Thứ Tư, 10 Tháng Ba, 2021

(3) Ý nghĩa một bản văn

6. Ý nghĩa một bản văn

Thường khi đứng trước một bản văn, đặc biệt bản văn cổ, ta lý luận như sau : Tác giả có gì muốn nói đây, muốn chuyển đến ta ý nghĩa gì đây, ý nghĩa ông đã gói bọc trong ngôn ngữ và văn hoá của ông. Công việc là cởi cái gói ấy ra, rồi bọc lại bằng từ ngữ của ta hôm nay. Ta cho rằng có một ý nghĩa khách quan trong bản văn, một "hạt cứng" phải đập ra để lấy cái nhân.

Tuy nhiên sự việc không đơn giản. Khi lắng nghe hai cụ kể chuyện về nửa thế kỷ đời mình, ta cố gắng hiểu hai cụ muốn nói gì; nhưng khi nghe ta lại làm biến đổi nó đi. Từ chiều hôm ấy, ta giữ hình ảnh về hai cụ chắc chắn không như hình ảnh hai cụ có về mình, cũng không như hình ảnh một ai khác có về hai cụ.

Khi đọc một bản văn, ta làm nó theo cái hiện tình ta. Đó là điều bình thường : Ta tiếp tục sống biến cố được kể, và thêm vào đó ý nghĩa ta vừa khám phá ra.

Như thế, đọc là cầm lấy bản văn và bắt nó phải nói cái gì cho ta hôm nay, cái gì có thể làm cho ta sống. Nhưng ta có thể bắt bản văn nói bất cứ gì không ? Do đó, ta phải nghiên cứu bản văn và dùng đến các phương pháp nghiên cứu nữa.

6.1.  Một chuyện kỳ diệu ?

Thánh Kinh có ích lợi gì cho tôi ? Thánh Kinh kể lại một chuyện kỳ diệu trong đó Thiên Chúa luôn phán dạy (ông A-bra-ham, Mô-sê, các Ngôn sứ...), Ngài luôn luôn làm những dấu lạ giải thoát kẻ bị áp bức, chữa lành bệnh tật... Nhưng điều đó có hệ gì đến cuộc sống hàng ngày, tầm thường của tôi và của thế giới hôm nay ? Thiên Chúa đã nói liên miên suốt 2000 năm, bây giờ thì im lặng ! Số người bị áp bức, khổ đau vẫn còn... Tại sao Thiên Chúa không hành động nữa đi ?

Đó là vấn nạn rất thực tế. Những gì đã nói trên cho phép ta hiểu rằng, sở dĩ có vấn nạn như thế chỉ vì người ta so sánh các lịch sử trên hai bình diện khác nhau.

Sử gia nghiên cứu lịch sử nước Ít-ra-en cho rằng lịch sử đó tầm thường : Một tiểu nhược quốc tại vùng Cận Đông không khác gì với các nước khác ! Những người có lòng tin soạn Sách Thánh, đọc trong đó Lời Thiên Chúa và sự can thiệp của Ngài, cũng như hai người yêu nhau khám phá ra bài toán là thư tình. Lịch sử Ít-ra-en cũng tầm thường, vô vị, đau khổ như lịch sử của ta hôm nay ! Người vô tín ngưỡng cũng chẳng thấy đâu là dấu vết Thiên Chúa.

Đọc Thánh Kinh phải giúp ta đọc lại đời sống mình với con mắt của người tín hữu. Và bấy giờ, ta thấy Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói với ta như đã phán với các Ngôn sứ. Ngài luôn luôn hành động, và đời ta sẽ bừng hiện như một câu chuyện đầy kỳ diệu.

6.2. Đọc và nghiên cứu bản văn.

Những gì chúng ta nói trên, cho thấy cần phải phân biệt thế nào là đọc một bản văn và thế nào là nghiên cứu một bản văn.

Đọc bản văn, là rút từ bản văn ra cho tôi đang đọc hôm nay một ý nghĩa. Một điều chúng ta làm hiển nhiên. Chúng ta nói : "Bản văn này cho tôi nghĩa sau... điều đánh động tôi là..."; và đó là cách đọc chúng ta cần đi tới. Nhưng chúng ta cảm thấy có cái nguy vì bắt bản văn nói theo ý ta ! Chính vì thế phải nghiên cứu.

