Người ta không hiểu sao nhiều cao ốc kiên cố hiện đại lại không thể sánh về độ vững chãi so với các ngôi chùa cổ ở Nhật. Sau một cơn động đất, hàng loạt cao ốc bê tông đổ sụm nhưng các ngôi chùa gỗ vẫn chống chỏi nổi và tồn tại hàng trăm năm qua. Quả là một bí ẩn…
Ở một nơi mà bão táp và động đất thường xuyên tấn công như Nhật, làm thế nào mà các ngôi chùa cao trông có vẻ mảnh mai yếu ớt như vậy lại chẳng hề hấn gì? Thậm chí, có ngôi chùa đã trơ gan cùng tuế nguyệt 500-600 năm qua. Các ghi nhận cho thấy chỉ có hai ngôi chùa bị đổ trong suốt 1,400 năm qua! Nhưng nguyên nhân gây sự sụp đổ cho hai ngôi chùa trên chẳng phải là động đất mà là lửa và các cuộc nội chiến. Trận động đất Hanshin năm 1995 đã làm thiệt mạng 6,400 người, phá hủy gần như hoàn toàn các tuyến xa lộ cao tốc, làm đổ sụm hàng trăm cao ốc và phá hủy một vùng cảng rộng lớn ở Kobe. Ấy vậy, ngôi chùa năm tầng ở khu vực đền đài Toji gần đó lại không mảy may suy suyển.
Nhiều thập niên qua, giới học giả Nhật đã thắc mắc rất nhiều về sự bí ẩn trong kiến trúc của các ngôi chùa nước mình. Qua hàng năm ròng nghiên cứu với sự trợ giúp của kỹ thuật hiện đại, các kiến trúc sư Nhật mới dựng nên được tòa nhà Kasumigaseki 36 tầng có hệ thống hấp thu chấn động từ động đất. Đây là tuyệt tác của ngành kiến trúc hiện đại, hình thành vào năm 1968. Thế nhưng, hồi năm 826, kiến trúc sư Kobodaishi chỉ dùng toàn gỗ để xây nên chùa Toji 55m, bằng phân nửa độ cao của tòa nhà Kasumigaseki. Tuy có công trình bị thiêu rụi bởi sấm sét nhưng một trong những phiên bản của nhà kiến trúc đại tài Kobodaishi vẫn tồn tại từ năm 1644 đến nay. Ngôi chùa Horyuji ở Nara, xây vào năm 607, được xem là kiến trúc gỗ cổ nhất thế giới. Rõ ràng, các nhà kiến trúc cũng như thợ mộc ngày ấy đã có cách gì đó để giúp công trình tôn giáo của họ chịu đựng nổi qua thời gian cũng như tác động thiên nhiên.
Phật giáo du nhập vào Nhật từ Trung Hoa vào thế kỷ VI. Chùa ở Trung Hoa thường xây chủ yếu bằng đá với các cầu thang bên trong. Ở Nhật, người ta xây chùa theo cách riêng của mình, kiểu mẫu gần giống Trung Hoa nhưng cách thức xây cũng như vật liệu đều khác hẳn để thích nghi với môi trường đặc thù. Thật kỳ lạ là hầu hết chùa cổ ở Nhật không có cầu thang, các tầng được chồng lên nhau như những cái nón.
Hơn nữa, ở một nơi lượng mưa nhiều gấp đôi Trung Hoa như Nhật, các kiến trúc sư thời xưa đã có dụng ý khi làm các mái chìa rộng hơn. Các lớp mái chìa rộng như vậy sẽ góp phần ngăn nước mưa thấm tường và nền (làm mềm đất từ đó khiến chùa dễ đổ). Mái chìa ở các ngôi chùa Trung Hoa hay Triều Tiên chẳng giống chùa Nhật chút nào. Công dụng của mái chìa rộng còn làm lực trọng tâm của kiến trúc bị phân tán, làm cho ngôi chùa vững chãi hơn. Bí mật có lẽ nằm một phần ở điểm này.
