Thứ Ba, 22 Tháng Mười Một, 2022

Nguồn gốc tên gọi kẹo cu đơ

HÀ TĨNHKhi nấu lạc với mật mía cùng vỏ chanh bỏ vào bát để bán, ông Đinh Vy ở huyện Hương Sơn chưa nghĩ ra tên kẹo, cho đến khi người Pháp thưởng thức.

Chiều trung tuần tháng 9, nhóm năm cụ ông, bà hơn 70 tuổi trong dịp về thăm quê đã đến nhà cũ của ông Đinh Vy ở thôn Tiến Thịnh, xã Sơn Thịnh cũ, nay là xã An Hòa Thịnh, chơi. Họ ngồi trò chuyện, ôn lại ký ức rủ nhau trốn bố mẹ đi mua kẹo cu đơ thời thơ ấu.

Ông Nguyễn Văn Hùng, 65 tuổi, trú thôn Tiến Thịnh, họ hàng của ông Đinh Vy, cho biết những năm 1953, ngoài đi buôn trầu cau, thúng mủng, ông Vy, còn gọi là Cu Hai, Đinh Hai, thường lấy lạc (đậu phộng) trộn đều với vỏ chanh rồi đổ vào nồi mật mía nấu thành kẹo. Khi chín, ông đổ ra bát sứ cho nguội, lấy thìa múc ăn. Ông Vy là người đầu tiên nấu loại kẹo này ở huyện Hương Sơn, nhiều người rủ nhau đến mua ăn tại chỗ.

Các tài liệu về văn hóa, lịch sử Hà Tĩnh ghi chép kẹo cu đơ gắn liền với tên tuổi của ông Đinh Vy và vùng đất Hương Sơn. Kẹo nấu xong được đưa ra chợ quê như Gôi, Phố, Rạp... bán cho dân địa phương với giá hai đồng một bát hoặc miếng to bằng bàn tay người lớn. Vì giá hai đồng, nên mọi người gọi tên người bán kẹo Đinh Vy với tên thân thuộc là Hai cho dễ nhớ.

Thời đó, khu vực giáp ranh xã Sơn Thịnh cũ có đồn đóng quân của người Pháp, binh lính thỉnh thoảng ghé nhà ông Hai mua kẹo ăn, uống nước chè. Thấy xung quanh ai cũng nhắc tên gia chủ là Hai, họ dịch từ Hai theo tiếng Pháp thành "Deux", nghĩa là "số 2". Lâu dần, họ gọi kẹo ông Cu Hai thành "kẹo cu đơ".

Nguồn gốc tên gọi kẹo cu đơ - 1

Ông Nguyễn Văn Hùng, cháu bên ngoại ông Cu Hai, kể về nghề làm kẹo cu đơ của gia đình. Ảnh: Đức Hùng

Từng tham gia viết nhiều sách về văn hóa, ẩm thực địa phương, ông Lê Nhật Tân, nguyên Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hương Sơn, cho hay qua nghiên cứu, khẳng định kẹo cu đơ có nguồn gốc từ địa bàn và ông Đinh Vy là người đầu tiên trong huyện khởi xướng việc nấu kẹo. Những mẩu chuyện liên quan ông Hai và nguồn gốc về tên gọi của kẹo cu đơ xuất hiện trong rất nhiều tài liệu, qua thời gian thì "tam sao thất bản" song vẫn thú vị.

"Có sách viết, xưa trên địa bàn một cậu thiếu sinh quân thích ăn kẹo của ông Hai nên hay rủ bạn bè trốn trại đi mua. Vì sợ bị phát hiện, cả nhóm phải dùng mật khẩu với nhau, nói rằng đi đến nhà cu đơ, thay vì ông Hai", ông Tân kể.

Ông Nguyễn Văn Hùng kể thêm, những đứa trẻ xưa kia mê mẩn kẹo của ông Hai, thường rủ nhau đến nhà ông ngồi cả buổi xem chế biến, chờ đến khi gia chủ đổ hết nguyên liệu vào bát hoặc khuôn, cả nhóm lấy thìa vét nồi.

"Thường xuyên đến nhà ông Hai ăn kẹo, chúng tôi bị bố mẹ trông thấy rồi trách mắng. Để không bị phát hiện, mỗi lần rủ rê nhau đi vét nồi, đám trẻ thường ra ám hiệu bằng ngón tay, với hàm ý là nhắc đến ông Hai và kẹo cu đơ - tên do người Pháp đặt. Lâu dần, cách gọi của trẻ con lan sang cả người lớn, nhiều gia đình sau đó đã học theo ông Hai nấu kẹo bán mưu sinh", ông Hùng nói.

Những năm 1960 đến 1970, kẹo cu đơ bắt đầu trở thành thức quà quê nổi tiếng của huyện Hương Sơn. Người dân các địa bàn khác trong tỉnh khi đến vùng sơn cước này đã tìm hiểu và học nghề nấu kẹo, sau đó về phổ biến ở phố thị.

