Thứ Sáu, 03 Tháng Tám, 2012

Thung Lũng Chết

Thung Lũng Chết

LTS: Mục này được mở ra dưới hình thức một nhật ký lữ hành ghi nhận về một vùng đất nào đó tại Mỹ, Việt Nam và phần còn lại của thế giới với đầy đủ các mặt địa lý và nhân văn. Lần này, chúng tôi đề cập đến một khía cạnh đặc biệt tại Thung Lũng Chết (Death Valley) ở Nam California. Một phần của bài “Mưa làm hồi sinh Thung Lũng Chết” dựa vào tài liệu của tờ LATimes.

Khi vượt qua Jubilee Pass nằm trên Ðường 178, những người lái xe chắc mẩm thế nào cũng bắt gặp một vùng đất chết, đơn sắc như mọi năm tại Công Viên Quốc Gia Death Valley. Nhưng rất bất ngờ, năm nay người viếng khu vườn quốc gia này chắc chắn ai cũng đều choáng ngợp bởi mầu sắc đa dạng của các loài hoa: Thạch thảo, cúc vàng, anh thảo (primroses), hoa của cây phi yến (larkspurs), hoa anh túc ( có tên là poppy, nhưng đừng lầm với hoa cây thẩu tức cây thuốc phiện, sở dĩ gọi là anh túc vì loại hoa này có mầu đỏ thắm và trông rất giống hoa của cây thẩu), cây hoa có tên rất lạ là cỏ roi ngựa (verbena), hoa tử đinh hương mầu tím (lilac), lan đất và nhiều loại hoa dại khác không liệt kê hết được.

Hiện tại, các nhà thực vật học đang bàn tán rất nhiều về hiện tượng này. Nhiều nhà thực vật cho rằng mùa mưa đến sớm bất thường, kéo dài gây ra rất nhiều thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho California lại có kết qủa ngược lại: Thung Lũng Chết (Death Valley) đã không còn là một thung lũng chết nữa mà đã hồi sinh với những thảm hoa đa sắc, đa dạng và mênh mông.

Nếu đến đây vào dịp này, chúng ta có thể thấy rất nhiều du khách giầu có đến từ những tiểu bang New York, New Jersey và Maine. Lew Friedman, một du khách và đồng thời là một nhà nghiên cứu thực vật đến từ Old Chattam, New York cho biết: “Chúng tôi rất xúc động khi nhìn thấy cảnh này, không thể là Thung Lũng Chết nửa năm trước đây.” Ông ta nói như vậy khi đứng trước thảm hoa hướng dương mầu vàng hoàng anh và có mùi thơm chạy dài đến lưng chừng một ngọn đồi trước đây chỉ toàn cát và loại cây thông sa mạc, loại thông, cây thấp nhỏ, mùi thơm hắc.

Những con chó sói nhỏ và loài chồn tí hon từng phải tìm cách thoát thân ra khỏi vùng thung lũng này vào mùa hè khi nhiệt độ ở đây có ngày lên đến 120 độ F. nay đã quay trở lại khi nhiệt độ ở đây sau những cơn mưa chỉ còn 60 độ F. Vùng sa mạc này thường có cái vẻ tĩnh lặng đe dọa, nhưng nay suốt vùng rộng lớn này lúc nào cũng nghe thấy tiếng vù vù của những đàn ong kéo về đây hút nhụy hoa đang rộ lên từ vùng cát khoáng ba san.

Tim Croissant, một Nhà Thực Vật làm việc cho Công Viên Quốc Gia Death Valley nhận định về hiện tượng hoa dại nở rộ và đa dạng năm nay như sau: “Thông thường việc hoa dại nở rộ vào mùa Xuân tại Death Valley rất hiếm có, dường như chu kỳ của nó không dưới 70 năm, có thể nói từ khi tôi lớn lên và làm việc ở đây chưa bao giờ thấy hiện tượng này.”

Mùa Xuân đến sớm và mưa nhiều hơn tại Death Valley.

Hoa dại nở rộ năm nay bắt đầu từ đầu Tháng Hai, nghĩa là đối với Death Valley thì mùa Xuân năm nay đến sớm hơn 2 tháng. Nếu vào đầu Tháng Hai vào thăm công viên quốc gia này, tọa lạc tại phía Nam Death Valley sẽ chứng kiến một biển hoa nhận chìm cảnh sa mạc cũ, trong khi ở khu phía Bắc công viên, búp hoa nở chậm hơn. Những vùng nhỏ có hoa mới đơm nụ khiến cho vùng phía Bắc Death Valley trở thành một vùng da beo. Các nhà thực vật học cho biết, khoảng cuối tháng này, hoa tại vùng Bắc Công Viên Quốc Gia Death mới nở rộ. Ðời sống của những thảm hoa này sẽ kéo dài cho đến cuối Tháng Năm hay thậm chí đến giữa Tháng Sáu.

