SANTA ANA, California (NV) – Phải nói rằng “Dòng An Giang” là ca khúc được hát nhiều nhất trong số các bài hát nổi tiếng về những dòng sông lịch sử hoặc thơ mộng của nền tân nhạc Việt Nam, như các bản “Tiếng Sông Hồng,” “Tiếng Sông Hương,” “Tiếng Sông Cửu Long” của Phạm Đình Chương, “Tiếng Hát Sông Lô” của Phạm Duy, và “Trên Sông Hương” của Nguyễn Văn Thương.
“Dòng An Giang sông sâu nước biếc/ Dòng An Giang cây xanh lá thắm/ Lả lướt về qua Thất Sơn/ Châu Đốc dòng sông uốn quanh/ Soi bóng Tiền Giang Cửu Long.” Dòng sông An Giang nước sâu ở miền Tây quê mình thường đượm màu xanh thẫm lúc chạy dài theo những rặng cây xanh bát ngát trên dòng chảy từ Thất Sơn qua Châu Đốc và mãi cho đến Tiền Gang bên dòng Cửu Long uốn lượn nhịp nhàng trên đường đổ ra biển khơi.
“Dòng An Giang xanh xanh khóm trúc/ Dòng An Giang tung tăng múa hát/ Đêm đến dòng sông thở than/ Bên mấy hàng cây hắt hiu/ Đã mấy mùa xuân thanh bình.” Cảnh trí hai bên bờ con sông lúc nào cũng nhuốm màu thiên nhiên hùng vĩ, với những cội tre già, những khóm trúc xinh chạy dài trong tiếng gió rì rào như khúc hát của các nàng tiên nữ dưới ánh trăng khuya, pha lẫn tiếng rì rầm như thở, như than cho những cuộc tình chưa vẹn nghĩa yêu thương, hay bên những hàng cây hắt hiu vì niềm yêu chưa ngỏ. Thấm thoắt thế mà đã mấy mùa Xuân thanh bình trôi qua bên dòng sông thơ mộng sau ngày đôi bờ cách biệt từ đó xa xôi, ôi dòng Bến Hải đánh dứt đôi nơi.
“Dòng An Giang đáy nước in sâu/ Nhịp cầu tre ngắm bóng say sưa/ Nắng vẫn chiếu trên làn sóng nhấp nhô/ Nắng vẫn chiếu trên gò má hây hây mơ màng, ngây thơ/ Cô thôn quê đang giặt yếm trên sông/ Tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi/ Trâu lang thang đôi cò trắng tung bay dập dìu.” Mặc cho thế sự thăng trầm, dòng sông yêu thương vẫn thắm sâu như tình người thôn nữ bên mấy nhịp cầu tre đu đưa, để cho ai đó thỏa lòng nâng niu mấy nhịp cầu tre. Trên khắp vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long mênh mông, nắng vẫn chan hòa trên sóng nước nhấp nhô, khiến người như thấy có tiếng sóng ở trong lòng. Rồi nắng lại chiếu trên những đôi gò má hây hây của các cô thôn nữ mơ màng, gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay. Xa xa, có bóng dáng mấy nàng thôn nữ đang giặt yếm trên sông, lòng mơ màng trong tiếng sáo dìu dật dờ trên đồng lúa vàng một chiều yêu em những lúc Hè về gieo ánh tơ. Điểm xuyết thêm vào cảnh trí hữu tình và nên thơ là bóng dáng đôi cò trắng tung bay trên mấy con trâu lang thang tìm, gặm ngọn cỏ non bên bờ vắng.
“Dòng An Giang ai qua vẫn nhớ/ Dòng An Giang lơ thơ bến nước/ Đâu những thuyền ai lắc lơ/ Đôi mái chèo trăng lướt qua/ Lơ lửng vầng trăng vỡ tan.” Cũng như người đi về miền Nam vẫn nhớ về bến Đà Giang thân yêu và thương về mái tranh nghèo bên hàng cau, hỏi ai có dịp qua dòng An Giang một lần mà lòng không luyến nhớ dòng sông lơ thơ những bến nước, tình quê, với bóng dáng những con thuyền ngược sóng lắc lư, hay những lúc thuyền trôi chèo nghiêng trên sông lặng lờ khi vầng trăng khuất sau chân mây mơ hồ. Thuyền trôi nhẹ nhàng và êm ả biết bao, ấy thế mà vẫn làm cho vầng trăng vỡ tan đi, vì đâu ô hay sao trăng rụng xuống cầu?
“Dòng An Giang sông sâu nước biếc/ Dòng An Giang cây xanh lá thắm/ Đây những người thôn nữ xinh/ Duyên dáng chuyền tay dắt nhau/ Múc mấy vầng trăng đổ đi…” Với dòng An Giang sông sâu, nước biếc và cây xanh, lá thắm như thế, chẳng trách gì những nàng thôn nữ duyên dáng, xinh tươi cứ bảo nhau ra tát nước đêm trăng bên bờ sông phảng phất mùi hương lúa đồng quê. Người xinh, trăng đẹp hòa quyện lấy nhau, tạo thành một bức tranh huyền diệu, khiến có người tức cảnh, sinh tình mà chẳng biết làm sao, đành phải lên tiếng hát vu vơ mấy câu nhạc tình: “Hỏi cô tát nước bên đàng, sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”
***
Trong khi nhạc sĩ Lam Phương sáng tác bản nhạc đầu tay “Chiều Thu Ấy” lúc ông mới 15 tuổi thì nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác bản “Dòng An Giang,” bản nhạc đầu tay của mình, lúc ông được 17 tuổi.
