Ngưng sản xuất từ năm 1979, tưởng đâu dầu cù là Mac Phsu bị khai tử trên thị trường kể từ đó. nào ngờ vẫn còn hai phụ nữ là hậu duệ của dòng dõi hoàng tộc Myanmar tại Việt Nam, đang âm thầm gầy dựng lại sự nghiệp của cha ông. Họ là hai chị em bà Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng, hiện đều ở ngưỡng tuổi 70.
Lừng danh thiên hạ đúng lời… thầy bói
Bây giờ, nhắc đến dầu cù là Mac Phsu, những người miền Nam ở tầm tuổi 50 trở lên hầu như không ai không biết. Nó cùng thời với dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín và dầu gió Nhị Thiên Đường nhưng không có đối thủ ở loại dầu cao. Thậm chí từ thương hiệu dầu cù là Mac Phsu, người ta quen gọi “dầu cù là” để chỉ tất cả loại dầu cao, kể cả dầu được sản xuất bên Tàu.
Sở dĩ dầu cù là Mac Phsu được ưa chuộng là bởi công dụng trị bá bệnh của nó, từ chóng mặt, nhức đầu, ho, cảm, sổ mũi đến nhức mỏi tay chân, bị thương tích chảy máu, bị côn trùng cắn hay bị muỗi đốt… Đặc biệt không như nhiều loại dầu cù là khác sử dụng chất salicylate làm cho dầu thơm nhưng độc, khiến dầu nóng hỗn và gây ngộ độc nếu uống, dầu cù là Mac Phsu chỉ gồm các tá dược tinh túy, đặc biệt tinh dầu khuynh diệp nhập về từ Bồ Đào Nha nên ai nhức răng, đau bụng uống vào thì an toàn và hết chứng bệnh ngay.
Bà Lê Kim Nga nhớ lại những năm 1960, gia đình bà ở Sài Gòn nấu dầu mệt nghỉ mà không đủ bán. Gần trăm công nhân chia nhau làm liên tục ba ca cho ra 8.000 chai dầu mỗi ngày mà ngoài cửa, các chủ đại lý đứng xếp hàng chờ để phân phối khắp từ Cà Mau ra đến Huế.
Dầu cù là với thương hiệu Mac Phsu lừng danh đúng như chuyện kể, hồi còn ở Phnom Penh, một hôm bà Mac Phsu đi ngang qua một ngôi chùa. Có bà thầy bói ngồi dưới gốc cây bồ đề cổ thụ đã ngoắc tay gọi bà Mac Phsu và phán: Sau này tên của bà sẽ được nổi tiếng khắp nơi.
Hai thương hiệu nổi tiếng học chung một ông thầy
Theo lời kể của bà Lê Kim Nga, gốc gác dầu cù là Mac Phsu của gia đình bà bắt nguồn từ một câu chuyện khá ly kỳ. Đó là năm 1930, thuở gia đình còn sống ở Phnom Penh, ông Thong Ong Zan, tức ông ngoại của bà Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng, dựa trên nền tảng công thức nấu dầu cù là của hoàng gia Myanmar nhà vợ, đã khăn gói sang Singapore học thêm kỹ thuật nấu. Tại xứ người, ông Thong Ong Zan cùng một người đàn ông người Singapore lai Myanmar thọ giáo một bác sĩ người Anh tên Basythin.
Tìm hiểu hai chữ “cù là”
Bên cạnh các loại dầu gió chủ trị cảm mạo, dầu cù là cũng được dân chúng khắp nơi sử dụng một cách phổ biến, nhất là dùng để bôi ngoài da cho ấm cổ, ấm bụng hoặc bỏ một chút vào nồi nước xông mỗi khi trái gió trở trời. Thuở trước, dầu cù là Mac Pshu và dầu cù là hiệu Ông Tiên (của nhà thuốc Ông Tiên), dầu cù là hiệu Con Cọp luôn được người dân giữ một vài lọ trong nhà. Đây là ba loại dầu cao làm ra từ các loại thảo dược như bạc hà, quế, khuynh diệp, tràm, long não…
Dầu cù là hiệu Con Cọp ít được nghe nhắc đến trên thương trường bởi sự áp đảo quảng cáo của dầu cù là Mac Phsu và dầu cù là hiệu Ông Tiên. Tuy vậy, nó được sử dụng phổ biến nhiều nhất ở vùng Chợ Lớn bởi chủ nhân sản xuất là ông Ông Tích – một đại thương gia người Hoa đến định cư ở đất Sài Gòn (sau gọi là Chợ Lớn) từ cuối thế kỷ 19.
