Thứ Hai, 05 Tháng Mười, 2020

Hồ Con Rùa qua các thời kỳ lịch sử

Có rất nhiều giai thoại truyền miệng về hồ Con Rùa, không ít mang màu sắc tâm linh, phong thủy huyền bí.

Hồ Con Rùa qua các thời kỳ lịch sử - 1
Sài Gòn 1972 – Hồ Con Rùa.

 

Giai thoại được nhắc đến nhiều nhất là vào năm 1967, khi tướng Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, đã mời một thầy phong thủy người Hoa nổi tiếng đến coi thế đất tại dinh Độc Lập. Người thầy phong thủy này khen vị trí của dinh là vị trí của long mạch, trấn yểm vị trí của đầu rồng (nên còn gọi dinh Độc Lập là phủ Đầu Rồng).

Cũng theo lời thuật trên thì con rồng này đầu tại dinh Độc Lập và đuôi nằm tại vị trí Công trường Chiến sĩ. Tuy phát hưng vượng, nhưng do đuôi rồng hay vùng vẫy nên sự nghiệp không bền, vì vậy cần phải yểm bùa bằng cách đúc một con rùa lớn để trấn đuôi rồng không vùng vẫy nữa thì mới giữ được ngôi vị tổng thống lâu dài.

Cũng vì thế, mà theo một số người thì kiến trúc tháp cao giống như hình một thanh gươm (hoặc cây đinh/kim), đóng xuống hồ nước để giữ chặt đuôi rồng, và khuôn viên hồ nước có hình bát quái, bên giữa có hình âm dương.

Nguyên ban đầu, tại vị trí Hồ Con Rùa hiện nay, vào năm 1790 là vị trí cổng thành Khảm Khuyết của thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy). Về sau vua Minh Mạng đổi tên thành cửa Vọng Khuyết. Tuy nhiên sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835) thì vào năm 1837, nhà vua đã cho phá thành Bát Quái và xây dựng một ngôi thành nhỏ hơn mang tên là thành Phụng. Vị trị cửa Khảm Khuyết trở thành một điểm ở ngoài thành.

Hồ Con Rùa qua các thời kỳ lịch sử - 2
Ảnh: bản vẽ hoạ thành Quy-Gia Định, cửa Khảm Khuyết nằm ở góc trái trên cùng.

 

Sau khi người Pháp chiếm được thành Gia Định (là tên chính thức của thành Phụng), họ đã cho san bằng ngôi thành này vào ngày 8 tháng 3 năm 1859. Vào năm 1878, người Pháp cho xây dựng một tháp nước tại vị trí Hồ Con Rùa ngày nay để cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng. Tháp nước cao 20 m, có dung tích 100 m3, xây dựng hoàn thành năm 1880.

Hồ Con Rùa qua các thời kỳ lịch sử - 3
Ảnh: Tháp nước ở vị trí vòng xoay Hồ con Rùa ngày nay.

 

Đến năm 1921 thì tháp nước bị phá bỏ do không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu cung cấp nước nữa. Tại vị trí này, người Pháp đã cho xây dựng một tượng đài ba binh sĩ Pháp bằng đồng với hồ nước nhỏ, để đánh dấu cuộc xâm chiếm và biểu tượng của việc người Pháp làm chủ Đông Dương. Do đó người địa phương thường gọi nó là Công trường Ba hình.

Hồ Con Rùa qua các thời kỳ lịch sử - 4
Ảnh: Tượng Đài chiến sĩ trận vong Thế chiến thứ nhất – Công trường Ba Hình.

 

Các tượng đài này tồn tại đến năm 1964 thì bị Chính phủ Việt Nam Cộng hòa phá bỏ, chỉ còn lại hồ nước nhỏ. Giao lộ cũng được đổi tên thành Công trường Chiến sĩ.

Hồ Con Rùa qua các thời kỳ lịch sử - 5
Ảnh: Tượng ở Công trường Chiến sĩ bị giật đổ.

 

Thời điểm xây dựng kiến trúc hồ Con Rùa ngày nay chưa được xác định chính xác. Một số tài liệu cho là nó được xây dựng vào năm 1965, vài tài liệu khác thì cho là 1967. Người thiết kế Hồ con Rùa là kiến trúc sư Nguyễn Kỳ. Mẫu thiết kế của ông được chọn trong cuộc thi tìm quy hoạch mới cho địa danh này (Nguyễn Kỳ nay sống tại Sydney, Australia).

 
Hồ Con Rùa qua các thời kỳ lịch sử - 6
Ảnh: Hồ Con Rùa năm 1972

 

Có 1 công trình xây dựng tại vòng xoay hồ Con Rùa là Đài kỷ niệm Viện trợ Quốc tế cho Việt Nam Cộng Hòa tức miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Tháp cao nhất ở giữa nhìn như một bông hoa chính là hình ảnh cách điệu của những bàn tay đón nhận viện trợ. Bia trên lưng rùa một mặt thì khắc câu tri ân các quốc gia đã viện trợ, một mặt khắc tên tất cả các quốc gia này. Con rùa này trông như được đúc bằng đồng nhưng thật ra nó được làm bằng lá đồng mỏng, ốp trên khung sườn bằng thép góc và thép lá, vì vậy không tốn kém mấy về vật liệu và dễ thực hiện.

Hồ Con Rùa qua các thời kỳ lịch sử - 7

Tại sao Hồ Con Rùa lại mất đi con rùa? Vào đầu năm 1976 (hay 1978), tấm bia và con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ, tuy con rùa không còn nhưng người dân vẫn quen gọi là Hồ Con Rùa, thay cho tên gọi chính thức.

Xung quanh chuyện này có 3 thuyết. Thuyết thứ nhất cho là một nhóm người phản đối chính quyền đã đặt bom phá hủy con rùa, chính quyền bấy giờ nói họ có mục đích “giải thoát cho đuôi rồng để nó phá chính quyền mới”.

Thuyết thứ hai thì cho rằng con rùa được phá bởi chính quyền mới cho phá, vì tấm bia trên lưng con rùa mang tên những nước đã viện trợ chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Để lại con rùa như một sự thừa nhận công lao của các nước trên.

Hồ Con Rùa qua các thời kỳ lịch sử - 8
Ảnh: Bia trên lưng Rùa khắc tên các quốc gia viện trợ

 

Còn thuyết cuối cùng thì không thuyết phục lắm. Đó là con rùa đã bị phá để bán ve chai.

Xung quanh hồ Con Rùa là nhiều câu chuyện kỳ lạ mà tới thời nay vẫn chưa giải đáp được. Dù gì đi nữa thì hồ Con Rùa là điểm đến rất được ưa thích. Vòng xoay này vốn dĩ là điểm giao nhau của những con đường nhỏ, tồn tại từ lâu đời quanh năm, ít khói bụi vì có những hàng cây xanh hai bên đường. Vào buổi sáng hay chiều mát, nơi đây là điểm dừng chân hóng gió, ngắm phố phường yêu thích của nhiều bạn trẻ và người dân thành phố Sài Gòn.

Dựa theo ảnh và bài viết cùng tên trên trang Ảnh Xưa (Anhxua.com)
Độc giả quan tâm tới ảnh Việt Nam xưa mời ghé thăm trang

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art