Thứ Sáu, 03 Tháng Tám, 2012

Rong chơi ở Thủ Ðô Bangkok

Rong chơi ở Thủ Ðô Bangkok

Chiều nay chúng tôi đi ăn tối ở Bangkok Palace Hotel. Phái đoàn chỉ có 3 người. Vương Lão Tiên Sinh có bạn tới rủ đi chơi riêng rồi nên để bà xã đi một mình với chúng tôi. Ông này tuy già mà còn chịu chơi lắm. Không biết tối nay bạn ổng dẫn ổng đi đâu. Bangkok là nơi quý ông dễ dàng bị “hư hỏng” lắm. Ông ấy mà đi một mình thì chắc chắn sẽ “quậy dữ lắm”. Bà xã tôi nói nhỏ với tôi như vậy.

Ði mua sắm ở trung tâm thương mại Robinson và lân cận:

Ăn tối xong, chương trình du lịch theo tua kết thúc. Ðáng lẽ về khách sạn nghỉ ngơi, mà thấy còn sớm nên chúng tôi nói cô Lan ghé một khu thương xá gần khách sạn là khu Robinson để chúng tôi đi chơi và xem có gì mua thì mua. Chúng tôi sẽ tự đi taxi về khách sạn một mình. Ở đây, chúng tôi cám ơn cô Lan và anh tài xế mà trong lòng hơi áy náy đôi chút vì tiền típ cho anh ta thì chúng tôi lại gởi qua tay cô Lan không biết ảnh có nhận được trọn vẹn hay không.

Robinson là một thương xá lớn và hiện đại như ở Mỹ. Ở cửa ra vào có một anh bảo vệ mặc đồ rất đẹp. Mỗi lần khách ra vào, anh ta mở cửa và đưa tay lên chào như thượng khách. Hàng hóa bên trong đều là hàng hóa đẹp và cao cấp nên giá cũng không rẻ. Vậy mà tôi đọc những “blog” của người Việt trong nước thì họ nói họ rất thích đi mua sắm ở đây và ở thương xá MBK là một thương xá tương tự. Có lẽ ở Việt Nam ít có thương xá nào to lớn đầy hàng hiệu nên họ khoái như vậy. Còn chúng tôi ở Mỹ, thương xá lớn không thiếu nên không khoái vô đây cho lắm.

Vòng ra phía ngoài chúng tôi đi về phía Nam. Dọc đường hàng quán cũng nhiều mà khách mua cũng đông. Ở đây có cả Carefour là một chợ tạp hóa của một tập đoàn ở Âu Châu. Kế bên chợ này là một chợ trời nho nhỏ bán quần áo và đồ gia dụng. Tiếp theo nữa là một siêu thị của Thái Lan. Ðây là nơi chúng tôi muốn vào để mua chút đỉnh đồ dùng hay trái cây cho hai ngày tự do sắp tới. Siêu thị này bán hàng cũng đẹp và giá cũng vừa túi tiền nên chúng tôi mua được nhiều bánh kẹo để đem về cho mấy người trong sở. Chúng tôi cũng thấy có bán sầu riêng nữa. Ðặc biệt, chúng tôi thấy anh chàng bán sầu riêng không “khui” trái này theo ngăn hay “khía” như cách của Việt Nam mình hay làm mà anh có một con dao thật bén rồi... gọt sầu riêng như chúng ta xẻ... mít. Sầu riêng ở siêu thị này giá phải chăng nên chúng tôi mua 100 baht (3 đô la). Sau nầy thưởng thức thì thấy sầu riêng ở đây còn chưa chín lắm nên không ngon như sầu riêng mua ở Pattaya.

Hết bốn ngày đi chơi theo tua với cô Lan, chúng tôi đặt thêm hai ngày khách sạn ở Bangkok để có thể đi chơi tự do. Mấy hôm trước đi theo tua thì có người đưa đón, lo cho mình từ bữa ăn, chỗ ngủ, chỗ đi chơi... Ði như vậy cũng thích nhưng hơi gò bó vì mình phải đi theo chương trình sắp đặt sẵn nên có nơi mình muốn chơi thêm cũng không được. Hôm nay bắt đầu đi chơi tự do thì muốn đi đâu thì đi, nhưng lại phải tự tìm đường đi, tự tìm kiếm những thắng cảnh địa phương để tham quan. Ðiều này cũng hơi cực một chút. Sau khi đọc sách du lịch tôi dự định chương trình của hai ngày như sau:

Ngày thứ nhứt: sáng đi thăm chùa Wat Pho, sau đó thăm Bảo Tàng Quốc Gia. Ăn trưa tại khu Tây ba lô: Khao San Rd. Chiều đi thăm tòa nhà cao nhứt Bangkok là Baiyoke, khu Siam Square, và Erawan Shrine. Tối đi China Town.

