nữ của Đền thờ. Ông Giuse được mô tả là một người thợ mộc, cao niên, có con cái; và ông không muốn có quan hệ xác thịt với Maria. Ông để cô ở nhà, đi xa làm thợ. Trinh nữ Maria được thượng tế gọi vào Đền thờ để nhận chỉ về nhà quay sợi làm màn trướng Đền thờ. Ngày nọ, một thiên thần xuất hiện, nói với Maria rằng cô được chọn để thụ thai Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế, nhưng sự việc thụ thai và sinh con của cô sẽ không giống các phụ nữ khác. Ông Giuse đi làm ăn về, thấy bà Maria có thai đã sáu tháng; ông quở trách bà, sợ rằng các tư tế sẽ kết án ông là đã dự phần vào tội lỗi này. Ông quyết định sẽ âm thầm từ bỏ bà. Nhưng thiên thần hiện ra trong giấc mộng báo cho ông biết Đức Maria thụ thai bởi Thánh Linh và đứa con sẽ đặt tên là Giêsu. Ông Giuse kín đáo giữ bà ở lại. Tuy thế, sự việc bị lộ, cả hai phải ra pháp đình của thượng tế. Ở đó, qua thử thách uống “nước đắng thiêng liêng”, sự trong trằng của cả hai được chứng minh. Ông Giuse nhận bà về nhà mình để bảo vệ thai phụ, theo ý chỉ của Thiên Chúa.
2/ Phần thứ hai từ chương 18 tới chương 20:
Sắc chỉ của Hoàng đế La Mã buộc ông Giuse và bà Maria phải đi Bêlem. Bà Maria chuyển bụng khi sắp tới làng ấy. Ông Giuse để bà tạm ở trong một hang đá có các con của ông canh giữ. Rồi ông đi tìm bà mụ, và trong khoảnh khắc khải huyền, ông thấy mọi chuyển dịch đều ngưng đọng, toàn vũ trụ đứng yên. Ông quay lại với một bà mụ. Khi họ đứng ở cửa hang đá, có đám mây phủ bóng lên nó, rồi tràn ngập ánh sáng chói lòa, và đột nhiên, một trẻ sơ sinh xuất hiện, tới trên ngực bà Maria. Ông Giuse và bà mụ sững sờ trước quang cảnh kỳ diệu đó. Nhưng bà mụ thứ hai là Salômê (bà thứ nhất không nêu tên) nhất quyết khám xét bà Maria. Sau đó, bàn tay bà Salomê bị thiêu rụi vì sự thiếu đức tin. Bà cầu xin Thiên Chúa tha thứ, và một thiên thần hiện ra, bảo bà chạm vào Hài nhi Kitô thì sẽ được chữa lành ngay.
3/ Phần thứ ba từ chương 21 tới chương 25:
Phần kết của sách là cuộc kính viếng của ba nhà chiêm tinh; nỗi sơ hãi và cơn thịnh nộ của Hêrôđê; cuộc tàn sát các hài nhi vô tội ở Bêlem; tử đạo của Thượng tế Dacaria (thân phụ của thánh Gioan Tẩy giả); cuộc tuyển cử ông Simêon làm thượng tế kế vị. Chương sau cùng như một lời báo danh, tự biện, nói hoàn cảnh biên soạn và cảm tạ Thiên Chúa.
XUẤT XỨ
Xuất hiện từ Syria và được lưu hành rộng rãi giữa thế kỷ 2 Công nguyên, cuốn Ngụy phúc âm Giacôbê nổi danh nhờ được nhắc tới bởi Ôrigênê, học giả, nhà khổ hạnh, nhà thần học và là giáo phụ của Giáo hội tiên khởi; tuy ông bày tỏ sự nghi ngờ về nguồn gốc của nó. Sách có thể còn được biết tới bởi triết gia và nhà đại thần học Clement thành Alexandria, thầy dạy của Ôrigênê (xem phần Đồng trinh trước sau và mãi mãi).
Syria thuở đó nằm dưới sự cai trị của Đế quốc La Mã. Nó được gọi là tỉnh Syria (bao gồm cả xứ Palestine/Do Thái, với dinh quan tổng trấn đặt tại thủ phủ Antiôkhia/Antioch). Syria có một cộng đoàn người tân tòng Đạo Chúa vững mạnh ở thành phố lớn Đamát mà ngày nay thành thủ đô của nước Syria; đây là nơi Chúa Giêsu đích thân chọn kẻ bắt đạo Saolô làm Tông đồ dân ngoại Phaolô (Cv. 9:1-24). Cách riêng, thủ phủ Antiôkhia được xem là nơi có cộng đoàn người theo Đạo Chúa cứng đức tin nhất; cũng là nơi đầu tiên những người ấy được gọi là Kitô hữu – christos: người được xức dầu (Cv. 11: 26). Ngày nay, nó là thành phố Antakya thuộc tỉnh Hatay, Thổ nhĩ kỳ.
Ngụy phúc âm Giacôbê được biên soạn nguyên văn bằng tiếng Hy-lạp, từng được dịch ra các thứ tiếng như Syria, Ethiopia, Copt, Georgia, Slave Cổ, Armenia, A-rập, v.v. Ngoài ra, còn có bản dịch ra tiếng La-tinh bình dân. Ngày nay, người ta sưu tầm được khoảng 140 bản chép tay bằng các thứ tiếng ấy. Xưa nhất là bản viết trên giấy cói (papyrus) từ thế kỷ 4, cũng có thể thế kỷ 3, được phát hiện năm 1952, hiện tàng trữ tại Thư viện Bodmer Library, Geneva, Thụy Sĩ. Bản đầy đủ bằng tiếng Hy-lạp có từ thế kỷ 10, hiện để tại Thư viện Quốc gia, Paris, Pháp. Sách có nhiều dị bản, vài chi tiết khác nhau hoặc đôi khi thêm thắt ít nhiều, có lẽ vì những sơ sót khi chép tay, hoặc ghi lại theo lời của mỗi người kể; cũng có thể do bởi sự can thiệp tùy hứng theo cảm tính hay niềm tin của người ghi chép. Xưa nay, việc có phần nào “tam sao thất bổn” là điều không thể tránh khỏi.
Hiện nay, có khoảng một chục bản dịch ra tiếng Anh của dịch giả thuộc nhiều phái Kitô giáo khác nhau; nhan đề tiếng Anh thường là Gospel of James hoặc Protoevangelium of James, The Birth of Mary the Holy Mother of God, and Very Glorious Mother of Jesus Christ. Người đọc có thể tìm thấy trên mạng internet. Bản chúng tôi chuyển ngữ dựa vào sự kết hợp và đối chiếu từ nhiều bản Anh ngữ, lấy từ http://www.earlychristianwritings.com/infancyjames.html (xem phần Toàn văn).
Xét theo nội dung sách, có học giả cho rằng cuốn Ngụy phúc âm Giacôbê có thể có nguồn gốc tại Syria, từ Encratites (những người tự kiểm soát/tự chế ngự), một phái Kitô giáo khổ hạnh vào thế kỷ 2. Phái này chủ trương diệt dục, kiêng thịt và tuyệt đối cấm lập gia đình, do Tatian (k.120–k.180) người Assyria, một tác giả Ngộ giáo (Gnosticism), đề xướng khoảng năm 170 SCN. Tatian dạy rằng quan hệ tình dục và hôn nhân là hội chứng của tội nguyên tội. Phái này bị các nhà thần học Kitô giáo dòng chính lên án từ rất sớm, như thánh Giám mục Irênê/Irenaus (k.130–k.202). Lễ kính ngày 28 tháng Sáu.
Thêm nữa, một số tình tiết trong Ngụy phúc âm Giacôbê cho thấy người biên soạn nó có dựa vào một số chi tiết được tường trình trong hai cuốn Phúc âm qui điển của Mátthêu và Luca mà xây dựng câu chuyện và mô phỏng theo đó mà thể hiện bút pháp của mình; vì thế nó bị liệt vào loại ngụy (tác) phúc âm.
TÁC GIẢ
Ở chương 25 kết thúc cuốn Ngụy phúc âm Giacôbê, người biên soạn xưng mình là Giacôbê ở Giêrusalem; ông được nhiều người cho là anh cùng cha khác mẹ với Chúa Giêsu, nghĩa là con trai của người vợ trước đã qua đời của thánh Giuse; nhưng thực tế, không ai biết được lai lịch thật sự của tác giả.
Theo thánh Giêrônimô/Jerome thì trong 12 tông đồ có Giacôbê Hậu (Thứ/Nhỏ), con ông An-phê (phân biệt với Giacôbê Tiền, anh em với Anrê và Gioan, con ông Giêbêđê). Giacôbê Hậu có nơi gọi là “người anh em của Chúa” nhưng hoàn toàn không phải, lại càng không nên lẫn lộn cái tên Giacôbê biên soạn cuốn Ngụy phúc âm Giacôbê này với vị tông đồ Giacôbê Hậu ấy.Thánh Giêrônimô còn khẳng định rằng Giacôbê Hậu là con của bà Maria – chị dâu của Đức Maria và là vợ của ông Clêôpas (hay Clôpas), anh của thánh Giu-se – được Tông đồ Gioan đề cập tới trong phúc âm Gioan 19:25.
Theo bộ sách truyện đời các thánh Cổ tích bằng vàng (the Golden Legend/Legenda aurea or Legenda sanctorum) do tổng giám mục thành Genoa nước Ý, Jacobus de Varagine (k.1230–1298) sưu tầm và biên soạn trong thế kỷ 13 thì sở dĩ tông đồ Giacôbê Hậu được gọi là “anh em của Chúa” là vì “ông rất giống Chúa của chúng ta, từ thân thể tới vẻ mặt và bộ điệu.”
Thánh Gioan Kim Khẩu/John Chrysostom (k.347–407), tổng giám mục thành Constantinôpôli, (lễ kính ngày 13 tháng Chín) ghi nhận trong một bài giảng nổi tiếng hùng biện về phúc âm Mátthêu rằng “Tông đồ Giacôbê Hậu là người cực kỳ đạo hạnh. Ông sống kham khổ, chỉ ăn đôi ba chút vừa đủ sống, không uống chất có men và siêng năng quì cầu nguyện tới độ hai đầu gối chai sần như đầu gối con lạc đà. Dân chúng ngưỡng mộ, gọi ông là Giacôbê Người Công chính.” Ông được các tông đồ cử làm giám mục Giêrusalem, nơi vô cùng khó khăn cho đạo Chúa. Sử gia Do Thái Flavius Josephus (37–k.100) kể lại trong cuốn Những Cổ Nhân Do Thái (20,201f) rằng lợi dụng thời gian chờ đợi Albinius từ Rôma đến để thay thế Tổng trấn Festus, thượng tế Ananus, con của Annas, thủ tọa Hội đồng Công nghị, đã ra lệnh ném đá tới chết giám mục thủ lĩnh Giacôbê Người Công chính ấy vào năm 62, hoặc 69. Cũng có thuyết nói rằng ông bị ném từ tường cao hơn 30 thước của Đền thờ xuống đất rồi dùng gậy lớn của thợ hồ vải đánh tới chết. Ông được đề cập tới rải rác trong các sách của Mátthêu 10:3; Máccô 3:18; Luca 6:15; Công vụ Tông đồ 1:13; Thư 1 Gửi tín hữu Côrintô 17:7; Thư gửi tín hữu Galát 1:19 và 2:9. Ông cũng là tác giả Thư của thánh Giacôbê trong Tân Ước
Việc người biên soạn cuốn Ngụy phúc âm Giacôbê tự xưng mình là Giacôbê (và được xem là “người anh em [cùng cha khác mẹ] của Chúa”) có thể là do thói quen tá danh của một số người ngụy tác hoặc luân lưu sách thời cổ đại. Họ mượn đại danh của một người khác chung trường phái vì muốn tiếng nói của mình được lắng nghe. Cách này rất thông dụng tại nhiều nơi, kể cả Trung Hoa, với những phần ngụy tác trong kinh sách cổ, thí dụ trong Nam hoa kinh, Kinh Dịch, v.v.
Thánh Giêrônimô là người quyết liệt phủ nhận cuốn Ngụy phúc âm Giacôbê. Ông quả quyết rằng (1) Bản thân thánh Giuse là trọn đời đồng trinh; (2) Bốn người anh em (Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa) được đề cập tới trong phúc âm Mátthêu (13:55) chỉ là anh em họ của Chúa Giêsu. Có thể lời quả quyết ấy là một trong những lý do đưa tới việc cuốn Ngụy phúc âm Giacôbê bị ĐTC Innocent I lên án năm 401, rồi tới 100 năm sau, nó bị Sắc chỉ Gelasia phủ định khoảng năm 500.
Đối chiếu với Phúc âm qui điển
Điểm đầu tiên nổi bật dưới mắt người đọc là sự khác nhau về thời điểm bắt đầu câu chuyện trong bốn cuốn Phúc âm qui điển so với cuốn Ngụy phúc âm Giacôbê (mà từ đây ở nhiều chỗ, chúng tôi sẽ chỉ gọi gọn là Sách Giacôbê). (1) Sách Mátthêu (biên soạn trong khoảng năm 65 tới 90) bắt đầu với Gia phả Đức Kitô và việc Đức Maria có thai do bởi quyền năng của Thánh Linh. (2) Sách Luca (biên soạn trong khoảng năm 85 tới 90) bắt đầu với việc thiên thần truyền tin cho ông Dacaria rằng bà Êlisabét vợ ông sẽ thụ thai thánh Gioan Tẩy giả. (4) Sách Máccô (biên soạn trong khoảng năm 66 tới 70) bắt đầu với câu chuyện thánh Gioan Tẩy giả xuất hiện nơi hoang địa. (4) Sách Gioan (biên soạn trong khoảng năm 99 tới 110) bắt đầu bằng bài ca tuyên xưng Ngôi Lời và lời xác nhận của thánh Gioan Tẩy giả về Chúa Giêsu Kitô. Ba cuốn đầu được gọi là Phúc âm Nhất lãm vì chúng có chung những chi tiết hay quan điểm giống nhau.
Vào khoảng năm 150 CN, cả bốn cuốn phúc âm ấy đều được Giáo hội Kitô công nhận là sách thánh, lập làm qui điển thiêng liêng – nghĩa là có tính kinh điển, dùng làm hệ qui chiếu cho tín lý cùng những triển khai giáo lý. Để đi tới sự công nhận ấy, Giáo hội đã sàng lọc rất cẩn thận, loại bỏ những bản phúc âm khác và các văn bản vô căn cứ hoặc giả mạo. Trong việc lập thành qui điển này, Giáo hội tin tưởng rằng mình được ơn soi sáng “không thể sai lầm” của Thánh Linh, và đó chính là căn cứ ưu tiên và quan trọng nhất.
Khác với bốn sách Phúc âm qui điển, Sách Giacôbê bắt đầu bằng câu chuyện song thân của Đức Maria là ông Gioakim và bà Anna. Tuy thế, trong Sách Giacôbê lại có những điểm trùng hợp với hai cuốn Phúc âm qui điển (của Mátthêu và Luca) khiến nhiều học giả cho rằng tác giả Sách Giacôbê đã dựa vào hai cuốn Phúc âm qui điển ấy để sáng tác cuốn của mình (nên mới gọi là ngụy tác). Các điểm gần giống nhau đó là:
1/ Đức Maria đính hôn với thánh Giuse trên danh nghĩa và không thật sự là vợ chồng;
2/ Nội dung việc Thiên sứ Gabrien truyền tin cho Đức Maria;
3/ Khi thấy Đức Maria mang thai Chúa Giêsu, thánh Giuse không muốn tố cáo, mà chỉ có ý định li dị kín đáo;
4/ Sự đồng trinh của Đức Maria;
5/ Việc tư tế Dacaria bị phạt câm vì không tin bà Êlisabét vợ mình sẽ có thai thánh Gioan Tẩy giả;
6/ Quan hệ anh em họ của Chúa Giêsu và thánh Gioan Tẩy giả;
7/ Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét và ý chính của bài ca Ngợi khen (Magnifiat), và ở lại đó ba tháng (Lc. 1:39-56);
8/ Thiên thần hiện ra với thánh Giuse trong giấc mộng về việc Đức Trinh nữ Maria thụ thai Con Thiên Chúa;
9/ Chuyến đi về nguyên quán Bêlem theo lệnh kiểm tra dân số của Hoàng đế La Mã Augúttô và việc Chúa Giêsu Hài đồng ra đời ở nơi nuôi bò lừa;
10/ Chuyến đi bái lạy của ba nhà chiêm tinh phương đông; tiếp xúc của họ với vua Hêrôđê; và cuộc tàn sát các anh hài ở miền Giuđê;
11/ Câu Thánh Linh báo cho Simêôn biết việc ông “sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đức Kitô.” (Lc. 2:26).
Thế nhưng rải rác trong Sách Giacôbê, lại có những điểm khác với hai sách Mátthêu và Luca trong Phúc âm qui điển.
