Thứ Năm, 02 Tháng Tám, 2012

Sông nước Venice

Sông nước Venice


Tháp đồng hồ ở Công Trường San Marco.

 

Thành phố Venice đi lại bằng thuyền.

Thánh đường St. Mark được xây năm 1063.

 

Cầu cổ Rialto bắc qua Grand Canal.

 

Bến thuyền Gondola.

Venice (tiếng Ý gọi là Venézia) thường được biết đến là thành phố nhiều kinh đào, là thành phố duy nhất trên thế giới không có xe hơi, mọi sự lưu thông đi lại đều dùng thuyền hay đi bộ. Venice nằm trên một đảo nhỏ trong vùng đầm cạn Venetian Lagoon thuộc biển Adriatic ở vùng Ðông Bắc nước Ý Ðại Lợi (Italy), dân số theo thống kê năm 2004 là 271,251 người nếu kể luôn thành phố lân cận Padova thì vùng đô thị Padova-Venezia có dân số 1.6 triệu người. Hiện Venice là điểm du lịch nổi tiếng thế giới, năm 1987 UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại.

Ngày 7 tháng Năm 2008 đoàn du lịch chúng tôi rời thành phố Lucerne trên đất Thụy Sĩ đi về hướng Nam, qua đường hầm 17 km dài nhất Âu Châu để sang nước Ý Ðại Lợi. Dừng ăn trưa ở Milan thành phố lớn thứ nhì ở Ý nổi tiếng về thời trang, sau đó xe rẽ về hướng Ðông để đến Venice. Ðoạn đường này qua vùng miền Bắc nước Ý đất đai khô khan vì mưa ít, dân chúng trồng nho để làm rượu và cây olive để lấy dầu. Nhà cửa ở đây nho nhỏ xây cất gần nhau, tường tô xi măng xám, mái lợp ngói đỏ và khoảng hai giờ sau là chúng tôi đến Mestre, thành phố nằm trong đất liền nối với đảo Venice ở phía Nam bằng một đường đê dài.

Venice là một thành phố nhỏ nằm trên hòn đảo cách bờ khoảng 2 miles có con đường đê nối vào đất liền được xây vào thế kỷ 19 hiện là đường cho xe hơi và xe điện lưu thông. Trên đảo nhà cửa cổ xưa tường vàng ngói đỏ đa số là nhà lầu xây cất chi chít với khoảng 150 con kinh đào len lỏi trong các khu phố như bàn cờ. Những con kinh đào này đã cắt hòn đảo Venice thành 118 đảo nhỏ, chúng nối với nhau bằng 400 cái cầu. Trong thành phố người ta di chuyển bằng thuyền hoặc đi bộ trong các con hẻm, đây là một thành phố hoàn toàn không dựa vào xe hơi và xe điện. Ngày xưa loại thuyền gỗ dùng để lưu thông qua lại ở Venice là chiếc thuyền Gondola. Ngày nay thuyền cổ điển Gondola chỉ dùng để chuyên chở du khách hay cho đám cưới, đám tang và các dịp lễ lộc, liên hoan khác. Người dân Venice đi lại bằng những chiếc tàu máy chở hàng trăm người gọi là Waterbus (tiếng Ý gọi là Vaporetto). Thuyền cổ điển Gondola đóng bằng gỗ sơn đen có kiểu dáng khá dài nhưng khó lật vì đáy thuyền có dạng cong như con lật đật, tròng trành nhưng không bao giờ lật úp. Thuyền Gondola không được gắn máy chỉ chèo, người chèo thuyền phải qua một kỳ thi lấy bằng để chuyên chở du khách và hiện nay họ mặc đống phục là những chiếc áo sọc xanh đậm. Vì không có đất nên trong quần đảo thành phố rất ít cây cối, bông hoa được trồng trong chậu và người chết phải đem chôn ở trong đất liền. Khách sạn trên đảo cũng có nhưng rất đắt tiền, đa số các khách sạn đều ở đất liền trong thành phố Mestre nơi có phi trường quốc tế Marco Polo (Aeroporto di Venezia Marco Polo) lấy tên nhà hàng hải sinh trưởng tại đây. Marco Polo là người tiền phong khai sáng con Ðường Tơ Lụa (Silk Road) buôn bán với người Trung Hoa. Phi trường có được cũng do lấp đất lấn biển và ngày nay ở Venice người ta cũng tiếp tục lấn biển để nới rộng thành phố du lịch này.