Ngày thứ hai: sáng thăm ngôi nhà gỗ teck lớn nhứt thế giới Vimanmek gần cung điện Chitralada thuộc khu Dusit, sau đó thăm chùa Ngọc Thạch: Wat Benchamabophit. Ăn trưa ở khu MBK. Chiều đi mua sắm ở khu Sukhumvit và thăm khu đèn đỏ Patpong.

Do không biết rõ tình hình giao thông ở Bangkok nên tính như vậy, về sau chương trình có thể thay đổi đôi chút tùy theo hoàn cảnh và sự thích thú. Nếu nơi nào vui thì ở chơi nhiều, nơi nào không vui thì đi chỗ khác.

Nhưng trước tiên, chúng tôi xin khách sạn một tấm bản đồ du lịch Bangkok để định hướng. Các khách sạn ở đây có cho bản đồ miễn phí, nhưng mình phải hỏi mấy người phục vụ chớ họ không để trên các kệ như ở các nước khác. Theo bản đồ, đại khái Bangkok có thể chia làm 5 khu vực:

Khu Phố Cổ (Ratanakosin): bao gồm Ðại Hoàng Cung, chùa Phật Ngọc, chùa Wat Pho ... nằm ven bờ sông Chao Phraya. Ðây là khu đông khách du lịch nhứt Bangkok nên hơi kẹt xe.

Khu Phố Tàu: nằm ở phía Ðông khu phố cổ nơi có hai con đường nổi tiếng là Yaowarat và Sampeng.

Khu Dusit: nằm ở phía Bắc khu phố cổ. Ở đó có một công viên bên trong là cung điện Chitralada nơi hoàng gia cư ngụ.

Khu Downtown: nằm ở phía Ðông khu Phố Tàu. Ðây là trung tâm Bangkok với Siam Square là một nơi thị tứ, đông đảo. Ở đó có các shopping to lớn cũng như có chợ Pratunam nổi tiếng.

Khu Thonburi: ở phíaTây sông Chao Phraya nơi có nhiều kinh đào chằng chịt.

Ðể đi đây đi đó ở Bangkok thì có nhiều cách:

Ði xe điện ngầm và xe điện trên cao (gọi là Skytrain): dễ dàng, nhanh chóng nhưng hơi bất tiện vì xe chỉ chạy đúng tuyến đường nhứt định. Các nơi du lịch đôi khi lại ở xa tuyến đường nên phải đi thêm xe khác.

Ði taxi: mát mẻ và thuận tiện vì có ở khắp nơi với giá khá rẻ. Ðầu tiên thì đồng hồ nhảy 35 baht, sau đó mỗi km sẽ tính thêm 5 baht. Một chuyến đi ngắn trong thành phố chỉ khoảng 80-100 baht tức vài đô la. Từ Bangkok đi phi trường chừng 10-15 đô la. Tuy nhiên Bangkok hay bị kẹt xe nên nhiều khi tốn rất nhiều thời gian di chuyển. Thêm vào đó, khi kẹt xe thì đồng hồ tính tiền cho phép tính thêm, nên nếu bị kẹt xe thì tốt nhứt là tìm phương tiện khác để di chuyển. Ngoài ra, có khi tài xế không hiểu nơi mình muốn đến là ở đâu.

Ði xe tuk tuk: là phương tiện giao thông rẻ tiền nhưng phải trả giá và đôi khi xui xẻo gặp mấy ông tài xế không đàng hoàng thì ổng sẽ chở bạn miễn phí để đi... mua đá quý (họ chở bạn đi để ăn tiền hoa hồng của những chỗ bán hàng như đá quý, tơ lụa... bạn không mất tiền xe, chỉ tốn thời gian vô ích). Người ngoại quốc rất thích đi xe này vì lạ và vui.

Ði tàu thủy tốc hành: dọc sông Chao Phraya có hệ thống tàu tốc hành rất tiện lợi, cứ mỗi 15 phút là có một chuyến. Ði tàu thủy nầy không sợ kẹt xe, nhưng chỉ có ở dọc bờ sông mà thôi.

Ði taxi đường thủy: Bangkok có nhiều kinh rạch nên có nhiều tàu taxi. Nếu bạn di chuyển ở những địa điểm gần sông rạch thì có thể sử dụng. Tuy nhiên phương tiện nầy không được thơm tho lắm vì kinh rạch ở Bangkok ô nhiễm khá nặng.

Ngoài ra còn có xe ôm nữa nhưng tài xế xe ôm ở Thái cũng thuộc loại chạy hơi ẩu nên du khách ít dùng trừ những du khách “Tây ba lô” muốn tiết kiệm tiền.

Sau khi nghiên cứu rõ ràng, chúng tôi sẵn sàng lên đường khám phá Bangkok.