Nghiên cứu bản văn, là tìm hiểu bản văn nhờ phương pháp phân tích, đưa ta khám phá thấy được khoảng cách giữa ta và bản văn, khoảng cách ấy ta chớ vội vã hay liều lĩnh "đi vào" với những tình cảm và tâm lý riêng ta. Nghiên cứu bản văn bắt chúng ta đọc bản văn thật kỹ; có những bản văn chúng ta có cảm tưởng quá biết, ví dụ như các bản văn Tin Mừng. Vì thế chúng ta không còn chịu đọc những bản văn ấy nữa, nhưng chỉ đọc phớt qua và chỉ lập lại ý thiên hạ nói. Ví dụ : người ta thường nói các "Mục đồng đến thờ lạy Chúa" nơi Tin Mừng Lu-ca 2,1-20, nhưng nếu đọc kỹ bản văn, chúng ta sẽ thấy họ đến không để thờ lạy, mà chỉ kể cho Đức Maria những gì đã nghe và thấy.

6.3. Hai phương pháp phân tích.

Trước một bản văn, chúng ta thường xử dụng hai cách nghiên cứu. Một ví dụ : Dì Hai viết cho bạn một lá thư. Khi đọc thư bạn thấy rõ dì qua tư tưởng và bạn chú giải bản văn theo những gì bạn biết về dì Hai. Đến đoạn dì Hai than thở, nhưng vì bạn biết dì hai thường hay than thở nên bạn không chú ý lắm và bạn nói : "Đúng thật là dì Hai !". Ngược lại, nếu như bạn biết dì Hai là một người đàn bà cứng cỏi ngay đối với chính mình, bạn sẽ nghĩ : "Dì Hai mà than thở thì chắc là chuyện không ổn rồi". Hoặc như trước một câu văn dì lên án các bạn trẻ hay một nhóm xã hội nào đó, bạn sẽ tự nói : "Dì Hai đúng là lỗi thời hay dì Hai đúng là người của lớp già...". Nơi đây, bạn ra khỏi bản văn để hình dung ra dì Hai và từ nơi những gì bạn biết về dì, bạn cố gắng xem dì Hai muốn nói điều gì.

Và giờ đây đến đoạn một câu thư bạn thấy khó hiểu. Bạn ngưng suy nghĩ tìm ý nghĩa của nó đôi phút, nhưng tìm xem văn phạm của câu văn, tức là bạn tìm đặt những yếu tố làm cho câu văn có ý nghĩa : "Ta coi xem động từ ở đâu ? bổ ngữ ở đâu ?...". Sau khi bạn đã xếp đặt những yếu tố bạn đọc bản văn lại để cho nó một ý nghĩa. Hoặc có thể bạn nhận xét lá thư bắt đầu với một giọng điệu bi quan và được kết thúc lạc quan hơn; giọng văn có chút thay đổi; bạn đọc lại lá thư để tìm xem cái gì đã làm thay ý, có thể chỉ là việc kể lại những khó khăn dì Hai gặp phải cho người cháu biết. Ở đây, bạn không đi ra khỏi bản văn nhưng bạn tìm hiểu chính bản văn.

Hai cách chính để nghiên cứu một bản văn như vừa nói trên đã được các nhà chuyên môn lấy lại và họ làm cho hoàn hảo hơn. Chúng ta sẽ cùng nhau coi họ dùng nó thế nào và làm cách nào mình có thể dùng những phương pháp đó.

6.4. Phân tích văn  chương và lịch sử.

Đọc lá thư dì Hai viết, bạn hỏi : "Dì muốn gì ? Ta biết tính tình và đời sống của dì rồi, ta hiểu Dì muốn gì cách dễ dàng". Vấn đề của ta trước một bản văn Thánh Kinh cũng vậy : "Tác giả sách Sáng Thế nói gì đây ? Thánh Lu-ca ám chỉ ai ?". Chúng ta cần biết những văn bản Thánh Kinh là những bản văn cổ;  nó phản ảnh một nền văn hóa khác biệt với chúng ta và nó theo quy ước văn tự riêng biệt. Thái độ đầu tiên ta cần có trước những bản văn đó là hiểu nó vì chúng ta sẽ chỉ biết Thánh Lu-ca hay tác giả sách Sáng Thế qua bản văn của họ mà thôi.

Vì thế, chúng ta phải bắt đầu nghiên cứu bố cục của bản văn sau khi đã đọc nhiều lần. Bản văn được kết nên bằng những khúc, cho dù đó là một bản trình thuật hay một diễn từ. Chúng ta có thể phân tán bản văn để khám phá tiến trình, tiến triển và sự cố kết của bản văn. Chúng ta nên để ý những công thức, nhất là những công thức mở đầu câu văn bình thường như : "Thiên Chúa nói" (St 1,3) cho đến câu chỉ định người đối thoại : "Gia-vê nói cùng Abraham" (St 12,1). Chúng ta sẽ nhận xét mọi thay đổi về người đối thoại, cho biết những gì chỉ định một cuộc đối thoại hay không, giống như trường hợp bản văn Sáng thế 12.

