Thứ Bảy, 02 Tháng Mười, 2021

Chút cảm nghĩ qua chuyện Thánh Stephen tử vì đạo

Thánh Stephen là một vị Thánh đặc biệt, bởi ông là vị Thánh tử vì đạo đầu tiên của Kitô giáo. Đọc câu chuyện về ông, ngắm nhìn những bức tranh về khoảnh khắc cuối đời của ông khiến người ta không khỏi cảm thán.

Trong bức “Cảnh ném đá Thánh Stephen”, họa sĩ cuối thời Phục hưng, Aurelio Lomi, đã miêu tả lại khoảnh khắc tử vì đạo của Thánh Stephen như sau.

Chút cảm nghĩ qua chuyện Thánh Stephen tử vì đạo - 1
(Tranh: Họa sĩ Aurelio Lomi, New Century Fund and The Ahmanson Foundation, National Gallery of Art, Washington)


Ở giữa tranh là Thánh Stephen, bị bủa vây bởi một vài người đàn ông giận dữ, đang giơ cao đá để chuẩn bị ném tới, nhưng Thánh Stephen không có vẻ gì là sợ hãi, cũng không co rụt người che chắn bản thân. Ông ngẩng đầu nhìn lên trời cao, với vẻ mặt khẩn cầu tha thiết.

Chút cảm nghĩ qua chuyện Thánh Stephen tử vì đạo - 2
(Trích đoạn tranh: Họa sĩ Aurelio Lomi, New Century Fund and The Ahmanson Foundation, National Gallery of Art, Washington)


Trên Thiên đàng, Chúa Jesus đứng cạnh Thiên Chúa ngự trên ngai. Phía dưới ngai, các Thiên thần bao quanh, chú tâm vào sự kiện xảy ra dưới mặt đất và cùng nhau bàn luận.

Chút cảm nghĩ qua chuyện Thánh Stephen tử vì đạo - 3
(Trích đoạn tranh: Họa sĩ Aurelio Lomi, New Century Fund and The Ahmanson Foundation, National Gallery of Art, Washington)


Trong đám đông, những người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em đang theo dõi sự hỗn loạn nhưng không chủ động tham gia. Vẻ mặt của một số người thể hiện sự bất an, một số người thì bàn luận trong nghi hoặc, nhưng không có ai đứng ra ngăn cản. Họ đều bàng quan nhìn Thánh Stephen bị ném đá đến chết.

Chút cảm nghĩ qua chuyện Thánh Stephen tử vì đạo - 4
(Trích đoạn tranh: Họa sĩ Aurelio Lomi, New Century Fund and The Ahmanson Foundation, National Gallery of Art, Washington)


Bức tranh sống động, miêu tả một thảm kịch nhưng lại có kết cấu hài hòa và phối cảnh đẹp mắt. Trọng tâm chính là Thánh Stephen, những kẻ đang ném đá ông, và cách Stephen hướng sự chú ý của người xem lên Thiên giới thông qua ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể. Rõ ràng trên Thiên đàng, các vị Thiên thần đang chờ đợi để chào đón ông. Còn dưới hạ giới, sự hỗn loạn của một cuộc đàn áp tôn giáo cũng đang ngầm được biểu lộ.

Có lẽ nếu không phải một Kitô hữu, người xem chắc hẳn sẽ tự hỏi Thánh Stephen đang tha thiết khẩn cầu điều gì? Kỳ thực ông đang khẩn cầu Thiên Chúa và Chúa Jesus tha thứ. Không phải tha thứ cho bản thân ông, mà là tha thứ cho những con người đang bức hại ông, ban cho họ một cơ hội nữa.

Và quả thực lời nguyện cầu của Thánh Stephen đã thành hiện thực. Một người đàn ông trẻ tham gia chứng kiến việc ném đá Thánh Stephen đến chết, sau đó cũng tích cực tham gia vào cuộc bức hại những người tin theo Chúa Jesus, cuối cùng đã trở thành Thánh Paul, một nhân vật vô cùng quan trọng trong sự phát triển và truyền bá của Kitô giáo.

