Thứ Sáu, 03 Tháng Tám, 2012

Những kỳ quan ở Seattle

Những kỳ quan ở Seattle

Thắng cảnh là thiên nhiên, kỳ quan là do nhân tạo. Ngày xưa thế giới có 7 kỳ quan là những công trình vĩ đại do loài người tạo dựng nhưng trãi qua dòng thời gian, thiên tai như động đất, sóng thần những kỳ quan trên lần hồi bị phá hủy không còn dấu vết. Ngày nay trong 7 kỳ quan chỉ còn lại một kỳ quan duy nhất là Kim Tự Tháp ở Ai Cập.

Những “kỳ quan” ở Seattle trong bài này là tôi muốn nói đến những công trình kiến trúc khá lớn lao mà du khách phương xa mỗi khi ghé qua thành phố Seattle mây giăng núi thẳm thường hay ghé viếng thăm để sau này trong đời có ai hỏi đến thì mình vẫn tự hào “Đã một lần đặt chân tới”.

Ngày thứ nhì sau khi đến Seattle chúng tôi bắt đầu “đi tour” do hảng du lịch Ðài Loan có tên “USA Vacation” tổ chức đi nhiều nơi trên nước Mỹ, Canada, Hawaii, Mexico, Trung Quốc…Tour chúng tôi đi chuyến này là Seattle-Vancouver 4 ngày 3 đêm và giá tour chỉ tính phần “land only” còn vé máy bay từ nơi mình đi đến phi trường Sea-Tac tính riêng tùy thuộc chỗ ở mỗi người, đường bay gần hay xa. Với tôi thì vé máy bay từ Ontario đến Sea-Tac khứ hồi là 230$ nhưng vé của vợ tôi thì hãng trả vì vợ tôi đi công việc cho hãng và kết hợp đi du lịch luôn. Giá tour du lịch bao gồm 3 đêm khách sạn và chuyên chở đi chơi còn ăn uống thì mình phải trả riêng. Travel Agent tôi mua tour ở Rosemead của cô người Tàu VN, cô ta dặn rằng người hướng dẫn (tour guide) sẽ đón chúng tôi lúc 11 giờ ở nơi lấy hành lý của hãng Alaska Airlines, chúng tôi phải mang phù hiệu “USA Vacation” để cho người hướng dẫn dễ nhận diện. Hai chúng tôi có gần hết buổi sáng để xuống lobby khách sạn ở gần phi trường Sea-Tac ăn sáng với cà phê, bánh ngọt, trái cây. Rút kinh nghiệm ở những chuyến đi trước vì ăn đồ Tàu và Mỹ mỗi ngày đâm ra ngán, chúng tôi đem theo mì ly cho dễ nuốt hơn. Chuyến trước đi Yellowstone có bà cụ còn mang theo nồi cơm điện để vào khách sạn thổi cơm ăn với..cà pháo, mắm tôm! Ăn sáng xong còn nhiều thời giờ chúng tôi dạo quanh những con đường gần khách sạn. Cây cối ở đây thật xanh tươi và nhiều nhất là thông. Thông có rất nhiều loại, ở đây có những loại thông mà Cali không trồng được. Trái khô rụng xuống mương nước nhú lên những cây thông nhỏ, xanh tươi mơn mởn đầy sức sống. Thời tiết hãy còn lạnh, mùa xuân đến muộn, Cali đã cuối xuân nhưng nơi đây mới bắt đầu vào xuân nên hoa nở khắp nơi, nhà nào trước sân cũng vài khóm Azalea hay Rhododendron họ hàng với Azalea nhưng cây cao và hoa lớn hơn hoặc Magnolia (mộc lan) với những nụ hoa lớn như tu líp.

Mười một giờ sáng thứ bảy thì anh chàng tour guide người Ðài Loan tên là Danny đầu đội nón đan bằng lát gặp chúng tôi ở phi trường với 8 du khách khác nữa gồm một gia đình người Tàu 5 người ở Los Angeles, hai ông bà với 3 cô con gái ở tuổi 20, một gia đình khác cũng người Tàu gồm hai mẹ con đến từ San Francisco và còn lại một ông Tàu từ Mã Lai qua Mỹ du lịch mặc đồ veste giầy da rất trịnh trọng.

NGỌN THÁP SPACE NEEDLE

Chúng tôi đi trên một xe van hiệu Ford 12 chổ ngồi. Tất cả đều nói được tiếng Ðài Loan chỉ có hai vợ chồng chúng tôi là Danny phải dùng tiếng Mỹ. Lịch trình du ngoạn hôm nay là Seattle City Tour và sau đó sẽ đi Vancouver. Tôi lại được đưa đi thăm China Town, downtown, Pike Place Market mà ngày hôm qua tôi đã lang thang đi riêng một mình trong khi vợ tôi bận vào hãng có việc (vài tháng sau thì hãng vợ tôi dẹp tiệm), tiếp theo đi viếng ngọn tháp Space Needle là nơi tôi chưa đến.

