Chủ Nhật, 06 Tháng Sáu, 2021

Kỵ mã độc hành trên cao nguyên đá Đồng Văn

HÀ GIANG, Việt Nam (NV) – Một diễn viên múa tài hoa, yêu đất, yêu người đã trụ lại cao nguyên đá Đồng Văn, say sưa sống hết mình để bảo tồn, phát triển, giới thiệu văn hóa vùng cao theo phong cách hồn hậu hoang sơ.

Kỵ mã độc hành trên cao nguyên đá Đồng Văn - 1
Trẻ em vui chơi hồn nhiên trên cánh đồng tam giác mạch. (Hình: Lê Vũ Anh Thư)
 

Ban ngày, nhà lồng chợ Đồng Văn do người Pháp xây trên 100 năm vẫn kiên cố và dáng dấp khá đẹp hình chữ U vắng đến hoang vu không một bóng người. Nhưng giữa bóng đêm lạnh lẽo bỗng có ánh lửa bập bùng và tiếng sáo Mèo ngân nga trong vắt như mật ngọt hút người ta tụ về.

Bếp lửa thắng cố ấm đêm chợ cổ

Hóa ra bếp lửa ấm ấy là nồi thắng cố (món đặc sản vùng cao Cực Bắc) của Lê Hải Yến, tiếng sáo Mèo là của Ngô Thế Ngọc, cô gái ngồi chào mời thắng cố là Linh – vợ Yến. Tất cả các bạn đều là diễn viên của đội văn nghệ thuộc Trung Tâm Văn Hóa Đồng Văn, những hạt nhân của chương trình văn nghệ “Đêm Trăng Phố Cổ” tổ chức vào đêm rằm mỗi tháng như là đặc sản văn hóa phục vụ du khách.

Kỵ mã độc hành trên cao nguyên đá Đồng Văn - 2
Anh Lê Hải Yến (trái) và ông Yasushi Ogura (giữa), những người tâm huyết giữ gìn văn hóa Đồng Văn, trong cơ sở homestay ở Lũng Cú. (Hình: Lê Vũ Anh Thư)


Chính Lê Hải Yến đã có sáng kiến tổ chức nồi thắng cố trong nhà lồng chợ vào mỗi đêm cuối tuần. Cái cách buôn bán của các bạn thật hồn hậu dễ thương. Không cần nói đến giá cả, cứ múc hàng ra đĩa mời khách dùng thử. Không chỉ mời ăn, còn mời cả rượu. Bao nhiêu chén đĩa được lôi ra hết, không đủ mỗi người một cái thì chuyền tay nhau. Câu chuyện cứ giòn tan như tiếng lửa nổ tung tóe.

Trong đêm lạnh, thắng cố bốc khói nghi ngút, thơm lừng, tạo ra vị ngọt từ đầu lưỡi sâu đến tận đáy lòng người khách. Men rượu ấm đậm tình người. Quả tình, cách làm của các bạn không phải để kiếm tiền mà thật sự chuyển đến du khách tình nồng nàn, hương vị độc đáo của không gian văn hóa vùng cao.

Kỵ mã độc hành trên cao nguyên đá Đồng Văn - 3
Ông Yasushi Ogura (bìa trái) và anh Lê Hải Yến (bìa phải) cùng nhóm du khách nước ngoài. (Hình: Lê Vũ Anh Thư)


Ngày hôm sau, tại chợ phiên, tôi lại gặp Yến, Linh với nồi thắng cố miễn phí phục vụ đồng bào. Buổi sáng Đồng Văn lạnh buốt mà hai bạn đều mướt mồ hôi, thoăn thoắt múc hàng, quanh đấy đồng bào sắp hàng chờ từng lớp. Hai bạn nhận ra tôi người khách mới quen, tươi cười làm dấu chào và ưu ái dúi cho một dĩa thắng cố. Đêm ấy, tôi lại gặp các bạn trong hóa thân khác rực rỡ sắc màu y phục thổ cẩm và thanh thoát những điệu múa dân tộc.

Kỵ sĩ độc hành về không gian cổ

Tôi trở lại Đồng Văn đúng vào mùa tam giác mạch, năm 2015. Đồng Văn đã thay đổi khá nhiều. Phố cổ còn đó nhưng nhà lồng chợ đã thay ngói mới. Hàng quán mọc lên san sát, ghế nhựa ghế mây, nhạc từ các loa điện tử vang ầm ầm tức ngực. Trong bộn bề ấy, tôi ngơ ngẩn tiếc khoảng không ấm cúng của nồi thắng cố. Tôi hỏi thăm và gọi điện thoại hú họa cho Lê Hải Yến, bất ngờ Yến nhận ra và vẫn với giọng sôi nổi ấm tình, Yến mời tôi đến nhà như mời gọi người thân thiết.

