Thứ Năm, 02 Tháng Tám, 2012

Hollywood, kinh đô điện ảnh thế giới (2)

Hollywood, kinh đô điện ảnh thế giới (kỳ 2)

Trên đại lộ Hollywood Boulevard ngoài rạp hát Kodak là nơi hàng năm phát giải điện ảnh Oscar, du khách còn bắt gặp một kiến trúc lạ lùng mang kiểu ngôi nhà Hawaii đó là rạp chiếu bóng Grauman's Chinese Theatre hay còn được gọi là Mann's Chinese Theatre ở số 6925 Hollywood Boulevard cách không xa rạp hát Kodak.

 

Rạp hát Grauman's Chinese Theatre xây năm 1927.

Trên vỉa hè đại lộ trước hai rạp hát là những ngôi sao khắc tên các minh tinh màn bạc để vinh danh tài năng đóng góp của họ cho nền điện ảnh cũng như âm nhạc.

Grauman's Chinese Theatre

 

Ðại lộ Hollywood nhộn nhịp du khách bốn phương.

Rạp Grauman's Chinese Theatre mở cửa vào ngày 18 tháng 5, 1927 sau hơn 16 tháng xây cất. Sau khi thành công với rạp chiếu bóng Ai Cập (Egyptian Theatre) gần đó, ông Sid Grauman một nhà chuyên tổ chức các buổi trình diễn ca nhạc bắt tay ngay vào việc xây rạp khác mà ông dự định sẽ huy hoàng lộng lẫy như rạp hát trong hoàng cung và ông đặt tên là rạp Trung Hoa (Chinese Theatre). Cũng như rạp trước là rạp Ai Cập, rạp Trung Hoa được lấy tên như vậy có tính cách quảng cáo cho có vẻ huyền bí, đường xa xứ lạ chứ không có đặc trưng nào Trung Hoa ngoài kiểu nơi cổng vào rạp giống mái nhà của... thổ dân đảo Hawaii nhưng chủ nhân cho là... đền thờ của người Tàu! Ông Grauman được ông Toberman và vài người nữa góp vốn vào hùn và thuê công ty kiến trúc Meyer & Holler là công ty đã thiết kế rạp Ai Cập thành công trước đó. Trong lúc tráng xi măng khoảng sân trước rạp có vài người nổi tiếng đến xem chơi vô tình giẫm chân lên lúc xi măng còn ướt như cô đào điện ảnh phim câm thời đó là Norma Talmadge (1894-1957). Kế đến nhà thầu xây rạp Jean Klossner cũng ký tên trên nền xi măng. Từ đó nhiều tài tử, minh tinh màn bạc Hollywood tính đến nay gần 200 người đã để lại dấu vết trên nền xi măng trước rạp, có người in dấu tay, dấy giày, chữ ký, đầu gối và như vua hề Bob Hope lại in cái mũi của mình trên sân rạp.

 

Ngôi sao của danh hài Bob Hope, người từng sang Việt Nam thăm binh sĩ Mỹ trong dịp lễ cuối năm, thời chiến tranh.

Năm 1929 ông Sid Grauman bán phần hùn của mình cho công ty Fox Theatres nhưng vẫn giữ vai trò giám đốc điều hành rạp cho đến khi ông qua đời năm 1950. Rạp Chinese Theatre được công nhận là di tích lịch sử văn hóa vào năm 1968 từ đó rạp được trùng tu nhiều lần nhờ có kinh phí từ chính phủ. Năm 1973 rạp được bán cho ông Ted Mann chủ nhân hệ thống rạp chiếu bóng Mann, là chồng cô đào Rhonda Fleming (sinh năm 1923 tại Hollywood vẫn còn sống, nay 88 tuổi trong khi Ted Mann qua đời năm 2001). Khi ông Ted Mann làm chủ, rạp có tên là Mann's Chinese Theatre. Năm 2000 hệ thống Mann's Theatre phá sản và bán tất cả tài sản lại cho hãng phim Warner Bros. và Paramount Pictures. Năm 2002 tên nguyên thủy của rạp là Grauman's Chinese Theatre được phục hồi cho rạp hát cổ này, tuy nhiên khu rạp mới xây trong thương xá góc đường Hollywood và Highland vẫn lấy tên Mann's Chinese 6 Theatre và vẫn do 2 hãng phim làm chủ.

Năm 2008 đất các rạp hát tọa lạc trên đó được bán cho công ty CIM Group và công ty này xây lên rạp Kodak và thương xá Hollywood & Highland Center gần đó. Giá bán được giữ kín và các rạp Mann's Theatres vẫn tiếp tục thuê đất dài hạn và hoạt động chiếu phim cho đến năm 2011 cả rạp Grauman's Chinese Theatre và Mann's Chinese 6 bán cho 2 nhà sản xuất phim Elie Samaha và Donald Kushner dưới tên công ty Chinese Theatres, LLC.