1/ Phúc âm qui điển không nói gì tới song thân của Đức Maria;
2/ Phúc âm qui điển không đề cập tới quãng đời của Đức Maria trước ngày thánh Giuse đón nhận, đặc biệt việc dâng hiến Đức Mẹ vào ở trong Đền thờ Giêrusalem;
3/ Sách Luca kể chuyện truyền tin xảy ra trong nhà của Đức Maria: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói…” (Lc. 1:28). Sách Mátthêu không nói ở đâu nên được đoán là ở trong Đền thờ (hay tại nhà riêng của Đức Maria), vì ở Mátthêu 2:24 có câu: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” Còn trong Sách Giacôbê thì xảy ra trong nhà của thánh Giuse khi thánh đi làm thợ xa;
4/ Sách Luca 1:39 kể rõ nhà ông Dacaria ở miền núi, trong một thành thuộc chi tộc Giuđa, cũng tức là Giuđê, còn trong Sách Giacôbê thì có hàm ý nhà ấy ở Giêrusalem;
5/ Ông Dacaria không phải là thượng tế chủ trì Đền thờ như trong Sách Giacôbê mà theo Phúc âm qui điển, chỉ là một tư tế thường “Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền thờ Thiên Chúa” (Lc. 1:9);
6/ Phúc âm qui điển không đề cập tới cái chết của tư tế Dacaria hoặc việc vua Hêrôđê truy lùng cách riêng Gioan con của ông với bà Êlisabét hoặc việc bà bồng con chạy trốn lên núi, như trong Sách Giacôbê;
7/ Phúc âm qui điển không nói cụ thể nghề nghiệp hay tuổi tác của thánh Giuse; chỉ nói là “bác thợ”/tekton (Mt. 13:55). Còn trong Sách Giacôbê thì thánh Giuse là người cao niên, làm thợ mộc (hàm ý cây rìu và đi xây dựng các tòa nhà to lớn);
8/ Sách Giacôbê nói rõ thánh Giuse là một người góa vợ, đã có nhiều con cái, trong khi Phúc âm qui điển không nói gì tới việc đó;
9/ Phúc âm qui điển nói Đức Maria là trinh nữ đã thành hôn với thánh Giuse (Lc. 1:27). Trong Mátthêu 1:18 thì ghi “…đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống…”. Còn trong Sách Giacôbê thì nhấn mạnh rằng thánh Giuse đối với Đức Mẹ là đón nhận Trinh nữ của Đền thờ về nhà mình chỉ để bảo hộ, giữ gìn, tuy bên ngoài có danh nghĩa hôn thê;
10/ Sách Giacôbê không nói tới địa danh Nadarét, nơi được xem là chánh quán của Đức Maria, và về sau trở thành nơi thường trú của Thánh Gia thất;
11/ Sách Luca (2:7) nói Đức Maria ở tại quán trọ nhưng nơi chuồng bò lừa “lấy tả bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong quán trọ”, còn Sách Giacôbê thì nói rõ Đức Maria sinh Hài đồng Giêsu trong một hang đá gần Bêlem;
12/ Sách Giacôbê viết rõ cách Hài đồng Giêsu được sinh ra, còn Phúc âm qui điển thì không;
13/ Về việc Hài đồng Giêsu lánh nạn truy sát của Hêrôđê, Sách Giacôbê không nói trốn sang Ai Cập (Mt. 2:13-15), mà chỉ ghi Đức Maria “hoảng sợ, ôm con mình, lấy tả quấn con, rồi đặt con vào một cái máng trong chuồng bò”.
NHỮNG LIÊN QUAN ĐA DIỆN
Tuy sách Ngụy phúc âm Giacôbê bị nhiều tranh cãi và không được Giáo hội Kitô chấp nhận, nhưng người ta khó có thể phản bác những liên quan đa diện của nó. Khi nghiên cứu Sách Giacôbê, các học giả rút ra nhiều kết luận về ảnh hưởng của nó lên các giáo hội Kitô trên hai khía cạnh tác động hoặc đóng góp nhiều mặt.
Ở đây, chúng tôi chỉ dùng cụm từ “liên quan nhiều mặt” khi xem xét nó mà không kết luận về ảnh hưởng hay tác động khả dĩ của nó. Lý do là vì:
1/ Tư liệu làm nên nội dung Sách Giacôbê chắc chắn có nguồn gốc từ (1) những chuyện kể còn nóng hổi trong các cộng đoàn Kitô hữu thời tiên khởi cùng những truyền thuyết lưu hành trong các cộng đoàn hội thánh thời sơ khai; (2) những văn kiện như bản thảo, thư từ, sách vở trong thời kỳ đó mà cho tới nay, số lượng phát hiện được chắc chắn là không bao giờ hết; (3) việc sao chép lại nội dung sách theo một bản sao chép khác hay theo lời kể của một vị nào đó chắc chắn không tránh khỏi sai sót hoặc theo ý kiến chủ quan của người kể hay người ghi tùy vào giáo phái, trình độ, niềm tin hay tình cảm của người sao chép.
2/ Ảnh hưởng của một tác phẩm truyền khẩu hay chép tay cách đây gần hai ngàn năm thì thường có tính đa chiều. Nó tác động lên các hoàn cảnh, các tác phẩm khác và các lý thuyết khác, v.v. đồng thời nó cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều của những cái đã có trước nó. Thật khó xác định dứt khoát cái nào có tác động tiên quyết lên cái nào, nhất là khoa khảo cổ càng ngày càng phát hiện thêm nhiều tài liệu cổ, hoặc có điều kiện hơn để tái xác minh nhưng tài liệu hiện hành.
Liên quan Cựu ước
Cốt truyện của Sách Giacôbê lấy bối cảnh Do Thái giáo làm khung nên đương nhiên có liên quan ít nhiều tới Cựu ước. Ta bắt gặp đâu đó trong sách hình ảnh Đền thờ; rút ra hoang mạc ăn chay 40 ngày đêm; nước đắng thử thách; màn trướng Đền thờ; nội điện cực thánh; thượng tế và tư tế; hình phạt thảm khốc; thời gian thanh tẩy của sản phụ, lề luật Do Thái, v.v.
Mô thức mẫu thân thụ thai nhờ hồng ân của Thiên Chúa làm nhớ lại sự thụ thai Ixaác, Môse, đặc biệt câu chuyện Samuen trong Sách Samuen quyển 1. Mẹ của ông Samuen cũng có tên là Anna (Hannah trong tiếng Do Thái), đã luống tuổi, thường bị sỉ nhục vì không có con. Tại Đền thờ (lúc ấy còn là Lều Trướng), bà cầu xin lên Thiên Chúa và được thượng tế Êli báo tin rằng bà đã được Thiên Chúa nhận lời. Tới thời điểm Samuen dứt sữa, bà thánh hiến con trai cho vào ở hẳn trong Đền thờ; về sau ông làm đại thủ lãnh cuối cùng, rồi phong Saun làm vị vua đầu tiên của dân Ítraen.
Liên quan Tân Ước
Sách Giacôbê có nhiều tình tiết trùng hợp với Phúc âm qui điển; có chuyện được kể gần như giống 100%. Nhiều học giả cho rằng tác giả đã dựa vào một số tình tiết trong hai sách qui điển của Mátthêu và Luca để xây dựng câu chuyện của mình. Thí dụ chuyện thiên sứ Gabrien truyền tin cho Đức Maria (Lc. 1:28-38); chuyện Đức Maria tới thăm bà Êlisabét rồi ở lại ba tháng (Lc. 1:39-56); chuyện thiên thần truyền tin cho thánh Giuse (Mt. 1:19:24); chuyện ba nhà chiêm tinh với Hêrôđê và vụ tàn sát các anh hài (Mt. 2:1-16), v.v.
Đôi khi chỉ tương tự một đôi nét chính yếu. Thí dụ chuyện bà mụ Salômê dùng ngón tay để thử thách Thiên Chúa làm ta nhớ tới truyện Tông đồ Tôma muốn thử thách Chúa Giêsu (Gn. 20:24-29); chuyện ông Dacaria bị câm (Lc. 1:20); chuyện ông Simêôn (Lc. 2:26); chuyện Đức Maria đặt Hài đồng Giêsu vào máng cỏ (Lc. 2:6), v.v.
Liên quan Kinh thánh Hồi giáo
Kinh Kôran (Qur’an) mà người Hồi giáo kết tập và ghi lại sau ngày Đức Môhamét (k.570-k.632) qua đời, được họ tôn là thiên kinh vì tin rằng đó lời thiên khải cuối cùng của Thượng đế và rằng nguyên bản bằng tiếng A Rập của kinh ấy hiện được lưu giữ trên thiên đường.
Trong kinh Kôran, Đức Maria có một địa vị đặc biệt tôn kính. Tên A Rập của bà là Maryam, được đề cập 34 lần, nhiều hơn tổng số lần trong Tân Ước. Những người nữ trong kinh Koran chỉ được gọi là vợ của người này hoặc con của người kia; riêng Đức Maria là người nữ duy nhất được nêu rõ tên với câu chuyện kể lại tuy rải rác nhưng y hệt với Ngụy phúc âm Giacôbê, tuy trong kinh ấy, bà chỉ xuất hiện với địa vị “mẹ của tiên tri Isa” (tên A Rập của Chúa Giêsu).
So với đức tin Kitô giáo, người Hồi giáo chấp nhận hai tín điều “Vô nhiễm nguyên tội” và “Đồng trinh trọn đời” của bà Maryam/Maria. Bà cũng được nhận biết là thụ tạo độc nhất không mang tội nguyên tội từ trước khi ra đời và suốt đời không nhiễm tội nào.
Sự việc Thiên sứ Gabrien truyền tin cho Maryam, kinh Kôran kể: “Và (hãy nhớ) khi các thiên thần bảo (Nàng Maryam): ‘Hỡi Maryam! Quả thật Allah đã chọn nàng, và tẩy sạch Nàng và chọn Nàng (để phụng sự Ngài hơn những phụ nữ khác trong thiên hạ’.’” (Ch. 3 42). Và Maryam nói: “(Maryam thưa: ‘Lạy Rabb [Allah] của con! Làm sao con sẽ có con trong lúc không một người đàn ông nào chạm đến mình con?’ (Allah) phán: ‘(Sự việc sẽ xảy ra) đúng như thế! Allah tạo hóa bất cứ việc gì Ngài muốn. Khi Ngài quyết định một việc, Ngài chỉ phán: ‘Hãy thành!’ Thì nó sẽ thành như thế.” (Chương 3:47).
Trong kinh Kôran, ông Gioakim thân phụ của Đức Maria có tên A Rập là ‘Imrân, được lấy đặt tên cho Chương 3: Al-‘Imrân (Gia đình Al-‘Imrân). Chuyện bà Anna vợ ông có thai Maryam và dâng vào Đền thờ với thượng tế Zakarya, và được Allah ban cho thức ăn (Ch. 3: 33-37); Myriam “đứa con gái của Imrân, đã giữ mình trinh tiết” (Ch. 66:12); Myriam được Allah chọn, hơn những phụ nữ khác trong thiên hạ (Ch. 3: 42) và là tấm gương cho các tín đồ (Ch. 66:11). Đặc biệt hơn nữa, kinh Kôran dành hẳn một chương/Surah lấy tên Maryam (Ch. 19 Maryam/Mary, gồm 5 đoạn, 98 câu); chương đó được đánh giá là hay nhất trong toàn bộ 114 chương.
Cũng trong kinh Kôran, Chúa Giêsu Kitô được trân trọng gọi bằng các danh hiệu Isa ibn Maryam (Giêsu con bà Maryam/Maria); ruh min Allah (Thần Khí từ Allah); mushia bi’l baraka (Đấng Messiah, Người được Allah xức dầu tấn phong), kalimah min Allah (Lời từ và của Allah), rasul (Ngôn sứ/Sứ giả) của Allah/Thượng đế. Ý nghĩa quan trọng của Chúa Giêsu trong Hồi giáo được phản ánh trong việc kinh Kôran đề cập tới Ngài trực tiếp hay gián tiếp, với các danh hiệu vừa kể, trong 93 câu đánh số (verse), trên 187 lần. Ngoài số lần đề cập theo danh hiệu, so với những người khác, Ngài được đề cập tới nhiều nhất: 25 lần với tên Isa, 48 lần bằng đại từ ngôi thứ ba, 35 lần bằng đại từ ngôi thứ nhất.
Liên quan phụng vụ
Có sự liên quan cụ thể giữa các thời điểm trong Sách Giacôbê với các lễ kính quanh năm của hai Giáo hội Công giáo Tây phương và Giáo hội Chính thống giáo Đông phương. Phúc âm qui điển không đề cập gì tới các thời điểm này. Ở đây, chúng tôi chỉ chọn ra và liệt kê theo Lịch Công giáo La mã.
1/ Lễ thánh Gioakim, thân phụ của Đức Maria: ngày 26 tháng Bảy.
2/ Lễ thánh Anna, thân mẫu của Đức Maria: ngày 26 tháng Bảy.
3/ Lễ thánh Anna thụ thai Đức Maria: Ngày 8 tháng Mười hai.
4/ Lễ sinh nhật Đức Maria: Ngày 8 tháng Chín.
5/ Lễ dâng Đức Maria vào Đền thờ: Ngày 21 tháng Mười một.
Thánh Giuse, người thợ [mộc] với chiếc rìu và dưỡng phụ của Chúa Giêsu, có địa vị cực kỳ tôn quý trong phụng vụ của giáo hội Kitô nói chung và trong lòng giáo dân Việt Nam nói riêng. Ngài thường được gọi là thánh Giuse Thợ, hoặc Thánh Cả Giuse, hay Giuse thành Nazarét. Giáo hội Công giáo tôn thánh Giuse làm quan thầy và thánh “bảo trợ, giữ gìn” mình. Lễ kính được ấn định vào ngày 19 tháng Ba; đó cũng là tháng được dành trọn để đặc biệt thờ phụng ngài. Tại Việt Nam, thánh danh Giuse rất được kính ngưỡng, được sử dụng rộng rãi và phổ biến cho việc đặt tên thánh của các nam giáo dân; thánh bổn mạng của nhiều giáo phận, giáo xứ, hay xóm đạo, các hội đoàn, nhất là hội gia trưởng, hội thợ thuyền; hoặc đặt làm tôn hiệu cho giáo đường, đặt tên cho các tu viện, chủng viện… Uỷ ban Phụng Tự của Hội đồng Giám mục Việt Nam có “Thông cáo về việc đọc tên Thánh Giuse trong các Kinh nguyện Thánh Thể”, kể từ ngày 09.10.2013.
Liên quan văn học nghệ thuật
Ngày nay, chúng ta có những hiểu biết về Chúa Giêsu, Thánh Gia thất và giáo hội thời sơ khai là nhờ vào các văn bản được Giáo hội công nhận, và được xem là nguồn thông tin chính thức. Chúng gồm có bốn sách Phúc âm qui điển, sách Tông đồ Công vụ, 21 Thư Tông đồ; có thể kể thêm sách Khải Huyền. Nói chung, nội dung chủ yếu của những văn bản làm thành bộ Phúc âm qui điển đều mang tính loan tin mừng (eu-angelion), công bố lớn tiếng/rao truyền (kèrygma) về Công cuộc Cứu độ, và được đánh giá “Đó là lời Chúa”.
Thế nhưng giáo hội thời sơ khai với những hân hoan và khó khăn buổi đầu chắc chắn không chỉ có những văn bản kinh điển chính thức ấy. Thời đó, người “theo Đạo” có nơi sống quây quần thành cộng đoàn tập thể ở vùng Tiểu Á và quanh Địa Trung hải, theo kiểu mẫu cộng đoàn Giêrusalem trong Tông đồ Công vụ với những địa danh đã trở thành huyền thoại (và nay vẫn sáng lung linh trong tâm tưởng) như Êphêsô, Antiôkhia, Côrintô, Alêxanđria, Côlôxê, Êphêsô, Galát, Đamát, Rôma, v.v. Trong lãnh thổ rộng mênh mông của Đế quốc La mã, sinh mạng của Kitô hữu an nguy theo từng giai đoạn, tùy vào chính sách hay cảm tính của hoàng đế hoặc quan tổng trấn nào đó. Các cộng đoàn tân tòng thường xuyên bị phân biệt, kỳ thị, sách nhiểu, bách hại. Khắp nơi, đức tin lớn mạnh và vững bền nhờ Thánh Linh, đức ái và máu tử đạo thấm đượm. Mãi tới lễ Phục sinh năm 337 CN, Đại đế Conxtantin mới làm cuộc thuận hòa giữa Giáo hội và Đế quốc La mã, nhưng dù tự xưng mình là Kitô hữu, ông không bao giờ chịu phép rửa tội.
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo và sống quây quần ấy, các tín hữu thời sơ khai hẳn rất háo hức, sôi nổi với vô số ký ức còn tươi rói và vô vàn chuyện kể của người trong cuộc: các tông đồ, môn đệ các tông đồ cùng với những người từng có giao thiệp với những người từng gặp Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria. Từ họ và chung quanh họ, diễn ra bao nhiêu tình tiết, hồi tưởng, được chuyền miệng từ người này sang người khác, nhóm này sang nhóm kia rồi theo thời gian dần trôi, biến thành giai thoại, truyền thuyết, ký ức tập thể, v.v. Xét theo khía cạnh nhân chủng học (anthology), chúng ẩn chứa cuộc lữ hành và tiềm thức của một nòi giống, của một dân tộc, mà trong đó loài người không thể không kể đến giống nòi Kitô hữu của dân Thiên Chúa.
Tình trạng giảng dạy trong các thế kỷ đầu khó khăn ấy cũng có vẻ không mang tính “cứng nhắc nguyên khối như đá tảng” sau này. Bằng chứng là ngay trong hai Phúc âm qui điển Mátthêu và Luca, có hai bản phả hệ Chúa Giêsu không giống nhau, hoặc Giáo hội vẫn để nguyên những câu gây tranh luận về sau như “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tả bọc con..” (Lc. 2:7), hoặc “Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao?” (Mt. 13:55), hoặc “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxếp, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc. 6:3), v.v.