Death Valley, rất nổi tiếng ở Nam California, nhưng hàng năm mức nước mưa hứng được ngoài trời chỉ có 2 inches mà thôi, nhưng năm nay tăng lên đến 6 inches tức là tăng gấp 3 lần.

Trong vòng một thế kỷ nay, mưa ở vùng sa mạc này thuận lợi hơn so với những vùng khác, nhưng kể từ Tháng 8 năm ngoái, mưa đột nhiên nhiều hơn đã khiến nảy sinh ra một trận lũ quét mất một phần của xa lộ 190, một trong những xa lộ chính dẫn vào thung lũng chết này, khiến cho công viên quốc gia ở đây phải đóng cửa đến 10 ngày. Việc sửa sang phải đến Tháng Tư này mới hoàn tất. Những con đường mòn trong Thung Lũng Chết đều được viền bởi nhiều loại cây có thể cho hoa vào mùa Xuân, nhưng trong nhiều thập niên qua chưa bao giờ nở rộ thành những thảm hoa mênh mông như năm nay.

Sở dĩ người ta đặt tên cho thung lũng này là thung lũng chết một phần cũng vì vào năm 1849, một số người tiền phong đi tìm vàng đã đi lầm vào thung lũng này vì họ nghĩ rằng có đường tắt để vào các “Cánh Ðồng Có Vàng” đúng Mùa Ðông. Họ tìm thấy một con suối tên là Furnace Creek, một con suối nước nóng đã giúp họ sống và tìm được đường ra khỏi thung lũng này qua một dãy núi trong tình trạng đói khát. Sở dĩ vùng thung lũng hoang vu có tên là thung lũng chết bởi vì, một trong những người tiền phong tìm vàng sau khi để lại đằng sau một không gian mênh mông giống như cảnh cung trăng đã buột miệng nói lên trong mừng rỡ: “Xin giã từ thung lũng chết.” Cái tên này từ đó gắn liền với vùng đất và Bộ Nội Vụ Tiểu Bang cũng sử dụng tện đó trên bản đồ.

Những người của bộ lạc Timbisha Shoshone

Những ai vào thăm vùng thung lũng hoang vu Death Valley vào những mùa Xuân trước 2004 cũng không thể gọi vùng thung lũng này là thung lũng chết được vì cây cỏ đã có lá xanh và hoa nở rải rác từng cụm. Có lẽ từ “Thung Lũng Chết” chỉ thích hợp vào mùa Ðông hay Hè vì cảnh quan của mặt trăng lại trở lại và khí hậu mới đúng là khí hậu sa mạc. Ðiều này có thể phản ảnh một cách rõ rệt khi mùa Xuân tới với nhiệt độ xuống thấp và 2 inches nước mưa, có khi hơn, như năm ngoái và năm nay chẳng hạn. Nếu đi vào giữa vùng có thể sinh sống được trong thung lũng chết, khách viếng thăm sẽ thấy một khách sạn mang tên Furnace Creek Inn & Resort nằm ở đúng vị trí nơi mà những người tìm vàng tiền phong sống sót được khi lạc vào đây. Suối nước nóng vừa kể luôn luôn ở độ nóng 83 độ F cho nên có thể nuôi cỏ cho sân golf 18 lỗ tại khu đất thấp hơn mặt biển đến 214 feet.

Gần sân golf này của khách sạn là một xóm dân vốn là hậu duệ của những người đã tạo nên nhà cửa trong vùng này 1,000 năm trước khi những người tìm vàng đến đây. Dân cư địa phương chưa tới 100 người thuộc bộ lạc da đỏ Timbisha Shoshone hiện nay sống trong những xe trailers và những nhà xây bằng gạch không nung trong khu đất rộng tới 314 mẫu Anh, một phần của khu dành riêng cho bộ lạc.

Mike Shoshone, người sinh ra và lớn lên trong thung lũng của bộ lạc Timbisha Shoshone, nay đang làm công việc trong toán xây dựng của Công Viên Quốc Gia Death Valley cho biết: “Có nhiều cây cối rất có ích, nghĩa là có thể dùng làm lương thực được. Các bạn tưởng đây là thung lũng chết chỉ vì không thể và không biết cách tìm ra những loại cây ấy mà thôi. Ở đấy có nhiều lương thực hơn bạn tưởng.”

