Thứ Ba, 05 Tháng Mười Một, 2019

Jean Vanier (1928-2019)

Jean Vanier (1928-2019) - 1Ronald Rolheiser, 2019-05-27 

Sự khác biệt của chúng ta không phải là mối đe dọa nhưng là một kho báu.

Jean Vanier, nhà sáng lập Cộng đoàn Arche qua đời tại Paris, nước Pháp ngày 7 tháng 5 năm 2019, ông đã viết câu trên nhưng sự thật của nó không phải là điều hiển nhiên. Chúng ta có thể đặt câu hỏi, liệu câu này là câu tô cho nét nên thơ mang âm hưởng cao đẹp hay nó hàm chứa một sự thật đích thực. Trên thực tế, các khác biệt của chúng ta thường là mối đe dọa.

Nhưng đây là câu chuyện có một cái gì đó để nói lên, một thẩm quyền đạo đức để nói. Và ông Jean Vanier đã nói. Trọn đời ông và công việc của ông làm chứng rằng, các khác biệt của chúng ta có thể là kho báu và cuối cùng, nó là yếu tố chính xác của cộng đồng phục vụ giúp chúng ta dùng ân sủng đặc biệt chúng ta đang cần này.

Ông Vanier thấy trong các khác biệt tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ, giới tính, ý thức hệ hay thuộc tính di truyền là tài nguyên phong phú cho cộng đoàn, chứ không phải là mối đe dọa cho sự hiệp nhất của nó. Và ông Vanier đã làm chứng điều này trong tất cả các khía cạnh cuộc sống của mình, ông nổi tiếng nhất về các phát biểu rõ ràng về những những khác biệt tạo nên sự tách biệt người thiểu năng trí tuệ với cộng đồng, cô lập họ, cho họ là hạng người thứ nhì thì, và thế là mất đi món quà mà chỉ có họ mới đem lại được. Có người đã từng nói, sáng kiến của ông Vanier là cuộc cách mạng Copernic mới, vì trước ông, chúng ta thường nghĩ phục vụ cho người nghèo là một chiều. Bây giờ chúng ta biết, đó là lối suy nghĩ kiêu ngạo và ngây ngô xưa cũ, vì người nghèo mang lợi ích đến cho chúng ta rất nhiều.

Một trong những người làm chứng mạnh mẽ cho điều này là linh mục Henri Nouwen, nhà văn viết sách thiêng liêng, giáo sư Đại học Yale và Harvard, nhà thuyết giảng được kính trọng và là người được công chúng yêu mến và ngưỡng mộ. Thế mà cha Nouwen vẫn nuôi trong lòng những khiếm khuyết của mình, phần lớn cuộc đời của cha, cha không cảm nhận được một cách lành mạnh tình thương bao la quần chúng dành cho mình, cha luôn lo âu, không chắc mình được yêu thương, cho đến ngày cha về sống ở một trong các cộng đoàn Arche của ông Vanier. Ở đó, sống với những người hoàn toàn không biết gì công trình và danh tiếng của cha, họ không ngưỡng mộ cha, khi đó lần đầu tiên trong đời, cha cảm nhận được giá trị thật của mình và cảm nhận mình được yêu thương đến như thế nào. Ơn sủng lớn lao này là do cha sống với những người thật sự khác biệt. Chúng ta hết lòng cám ơn ông Jean Vanier đã dạy điều này cho mọi người.

Lần đầu tiên tôi nghe nói đến ông Vanier khi tôi còn là chủng sinh 22 tuổi. Đối với các bạn của tôi, ông là siêu sao thiêng liêng, nhưng việc thần tượng hóa này mang phản ứng tiêu cực nơi tôi. Tôi đi nghe ông nói chuyện với một thành kiến có sẵn: không ai có thể tốt như vậy! Nhưng ông tốt thật!

Và tất nhiên phải công nhận nó cũng hơi mơ hồ. Tài năng và sự lôi cuốn có thể dễ dàng đưa chúng ta đến tính ích kỷ, cũng như hướng chúng ta có tâm hồn cao thượng. Người ta có thể là diễn giả hùng hồ, dù không có uy tín gì về sự liêm khiết và nhân bản và không có sự lôi cuốn nào mời gọi người ta hướng đến những gì cao cả trong tâm hồn họ. Nhưng con người, thông điệp, sự lôi cuốn của ông Vanier trong suốt cuộc đời của ông đã không có một nét mơ hồ nào. Sự minh bạch, sự đơn giản, chiều sâu, khôn ngoan, đức tin đã ở trong con người, trong lời nói của ông, chỉ mang đến cho chúng ta một ý nghĩa, đó là tất cả cái gì là đẹp, là tốt, là thật, đó là các đặc tính của Chúa. Gặp Chúa làm cho mình mong muốn, như các môn đệ của ngài trong Tin Mừng, bỏ lưới cá, bỏ thuyền bè để đi trên một con đường mới, con đường tận căn hơn. Ít người có được sức mạnh này.

Tiêu chuẩn tốt nhất để đánh giá một môn đệ Chúa Kitô là một người biết hướng xuống, một người phù hợp với mô tả về Chúa Giêsu: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên phàm nhân.” Jean Vanier sinh ra trong môi trường ưu đãi, có cha mẹ là những người ngoại hạng, có một trí thông minh xuất chúng, một cơ thể bắt mắt, nhận được giáo dục nhiều người mơ ước, một đảm bảo tài chánh và có danh tiếng. Thật quá nhiều điều kiện tốt cho ông, và kiểu đặc ân này thường hủy hoại cuộc đời người ta hơn là đem lại phúc lành. Nhưng với Jean Vanier, ông không bao giờ giữ khư khư các món quà này. Ông trút bỏ hết, ông mặc lấy áo người nghèo, để các món quà của mình dành cho người nghèo và nhận trở lại từ đó ơn phước dồi dào. Ông đã định hình lại hình ảnh môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, nhận phép rửa lần thứ nhì, hòa mình vào người nghèo, nơi cộng đoàn và niềm vui được tìm thấy lại. Và với những chuyện này, ông mời gọi chúng ta.

Trong bài thơ của mình, Chiếc lá và đám mây (The Leaf and the Cloud), nữ thi sĩ người Mỹ Mary Oliver đã viết: “Tôi sẽ hát cho những cánh cửa của người nghèo bị phá vỡ, và cho nỗi buồn của người giàu, người lầm lạc và cô đơn một mình.” Ông Jean Vanier, qua tất cả năm tháng của mình, đã bước qua cánh cửa tan vỡ của người nghèo và tìm thấy cộng đồng và niềm vui ở đó. Đối với ông, các khác biệt của chúng ta không phải là mối đe dọa, nhưng là một kho báu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài viết khác