 

Người nhện Spider Man xuất hiện trên phố Hollywood.

Mặt trước của rạp là một mái nhà cong kiểu của dân đảo Hawaii nhưng chủ nhân rạp cho rằng đó là một ngôi đền chùa Tàu. Bên trong là một phù điêu đấp hình con rồng và giữ ngoài cửa là tượng hai con sư tử. Có 3 năm liên tiếp giải Oscar được phát tại rạp Grauman's Chinese là các năm 1944, 1945 và 1946. Hiện nay rạp vẫn chiếu những phim mới để phục vụ khán giả như những rạp khác và rạp thường được các nhà sản xuất phim chọn để tổ chức buổi chiếu ra mắt những phim mới. Những buổi tiếp tân ra mắt này thường có sự tham dự của các ngôi sao điện ảnh và những đạo diễn đương thời.

Hollywood Walk of Fame

Từ in dấu chân trước rạp Grauman's Chinese Theatre của những minh tinh màn bạc dẫn đưa đến việc nhằm lưu danh thiên cổ những tài tử, những người có công đóng góp vào điện ảnh, trên vỉa hè đại lộ Hollywood người ta đã gắn những ngôi sao 5 cánh nạm tên bằng đồng những tài tử điện ảnh, đạo diễn, ca sĩ, diễn viên truyền hình, các nhạc sĩ thu dĩa, v.v... Có hơn 2,400 ngôi sao để vinh danh những người nổi tiếng trong kỹ nghệ điện ảnh, âm nhạc được gắn trên vỉa hè suốt 15 blocks trên đường Hollywood Boulevard và 3 blocks trên đường Vine Street trong khu Hollywood. Những lối đi gắn sao các minh tinh này được gọi là Hollywood Walk of Fame tạm dịch là “Lối đi ở Hollywood của những danh nhân”.

Theo thống kê năm 2003 của công ty NPO Plog Research cho biết Walk of Fame đã thu hút hơn 10 triệu du khách đến viếng hàng năm hơn cả con đường hoàng hôn chợ tình Sunset Strip, tàu Queen Mary ở Long Beach và Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Los Angeles. Lối đi Walk of Fame ở Hollywood được quản lý bởi Phòng Thương Mại Hollywood và tu bổ bởi ngân khoản của quỹ bảo tồn lịch sử Hollywood Historic Trust.

 

Những ngôi sao khắc tên các tài tử điện ảnh trên vỉa hè Hollywood Boulevard.

Walk of Fame chạy dài 1.3 miles (2.1 km) từ Ðông sang Tây trên đại lộ Hollywood từ North Gower Street đến North La Brea Avenue và 0.4 miles (0.7 km) Bắc xuống Nam trên đường Vine Street giữa Yucca Street và Sunset Boulevard. Tính cho đến 8 tháng 11, 2011 có tất cả 2,454 ngôi sao với tên người vinh danh bằng đồng thau (brass, chứ không phải bằng bronze là đồng đỏ). Phía dưới tên họ các minh tinh là tấm phù điêu hình tròn khắc dấu hiệu tượng trưng lĩnh vực hoạt động trong ngành nào? Về lĩnh vực điện ảnh dấu hiệu chiếc máy quay phim, chiếc truyền hình là thuộc truyền thông TV, dĩa hát là ngành thu băng dĩa nhạc, dấu hiệu chiếc microphone là về truyền thanh Radio, hai chiếc mặt nạ là sân khấu (phù hiệu này được thêm vào năm 1984).

Nguồn gốc của Walk of Fame là do ông E. M. Stuart chủ tịch Phòng Thương Mại vào năm 1953 có ý kiến là “duy trì ánh hào quang của những người mà tên tuổi của họ làm say đắm, kích thích lòng người trên thế giới bốn phương”. Nhiều người cho rằng ý kiến này không mới mẻ gì vì trước đó khách sạn Hollywood Hotel tọa lạc 50 năm trên góc đường Hollywood và Highland trên trần trong phòng ăn cũng có vẽ những ngôi sao với tên của các tài tử khách hàng của khách sạn. Tuy nhiên dù tên tuổi của họ bất tử trong lòng người mộ điệu nhưng việc gắn ngôi sao kỷ niệm trên con đường chính của kinh đô điện ảnh Hollywood cũng mang ý nghĩa tri ơn những đóng góp của họ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

TRỊNH HẢO TÂM

Bài viết khác