Vào thời kỳ thần học đơn giản và dung dị đó, những truyền thuyết và truyền khẩu được ghi lại thành văn bản, truyện ký, thư tín, phúc âm ngụy tác, v.v. (mà ngày nay chúng đang được dần dà phát hiện toàn văn hay phần mảnh), trong đó có Ngụy phúc âm Giacôbê. Cũng đôi khi vì lòng quí mến tin yêu quá phong phú và cảm xúc quá dồi dào làm bay bổng trí tưởng tượng, khiến giáo hữu các thế kỷ đầu ấy tùy tiện khắc họa, thêm thắt nhiều tình tiết gợi cảm, đáng kính và đáng yêu. Rồi theo thời gian, những hồi ức ấy ngày càng liên quan tới chi tiết trong truyện các thánh (mà có thời ta gọi là “hạnh các thánh”, thường đọc lớn tiếng cho nhau nghe khi kinh nguyện hay trong bữa ăn tập thể, v.v.), các vở kịch diễn trong lễ hội, các dịp sinh hoạt cộng đoàn, các bài thơ, bài hát, bức họa cùng các tranh đa sắc trên khung kính vòm nhà thờ, v.v. Tất cả làm thành một sự đánh động cảm xúc tôn giáo, và rồi bồi dưỡng trở lại, làm vững mạnh thêm đức tin, tha thiết, sâu xa và vững vàng cuộc sống đạo.
Chúng cũng tạo nên hình ảnh Đức Maria cực nhọc ngồi trên lưng lừa dọc theo con đường trăm dặm đầy gió bụi từ Nadarét phương bắc đi Bêlem phương nam, hang đá và máng cỏ chan hòa ánh sáng. Tranh tượng “ba vua” trong y trang vương giả, bái lạy một trẻ sơ sinh quấn tả, v.v. Còn nữa, hình ảnh Thánh Gia thất, đặc biệt hình tượng thánh Giuse với hoa huệ trắng. Trong các tranh hoặc tượng về thánh Giuse, ngài luôn luôn được tạo hình như một lão trượng cao niên (ít khi trung niên) với vẻ mặt hiền từ, râu tóc bạc phơ, bồng ẳm Chúa Giêsu trên đôi tay nâng niu che chở, mắt nhìn xuống trìu mến tin yêu. Còn Chúa Giêsu dù còn nhi đồng hay đang thiếu niên, đều nép mình đầy trông cậy bên ngực dưỡng phụ. Cũng không thiếu các bức họa tả cảnh Chúa Giêsu đang học nghề hay làm nghề thợ mộc bên cạnh thánh Giuse, v.v.
Liên quan Giuse học
Giuse học (Josephology) là ngành thần học nghiên cứu về thánh Giuse, người đính hôn với Đức Maria và là dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Ngành này manh nha từ thế kỷ 9, được chú ý nhiều nhờ những bài viết của thánh Tôma Aquinô về chủ đề này, và đặc biệt phát triển mạnh kể từ thập niên 1950. Quan điểm thống nhất của Giáo hội Công giáo được ghi lại qua ý kiến của các học giả và văn kiện của Giáo hội rằng thánh Giuse là người “bảo trợ, giữ gìn” Đức Trinh nữ Maria, và cũng là dưỡng phụ, chăm lo cho Chúa Giêsu thời niên thiếu. Còn nữa, sang thế kỷ 20, Giáo hội Công giáo xem thánh Giuse là Thánh Cả/Vĩ đại, là tấm gương cho các gia trưởng, và là người bảo trợ toàn thể các linh mục.
Sách Ngụy phúc âm Giacôbê kể rất rõ rằng thánh Giuse nhận Đức Maria từ Đền thờ về nhà mình chỉ là để “bảo trợ, giữ gìn” người Trinh nữ đã hiến mình cho Thiên Chúa, tuy với danh nghĩa là hôn thê. Điều này được hàm ý khi thiên thần bảo thượng tế rằng: ”Dacaria, Dacaria ơi, từ nơi này ông hãy cất chân đi triệu tập hết thảy các đàn ông góa vợ trong dân chúng lại …” Thượng tế Dacaria biết rất rõ điều đó, vì sau ngày Đức Maria về nhà thánh Giuse, ông vẫn cho gọi bà tới để cùng với bảy trinh nữ khác xe sợi làm màn trướng cho Đền thờ. Do đó, khi Đức Maria có thai, cả hai bị điệu ra pháp đình của thượng tế vì tình nghi can tội thông dâm.
Thế nhưng việc Sách Giacôbê nói thánh Giuse có nhiều con với đời vợ trước đã góp phần tạo nên nhiều cuộc tranh luận dai dẳng cho đến nay giữa các phái Kitô giáo. Nhiều người đồng ý vì họ hiểu theo nghĩa đen của những lời ghi trong hai sách phúc âm Mátthêu và Luca. Thí dụ như thánh Êpiphaniô/Epiphanius (k.310/320–403), giám mục giáo phận Salamis ở đảo Síp. Giáo phụ. Lễ kính ngày 12 tháng Năm. Trong The Panarion of Epiphanius of Salamis: De fide; cuốn II và III, trang 620, 7.1 ông viết: “Ông Giuse làm cha của Giacôbê và ba anh em (Giôxếp, Simêôn và Giuđa) và hai chị em (Salômê và Maria/hoặc Salomê và Anna) trong đó Giacôbê là anh cả. Giacôbê và các anh chị em ấy không phải là con của Maria mà là con của Giuse với đời vợ trước. Sau khi người vợ đầu của Giuse từ trần, nhiều năm sau, khi đã 80 tuổi, ‘Giuse nhận Maria (mẹ Chúa Giêsu)’.”
Khác với Giáo hội Công giáo, Chính Thống giáo khẳng định rằng thánh Giuse có một người vợ trước tên là Salômê, mẹ của những người được gọi là “anh em trai” của Giêsu. Cũng theo GH Chính thống, sau khi bà Salomê mất, ông chỉ đính hôn với Đức Maria mà thôi, chứ chưa bao giờ thành hôn, mà theo cách nói của Sách Giacôbê tức là “không bộc lộ cho con cái Ítraen biết.”
Trong số những người nêu quan điểm ngược lại, có thánh Giêrônimô/Jerome (k.347–419/420), còn gọi là linh mục Giêrôm (Hierom), Tiến sĩ Hội thánh, thông thạo các thứ tiếng Hípri, Aram, Hy-lạp, Latinh. Ông được đánh giá là một Giáo phụ Latinh thông thái nhất; tên đầy đủ là Eusebius Hieronymus, bút danh Sophronius. Chào đời tại Ý; Ông là người đầu tiên dịch bộ Cựu Ước (bản Bảy Mươi hay Septuaginta) từ tiếng Hy-lạp sang tiếng Latinh, nằm trong bản Vulgata, đồng thời là nhà biện giải đức tin Kitô. Ông còn dịch Cựu Ước từ tiếng Hipri và Aram, sang tiếng Latinh, gọi là là bản Vulgate. Ông là người bộc trực và nóng nảy. Cuối đời, ông sáng lập một tu viện nữ ở Bêlem, rồi qua đời tại đó. Lễ kính ngày 30 thánh Chín.
Thánh Giêrônimô viết luận văn “Sự đồng trinh trọn đời của Maria: Chống Helvidius” năm 383 (The Perpetual Virginity of Blessed Mary: Against Helvidius), dựa trên cơ sở “chúng tôi không phủ nhận những gì được viết ra nên chúng tôi không chấp nhận những gì không được viết ra.” Ông lập luận rằng trong ngôn ngữ Do Thái (Hipri) và Aram mà Chúa Giêsu sử dụng, từ ngữ “anh em trai” dùng chung cho ruột thịt, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, anh chị em họ xa hoặc gần. Phong tục đó nay vẫn tồn tại ở Nadarét. Theo ông, chữ “adelphoi” trong nguyên bản Phúc âm qui điển có ý nói tới những đứa con của bà Maria vợ ông Clêôpas (hay Clôpas), người anh em của thánh Giuse. Thêm nữa, ông còn khẳng định rằng thánh Giuse là người đồng trinh trọn đời, qua Đức Maria, để từ đó ra đời người Con đồng trinh.
Tới 900 năm sau, người làm sống động ngành Giuse học là thánh Tôma Aquinô/Thomas Aquinas (1225–1274). Ông là triết gia, nhà thần học vĩ đại. Lễ kính ngày 28 tháng Giêng. Ông đã thảo luận về nhu cầu phải có sự hiện diện của thánh Giuse trong chương trình Nhập thế của Thiên Chúa, vì (1) nếu Đức Maria không kết hôn thì đồng bào Do Thái sẽ ném đá bà tới chết; và (2) Chúa Giêsu thời trẻ cần sự chăm sóc và bảo vệ của một người cha trần thế. Hai lý do đó đóng góp phần nào vào sự chuẩn bị cho Tin Mừng và Công cuộc Cứu độ. Giuse học của thánh Aquinô thường tiến hành với sự sóng đôi của thánh Giuse và Đức Maria.
Trong Giáo hội Công giáo hai thế kỷ vừa qua, có hai văn kiện quan trọng về Giuse học. 1/ “Hiến chương Thần học” (Pluries Quamquam) năm 1889 của ĐTC Lê-ô XIII, tuyên dương sự vinh hiển của thánh Giuse và tấn phong làm quan thầy của Giáo hội Công giáo trong những thời kỳ Giáo hội gặp khó khăn. 2/ Năm 1989, nhân dịp một trăm năm “Hiến chương Thần học”, ĐTC Gioan Phaolô II ra tông huấn “Người Chăm sóc Đấng Cứu chuộc” (Redemptoris Custos). Nội dung thảo luận về các tầm quan trọng của thánh Giuse trong Thánh Gia thất và địa vị của vị thánh ấy trong kế hoạch Cứu chuộc của Thiên Chúa.
Trên thế giới, từ năm 1950, có thành lập ba trung tâm chuyên ngành Giuse học. Đó là trung tâm Valladolid, Tây Ban Nha, trung tâm Saint Joseph Oratory, Canada và trung tâm Logate Viterbo, Ý.
Liên quan Kitô học
Kitô học (Christology) nói khái quát là một ngành thần học có nghĩa đen là “sự am hiểu về Chúa Giêsu Kitô.” Nó nghiên cứu (1) bản tính của Chúa Giêsu, cùng (2) vai trò của ngài trong công cuộc cứu chuộc. Ở đây, chúng tôi đặt nặng mối liên quan của Sách Giacôbê trong mục đích thứ nhất của Kitô học giữa bối cảnh thế kỷ 2 của Giáo hội tiên khởi.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa với bản tính hoàn toàn thiêng liêng hay Đức Giêsu chỉ là con người với bản tính loài người. Ta nên hiểu và nên chọn bản tính nào?
Nói chung, trong thế kỷ 2, ở buổi bình minh của thần học, có hai khuynh hướng không những khác nhau mà còn đối chọi nhau.
Khuynh hướng thứ nhất, tiêu biểu là phái Marcion. Họ cho rằng Chúa Giêsu chỉ có bản tính hoàn toàn thiêng liêng. Công việc trần thế của ngài chỉ được ngài thực hiện theo cái vẻ bên ngoài của ngài. Những người theo phái này còn được gọi là người theo thuyết ảo thân (doceism). Họ cho rằng thân thể tự nhiên của Chúa Giêsu Kitô là không thật, do đó, họ nhấn mạnh tính thiêng liêng của Chúa Giêsu và phủ nhận những đau khổ có thật của ngài. Niềm tin này lan rộng trong phái Ngộ giáo, và có lẽ là vấn đề được đề cập trong Thư Tông đồ 2, câu 7 của thánh Gioan: “Vì có nhiều người mê hoặc đã lan tràn khắp thế gian, họ là những kẻ không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm. Đó là kẻ mê hoặc và là tên Phản Kitô.”
Khuynh hướng thứ hai, tiêu biểu là người theo phái Ebion, còn được gọi là người theo thuyết dưỡng tử (adoptianism). Họ cho rằng Đức Giêsu Nadarét chỉ là con người. Ngài nhờ đức công chính của mình mà được Thiên Chúa chọn làm vị ngôn sứ sau cùng để rao giảng sự sắp đến của Nước Trời. Ngài là đứa con trai tự nhiên của ông Giuse và bà Maria, nhờ tuân giữ luật lệ Do Thái mà ngài trở nên Đấng Cứu thế. Ngài được Thiên Chúa cất nhắc lên làm dưỡng tử khi ngài chịu phép rửa của thánh Gioan Tầy giả. Như thế, thuyết này ngụ ý rằng Đức Giêsu không thể có đầy đủ thiêng liêng tính.
Cuộc tranh luận giữa hai khuynh hướng thần học ấy diễn ra sôi nổi, gắt gao và không ít đau đớn suốt năm thế kỷ trong giáo hội, khắp hai cõi Đông Tây, trải qua nhiều công đồng, trong đó có Công đồng Nicêa I/Nicea I năm 325 tới CĐ Constantinôpôli năm 381 rồi CĐ Êphêsô/Ephesus năm 431 qua CĐ Canxêđôn/Chalcedon năm 451. Cuối cùng, Giáo hội tuyên bố rằng trong ngôi vị của Đức Giêsu Kitô có hai bản tính; ngài không chỉ có bản tính thiêng liêng mà còn có bản tính loài người; cả hai cùng hiện hữu trong sự toàn vẹn. Lời tuyên tín ấy được qui thành công thức nguyên vẹn đã được giữ trong Kinh Tin kính Nicêa-Constantinôpôli (325-381) “Tôi tin kính một Thiên Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Ðức Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria, và đã làm người.” Như thế, Thiên Chúa thật xuất hiện trong một con người thật. “Nhân tính mà Ngài đã đảm nhận không thể tách Ngài khỏi Chúa Cha. Ngài là Con của Chúa Cha theo thiên tính, là con của Mẹ Maria theo nhân tính, và là Con của Thiên Chúa theo hai bản tính.” (Công đồng Friun/Frioul năm 796 DS 619). Và như thế, hai khuynh hướng ảo thân và dưỡng tử bị Giáo hội Công giáo đánh giá chính thức là lạc đạo (dị giáo).
Vậy nội dung cuốn Ngụy phúc âm Giacôbê thuộc về khuynh hướng nào? Các học giả cho rằng nó thuộc về khuynh hướng ảo thân (Marcion/doceism/Phản Kitô/Antichrist) vì tác giả của nó mô tả quang cảnh ra đời của Chúa Giêsu rằng: “Đột nhiên đám mây ấy biến thành ánh sáng chói lọi trong hang đá khiến cho mắt của họ không chịu đựng nổi. Chốc lát sau đó, ánh sáng ấy giảm dần cho tới khi xuất hiện một hài nhi.” Như thế rõ ràng Đức Maria sinh Chúa Giêsu không theo cách bình thường của một sản phụ sinh con. Đó hẳn là lý do chính khiến Giáo hội công khai bác bỏ và lên án sách này.
Tuy thế, gần đây, có học giả lại bảo cuốn Sách Giacôbê cũng có phần nào chấp nhận bản tính con người của Chúa Giêsu, vì kế tiếp câu trên là câu: “Và hài nhi ấy tới bú bầu ngực bà Maria mẹ mình”.
Ngang đây, sau khi đã bàn về Kitô học hữu thể, tưởng cũng nên bàn đôi chút về mối liên quan giữa lời kể trong Sách Giacôbê tới mục đích thứ hai của Kitô học, đó là vai trò của Chúa Giê-su Kitô trong công cuộc cứu độ, thường được gọi là Kitô học cứu chuộc.
Cả hai nhánh Kitô học ấy đều đặt trọng tâm vào chính bản thân Ðức Kitô, tức Ngôi Hai – trong Thiên Chúa Ba Ngôi – đã nhập thể làm người. Phúc âm Gioan tuyên bố “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ ở giữa chúng ta” (1:14) và “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì sẽ không bị lên án.” (3:16-18). Đó là chân lý tối thượng và hằng cửu, vượt lên trên luận lý thế gian, được các nhà thần học xem là ba mầu nhiệm chính: (1) Mầu nhiệm Một Thiên Chúa có Ba ngôi; (2) Mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người (như chúng ta); (3) Mầu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc loài người.
Trong Sách Giacôbê, người đọc hẳn có thể bắt gặp dấu chứng của cả ba mầu nhiệm ấy trong (a) lời truyền tin của thiên sứ Gabrien cho Đức Maria: “Thánh Linh sẽ đến trên bà và quyền năng của Đấng Tối cao sẽ tuôn đầy trên bà. Do đó Đấng Thiêng liêng được sinh ra từ bà sẽ được gọi là Con của Thiên Chúa hằng sống. Và bà sẽ đặt tên Ngài là Giêsu, vì Ngài sẽ cứu độ dân Ngài khỏi tội lỗi của chúng”, cùng với (b) quang cảnh nhiệm mầu khi Chúa Giêsu Hài đồng ra đời, rồi lời bà mụ Sa lô mê “kêu lên thảm thiết rằng: ‘Khốn thay cho tôi vì sự vô luật lệ và không đức tin của tôi đã khiến cho tôi thử thách Thiên Chúa hằng sống. Nhìn đây, bàn tay của tôi đang rụng khỏi thân tôi.’” Kế đó, (c) thiên thần bảo bà ấy rằng: “Salômê, Salômê này, Thiên Chúa đã nghe bà. Hãy vươn bàn tay bà chạm tới con trẻ ấy, bồng con trẻ lên và nhờ đó bà sẽ được chữa lành.”
Liên quan Thánh mẫu học
Thánh Mẫu học, thuật ngữ tôn kính dùng để gọi Maria học (Mariology), là ngành học hay môn học về Đức Mẹ Maria. Nói chung, nó nghiên cứu địa vị, vai trò, chức năng của Đức Thánh Mẫu Maria, cùng sự tôn sùng và những lý đoán về Mẹ trong suốt chiều dài lịch sử Kitô giáo.
