Thứ Hai, 20 Tháng Ba, 2023

Nghĩ về sách

Nghĩ về sách - 1

Hình minh họa: ines-sayadi-unsplash
 

Trong bài thơ Ngày Xuân Răn Con Cháu, cụ Nguyễn Khuyến có viết: “Sách vở ích gì cho buổi ấy / Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già”. Chắc các bạn cũng như tôi đều tự hỏi, tại sao một nhà thơ được đào tạo theo khuôn mẫu đạo đức của Nho giáo lại xem thường sách vở thánh hiền đến thế.

Thật ra, hai câu thơ trên đã ẩn chứa tâm sự của tác giả đối với cuộc đời, khoa cử, quan trường trong buổi Nho học suy tàn. Đặc biệt từ năm 1884, khi Pháp đã đặt nền móng cai trị trên toàn cõi Việt Nam, Nho học phải nhường chỗ cho học thuật mới khiến nhà thơ Yên Đổ phải “Nghĩ đến bút nghiên trào nước mắt” trong tiếc nuối.

Cùng một tâm trạng với thi sĩ Quế Sơn- nhưng với trường hợp đặc biệt, thầy Nguyễn Viết Ninh (Thái Việt) có nhã ý muốn tặng một số sách cũ và mới trong khoảng 1000 cuốn sách cho những ai yêu quý chúng, dầu rằng phải “trào nước mắt”. (Xin cám ơn anh cựu TB Lê Khắc Nghị đã gởi cho tôi tin nhắn nầy vào ngày 1 tháng Tư, 2019).

 

Lý do đơn giản là thầy phải thu xếp để vô nhà dưỡng lão, không thể mang theo cái gia tài sách mà mình đã để công đi mua sắm, nâng niu, gìn giữ và yêu quý chúng. Tôi muốn nói lên một vài cảm nghĩ khi đến nhà bạn hiền Thái Việt chọn và mang sách về nhà; đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với những ai cho/tặng sách.

Nghĩ về sách - 2
Hình minh họa: jaredd-craig-unsplash


Cảm giác đầu tiên của tôi là bị choáng ngộp bởi cái thư viện sách cả ngàn cuốn gồm đủ mọi thể loại, từ chánh trị, văn hóa, xã hội đến thơ, tùy bút và tiểu thuyết xuất bản trước và sau năm 1975, ở trong nước cũng như tại hải ngoại. Đặc biệt ngoài sách in, còn có sách báo được sao chụp lại và đóng thành từng tập dầy cộm, sắp xếp ngăn nắp như Phan Khôi, Phan Chu Trinh, Xuân Sách, rồi Cải Cách Ruộng Đất, Trăm Hoa Đua Nở, Tranh Luận Văn Học, v.v…

Tôi đã chọn khoảng 100 cuốn sách đủ loại mang về nhà với tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui vì có thêm một số sách quý; buồn vì không biết số phận những cuốn sách ấy sẽ ra sao, liệu mình có đủ thời gian để đọc và nghiền ngẫm những tài liệu quý hiếm ấy hay không. Rồi đây đến một ngày nào, tôi sẽ tiếp bước đồng nghiệp Nguyễn Viết Ninh vô… nhà dưỡng lão, và cũng “trào nước mắt” để lại cái gia tài sách cũng cả ngàn cuốn cho những ai yêu quý chúng.

Hồi tưởng lại trước năm 1975, tôi cũng thèm sách và cũng có cái thú mua sách như hiền huynh Thái Việt. Mỗi khi có cuốn sách mới nào hợp “gu” vừa xuất bản là tôi chạy ngay ra tiệm sách mua cho kỳ được. Có lần đi săn sách, lục lạo tìm cuốn nầy lại thấy được cuốn kia, bèn chụp ngay.