Chúng ta cũng tìm thấy những mô thức mời gọi chú ý : "Hỡi con cái Ít-ra-en , hãy lắng nghe lời Thiên Chúa" (Hô-sê 4,1); những mô thức khai mào lời sấm : "Thiên Chúa Gia-vê các cơ binh phán thế này" (I-sa-ia 22,15); một mô thức dấu hiệu như "sáng ngày Giô-suê dậy sớm" (Giô-suê 6,12; 7,16; 8,10).

Ngoài ra còn có những cách thức văn chương như thể văn song đối, thể văn ngôi gộp (inclusion) mà cùng một yếu tố tìm thấy ở đầu và ở cuối trong một bản văn (xem Thánh Vịnh 8,2.10), thể thức đoạn điệp (xem Giô-suê 10,15.43). Hiện tượng lập lại là sắc thái riêng biệt của nền văn hoá mà sự truyền khẩu giữ vai trò quan trọng. Bản văn cũng còn nhiệm vụ ghi vào trí nhớ, cho nên thật là thích đáng đánh dấu sự lập lại những từ ngữ nhất là những động từ. Ví dụ Sáng Thé 12,1-5 lấy lại dưới nhiều dạng thái động từ "ra đi". Chúng ta đi từ một mệnh lệnh của Thiên Chúa "hãy ra đi" cho đến điều thi hành "và A-bra-ham lên đường".

Khi đọc Thánh Kinh đều đặn, điều này sẽ giúp ta tìm ra những mô thức văn chương. Ta sẽ quen dần và dễ dàng khám phá ra nó hơn nữa.

6.5. Hình thức Văn chương

Chúng ta vừa ghi đoạn Sáng Thế 12,1-5. Ta thấy lời Thiên Chúa (câu 2-3) quan trọng, rồi qua cách dùng động từ cho thời tương lai, nên bản văn được coi như trình thuật về lời hứa hẹn. Mỗi bản văn nêu lên một thể loại văn chương. Đoạn văn vâng theo một hình thức văn chương trong đó những cách thức được đưa ra và cách tổ chức giúp người nghe và người đọc hiểu trong bộ ghi nào bản văn cần được tiếp nhận để được hiểu đúng. Nếu việc này tất nhiên là thế đối với lá thư của dì Hai thì việc đó không thể giống nhau đối với những văn bản Thánh Kinh. Vì thế, thể loại văn chương một trình thuật, được trình bày rõ ràng trong Thánh kinh, cũng chưa thể nào nêu đặc tính một bản văn vì chúng ta cần phải xác định vai trò của bản văn. Câu hỏi thiết yếu là : "bản văn muốn nói gì ?" chứ không phải : "giá trị lịch sử của nó ra sao ?

6.6. Quy chiếu lịch sử.

Nhưng bản văn Thánh Kinh thường hay phản chiếu những biến cố lịch sử. Ví dụ đoạn I-sa-ia 7,1 với những tên được gợi lên,  quy chiếu về một giai đoạn chính xác, đó là sự liên két giữa vua xứ Da-mas và vua Ít-ra-en để chống lại vua xứ Giu-đa. Giai đoạn này xảy ra từ năm 735-734. Ví dụ này không hẳn hoàn toàn ngoại lệ. Những văn bản thường quy chiếu vào một chuyện  cụ thể mà chúng ta ít ra biết đến những nét lớn.

Sự quy chiếu lịch sử không phải lúc nào cũng hiển nhiên khi chúng ta đọc một cách ngôn hay một Thánh vịnh. Quy chiếu lịch sử không rõ đôi khi rất mơ hồ : ví dụ Thánh vịnh 2,2 nói về "Đấng Thiên Sai" tức là vị vua, và chúng ta không biết đó là vua nào. Phân tích lịch sử của bản văn này rất khó khăn. Thật vậy, giữa biến cố xảy ra và biến cố được viết ra có một khoảng cách quan trọng. Hơn nữa, bản văn không đứng sửng đó và nó trở thành vật dụng của sự đọc lại theo giòng thời gian.

6.7. Xác định ngày tháng một bản văn.

Chúng ta nên xác định phỏng chừng ngày tháng một bản văn để hiểu rõ nó và việc này không dễ dàng. Các nhà chuyên môn đã dày công nghiên cứu. Họ truyền đạt lại cho chúng ta những kết quả chắc chắn nhất. Chúng ta hãy đọc kỹ phần dẫn nhập và các chú thích của các bản dịch.