Ði xe điện ngầm ở Bangkok:

Sáng nay, chúng tôi sẽ đi thăm chùa Wat Pho còn gọi là chùa Phật Nằm. Từ khách sạn tới chùa khá xa, khoảng hơn 10 km nên chúng tôi phải đi xe điện ngầm tới nhà ga trung ương tên là Hualamphong, sau đó sẽ đi taxi tới chùa. Nếu đi taxi trực tiếp thì cũng được nhưng đường hay kẹt xe nên không biết sẽ tốn bao nhiêu tiền. Hơn nữa khách sạn Chao Phraya nằm chỉ cách trạm xe điện Rachadaphichek có 100 mét nên chúng tôi thấy cũng nên đi thử cho biết.

Tại lối vào trạm xe điện ngầm có nhân viên an ninh xét xách tay của hành khách. Tất cả hành lý nào mà họ nghi ngờ thì đều phải mở ra cho họ coi. Hiện giờ ở Thái Lan có bọn khủng bố Hồi Giáo cực đoan nên chánh phủ lo bảo vệ đường xe điện rất cẩn thận. Lối xuống đường xe điện có thang cuốn rất tiện nghi. Muốn mua vé thì có thể mua ở quầy bán vé. Ở đó có nhân viên giúp đỡ. Người đi thường xuyên thì có thể mua ở máy bán vé tự động với hai ngôn ngữ là Anh và Thái. Chúng tôi mua hai vé đi Hualamphong cách đây chừng 10km. Giá mỗi vé là 39 baht (khoảng 1.3 đô la). Giá vé như vậy cũng không rẻ đối với người địa phương. Tuy nhiên nếu họ đi thường xuyên thì họ sẽ mua vé tháng. Chắc chắn sẽ rẻ hơn rất nhiều. Vé xe điện của chúng tôi là một miếng plastic màu đen, hình dạng giống như một hủ dầu cù là nhỏ. Bạn để miếng nầy gần lối vào thì từ trường sẽ làm cho cửa mở để bạn đi vào trạm. Sau đó thì nhớ cất kỹ “vé” để lúc ra trả lại ở cổng thì máy mới mở cổng cho bạn đi ra.

Ðường đi xuống trạm chờ và khu vực ở lân cận nơi xe ngừng rất sạch sẽ. Không có một cọng rác ở đây. Cũng không có nạn vẽ bậy trên tường. Không có hàng quán buôn bán lặt vặt gì hết. Cũng không có toilet, nên nếu bạn “yếu thận” thì nhớ tìm nơi giải quyết trước khi đi xe.

Chờ chưa tới 5 phút thì xe đã đến. Hành khách lên xuống xe rất trật tự. Lúc này là giờ đi làm nên cũng khá đông khách. Họ yên lặng, nghiêm trang ít nói cười. Phụ nữ Thái ăn mặc khá thời trang. Nam giới cũng vậy. Người Thái ngày nay hình như trắng hơi hồi xưa. Hoặc là dân thành phố Bangkok ít lao động, không ra nắng, nên không đen như những người ở nông thôn hay các cô gái đi với mấy ông Tây ở Pattaya. Theo tôi nhận xét, những người đi xe điện hôm nay đều thuộc lớp trẻ. Họ có thể là công chức, hay nhân viên văn phòng đi làm buổi sáng. Không thấy người bình dân lam lũ trên xe. Cũng không có người bán hoa dạo hay đàn hát xin tiền như ở các nước Pháp, Ý bên Âu Châu. Nhìn cách sinh hoạt của người dân Bangkok trên xe điện tôi rất thán phục cho sự văn minh tiến bộ của họ.

Từ khách sạn đến nhà ga Hualamphong phải đi hơn 10 trạm xe điện. Thời gian đi vào khoảng hơn nửa giờ thì tới. Ra khỏi trạm, mấy tay “cò” tuk tuk đã chờ sẵn và gạ gẫm, mời mọc. Nhưng chúng tôi không trả lời và có lẽ bộ dạng chúng tôi giống người địa phương nên họ không đi theo. Ði bộ chừng 100 mét, chúng tôi mới vẫy taxi để tiếp tục đi tới chùa Wat Pho. Ðoạn đường từ nhà ga tới chùa đi ngang qua khu China Town (Phố Tàu) Bangkok. Khu này ngoài những cửa hàng làm về cơ khí, còn có nhiều tiệm vàng, nhà hàng, tiệm bán bánh bao, vịt quay, thịt quay, tiệm bán trái cây... Tôi thấy bảng quảng cáo và sinh hoạt ở đây cũng nhộn nhịp nhưng coi bộ không hấp dẫn gì lắm nên chương trình trước đây tôi dự định sẽ tới chơi vào buổi tối hôm nay sẽ bị hủy bỏ mà đi chơi nơi khác. Ðoạn đường còn lại cũng gần nên chỉ 15 phút sau, chúng tôi đã tới Wat Pho. Tiền taxi là 50 baht (1.5.đô la).