Trong truyền thống sùng kính Đức Maria của các giáo hội Kitô, Đức Mẹ không bao giờ được xem là thần, hiểu theo nghĩa thần linh, và Đức Mẹ đứng cao hơn hàng ngũ các thánh. Đức Mẹ là một Eva mới và là người nữ vượt lên trên mọi người nữ, kể cả tổ mẫu Eva. Với Giáo hội Công giáo, Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là nguồn nhân tính của Chúa Giêsu. Bà vừa là Trinh Nữ Vương, vừa là Mẹ, là hình ảnh và là sự thể hiện trọn vẹn của Giáo hội. Bà là Mẹ của Giáo hội, và ở trên trời, bà vẫn là mẹ đối với các chi thể Đức Kitô.
Giáo hội Công giáo nêu rõ bốn tính cách và cũng là bốn tín điều về Đức Maria, với những tuyên bố mang đặc tính “không thể sai lầm” của Công đồng Giáo hội (Giám mục đoàn) và của Đức Thánh Cha. Đó là:
(1) Mẹ Thiên Chúa. Lời tuyên xưng của bà Êlisabét (Lc. 1:43), và Tuyên bố của Công đồng Êphêsô năm 431;
(2) Đồng trinh trọn đời. Tuyên xưng của Công đồng Conxtantinôpôli/Constantinople II năm 553;
(3) Vô nhiễm nguyên tội. Tuyên xưng của ĐTC Piô IX năm 1854;
(4) Hồn xác lên trời (Mông triệu). Tuyên xưng của ĐTC Piô XII năm 1950.
Phúc âm Gioan ghi lại lời dặn dò của Chúa Giêsu trước khi kết thúc cuộc chịu nạn trên cây thánh giá. “Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà’ Rồi người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh.’ Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” (Gn. 19:26-27). Sách Công vụ Tông đồ kể rằng “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyện cần cầu nguyện cùng với mấy phụ nữ, với bà Maria thân mẫu của Đức Giêsu…” (Cv. 1:14).
Truyền thuyết lưu hành trong Giáo hội Tây phương lẫn Giáo hội Đông phương, cùng với Hyppolitus, một tác giả người Bidantin/Bizantine chuyên về niên đại của Tân Ước và Thánh Gia thất, tin rằng Đức Maria qua đời khoảng năm 41 tại Giêrusalem hoặc Êphêsô (cách 3 cây số hướng tây nam của thành phố Selçuk, thuộc tỉnh İzmir, Thổ nhĩ kỳ ngày nay). Như thế, sau khi Chúa Giêsu lên trời (khoảng năm 30/33), Đức Maria sống thêm 11 năm trong cộng đoàn các Kitô hữu thời kỳ đầu.
Ngụy phúc âm Giacôbê là cuốn sách viết về cuộc đời của Đức Maria cho đến một ít ngày sau khi sinh Chúa Giêsu. Nó được xem là văn bản duy nhất thời sơ khai và còn giữ được cho đến nay khẳng định rằng Thánh Mẫu Maria trọn đời đồng trinh; thánh Giuse chỉ là người bảo hộ, giữ gìn mà thôi. Có lẽ vì thế, nó được xem là có quan hệ mật thiết, nếu không muốn nói là ảnh hưởng lớn lao tới Thánh Mẫu học mà các kết quả nghiên cứu cùng phát hiện của ngành này trải dài gần hai ngàn năm nay, như đã ghi nhận trong các thời điểm tuyên xưng bốn tín điều về Đức Mẹ Đồng trinh Maria ở trên.
Đối với tín điều thứ nhất “Mẹ Thiên Chúa”, sách Giacôbê tương đồng với sách Luca (1:43) khi ghi giống nhau lời bà Êlisabét hân hạnh chào đón Đức Maria: “Tại sao Mẹ của Thiên Chúa lại đến nơi tôi.”
Đối với tín điều thứ hai “Vô nhiễm nguyên tội”, ta có thể tìm thấy dấu vết trong lời kể về việc bà Anna mang thai Đức Maria. Đây là sự thụ thai được hiểu là do bởi ân phúc và quyền năng của Thiên Chúa, chứ không do bởi cách quan hệ nam nữ thông thường. Nếu quả thật tác giả Sách Giacôbê là người theo phái khổ hạnh Ebion thì càng làm rõ tuyên xưng này, vì người phái ấy cho rằng quan hệ sinh lý nam nữ là hội chứng của tội nguyên tội. Khái niệm tổng quát về “Đức Mẹ Vô nhiễm” càng được thể hiện rõ rệt trong Sách Giacôbê khi người biên soạn sách ấy kể về “phòng ngủ cung thánh không nhiễm chút bụi trần” của bé gái Maria, việc bà Anna không để cho con đi trên mặt đất, chỉ vui đùa với các bé gái thanh sạch, v.v. Tại Đền thờ, cô bé Maria được thượng tế đặt “xuống bậc thứ ba của bàn thờ”, dùng “thức ăn từ bàn tay của một thiên thần.”
Đối với tín điều thứ ba “Đồng trinh trọn đời”. Có thể chia gượng gạo làm ba “thời”: (1) đồng trinh trong việc mang thai Chúa Giêsu; (2) đồng trinh khi sinh Chúa Giêsu; và (3) đồng trinh sau khi sinh Chúa Giêsu.
Về “thời” thứ nhất thì lời kể trongg Sách Giacôbê y hệt lời kể trong hai sách phúc âm Mátthêu và Luca rằng “thụ thai do bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần/Thánh Linh.”
Về “thời” thứ hai, nghĩa là trọn đời thì sách Phúc âm qui điển không đề cập đến. Sách Giacôbê nói tới cụ thể hơn bằng cách kể ba yếu tố. Thứ nhất, quan hệ giữa thánh Giuse và Đức Trinh nữ Maria về danh nghĩa là đính hôn hay vợ chồng, nhưng thực tế chỉ là “bảo hộ”. Thánh Giuse, người cao niên góa vợ và đã có nhiều con cái, bị buộc lòng phải tiếp nhận Đức Trinh nữ của Đền thờ về nhà mình nhưng với ý nguyện là để “giữ gìn” mà thôi. Yếu tố thứ hai là sự ra đời của Chúa Giêsu không theo cách sinh nở bình thường; Sách Giacôbê kể “[.] ánh sáng chói lọi trong hang đá khiến cho mắt của họ không chịu đựng nổi. Chốc lát sau đó, ánh sáng ấy giảm dần cho tới khi xuất hiện một hài nhi.” Yếu tố thứ ba là lời chứng của bà mụ và hình phạt dành cho bà Salômê vì đã dám thử thách Thiên Chúa về sự đồng trinh của Đức Trinh nữ Maria.
Đồi với tín điều thứ tư “Hồn xác lên trời (Mông triệu)”. Sách Giacôbê không đề cập tới, vì đó là sự việc xảy ra gần 45 năm sau. Theo thánh truyền thì Đức Maria từ trần trong sự chứng kiến của các Tông đồ. Sau đó không lâu, các tông đồ mở hầm mộ Đức Mẹ ra thì bên trong chẳng còn gì. Họ xác định rõ ràng rằng Mẹ Thiên Chúa đã được mang lên Thiên Đàng cả hồn lẫn xác. Sự kiện đó góp phần đưa tới tín điều thứ tư mà hiểu theo cách nào đó, cũng là hệ quả hay hệ luận tương ứng của ba tín điều trước nó. Và như thế, cũng có thể nói là gián tiếp có quan hệ tới quãng đời của Mẹ Maria được kể trong Sách Giacôbê.
ĐỒNG trinh trước sau và mãi mãi
Giáo hội Công giáo La Mã và Chính thống giáo đều xem vấn đề Đức Maria đồng trinh trọn đời là một tín điều: Mẹ Thiên Chúa mãi mãi đồng trinh trong cả ba giai đoạn: thụ thai không có sự cộng tác của nam giới; sinh con mà vẫn còn nguyên trinh; và sau khi sinh Chúa Giêsu vẫn giữ đồng trinh trọn đời.
Về sự đồng trinh của Đức Maria trong hai giai đoạn đầu thì đã được khẳng định trong bốn sách Phúc âm qui điển. Chắc chắn cả bốn tác giả phúc âm đều có nhiều dịp gần gũi Đức Maria. (1) Thánh Mátthêu là một trong 12 tông đồ, được Chúa gọi khi đang ngồi thu thuế; (2) Thánh Máccô là con của bà Maria chủ nhà nơi cộng đoàn đầu tiên Giêrusalem “tụ họp và cầu nguyện” (Cv. 12:12-17); (3) Thánh Luca là bạn đồng hành truyền giáo của tông đồ Phaolô, và theo thánh Êpiphaniô trong văn bản Panarion 51:11, ông là một trong 72 môn đệ của Chúa; (4) Thánh Gioan và Đức Maria có quan hệ mẹ con nuôi. Một môn đệ của thánh Gioan là thánh Inhaxiô thành Antiôkhia (tử đạo khoảng năm 108) cũng đã nói“Đức Giêsu thật sự được sinh ra do một trinh nữ.” Tương truyền vị thánh tử đạo này là “em nhỏ mà Chúa Giêsu đặt vào giữa các môn đệ và bảo: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt. 18:2) Tiếp sau đó là thánh Justinô (100-165), rồi tới các giáo phụ tiên khởi đều khẳng định như thế.
Chỉ có một ngoại lệ nhỏ là một nhóm rất ít người Ebion, một phái Kitô bị các Giáo phụ tiên khởi đồng hóa với phái Nadarét/Nadarenes, một phái coi Kitô hữu chỉ là một bè phái bên trong Do Thái giáo (Cv. 24:5). Họ cho rằng Chúa Giêsu không phải sinh từ một người nữ đồng trinh mà hoàn toàn là con người, và là người con tự nhiên của thánh Giuse và Đức Maria. Phái này chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, hình như trong thời thánh Gioan Tông đồ. Giáo phụ Tertulianô/Tertullian (k.160-k.225) viết trong luận văn “Chống mọi phái dị giáo” rằng: nếu Giêsu “hoàn toàn là Con của con người, thì ngài cũng không thể nào làm Con của Thiên Chúa, và chẳng khác gì hơn “một [vua] Salômôn, hay một [ngôn sứ] Giôna.” Nhiều giáo phụ đề cập tới Ebion như tiêu biểu cho một loại dị giáo đương thời, và xem nó như kế thừa cho Cerinthus (k50-100) một người Hi-lạp theo phái Ngộ giáo.
Vào đầu thập niên 380, tu sĩ dị giáo Juvinian lập luận theo quan điểm của đạo Mani (Manichaeism) rằng nếu việc Đức Maria không sinh Giêsu ra theo cách bình thường của một sản phụ thì Giêsu không mang tính con người. Người đáp trả hữu hiệu nhất quan điểm ấy là thánh Ambrôsiô/Ambrose (k.340–397), giám mục Milan. Lễ kính ngày 7 tháng Mười hai. Theo ông, cả sự sinh ra có tính thể xác lẫn sự sinh ra nhờ phép rửa tội của Kitô hữu được Giáo hội Kitô thực hiện đều mang tính trinh nguyên hoàn toàn, thậm chí sự đồng trinh khi sinh ra (virginitas in partu) nhằm mục đích hủy bỏ sự tanh nhơ của tội nguyên tội mà cơn đau lâm bồn là dấu hiệu thể xác của nó. Cũng nhờ lập luận này của thánh Ambrôsiô, như một bổ túc cho lập luận của thánh Giêrônimô, mà sự đồng trinh khi sinh con của Đức Maria trở thành lời đúc kết kiên định trong tư duy của các nhà thần học về sau.
Sự đồng trinh của Đức Maria sau khi sinh Chúa Giêsu (virginitas post partum) mới là vấn đề.
Phúc âm qui điển – vốn đặt trọng tâm vào vấn đề loan tin mừng, lời giảng và phép lạ của Đức Giêsu Kitô, công cuộc cứu độ – nên chẳng những không đúc kết dứt khoát trạng thái đồng trinh này mà còn kể phớt nhiều chi tiết khác, khiến từ đó, phát sinh cuộc tranh luật gắt gao kéo dài suốt mấy trăm năm.
Sách phúc âm Mátthêu 13:55-56 và Máccô 6:3 nhắc tên Giacôbê, Giôxếp, Giuđa và Simôn là anh em của Đức Giêsu con bà Maria. Trong câu đó cũng nói tới chị em của Đức Giêsu, mà không nêu tên. Sách Máccô (3:31-32) kể việc mẹ và anh em Đức Giêsu đi tìm ngài về. Một câu trong Thư gửi tín hữu Galát 1:19 tông đồ Phaolô viết: “Tôi đã không gặp một vị Tông đồ nào khác ngoài ông Giacôbê, người anh em của Chúa” khi ông lên Giêrusalem diện kiến Kêpha (Phêrô). Trong Thư 1 Gửi tín hữu Côrintô (9:5), tông đồ Phaolô nói tới “…như các anh em của Chúa và như ông Kêpha.”
Cụm từ “anh em của Chúa” vừa trích lại từ trong Tân Ước đó có tới ba giả thuyết: (1) Họ là con của thánh Giuse với bà vợ trước; (2) Họ là em của Chúa Giêsu, nghĩa sau khi Đức Maria đồng trinh sinh Chúa, thì có quan hệ vợ chồng với thánh Giuse; và (3) Họ là anh chị em họ hàng với Chúa Giêsu.
Cuộc tranh luận sôi nổi trong thời sơ khai đầy biến động của giáo hội và bình minh của thần học, xoay quanh ba giả thuyết ấy. Suốt trong vài trăm năm đầu đó, nhiều học thuyết có khuynh hướng không khẳng định dứt khoát khiến cho nảy sinh các phái dị giáo. Đó cũng là lý do khiến trong lịch sử thời tiên khởi hiếm có người phát biểu về học thuyết chính thức của giáo hội cho đến khi lộ diện những Kitô hữu “chống Đức Maria” (Antidicomarianite) vào cuối những năm 200. Và rồi rốt cuộc Giáo hội buộc lòng phải tái minh định học thuyết của mình.
Trong số những người tin vào giả thuyết thứ nhất cho rằng “anh em của Chúa” đó là con riêng của thánh Giuse với bà vợ quá cố, có người “chống Đức Maria” trong thế kỷ 3, nhưng sớm sủa nhất là cuốn Ngụy phúc âm Giacôbê ở nửa sau thế kỷ 2, khi tác giả của nó hai lần nói tới con cái của thánh Giuse nhưng không nêu tên. Về sau, tới thế kỷ 6, tại Ai Cập, còn lưu hành cuốn ngụy thư Giuse Người Thợ mộc bằng tiếng Hi-lạp, thác lời kể của Chúa Giêsu và ghi rõ tên 6 người con của thánh Giuse có với người vợ trước. Đó là Giuđa, Giuxtô, Giacôbê, Simôn và hai chị em Assia và Lyđia. Giống Sách Giacôbê, cuốn này cũng bảo vệ tín điều Đức Maria đồng trinh trọn đời.
Trong các nhà thần học nổi tiếng tin vào giả thuyết thứ hai, cho rằng Đức Maria sau khi đồng trinh sinh Chúa Giê-su thì có những người con khác với thánh Giuse, dẫn đầu có lẽ là Titus Flavius Clemens, cũng gọi là Clement thành Alexandria (k.150-k.215). Ông là triết gia và nhà đại thần học, hiệu trưởng Trường Giáo lý Alexandria. Trong các học trò thành danh của ông có học giả Ôrigênê và Alexanđô/Alexander thành Giêrusalem, giám mục tử đạo năm 251 (lễ kính ngày 18 tháng Ba). Ông Clement cũng thường được xem là Giáo phụ, được phong thánh, nhưng tới năm 1586, ĐGH Sixtô/Sixtux lấy tên ông ra khỏi danh sách các thánh tử đạo, vì một số giáo thuyết của ông bị xem là lạc đạo (dị giáo).
Người sóng đôi có lẽ là Tertulianô (k. 155–k.220). Ông là giáo phụ có ảnh hưởng sâu rộng, người biện hộ sớm sủa cho đức tin Kitô giáo, nhà bút chiến sắc sảo chống lại các phái dị giáo, kể cả Ngộ giáo. Ông được xem là một đại nhân vật về lý luận và tri thức, thiết lập thần học phương Tây và mở màn cho văn học Kitô giáo bằng tiếng Latinh. Về sau, thật đáng tiếc, vì ông thiên về phái dị giáo Montanus và có một số quan điểm thần học không được Giáo hội chấp nhận, nên không được phong thánh.
Tertulianô cho rằng sau khi đồng trinh sinh Chúa Giêsu, Đức Maria có quan hệ xác thịt vợ chồng với thánh Giuse và sinh ra những người con được nhắc tới trong Tân Ước. Người phái “chống Đức Maria” (Antidicomarianite) hẳn là rất hoan nghênh lập trường của Tertulianô. Họ quả quyết rằng trước khi thánh Giuse đính hôn với Đức Maria, ông đã có 6 người con với đời vợ trước. Đức Maria đồng trinh khi thụ thai và sinh Chúa Giêsu, nhưng sau đó, bà có quan hệ vợ chồng với thánh Giuse và sinh thêm con cái.
Một nhân vật nổi tiếng nữa là Helvidius. Ông đôi khi còn được gọi là Helvetius, tác giả của một văn bản viết trước năm 383. Ông chống lại đức tin vào sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria. Ông quả quyết rằng trong Tân Ước, sự đề cập tới “các anh em” và “các chị em” của Chúa đã thiết lập bằng chứng vững chắc rằng Đức Maria có quan hệ hôn nhân bình thường với ông Giuse và có thêm các đứa con khác sau sự thụ thai kỳ diệu và sự sinh ra Chúa Giêsu.
Những người không đồng ý với giả thuyết “anh em của Chúa” là con của thánh Giuse và bà Maria thì rất nhiều. Dưới đây chỉ đan cử ý kiến tiêu biểu của các nhân vật nổi tiếng thời đó.
