SANTA ANA, California (NV) – “Căn Nhà Ngoại Ô” của Anh Bằng là câu chuyện tình vừa lãng mạn vừa lý tưởng của một đôi trai gái yêu nhau giữa mùa ly loạn thời Chiến Tranh Việt Nam trong thế kỷ trước.
Nhạc phẩm “Căn Nhà Ngoại Ô” của Anh Bằng. (Hình: Tài liệu)
Lãng mạn vì nó chỉ là tình yêu thuần túy yêu đương mà chẳng thấy nên vợ, thành chồng. Lý tưởng vì chàng trai và cô gái đã yêu nhau tha thiết và sâu đậm đến nỗi đành biến tình yêu cách trở của đôi lứa thành tình yêu của đôi bạn lòng có chung chí hướng, cùng bước lên đáp lời sông núi khi sơn hà gặp cơn nguy biến, khi tổ quốc kêu lên tiếng sầu thì đâu thiếu gì cảnh biệt ly nhau.
“Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền/ Gần kề lối xóm có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn/ Hai đứa chưa ước hẹn lấy một câu chưa nghĩ đến mai sau/ Nhưng đêm thức giấc ngỡ ngàng nghe lòng thương nhớ biết rằng mình yêu.”
Chàng trai trong độ tuổi học trò đang vui sống tại vùng ngoại ô ở ven rìa thành phố, nơi có cô hàng xóm bé nhỏ, xinh xinh cũng đang nặng nợ sách đèn. Hai người chưa hề ngỏ ý với nhau, nhưng sau một thời gian quen biết, tình đôi bên đã tha thiết muôn phần.
“Khi hiểu lòng nhau, thời gian gần gũi đã qua đi mất rồi/ Nào còn những lúc hái hoa vườn trăng suốt đêm vang tiếng cười/ Tôi bước theo tiếng gọi những người trai tha thiết với tương lai/ Vui xa ánh sáng phố phường xa người em nhỏ lên đường tòng chinh.”
Lúc đôi bạn bắt đầu yêu nhau thì cũng là lúc chàng trai lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông, bỏ lại đằng sau biết bao kỷ niệm vui buồn, biết bao lần hái hoa, đuổi bướm cùng nhau. Thế là đôi bạn lòng đành cách biệt nhau, chàng trai thì xa luôn cả ánh sáng lung linh của phố phường hoa lệ.
“Là chinh nhân tôi bạn với sông hồ/ Tình yêu em tôi nguyện vẫn tôn thờ và yêu không bến bờ/ Niềm tin là một ngày mai non nước chung một màu cờ.”
Tuy đã là lính chiến nơi những phương trời xa lạ, chàng trai vẫn tha thiết yêu người em gái nhỏ miền hậu phương, với niềm tin mạnh mẽ rằng ngày mai khi đất nước hết binh đao, đôi bạn lòng sẽ lại sum họp với nhau trên đường xưa, lối cũ.
“Rồi hôm nao tôi về ghé thăm nàng/ Ngoại ô đây con đường tắm trăng vàng mà sao không thấy nàng/ Tìm em giờ tìm ở đâu! Sao không gắng đợi chờ nhau.”
Thế nhưng, trong một chuyến đi về phép về thăm lại vùng ngoại ô của năm nào, chàng trai đã không tìm thấy người yêu cũ nữa. Tại sao nàng không ở lại nơi quê nhà để chờ đợi ngày về đoàn viên của chàng trai từ nơi chiến tuyến mịt mờ mưa bay?
“Tôi hỏi người quen… Nàng nay là nữ cứu thương trên chiến trường/ Dặm ngàn sóng gió biết sao nàng vui dấn thân trên bước đường/ Tôi đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm thương xé nát con tim/ Em ơi, trái đất vẫn tròn/ Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau!”
Khi hỏi người quen trong xóm, chàng trai mới biết rằng nàng đã lên đường nhập ngũ vào ngành nữ quân nhân, và hiện đang làm công tác cứu thương trên chiến trường. Chàng trai lặng người đi vì thương nhớ nàng, một người con gái vì cùng chung lý tưởng phục vụ đất nước trong thời ly loạn với mình mà dấn thân vào chốn gian lao thay vì ở lại nơi hậu phương êm ấm. Dẫu sao, chàng trai vẫn hy vọng tìm lại được người yêu dọc đường gió bụi, bởi vì trái đất vẫn tròn mãi đó mà!