Wat Pho (Chùa Phật Nằm):

Chùa được xây dựng từ năm 1788 và nằm ở phía Nam Ðại Hoàng Cung. Ðây là ngôi chùa xưa nhứt và lớn nhứt Bangkok và do hoàng gia xây cất và bảo trì. Nơi đây ngày xưa được coi như trường đại học đầu tiên của Thái Lan. Ngày nay ở đây còn dạy môn... đấm bóp theo truyền thống Thái. Chúng tôi mua vé hết 100 baht mỗi người để vào xem. Bên tay trái cổng vào có văn phòng để bạn thuê người hướng dẫn. Bên phải là ngôi chùa có tượng Phật Nằm. Tượng nầy rất vĩ đại vì nó dài 46 mét (gần bằng phân nửa sân đá banh) và cao 15 mét. Tượng làm bằng xi măng bên trong nhưng dát vàng bên ngoài nên trông rất lấp lánh. Một vài nơi trên thân tượng đã bị hư hỏng và đang được sửa chữa. Bàn chân đức Phật dài 3 mét và được cẩn xà cừ 108 dấu ấn tốt của người. Phía sau tượng là 108 bình bát. Du khách và tín đồ hay bỏ vào mỗi bình một đồng xu để cầu phước. Tượng đặt nằm trong một chùa nhỏ để được che mưa nắng. Nhưng căn nhà nầy hơi chật chội nên rất khó chụp hình để thấy được toàn bộ bức tượng.

Trong sân chùa có những hòn non bộ và gần 100 bảo tháp (chedi hay stupa). Trong số đó có bốn tháp rất lớn. Mỗi tháp lớn nầy cao ít nhứt cũng vài chục mét. Tháp được trang trí bằng cách gắn những mảnh sành sứ nhiều màu sắc. Ba bảo tháp trong số đó chứa tro cốt của ba nhà vua đầu tiên của triều đại Chakri. Tháp thứ tư chứa tro cốt đức Phật đem về từ Cố Ðô Ayutthaya.

Có một bức tường trên đó có những hình vẽ những vị trí trên có thể con người. Hình vẽ đó giống như một cuốn sách dạy về nghệ thuật đấm bóp. Nó chỉ những chỗ nào trên có thể mà người ta có thể nhấn vào đó và tạo cảm giác thư giãn.

Vòng theo các bức tường trong khuôn viên chùa có rất nhiều tượng Phật làm bằng đồng. Mỗi tượng cao chừng hai mét đặt vòng vòng liên tiếp nhau. Số lượng tượng Phật quá nhiều hầu nên không đếm xuể. Sau này vào trong khuôn viên chánh điện lại có nhiều tượng Phật như vậy nữa. Dưới các tượng Phật là tro cốt của tín đồ. Theo nhiều tài liệu đọc được thì ở chùa này có tới 1.000 tượng Phật như vậy. Do đó Wat Pho có thể coi như là chùa lớn nhứt ở Bangkok.

Chúng tôi vòng ra phía Tây. Ở đó có một cổng vào chùa khác. Hai bên cổng vào có tượng làm bằng xi măng, mặt tượng giống như các vị Hộ Pháp trong các chùa người Hoa. Trong khuôn viên chùa Thái mà có tượng giống người Hoa cũng là một sự lạ!!!.

Chánh điện là một ngôi chùa rất lớn nằm trong một khuôn viên bao bọc bởi tường thành và 4 chùa nhỏ ở bốn hướng. Mỗi chùa đều có những bức tượng Phật to lớn. Có chùa thờ Phật ngồi, có chùa thờ tượng Phật đứng. Bốn chùa nầy gọi là bốn Vihaan. Vào chánh điện thì phải để giày dép bên ngoài và khi vào trong thì du khách nên ngồi bệt trên sàn nhà chớ không nên đứng. Chúng tôi cũng theo đoàn du khách để vào trong. Trên cao, tượng Phật làm bằng đồng được đánh bóng rất đẹp trông như dát vàng. Nhưng mà hôm nay trời hơi nóng nên dù có quạt máy quạt vù vù mà ngồi trong chánh điện chùa Wat Pho cũng ra mồ hôi nên chúng tôi “rút lui” sớm. Tôi có ý kiếm chỗ dạy đấm bóp để coi họ thực tập như thế nào mà không thấy nên tìm đường thối lui ra cổng chánh.

Trên đường ra, chúng tôi thấy hàng đoàn du khách còn đang tiếp tục vào thăm chùa. Một đoàn học sinh tiểu học Thái cũng được các cô giáo đưa vào đây tham quan. Wat Pho là một nơi đẹp đẽ và nhiều ấn tượng không thể thiếu trong chương trình thăm viếng Bangkok.