Dĩ nhiên, lời nói của chàng thanh niên gốc da đỏ này không nghĩa đây là thung lũng chết vì bộ lạc của anh vẫn sống lâu đời ở đây được. Tự điển bách khoa Americana cho thấy là rễ của những cây “chia,” “mesquite” và bông vải (cottontail) từng là thực phẩm gắn liền với người da đỏ Shoshone. Người Shoshone xưa kia còn đào những bụt măng của một loại cây giống cây phi lao và cây muối nấu với một loại đậu dại. Vào mùa Hè, Bộ Lạc Shoshone chuyển lên vùng núi nơi họ có thể sống bằng những hạt dẻ thu nhặt từ một loại cây dẻ có tên là Pinyon.

Nói tóm lại, người dân của bộ lạc Timbisha Shoshone có tới 1,200 loại cây để lựa chọn làm thức ăn trong vùng, trong đó có 23 loại chỉ có ở thung lũng chết, chẳng hạn như cây Eureka Dunes, một loại hướng dương rất lớn mà những cánh hoa rục xuống đầy ở những đụn cát ở phía Bắc và cực Bắc của công viên này.

Nghe thấy từ ngữ Thung Lũng Chết, người ta hình dung ra ngay khung cảnh của mặt trăng hoặc ít ra cũng nghĩ rằng nó giống như một vùng sa mạc nào bên Ai cập. Nhưng thực ra Death Valley chính là một vùng sa mạc đặc thái ở Hoa Kỳ, vùng sa mạc có cây và đất ba dan đen chứ không phải chỉ toàn là cát. Mùa Xuân, khi nhiệt độ xuống thấp là cơ hội để cho cây cối đâm chồi nẩy lộc và từng đám hoa dại khoe sắc. Với trên một ngàn loại cây cho hoa, vùng Death Valley là vùng thung lũng sa mạc đặc biệt nhất so với các vùng khác trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.

Hồ Manly mười ngàn năm trước

Dấu tích của một tiến trình sa mạc hóa vùng thung lũng mênh mông này có lẽ nằm ở khu hồ Lake Manly, cái hồ từng gây ngạc nhiên cho nhiều nhà nghiên cứu, thám hiểm. Alex Cabana, công nhân thuộc Công Viên Quốc Gia Death Valley đã lâu, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy cái hồ này cho tới mãi gần đây. Ðó là Hồ Manly với bề dài tới 90 miles từng bao phủ vùng Death Valley từ 10,000 năm trước, nhưng ngày nay, cái hồ nước vĩ đại này đã bị sa mạc hóa, gần như mất dấu. Cabana nói về cái hồ này với giọng xa xăm giống như nói về huyền thoại bộ lạc của anh: “Huyền thoại về Hồ Manly chỉ xuất hiện vài trăm năm một lần, đó là những lần hồ có nước. Thường về mùa Ðông nước chảy về vùng thấp Badwater Basin nằm dưới mặt biển 282 feet, vùng thấp nhất tại Tây Bán Cầu đã tạo ra một vùng trũng kéo dài tới gần 100 dặm vuông từ Ðông sang Panamint Range ở phía Tây thung lũng. Mặc dù vào mùa này, nước hồ chỉ sâu khoảng vài inches, và chỗ sâu nhất là 2 feet rưỡi, người ta cũng đã chứng kiến những nhân viên an ninh biệt động của khu công viên (park rangers) thực hiện chuyến du hành hiếm có nhất từ trước đến nay: Dùng ca nô để băng ngang khu công viên.

Không giống như vùng New England và Trung Tây Hoa Kỳ, những nơi mà lá vàng mùa Thu trở thành một kỹ nghệ lớn của du lịch, California thường ít nói tới việc du lịch tại vùng thung lũng chết. Nghe cái tên, người ta cũng ngại tới vì nghĩ rằng cả một vùng mênh mông đó là đá mặt trăng, lại thêm nguy hiểm nữa. Nhưng hàng năm, số người tới đây chơi hoặc nghiên cứu ngày càng gia tăng. Death Valley, Thung Lũng Chết chỉ còn cái tên của nó và những huyền thoại của những người lạc lối vào năm 1849. Ngày nay vùng sinh thái này có những cái quyến rũ đặc biệt cuả nó vào mùa Xuân.

Năm nay hoa nở rộ với những thảm hoa đầy mầu sắc đa dạng, Death valley trông giống như một chiếc thảm thần trong truyện thần thoại Ả Rập. Và một câu hỏi lớn được đặt ra: Sau một thời kỳ lâu dài bị sa mạc hóa, một vùng đất có thể được mưa và khí hậu làm cho hồi sinh chăng?

Dù sao, từ năm nay, người ta có thể thêm vào câu nói của những nhà tiền phong đi tìm vàng như sau: “Xin tạm biệt cái tên Death Valley. Hãy gọi nó là Thung Lũng Hồi Sinh.”

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art