Tháp Space Needle mở cửa ngày 21-4-1962 vào dịp Seattle tổ chức hội chợ thế giới. Người ta mất 400 ngày để  thiết kế và xây dựng tháp và cần 467 chuyến xe đổ xi măng. Ðầu tiên tháp có tên là Space Cage và ý tưởng thiết kế được mô phỏng từ tháp Stuttgart bên Ðức.

Tới công viên tháp Space Needle trời mưa lất phất, chúng tôi sắp hàng mua vé và được đưa lên bằng thang máy. Thang máy chạy rất nhanh, phóng lên như phi thuyền chỉ mất có 41 giây. Bên trong cột của tháp có một thang xoắn ốc có 832 bậc thang để dùng trong trường hợp khẩn cấp. Ðứng trên tòa nhà quan sát cao 520 feet du khách có thể ngắm cảnh bao quát hết thàng phố “bích ngọc” Seattle, từ bến cảng cho tới những toà building lộng lẫy cao sừng sững. Nếu trời quang mây tạnh sẽ thấy ngọn núi  Rainier quanh năm tuyết phủ ở hướng Nam. Ngọn Rainier đẹp không thua gì ngọn Phú Sĩ ở Nhật. Tấm bưu thiếp có in hình thành phố Seattle với phiá sau là ngọn Rainier tuyết trắng khiến cho người xem có thể nhầm với thành phố Tokyo và ngọn Phú Sĩ biểu tuợng xứ phù tang Nhật Bản. Theo tôi tấm ảnh chụp Seattle đẹp hơn Tokyo nhiều vì Tokyo sợ động đất nên không có building cao như Seattle. Trên tháp Seattle, bên ngoài mưa lạnh không gì ấm áp cho bằng nhấm nháp một tách cà phê Tully’s pha đậm theo kiểu miền Ðông Bắc. Trên tháp còn có một nhà hàng sang trọng có tên là Sky City bán những món ăn đặc sản vùng tây bắc như cá hồi (salmon) chiên hay nướng uớp gia vị trồng trong vùng. Mỗi bàn trong nhà hàng đều có thể ngắm cảnh thành phố phiá dưới. Khi thực khách gọi đặt chỗ ở nhà hàng, nhà hàng ghi tên vào máy vi tính, khách lên thang máy không cần phải mua vé và xe của mình cũng có người lo chỗ đậu (valet parking).

Giá vé lên ngắm cảnh ở Observatory trên tháp Space Needle là 13$ cho người lớn từ 14 đến 64 tuổi, trên 65 tuổi là 11$, trẻ em từ 4 đến 13 tuổi là 6$. 

HỒ WASHINGTON

Rời ngọn tháp xe đưa chúng tôi qua cầu nằm trên xa lộ 90 để qua Mercer Island nằm giữa hồ Washington. Hồ Washington dài 22 miles ăn thông với biển nhưng nước lại ngọt vì mực nước hồ thường cao hơn mực nước biển. Ngôi biệt thự trang bị hiện đại trị giá 75 triệu đô la của vua “phần mềm” Bill Gate xây năm 1996 cũng nằm trên bờ phía đông của Washington Lake. Ngôi biệt thự này rộng 66,000 feet vuông do kiến trúc sư James Cutler thiết kế. Vùng này lắm sông hồ nên một trong sáu gia đình ở đây là có du thuyền. Hôm nay nhằm ngày diễn hành du thuyền hàng năm để bắt đầu mùa chơi thuyền nên cầu phải mở cho thuyền qua khiến chúng tôi bị kẹt xe khoảng nửa tiếng đồng hồ. Chúng tôi sang đảo Mercer Island nằm giữa hồ rồi qua cầu nhỏ vào vùng Bellevue là hai khu dân cư nhà đắt giá. Vườn tượt nhà nào cũng rực rỡ bông hoa, cây cối được chăm sóc cẩn thận. Bằng xa lộ 520 chúng tôi đến ngoạn cảnh khu University of Washington, trường đại học nổi tiếng được thành lập từ năm 1861 lúc ban đầu là một toà nhà ở trung tâm Seattle. Năm 1895 trường được di chuyển về địa điểm ngày nay là khu đất rộng nằm bên bờ hồ Washington. Khuôn viên trường rộng như một thành phố với những bãi cỏ xanh ngút ngàn, những hồ nước với phông tên, những toà nhà kiến trúc Âu Châu trông như lâu đài của những lãnh chúa thời trung cổ.