Kỵ mã độc hành trên cao nguyên đá Đồng Văn - 4
Anh Lê Hải Yến và chú ngựa độc nhất trên thị trấn Đồng Văn. (Hình: Lê Vũ Anh Thư)


Nhà Yến nằm trên trục đường chính vào Đồng Văn, nhỏ nhắn xinh xinh và thú vị là trên tường nhà treo lủng lẳng đủ cả bộ dụng cụ săn bắn, gieo trồng của đồng bào dân tộc. Trang trọng nhất là nắp nồi thắng cố đan bằng mây của ngày nào.

Bất ngờ hơn nữa, Yến đã chuẩn bị đãi tôi nồi cháo ấu tẩu, một đặc sản khác của Hà Giang. Vừa múc sớt cháo cho tôi, Yến vừa giải thích cái tinh túy của món ăn này không chỉ ở nguyên vật liệu là từ nếp nương, heo mọi, rau rừng, ấu tẩu mà cả từ cách ăn. Phải bắt đầu từ ấu tẩu để vị đắng của nó thấm qua đầu lưỡi và tôn lên vị ngọt cho các nguyên liệu khác. Càng nói chuyện tôi càng bất ngờ nhận ra kiến thức, cảm nhận của Yến về núi rừng, tập quán của người dân tộc như dày hơn số tuổi và năm tháng Yến sống ở đây. Nói đến dân tộc H’Mông, Yến nhắc đến lịch sử phát triển và tàn lụi lâu đời của họ từ bên kia dãy Thập Đại Vạn Sơn.

Kỵ mã độc hành trên cao nguyên đá Đồng Văn - 5
Anh Ngô Thế Ngọc thổi sáo bên bếp lửa nấu thắng cố trong chợ cổ Đồng Văn. (Hình: Lê Vũ Anh Thư)


Nhắc đến Lễ Hội Hoa Tam Giác Mạch do tỉnh tổ chức khá lộng lẫy để quảng bá cho du lịch, Yến bùi ngùi hạ giọng cho biết là các nhà làm kế hoạch chỉ biết du lịch mà không biết nông lịch. Người ta ấn định ngày xuống giống cho phù hợp lễ hội vui chơi mà không chú ý đến lịch thời tiết, khí hậu phù hợp của loại cây cho từng vùng đất.

Với người dân tộc ở Hà Giang, tam giác mạch không trồng làm cảnh mà là vụ lương thực thứ ba sau lúa và ngô. Nó không thể tốt trong mọi điều kiện thời tiết và không thể trồng đồng loạt trên mọi nương mà tùy theo độ ẩm độ cao của từng vùng. Khiên cưỡng về thời gian mùa vụ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất và cái ăn của đồng bào.

Kỵ mã độc hành trên cao nguyên đá Đồng Văn - 6
Một góc trong nhà của anh Lê Hải Yến. (Hình: Lê Vũ Anh Thư)


Nhận xét của Yến làm tôi nhớ đến Lễ Hội Hoa Anh Đào của người Nhật. Đó là lễ hội quốc gia nhưng thời gian và thẩm quyền công bố không phải do nhà nước mà từ ban tổ chức lễ hội cũng chính là cơ quan dự báo thời tiết. Dù khoa học phát triển đến như vậy nhưng người Nhật không áp đặt thiên nhiên theo ý muốn của mình mà phải thuận theo ý thiên nhiên.

Khi tôi nhắc cảm giác thất vọng trước sự xô bồ buôn bán trong chợ cổ Đồng Văn, Yến thở dài chỉ ra thêm nhiều điều đáng tiếc. Người ta đã bỏ ra hàng tỷ đồng làm mới mái ngói khu chợ dù nó chẳng tội tình gì. Người ta cũng bỏ ra hàng tỷ đồng để phá vỡ, xây mới những ngôi nhà cổ trên trăm năm và gọi đó là bảo tồn di tích. Những dấu vết cổ kính đang dần bị các dự án bảo tồn kiểu này xóa đi. Một công trình nổi tiếng là khu “Nhà của Pao” sau khi được quay phim biến thành điểm đến du lịch đã bị bảo tồn xây mới một nửa khu nhà…

 

Kỵ mã độc hành trên cao nguyên đá Đồng Văn - 7
Một góc chợ cổ Đồng Văn. (Hình: Lê Vũ Anh Thư)


Nhắc đến nồi thắng cố, mắt Yến như sáng lên khát vọng, ước mơ làm sống dậy không gian ngày ấy. Yến cũng chỉ ra cho tôi thấy mô hình của quán cà phê Phố Cổ là điểm sáng le lói của cung cách bảo tồn văn hóa đúng hướng.

Ngôi nhà hai tầng vách đất, sàn gỗ được duy tu, bảo quản đúng phong cách cổ. Khách vào quán phải để giày dép dưới chân cầu thang. Đèn, âm thanh luôn giữ ở mức lung linh êm dịu. Rất tiếc mô hình như vậy quá ít và không ai nâng đỡ.