Lịch sử thành phố Venice

Người ta không hiểu tại sao thành phố lại được xây ngoài biển? Hiện nay chưa tìm thấy di chỉ bút tích nào ghi lại lai lịch đầu tiên hình thành Venice nhưng vài sử gia căn cứ vào sự kiện lịch sử cho rằng những người dân đầu tiên đến Venice là nhóm người tỵ nạn từ các thành phố thuộc đế quốc La Mã như Padua, Aquileia, Altino v.v... chạy lánh nạn khi làn sóng quân người Ðức sang xâm lăng La Mã (khoảng cuối thế kỷ 5). Ðể được an toàn họ phải kéo nhau ra vùng biển cạn lấp đất xây nhà. Họ đã dùng gỗ để làm cừ đóng xuống đầm (giúp ngôi nhà bên trên khỏi bị nghiêng, lún), sau đó xây nền móng bên trên và cất nhà bằng gạch. Từ thế kỷ 9 đến 12 Venice phát triển và trở thành một “thành phố quốc gia” (city state) là địa điểm giao thương trọng yếu nối vùng Tây Âu với thế giới bên ngoài đặc biệt là những nước Hồi Giáo Ðông Phương. Nước Cộng Hòa Venice trước năm 1200 đã từng cai trị nguyên một vùng phía Ðông bờ biển Adriatic và kẻ thù của họ là những nhóm hải tặc. Venice trở nên đế quốc hùng mạnh sau cuộc Thập Tự Chinh Lần Thứ Tư (Fourth Crusade) chiếm đóng thành Constantinople (hiện nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1204 để thành lập Ðế Quốc La Tinh (Latin Empire). Cuối thế kỷ 13, Venice là thành phố giàu có phồn thịnh nhất Âu Châu có thời sở hữu đến 3,300 chiếc tàu với hơn 36,000 thủy thủ. Cộng Hòa Venice không có vua hay lãnh chúa mà được điều khiển bởi một Hội Ðồng Tối Cao (Great Council) có nhiệm vụ bổ nhiệm các quan chức lo việc công và bầu chọn một Quốc Hội có từ 200 đến 300 đại biểu. Cơ chế chánh quyền Venice thời đó gần giống như chế độ cộng hòa trong thời kỳ cổ La Mã.

Cộng Hòa Venice bắt đầu suy vong từ khi gởi quân sang giúp nước Byzantine ở Constantinople để chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1453. Sau khi thành Constantinople thất thủ vào tay Tướng Thổ Sultan Mehmet II, quân Thổ tuyên chiến với Venice. Trận chiến dằng dai hơn 30 năm khiến Venice tốn hao tiền bạc và nhân lực thêm vào đó Tây Ban Nha khám phá ra Thế Giới Mới là Châu Mỹ, Bồ Ðào Nha tìm được đường biển sang Ấn Ðộ. Pháp, Anh, Hòa Lan theo chân Bồ giao thương với Châu Á khiến Venice mất hẳn đi vai trò thương cảng quốc tế độc quyền ở Âu Châu. Tệ hại hơn nữa là năm 1630 một trận dịch hạch đã giết đi một phần ba dân số Venice lúc đó là 150,000 người! Từ đó Venice suy tàn, có những lúc thành phố tan hoang xơ xác không người ở! Năm 1797 chấm dứt 1,070 là một quốc gia độc lập khi Napoleon Bonaparte kéo quân sang chiếm đóng Venice và ông ta ký hiệp ước Campo Formio giao thành phố này cho nước Áo. Ðến năm 1805 bằng hiệp ước Pressburg, Venice trở thành một phần của Vương Quốc Ý do Napoleon cai trị. Năm 1814 Napoleon thất trận trên khắp Âu Châu, Venice rơi trở lại vào tay Áo quốc và năm 1866 sau trận chiến 7 tuần lễ, Venice và toàn lãnh thổ Venetia trở thành một tỉnh của nước Ý Ðại Lợi.