Ông Tích còn có cả một cơ nghiệp làm ăn theo kiểu gia tộc cùng với các con của mình là Ông Nghiệp Hùng, Ông Nghiệp Sơ, Ông Nghiệp Kỳ quản lý cả một ngân hàng, xây cất nhà cho thuê, nhà máy dệt, công ty vận tải đường bộ và đường thuỷ, xuất nhập cảng hàng hoá, xưởng đóng tàu, công ty bốc dỡ hàng hoá ở thương cảng Sài Gòn.
Dầu Mac Phsu, dầu Con Cọp và Ông Tiên trong Ðông dược gọi là dầu cao, một loại dầu mỡ sệt đặc. Và kể từ khi bà Daw Phyu làm ra loại dầu cao bán ra thị trường, người Việt mình gọi là dầu cù là. Từ đó, dầu cù là trở thành tên gọi thông dụng dành cho các loại thuốc cao xức ngoài da. Hồi nhỏ, bọn con nít chúng tôi thường hay nghêu ngao: “Bòn bon, si-cu-la, sữa hột gà, dầu cù là Mac Phsu” hoặc có đứa còn đọc thơ quảng cáo “Dầu cù là hiệu Ông Tiên / Xức vô chót mũi nổi điên tức thời”.
Bà Daw Phyu là con gái của hoàng tử Miến Ðiện Myingun lưu vong sang Sài Gòn khi xảy ra chính biến trong triều đình Miến Ðiện ở Mandalay. Ông lưu vong và sống tại Sài Gòn được 32 năm (mất năm 1921). Theo nhà khảo cứu Nguyễn Ðức Hiệp, “Niên giám Ðông Dương 1908, Myingun có địa chỉ ở đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng ngày nay) “128. M. Mingonn, prince de Birmanie”. Nhưng niên giám 1909 không thấy tên và niên giám 1910 cũng trên đường Paul Blanchy nhưng ở số “142. Th. J Myngoon, prince de Birmanie fils”. Niên giám 1911 cho biết Myingun trú ngụ ở số 90 đường Legrand de la Liraye (nay là đường Ðiện Biên Phủ) “90. rue Legrand de la Liraye, Myngoon, prince de Birmanie”). Niên giám 1912 thì lại ghi là ở số 192 trên cùng đường”.
Người Pháp tạm thời cho hoàng tử Myingun tị nạn trong lúc tìm cơ hội có thể dùng ông được.
Ngoài việc cho ông hoàng Miến Ðiện Myingun cư trú ở Sài Gòn, người Pháp cũng đã cung cấp cho ông một số tiền để sinh sống. Có thể các địa chỉ trên là các chỗ của gia đình ông và con cháu của ông ở Sài Gòn. Myingun Min có 3 người vợ, trong đó có một bà là người Việt. Không rõ bà Daw Phyu là con của người vợ nào (Miến Ðiện hay Việt Nam) của hoàng tử lưu vong Myingun.
Nhà văn Sơn Nam có viết một truyện ký Xóm Cù Là ở Rạch Giá trong bối cảnh thập niên 1930 của thế kỷ trước: “Dân trong xóm sống vui vẻ tập trung tại Ngã Tư, nơi gặp gỡ tự nhiên của hai con rạch cong queo và dùng đến ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Miên, tiếng Triều Châu. Các vị bô lão cho biết, xưa kia vài người mộ đạo đã cất ngôi chùa tại ngã tư. Một vị tướng nhà Nguyễn có tá túc tại chùa, dâng cho chùa một tượng Phật nhỏ thỉnh từ xứ Cù Là trong lúc bôn ba hải ngoại. Các vị bô lão còn nói rõ, gọi là Cồ Là mới đúng. Cồ Là chỉ xứ Miến Ðiện giáp ranh Xiêm La…”.
Chính vì hai chữ “Cù Là”, cách nay hơn ba mươi năm, tôi phải cất công đi về phương Nam để tìm hiểu tận tường. Ðịa danh Cù Là hiện nay bao gồm ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Hòa Hiệp, một góc khu phố Minh Phú và một góc khu phố Minh Lạc của thị trấn Minh Lương với địa hình của một ngã ba sông thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Có lẽ thuở ông Sơn Nam viết chuyện Xóm Cù Là khi ấy còn là Ngã Tư của hai con rạch, sau đó mở rộng thành sông. Nơi đây có một làng nghề chuyên làm cối xay lúa bằng gỗ, người dân địa phương còn gọi là xóm cối Cù Là. Cối xay lúa truyền thống bằng gỗ kiểu này đã xuất hiện trên trăm năm. Hình dạng lạ lẫm so với các cối xay lúa có mặt tại vùng Nam bộ. Tìm hiểu thêm từ các vị bô lão vì sao có tên là xóm Cù Là, các vị cho biết từ đời cha ông đã nghe hai tiếng “Cù Là”. Có vị cho rằng, do hồi xưa thuở cuối thế kỷ 19, lúc hoàng tử Myingun lưu vong, được người Pháp giúp đỡ chu cấp tiền bạc cho ông sinh sống ở Sài Gòn. Và cũng vào thời gian sau đó, có một nhóm người Cù Là (Miến Ðiện) cũng lánh nạn di cư sang Việt Nam, định cư ở làng Vĩnh Hoà Hiệp làm nghề nông và buôn bán nhỏ để sinh sống. Có thể, từ đó mà có tên là xóm Cù Là.
