Thứ Sáu, 04 Tháng Năm, 2018

Sống tình yêu Thánh Thể

Với châm ngôn hoạt động “Tất cả phải xuất phát từ Thánh Thể và cho Thánh Thể”, mỗi tu sĩ dòng Nữ Tỳ Thánh Thể (SSS) luôn cố gắng hết mình để mỗi ngày sống là minh chứng thiết thực cho lý tưởng đời tu.

Sống tình yêu Thánh Thể - 1

Trong cuộc trò chuyện, các nữ tu hào hứng khoe với chúng tôi rằng, sắp đi dự lễ cưới của một đôi bạn trẻ và vừa nhận được thiệp hồng của một đôi khác. Nhìn nét mặt các chị rạng rỡ niềm vui, chúng tôi thầm nghĩ phải chăng đó là tin vui của những người rất thân thuộc với các chị? Một nữ tu bật mí: “Đó là đám cưới của các em trước kia học tại đây. Các em bị khiếm thính”.

Cánh cửa mở ra với đời

Nằm gọn trong khuôn viên nhà dòng ở Biên Hòa (Đồng Nai) là Trường Khiếm thính Hoa Lan đã tồn tại suốt 25 năm qua. “Mong ước khởi đầu của chúng tôi khi thành lập trường là xây dựng một cơ sở chăm sóc và giúp cho các em khuyết tật học hết chương trình tiểu học, định hướng một số nghề để các em có thể sống tự lập, phụ giúp gia đình, hòa nhập với cộng đồng, và nhất là dạy giáo lý cho các em Công giáo”, Bề trên giám tỉnh, nữ tu Têrêsa Đinh Thị Anh Đào cho biết. Học sinh của trường có khoảng 100 em, trong độ tuổi từ 5 đến 15, được chia thành 10 lớp. Khiếm khuyết khả năng nghe và nói giữa các em với thế giới như có một bức tường vô hình ngăn cách. Các nữ tu phải theo học chuyên môn về giáo dục cho người khuyết tật để có được những kỹ năng tiếp cận và truyền đạt, đồng thời phải sử dụng tất cả khả năng của mình để dạy những học trò đặc biệt.

Sống tình yêu Thánh Thể - 2
Chầu Thánh Thể, sinh hoạt trọng tâm của mỗi nữ tu - ảnh: Mai Lan


Trong căn phòng luyện nghe với máy trợ thính, các dì kiên nhẫn giúp học trò nhận biết, phân biệt âm thanh của cái trống, chiếc chuông, cây sáo. Trò đoán đúng, dì cười tươi khích lệ; trò đoán sai, dì lặp lại lần nữa. Cứ vậy đến khi trò có thể không nhìn mà phân biệt chính xác tất cả mới thôi. Rồi đến việc tập đọc các chữ cái, các chị dùng tất cả ngôn ngữ cơ thể mình để biểu đạt và trò thì cố gắng hoạt động khuôn miệng cứng ngắc, trọ trẹ phát âm theo. Chỉ một chữ thành công cũng là niềm vui không nhỏ. Mỗi học sinh có 1 giờ đồng hồ để học riêng về nghe và phát âm. Dạy trò bình thường đã khó, dạy trò đặc biệt còn khó gấp nhiều lần. Từng chút, từng chút một, các tu sĩ giúp xóa mờ lằn ranh ngăn cách và đem những mảnh đời bất hạnh đến gần nhịp sống bình thường hơn. Giữa bức tường vô hình, cửa đã được mở.

Sống tình yêu Thánh Thể - 3
Lớp học và lớp luyện nghe tại Trường Khiếm thính Hoa Lan - ảnh: Mai Lan


Ngoài ngôi trường này, dòng còn thành lập Trường giáo dục chuyên biệt Hoàng Mai (TPHCM) và một mái ấm tại Pleiku (Gia Lai) để đón nhận các em nhỏ kém may mắn về chăm sóc, dạy dỗ, bất kể trong hay ngoài Công giáo. Có nơi, cha mẹ học sinh phụ giúp chi phí ăn uống, có chỗ thì các chị phải lo liệu tất cả. Bên cạnh giáo dục văn hóa, các nữ tu còn dạy giáo lý, khơi lên trong các em lòng yêu mến Thánh Thể, giúp các em cảm nghiệm được sự đồng hành của hồng ân Chúa ban. Đó không chỉ là điều phải làm mà còn là món quà tốt đẹp mà các chị nhận được, nhất là khi các em được xưng tội, rước lễ, lãnh Bí tích Thêm Sức, có việc làm, có tổ ấm riêng như bao người khác.