Thánh Êpiphaniô/Epiphanius (xem phần Liên quan Giuse học) sau khi cho rằng thánh Giuse có 5 người con với đời vợ trước, ông viết tiếp: “Vì tôi đã nghe từ người nào đó rằng có những kẻ nhất định dám bảo rằng [Maria] có những quan hệ vợ chồng [với Giuse] sau khi sinh Đấng Cứu độ. Và tôi không ngạc nhiên. Những kẻ không biết rõ sách thánh thiêng liêng và không tham khảo lịch sử thì sự ngu muội của họ luôn luôn làm họ xoay chuyển từ điều này qua điều nọ, và làm rối trí những ai muốn lần mò nắm bắt cái sự thật chỉ có xuất xứ từ trí óc của họ mà thôi.”
Trước đó là Ôrigênê/Origenes (184/185–253/254), học giả thần học giai đoạn sơ khai của Kitô giáo. Giáo phụ. Ông sinh ra và sống nửa đầu sự nghiệp tại Alexandria. Cũng đáng tiếc là tư tưởng của ông về linh hồn, về sự hòa giải sau cùng của mọi thụ tạo bị Công đồng Conxtantinôpôli II/Constantinople II (553) phản đối nên ông không được phong thánh. Về Đức Maria, ông tuyên bố mạnh mẽ trong Bình luận về Phúc âm Gioan, quyển 1, phần 6, năm 248 (trái ngược với sư phụ Clement thành Alexandria của mình) rằng: “[Bà] Maria – như những kẻ được tuyên bố là người có tâm trí lành mạnh đã ca tụng – không có đứa con nào khác ngoài Chúa Giêsu.”
Thánh Hilariô Poachiê/Hilary (k.310–k.367), giám mục thành Poitiers và Tiến sĩ Hội thánh. Lễ kính ngày 13 tháng Giêng. Trong cuốn Bình luận về sách Mátthêu 1:4, năm 354 CN, ông viết rằng: “Nếu họ [những người anh chị em của Chúa – NƯ] là con trai của Maria và không phải là những người con trong cuộc hôn nhân về trước của Giuse, thì vào thời khắc của cuộc thương khó [bị đóng đinh trên thập giá], bà đã không được trao phó cho tông đồ Gioan như là mẹ của tông đồ ấy. Chúa nói với cả hai rằng: “’Thưa Bà, đây là con của bà.’ Rồi ngài nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh’ (Gn. 19:26-27), khi ngài truyền lại tình hiếu thảo cho môn đệ như một an ủi dành cho người ở lại lẻ loi.”
Thánh Êphrem/Ephrem (306-373) Tiến sĩ Hội thánh. Tác giả các bài giảng và thánh ca ngày nay vẫn được sử dụng. Lễ kính ngày 9 tháng Sáu. Khi bình luận cuốn phúc âm phối hợp của Tatian (k.120–k.180), một người có quan điểm giống với Helvidius, ông viết: “Vì có những kẻ cả gan nói rằng Maria sống chung với Giuse sau khi bà đã mang thai Đấng Cứu độ, nên chúng tôi đáp lời họ rằng: “Do bởi [Maria] là người được quyền năng thiêng liêng phủ rợp bóng, người được hữu thể bất tử nhập vào và là nơi cư ngụ của Thánh Linh, thì làm thế nào [mà về sau] bà lại sinh nở chất ngất cơn đau lâm bồn theo hình ảnh của sự nguyền rủa nguyên thủy?” [Ý nói lời Đức Chúa Trời phán với Eva: “Ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con” (Sáng thế 3:16) – ghi thêm NƯ].
Đặc biệt nhất là thánh Giêrônimô/Jerome (xem phần Liên quan Giuse học). Trong luận văn dài “Đồng trinh trọn đời của Đức Maria đầy ân sủng” chống lại Helvidius và Tertulianô cùng “những người chống Đức Maria”, thánh Giêrônimô nêu tên, với hàm ý rằng mình có đọc rất nhiều văn bản của các vị là môn đệ trực tiếp đời thứ nhất hoặc đời thứ hai từ các Tông đồ của Chúa Giêsu. Rất tiếc văn bản của họ không tồn tại cho tới nay để chúng ta nhận biết sắc nét đức tin của họ vào học thuyết Đức Maria trọn đời đồng trinh. Tuy thế, chúng ta không thể nghi ngờ sự việc thánh Giêrôminô đã tiếp cận được chúng vì ông sống trong thế kỷ 4. Đó là các vị:
1/ Thánh Inhaxiô Antiôkhia/Ignatius of Antioch, cũng gọi là Theophorus (người mang Thiên Chúa). Giám mục thành Antiôkhia, nhà thần học thời tiên khởi của giáo hội. Môn đệ của thánh Gioan Tông đồ. Tử đạo khoảng năm 108. Lễ kính 17 tháng Mười.
2/ Thánh Pôlycapô/Polycarp (69-155) Giám mục địa phận Smina (Smyrna), Thổ nhĩ kỳ. Ông là môn đệ của và được thánh Gioan Tông đồ tấn phong, tử đạo. Lễ kính 23 tháng Hai.
3/ Thánh Justinô/Justin Martyr (k.110-166), triết gia, người biện hộ cho học thuyết Kitô giáo, tử đạo tại Rôma. Lễ kính 1 tháng Sáu.
4/ Thánh Irênê/Irenaeus (k.130-k.202), giám mục Hi-lạp, nhà thần học; có người kể là tử đạo. Lễ kính ngày 28 tháng 6.
Trong luận văn ra đời vào khoảng năm 383 ấy, thánh Giêrôminô viết rằng các thánh Inhaxiô, Pôlicapô, Justinô, và Irênê đều “giữ quan điểm y hệt nhau” về sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria và “đã viết những tập sách chan chứa sự khôn ngoan” (đoạn 19).
Luận văn ấy của thánh Giêrônimô gồm 21 đoạn, có thể đúc kết thành 3 phần chính.
1/ Từ đoạn 1 tới 8, bàn tới lời tường thuật trong sách Mátthêu 1:28-35, và đặc biệt câu “Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống”. “Ông không ăn ở với bà cho đến khi”. Thánh Giuse được cho rằng, chứ không thật, là chồng của Đức Maria.
2/ Từ đoạn 9 tới 17, về câu “Bà sinh con trai đầu lòng” (Lc. 2:7), thánh Giêrênimô lập luận rằng cụm từ “con trai đầu lòng” không chỉ áp dụng cho con trưởng nam mà còn cho con một; và ông quả quyết “anh em của Chúa” (adelphoi) là con của bà Maria, vợ ông Clêôpas (hay Clôpas). Ông trích dẫn nhiều câu trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước và nhiều tác giả trong Giáo hội, để chứng minh cho luận cứ này.
3/ Từ đoạn 18 tới 21, hỗ trợ cho quan điểm của mình về sự đồng trinh trong cuộc hôn nhân đó, thánh Giêrônimô xác nhận rằng không chỉ Đức Maria mà cả thánh Giuse cũng đồng trinh trọn đời và rằng, dù hôn nhân có thể đôi khi là một trạng thái thiêng liêng nhưng nó cũng cho thấy có những cản trở việc cầu nguyện, và trong giảng huấn của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước có lời phát biểu rằng sự đồng trinh và tiết dục thì phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa hơn là sự kết hôn.
Dưới đây, xin trích dịch một đoạn tiêu biểu để thưởng lãm:
“21. Nhưng vì chúng tôi không phủ nhận những gì được viết ra nên chúng tôi không chấp nhận những gì không được viết ra. Chúng tôi tin rằng Thiên Chúa được sinh từ Đức Trinh nữ, vì chúng tôi đọc thấy điều đó. Về việc Maria kết hôn sau khi sinh sản [Chúa Giêsu – NƯ], chúng tôi không tin, vì chúng tôi không đọc thấy điều đó. Nói ra điều này không phải là chúng tôi kết án hôn nhân, vì trinh tiết tự nó là hoa quả của hôn nhân; nhưng vì khi chúng ta ứng xử với các vị thánh, chúng ta không được lên án một cách bừa bãi. Nếu chúng ta chấp nhận sự khả thi như một định chuẩn để phán xét, thì chúng ta sẽ quả quyết rằng Giuse có vài người vợ bởi vì Abraham đã có như thế, Giacóp đã có như thế, và các anh chị em của Chúa là sản phẩm của các bà vợ ấy, một phát kiến, mà một số người đã quả quyết một cách liều lĩnh, [nó] nảy ra từ sự càn rỡ chứ không từ lòng mộ đạo. Các người nói rằng Maria không tiếp tục đồng trinh: Tôi lại càng xác nhận thêm nữa rằng bản thân Giuse, qua Maria, là người đồng trinh, để cho từ một người nam đồng trinh kết hôn với một người nữ đồng trinh khiến cho Con đồng trinh được sinh ra từ một cuộc kết hôn trinh bạch. Bởi là người thánh thiện, Giuse không thể nào phạm tội thông dâm [vì vi phạm lời hứa nhận bảo hộ Maria – NƯ], và không có chỗ nào viết rằng ông có một bà vợ nào khác ngoại trừ làm người bảo hộ Maria là người được cho là vợ của ông thay vì ông là chồng của bà; kết luận là Giuse – người được nghĩ là xứng đáng để được gọi là người cha của Chúa – vẫn là một người đồng trinh.” (hết trích)
Các Giáo hội Kitô, cả Công giáo Tây phương lẫn Chính thống giáo Đông phương và vài nhóm Anh giáo, vài nhóm Lutheran, Martin Luther, John Wesley, v.v. đều khẳng định Đức Maria Aeiparthenos, nghĩa là “Đức Mẹ Đồng trinh mãi mãi”. Từ thế kỷ 4, Kitô hữu đã càng ngày càng quen thuộc với cách nói của thánh Augustinô/Augustine Hippo (354-430) rằng: “Đức Maria trinh nữ mang thai, Đức Maria trinh nữ hạ sinh, Đức Maria trinh nữ trọn đời”. Khoảng mười thế kỷ sau, thánh Tôma Aquinô cũng nói rằng tuy về mặt lý luận, không thể chứng minh Đức Maria trọn đời đồng trinh, nhưng phải chấp nhận điều đó vì nó “thích đáng và phù hợp”, do bởi Chúa Giêsu là đứa con duy nhất Đức Maria sinh ra nên một sự thụ thai lần thứ hai và mang tính con người thuần túy sẽ làm mất đi sự tôn kính trạng thái thiêng liêng của cung lòng Đức Mẹ.
Trở lại với Ngụy phúc âm Giacôbê (lưu hành từ nửa sau thế kỷ 2) ta thấy người biên soạn nó cũng “loan báo” sự việc Đức Maria mãi mãi là trinh nữ, cả trước lẫn trong và sau khi sinh Chúa Giêsu, cho đến trọn đời. Một cách hàm ý, nó kể lại ý chỉ của Thiên Chúa trong việc thượng tế Dacaria tìm ra thánh Giuse, một người góa vợ và đã có nhiều con cái, để chỉ “bảo hộ, giữ gìn” Trinh nữ của Đền thờ. Một cách hình tượng, nó diễn tả tình cảnh làm thế nào mà bàn tay của bà mụ Salômê bị bốc cháy và lụi tàn ngay sau khi bà dám thử thánh trinh tiết của Đức Mẹ Maria bằng cách cả gan đưa ngón tay vào cơ thể của Mẹ.
Sự đồng trinh mãi mãi của Đức Maria còn mang ý nghĩa, một cách tượng trưng, cho cuộc tạo hóa mới cùng sự bắt đầu tươi mới của lịch sử cứu độ. Sang tới thế kỷ 20, điều đó lại được phát biểu với đầy đủ luận cứ; lần gần đây nhất là (1) Công đồng Vatican II với trọn chương VIII: Đức Maria, trong Hiến chế về Tín lý Giáo hội (Lumen Gentium), và (2) Giáo lý Hội thánh Công giáo các số 484-511; 721-726; 963-975, v.v. Giáo hội xác tín rằng đó là những văn kiện tín lý được Thánh Linh soi sáng nên “không thể sai lầm”.
TOÀN VĂN
Ngụy phúc âm Giacôbê
Hay Tiền phúc âm Giacôbê
Sự ra đời của Maria, Mẹ Thánh Thiên Chúa và Mẫu thân Rất Vinh hiển của Đức Giêsu Kitô.
Chương 1
Trong lịch sử mười hai bộ tộc Ítraen[1] mà chúng tôi đọc, có ông Gioakim là người giàu có vô cùng. Ông luôn luôn mang gấp đôi số lễ vật dâng lên Thiên Chúa. Ông thầm nói với mình rằng: “Mình lấy ra từ số thặng dư của mình dâng lên Thiên Chúa vì toàn thể dân tộc, và mình lấy ra từ của riêng mình dâng lên Thiên Chúa để cầu xin Ngài tha thứ và đền mọi tội lỗi của mình.” Thế nhưng vào một ngày gần kề lễ trọng của Thiên Chúa, mọi con cái Ítraen đều mang lễ vật đến tiến dâng thì có một thượng tế tên là Rưuvên đứng ra ngăn chận ông Gioakim. Thượng tế ấy bảo ông rằng: “Theo lề luật, ông không được tiến dâng lễ vật vì trước hết, trong dân Ítraen, ông là kẻ không có hạt giống nối dõi nào.” Lúc đó, ông Gioakim cảm thấy bẽ bàng tột độ. Ông quay mình bỏ đi, tìm tới những người ghi chép sổ bộ của mười hai bộ tộc Ítraen. Ông tự nhủ: “Tôi sẽ tra trong lịch sử mười hai bộ tộc của Ítraen để xem có phải mình là người độc nhất trong dân Ítraen không cưu mang được đứa con nào.” Ông Gioakim tìm tòi và thấy ra rằng trong dân Ítraen, hết thảy những người công chính đều có con nối dõi. Rồi ông nhớ lại trong tâm trí về tổ phụ Abraham và việc Thiên Chúa đã ban cho trong những ngày cuối đời của ngài một đứa con trai là Ixaác[2]. Thế rồi với lòng phiền muộn vô cùng, ông Gioakim không muốn trông thấy hay gặp mặt vợ mình nữa. Thay vào đó, ông rút ra một nơi vắng vẻ trong hoang mạc, cắm lều ở một mình[3]. Tại đó, ông phát nguyện sẽ chay tịnh bốn mươi ngày và bốn mươi đêm. Suốt trong khoảng thời gian đó, ông hứa với mình rằng: “Tôi nhất quyết không bước xuống[4], không ăn không uống cho tới khi nào Thiên Chúa ghé thăm tôi; tôi sẽ chỉ lấy lời cầu nguyện làm thức ăn và thức uống mà thôi.”
Chương 2
Lúc đó, vợ của ông Gioakim là bà Anna bắt đầu để tang và khóc than thảm thiết vì hai lý do. Bà nói: “Tôi khóc than cho tôi vì giờ đây tôi trở thành người góa bụa, và tôi khóc than cho tôi vì tôi là kẻ không thể có con.” Khi sắp tới ngày lễ trọng của Thiên Chúa, một tỳ nữ tên Giuđít thưa với bà rằng: “Thưa bà, bà còn tiếp tục sỉ nhục mình tới bao lâu nữa? Bà không thấy ngày lễ trọng của Thiên Chúa đang gần kề sao? Vào những ngày này, Ngài không cho phép khóc lóc chịu tang[5]. Bà ơi, con có cái dải băng buộc đầu mà một phụ nữ bề trên cho con, bà hãy cầm lấy mà dùng. Con không được phép quấn nó vì nó mang dấu cao trọng trong khi con chỉ là một kẻ nô lệ.” Nghe vậy, bà Anna liền bảo: “Ngươi hãy đi đi cho khuất mắt ta. Dẫu Thiên Chúa có làm ta hổ thẹn tới mấy đi nữa, ta cũng sẽ không làm theo lời ngươi. Chắc có kẻ quỉ quyệt nào đó đã cho ngươi dải băng đó, rồi ngươi đưa nó cho ta để khiến ta phải chia phần tội lỗi của ngươi.” Tỳ nữ Giuđít liền nói: “Thưa bà, con chúc cho bà cái dữ nào đây một khi bà chẳng chịu nghe con. Con không thể chúc cho bà cái dữ nào lớn lao hơn việc bà đang bị Thiên Chúa đóng kín cung lòng[6] mình khiến bà không có người nối dõi trong Ítraen.” Nghe như vậy, bà Anna lại thêm phần thảm sầu nhưng nó cũng khiến cho bà phải cởi hết quần áo tang chế ra, gội đầu chải tóc, rồi mặc lên mình trang phục hôn lễ. Tới giờ thứ chín trong ngày[7] bà đặt chân xuống vườn hoa, đi dạo loanh quanh. Thấy cây nguyệt quế[8], bà Anna liền tới ngồi xuống bên gốc của nó. Nghỉ ngơi xong, bà thỉnh cầu Thiên Chúa rằng: “Lạy Thiên Chúa của tổ tiên con, xin ban phúc lành cho con và nghe lời con cầu nguyện, giống như Ngài đã ban phúc cho tổ mẫu Sara[9] của chúng con và ban cho bà ấy đứa con trai tên là Ixaác.”