Tuy nhiên, so với bản “Chiều Thu Ấy” thì “Dòng An Giang” thường được ưa chuộng và phổ thông hơn. Nguyên thủy, chữ “Dòng” được viết là “Giòng” trong “Giòng An Giang,” có lẽ vì tác giả nói giọng Nam nên ít khi phân biệt rõ hai âm “d” và “gi” theo cách phát âm chuẩn mực trong ngôn ngữ Việt Nam.
Bài hát được viết nên từ một tâm hồn rất trẻ và tràn đầy niềm yêu thương quê hương, dân tộc. Ngoài điệu nhạc Valse nhịp nhàng và lả lướt như dòng chảy của con sông thơ mộng này, lời nhạc trong “Dòng An Giang” có những cung bậc nhẹ nhàng và du dương, cùng những từ ngữ hết sức dễ thương rải rác trong toàn bài hát, mặc dù ca khúc này không lấy gì làm dài cho lắm: “Lả lướt về qua Thất Sơn,” “Soi bóng Tiền Giang Cửu Long,” “Dòng An Giang tung tăng múa hát,” “Đêm đến dòng sông thở than,” “Nhịp cầu tre ngắm bóng say sưa,” “Nắng vẫn chiếu trên gò má hây hây mơ màng, ngây thơ,” “Tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi,” “Dòng An Giang lơ thơ bến nước,” “Đâu những thuyền ai lắc lơ,” “Đôi mái chèo trăng lướt qua,” “Lơ lửng vầng trăng vỡ tan,” “Múc mấy vầng trăng đổ đi”…
Thiết tưởng, chỉ có những nhà văn và nhà thơ vào hạng tài hoa – cỡ Khái Hưng và Vũ Hoàng Chương – mới có thể tạo nên những ý, những lời nhịp nhàng, nên thơ. Nhưng nhạc sĩ Anh Việt Thu đã tài tình gợi hình, gợi nhớ, gợi tình tự quê hương, và nhất là gợi lên hoài niệm về một “nước thanh bình ba trăm năm cũ” – như nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm từng diễn tả trong tuyệt tác phẩm “Chinh Phụ Ngâm Khúc.” Bởi vì nơi đây, có lẽ vô tình thôi, cũng là chiều dài lịch sử của dòng An Giang kể từ lúc các Chúa Nguyễn khai phá và đưa dòng sông này về lãnh thổ miền Nam mến yêu.
Nhạc sĩ Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, người gốc làng An Hữu, quận Cái Bè, tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang) nhưng sinh ra tại Cambodia. Ông là anh cả trong gia đình, dưới còn ba người em nữa là Phi Long, Phi Hùng, và người em út là Việt Thu, vì thế ông mới lấy bút danh là Anh Việt Thu.
Anh Việt Thu sáng tác rất sớm, và “Dòng An Giang” chính là nhạc phẩm đầu tay của ông. Khoảng giữa thập niên 1950, ông từng lên Tây Ninh dạy nhạc. Trong niên khóa 1958-1959, Anh Việt Thu là trưởng đoàn văn nghệ Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia Sài Gòn. Năm 1963, ông có trình một luận án về âm nhạc tại Đông Kinh, Nhật Bản, và sau đó tốt nghiệp ưu hạng tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn, khóa đầu tiên.
Khoảng giữa thập niên 1960, Anh Việt Thu gia nhập Địa Phương Quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đến năm 1970, ông được cử về Phòng Văn Nghệ Cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị tại Sài Gòn.
Từ năm 1965 đến 1966, Anh Việt Thu thành lập đoàn Du Ca Phù Sa, gồm có ông, Anh Việt Thanh, Hà Phương, và Phạm Minh Cảnh, đi hát từ Cần Thơ ra đến Huế.
Năm 1971, Anh Việt Thu phụ trách chương trình “Giờ Âm Nhạc Anh Việt Thu” trên Đài Vô Tuyến Truyền Hình Việt Nam. Vào cuối đời, ông làm việc tại Phòng Văn Nghệ của Đài Phát Thanh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, chung với các nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và Phạm Minh Cảnh.
Bên cạnh “Dòng An Giang,” Anh Việt Thu đã sáng tác trên dưới 100 ca kúc khác, trong đó được ưa chuộng nhất là các nhạc phẩm “Cuốn Theo Chiếu Gió,” “Đa Tạ,” “Hai Vì Sao Lạc,” “Mùa Xuân Đó Có Em,” “Người Ngoài Phố,” “Nhớ Nhau Hoài,” “Tám Điệp Khúc,” hùng ca “Trên Đầu Súng”…
Ngoài ra, Anh Việt Thu còn là tác giả của liên ca “Đường Chúng Ta Đi” gồm 16 bài hát, tuyển tập “Dạ Khúc Kim Sang” gồm 10 bài hát, và trường ca, anh hùng ca “Xuân Nguyễn Huệ” gồm sáu bài hát.
Anh Việt Thu qua đời ngày 15 Tháng Ba, 1975, tại Sài Gòn, chỉ hơn một tháng trước khi miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng Sản. Lúc đó ông mới 36 tuổi. (Vann Phan)