Xe buýt chở đoàn du lịch chúng tôi đi qua con đê dài vừa đến đảo Venice lúc 4 giờ chiều thì đậu vào bãi đậu xe nơi Công Trường Roma (Piazzale Roma) ở đầu phía Tây thành phố gần ga xe điện. Chúng tôi có 3 tiếng đồng hồ tự do rong ruổi trong thành phố còn những ai muốn tháp tùng cuộc du ngoạn có hướng dẫn thì trả tiền thêm (Optional Tour giá 102 USD) do ông Luigi Saba đưa đi. Trong Optinal Tour sẽ ngồi thuyền cổ điển Gondola, khách sẽ được thưởng thức những bản tình ca do những anh chàng đứng hát trên thuyền. Thuyền đi trên Canal Grande sẽ ghé qua cây cầu lịch sử Rialto, nơi đây khách sẽ vào quán nước để uống một ly rượu vang và được trao tặng một hoa hồng đỏ. Chương trình Optional Tour giá cao lại gò bó không cho phép la cà khám phá những nơi mình thích nên tôi đi riêng cùng với 6 người khác. Ðầu tiên mua một bản đồ sau đó chúng tôi đến bến tàu buýt (Water Bus) ngay cạnh Công Trường Roma. Hãng khai thác tàu buýt hiện nay là ACTV (Azienda Consorzio Trasporti Veneziano) có đường tàu chạy trên Grand Canal là con kinh lớn hình chữ S nằm giữa thành phố. Chúng tôi mua vé từ Công Trường Roma đến Công Trường San Marco với giá vé 6 Euro (bằng 9 USD) cho một bận đi (hãng tàu có vé khứ hồi cũng như vé một ngày hay tuần tiết kiệm hơn). Thật ra Venice không lớn, du khách cầm bản đồ có thể đi bộ nhưng vì muốn biết cảm giác đi tàu thuyền trên sông nước Venice. Tàu đò ACTV cũng có ghế ngồi nhưng không nhiều và ghé rất nhiều trạm, mỗi trạm chỉ cách nhau vài trăm thước. Quan sát trên tàu tôi thấy đa số là khách người Ý từ các tỉnh xa đến chơi Venice còn người ngoại quốc không thấy chỉ có chúng tôi, có lẽ vì họ không rành việc đi tàu buýt này. Thật ra đi tàu buýt ở đây rất dễ, tên mỗi bến trạm đều viết rõ ràng. Dáng dấp người Ý cũng dễ nhận ra vì họ cao nhưng người thon thả, làn da hơi sậm chứ không trắng, có lẽ gần giống với người Mễ Tây Cơ hơn. Tàu đò chạy chầm chậm trên Grand Canal ngang qua những ngôi nhà cổ, những di tích lịch sử là cơ hội để tôi thu vào ống kính máy ảnh. Gió biển thổi vào lại khí hậu đầu Tháng Năm Mùa Xuân mát mẻ sảng khoái vô cùng. Chạy vài trăm mét là tàu đò cập vào bến trạm để cho hành khách lên xuống. Các bến tàu nằm cả hai bên bờ kinh, thường một bến ở bờ bên này thì bến kế là bờ bên kia. Trên tàu có vẽ tuyến thủy trình tàu chạy với tên các bến và thời gian từ bến đầu tiên là Công Trường Roma đến bến mình muốn tới. Tàu chạy khoảng 40 phút và đã ghé qua 6, 7 trạm thì đến Công Trường San Marco (St. Mark's Square).

Công trường San Marco (St. Mark's square)

Ðây là công trường lớn nhất được xem là trung tâm Venice với tháp đồng hồ xây bằng gạch đỏ. Ở công trường tập trung rất nhiều du khách, nhiếp ảnh gia, họa sĩ và chim bồ câu. Công trường có từ thế kỷ 9 lúc đó chỉ là một khoảng sân nhỏ trước nhà thờ chính tòa (Basilica) St. Mark. Công trường được nới rộng vào năm 1177 cho cuộc gặp gỡ giữa Giáo Hoàng Alexander III và Hoàng Ðế Frederick Barbarossa. Qua nhiều thời đại, công trường San Marco luôn được xem là trung tâm của Venice, những cơ sở quan trọng của tỉnh bang Venetian đều tọa lạc tại đây cũng như tòa Giám Mục đã có từ thế kỷ 19. Nhiều lễ hội cũng được tổ chức hàng năm tại đây và ngày nay là một địa điểm quen thuộc với người dân Ý.

Ở Công Trường San Marco, ngược chiều kim đồng hồ nhìn từ Kênh Lớn có các kiến trúc sau đây: Doge's Palace, nhà thờ St. Mark, tháp đồng hồ, Procuratie Vecchie, Procuratie Nuove và St. Mark's Campanile. Ngày nay tầng dưới của các tòa nhà Procuratie là những quán cà phê. Trong thời kỳ Napoléon chiếm Venice vào năm 1797, ông ta đã biến Procuratie Nuove thành hoàng cung. Nhiều nơi trên thế giới đã bắt chước lấy kiểu công trường San Marco trong số đó có kiến trúc sư Minoru Yamasaki đã lấy kiểu công trường San Marco để thiết kế cho công trường rộng 5 mẫu Austin J. Tobin tọa lạc giữa World Trade Center ở thành phố New York (đã bị phá hủy trong biến cố 11 Tháng 9, 2001).