Chút cảm nghĩ qua chuyện Thánh Stephen tử vì đạo - 5
Thánh Paul, người chứng kiến Thánh Stephen tử vì đạo, sau này góp phần truyền bá tín ngưỡng Kitô. (Tranh: Họa sĩ Eustache Le Sueur, Louvre Museum, Wikipedia, Public Domain)


Việc Thánh Stephen bị ném đá đến chết diễn ra trong bối cảnh những Kitô hữu thời đầu có sự xung đột về mặt tín ngưỡng với Do Thái giáo. Trong số các Kitô hữu này, Stephen là người nổi bật vì có thể truyền đạt lời dạy của Chúa và hiển lộ những phép lạ. Điều này đã dẫn đến nhiều cuộc tranh luận giữa Stephen và một số người Do Thái khác.

Chút cảm nghĩ qua chuyện Thánh Stephen tử vì đạo - 6
Thánh Stephen tử vì đạo. (Tranh: Họa sĩ Carlo Crivelli,
National Gallery London, Wikipedia, Public Domain)


Sau khi thất bại trong tất cả các cuộc tranh luận, những người Do Thái trở nên xấu hổ và giận dữ. Họ đã bỏ tiền mua chuộc một số lời chứng rằng Stephen đã phỉ báng Thiên Chúa và nhà tiên tri Moses, một nhân vật hết sức quan trọng trong Do Thái giáo. Sau đó họ kéo Stephen tới Tòa án của người Do Thái tại thành phố.

Với một vẻ mặt bình thản, thành kính, không sợ hãi, Stephen đã trình bày rất dài trước Tòa án và những người chứng kiến cái nhìn của ông về lịch sử dân tộc Do Thái, về tín ngưỡng Do Thái. Ông cũng trình bày rằng điều Chúa Jesus giảng giải về sự sa đọa của người Do Thái ở thời điểm đó không hề xa rời hay làm thay đổi tín ngưỡng và truyền thống Do Thái, mà thực chất là làm rõ và hoàn thiện những lời giảng của Moses (Xem thêm trong bài: Bức tranh thế kỷ 16 về sự xuống dốc của đền thờ Thánh Jerusalem). Cuối cùng, Stephen lên án những người Do Thái đang lắng nghe là những kẻ cứng đầu đã không vâng mệnh Thiên Chúa, đồng thời đã giết hại những nhà tiên tri, và giết hại Chúa Jesus (sự kiện Chúa Jesus bị chính quyền Do Thái đóng đinh lên thập tự giá xảy ra từ trước đó).

Tức giận trước những lời nói của Stephen, một vài người trong đám đông đã bắt đầu giận dữ chuẩn bị đứng ra thực hiện hình phạt ném đá đến chết ông. Thánh Stephen lúc đó kêu lên rằng trên Thiên đàng, ông thấy Chúa Jesus đứng bên ngai của Thiên Chúa. Sau đó ông quỳ xuống và cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những người sẽ giết ông, và ông đồng ý để họ làm điều đó.

Thời khắc cuối cùng của Thánh Stephen tử vì đạo đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều họa sĩ.

Chút cảm nghĩ qua chuyện Thánh Stephen tử vì đạo - 7
(Tranh: Họa sĩ Annibale Carracci, Wikipedia, Louvre Museum, Public Domain)
Chút cảm nghĩ qua chuyện Thánh Stephen tử vì đạo - 8
(Tranh: Họa sĩ Aurelio Lomi, St. Mary of Peace, Mongolo1984/Wikipedia, CC BY-SA 4.0)
Chút cảm nghĩ qua chuyện Thánh Stephen tử vì đạo - 9
(Tranh: Họa sĩ Luigi Garzi, Wikipedia, Public Domain)
Chút cảm nghĩ qua chuyện Thánh Stephen tử vì đạo - 10
(Tranh: Họa sĩ Jacopo & Domenico Tintoretto, Wikipedia, San Giorgio Maggiore, Public Domain)
Chút cảm nghĩ qua chuyện Thánh Stephen tử vì đạo - 11
(Tranh: Họa sĩ Rembrandt, Wikipedia, Museum of Fine Arts of Lyon, Public Domain)


Câu chuyện về Thánh Stephen cũng đặt ra cho hậu thế nhiều suy nghĩ.