Cùng một cảm giác với TS Charles Van Doren khi tâm sự: “Tôi thích mùi mực giấyvà chắc chắn là say sưa với cảm giác sờ chạm vào cuốn sách” (Thú Đọc Sách, Phạm Quang Định dịch từ cuốn The Joy of Reading, nxb Trẻ ấn hành). Nhưng cái bịnh thèm sách trong tôi đã thành mãn tính. Mọi việc chi tiêu phải tiết kiệm tối đa để đủ tiền mua sách. Đôi khi phải nhịn ăn sáng để cái bụng đói ăn sách cho đã thèm!

 

Không riêng gì sách mới, cả sách cũ rẻ tiền nhưng lại quý hiếm tôi vẫn thèm. Theo thông lệ cứ mỗi cuối tuần, tôi thường dạo quanh chợ Bến Thành để ngắm phố phường hoa lệ, với nam thanh nữ tú của Hòn Ngọc Viễn Đông – đặc biệt là những tà áo dài tha thướt phất phơ theo gió của các cô thiếu nữ Sài thành kiều diễm; đồng thời cũng săn đống sách cũ bày bán la liệt trên lòng lề đường. Lần nào cũng chụp được vài ba cuốn sách cũ gồm đủ thể loại. 

Sau năm 1975, đa số sách của tôi phải giao nộp theo lịnh của nhà nước. Một số sách còn lại lần lượt đội nón ra đi trực chỉ… chợ trời! Cho đến khi quyết định bỏ phiếu bằng chân để đi tìm Tự Do, thì hầu hết sách quý của tôi cũng góp phần chật chội cho cái chợ trời sách Sài Gòn vàng thau lẫn lộn. Ôi! “Số phận của những cuốn sách bán ve chai” sao quá đỗi bọt bèo! Hèn chi Quách Tấn đã cay đắng: “Ngày xưa nếu biết vàng là quý / Đã không mua sách chất chật nhà!”.

Nghĩ về sách - 3
Hình minh họa: hatice-yardim-unsplash


Người xưa có câu: “Kẻ sĩ một ngày không đọc sách, soi gương thấy thẹn; ba ngày không đọc sách, ăn nói nhạt nhẽo vô duyên”. Chắc chắn văn hữu Thái Việt chẳng những có cái thú mua sách, còn có cái thú đọc sách. Có người đã so sánh: Đọc sách như thưởng hoa, ngắm trăng, như lướt Web, như đi bộ, đi ăn, uống rượu, như hôn nhau, và có lúc mở sách ra chỉ thấy những tờ giấy trắng, v.v... Để viết quyển Gánh Nặng Di Sản (xb. năm 2005), tác giả Thái Việt đã chọn đọc hơn 60 tác phẩm trong thời gian dài gồm đủ mọi lãnh vực, như nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn học, triết học, v.v…

Phải là người ghiền sách mới làm được công việc mất rất nhiều thời gian và công sức như thế. Đồng bịnh tương lân, tôi cũng ghiền sách hết thuốc chữa nên rất cảm thông với nỗi lòng của tác giả Gánh Nặng Di Sản. Tôi cũng thoáng gặp chữ “bạn hiền” mà anh sử dụng để cám ơn hai bạn hiền Quốc Tuấn và Phan Trần (Lời nói đầu, tr.15).Và cái cảm giác “thích mùi mực giấy” và “say sưa sờ chạm vào cuốn sách” chắc chắn sẽ sống mãi trong tôi cho đến suốt cuộc đời. 

Sách luôn hữu ích với mọi người mọi giới- đặc biệt cho những ai còn mang nặng nghiệp dĩ văn chương. Sách là “thành quả của một tình yêu trọn đời” mà tác giả cống hiến. Sách là người bạn trung thành của mọi người. Sách là một “từ điển” cần thiết và hữu ích.

Cho nên cụ Nguyễn Khuyến mặc dầu cất tiếng than cho số phận sách vở buổi Nho học suy tàn, vẫn khuyên nhủ con cháu không lơ là việc đèn sách: “Chín sào tư thổ là nơi ở / Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà”. Là người nặng tình với sách, nhưng cựu đồng nghiệp Nguyễn Viết Ninh phải nhường lại cái gia tài sách cho những ai có duyên và yêu quý chúng. Một sự chuyển nhượng vô điều kiện có tánh cách chọn lọc “chọn mặt gởi vàng”.