Từ bến tàu đò lên Công Trường San Marco hai bên đường phố có nhiều hàng quán bán đồ lưu niệm, đặc biệt là những mặt nạ dùng trong lễ hội hóa trang truyền thống hàng năm tổ chức tại Venice trước ngày lễ Phục Sinh. Chúng tôi dạo chơi ở Công Trường thấy người ta xếp hàng vào xem bên trong nhà thờ cổ San Marco. Nhà thờ có lưu giữ linh thể của Thánh Mark do một thương nhân đem về từ Alexandria năm 828. Cũng trong năm này người ta xây nhà thờ nhỏ để thờ linh thể Thánh Mark, sau đó được thay thế bằng nhà thờ mới xây năm 832. Nhà thờ bị cháy nhiều lần và ngôi vương cung thánh đường hiện nay đồng thời cũng là nhà thờ chính tòa (đặt trụ sở tòa giám mục hay hồng y) được xây năm 1063. Bên trong nhà thờ nổi tiếng với hàng trăm cột đá cẩm thạch và những bức tranh cẩn gạch mosaic.

Chúng tôi rời công trường đi trở lên hướng Bắc len lỏi qua các con phố hẹp mất khoảng 10 phút để đến Rialto. Thành phố du lịch nổi tiếng nhưng trong các con hẻm chỉ có những bảng chỉ dẫn hướng đi đến Rialto vẽ bằng phấn hay sơn nguệch ngoạc chứ không thấy bảng chính thức của thành phố. Hay có nhưng bị người ta lấy mất đem về làm kỷ niệm?

Chiếc cầu cổ Rialto

Cầu Rialto (tiếng Ý gọi là Ponte de Rialto) tuổi đời hơn 400 năm là một trong những công trình nổi tiếng nhất của thành phố Venice. Cầu bắc qua Kênh Lớn (Canal Grande) chỉ có một nhịp dài 48 mét nằm cạnh Fondaco dei Tedeschi là phòng thương mại người Ðức tại Venice. Qua dòng lịch sử cho tới năm 1100 vẫn chưa có chiếc cầu nào bắc ngang qua Kênh Lớn. Trong tác phẩm “Chronica per extensum descripta” của Andrea Dandolo có nói đến một chiếc cầu gỗ được xây năm 1246 dưới thời tổng trấn Renier Zen. Cây cầu bị hư hại nhiều lần vì vật liệu bằng gỗ mau hư hỏng và dễ bị hỏa hoạn nên đến năm 1507 thì chính quyền mới quyết định xây chiếc cầu mới bằng gạch. Vì thiếu ngân sách và chọn lựa hình dáng chiếc cầu nên công việc kéo dài hàng chục năm mới bắt đầu khởi công xây dựng. Nhiều kiến trúc sư lừng danh đã tham gia vẽ kiểu trong đó có Michelangelo và Andrea Dandolo nhưng cuối cùng bản vẽ của một người không mấy nổi tiếng là kiến trúc sư Antonio da Ponte được lựa chọn và bắt đầu xây từ năm 1588 đến 1591 thì hoàn thành. Cầu hình chữ V ngược có mái nhà che bên trên với tất cả 13 lỗ vòm là hình ảnh thường được chọn tượng trưng cho thành phố sông nước Venice.

Buổi chiều Xuân trời thật mát, đứng trên cầu Rialto nhìn ghe thuyền xuôi ngược trên sông nước bập bềnh. Một chiếc thuyền Gondola từ từ lướt qua, giọng ca nam bằng tiếng Ý vút cao trong bài “Back To Sorrento” của Ernesto De Curtiss khiến khách du hoài tưởng về chốn quê cũ, mái nhà xưa:

Về đây khi mái tóc còn xanh xanh.

Về đây với mầu gió ngày lang thang

Về đây xác hiu hắt lạnh lùng

Ôi lãng du quay về điêu tàn.

......

Thôi nhé đừng hoài âm xưa

Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà

Người ngồi im bóng

Lắng nghe tháng ngày qua.

(Về Mái Nhà Xưa - Phạm Duy chuyển lời Việt)

Trịnh Hảo Tâm

Bài viết khác