Thứ Bảy, 02 Tháng Hai, 2019

Chim én mùa xuân

Chim én mùa xuân

Đinh bằng hữu, người bạn của tôi nói về buổi xuất hành đầu năm đầy thi vị của anh. Chuyện kể trong một ngày lạnh căm sau Tết. Đợt giá rét lê thê, dài hơn so cơn rét Mậu Thân lịch sử…

Thành phố Huế vào xuân. Hai bà cháu nhà quê và một chiếc lồng tre đầy chim én. Họ ngồi bên vệ đường, mắt đăm đăm nhìn mặt người qua lại.

– Đầu xuân. Mua én phóng sinh làm phước…

– Ồ, én mô nhiều rứa mệ hè.

– Dưới đồng quê. Mưa lạnh dài ngày, làm ruộng mất mùa cực lắm chú ơi.

Anh bạn dừng lại nhìn những con én ngơ ngác, đang chen chúc nhau đứng ủ rủ trong lồng. Các sứ giả của mùa xuân đây ư? “Vòm trời nan tre” và chút thức ăn ân huệ. Ruột bánh mì lăn lóc và những cú mổ xuống đầu nhau xù lông, rướm máu. Vâng, khi mà chung quanh chúng – bên ngoài – trăm hoa đang mãn khai, khoe sắc…

“Từng bầy én tung bay muôn ngàn lối” Bản nhạc xuân từ một quán bên đường vẫn không ngừng nhịp Fox rộn rã. Phải chăng, lắm lúc sự vô tình cũng làm nên hạnh phúc? Thứ hạnh phúc mặc nhiên sau cánh cửa mỗi nhà…Gió thổi buốt từng hồi làm hai tay tê cóng. Dòng sông Hương lặng lờ, vắng khách hơn ngày thường. Đây đó một đôi dáng thuyền rồng còn nằm yên, neo bến.

Anh bạn ngó quanh, bắt gặp nhiều đôi mắt đang ngời lên tia giễu cợt. Những đôi mắt như những câu chữ vô hình ẩn hiện trên mặt người qua lại…“Mua làm gì? Càng khiến người ta đi bắt” “Phóng sinh ư? Cái vòng lẩn quẩn” “Thấy chưa, chính bạn cũng đang mắc bẫy luôn rồi”. “Này nhé, nhân đạo là tự sát”. Những câu đàm tiếu kiểu ấy cơ hồ đã cũ kỹ, chẳng có gì mới mẻ hơn chăng?

Lạ thay, mọi người dường như sẵn sàng hào phóng sự khôn ngoan để mặc nhiên quên đi điều cần thấy. Vâng, ở đây còn có lý công bằng. Thuận được mua, vừa sẽ bán. Không có ai ức ép ai để sau rốt, chẳng bên nào là nạn nhân hoặc là kẻ nghiễm nhiên mưu lợi trên nỗi đau đồng loại. Có chăng, tất cả đều được chút niềm vui thanh thản…Kể cả mấy con vật nhỏ bé kia, bất đắc dĩ phải lệ thuộc trước con người.

“Chim trời, cá nước”. Thực ra, những kẻ giễu cợt sự phóng sinh kia chưa hẳn đã tự tại dưới vòm trời nhân thế? Vâng, khi mà sự cứu rỗi cứ vẫn luôn là khát vọng muôn đời trong bản tâm nhân loại. Tham vọng chính đáng ấy khiến người và vật vẫn còn có chỗ cảm thông nhau hơn nữa. Nhà Phật từng giáo huấn trẻ thơ “em hãy thương yêu người và vật”. Lời khuyên ấy đi đôi với kiêng cữ sát sanh, hại mạng.

Anh bạn cảm nhận điều gì đó không nói đủ nên lời, vừa gợn lên trong câu khẩn khoản của hai bà cháu nhà quê khốn khó :

– Chú ơi chú. Phóng sinh làm phước chú ơi….