Trong điện thư ngày 05 tháng Tư 2019, tôi có viết: “Xin cảm ơn về tấm lòng và cái tình của anh. Tất cả sách và tài liệu của anh đều đáng quý, bổ ích”. Mấy câu hồi đáp ngắn gọn của anh khiến tôi bồi hồi xúc động: “Anh vui là tôi vui rồi”, “Hy vọng anh hài lòng” và “Sách vở thì bye bye, coi như là dĩ vãng”. Ôi! Cái tình bạn thật là cao quý! “Trên đời mấy bậc cố tri” (Lục Vân Tiên).

Đó là chưa kể cách đây vài năm, hiền huynh Thái Việt đã dùng phương tiện công cộng, khệ nệ ôm cả chục cuốn sách quý tìm đến nhà tôi để trao tặng tận tay. Cách hành xử đậm nét văn hóa nầy đẹp biết bao! Mấy dòng tâm tư nầy nhằm nói lên lòng biết ơn sâu xa nồng thắm cũng như đáp trả phần nào món nợ tinh thần đối với bạn hiền Nguyễn Viết Ninh.

 
Nghĩ về sách - 4
Ảnh văn hữu Thái Việt bên kệ sách quý. Mặt sau có lời đề tặng và chữ ký của anh: “Thân tặng Anh chị Nguyễn Kiến Thiết với hy vọng có duyên trong văn học. Montréal 4-6-16 Thái Việt”.


Bàn về cái thú mua/đọc sách mà không nhắc đến cụ Vương Hồng Sển là một thiếu sót lớn. Ngoài thú chơi đồ cổ, cụ Vương còn có cái thú mua sách. Từ cái thú biến thành bịnh rồi sanh tật mua sách khiến người vợ trẻ con nhà giàu chịu hết nổi phải bỏ đi sau hơn một năm hương lửa hững hờ.

Hãy nghe tâm sự của ông: Bên vợ cho 600$ làm vốn và một cái nhà mặt tiền ở số 214 đường De Lagrandière (Gia Long) trị giá 1000$ (ruộng năm 1924 giá 50$/mẫu, vàng 40$/lượng), ông nhạc còn cung cấp mỗi tháng không nhỏ, cộng với số lương tháng 70$, thế mà “chỉ trong vòng mấy tháng, kết quả tủ sách không còn chỗ để, mà ái tình đã nhẹ gót ra đi”. Học giả họ Vương còn có cái thú mê đọc sách– đặc biệt là thú mê đọc truyện Tàu (tức các tiểu thuyết chương hồi của văn học Trung Hoa).

Đọc xong bất cứ cuốn nào, ông lấy giấy viết ra, “văn ông lòng vòng, lục cục lòn hòn” (Nguyễn Gia Việt), kể “những chuyện lụn vụn, tào lao, loạn xà ngầu, nhưng nó mang một giá trị to lớn” (Sơn Nam). Có người đã gán cho ông cái tên Ông già kỳ cục. Để viết cuốn Thú Xem Truyện Tàu, chắc cụ phải đọc hơn 60 quyển truyện Tàu (khoảng 15 bộ, mỗi bộ 4-5 cuốn). Đây là cuốn sách nghiên cứu, bình luận về thú xem truyện Tàu (thuộc bộ Hiếu Cổ Đặc San số 2) do tác giả xuất bản lần đầu năm 1970, được đánh số từ 1 đến 3200 chỉ để tặng –KHÔNG BÁN. Tác giả cho biết “không viết cho người sành điệu… mà chỉ muốn tìm người đồng điệu”.