Bìa nhạc phẩm “Căn Nhà Ngoại Ô” của Anh Bằng. (Hình: Tài liệu)
***
Có thể nói rằng đôi bạn lòng trong “Căn Nhà Ngoại Ô” có một mối tình vừa đẹp vừa đượm màu lý tưởng phụng sự tổ quốc, bởi vì họ yêu nhau “không phải vì tình thương/ không phải vì sang giàu/ mà vì cùng chung chí hướng” như trong ca khúc “Quen Nhau Trên Đường Về” của Thăng Long và Đức Nội.
Đôi bạn trẻ đang ở tuổi học trò thương mến nhau vì là hàng xóm với nhau nơi vùng ngoại ô đèn vàng. Họ cứ tìm cách gần nhau hoài hoài để thăm dò tình ý của nhau, chứ chàng trai vì nhút nhát quá nên chưa dám ngỏ ý. Nhưng “khi hiểu lòng nhau/ thời gian gần gũi đã qua đi mất rồi” bởi vì chàng trai đã nghe theo tiếng gọi của non sông mà lên đường nhập ngũ tòng quân lúc miền Nam đang phải đối phó với hiểm họa bị Cộng Sản chiếm. Và chàng trai đành phải “vui xa ánh sáng phố phường/ xa người em nhỏ lên đường tòng chinh.”
Dù đang sống cuộc đời quân ngũ với kỷ luật khắt khe, chàng trai vẫn yêu và nhớ cô bạn gái thuở còn đôi ta chung nón, đôi ta chung đường và luôn nghĩ đến một tương lai sum họp, lúc đôi bạn lòng sẽ nên duyên chồng vợ, với “niềm tin là một ngày mai bon nước chung một màu cờ.” Màu cờ ở đây là màu cờ vàng chiến thắng của Vua Lê Lợi ngày xưa, chứ không phải là màu cờ đỏ của Cộng Sản đâu. Nhưng định mệnh éo le đã đưa đẩy dân chúng miền Nam vào chỗ đó.
Mà định mệnh cũng éo le thật. Một hôm, nhân được về phép, chàng trai lính chiến của vùng ngoại ô năm nào liền về thăm làng cũ, xóm xưa, những mong tìm lại bóng hoa đào năm trước cho thỏa lòng mong nhớ từ “thuở lâm hành oanh chưa bén liễu, hỏi ngày về ước nẻo quyên ca.” Nhưng hỡi ôi, “Thúy đã đi rồi!”
Nàng đi về đâu, cho gió trăng sầu. Tìm em ở đâu, đường mây tìm dấu! Hỏi ra thì người trong xóm ngoại ô cho biết nàng đã tình nguyện gia nhập ngành nữ quân nhân và hiện đang là một “nữ cứu thương trên chiến trường.” Chàng trai chết điếng, chỉ biết “đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm/ thương xé nát con tim” bởi vì chưa biết làm cách nào để tìm được tông tích người yêu bây giờ.
Điều mà chàng trai trong “Căn Nhà Ngoại Ô” biết chắc chính là cái lý tưởng phục vụ quê hương cao đẹp của người yêu cũ, nay là một nữ quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hình ảnh cuối cùng của chàng trai trong nhạc phẩm này chính là cảnh “Tôi đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm thương xé nát con tim” trong niềm tin sắt đá rằng “Em ơi, trái đất vẫn tròn/ Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau!”
***
Nhạc sĩ Anh Bằng, tên thật là Trần An Bường, quê ở Thanh Hóa nhưng ra Hà Nội học hành trước khi cùng gia đình di cư vào Nam sau Hiệp Định Geneva năm 1954.
Năm 1957, chàng trai này nhập ngũ và phục vụ trong Liên Đoàn Công Binh Việt Nam Cộng Hòa. Nhờ tài viết kịch và trình diễn kịch, Anh Bằng cùng các chiến hữu Công Binh được cử đi trình diễn văn nghệ tại nhiều đơn vị quân đội từ Quảng Trị cho tới Bình Định, để rồi sau đó được thuyên chuyển về phục vụ trong ngành Chiến Tranh Tâm Lý thời Đệ Nhất Cộng Hòa cho đến khi giải ngũ vào năm 1962.