Cối xay lúa truyền thống bằng gỗ tại xứ này nức tiếng nhất là vào giai đoạn chín năm kháng chiến khi người Pháp bao vây kinh tế và giai đoạn sau năm 1975, cuộc sống của người nông dân gặp nhiều khó khăn không thể sử dụng máy xay lúa bằng điện. Có khoảng mấy chục gia đình chuyên làm cối xay lúa bằng gỗ đi bán quanh vùng Miệt Thứ, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang… nên nơi đây lại có thêm một tên mới là xóm cối Cù Là.
Xét hai chữ “cù là” có nguồn gốc từ những người Miến Ðiện chạy sang miền Nam Việt Nam lánh nạn dần định cư sinh sống và chiếc cối xay lúa phần nào là kiểu cối truyền thống của người nông dân Miến Ðiện ngày xưa chăng?
Trở lại chuyện dầu cù là. Dầu cù là Mac Phsu của bà Daw Phyu bắt đầu nổi tiếng từ thập niên 1950 được dân chúng khắp nơi yêu chuộng.
Khắp nơi ở Sài Gòn, đâu đâu người ta cũng có thể nhìn thấy bảng quảng cáo to treo quanh các chợ và các đại lý bán thuốc Ðông y.
Bài viết của ông Nguyễn Ðức Hiệp ghi nhận, bà Daw Phyu là một thương gia có thế lực ở Việt Nam và rất giàu có. Bà lập gia đình với một người Việt Nam và có đầy đủ con cháu nội ngoại. Bà sản xuất, phân phối và buôn bán dầu trị bệnh. Cũng giống như dầu “Tiger Balm” nổi tiếng ở Miến Ðiện, dầu (cù là Mac Phsu) của bà Daw Phyu được ưa chuộng ở khắp Ðông Dương. Dầu “Tiger Balm” có màu đỏ, trong khi đó dầu của bà Daw Phyu ở Ðông Dương có màu xanh lá cây.
Tổng đại lý của dầu cù là Mac Phsu tại Sài Gòn trước đây nằm trên đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi, quận nhất), gần Nhà thờ Huyện Sĩ, cách cổng xe lửa (nay đã bỏ) chỉ có mấy căn phố. Phía sau lưng nó nay là đường Phạm Ngũ Lão, ngó qua chợ Thái Bình. Dầu cù là Mac Phsu được quảng cáo khắp nơi ở miền Nam Việt Nam trên báo chí, biển quảng cáo ở các chợ (như chợ An Ðông, chợ Thái Bình …), ở các hiệu buôn, hiệu thuốc. Dầu của bà Daw Phyu được quảng cáo là dầu cù là, dầu gió hay dầu bạc hà chữa trị “tứ thời cảm mạo”.
Bà Daw Phyu mỗi lần đi quảng cáo dầu cù là, có lúc lại dẫn theo một con voi, con voi này sau được giao cho thảo cầm viên sở thú Saigon. Tên con voi là Xà Kum.
Bản thân bà Daw Phyu cũng là một Phật tử mộ đạo và là người con có hiếu. Cũng theo Nguyễn Ðức Hiệp, khi nghe tin thượng tọa Sayadaw từ Miến Ðiện đến Cam Bốt, bà Daw Phyu đã thân hành đi đến Phnom Penh để gặp Ngài và đài thọ mọi chi phí mời Ngài đến Sài Gòn. Từ Cam Bốt, thượng tọa Sayadaw và các thân tín tháp tùng bằng máy bay đến Sài Gòn làm lễ đọc kinh Paritta (kinh đọc dùng để xua đuổi ác tà và xua tan bệnh tật, được công quả) sau khi đã trân trọng ban phát “của Tam Bảo” hay các đồ vật tôn giáo tại mộ của cha bà là vị hoàng tử quá cố Myingun (như theo phong tục của phật tử Miến Ðiện ở lễ chôn cất).
Sau năm 1975, công ty sản xuất dầu Mac-Phsu không còn hoạt động, bà Daw Phyu và đa số con cháu đã đi định cư ở nước ngoài. Dầu cù là Mac-Phsu nay chỉ còn trong ký ức của những người Sài Gòn cũ.