Ðường qua Bảo Tàng Quốc Gia:

Sau khi thăm chùa Wat Pho và uống một trái dừa giải khát hết 20 baht ở trước cổng chùa, chúng tôi đi bộ với ý định qua thăm Viện Bảo Tàng Quốc Gia Thái cách đó chừng 2 km. Ở khu vực này xe cộ đông đảo nên nếu đi xe cũng khá lâu mới tới. Ði bộ thì cũng không xa lắm nhưng trời nóng nên khá mệt. Thêm vào đó đám cò tuk tuk hay tới chào mời làm cho mình bực mình. Ði gần nửa tiếng mới tới Viện Bảo Tàng. Tới nơi thì thấy ở đó... đóng cửa. Bạn nghỉ coi có tức và muốn nổi quạu hay không?

Bây giờ đã gần 12 giờ trưa. Trời nóng quá chừng. Muốn vào thăm Bảo Tàng với hy vọng ở đó có máy lạnh cho mát một chút mà vì thiếu nghiên cứu nên chỗ này đóng cửa. Thiệt tức mình... muốn chết.

Kêu một chiếc taxi, chúng tôi quay trở lại khu chợ ở trước Hoàng Cung với ý định mua vài món trái cây để ăn chơi. Vì kẹt xe nên xe ngừng hơi sớm và chúng tôi đi lạc vào một chợ... bùa.

Chợ bùa Bangkok

Ngôi chợ này nằm ngay trước Ðại Hoàng Cung ở Bangkok gần bờ sông Chao Phraya. Trong chợ quầy nào cũng bán đủ thứ bùa. Và họ chỉ bán bùa mà thôi chớ không bán thứ gì khác. Có loại bùa làm bằng gỗ, có loại làm bằng kim loại, có loại làm bằng đá quý hay vàng bạc. Hai bên vỉa hè cũng có những quày bán bùa cho người bình dân. Tôi không tin vào bùa ngải, nhưng thấy người ta vào chợ mua cũng đông chứng tỏ họ tin tưởng vào uy lực của các loại bùa bán ở đây. Sau này về Mỹ, tôi tìm hiểu thêm về bùa Thái như sau:

Người Thái, nhất là thanh niên, thường có thói quen xâm mình và đeo bùa. Họ tin rằng nếu đeo tượng Phật hay tượng những vị sư ở cổ sẽ đem lại cho họ may mắn và an toàn. Vua Rama V cũng được tin là linh thiêng và người ta cũng làm bùa với hình của nhà vua này. Người Thái đeo bùa với cầu mong không bị nguy hiểm, không bị bịnh tật bị xui xẻo hay tai nạn. Bùa Thái cũng sẽ giúp họ giàu có, được nhiều người yêu mến và thành công trong kinh doanh. Loại bùa thông dụng nhứt là tượng Phật hay tượng các vị sư được làm bằng kim loại, hay điêu khắc trên ngà voi, gỗ hay các vật liệu khác. Bùa giúp cho người đeo nó được nhiều người khác yêu mến có tên là “pit ta ha lap”. Ðó là tượng một người có hai tay đang che mặt. Kích thước bùa thường thay đổi trong khoảng 3cm-4cm nhưng cũng có thể nhỏ từ 0,5 cm hay lớn cỡ 10 cm. Mặt sau của bùa có khắc chữ hay những hình ảnh mà người Thái tin rằng chúng sẽ đem lại giá trị cho lá bùa đó. Giá cả một miếng bùa có thể thay đổi từ vài đô la đến 100,000 đô la tùy thuộc vào vị sư và sự linh thiêng của nó. Chưa chắc bùa càng xưa thì càng quý mà còn tùy vào sức mạnh của bùa. Vì có giá như vậy nên ngày nay có nhiều người đã làm bùa giả để bán. Người Thái ở nước ngoài như Singapore, Mã Lai, Hong Kong, Mỹ... cũng tin vào bùa và có website để mua bán. Bùa Thái do các chùa làm ra nên đã được làm phép. Sau này người mua không nên làm phép ở bất cứ nơi nào khác, nếu không sẽ mất linh thiêng.

Ngày xưa bùa được các nhà sư trong chùa tặng không cho tín đồ. Sau này nhiều người tin quá nên mới có chợ bùa. Ðó là chợ ở ngay trước Hoàng Cung Thái Lan sát bờ sông Chao Phaya mà chúng tôi đi lạc vào hôm nay. Không biết bùa ở đây có linh thiêng hay không nhưng thấy hàng quán cũng nhiều và ngay cả các nhà sư trẻ cũng đến mua thì thương vụ về ngành nầy cũng phát triển. Ði chợ này, bạn có thể tìm được những loại bùa khác, không chính thống như đã nói trên đây, mà có thể hơi huyền hoặc, khác thường như một hòn đá, một hạt cây, răng cọp, nanh heo rừng... Một loại bùa khác là những chữ Khmer gọi là mantra viết vào giây quấn lại bỏ vào trong ống nhỏ. Họ còn có tạp chí để bàn về chuyện bùa, về những linh thiêng mà người mang bùa có được cũng như cách phân biệt bùa thật, bùa giả.

Có bùa rồi thì phải biết cách gìn giữ và bảo vệ chớ không phải để lung tung hay cho người lạ sờ mó vào. Bà hướng dẫn ở Ðại Hoàng Cung hôm mới tới có khoe với chúng tôi những miếng ngọc mà bà đeo trên cổ và nói đó là bùa của bà. Vương Lão Tiên Sinh tò mò tính rờ thử vào bùa của bà ta thì bả cũng nhanh tay bỏ bùa vào trong áo liền và nói không được đụng vào bùa của bà, sợ mất thiêng.

Nói chuyện bùa tôi nhớ lại khi tôi còn nhỏ, ba tôi hay đi chùa để thỉnh “niệt”. Ðó là một sợi dây bằng chỉ ngũ sắc se lại làm thành vòng để đeo vào cổ. Cứ vài tháng, khi sợi dây này bay màu thì ba tôi lại lên chùa thỉnh sợi khác để đeo tiếp. Mãi tới khi lên trung học mới hết đeo “niệt”. Ông ngoại tôi còn lấy sọ dừa cắt ở chỗ có 3 cái lỗ để làm thành một miếng hình tròn có ba lỗ đường kính chừng 4cm. Ðó là bùa cho chúng tôi để trừ tà ma, tật bệnh. Người Việt hồi xưa cũng tin vào những việc như vậy. Ngày nay chắc không ai còn đeo niệt hay những miếng sọ dừa như trên nữa.

Trái cây Thái Lan ăn hoài không chán

Ði Thái có một điều mà chúng tôi thích nhứt: đó là được ăn trái cây nhiệt đới rất ngon. Sau khi ra khỏi chợ bùa, chúng tôi đi về phái Nam chừng 50 mét là tới chợ bán thực phẩm và trái cây. Ðây là khu chợ chúng tôi đã mua trái cây mấy hôm trước khi đi thăm Ðại Hoàng Cung. Bà xã tôi mua 1 kg quít chỉ có 25 baht và 1 kg chôm chôm hết 100 baht. Những trái quít này thật ngọt và có mùi thơm khác hẳn quít mua ở Mỹ. Còn chôm chôm thì cũng ngon nhưng bị bà bán hàng “ma giáo”. Bả để chôm chôm đẹp ở phía ngoài, những trái hư ở bên trong. Khi mua mình không để ý, nên bà ta bốc nhiều trái xấu ăn không được. Do đó khoảng 1/3 trái chôm chôm bị hư phải bỏ đi. Chỉ có những trái còn tươi thì ngon ngọt không chỗ chê.

Mua trái cây xong, chúng tôi trở về khách sạn nghỉ ngơi. Dọc đường còn mua thêm hai nải chuối sứ rất ngon mà giá chỉ có 20 baht. Gần 4 giờ chiều mới khởi hành tiếp chương trình buổi chiều.

Thăm tòa nhà cao nhứt Bangkok

Chiều nay chúng tôi đi xe điện ra trạm Prethburi sau đó kêu taxi đến thăm ngọn tháp cao nhứt Bangkok. Nói với ông tài xế là Baiyoke thì ông ta không biết ở đâu. Hai lần như vậy thì cũng nản rồi. Tới ông taxi thứ ba tuy già mà giỏi. Ông biết liền và chở chúng tôi tới đúng nơi mong muốn mà tiền xe cũng rẻ chỉ có 50 baht. Rút kinh nghiệm, muốn đi Baiyoke thì bạn hãy nói đi Pratunam (ở gần đó, đi bộ thì tới). Ðịa danh Pratunam thông dụng hơn và tài xế taxi nào cũng biết.

Tới nơi chúng tôi thấy ở khu này buôn bán sầm uất quá xá. Người ta buôn bán tràn ra lề đường. Hàng hóa như dưới đất chun lên, nhiều vô số kể. Tiệm nào cũng đầy hàng. Ðồ da, quần áo, giày dép, băng dĩa video... ì xèo. Khách mua hàng cũng đông. Không khí buôn bán ở đây thật vui vẻ, hào hứng. Nhưng đầu tiên phải kiếm đường lên tháp coi cảnh đã chớ.

Nhìn quanh quẩn, chúng tôi thấy có hai tòa tháp cũng tên Baiyoke, một thấp một cao. Dĩ nhiên là sẽ thăm viếng tháp cao. Ðó là tháp số II. Bên dưới tháp người ta cũng buôn bán lung tung không có vẻ gì sang trọng hết nên mình cũng hơi ngần ngại không biết có phải nơi đây hay không!

Hỏi một cô gái đang đứng gần cầu thang. Cô ấy nói đúng rồi và chỉ chỗ mua vé. Bà xã mua hai vé hết 800 baht. Mắc quá so với vật giá ở đây. Tôi nhớ lúc trước khi đi, đọc Internet thì thấy người ta nói vé lên lầu thượng của tháp nầy chỉ có 120 baht. Chắc website đó đã lâu không cập nhựt cho kịp với giá mới. Hiện giờ mỗi người phải tốn 400 baht tức là 13 đô la để tham quan.

Thang máy đưa chúng tôi lên tầng 77. Tầng này là tầng ngắm cảnh. Ở đây có ống dòm để nhìn xa nhưng phải bỏ tiền vô. Có mấy người Ðại Hàn đang chụp hình kỷ niệm. Hôm nay trời quang mây tạnh nên cảnh bên dưới thật đẹp. Ở phía Tây Nam, chúng tôi có thể nhìn thấy xa tận Hoàng Cung và sông Chao Phraya. Gần hơn là những cao ốc của khu Siam Square. Những chiếc xe Skytrain chạy trên cao làm cho phong cảnh thêm sinh động và có vẻ hiện đại. Nhìn ra phía đông nam là rất nhiều cao ốc. Ðó là những khách sạn, văn phòng... Phía dưới đường sá rộng rãi mà xe lại kẹt cứng. Ở phía Ðông Bắc cảnh trí có thể nói là đẹp nhứt vì ở đây có nhiều xa lộ giao nhau uốn lượn nhiều tầng. Tôi ở Mỹ nên chuyện nhìn thấy giao lộ nhiều tầng cũng thường nhưng cảnh tượng ở đây thật đẹp nhờ nhìn từ trên cao và ngay trong thành phố. Phía Tây Bắc ít cao ốc hơn nhưng ở đó lại có quảng trường Chiến Thắng (Victory Monument). Quảng trường khá lớn nên từ đây nhìn xuống cũng rõ.

Thành phố Bangkok nhìn từ trên cao trông khá tiến bộ. Tuy vậy cũng còn khá nhiều ngôi nhà cũ, nhưng khu xóm lao động không được chăm xóc sửa sang. Bangkok vẫn còn nhiều vấn đề để giải quyết nhứt là vấn đề gia cư và giao thông.

Mặt bằng của tầng 77 không lớn lắm, mỗi cạnh vuông vức chừng 30 mét là cùng. Do đó chỉ cần 5 phút là đi hết một vòng. Còn nếu vừa đi vừa ngắm cảnh thì cũng chỉ 15 phút mà thôi. Vé mà tôi mua còn được uống nước nữa cho nên chúng tôi tiếp tục đi thang máy lên tầng 83. Ở đó có một quán nước. Chúng tôi đưa vé cho người phục vụ thì được đãi hai ly nước trái cây thật ngon. Ngoài ra, họ còn cho mình một gói bắp rang để vừa nhâm nhi vừa ngắm cảnh.

Chưa hết, sau khi uống nước xong, chúng tôi tiếp tục leo bộ lên tầng 84. Bên ngoài tầng này có một sàn kim loại hình vành khăn. Sàn này có thể quay vòng tròn 360 độ để du khách có thể chỉ cần đứng yên mà xem đủ cảnh bên dưới. Một vòng quay chỉ có 5 phút. Ðứng ở tầng nầy nghe gió thổi vù vù thì cũng hơi... chóng mặt.

Xem chơi trên đỉnh tháp Baiyoke cho biết. Sau đó chúng tôi sắp hàng đi thang máy trở xuống mặt đất để đi mua sắm. Khu bán hàng ở đây coi bộ hấp dẫn lắm và đang chờ đón chúng tôi ở bên dưới. Nhưng để tổng kết, hãy nhắc lại vài số liệu của tòa tháp cao nhứt Ðông Nam Á Baiyoke.

Một vài số liệu về tháp Baiyoke II ở Bangkok

Tháp cao 304 mét (tương đường 182 người đứng chồng lên nhau - nếu kể cả cột ăng ten thì sẽ cao 328 mét). Ðây là tháp cao nhứt Thái Lan và Ðông Nam Á (nhưng so với các công trình cao khác trên thế giới thì tòa nhà nầy hạng thứ... ba mươi mấy). Tháp được xây dựng bằng vật liệu bê tông cốt thép cường độ cao nên có danh dự là kết cấu cao nhứt thế giới về loại nầy. Tháp có 85 tầng nổi và 3 tầng hầm. Tổng diện tích sử dụng là 179,000 mét vuông tương đương 30 sân đá banh.

Các phòng khách sạn là từ tầng 22-74. Tầng 77 là dùng làm nơi ngắm cảnh. Tầng 83 là nơi ngồi uống nước. Tầng 84 có một sàn di động 360 độ ở ngoài trời để du khách có thể ngắm cảnh thủ đô Bangkok. Một vòng quay là 5 phút. Có 2.060 bậc thang từ đáy lên đỉnh. Muốn dùng bậc thang để lên đỉnh thì tốn hơn 1 giờ.