Từ năm 1969 trở đi, Anh Bằng cùng hai nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ lập nên nhóm Lê Minh Bằng để vừa sáng tác nhạc vừa dạy nhạc, và nhóm này đã đào tạo được những ca sĩ nổi tiếng như Trang Mỹ Dung, Kim Loan, Trúc Mai, Giáng Thu… Nhóm này cũng thành lập ban nhạc Sóng Mới chuyên trình diễn trên đài Phát Thanh Sài Gòn.
Năm 1975, sau ngày miền Nam tự do mất vào tay Cộng Sản, nhạc sĩ Anh Bằng sang định cư tại Hoa Kỳ, nơi ông thành lập một trung tâm băng nhạc lấy tên là Lê Minh Bằng, sau đổi thành Trung Tâm Dạ Lan. Rồi đến năm 1988, nhạc sĩ Anh Bằng thành lập Trung Tâm Asia, do ái nữ Thy Vân của ông làm quản lý cùng với sự cộng tác về kỹ thuật của nhạc sĩ Trúc Hồ.
Các sáng tác của Anh Bằng rất đa dạng, đặc biệt là những ca khúc phổ thơ và những nhạc phẩm ngoại quốc được ông chuyển sang lời Việt: “Căn Nhà Ngoại Ô,” “Nó,” “Nỗi Lòng Người Đi,” “Nửa Đêm Biên Giới,” “Sầu Lẻ Bóng,” “Giấc Ngủ Cô Đơn” (với Lê Dinh), “Lẻ Bóng” (với Lê Dinh), “Vọng Gác Lưng Đồi” (với Minh Kỳ), “Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về” (thơ Thái Can), “Anh Còn Nợ Em” (thơ Phạm Thành Tài), “Chuyện Giàn Thiên Lý” (thơ Yên Thao), “Khúc Thụy Du” (thơ Du Tử Lê), “Nếu Vắng Anh” (thơ Nguyên Sa), “Trúc Đào” (thơ Nguyễn Tất Nhiên)…
Nhạc sĩ Anh Bằng qua đời ngày 12 Tháng Mười Một, 2015, tại Orange County, miền Nam California, thọ 89 tuổi.
Cùng với các ca khúc như “Bóng Đêm,” “Nếu Vắng Anh,” “Gót Chinh Nhân,” “Khi Mình Xa Nhau,” “Nửa Đêm Biên Giới,” thì nhạc phẩm “Căn Nhà Ngoại Ô” đã góp phần xác định nhạc sĩ Anh Bằng quả đúng là một người lính tâm lý chiến xuất sắc, luôn tận tụy và trung thành với chính nghĩa Quốc Gia, cũng như luôn hãnh diện và thủy chung đứng dưới lá quốc kỳ màu vàng với ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa.
Vann Phan/Người Việt
https://www.nguoi-viet.com/
Nhạc phẩm “Căn Nhà Ngoại Ô” của Anh Bằng
Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền
Gần kề lối xóm có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn
Hai đứa chưa ước hẹn lấy một câu chưa nghĩ đến mai sau
Nhưng đêm thức giấc ngỡ ngàng nghe lòng thương nhớ biết rằng mình yêu.
Khi hiểu lòng nhau, thời gian gần gũi đã qua đi mất rồi
Nào còn những lúc hái hoa vườn trăng suốt đêm vang tiếng cười
Tôi bước theo tiếng gọi những người trai tha thiết với tương lai
Vui xa ánh sáng phố phường, xa người em nhỏ lên đường tòng chinh.
Đ.K.:
Là chinh nhân tôi bạn với sông hồ
Tình yêu em tôi nguyện vẫn tôn thờ và yêu không bến bờ
Niềm tin là một ngày mai non nước chung một màu cờ.
Rồi hôm nao tôi về ghé thăm nàng
Ngoại ô đây con đường tắm trăng vàng mà sao không thấy nàng
Tìm em giờ tìm ở đâu! Sao không gắng đợi chờ nhau.
Tôi hỏi người quen… Nàng nay là nữ cứu thương trên chiến trường
Dặm ngàn sóng gió biết sao nàng vui dấn thân trên bước đường
Tôi đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm thương xé nát con tim
Em ơi, trái đất vẫn tròn
Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau!