Thứ Sáu, 24 Tháng Hai, 2023

Một bài thơ cũ: Nhà thơ Diễm Châu

Diễm Châu (1937-2006) tên khai sinh là Phạm Văn Rao, sinh tại Hải Phòng. Vào Nam năm 1953, ông theo học và tốt nghiệp ĐH Sư Phạm Sài Gòn, ra trường dạy Anh văn, từng đi tu nghiệp tại Indiana, Hoa Kỳ.

Sự nghiệp văn học, báo chí và xuất bản của Diễm Châu thời trẻ gắn liền với hoạt động của nhóm trí thức khuynh tả ở miền Nam. Từ năm 1966, cùng với Thế Nguyên, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Phạm Cao Dương, Nguyễn Khắc Ngữ, Đỗ Long Vân…

Một bài thơ cũ: Nhà thơ Diễm Châu - 1
Nhà thơ Diễm Châu. (Hình: Thi Viện)

Là người am hiểu sâu sắc những trào lưu mới của văn học thế giới, Diễm Châu đã chọn dịch sang Việt ngữ những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật: “Nhà Chung” của Ferreira de Castro, “Vâng Ý Cha” của Fritz Hochwalder (cùng dịch với Thế Nguyên), “Thân Phận Con Người” của Akutagawa Ryunosuke, “Câu Chuyện Năm Mới” của Vladimir Dudintsev, “Một Cái Chết Ngoạn Mục” của Friedrich Duerrenmatt, “Con Voi” của Slawomir Mrozek, “Nuôi Thù” của Oe Kenzaburo…

Cùng gia đình định cư ở Strasbourg, Pháp, từ năm 1983 cho đến ngày từ trần (28 Tháng Mười Hai, 2006).

Người làm vườn và bông hoa

Tôi, người làm vườn và bông hoa
Không đơn chiếc trong nhà tù thế giới…

(O. E. Mandelstam)

Khi chuyến xe buýt uể oải cuốn đi sợi cuối cùng của gió
ta chỉ còn một không gian thủy tinh
ở đấy nắng chảy xuống thành luồng như đổ lửa
và lá cỏ vươn dài như những lưỡi gươm xanh

buổi sáng đàn quạ kêu vang như lệnh vỡ
ta bước ra vườn em còn mặc áo già lam
trưa về ta ngồi sau song cửa
ai đã thay màu rực rỡ cho em?

ở chốn địa đàng ta không phải người tù duy nhất
trót đưa chân nên quanh quẩn với người
ta lục tìm trái tim với nỗi sầu chất ngất
kết cho đời một tràng chuỗi tinh khôi…

những lá cỏ cao dần theo con nắng
những lá cỏ phủ kín mình hoa
ta chỉ còn một vạt màu của biển
và kỷ niệm một khoảnh khắc tình ta.

Bài viết khác