Móng của tòa nhà đặt trên những cây cừ đóng sâu 60 mét vào lòng đất (tương đương 22 tầng lầu).

Công cuộc xây cất bắt đầu năm 1990 và đã hoàn tất năm 1997, còn cột ăng ten được dựng thêm năm 1999.

Giá tiền phòng khách sạn ở đây không mắc: chỉ khoảng 100 đô la một đêm. Có người thích ở đây nhưng cũng có người không thích và chê là tuy phòng rộng mà cách phục vụ không tốt.

Pratunam và khu vực lân cận

Rời tòa nhà cao nhứt Bangkok, chúng tôi len lỏi vào một khu vực buôn bán sầm uất ở lân cận. Ở đây hàng hóa nhiều vô kể. Hàng trong cửa tiệm, hàng ngoài lề đường, hàng trong ngõ hẻm. Ở đây có đủ loại từ hàng da, giày dép... đến quần áo, bóp xách tay, đồ kỷ niệm, DVD sao chép lậu... Chất lượng hàng hóa theo tôi thấy chỉ thuộc loại trung bình nên giá cả cũng “mềm”. Do đó khách đi mua hàng cũng đông từ giới bình dân cho tới người du lịch muốn mua đồ rẻ. Người bán hàng đa số biết nói tiếng Anh đủ để giao dịch. Ði mua hàng ở đây thì bạn phải biết trả giá vì khu này giống như chợ trời nghĩa là thuận mua vừa bán. Trả giá là phải mua, mua rồi thì không được trả lại. Những người bán hàng ở đây ăn nói cũng khéo léo và việc chi trả cũng dễ dàng: tiền baht cũng lấy mà tiền đô cũng không chê.

Ngoài hàng hóa, việc ăn uống cũng nhộn nhịp không kém. Có rất nhiều nhà hàng bình dân ở đây. Trên lề đường bụi bậm còn có rất nhiều xe đẩy. Họ bán hủ tiếu, cơm... Họ bán thịt nướng, cá chiên... Giá cả thì rẻ khỏi chê, mỗi món chừng 25 tới 30 baht (1 tới 1.5 đô la). Mùi thực phẩm bốc lên thơm phức nhưng có lẽ sự vệ sinh không được bảo đảm cho lắm. Tuy nhiên, đông đảo dân Bangkok vẫn ngồi bên vệ đường ăn uống tự nhiên. Chỉ có những du khách như chúng tôi thì hơi ngán. Tuy thấy hấp dẫn và cũng muốn vào thưởng thức lắm mà sợ bị đau bụng, tiêu chảy.

Ði len lỏi xem người ta mua bán giữa các hàng quán ở Pratunam là một kỷ niệm khó quên trong chuyến du lịch của chúng tôi.

Ðấm bóp ở Pratunam

Chúng tôi vào thương xá Pratunam với mục đích tìm một nơi có máy lạnh cho khỏe đôi chút vì ngoài trời nóng quá. Vào trong thì thấy nơi đây có tới 6 tầng lầu với rất nhiều cửa hàng bán đủ loại hàng hóa như ở bên ngoài. Ði lang thang từ chiều tới giờ đã mỏi chân. Thấy có một tiệm đấm bóp kia quảng cáo massage chân với giá 99 baht. Rẻ quá nên chúng tôi ngồi cho mấy em bóp. Mấy em ở đây làm ăn cũng đàng hoàng và bóp chân có bài bản nên rất đã. Tuy nhiên, khăn dùng trong dịch vụ này có màu vàng nghệ coi bộ mất vệ sinh quá. Còn lotion thì không biết có sạch sẽ hay không. Tối đó về nhà, khi đi tắm, tôi đã phải dùng xà bông để rửa chân hai ba lần vì cảm thấy còn... dơ hoài.

Ðáng lý ra sau khi đi chơi ở Pratunam thì chúng tôi sẽ tiếp tục xuống khu Khao San để coi dân Tây ba lô và sinh hoạt đầy vui vẻ ở đó nhưng bà xã than mệt và nói là xa quá nên đành kêu taxi về khách sạn tắm rửa, nghỉ ngơi chấm dứt một ngày du ngoạn cũng khá hào hứng ở Bangkok. 

Minh Tâm

Cùng một tác giả đã xuất bản ký sự du lịch Á Châu Quyến Rũ gồm 2 tập: Tập 1: Ðài Loan, Nhựt Bản, Hồng Kông, Mã Lai, Singapore... Tập 2: Trung Quốc, Campuchia, Ðại Hàn, Thái Lan... Ấn phí và cước phí mỗi tập 15 USD. Muốn được gởi sách về tận nhà bằng bưu điện, xin gởi check về:

Tam Tu

17634 Fonthill Ave

Torrance, CA90504

(310)523-1857

Email: minhtam_08@yahoo.com

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art