Là người mê đọc truyện Tàu, một trong những người đồng điệu với cụ Vương, tôi may mắn có trong tay cuốn sách quý nầy lúc còn phụ trách Tòa soạn Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học (1971-1972). Với 10 bài bình luận, “10 vấn đề nhẹ phớt” về các nhân vật, tình tiết trong khoảng 15 bộ truyện Tàu (từ Tam Quốc, Phong Thần, Tây Du, Thủy Hử rồi Tiền Đường, Hậu Tống đến Hồng Lâu Mộng, Kim Bình Mai, kết hợp cả sử Tây, sử Ta, v.v…) được chuyên chở trên 329 trang giấy, cụ Vương Hồng Sển xứng đáng là Tổ sư của làng Phiếm (Phiếm Tổ).

Viết đến đây thì lại nhận được điện thư của bạn hiền Lê Quang Xuân với mục đích muốn tặng tôi một số sách cũ. Anh đã chào hàng vô điều kiện mấy mươi cuốn sách gồm đủ loại khảo cứu, sáng tác và dịch thuật của các tác giả nổi tiếng. Vì đã no sách, tôi chỉ muốn nhận khoảng 30 cuốn sách mình thích. Chúng tôi sẽ hẹn nhau đến một quán phở sau khi hết dịch cúm Tàu để nhận sách và hàn huyên tâm sự sau mấy tháng trời bị “cấm túc”.

Từ sự quen biết rồi thân tình với nhiếp ảnh gia thứ dữ, đối với tôi là một hân hạnh lớn. Tôi không dám lạm bàn về tiểu sử “nặng ký” của một nhiếp ảnh gia mà ảnh của anh đã xuất hiện nhiều trên các bìa sách và tạp chí Việt ngữ tại hải ngoại cũng như đã đoạt được nhiều huy chương và bằng khen cao quý trong các cuộc triển lãm ảnh quốc tế. Dầu chưa nhận được sách, tôi vẫn gởi đến anh lời cám ơn nồng hậu*.

Nghĩ về sách - 5
Hình minh họa: mihai-lazar-unsplash


Bàn về việc cho/nhận sách mà không nhắc đến những Nguyễn Đôn Phong, Nguyễn Vy Khanh, Song Thao và Cả Ngố Họ Trịnh… cũng là một thiếu sót. Ngoài tình đồng nghiệp, bạn già Nguyễn Đôn Phong đối với tôi còn có cái tình-bạn-internet. Anh đã chuyển cho tôi đọc hàng ngàn tài liệu gồm đủ mọi thể loại trong đó có mấy trăm quyển sách đọc/sách nói “đọc/nghe mệt nghỉ!”.

Anh cũng tặng tôi ba quyển Sách Nấu Đồ Chay xuất bản từ những năm 1941, 1960 và 1994. Chưa hết, anh còn ưu ái dành tặng tôi 9 tập Tạp chí Văn Học (Chủ nhiệm Phan Kim Thịnh). Đó là những số báo được đóng thành tập, bìa cứng, chữ mạ vàng, mỗi tập gồm 7 số báo, tổng cộng là 63 số, từ số 1 đến số 72, không liên tục.

 

Trước Tết Quý Mão, bạn già Nguyễn Đôn Phong còn ưu ái tặng tôi khoảng 400 số báo Bách Khoa được đóng thành tập, cũng bìa cứng, chữ mạ vàng, mỗi tập 7 cuốn được xuất bản từ năm 1957 đến 1973. Ngoài ra còn một số Tạp chí Trình Bày và Đất Nước xuất bản trước năm 1975 của anh cũng có mặt trên Tủ Sách Gia Đình của tôi.

Tôi nhận cái kho tàng sách báo mà lòng bồi hồi xúc động. Chắc anh cũng là người yêu sách thứ thiệt nên mới bỏ công sức và tiền bạc để săn được vô số sách quý ấy. Nghe nói anh chị phải mất hai lượng vàng để mua và chuyên chở đống sách báo ấy qua Canada. Anh chị cũng sắp vô nhà dưỡng lão như đồng nghiệp Nguyễn Viết Ninh nên sẵn sàng “chọn mặt gởi vàng” để trao của quý ấy. Tôi không biết nói gì hơn là mượn những dòng tâm tư nầy gởi đến anh lời cám ơn sâu đậm và chân thành nhứt.

