Thứ Ba, 22 Tháng Mười Một, 2022

Mùa hồng treo gió ở Đà Lạt

Nhiều chủ vườn ở Đà Lạt (Lâm Đồng) chọn những trái hồng chín mọng, căng bóng để treo lên theo phương pháp sấy khô Nhật Bản. Ngoài bán, các vườn còn cho du khách vào tham quan, trải nghiệm.
Mùa hồng treo gió ở Đà Lạt - 1
Mùa hồng treo gió ở Đà Lạt - 2

Mùa hồng ở Đà Lạt bắt đầu cuối tháng 8, kết thúc vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12. Mùa hồng, nông dân mang theo nhiều dụng cụ, tất bật thu hoạch. Một số chủ vườn còn làm điểm tham quan cho du khách trải nghiệm, chụp ảnh "sống ảo".

Du nhập Việt Nam từ nhiều thập niên trước, hồng ăn trái Nhật Bản được trồng ở Đà Lạt vì phù hợp với điều kiện khí hậu, độ cao và được coi là trái cây đặc sản của xứ sương mù. Tới kỳ thu hoạch, nông dân chọn những trái hồng chín mọng, căng bóng hồng hào và còn cuống đưa về rửa sạch, phơi ráo trước khi sơ chế làm hồng treo gió. 

Mùa hồng treo gió ở Đà Lạt - 3
Mỗi ngày, bà Vân dậy khám sớm, tỉ mẫn kiểm tra lại số hồng treo trên giàn

Là một trong người làm hồng sấy lâu năm ở phường 10, TP Đà Lạt, bà Đặng Thi Thu Vân cho biết, gia đình có gần 500 cây hồng trồng hơn 40 năm trong diện tích rộng gần một ha. Đến mùa, bà phải thuê thêm chục nhân công để hái trái đưa về bán tươi và làm hồng sấy treo gió. 

Từng trái hồng chín mọng, căng bóng hồng hào, còn cả cuống được bà Vân cùng người làm rửa sạch, phơi ráo trước khi sơ chế làm hồng treo gió. "Lúc chăm sóc, vườn hồng tuyệt đối không được sử dụng chất tăng trưởng, vì trái sẽ dễ rụng và hỏng", bà Vân nói.

Mùa hồng treo gió ở Đà Lạt - 4

Mỗi ngày, bà Vân dậy khám sớm, tỉ mẫn kiểm tra lại số hồng treo trên giàn để xử lý, đưa ra ngoài. Theo bà Vân, nghề làm hồng treo ở địa phương được áp dụng theo công nghệ Nhật Bản, hình thành từ nhiều năm. Thời gian treo hồng kéo dài khoảng 3 tuần với điều kiện thời tiết nắng ráo, nhiệt độ ngoài trời 25-30 độ C. 

Mùa hồng treo gió ở Đà Lạt - 5

Bà Vân cho hay, trước khi treo hồng phải được sấy khô trong lò khoảng 3 tiếng ở nhiệt độ 50 - 60 độ C. Công việc này trải qua nhiều công đoạn, phải chọn những trái hồng già, cứng, còn cuống và không bị dập  để treo. Từng trái hồng sau đó được kẹp gắn tách biệt treo thành dây, không sử dụng chất bảo quản nào và nhờ gió sấy tự nhiên.

"Nhờ vườn hồng, vợ chồng tôi có thu nhập đủ lo cho cuộc sống và nuôi ba con trưởng thành", bà Vân nói.

Mùa hồng treo gió ở Đà Lạt - 6
Bạn trẻ thích thú lưu lại kỉ niệm với hồng treo gió


Theo chủ cơ sở, trong quá trình treo, hồng sẽ được kiểm tra bề mặt để đảm bảo không bị mốc, hư hỏng. Hồng sấy gió tự nhiên có màu sắc tươi, nên nhiều người rất thích tới tham quan. Lan Anh, con gái đầu của bà Vân có niềm đam mê với hồng treo gió. Mỗi khi cô có thời gian, cô cùng bạn bè chụp ảnh lưu lại làm kỷ niệm.

Hái hồng là một trải nghiệm được nhiều người yêu thích, bên cạnh chụp sảnh "sống ảo" trong vườn. Cùng với đó, tại các cơ sở hồng treo gió còn có dịch vụ cho thuê quần áo phù hợp với những khung cảnh xung quanh. Du khách có thể thỏa thích lưu lại những khoảnh khắc đẹp bên hồng treo gió.

Khoảng 5-7 kg trái hồng tươi sẽ cho ra một kg hồng sấy gió. Sản phảm này được đóng gói, bán thành phẩm với giá khoảng 500.000 đồng/kg. Để du khách có nhiều sự lựa chọn, chủ cơ sở sẽ đóng gói hồng sấy với nhiều trọng lượng khác nhau.

 

Hồng treo gió có thể thưởng thức khi uống trà hoặc dùng làm món tráng miệng cao cấp.

Bài viết khác