Thiêng liêng Thánh Thể

Đang trò chuyện, các chị mời chúng tôi cùng viếng Thánh Thể ít phút tại nhà nguyện hội dòng. Đây là sinh hoạt trọng tâm của mỗi tu sĩ. Mỗi nữ tu đều phải dành ra ít nhất một giờ đồng hồ trong ngày và luân phiên chầu Mình Thánh Chúa. “Đây là quy định của luật dòng và là cách để chị em tĩnh tâm, tìm nguồn lực hoạt động tiếp”, nữ tu Phanxica Vũ Thị Phi, Bề trên cộng đoàn Bình Đa giải thích. Một chị khác chia sẻ có đôi khi mệt mỏi hay đang nóng giận thì đến giờ viếng Chúa, bỏ lại công việc vào nhà nguyện thinh lặng, đến khi bước ra bỗng cảm thấy mọi chuyện chẳng đáng là chi. Vậy nên, việc quỳ cầu nguyện trước Chúa mỗi ngày không còn giới hạn ở điều luật phải tuân giữ khi là một nữ tỳ Thánh Thể, mà đã thành thói quen không thể thiếu trong nhịp sống thường nhật của các chị.

Sống tình yêu Thánh Thể - 4
Lao động thường ngày trong niềm vui đời dâng hiến - ảnh: Mai Lan


Mang trong mình tình yêu Thánh Thể và sứ mệnh làm lan tỏa tình yêu ấy cho mọi người, các nữ tu tích cực cộng tác trong việc mục vụ tại các xứ đạo. Dạy giáo lý, phục vụ bàn thánh…, chỉ cần có thể giúp được bất cứ điều gì, các chị luôn sẵn lòng. Qua Hiệp hội Thánh Thể, các chị thi hành sứ vụ tông đồ đặc trưng của dòng là giúp người giáo dân biết, yêu mến và làm tông đồ Thánh Thể giữa đời. Có vẻ mông lung nhưng bằng chính hành động cụ thể và cuộc đời mình, các nữ tu minh chứng cho lý tưởng ấy một cách chân thực và gần gũi nhất. Đó chính là sức hút, là nét đẹp của đời sống hiến dâng.

Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể là dòng quốc tế do cha thánh Pierre Julien Eymard (1811 - 1868) sáng lập tại Pháp năm 1859, với sự cộng tác của mẹ Marguerite Guillot. Tại Việt Nam, vào khoảng năm 1970, linh mục Micae Hoàng Ðức Tụng thành lập Tu hội Ðức Mẹ Thánh Thể tại giáo phận Xuân Lộc. Ðến năm 1993, tu hội này sáp nhập vào dòng Nữ Tỳ Thánh Thể quốc tế và được nâng lên thành tỉnh dòng Ðức Mẹ Thánh Thể Việt Nam ngày 31.7.2007. Hiện tại dòng có 136 nữ tu khấn trọn thuộc các cộng đoàn tại TGP.TPHCM và các giáo phận Xuân Lộc, Bà Rịa, Long Xuyên, Ban Mê Thuột, Kon Tum. Bề trên giám tỉnh đương nhiệm là nữ tu Têrêsa Ðinh Thị Anh Ðào.

Ngày 29 và 30.6.2018, chương trình mục vụ ơn gọi sẽ được tổ chức tại trụ sở chính của tỉnh dòng số 38, Trần Quốc Toản, tổ 12, khu phố 2, phường Bình Ða, TP Biên Hòa, Ðồng Nai. Những ai có nhu cầu tìm hiểu về ơn gọi của dòng có thể đến trực tiếp hoặc liên hệ qua số 02513 383 890, qua hộp thư điện tử dongnutythanhthe@gmail.com      

 

MAI LAN

Bài viết khác