Bạn hiền Nguyễn Vy Khanh, đồng môn ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn đã tặng tôi ba cuốn sách phê bình văn học do anh biên soạn với chữ ký và lời đề tặng trang trọng: “Thân tặng đàn anh Văn khoa và về Ca dao đất nước 18-3-2004”. Chưa hết, nhà phê bình còn đích thân mang tới nhà trao tặng tôi hai cuốn sách nữa. Điều đáng quý là anh đã chịu khó viết lời đề tặng, ký tên và đóng dấu triện son cẩn thận.

Đó là cuốn Văn Học Quốc Ngữ Thời Đầu & Miền Nam Lục Tỉnh (nhà xb Nhân Ảnh Hoa Kỳ, 2021): “Quý tặng nhà Nam học Nguyễn Kiến Thiết” (Montréal 30-7-2021); và cuốn Sống Và Viết Ở Hải Ngoại (Nguyễn xb 2021. Được nhà phê bình văn học có tầm cỡ, người-bạn-đồng-môn-đi-sau-về-trước tặng sách là một hạnh phúc lớn. Vì không muốn “múa rìu qua mắt thợ” nên đến hôm nay tôi vẫn còn nợ anh một “Lời bàn”!

Còn ông giáo già Cả Ngố, một Tổng-thơ-ký-kỳ-cựu-chưa-mệt-mỏi của Hội nhà cũng tặng tôi ba quyển sách xoay quanh chủ đề “Chuyện Nọ Xọ Chuyện Kia”. Cả ba cuốn sách đều có in hàng chữ: “Tác giả xuất bản làm quà tặng kỷ niệm (không bán)”, cũng như có chữ ký và lời đề tặng của tác giả: “Thân tặng Mr. Nguyễn Kiến Thiết và Phu Nhân –TVDụ (ĐHSP’65), Aug 2014”. Điều đáng nói là cả ba cuốn sách được bạn hiền Cả Ngố ba lần đích thân mang tới nhà tôi trao tận tay, thể hiện “Cách cho hơn của đem cho” – một nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc.

Mặc dầu tác giả khiêm tốn cho rằng “Sách của hắn chẳng qua chỉ là tập hợp những bài đầu An-nam, mình Cu-ba, tay chân tôm cá, đầu ngan đít ngỗng (…), đầu người mình ngựa” nhưng tôi có thể nói Cả Ngố họ Trịnh với giọng văn vừa châm biếm hài hước, hấp dẫn người đọc không thua gì nhà văn trào phúng Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin (1915-1995).

Từ “Đôi Lời Loanh Quanh” của tác giả Nọ-Này-Kia, tôi muốn gọi Cả Ngố là Ông già cà kê. Và với biệt tài cà kê dê ngỗng rất Cả Ngố, kể những “chuyện lụn vụn loạn xà ngầu” xoay quanh chủ đề “Ông Bà Giáo Sư Mất Dạy”, ông già cà kê nầy quả xứng đáng đoạt ngôi vị “Phiếm bá”. Tôi cũng muốn nhắc đến bảy cuốn sách Phiếm và một số chuyện phiếm thời sự nóng hổi do “Phiếm chủ” Song Thao đã ưu ái tặng chúng ta trong mùa đại dịch.

Rồi ca-nữ sĩ Hải Phong cũng tặng chúng ta Ebook TTVBVNHN (số 2, số 3) trong đó có đoản văn rất cảm động “Tôi đã thấy” nói lên tâm trạng hoảng loạn của một bà mẹ bị cách ly trong nhà dưỡng lão. Đó là chưa kể đồng nghiệp Nguyễn Bá Hoa đã tặng chúng ta cuốn khảo cứu Tây Ninh Sông Dài Cá Lội (xb.2018)- một kiểu Địa phương chí giống như hàng loạt sách Xưa và Nay của Huỳnh Minh xuất bản trước năm 1975.

 

Làm sao diễn đạt hết Tấm lòng và Cái tình của những bạn hiền đã dành cho tôi với tất cả sự ưu ái – nói khác đi là gãi đúng chỗ ngứa. Xin cám ơn tất cả những tấm lòng, những đồng nghiệp đáng quý.