– Lụt lội mới đó chừ tới lúa chết lạnh. Nhà nông bòn chài đôi xu biết lấy mô ra…

Quả thực một đôi cánh én không làm nổi mùa xuân. Nhưng sẽ còn lại gì ngoài mấy tầng mây tro xám? Bầu trời xuân vô cảm kia đã không còn tìm ra cánh én. Rộng lớn như trời đất mà sao những con én lạc loài nầy còn đây, vẫn co ro cụp cánh? Ngày xuân vốn tươi vui biết bao với những cõi lòng rộng mở? Sao người không đến với người bằng chút ánh mắt sẻ chia? Và tại sao đất – đến cả ngàn năm quen thuộc từ ông cha, tiên tổ – vẫn cứ mãi nhọc nhằn dẫu đã đi qua hàng trăm, ngàn thế hệ…

Hai bà cháu ngồi dựa vào nhau trong cùng một tấm áo mưa đầy bùn lầy đất ruộng. Chắc chắn họ phải cách nhau không dưới nửa thế kỷ tuổi trời. Vẫn có điều đồng bộ trong một ngày nguyên đán lạnh căm. Cả hai đều đang cố níu vào nhau để che đi run rẫy…

Trong chỉ một giây, anh bạn mua nguyên lồng chim với giá đầu tiên, không mặc cả.

Hai bà cháu sáng mắt lên nhìn nhau, không nói nên lời. Bà già nhà quê đứng dậy chấp hai bàn tay nhăn nheo vào nhau, con mắt hướng lên trời “Cầu cho chú căn an, mạng vững. Vô bệnh vô hoạn, tật nạn tiêu trừ. Sự lành đem đến, sự dữ lánh xa. Phước thọ quan gia, đầy nhà con cháu. Cầu cho chú bạc đấu vàng thoi, ngựa quỳ voi cỡi… Bước tới vận thời, đi chơi che lọng. Cầu cho chú trước cổng lân chầu. Ngoài hiên phượng đậu…”

Câu chúc dài đến nổi anh bạn bật cười sốt ruột kêu lên :

– Được rồi, thôi mệ ơi. Mệ thả ra đi.

– Nì, chú tự tay phóng sinh chơ răng rứa. Phước ai, mua nấy.

– Ai cũng được. Hề chi mệ. Én bay ra đâu cần biết ai thả.

Khi con én cuối cùng vút khỏi lồng tre do chính bà già nhà quê tự thả, anh bạn quay lưng đi còn nghe hai bà cháu mãi thầm thì chuyện may mắn ngày xuân :

– Mệ hỉ. Chú nớ điên…điên lạ hè.

– Đừng có nói. Nhờ rứa đó, không thì ngồi thấu tối chưa chắc có xu mô.

– Người khôn chỉ có tốt giả đò thôi. Người dại mới là người tốt thiệt, mệ hỉ.

– Ừ, người khôn ăn hết cho ai cái chi mô. Người dại rứa mà có đức.

Những đợt giá rét kéo dài qua Tết. Câu chuyện xuất hành của Đinh bằng hữu, bạn tôi đem lại chút dư vị trong một thoáng cười vui, ấm áp. Đợi nắng Huế lên. Ai cũng mong chờ chút ít ánh thiều quang trở lại :

“Ngày xuân con én đưa thoi”

“Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”

Ba tháng xuân trong truyện Kiều chưa hề trọn vẹn, song hơn sáu mươi ngày vẫn tràn ngập ánh thiều quang cho tới khi cuộc bể dâu khai mở…

Chim én bay liệng giữa trời xuân nào khác chiếc thoi đưa ngày tháng. Biểu tượng ấy dệt nên đường đi vĩnh cửu giữa vũ trụ vốn vô chung, vô thuỷ. Hãy trả lại những cánh én cho mùa xuân tự nhiên như trả lại từng chiếc thoi vốn không thể rời xa khung cửi…

Trần Hạ Tháp

Thành nội – Huế 2008

Đăng lại từ tạp chí Chim Việt Cành Nam (Chimviet.free.fr)

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art