Ngược lại những dự án đầu tư lớn lao như xây dựng làng văn hóa dân tộc thực chất chỉ là đầu tư một ít vào đường sá vật chất để thu phí rồi bỏ mặc. Người dân tộc trong làng buộc phải vòi tiền du khách để làm mẫu chụp hình hay mặc những bộ quần áo đẹp. Điều đáng sợ là với cung cách phát triển thiển cận ấy, phố cổ Đồng Văn rồi cũng sẽ như Sa Pa biến dạng méo mó xô bồ.

Kỵ mã độc hành trên cao nguyên đá Đồng Văn - 8
Một bữa ăn tại một cơ sở homestay. (Hình: Lê Vũ Anh Thư)


Hỗ trợ bà con dân tộc làm du lịch homestay

Trong giọng nói nghèn nghẹn và trong ánh mắt u uất của Lê Hải Yến như âm ỉ quyết tâm, khát vọng làm điều gì đó. Yến khoe với tôi một chú ngựa con đang nuôi ở sau nhà như một niềm tự hào dù nó không làm ra chút lợi lạc nào, dù Yến không phải là đại gia để chơi thú cưng loại “khủng” hay là vua Mèo để cưỡi ngựa thể hiện vương quyền. Tôi hiểu, Yến muốn lưu giữ hình ảnh, sinh hoạt hào hùng của cao nguyên đá một thời lịch sử.

Một năm qua, nhờ thông tin Facebook, tôi vỡ ra Yến đã từng bước làm được điều mong muốn: xây dựng mô hình du lịch homestay cho đồng bào dân tộc. Yến đã đầu tư hỗ trợ vốn cho các gia đình người dân tộc chăn nuôi có thêm thu nhập. Giúp đỡ, huấn luyện họ sửa sang nhà cửa bảo đảm các yếu tố vệ sinh, tiện nghi tối thiểu và vẫn giữ được không gian sinh hoạt đặc trưng của gia đình để đón khách.

Kỵ mã độc hành trên cao nguyên đá Đồng Văn - 9
Đường vào một cơ sở homestay và quán Cà Phê Cực Bắc ở Lũng Cú của ông Yasushi Ogura. (Hình: Lê Vũ Anh Thư)


Yến chia sẻ với họ quan niệm của mình là đón khách không chỉ thu tiền mà là giới thiệu với khách cảnh đẹp, cách sống tốt của dân mình. Yến bảo: “Mình không có tiền đi ra nước ngoài nhưng chính những người khách sẽ giới thiệu mình ra cộng đồng thế giới.”

Đến nay, Yến đã xây dựng được 10 cơ sở homestay của đồng bào ba dân tộc Dao, H’Mông, Dẽ rải rác từ Quảng Bạ đến Đồng Văn. Chi phí ở trọ mỗi đêm chỉ 70,000 đồng (khoảng $3) mỗi khách, nếu thêm phần ăn hai buổi sáng chiều chỉ có 200,000 đồng (khoảng $9). Nếu gia đình có sinh hoạt nương rẫy và khách có nhu cầu tham gia thì đều miễn phí. Tất cả khoản thu này chủ homestay hưởng trọn, Yến chỉ thu tiền công hướng dẫn thăm viếng, thuyết minh.

May mắn thay, Yến không cô độc. Một thanh niên cùng chí hướng, giỏi ngoại ngữ, từ miền Trung đã ra Đồng Văn hợp tác với Yến để giao tiếp, phiên dịch với khách nước ngoài. Đặc biệt, ông Yasushi Ogura (63 tuổi), một người Nhật yêu mến Đồng Văn thường xuyên sống ở đây, cũng chia sẻ hỗ trợ Yến thực hiện mô hình này. Yến đã lập công ty Du Lịch Cao Nguyên Đá Hà Giang – CND Travel – và tạo trang Facebook cùng địa chỉ này để giới thiệu với khách gần xa.

Kỵ mã độc hành trên cao nguyên đá Đồng Văn - 10
Rực rỡ sắc màu y phục thổ cẩm và thanh thoát những điệu múa dân tộc. (Hình: Lê Vũ Anh Thư)


Với con đường và cách đi của mình, Lê Hải Yến quả là kỵ mã độc hành trên cao nguyên đá. Hiện Yến cùng ông Yasushi Ogura thường xuyên đi thăm, kiểm tra hoạt động homestay trong bản Lô Lô Chải xã Lũng Cú, bản Thiên Hương thị xã Đồng Văn. Cả hai say sưa miệt mài hỗ trợ các gia đình đồng bào dân tộc.

Qua điện thoại ông Yasushi Ogura chia sẻ mong ước của ông bằng giọng nói tiếng Việt lơ lớ: “Đồng Văn đang phát triển nhưng với cách phát triển như thế thì văn hóa truyền thống đang dần mai một. Công việc của chúng tôi là hỗ trợ đồng bào dân tộc làm du lịch và giữ cho văn hóa không mai một!”

Lê Hải Yến nói lên mong muốn của mình: “Trước hết phải giúp cho người dân không còn phải lo lắng về cái ăn cái mặc để họ hồn nhiên đón và giao tiếp với khách bằng tấm lòng nồng hậu của mình.”


Lê Vũ Anh Thư

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art