Các ngôi chùa Nhật đều có một cái “lõi” ở giữa, như cái cột chính giữ vững kiến trúc, gọi là shinbashira. Người ta tin rằng shinbashira là cốt lõi của vấn đề, như bản thân nó là cốt lõi của kiến trúc. Điều gây ngạc nhiên nhất là ở vài ngôi chùa, cột shinbashira không được chôn từ mặt đất lên mà treo từ trên nóc xuống! Toàn bộ công trình được chống đỡ bằng 12 cái cột xung quanh, tạo thành chu vi hình vuông cho ngôi chùa. Bên trong lòng chu vi này còn có một chu vi vuông nhỏ hơn được tạo nên bởi bốn cái cột. Như vậy, shinbashira đóng vai trò gì trong kiến trúc? Nó là cái cột sống giúp kiến trúc chùa cong qua ẹo lại như chuyển động của con rắn khi hứng chịu động đất!
Người ta nhận thấy rằng chùa ở các nước khác không có chiếc cột giữa (shinbashira) như chùa Nhật, và rằng shinbashira luôn làm bằng loại gỗ đắt tiền hinoki (cây bách ở Nhật). Lại thêm một bí ẩn nữa từ kiến trúc chùa xứ Phù Tang. Shuzo Ishida – kỹ sư xây dựng thuộc Viện kỹ thuật Kyoto và là một trong những người nghiên cứu chùa chiền Nhật nổi tiếng nhất nước Nhật – đã đưa ra lý thuyết có sức thuyết phục nhằm giải thích công dụng của shinbashira.
Ishida làm ra một số mô hình chùa, cái thì có cột shinbashira và cái thì không. Qua thí nghiệm bằng cách tạo ra chấn động, Ishida nhận thấy mô hình nào có shinbashira thì chịu đựng được lực tác động và ngược lại. Nói tóm lại, shinbashira chẳng khác gì thiết bị hấp thu chấn động làm bằng máy móc ngày nay. Khi bị chấn động, các tầng của ngôi chùa (có kết nối với cột shinbashira) sẽ truyền lực chấn động vào shinbashira và từ đó, lực này bị phân tán khi truyền dẫn xuống đất theo chiều dài thân cột shinbashira.
Bí ẩn shinbashira đã được giải đáp, thế còn các mái chìa rộng? Quan sát một cây thông bị tuyết bám đầy cành, người ta thấy cây thông này khó lòng đứng vững. Tuy nhiên, tại sao chùa Nhật lại chịu đựng được khi các lớp mái chìa được lợp toàn ngói nặng trĩu? Tại sao không lợp bằng tấm gỗ dày để đỡ nặng hơn? Quan sát thêm cảnh một người đi dây, thấy rằng anh ta chỉ có thể thăng bằng khi trong tay cầm một cây dài tương đối nặng, nhất là ở hai đầu. Các lớp mái chìa ở chùa Nhật cũng thế. Chúng đóng vai trò cân bằng toàn bộ kiến trúc. Khi gặp phải chấn động, kiến trúc không bị chao đảo nhiều chính nhờ một phần từ các lớp mái chìa.
Cuối cùng, tại sao chùa ở Trung Hoa làm bằng đá và các tầng đều có cầu thang gắn chặt với nhau, trong khi chùa ở Nhật lại không sử dụng cầu thang nối liền giữa các tầng? Thật ra, không phải chùa Nhật không có cầu thang mà cầu thang chỉ gác tạm làm đường liên thông giữa các tầng, chứ không nằm hẳn như là một phần kết cấu của công trình kiến trúc. Như đã nói ở trên, các tầng ở chùa Nhật đều được dựng lên như thể chúng đặt lên nhau, giống như những cái nón xếp chồng. Chính lối kiến trúc xem ra có vẻ lỏng lẻo như thế đã làm phân tán lực tấn công của chấn động từ lòng đất.
Như vậy, toàn bộ bí ẩn dường như nằm ở ba phần chính: Các lớp mái chìa rộng, trục shinbashira và các tầng chồng lên nhau. Dưới lăng kính khoa học, shinbashira có thể chỉ là một cái cột giữ nhiệm vụ phân tán lực động đất. Nhưng trong tín ngưỡng tôn giáo, shinbashira thiêng liêng hơn như thế nhiều. Các cuộc khảo cổ tại khu di chỉ Jomon có nền văn hóa 10,000 năm trước Công nguyên cho thấy shinbashira là hình tượng cho sự liên kết giữa Đất và Trời.
Ảnh trong bài: Unsplash