Nghĩ về sách - 6
Hình minh họa: hector-j-rivas-unsplash


Cho phép tôi được lan man đi xa đề một chút vì những cái tình để nhớ đến đồng nghiệp Lâm Võ Huỳnh và Nguyễn Minh Sang… đã lần lượt ra đi trong thời gian gần đây. Người-có-cái-tên-gồm-ba-họ-gộp-lại (Lâm-Võ-Huỳnh) với lối kể chuyện khôi hài ý nhị đã tạo nên những tràng cười thoải mái trong một số kỳ Đại hội Giáo chức.

Tôi nhớ có lần anh đã than: “Bây giờ bọn mình đã gần đất xa trời nên chả có gì và không có chỗ đứng” (những chữ in đậm anh đã nói lái có dụng ý). Rồi một số kỷ niệm lúc tập dượt và trình diễn văn nghệ với thầy-đờn-cổ-nhạc-thích-hát-tân-nhạc Minh Sang lại chợt hiện về.

Trong dịp tang lễ một nửa kia của anh, bằng một giọng thều thào trong suối lệ, anh đã nói với tôi: “Bịnh của tôi vô phương cứu chữaTôi sắp phải đi xa. Nếu được, nhờ anh viết cho tôi mấy chữ”. Tôi gật đầu nhưng bụng hơi lo vì không biết mình có thực hiện được hay không. Giờ đây anh đã thật sự đi xa, mang theo “tiếng đàn lục huyền vọng cổ nhà nghề điêu luyện” về sum họp với chị nơi miền cực lạc.Tôi đã thực hiện phần nào lời hứa với anh cũng như trả chút nợ tinh thần để anh yên lòng nơi cõi vĩnh hằng!

Trông người mà nghĩ đến ta. Rồi đây việc cho/nhượng sách mà bạn hiền Nguyễn Viết Ninh, bạn già Nguyễn Đôn Phong và các bạn hiền, bạn già, bạn internet đã thực hiện sẽ được tôi lặp lại rập khuôn, đôi khi phải trào nước mắt!

Trong thời đại tin học phổ biến toàn cầu, sách vẫn còn len lỏi trong mỗi chúng ta bằng nhiều phương cách chỉ với một cái nhấp chuột. Đối với những ai còn mang nặng nghiệp dĩ văn chương thì “Sách quả là người tình lý tưởng”. Xin cám ơn tất cả các bạn đã bắc nhịp cầu tri âm cho tôi tiếp cận với người tình lý tưởng! Những tấm lòng và những cái tình nầy đã thể hiện Cách cho vì họ tâm đắc cái điệu nghệ của người chơi sách: “Giữ bo bo sách cho chỉ riêng mình đọc- mà chắc gì đã đọc hết, là không biết chơi sách” (Lê Minh Quốc)!


*Từ cuối năm 2020 đến nay, tôi đã nhận trên 30 quyển sách cũ/mới và một số ảnh nghệ thuật do nhiếp ảnh gia quốc tế Lê Quang Xuân ưu ái trao tặng. Đặc biệt, ở mỗi trang đầu sách, anh đã chịu khó viết lời đề tặng, ký tên và đóng dấu triện son rất trang trọng: “Tặng anh Nguyễn Kiến Thiết với lòng quý mến- Nov 2020”, “Thân tặng nhà thơ Trúc Lan với lòng quý mến- Thu 2020”.

Tôi nghĩ anh phải mất khoảng hai tiếng đồng hồ để ký tặng sách và ảnh nghệ thuật đó. Để đáp tạ phần nào món nợ tinh thần nầy, tôi đã cảm tác gần 10 bài thơ gồm đủ mọi thể loại gởi đến anh. Những thi ảnh nầy đã đăng trong quyển sách của tôi tựa đề là “Những Trang Văn Đời Tôi” do nhà Văn Học Mới Hoa Kỳ xuất bản năm 2021. Một lần nữa xin cám ơn anh thật nhiều.                            

 

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art