6.8. Phân tích cấu trúc.

Chúng ta hãy lấy lại lá thư của dì Hai. Trước một câu tối nghĩa, chúng ta dừng lại chốc lát tìm hiểu ý nghĩa để đặt các yếu tố lại chổ trong câu văn (danh từ, bổ ngữ..) hầu giúp cho câu văn có một ý nghĩa.

Đầu thế kỷ 20, xuất hiện một khoa học mới về ngôn ngữ học tên là Dấu-chỉ-học (Sémiotique = đến từ tiếng Hy lạp se-mei-on nghĩa là "dấu chỉ"), dùng các dấu chỉ hay nhân tố phát giác ra ý nghĩa của từ ngữ.

Các chuyên viên khoa này cho biết : Không chỉ có văn phạm cho từng câu mà còn có văn phạm cho cả bản văn. Cũng như khi ta viết một câu, ta vốn giữ luật văn phạm (mặc dầu ta không để ý) thì khi ta viết một bài, một lá thư, một câu chuyện... ta phải giữ một số luật khác nhau. Phương pháp lịch sử đưa ta ra khỏi bản văn, đi vào ý của tác giả để cắt nghĩa bản văn. Ở đây, ngược lại, ta tìm hiểu chính bản văn, độc lập với ý định của tác giả (đằng khác, tác giả đã chết từ lâu); chúng ta đi vào bản văn ở mọi hướng, quên đi những gì đã biết (tưởng biết), những gì muốn tìm, để chú ý vào chính bản văn thôi. Đó là điểm son của phương pháp này.

Chúng ta hãy quan sát nhóm bạn vào rừng chơi. Ai thích nấm thì đi tìm nấm và họ chỉ thấy nấm; rừng đối với người này chỉ là nấm ! bạn của anh ta không thấy nấm và dễ dàng dẫm chân lên đó. Vì với người này, rừng là chim trời, là những hòn đá hay những hàng cây... Cũng thế khi đọc một bản văn, vô tình ta đã có một ý tưởng nào : Ta đang cần một chỉ vẽ, một hướng đi, một khích lệ, và chỉ thấy có thế thôi. Điều này giải thích sự không thấu hiểu nỗi giữa chúng ta. Chúng ta có thể tưởng tượng những người bạn bắt đầu thăm viếng rừng một cách tổng quát, quên đi cái nhìn của riêng từng người; họ cố gắng xem tất cả, chim trời, cây cối, nấm... Sau đó, nếu họ muốn thì đi tìm nấm, như thế họ sẽ không nói rừng chỉ là như thế. Họ biết cách loại họ lựa chọn thăm viếng nhưng còn có nhiều cách thăm viếng khác.

Cái lợi của phương pháp cấu trúc là phải nhìn bản văn dưới nhiều góc cạnh khác nhau, quên đi góc cạnh của mình để nghĩ đến bản văn. Sau đó, trong cách đọc riêng tư có thể chỉ giữ lại một dạng thái nhưng chúng ta biết còn nhiều cách đọc khác. Và như thế kiến thức ta sẽ được dồi dào hơn.

6.9. Một dụ ngôn.

Chúng ta đúc kết những điều nói trên bằng một dụ ngôn. Chúng ta cùng mở máy nghe một bản hoà tấu của nhạc sĩ Mozart với người bạn. Mỗi người cùng nghe khác nhau. Bản nhạc có thể đối với tôi dường như vui nhưng bạn tôi lại cảm thấy buồn. Mỗi người nghe theo phản ứng và tâm trạng mình lúc đó và họ gán những tình cảm đó vào bản nhạc.

Cách thức chúng ta chú giải rất khác biệt, cho nên để cùng đồng ý cần tìm nghiên cứu bản nhạc, tìm hiểu giai điệu, tiết điệu, hòa âm, đối âm, phối khí... Chúng ta còn tìm đọc lại cuộc đời Mozart nữa, coi ý ông ta muốn gì. Khi dùng hai phương pháp này, chúng ta khám phá nhiều điều, bỏ qua bên một vài chú giải riêng tư. Và việc này thật hữu ích. Thế nhưng, bản nhạc không được viết để nghiên cứu, nhưng để nghe và rung cảm.

Chúng ta để dĩa nhạc vào và nghe lại bản hoà tấu. Việc nghiên cứu giúp hiểu rõ hơn, nhưng giờ đây chúng ta hãy quên đi việc nghiên cứu để nghe bản nhạc. Chúng ta cho bản nhạc một ý nghĩa và tìm thấy trong đó một thi vị mới của cuộc đời. Và đó là điều thiết yếu. Chúng ta thay chữ "nghe" bằng chữ "đọc", và thay "dĩa nhạc" bằng "quyển sách", sẽ thấy rõ cái chủ yếu của phương pháp cấu trúc.

 

 

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art