Chương 3
Rồi bà Anna ngước mắt nhìn lên trời. Bà thấy trên cây nguyệt quế ấy có một tổ chim sẻ.[10] Lập tức, bà thở than cho thân phận mình. Bà kêu lên thảm thiết: “Chao ôi, ai đã sinh ra con? Từ cung lòng nào mà con nên khôn lớn? Bởi vì con đã sinh ra trong sự nguyền rủa trước mặt con cái Ítraen. Con bị trách mắng, bị người ta đối xử khinh miệt và bị ném ra khỏi Đền thờ Thiên Chúa. Chao ôi, con đang giống như thứ gì đây? Con không giống như chim chóc trên bầu trời, bởi vì Chúa ơi, ngay cả chim chóc cũng có khả năng sinh sản trước mặt Ngài. Chao ôi, con đang giống như thứ gì đây? Con không giống như muông thú dưới mặt đất, bởi vì Chúa ơi, ngay cả muông thú cũng có khả năng sinh sản trước mặt Ngài. Chao ôi, con đang giống như thứ gì đây? Con không giống như nước nôi kia, vì Chúa ơi, ngay cả nước nôi cũng có khả năng sinh sản trước mặt Ngài. Chao ôi, con đang giống như thứ gì đây? Con không giống như đất đai kia, vì Chúa ơi, ngay cả đất đai cũng sinh sôi kết quả khi mùa tới và cất tiếng chúc tụng Ngài.”
Chương 4
Đột nhiên, một thiên thần của Thiên Chúa hiện ra, đứng trước mặt bà Anna và nói với bà rằng: “Anna, Anna ơi, Thiên Chúa đã nghe lời cầu nguyện của bà. Bà sẽ thụ thai rồi sinh con; hạt giống ấy của bà sẽ được cả thế gian này nói tới.” Nghe như vậy, bà Anna liền đáp: “Có Thiên Chúa hằng sống, cho dù sinh con trai hay con gái tôi cũng sẽ cung hiến đứa con ấy làm lễ vật dâng lên Thiên Chúa, và nó sẽ phục vụ Ngài suốt những ngày đời của nó.”[11] Kế đó, lại có hai thiên thần hiện ra nói với bà Anna rằng: “Nhìn kìa, ông Gioakim chồng bà đang đi tới với bầy súc vật của ông ấy.” Trước đó, một thiên thần của Chúa đã hiện xuống với ông Gioakim, nói với ông rằng: “Gioakim, Gioakim ơi, Thiên Chúa đã nghe lời cầu nguyện của ông. Vậy ông hãy bước xuống, vì nhìn kìa, Anna vợ ông, bà ấy sẽ thụ thai trong cung lòng mình.” Lập tức, ông Gioakim bước xuống. Rồi ông gọi kẻ chăn bầy của mình tới và bảo họ rằng: “Hãy đem tới đây mười con chiên hoàn toàn lành lặn với bộ lông không chút lốm đốm; chúng sẽ được dành cho Thiên Chúa. Hãy đem tới đây mười hai con bê non tơ; chúng sẽ được dành cho các tư tế và các trưởng lão. Và hãy đem tới đây một trăm con dê đực; chúng sẽ được dành cho toàn thể dân chúng.” Lúc ông Gioakim xuất hiện với đàn súc vật của mình thì bà Anna đã đứng chờ sẵn nơi cổng thành. Thấy ông Gioakim, bà liền chạy tới, vươn mình lên ôm lấy cổ chồng và nói với ông: “Giờ đây em biết rằng Thiên Chúa đã ban ân phúc lớn lao cho em. Hãy nhìn đây, người đàn bà góa bụa nay không còn là quả phụ, kẻ vô sinh nay thụ thai trong cung lòng mình.” Và ông Gioakim nghỉ ngơi ngày đầu tiên ấy tại nhà mình.
Chương 5
Hôm sau, khi chưng bày các lễ vật của mình, ông Gioakim nhủ thầm rằng: “Nếu Thiên Chúa ban ơn hòa giải cho tôi[12], Ngài sẽ khiến cho tôi biết rõ ràng trên cái huy hiệu bằng vàng ròng nơi trán của vị tư tế.”[13] Lúc ông Gioakim tiến dâng lễ vật, ông chăm chú ngó vào huy hiệu ấy của vị tư tế đeo khi bước lên bàn thờ Thiên Chúa. Và ông thấy trên huy hiệu ấy không có dấu vết tội lỗi nào. Ông Gioakim nói: “Giờ đây, tôi biết rằng Thiên Chúa đã xóa sạch mọi tội lỗi lớn lao của tôi và cho tôi được làm hòa với Ngài.” Và ông cất chân rời đền thờ đi chững chạc về nhà. Bà Anna vợ của ông tới ngày giờ thụ thai. Chỉ bảy tháng sau, bà sinh nở[14]. Lúc đó, bà hỏi bà mụ rằng: “Nó thế nào rồi?” Bà mụ trả lời: “Con gái”. Bà Anna liền nói: “Linh hồn tôi chúc tụng ngày hôm nay.” Rồi bà đặt con mình vào giường trẻ con. Tới khi đủ ngày nằm nơi, bà thanh tẩy khí huyết[15], cho con gái bú và đặt tên con là Maria.
Chương 6
Ngày lại ngày, bé gái ấy lớn lên, cứng cáp hơn. Khi bé được sáu tháng, bà Anna thả con xuống đất xem thử bé đứng có vững không. Bé liền bước đi bảy bước[16] rồi sà vào lòng mẹ. Người mẹ nhấc bổng bé lên và nói với con rằng: “Có Thiên Chúa hằng sống, mẹ sẽ không để cho con bước đi dưới đất nữa[17] cho tới khi mẹ đem con vào Đền thờ Thiên Chúa.”[18] Rồi người mẹ biến phòng ngủ của Maria thành nơi cung thánh tôn nghiêm; bà không để cho bất cứ thứ gì ô nhiễm hay không tinh tuyền lọt vào phòng con gái mình[19]. Bà gọi những đứa con gái thanh sạch trong dân Do Thái tới vui đùa với bé Maria. Khi con gái mình lên một tuổi, ông Gioakim tổ chức một đại tiệc rất lớn. Ông mời các thượng tế, các tư tế cùng Hội đồng Công nghị và toàn thể dân tộc Ítraen tới dự. Ông mang bé Maria tới cho các thượng tế chúc phúc, và ông nói rằng: “Hỡi Thiên Chúa của tổ tiên chúng ta, xin hãy ban phúc lành cho bé gái này và cho tên của bé gái này vang danh suốt hết thảy mọi thế hệ.” Và toàn thể dân chúng đáp lại rằng: “Xin hãy cho xảy ra như thế, Amen.” Kế đó, ông Gioakim mang bé gái ấy tới cho các tư tế chúc phúc, và ông nói rằng: “Hãy chúc tụng Thiên Chúa, hãy nhìn tới bé gái này và ban cho bé gái này ân phúc tột bậc mà sẽ kéo dài tới vô tận.” Sau hết, mẫu thân của bé Maria mang con vào phòng ngủ cung thánh tôn nghiêm của con, cho bé bú sữa từ bầu ngực mình. Rồi bà Anna soạn một bài hát dâng lên Thiên Chúa rằng: “Con sẽ hát một bài ca thiêng liêng dâng lên Thiên Chúa vì Ngài đã xem xét con và cất bỏ khỏi con sự hổ thẹn kinh khiếp ấy. Thiên Chúa đã ban cho con hoa trái sự công chính của ngài, của thiên nhiên được phú cho dồi dào trước mặt Ngài. Ai sẽ nói với con cái của Rưuvên[20] rằng Anna đang dưỡng dục một đứa con? Các người có nghe chăng? Hãy nghe đây hỡi mười hai bộ tộc Ítraen rằng Anna đang dưỡng dục một đứa con.” Rồi bà Anna đặt bé Maria nghỉ yên nơi phòng ngủ vô nhiễm ấy, và bà đi ra phục vụ dân chúng. Khi bữa đại tiệc tối kết thúc, người ta cất bước chân đi mà lòng cảm thấy thiện lành và chúc tụng Thiên Chúa của Ítraen.
Chương 7
Tháng này qua tháng khác, bà Anna chăm sóc con gái mình. Khi cô bé tròn hai tuổi, ông Gioakim nói với vợ rằng: “Hãy đem con dâng tiến vào Đền thờ Thiên Chúa để chúng ta có thể giữ đúng lời mình đã thề hứa.” Bà Anna nói: “Hãy chờ cho tới năm con chúng ta đủ ba tuổi để lúc đó, con bé không đi tìm cha hay tìm mẹ của nó.” Ông Gioakim đáp: “Vậy chúng ta hãy chờ.” Khi bé Maria tròn ba tuổi, ông Gioakim nói: “Chúng ta hãy mời các con gái trinh khiết của dân Do Thái tới; hãy giao cho mỗi đứa một con chiên, và hãy bảo mỗi đứa đứng với con chiên ấy lúc thiêu tế nó, để cầu mong cho con gái của chúng ta không quay về nhà và giữ cho linh hồn của con gái chúng ta được cầm giữ mãi mãi trong Đền thờ Thiên Chúa.” Họ làm những việc ấy cho tới khi họ đi tới Đền thờ Thiên Chúa. Vị thượng tế Đền thờ chào đón Maria, hôn cô bé, chúc phúc cho cô bé và nói rằng: “Hỡi Maria, Thiên Chúa tán dương tên của con trong suốt mọi thế hệ. Trong con, và vào ngày cuối của mọi ngày, Thiên Chúa sẽ hiển thị sự cứu chuộc của Ngài cho con cái Ítraen.” Rồi ông đặt bé Maria xuống bậc thứ ba của bàn thờ, và Thiên Chúa tuôn tràn ân sủng lên trên bé. Bé gái ấy nhảy múa khải hoàn trên đôi chân mình, và mọi nhà Ítraen đều thương yêu bé.
Chương 8
Cha mẹ của Maria đi xuống trong kinh ngạc và ca tụng Thiên Chúa vì thấy con gái không ngoái mặt nhìn mình. Nhưng Maria tiếp tục ở trong Đền thờ, được giáo dưỡng như chim bồ câu, nhận thức ăn từ bàn tay của một thiên thần. Tới năm cô tròn mười hai tuổi[21], các tư tế họp hội đồng lại. Họ bảo nhau: “Nhìn kìa, Maria đã mười hai tuổi. Lúc này, chúng ta sẽ đối xử với cô ấy ra sao để cô ấy không làm ô uế nơi thiêng liêng của Thiên Chúa, Chúa của chúng ta?” Rồi họ nói với thượng tế Dacaria rằng: “Ngài là người đứng bên cạnh bàn thờ Thiên Chúa. Ngài hãy đi mà cầu nguyện về cô ấy. Nếu Thiên Chúa vén lộ cho ngài điều gì thì chúng tôi sẽ thực hiện điều đó.” Thượng tế Dacaria liền đi vào nơi cực thánh[22] của Đền thờ, khoác lễ bào có đeo mười hai cái chuông nhỏ[23] và mang trên mình yếm phán quyết[24], để cầu xin ý chỉ của Thiên Chúa về Maria. Đột nhiên một thiên thần của Thiên Chúa hiện ra đứng bên cạnh ông, bảo rằng: “Dacaria, Dacaria ơi, từ nơi này ông hãy cất chân đi triệu tập hết thảy các đàn ông góa vợ[25] trong dân chúng lại, bảo họ mỗi người mang theo một cây gậy. Kẻ nào được Thiên Chúa chỉ cho thấy dấu hiệu thì kẻ đó sẽ là người chồng của Maria.” Vậy, các sứ giả đi khắp miền Giuđê chung quanh đó, thổi vang lên tiếng kèn của Thiên Chúa, và hết thảy các đàn ông góa vợ vội vàng tới tụ tập.
Chương 9
Ông Giuse liền buông rìu, bước ra, đi gặp những người khác. Sau khi tề tựu đông đủ với cây gậy của mình, họ đi thẳng tới thượng tế. Và thượng tế nhận đủ số gậy của mọi người liền đi vào đền thờ và cầu nguyện. Cầu nguyện xong, ông cầm các cây gậy đó đi ra ngoài, đưa gậy cho từng người, nhưng chẳng ai có dấu hiệu nào. Cuối cùng, tới lượt ông Giuse nhận lấy cây gậy của mình. Đột nhiên từ trong cây gậy đó có một con chim bồ câu bay ra và đậu lên đầu ông[26]. Thượng tế nói với ông Giuse rằng: “Giuse, Giuse ơi, ông là người được chọn để bảo hộ Trinh nữ của Thiên Chúa; hãy gìn giữ cô ấy cho Ngài.” Ông Giuse ngần ngại, đáp lại rằng: “Tôi đang có con có cái; tôi đã già trong khi cô ấy trẻ. Tôi e rằng mình sẽ là trò cười cho con cái Ítraen.” Thượng tế bảo: “Này Giuse, hãy sợ hãi Thiên Chúa của ông, và hãy nhớ lại Thiên Chúa đã đối xử ra sao với Đathan, Aviram và Côrắc, và cách mà mặt đất rẽ ra, nuốt chửng họ vì họ nổi loạn, cãi lại lời Ngài[27]. Giờ đây, Giuse ơi, hãy sợ hãi Thiên Chúa để cho những sự việc đó không xảy ra trong nhà của ông.” Với lòng sợ hãi Thiên Chúa, ông Giuse nhận lấy cô Maria về nhà mình để bảo hộ. Và ông nói với cô ấy rằng: “Maria ạ, tôi nhận nàng từ Đền thờ Thiên Chúa và giờ đây tôi để nàng ở lại trong nhà của tôi. Tôi sắp sửa cùng với những thợ khác đi xa để làm các tòa nhà to lớn, và tôi sẽ không tới với nàng. Thiên Chúa sẽ ở cùng nàng.”
Chương 10
Trong khi đó hội đồng các tư tế họp lại, họ bảo nhau rằng: “Chúng ta hãy làm một bức màn trướng cho Đền thờ Thiên Chúa.” Thượng tế liền nói: “Hãy gọi bảy nữ tử đồng trinh của bộ tộc Đavít tới trước mặt tôi.” Người phục vụ đền thờ liền ra ngoài và mang họ vào đền thờ Thiên Chúa. Thượng tế bảo họ: “Bây giờ, hãy rút thăm trước mặt tôi, xem trong các cô ai là người sẽ quay chỉ bằng vàng, ai quay chỉ màu xanh, ai quay chỉ màu đỏ tươi, ai quay chỉ len mịn và ai quay chỉ thuần màu đỏ tía.” Lúc đó thượng tế nhớ lại cô Maria thuộc bộ tộc Đavít và là người trinh khiết trước mặt Thiên Chúa. Vậy, những viên chức phục vụ tuân lệnh ông, đi ra ngoài, triệu tập cô ấy. Maria trúng lá thăm chỉ định quay các sợi chỉ thuần màu đỏ tía[28]. Nhận chỉ, Maria quay về nhà mình. Nhưng kể từ lúc đó, thượng tế Dacaria bị trở thành câm, Samuen thay vào chỗ của ông cho tới khi Dacaria được nói trở lại[29]. Còn Maria thì quay các sợi chỉ mà cô đã nhận.
Chương 11
Maria mang chóe đi ra ngoài để lấy đầy nước. Bỗng bà nghe có giọng nói bên tai mình rằng: “Hãy vui lên hỡi người được ân phúc. Thiên Chúa ở cùng bà. Bà có phúc hơn mọi người nữ.” Maria nhìn quanh, hết bên phải sang bên trái, để xem giọng nói ấy đến từ nơi nào. Người run lẩy bẩy, bà đi vào nhà. Đặt chóe nước xuống, bà cầm các sợi chỉ thuần màu đỏ tía lên, ngồi xuống ghế và bắt đầu quay sợi. Đột nhiên, một thiên thần[30] hiện ra đứng trước mặt bà và nói rằng: “Maria, bà chớ sợ. Bà được ân phúc trong mắt nhìn của Thiên Chúa.” Khi nghe nói như vậy, bà tự hỏi mình về ý nghĩa của cách chào hỏi đó. Thiên thần liền nói với bà: “Thiên Chúa ở cùng bà, bà sẽ thụ thai.” Bà đáp: “Thế nào! Bởi Thiên Chúa hằng sống tôi sẽ thụ thai và sinh con giống như mọi người nữ khác sao?” Nhưng thiên thần trả lời rằng: “Bà Maria ạ, không giống như vậy. Thánh Linh sẽ đến trên bà và quyền năng của Đấng Tối cao sẽ tuôn đầy trên bà. Do đó Đấng Thiêng liêng được sinh ra từ bà sẽ được gọi là Con của Thiên Chúa hằng sống. Và bà sẽ đặt tên Ngài là Giêsu, vì Ngài sẽ cứu độ dân Ngài khỏi tội lỗi của chúng. Hãy nhìn người bà con Êlisabét[31] của bà; bà ấy trong tuổi già, bị chịu tiếng là không sinh con, mà nay đã thụ thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Lúc đó, bà Maria nói: “Vâng, trước mặt Thiên Chúa, tôi là nữ tỳ của Ngài. Hãy để xảy tới cho tôi đúng như những gì thiên sứ nói.”[32]
Chương 12
Maria quay xong các sợi chỉ thuần màu đỏ tía, bà mang chúng tới cho thượng tế. Thượng tế chúc phúc cho bà và nói: “Maria ạ, Thiên Chúa làm rạng danh bà và bà sẽ được ân phúc suốt mọi thế hệ trên trần gian.” Với niềm hân hoan lớn lao, bà Maria đi thẳng tới bà Êlisabét, người chị họ của mình, và gõ cửa nhà bà ấy. Khi bà Êlisabét nghe tiếng bèn chạy tới mở cửa ra. Thấy cô em họ của mình, bà liền cất tiếng chúc phúc và nói: “Từ nơi nào mà em đến đây vậy? Tại sao Mẹ của Thiên Chúa lại đến nơi tôi? Đây này, tai chị vừa nghe tiếng em chào thì đứa bé trong bụng chị đã nhảy lên vui mừng và nó chúc phúc cho em.”[33] Tới lúc đó, bà Maria quên lửng những bí nhiệm mà Tổng lãnh Thiên thần Gabrien đã bảo bà. Ngước mắt lên trời, bà nói: “Thiên Chúa ơi, tôi là ai mà mọi thế hệ trên mặt đất này đều chúc phúc cho tôi?” Bà Maria ở lại với bà Êlisabét ba tháng[34]. Ngày qua ngày, cung lòng bà mỗi lúc một lớn, bà sợ phải về nhà mình và bà che giấu mình để con cái Ítraen khỏi thấy. Lúc mọi sự này xảy tới cho bà Maria thì bà được mười sáu tuổi[35].
Chương 13
Khi bà Maria có thai tới tháng thứ sáu, ông Giuse từ các tòa nhà to lớn mà ông làm ở xứ khác trở về. Ông đi vào nhà mình và thấy ra bụng của bà đã lớn. Ông vật mình xuống đất, vã vào mặt mình mà khóc lóc cay đắng rằng: “Mặt mũi nào mà tôi có thể nhìn lên Thiên Chúa đây? Tôi sẽ nói ra sao về quan hệ của tôi với thiếu nữ này? Tôi đã tiếp nhận bà là Nữ Đồng trinh từ Đền thờ Thiên Chúa về nhà mình mà tôi đã không bảo hộ nàng đúng mức? Ai đã dựng lên chiếc bẫy này để sập tôi? Ai đã làm sự dữ này trong nhà tôi? Ai đã đánh cắp sự trinh tiết ấy khỏi tôi và làm cho nàng ra ô uế? Phải chăng câu chuyện ông Ađam đang lặp lại cho tôi? Bởi vì trong khi ông Ađam đang chúc tụng Thiên Chúa thì con rắn tới, thấy bà Eva một mình, nó cám dỗ bà và làm ô uế bà – chuyện như thế cũng đã xảy ra cho tôi!” Ông Giuse chỗi dậy, gọi bà Maria tới và nói với bà rằng: “Sau khoảng thời gian được Thiên Chúa chăm sóc, bà đã làm gì vậy? Có phải bà đã quên Thiên Chúa của chúng ta? Bà là kẻ được nuôi nấng trong nơi cực thánh, bà là kẻ đã nhận thực phẩm từ bàn tay của thiên thần, bà có biết rằng bà đã tự sỉ nhục mình tới bao nhiêu không?” Lúc đó bà Maria khóc tức tưởi, nói rằng: “Tôi thanh khiết và tôi không biết tới người đàn ông nào.” Ông Giuse nói với bà rằng: “Thế thì từ đâu ra cái đang ở trong cung lòng của bà vậy?” Thế nhưng bà Maria lại nói: “Có Thiên Chúa hằng sống của tôi, tôi không biết nó đến từ nơi nào.”
Chương 14
Lúc đó, ông Giuse kinh hãi cực độ. Ông tránh mặt bà Maria nhưng giữ im lặng về bà, và cân nhắc xem mình nên làm gì trong liên quan tới bà. Ông nói lý lẽ với mình rằng: “Nếu mình che giấu tội lỗi của bà ấy thì mình là kẻ có tội theo lề luật của Thiên Chúa. Còn nếu mình tố giác ra cho con cái Ítraen biết thì e rằng đứa con trong bụng bà ấy có thể đến từ thiên thần, và như thế, mình đem nạp mạng sống của người vô tội[36]. Vậy thì mình biết làm sao đây? Mình sẽ bỏ bà ấy một cách kín đáo.” Và rồi khi đêm đến, một thiên thần của Thiên Chúa xuất hiện với ông trong giấc mộng, bảo ông rằng: “Này Giuse, ông chớ e sợ về người trinh nữ ấy; cái đang ở bên trong bà ấy là do quyền năng của Thánh Linh; bà ấy sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Ngài sẽ cứu độ dân Ngài khỏi tội lỗi của họ.” Ông Giuse thức dậy, ca tụng Thiên Chúa của Ítraen, Đấng ban cho ông ân sủng này; ông giữ bà Maria lại trong nhà mình và bảo vệ bà cùng đứa con[37].
Chương 15
Lúc đó, một ký lục tên là Annas tới gặp ông Giuse, nói với ông rằng: “Giuse ơi, tại sao kể từ lúc về lại đây chúng tôi không thấy mặt ông?” Ông trả lời: “Vì tôi rất mệt sau chuyến đi vừa rồi, phải nghỉ ngơi trong ngày đầu tiên tại nhà của mình.” Nhưng Annas quay qua thấy Nữ Đồng trinh Maria bụng mang thai đang lớn. Y liền vội vàng chạy hết sức nhanh tới thượng tế, thưa với ông ấy rằng: “Hãy nhìn Giuse là kẻ được ngài đứng ra bảo đảm, đã phạm một tội ác khủng khiếp!” Thượng tế hỏi: “Chuyện ra sao vậy?” Annas nói: “Hắn làm ô uế người Trinh nữ mà hắn đã tiếp nhận từ Đền thờ Thiên Chúa, và lén lút kết hôn với cô ấy mà không vén lộ cho con cái Ítraen biết.” Đáp lại, thượng tế nói: “Giuse đã làm những việc đó sao?” Annas đáp: “Nếu ngài sai bất cứ người phục vụ nào của ngài tới, ngài sẽ biết rằng cô ấy đang có thai.” Người phục vụ đi và thấy đúng như lời Annas nói. Họ dẫn bà Maria với ông Giuse tới pháp đình. Thượng tế nói với bà rằng: “Này Maria, cái gì đây? Làm thế nào mà bà lại tự sỉ nhục mình như thế? Có phải bà đã quên Thiên Chúa, bà là kẻ được nuôi dưỡng trong chốn cực thánh và tiếp nhận thức ăn từ bàn tay của thiên thần. Bà là kẻ đã nghe ca vịnh và đã nhảy múa trước mặt Ngài, tại sao bà lại làm điều này?” Bà Maria khóc, nước mắt ràn rụa và nói rằng: “Có Thiên Chúa hằng sống, tôi vô tội trước mắt nhìn của Ngài và tôi không biết tới người đàn ông nào.” Rồi Thượng tế hỏi Giuse: “Tại sao ngươi làm điều này?” Ông Giuse đáp: “Có Thiên Chúa hằng sống, tôi không có quan hệ với cô ấy.” Lúc đó, thượng tế nói: “Đừng nói dối, hãy khai sự thật. Ngươi âm thầm kết hôn với cô ấy mà không bộc lộ cho con cái Ítraen biết và không tự hạ mình dưới bàn tay mạnh mẽ của Thiên Chúa để cho hạt giống của ngươi được chúc phúc.” Ông Giuse vẫn giữ im lặng.
Chương 16
Lúc đó thượng tế nói: “Hãy buông bỏ người Trinh nữ mà ông đã tiếp nhận từ Đền thờ Thiên Chúa.”[38] Ông Giuse trào nước mắt. Thượng tế nói: “Ta sẽ đưa cho ngươi nước thịnh nộ của Thiên Chúa để ngươi uống; Ngài sẽ làm cho tội lỗi ấy lộ rõ ra trước mắt ngươi.”[39] Lấy thứ nước đó, thượng tế đưa cho ông Giuse uống và sai người đưa ông ra ngoài hoang mạc. Ông Giuse trở về mà không bị hề hấn gì. Thượng tế cũng khiến bà Maria uống thứ nước đó và sai người đưa bà ra ngoài hoang mạc. Bà Maria trở về mà không bị hề hấn gì. Lúc đó, toàn thể dân chúng kinh ngạc vì không thấy bộc lộ tội lỗi của hai người. Thượng tế bèn nói rằng: “Nếu Thiên Chúa không vén lộ tội lỗi của hai người thì ta cũng sẽ không phán xét hai người.” Và ông thả họ ra. Ông Giuse đem bà Maria đi thẳng về nhà mình, hân hoan và chúc tụng Thiên Chúa của Ítraen.
Chương 17
Thời gian sau, có mệnh lệnh từ Hoàng đế Augúttô bắt hết thảy người Do Thái phải về nguyên quán kê khai đế đóng thuế. Ông Giuse là người Bêlem miền Giuđê[40]; ông nói: “Tôi sẽ khai sổ bộ các con trai của mình. Nhưng đối với con trẻ này thì sao? Tôi biết làm thế nào về con trẻ này? Tôi sẽ kê khai con trẻ này ra sao? Khai bà ấy là vợ mình thì tôi hổ thẹn quá! Tôi nên kê khai bà ấy là con gái của tôi chăng? Hết thảy con cái Ítraen đều biết bà ấy không phải là con gái của tôi. Đến thời điểm mà Thiên Chúa đã định thì cứ để Ngài làm điều Ngài thấy là tốt lành.” Vậy ông Giuse đóng yên con lừa của mình, nâng bà Maria lên ngồi trên lưng lừa, có con trai của ông dắt đi và ông Giuse theo sau. Khi họ đi tới dặm đường thứ ba, ông Giuse quay người lại, thấy bà Maria buồn bã. Ông nhủ thầm: “Có lẽ đứa bé bên trong làm cho bà ấy không yên.” Khi ông Giuse quay mình lại lần nữa, thấy bà Maria đang cười; ông nói với bà rằng: “Bà Maria ạ, bà làm sao vậy? Bộ mặt bà lần đầu có vẻ vui sướng và rồi buồn bã?” Bà Maria trả lời: “Ông Giuse ạ, đó là vì con mắt của tôi thấy có hai người, một người đang khóc lóc thảm sầu, và một người đang vui mừng cực độ [41]. Khi họ đi được nửa cuộc hành trình, bà Maria nói với ông: “Ông Giuse ạ, hãy đỡ tôi xuống khỏi lưng lừa, con trẻ bên trong tôi đang thúc, đòi ra ngoài.” Ông nghe lời đỡ bà xuống và nói với bà: “Tôi đâu biết đưa bà tới chỗ nào bây giờ. Khu vực này toàn là hoang mạc.”
Chương 18
Và ông Giuse tìm thấy một hang đá; ông dẫn bà vào trong đó. Để các con trai của mình lại bên cạnh bà, ông đi ra ngoài tìm kiếm bà mụ trong làng Bêlem. Lúc đó, tôi, Giuse bước đi mà không đang bước đi. Tôi nhìn lên đỉnh bầu trời và tôi thấy nó đứng yên. Và tôi nhìn vào không trung. Hoàn toàn kinh ngạc, tôi thấy nó và ngay cả những con chim trên bầu trời cũng không chuyển động. Và tôi nhìn mặt đất, thấy một cái bàn bày ra ở đó, và những người lao động ngồi chung quanh nó. Bàn tay của họ đặt lên cái bàn ấy nhưng họ không cử động để mà ăn. Trong miệng của họ có thịt nhưng họ không nhai. Họ đưa tay lên đầu nhưng họ không kéo ngửa đầu. Họ cho tay lên miệng nhưng họ không đút cái gì vào. Tất cả các bộ mặt của họ đều ngước lên, không nhúc nhích. Tôi thấy lũ cừu đang bị lùa đi nhưng chúng vẫn đứng yên. Và người chăn cừu đưa bàn tay lên để đánh chúng, nhưng bàn tay ấy vẫn ở yên bên trên chúng, Và rồi thấy dòng nước đang chảy của một con sông, và tôi thấy bầy dê đang kê mỏm trên mặt nước nhưng chúng không uống. Và đột nhiên, mọi sự được thay thế bằng dòng chảy bình thường của các sự việc[42].
Chương 19
Rồi tôi thấy có một người đàn bà từ trên núi đi xuống; bà đó nói với tôi: “Người kia, ông đi đâu vậy?” Tôi trả lời: “Tôi đang kiếm một bà mụ Do Thái.” Bà đó đáp lời tôi bằng câu hỏi rằng: “Có phải ông là người Do Thái?” Và tôi nói với bà rằng: “Đúng vậy.” Lúc đó, bà đó nói: “Ai sắp sửa sinh trong hang đá đó?” Tôi nói: “Đó là người đính hôn với tôi.” Bà đó nói với tôi: “Bà ấy không phải là vợ của ông sao?” Tôi nói với bà đó: “Bà ấy là Maria, người đã được giáo dưỡng ở nơi cực thánh trong Nhà Thiên Chúa. Tôi trúng thăm mà có bà ấy; tuy không phải là vợ của tôi nhưng bà ấy thụ thai bởi Thánh Linh.” Và bà mụ đó nói: “Thật vậy sao?” Ông Giuse liền nói với bà mụ rằng: “Cứ tới mà thấy.” Vậy bà mụ đi với ông Giuse. Tới khi họ đứng gần hang đá, một đám mây đen đang lờ lững phủ bóng bên trên hang đá. Bà mụ nói: “Linh hồn tôi chúc tụng ngày hôm nay, vì hôm nay mắt tôi nhìn thấy phép lạ: sự cứu độ đang tới với Ítraen.” Đột nhiên đám mây ấy biến thành ánh sáng chói lọi trong hang đá khiến cho mắt của họ không chịu đựng nổi. Chốc lát sau, ánh sáng ấy giảm dần cho tới khi xuất hiện một hài nhi. Và hài nhi ấy tới bú bầu ngực bà Maria mẹ mình[43]. Lúc đó, bà mụ kêu lên thành tiếng và nói: “Ngày này vinh quang biết bao; mắt tôi đã thấy quang cảnh diệu kỳ này.” Và khi bà mụ ra khỏi hang đá thì Salômê[44] gặp bà. Bà mụ nói với bà ấy rằng: “Salômê, Salômê ơi, tôi vừa thấy một cảnh tượng kinh ngạc nhất, biết kể lại làm sao với chị đây. Một người nữ đồng trinh vừa sinh con và đây là điều trái với tự nhiên.” Đáp lại, Salômê nói: “Có Thiên Chúa hằng sống của tôi, nếu tôi không nhận được bằng chứng xác đáng về việc này thì tôi sẽ không tin rằng có một người nữ đồng trinh vừa sinh con.”
Chương 20
Lúc Salômê đi vào, bà mụ nói: “Bà Maria ạ, hãy tỏ mình ra vì có sự tranh cãi lớn lao liên quan tới bà.” Và Salômê được thỏa mãn ý mình[45]. Nhưng bàn tay của bà liền bị thiêu trụi, và bà nức nở kêu lên thảm thiết rằng: “Khốn thay cho tôi vì sự vô luật lệ và không đức tin của tôi đã khiến cho tôi thử thách Thiên Chúa hằng sống. Nhìn đây, bàn tay của tôi đang rụng khỏi thân tôi.” Rồi Salômê khuỵu gối quì xuống trước Thiên Chúa và kêu lên: “Hỡi Thiên Chúa của các tổ phụ của con, xin hãy nhớ đến con vì con thuộc dòng giống Abraham, Ixaác và Giacóp. Xin đừng làm cho con thành điều sỉ nhục trong con cái Ítraen mà hãy cứu chữa con lành lặn trước mặt cha mẹ con. Ôi lạy Chúa, Ngài biết rằng con đã làm nhiều việc từ thiện nhân danh Ngài và đã từng nhận phần thưởng từ nơi Ngài.” Thình lình, một thiên thần xuất hiện, bảo Salômê rằng: “Salômê, Salômê này, Thiên Chúa đã nghe bà. Hãy vươn bàn tay bà chạm tới con trẻ ấy, bồng con trẻ lên và nhờ đó bà sẽ được chữa lành.” Lòng tràn ngập nỗi hân hoan tột cùng, Salômê đi tới hài nhi và nói: “Tôi sẽ chạm vào Người.” Và bà nhất quyết thờ phụng Người vì bà nói: “Đây là vị Vua vĩ đại, được sinh ra cho Ítraen.” Lập tức Salômê được chữa lành và đàng hoàng bước ra khỏi hang đá. Và nhìn kìa, có giọng nói rằng: “Salômê, Salômê này, đừng kể lại những điều lạ lùng bà vừa thấy, cho tới khi con trẻ này đặt chân tới Giêrusalem.” Và Salômê cũng cất bước đi, được sự chấp nhận của Thiên Chúa[46].
Chương 21
Rồi tới khi ông Giuse sửa soạn lên đường thì có một cuộc rối loạn rộng lớn khắp Bêlem trong miền Giuđê. Vì có các nhà chiêm tinh đến đó nói rằng: “Người được sinh ra làm vua nước Do thái hiện ở đâu vậy? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài ở phương đông và chúng tôi tới để bái lạy Ngài.” Tới khi nghe như thế, vua Hêrôđê rúng động, sai thủ hạ tới gặp các nhà chiêm tinh ấy. Và ông cũng cho đòi các thượng tế vào hoàng cung; ông hỏi họ: “Sách thánh đã viết gì về Đấng Cứu thế vậy? Ngài ấy ra đời ở chỗ nào?” Họ thưa ông rằng: “Tại Bêlem xứ Giuđê, vì nó đã được viết rõ như vậy.” Và ông để cho họ ra về. Rồi ông dò hỏi các nhà chiêm tinh rằng: “Dấu hiệu nào mà các ông đã thấy về người được sinh ra làm vua?” Các nhà chiêm tinh trả lời: “Chúng tôi thấy một ngôi sao đang chiếu sáng với ánh chói lọi ngoài sức tưởng tượng giữa các tinh cầu khiến cho chúng bị lu mờ. Vì vậy chúng tôi biết rằng vị vua ấy đã chào đời tại Ítraen và chúng tôi tới đây để bái lạy ngài.” Hêrôđê liền bảo họ: “Các ông cứ đi tìm. Nếu các ông tìm thấy ngài thì báo cho tôi biết với, để tôi cũng được đến mà bái lạy ngài.” Và những nhà khôn ngoan ấy cất chân đi. Lúc đó, ngôi sao mà họ thấy ở phương đông lại xuất hiện dẫn đường họ đi, cho tới khi họ tới hang đá. Rồi ngôi sao đó đứng yên phía bên trên đầu của con trẻ ấy. Khi các nhà chiêm tinh thấy Ngài với bà Maria mẹ Ngài, họ lấy các tặng phẩm ra khỏi bọc hành lý, gồm vàng, nhủ hương và mộc dược. Và rồi họ được thiên thần cảnh báo rằng đừng quay lại miền Giuđê; họ trở về xứ sở mình bằng con đường khác[47].