Điều đầu tiên là sự từ bi của một vị Thánh tử vì đạo, hay nói theo văn hóa phương Đông, là của một người tu luyện. Ngay trong lúc đối diện với thời khắc sinh tử, ông cũng có thể nghĩ cho người khác, nghĩ đến những hậu quả trong tương lai mà những người giết hại ông sẽ phải đối diện, và cầu xin sự tha thứ cho họ. Người tu luyện dù chịu oan khuất đến đâu cũng vẫn nghĩ đến người khác, điều này ở phương Đông có rất nhiều câu chuyện tương tự, chẳng hạn ở Việt Nam cũng có truyền kỳ “Quan âm thị kính”.

Điều thứ hai là mặc dù Thánh Stephen từ bi với những con người ấy, nhưng ông không ngại ngần chỉ ra một cách rõ ràng cho họ sự sa đọa của họ. Ông đã thẳng thắn không sợ hãi chỉ ra sự sai lầm của chính quyền Do Thái, cũng như sự lệch lạc của tôn giáo Do Thái lúc bấy giờ. Nếu đặt vào hoàn cảnh ngày nay, người hiện đại hẳn sẽ dễ dàng gán ghép cho Thánh Stephen tội “làm chính trị” và công kích tôn giáo. Kỳ thực dù là xưa hay nay, một người đứng trước xã hội hỗn loạn và sa đọa, trước cái ác to lớn, trước sự bàng quan và lầm lỡ của người khác mà có thể dũng cảm chỉ ra điều sai trái thì chính là khí tiết và chính nghĩa. Đây cũng là điều mà chỉ những con người mang trong mình chính tín, mang trong mình sự thiện lương, mang trong mình mong muốn bảo trì lương tri mới có thể làm được.

Điều thứ ba là Thánh Stephen biểu hiện rõ ông không phản đối Moses cùng những lời giảng của ngài. Điều ông muốn chỉ ra là người Do Thái đã thực sự không tuân theo tín ngưỡng của họ. Chúng ta biết rằng tôn giáo chỉ là tôn giáo, là một hình thức mà con người đặt ra sau khi các bậc Giác giả đã không còn tại thế. Chúng ta cũng biết rằng người đi theo tôn giáo thì chưa chắc đã được lên thiên đường, người không vào tôn giáo thì chưa hẳn là sẽ xuống địa ngục. Nói cho cùng, tôn giáo chỉ là tôn giáo, là một hình thức bề ngoài của tín ngưỡng. Tín ngưỡng chính là niềm tin vào Thần, niềm tin vào những giá trị mà Thần truyền cho con người, chính là đạo đức, niềm hy vọng, sự vị tha, tấm lòng bao dung không ích kỷ. Do đó ngày nay những người chỉ đặt tâm vào làm những việc trong tôn giáo thì cũng giống như những người Do Thái năm xưa, không thể phân biệt được đâu là tín ngưỡng chân chính.

Điều thứ tư là câu chuyện của Thánh Stephen cho thấy bất cứ khi nào xã hội nhân loại rơi vào hỗn loạn, sẽ đều có những con người mong muốn đánh thức lương tri của xã hội. Những con người đó thông thường sẽ khiến người đời khó mà hoàn toàn liễu giải, thậm chí bởi vì đạo đức sa đọa nên người đời sẽ chửi bới họ, đánh đập họ, thậm chí tìm cách bức hại, giết chết họ. Tuy nhiên chính những con người dù chết vẫn không từ bỏ đức tin ấy, dù là xưa hay nay, cũng đều là hy vọng của xã hội nhân loại. Điều này không chỉ đã từng có tham chiếu ở phương Tây, mà ở phương Đông, sau khi Phật Thích Ca niết bàn thì có những đệ tử của ông cũng tử vì đạo như thế.


Quang Minh

 

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art