Thứ Hai, 22 Tháng Sáu, 2020

Thiếu nữ Pháp gốc Việt bị bỏ rơi kiên trì tìm mẹ ruột

Thiếu nữ Pháp gốc Việt bị bỏ rơi kiên trì tìm mẹ ruột - 1

Cuộc hội ngộ của Mai-anh với người vú năm xưa đăng trên báo Midi Libre (Pháp) vào cuối Tháng Năm vừa qua. (Hình: Thanh Niên)

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mai-anh Guillou, 21 tuổi, người Pháp gốc Việt liên tục đăng tin nhờ mạng xã hội tìm giúp mẹ ruột, người đã bỏ đi sau khi sinh cô ở bệnh viện Từ Dũ, quận 1, hồi năm 1999.

Theo báo Thanh Niên, hơn một năm qua cộng đồng mạng xã hội rất cảm phục trước sự kiên trì của cô Mai-anh Guillou, và liên tục chia sẻ các thông tin từ cô, hy vọng sẽ có một cuộc đoàn tụ trong tương lai gần.

“Tôi có tên khai sinh là Trần Thị Tuyết Anh, sinh ngày 23 Tháng Năm, 1999. Tôi được chuyển đến Trung Tâm Trẻ Mồ Côi Gò Vấp, và được nhận nuôi lúc ba tuần tuổi. Mẹ tôi đã bỏ rơi tôi năm bà 42 tuổi, tên của bà trong giấy tờ ở bệnh viện là Trần Thị Hiền.” Đó là một phần bài viết mà Mai-anh Guillou, đang sống ở Montpellier (Pháp) nhờ những người bạn Việt Nam dịch sang tiếng Việt để gửi đến các trang mạng xã hội.
 

Mai-anh bắt đầu cuộc tìm kiếm mẹ ruột bằng mạng xã hội với những tấm ảnh kỷ niệm mà mẹ nuôi người Pháp (đã qua đời) của cô để lại, cùng sự ủng hộ của cha nuôi người Pháp.

Nóng lòng, hồi Tháng Giêng vừa qua, cô quyết định một mình trở về quê hương trong hai tuần để “lội ngược thời gian” tìm đến những nơi cô từng có mặt vào năm 1999. Song, Mai-anh cho biết cô không đặt kỳ vọng to lớn cho chuyến đi này bởi vì “điều quan trọng với tôi không chỉ là tìm mẹ mà còn tìm hiểu nguồn cội, xuất thân.”

Dù thông tin về mẹ ruột vẫn mơ hồ nhưng Mai-anh đã đón nhận sự bất ngờ khi đến thăm Trung Tâm Trẻ Mồ Côi Gò Vấp. Với sự giúp đỡ của những người bạn quen qua mạng xã hội Facebook, cô đã tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Lắm (78 tuổi, ở phường 14, quận Gò Vấp), người vú nuôi làm việc tại trung tâm ở thời điểm cha mẹ Pháp nhận nuôi cô.

Cầm trên tay tấm ảnh bà Lắm bồng mình lúc mới vài tuần tuổi, Mai-anh kể với phóng viên báo Thanh Niên: “Tôi không tin vào mắt mình. Tôi có nhận ra bà. Bà không khác gì mấy so với trong ảnh.”

Thiếu nữ Pháp gốc Việt bị bỏ rơi kiên trì tìm mẹ ruột - 2
Mẹ nuôi người Pháp gặp Mai-anh lần đầu tại Trung Tâm Trẻ Mồ Côi Gò Vấp, hồi năm 1999. (Hình: Thanh Niên)


Cuộc hội ngộ với thiếu nữ Pháp gốc Việt như là một niềm khích lệ lớn lao để chờ đến ngày được gặp mẹ ruột. “Tôi không oán giận mẹ. Tôi nghĩ bà làm vậy là vì tôi. Dù sao đi nữa, tôi vẫn yêu bà. Nếu được gặp lại mẹ, chắc chắn đó sẽ khoảnh khắc đầy cảm xúc. Tôi mở trái tim mình và đón nhận mọi chuyện,” Mai-anh tâm sự.

Kể lại cuộc gặp với cô gái Pháp, bà Lắm chia sẻ: “Hồi đó nó còn bé xíu mà giờ đã lớn rồi, lại còn rất xinh đẹp. Nhìn nó mà mình thương lắm! Thấy nó có cuộc sống tốt hơn thì mình rất mừng.”Thiếu nữ Pháp gốc Việt bị bỏ rơi kiên trì tìm mẹ ruột - 3

Chia sẻ của cộng đồng mạng với Mai-anh Guillou. (Hình: Thanh Niên)


Hiện Mai-anh vừa đi làm, vừa đi học và không quên “dự án Việt Nam” mà cô “khởi động” vừa qua. Gặp những em bé tại Trung Tâm Trẻ Mồ Côi Gò Vấp, cô cảm nhận được sự thiếu thốn tình cảm của các bé và nhìn thấy mình hơn 20 năm về trước. “Tôi từng bị kỳ thị lúc nhỏ, người ta nhìn tôi với ánh mắt “Ồ, họ không phải là cha mẹ ruột của bạn! Lúc đó, với tôi thật khó khăn.”

Mai-anh đã kêu gọi quyên góp từ khi trở về Pháp với mong muốn sẽ tặng những em bé ở trung tâm này một món quà cho dịp Giáng Sinh năm nay 2020. Tuy nhiên do đang có dịch bệnh COVID-19, nên cô cho biết cô sẽ sắp xếp quay lại Việt Nam vào năm 2021.

“Tôi luôn cố gắng tìm mẹ. Nếu thất bại, tôi vẫn không bi quan. Và trên hết, tôi muốn làm gì đó cho nơi tôi sinh ra để cảm ơn cuộc đời đã cho tôi nhiều thứ. Chuyến đi Việt Nam hồi Tháng Giêng vừa rồi là một trải nghiệm tuyệt vời,” Mai-anh chia sẻ. (Tr.N)

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art