ÐẬP KHÓA NƯỚC HIRAM M. CHITTENDEN

Bằng con đường Pacific Street chúng tôi chạy dọc theo bờ của con sông nối liền hồ Washington với biển, vùng vịnh này có tên là Puget Sound. Ðịa điểm kế tiếp chúng tôi đến xem là Hiram M. Chittenden Locks mà tôi tạm dịch là “đập khoá nước” để diễn tả một công trình kiến trúc khá vĩ đại nằm trên con sông thoát nước từ hồ Washington ra biển. Như chúng ta đã biết vào mùa mưa, nước từ trên vùng rừng núi đổ vào hồ Washington khiến mực nước trong hồ cao hơn mực biển rất nhiều và con sông từ hồ thông ra biển trở thành một dòng cuồng lưu, tàu thuyền không lưu thông được. Nhằm điều hòa lưu lượng nước từ hồ đổ ra biển người ta đã xây dựng đập khóa nước này từ năm 1917. Khoảng cách khác biệt giữa hai mực nước ở hai bên đập chừng 10 feet, để hóa giải khoảng cách này người ta xây những ngăn đập trung gian. Mở cửa đập cho tàu thuyền vào một ngăn, xong đóng cửa lại và mở những lỗ thông nhỏ cho nước phía bên kia thông thương vào trong ngăn có tàu đậu. Khi mực nước trong ngoài ngang nhau họ sẽ mở cửa để tàu chạy ra. Du khách có thể vào xem miễn phí hoạt động của đập nước, đậu xe bên bờ nào cũng đều đi bộ qua lại được. Trên dòng sông, song song với những ngăn khóa nước cho tàu thuyền qua lại người ta còn xây một đập lớn để nước từ hồ tràn ra biển một cách có kiểm soát. Trên con đập này vào mùa thu du khách có thể thấy loại cá hồi (salmon) nhảy tung lên cao, cố vượt qua đập để tìm về thượng nguồn. Cá hồi là một loài cá rất đặc biệt, chúng được sinh ra trên suối thượng nguồn và theo dòng nước trôi nổi ra biển . Chúng lớn lên và sinh sống ở biển vài ba năm. Ðến thời kỳ đẻ trứng không biết bằng giác quan nào chúng biết tìm đường trở lại dòng suối cũ nơi mình sinh ra. Lúc đó chúng không ăn cho nhẹ đi và lội ngược dòng cố về chốn cũ để đẻ trứng vào mùa xuân. Ðẻ xong chúng sẽ chết nơi đó. Ðến mùa cá hồi tìm về thượng nguồn, chúng nhảy tung tăng trên đập nên đập còn có tên là “Salmon Ladders”. Tại đập khóa nước Hiram M. Chittenden, bờ phiá bắc là công viên Carl S. English Jr. Ornamental Gardens hoa nở ba mùa, trừ mùa đông băng giá. Vườn hoa này rộng 7 mẫu gồm có khoảng 1000 giống loại từ các loại cây địa phương cho đến những loại kỳ hoa dị thảo từ nơi khác được đem trổng ở đây. Bờ phiá nam là bãi cỏ xanh với những rặng thông già, đứng nơi đây thuận tiện nhất để xem cá nhảy. Ngày xưa bên Tàu khi thấy cá hồi nhảy tung lên cao cố vượt qua những gành đá trên con suối, người ta cho rằng cá “vượt vũ môn” để biến thành rồng và gọi là “cá hoá long” được xếp ngang hàng với tứ qúy là long, lân, quy, phụng! Nhưng sự thật cá vẫn là cá cho dù có nhảy được cao đi nữa cũng không khi nào trở thành rồng được!

Ðập khóa nước Chittenden là “lock” lớn thứ nhì ở châu Mỹ chỉ đứng sau Lock Panama mà thôi. Mỗi năm vào tháng 3 đập đóng cửa vài tuần không đưa tàu thuyền qua lại, đập được tháo hết nước để tu bổ.

Đến thành phố Seattle đọc những brochures quảng bá du lịch tôi mới biết tài tử võ thuật người Hồng Kông Bruce Lee tên VN là Lý Tiểu Long bị chứng sưng óc (cerebral edema) mà dân ta lúc đó dịch nôm na là “tẩu hỏa nhập ma” qua đời một cách đột ngột vào năm 1973 ở Hồng Kông cũng được chôn tại Seattle nơi nghĩa trang Lake View Cemetery ở Capitol Hill chỉ cách trung tâm thành phố vài phút lái xe. Bruce Lee cha mẹ là người Hồng Kông nhưng sanh ra anh tại San Francisco nên anh ta có quốc tịch Mỹ. Con trai của Bruce Lee là Brandon Lee cũng là một tài tử quyền cước bị tai nạn súng ống trong lúc đóng phim “The Crow” ở North Carolina chết năm 1993 lúc anh mới 28 tuổi cũng được chôn bên cạnh cha trong nghĩa trang này.

Chúng tôi từ giã Seattle trong lúc bầu trời nhiều mây xám, mưa bay lất phất khiến câu hát ngày xưa chừng như văng vẳng đâu đây:

“Em đi rồi thành phố mưa bay

Công viên buồn, tượng đá cũng buồn...”

 TRỊNH HẢO TÂM

(Tháng ngày mưa gió tràn lan

Cali ngập nước Hai Ngàn Lẻ Năm)

Bài viết khác