Chương 22
Khi Hêrôđê nhận ra mình bị các nhà chiêm tinh ấy đánh lừa, ông nổi cơn thịnh nộ, cho gọi những kẻ hành quyết của ông tới. Ông ra lệnh cho họ tiêu diệt hết thảy các hài nhi từ hai tuổi trở xuống. Và khi bà Maria nghe rằng hết thảy các con trẻ đều bị tiêu diệt, bà hoảng sợ, ôm con mình, lấy tả quấn con, rồi đặt con vào một cái máng trong chuồng bò. Và khi bà Êlisabét nghe rằng Gioan[48], đang bị truy lùng, bà bồng con chạy lên vùng đồi. Bà nhìn quanh xem có chỗ nào có thể giấu được con không nhưng chẳng có chỗ nào kín đáo. Bà Êlisabét liền thở dài, kêu lớn tiếng rằng: “Hỡi ngọn núi của Thiên Chúa, hãy nhận lấy người mẹ này với đứa con của nó.” Vì lúc đó Êlisabét không thể leo lên chỗ cao hơn. Lập tức ngọn núi chẻ ra, tiếp nhận bà. Và có ánh sáng chiếu xuyên qua ngọn núi tới bà. Và xuất hiện thiên thần của Thiên Chúa ở với hai mẹ con bà và giữ gìn họ.
Chương 23
Nhưng Hêrôđê vẫn tiếp tục lùng kiếm Gioan. Ông sai thủ hạ của mình tới Dacaria đang coi sóc tại bàn thờ, và nói với ông ấy rằng: “Ông giấu con trai mình ở đâu?” Nhưng ông ấy trả lời họ rằng: “Tôi là người thừa tế của Thiên Chúa và là người phục vụ nơi bàn thờ. Làm sao tôi biết được con trai mình đang ở đâu?” Thủ hạ của Hêrôđê trở về, báo cáo lên ông mọi sự ấy. Hêrôđê điên tiết, nói rằng: “Có phải con của hắn được định phận sẽ cai trị Ítraen không?” Và ông sai các thủ hạ thêm lần nữa tới nói với Dacaria rằng: “Ngươi hãy nói sự thật. Con trai của của ngươi đang ở đâu? Ngươi có biết rằng mạng sống của ngươi nằm trong bàn tay ta không?” Đáp lại, Dacaria nói: “Tôi là nhân chứng của Thiên Chúa. Cứ việc lấy máu của tôi. Thiên Chúa sẽ tiếp nhận linh hồn tôi vì ông ta đang làm đổ máu vô tội ngay trên lối vào Đền thờ Thiên Chúa.” Tới rạng sáng, Dacaria bị giết mặc dù con cái Ítraen không biết rằng ông ấy vừa bị giết.
Chương 24
Lúc đó, đã tới giờ chào đón các tư tế đi vào Đền thờ mà Dacaria không xuất hiện để tiếp đón họ và chúc phúc cho họ đúng theo phong tục. Các tư tế tiếp tục đứng yên chờ ông ra chào đón họ. Dacaria vẫn chưa ra và hết thảy họ đều sợ hãi. Một người trong họ đánh bạo đi vào cung thánh nơi đặt bàn thờ; ông nhìn thấy máu khô quánh kế bên bàn thờ Thiên Chúa, và nghe có tiếng nói lớn rằng: “Dacaria đã bị giết và máu của ông ấy sẽ lau không sạch cho tới khi xuất hiện người báo thù cho máu của ông ấy.” Khi nghe những lời ấy, tư tế đó sợ hãi, đi ra ngoài và kể lại cho các tư tế về những gì mình đã thấy, đã nghe. Tập trung hết can đảm, họ đi vào và thấy sự việc. Đoàn tư tế Đền thờ khóc than thảm thiết, xé dọc áo mình từ trên xuống dưới. Họ không tìm thấy thi hài nhưng họ thấy máu của ông đã đông cứng trên đá. Trong sợ hãi, họ đi ra ngoài, tường trình với dân chúng rằng Dacaria đã bị giết. Hết thảy các bộ tộc của dân chúng nghe; họ để tang và khóc lóc suốt ba ngày ba đêm. Rồi sau ba ngày ấy, các tư tế loan báo về việc bốc thăm chỉ định người sẽ thay vào chỗ của Dacaria. Và lá thăm trúng Simêôn. Vì ông là một người đã được Chúa Thánh Thần bảo đảm rằng ông sẽ không thấy cái chết cho tới ngày ông gặp Đấng Cứu thế bằng xương bằng thịt[49].
Chương 25
Tôi là Giacôbê [50], viết chuyện này khi có rối loạn tại Giêrusalem vào lúc Hêrôđê băng hà. Tôi lánh mình ra nơi hoang mạc cho tới khi tình trạng rối loạn ở Giêrusalem chấm dứt. Suốt mọi lúc, tôi ngợi ca Thiên Chúa, Đấng đã cho tôi tặng phẩm và sự khôn ngoan để viết câu chuyện lịch sử này. Và ân sủng sẽ ở với tất cả những người kính sợ Thiên Chúa, Đấng vinh quang suốt mọi thời đại. Amen.
Chú thích của người dịch:
[1] Dân tộc Do Thái gồm 12 bộ tộc (dòng họ) bắt nguồn từ 12 người con trai của Giacóp (cũng có tên là Ítraen). Ngày nay, tượng trưng là Ngôi sao Đavít trên lá quốc kỳ của nước Ítraen, gồm hai tam giác lồng vào nhau và nối các điểm tiếp giáp bên trong làm thành 12 tam giác nhỏ.
[2] Abraham, tổ phụ thứ nhất trong Cựu Ước. Ông tới năm 100 tuổi cùng bà vợ là Sara 90 tuổi, mới được Thiên Chúa ban cho đứa con trai trưởng là Ixaác.
[3] Theo truyền thống của đạo Do Thái, mỗi khi muốn chay tịnh tuyệt đối, người ta thường rút lui, ra hoang mạc, cắm lều ở một mình để sám hối và cầu nguyện lên Thiên Chúa. Thời hạn thường là 40 ngày.
[4] Thông thường, khi cầu nguyện, người ta thường đi lên chỗ đất cao hay lên một đài cao.
[5] Trong ngày lễ Sabát hằng tuần và các ngày lễ trọng, tín đồ Do Thái giáo không được than khóc, sầu thảm, kể cả lúc trong nhà có người vừa qua đời. Thông thường, người chết được an táng trong 24 giờ sau khi chết, nhưng gặp ngày lễ thì phải để qua tới hôm sau.
[6] Cung lòng. Tiếng trang trọng để gọi tử cung của người nữ.
[7] Khoảng ba giờ chiều.
[8] Ở nước ta, thường gọi là cây vạn tuế.
[9] Sara. Vợ của ông Abraham. Bà có con là Ixaác lúc 90 tuổi.
[10] Chim sẻ. Hình ảnh trong sách Tôbia (2:10). Ông Tôbia bị phân chim sẻ rớt xuống làm mù mắt.
[11] Lời phát nguyện giống như của bà Hanna (gốc của tên Anna) trong Cựu Ước (Sách Samuen 1 1:9-11) về đứa con Samuen mà Thiên Chúa ban cho bà theo lời bà cầu nguyện.
[12] Theo đức tin Thiên Chúa giáo, khi con người có tội khiến cho phải chịu tai ương hoạn nạn như là dấu hiệu bất hòa của Thiên Chúa vì có lối sống không giữ giao ước, phản bội, không làm vừa lòng Ngài. Do đó, được tha tội có nghĩa là được Thiên Chúa cho hòa giải. Đó cũng là ý nghĩa của sự sám hối hay phép giải tội của Công giáo, nghĩa là xin Thiên Chúa ban cho mình sự hòa giải của Ngài.
[13] Theo Cựu Ước, sách Khởi hành 28:36-40. Khi làm lễ, thượng tế (Aharon, anh của Môsê) mang trên trán huy hiệu có khắc chữ “Thánh hiến cho Thiên Chúa”; nó sẽ cho thấy lỗi lầm của người đã phạm khi thánh hiến các lễ vật thánh.
[14] Có bản chép tay Hy-lạp ghi là bà Anna có thai đủ chín tháng thì sinh Đức Maria.
[15] Cựu Ước, sách Lêvi 12:5 viết “Nếu sinh con gái, thì người đàn bà sẽ ra ô uế trong vòng hai tuần, như khi có kinh; rồi nó phải đợi sáu mươi sáu ngày cho máu được thanh tẩy.”
[16] Bảy. Con số bảy đi liền với cuộc đời Đức Maria. Bảy tháng thì chào đời. Bước đi bảy bước. Bảy lưỡi đòng đâm thâu trái tim Mẹ. Bảy sự buồn và bảy sự vui, v.v.
[17] Ý nói không để bụi đất dính vào gót chân Đức Maria.
[18] Đền thờ Giêrusalem, còn gọi là Nhà Thiên Chúa.
[19] Ý nói Đức Maria hoàn toàn không nhiễm bụi đời, gợi tới khái niệm Đức Bà Vô nhiễm và Vô nhiễm Nguyên tội.
[20] Rưuvên. Tên người con trai cả trong 12 người con của Giacóp, được xem là người lập thành dân tộc Do Thái. Rưuvên cũng là tên của thượng tế đã cản đường tiến dâng lễ vật của ông Gioakim.
[21] Là năm bước vào tuổi dậy thì, thời kỳ bắt đầu kinh nguyệt. Cũng là năm trở thành thiếu nữ (bat mitzvah) theo luật đạo Do Thái. Con trai thì 13 tuổi.
[22] Nơi cực thánh. Căn phòng nội điện thiêng liêng nhất trong Đền thờ Giêrusalem, chỉ cho phép một mình thượng tế đi vào để thỉnh cầu phán quyết của Thiên Chúa.
[23] Tượng trưng cho 12 dòng họ (bộ tộc) Ítraen, cũng gọi là 12 bộ lạc, vì họ chia nhau ở trên 12 vùng đất tại Canaan.
[24] Theo Cựu Ước, sách Xuất hành (28:15-30). Chiếc túi đựng các thẻ xăm đeo trước ngực thượng tế mỗi khi ông vào nơi cực thánh để thỉnh cầu ý chỉ (phán quyết) của Thiên Chúa.
[25] Chọn trong số những người góa vợ, hẳn là để người đó không làm chồng thật sự, mà chỉ có nhiệm vụ chỉ “bảo hộ, giữ gìn” Đức Maria, Trinh nữ của Đền thờ, mà thôi.
[26] Cũng có sự tích thay vì con chim bồ câu bay lên thì từ cây gậy của thánh Giuse biến thành một cành hoa huệ trắng. Có lẽ vì thế trong tượng ành của thánh Giuse thường có hình cành hoa huệ trắng.
[27] Theo Cựu Ước, sách Dân số (16:1-31). Côrắc, Đathan và Avithan vì chống lại người lãnh đạo cộng đồng là ông Môsê nên bị Thiên Chúa phạt: đất rẽ ra, nuốt chửng họ cùng nhà cửa, mọi người trong nhà và tài sản của họ.
[28] Theo Cựu Ước, sách Xuất hành (25:4). Màn trướng của Đền thờ làm bằng vải đỏ tía, vải điều, vải đỏ thẫm, vải gai mịn và lông dê. Màu đỏ tía mà Đức Maria trúng thăm là màu tượng trưng và dành độc quyền cho bậc vua chúa. Thượng tế Dacaria cho gọi Đức Maria tới để cùng với các trinh nữ khác nhận sợi về quay vì ông biết quan hệ hôn nhân giữa bà và thánh Giu-se chỉ là hình thức.
[29] Theo Tân Ước, sách phúc âm Luca (1:20]. Tư tế Dacaria bị phạt phải câm vì không tin lời thiên thần báo cho biết bà bà Êlisabét sẽ thụ thai thánh Gioan Tẩy giả.
[30] Theo Tân Ước, sách phúc âm Luca (1:26). Sứ thần đó là Tổng lãnh thiên thần Gabrien.
[31] Bà Êlisabét, còn gọi là Ysave, chị họ của Đức Maria, và là vợ của tư tế Dacaria, mẹ của Thánh Gioan Tẩy giả.
[32] Nguyên đoạn truyền tin này được kể lại trong Tân Ước, sách phúc âm Luca (1:28-38).
[33] Theo Tân Ước, sách phúc âm Luca (1:42).
[34] Theo Tân Ước, sách phúc âm Luca (1:56).
[35] Cũng có bản Hy-lạp chép tay ghi rằng năm này, Đức Maria 14 tuổi.
[36] Theo luật Do Thái trong Cựu Ước, người thông dâm hay ngoại tình, bị ném đá tới chết (sách Lêvi 20:10); (sách Đệ nhị luật 22:22-27).
[37] Rất nhiều chi tiết trong hai chương 13 và 14 giống với lời kể trong Tân Ước, sách phúc âm Mátthêu (1:19-25).
[38] Có bản Hy-lạp chép tay ghi là: “Lúc đó vị tư tế nói: Ngươi phải hoàn trả cho Đền thờ Thiên Chúa Nữ Đồng trinh mà ngươi đã nhận từ nơi đó.”
[398] Theo Cựu Ước, sách Dân số (5:16-30). Đây gọi là “nước đắng cay và nguyền rủa”. Nước lấy từ bình sành đựng nước thánh, bỏ vào một chút bụi trên nền Đền thờ Thiên Chúa, được nhúng vào đó giấy ghi lời nguyền rủa. Người có tội thất tiết uống vào sẽ khiến cho bụng sình lên và dạ héo hon.
[40] Trong Tân Ước, sách phúc âm Luca (2:1-5) có kể lại việc kiểm tra dân số này.
[41] Đức Maria với kiến thị hai người kẻ vui kẻ buồn này giống như lời ông Simêôn tiên tri khi Bà Maria và ông Giuse mang Hài nhi Giêsu tới Đền thờ Giêrusalem để dâng lên Thiên Chúa. Theo sách phúc âm Luca (2:33-35): “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng, và như vậy những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” Nó cũng làm ta nhớ tới truyền thuyết Bảy sự vui và bảy sự buồn của Đức Mẹ Maria.
[42] Thị kiến này có lẽ có ý nói vào thời khắc đó, cả vũ trụ ngưng đọng lại, đợi sự ra đời của Chúa Cứu thế; một sự tạo hóa mới, trời mới và đất mới.
[43] Sự ra đời lạ thường của Chúa Giêsu Kitô, khác với cách chào đời thông thường của người trần gian, lọt lòng qua cửa lòng mẹ
[44] Có bản Hy-lạp chép tay ghi Salômê cũng là một bà mụ.
[45] Có bản Hy-lạp chép tay ghi rằng Salômê cho tay vào cơ thể Đức Maria.
[46] Bà Salômê này có lẽ khác với bà Salômê trong Tân Ước, sách phúc âm Mác-cô (16:1) đứng xa xa nhìn Chúa Giêsu trên thánh giá, và (15:40-41) cùng với Maria Mácđala và bà Maria mẹ ông Giacôbê Hậu sáng sớm tới viếng mộ Chúa Giêsu.
[47] Câu chuyện ba nhà chiêm tinh và vua Hêrôđê tàn sát các anh hài, có kể lại trong Tân Ước, sách phúc âm Mátthêu (2: 1-17).
[48] Theo Tân Ước, thánh Gioan Tẩy giả chào đời trước Chúa Giêsu sáu tháng. Về sau, có lẽ có lời đồn ngài là Đấng Cứu thế, vì trong sách phúc âm Gioan (1:20) ghi rằng “Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: Tôi không phải là Đấng Kitô.”
[49] Trong Tân Ước, sách phúc âm Mátthêu (2:25-33) có kể chuyện này, trong đó có việc Chúa Thánh thần linh báo cho ông Simêôn biết rằng ông sẽ không thấy cái chết trước khi thấy Chúa Giêsu Kitô.
[50] Giacôbê, tác giả tự xưng danh mình như thế, và người luân lưu sách này theo đó mà cho rằng ông là con bà vợ trước của Thánh Giuse nhưng thực tế, không ai biết rõ lai lịch của ông. Thậm chí sự việc thánh Giuse có lập gia đình và có con cái trước khi đính hôn với Đức Maria hay không cũng bị nhiều giáo phụ Thiên Chúa giáo và Giáo hội Công giáo La-mã bác bỏ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Các Thánh, Dành cho bạn trẻ mỗi ngày, Susan Helen Wallace, FSP, Đaminh M. Nguyễn Phúc Lộc CMC dịch, Hai tập, Nxb Đồng Nai 2019.
Công đồng Vaticanô II, Nxb Tôn Giáo 2012
Đức Giêsu: Cuộc đời và thời đại, Nguyễn Ước biên dịch, Nxb Văn hóa Thông tin 2003.
Giáo lý Hội thánh Công giáo, Tòa Tổng giám mục, Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1997.
Giáo lý mới Thời đại mới, Đức tin Công giáo, Nguyễn Ước biên dịch, Nxb Tôn giáo 2005.
https://en.wikipedia.org/wiki/Brothers_of_Jesus
https://www.newadvent.org/fathers/3007.htm
https://en.wikipedia.org/wiki/Perpetual_virginity_of_Mary
https://vi.wikipedia.org/wiki/Maria
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1nh_Giuse
https://gpquinhon.org/q/than-hoc/ai-la-giacobe-anh-em-cua-chua-638.html
v.v.
Bảo-lộc Nguyễn Ước