Nguồn gốc tên gọi kẹo cu đơ - 2

Người dân Hà Tĩnh đang làm kẹo cu đơ. Ảnh: Đậu Hà

Riêng ông Đinh Vy nấu kẹo đến năm 1965, sau già yếu mất. Vợ chồng ông Vy có 5 người con, nay không còn ai theo nghề cha, đã chuyển đến các tỉnh khác sinh sống. Là họ hàng bên ngoại với ông Vy, bố mẹ ông Hùng học nghề nấu kẹo cu đơ từ những năm 1966. Sau này lúc bố mẹ nghỉ thì ông Hùng tiếp nối để kiếm tiền trang trải, nuôi các con ăn học.

Thời xưa các bãi bồi ven sông Ngàn Phố trồng nhiều cây lạc và mía, những nguyên liệu để nấu kẹo. Vào vụ, củ lạc thu hoạch về được phơi khô, bóc hạt. Mía được chặt từng khúc đem ép lấy nước nấu mật, mật để nấu kẹo phải sáng và trong, không cặn bã.

Theo ông Hùng, khi nấu kẹo cần bỏ thêm vỏ chanh và gừng thái lát nhỏ. Gừng không nên lấy củ già quá sẽ bị xơ, củ non vị không thơm. Vỏ chanh phải lấy từ quả chín, nếu xanh sẽ bị đắng. Quá trình nấu, cần đặt nồi mật lên bếp trước, để lửa đều, bịt kín để gió không lọt vào, khi sôi thì bỏ hạt lạc vào. Lạc phải không tróc vỏ, để sống, nếu rang sẽ làm hôi dầu. Đổ lạc xong thì dùng đũa khuấy đều liên tục, cảm thấy lạc gần giòn thì bỏ vỏ chanh và gừng vào, quấy thêm vài phút rồi đưa nồi xuống. Một mẻ cu đơ mất gần một tiếng.

"Nấu kẹo cu đơ cũng là nghệ thuật, đòi hỏi người thợ phải hiểu được quá trình chế biến để tạo ra những tấm kẹo có độ dẻo của mật mía, quyện lẫn với sự giòn bùi của lạc, đan xen vị thơm của gừng và vỏ chanh", ông Hùng nói.

Nguồn gốc tên gọi kẹo cu đơ - 3

Kẹo cu đơ, nước chè xanh thường được người dân Hà Tĩnh dùng để mời khách. Ảnh: Đức Hùng

Ông Hai xưa kia đổ kẹo vào bát sứ, còn gia đình ông Hùng thường làm khuôn đổ lên lá chuối hoặc giấy, dùng dao sắc chặt ra thành từng miếng hình chữ nhật để bán. Với kẹo đổ trên giấy, khi ăn cần lấy một ít nước sôi bôi lên mặt sau để bóc lớp lót. Sau này, ông Hùng dùng bánh đa vừng để đổ kẹo, cách này tạo thêm hương vị cho kẹo bởi độ giòn của bánh đa nướng và độ thơm của vừng. Nay người dân Hà Tĩnh áp dụng cách nấu kẹo đổ vào bánh đa.

Thời trước mỗi ngày ông Hùng nấu vài trăm chiếc kẹo cu đơ. Trung bình nấu 200 cái thì cần một kg hạt lạc và hai kg mật. Nấu nhiều thì cần hai người làm, ít thì ông tự xoay xở. Từ vài đồng một bát kẹo, đến những năm 1990, cu đơ bán theo khuôn, một khuôn bốn lạng giá 2.000 đồng. Hiện giá một tấm kẹo hình tròn to bằng hai bàn tay người lớn, đổ trên bánh đa bán 10.000-16.000 đồng.

Năm ngoái, ông Hùng đã nghỉ nấu kẹo cu đơ, chuyển ra TP Vinh, Nghệ An, sống với con cháu. Tại thôn Tiến Thịnh nhiều người đã nghỉ, con cái lớn lên không theo nghề, còn một số hộ thỉnh thoảng nấu cu đơ để ôn lại ký ức.

Từ một chiếc kẹo không tên, cu đơ đã trở nên nổi tiếng bởi cách dịch chữ Hai thành "Deux" theo tiếng Pháp. Hiện, cu đơ là đặc sản nổi tiếng của Hà Tĩnh, hàng nghìn cơ sở lớn nhỏ trong tỉnh được lập ra để bán thức quà này, con em xa quê hoặc khách thập phương khi đến tỉnh đều mua làm quà biếu.

Năm 2021, Hội kỷ lục gia Việt Nam công bố kẹo cu đơ Hà Tĩnh lọt vào Top 100 món ăn, quà tặng đặc sản.

Đức Hùng

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art