Giáng sinh tại Sài Gòn trước 1975
Giáng sinh năm đó, thầy tôi dắt díu cả nhà từ Củ Chi lên tái định cư tại khu cư xá Kiến Thiết. Căn nhà mới nằm trong một giáo xứ Công giáo với nhà thờ Tân Hòa và ngôi trường tiểu học nhỏ xíu cùng tên trong khuôn viên nhà thờ của hai cha Đỗ Trọng Kim và Bùi Minh Sơn. Miền Nam quanh năm ấm áp, mưa nắng hai mùa nhưng trong những ngày gần đến Giáng sinh, thời tiết trở nên lành lạnh. Phòng ngủ của tôi nằm trên căn gác xép, nửa đêm dù đã có tấm chăn đơn phủ kín đầu, tôi vẫn co ro lạnh cóng.
Lúc gần sáng đang mơ mơ, màng màng thiếp đi cũng là lúc tiếng chuông nhà thờ vang lên cho buổi lễ sáng. Tiếng chuông và tiếng thánh ca văng vẳng trong không gian lúc trầm lúc bổng như tiếng chuông, tiếng hát từ trời gieo xuống, theo làn gió Đông chan hòa khắp xóm: “Cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa, hòa trong làn gió nhè nhẹ vấn vương…” vẫn theo đuổi tôi cho đến tận bây giờ.
Gần ngày Giáng sinh, khuôn mặt xóm nghèo trở nên đổi khác với nhà nhà bất kể tôn giáo, treo đèn kết hoa trước thềm. Đêm về, ánh sáng từ những lồng đèn hình ngôi sao, những dây đèn đủ mầu sắc trong lòng con ngõ hẹp tỏa sáng. Ánh sáng lung linh, mờ ảo cho cảm giác thần tiên như đang sống trong một cơn mộng du.
Từ nhà tôi, sau bốn căn nhà láng giềng, có cái hẻm nhỏ chút xíu chỉ đi lọt một người thông qua xóm cầu cá. Giữa hẻm cạnh cái con mương nước chảy lờ đờ hôi thối là căn nhà xiêu vẹo của dì Hai, người miền Nam lưu lạc lên Sài Gòn. Dì nuôi sống gia đình bằng gánh khoai lang ngào mật bán cho bà con lối xóm mỗi buổi sáng. Tôi chưa bao giờ một lần thấy bóng dáng người cha trong gia đình, cũng không nghe ai nhắc đến và tôi với sự vô tư của tuổi thơ ngày đó cũng chẳng thắc mắc. Dì Hai có hai người con là Đen và Lành.
Đen cao lớn như mẹ, học trên tôi hai lớp. Còn Lành có đôi mắt tròn to đen nhánh, đẹp ngây thơ cỡ tuổi em gái tôi nên tôi coi như em. Đôi khi tôi giải cho Lành bài toán khó và đem tặng em những tạp chí Tuổi Hoa cũ. Thỉnh thoảng Lành để dành cho tôi vài củ khoai ngào mật ngọt ngào. Tôi vô tình nhận lấy, ăn một cách tự nhiên không để ý tới những ẩn tình bên trong. Tôi và Đen trở thành bạn thân vào một buổi chiều, lúc tan học về tôi bị ba đứa cùng trường đi phía sau, đổ nguyên bình mực tím vào lưng áo. Đen nhìn thấy trợn mắt, la lớn lên bênh tôi: “Tụi bay dừng tay lại, không được hỗn với bạn của tao”. Hai đứa chung lưng nhau dùng hai bình mực tím rẩy khắp mặt, khắp người ba đứa kia trả đũa làm chúng nhát gan bỏ chạy .
Trong sân nhà dì Hai có trồng một giàn khổ qua đầy hoa vàng và trái nặng trĩu nhánh. Dưới gốc có mấy bụi dứa thơm mọc um tùm. Tôi thường xin dì Hai những lá dứa thơm, đem về cho má tôi ủ trong nồi cơm. Nồi cơm ủ lá dứa thơm cho mùi vị thơm thoang thoảng như vanila. Nhà tôi không giầu nhưng trên mâm cơm tuy thanh đạm vẫn có món thịt heo kho với trứng vịt, món canh thịt bò nấu với cà chua và dưa muối ăn kèm với xà-lách. Chả bù với mâm cơm của nhà Đen, quanh năm tứ thời chỉ độc nhất món canh khổ qua nấu với tôm khô và chén nước mắm đầy ớt cay mầu đỏ. Có nhiều bữa hai anh em phải ăn khoai lang trừ cơm từ gánh khoai còn sót lại của dì Hai.
Hang đá Giáng sinh. Ảnh Sài Gòn xưa
Anh ba tôi là người khéo tay nhất nhà, mỗi dịp Giáng sinh về, anh dùng đất sét để nắn thành những tượng như thánh Giu-se với cây gậy đứng cúi đầu, Đức mẹ Maria chắp tay cầu nguyện với khuôn mặt thánh thiện, còn Chúa Hài đồng với hai cánh tay mở rộng đón chào thế gian, rồi cả những con bò, con lừa ngóc đầu nhìn vào máng cỏ.
Anh cũng dùng những thanh tre và bao giấy xi măng để làm hang đá. Trên nóc hang đá, anh làm một lồng đèn hình ngôi sao nhỏ tỏa ánh sáng xuống máng lừa. Trang điểm cho hang đá là máng cỏ mầu xanh và những nhánh lá “thuộc bài” giăng đèn mầu. Buổi tối khi ánh đèn bừng sáng nhấp nháy, cái hang đá bỗng trở nên huyền ảo .
Đêm 24 Tháng Mười Hai năm đó, gia đình dì Hai vẫn kham khổ như mọi ngày. Đen và Lành cũng náo nức vì chúng bạn đang tưng bừng sửa soạn đón đêm Giáng sinh, nhưng cả hai cũng an phận vì nhà nghèo, cái ăn cái mặc còn lo chưa đủ huống hồ mừng lễ Giáng sinh.
Má tôi biết rõ điều đó. Bà muốn chia sẻ, và làm một chuyện gì đó cho hai anh em con dì Hai, nên sai tôi đem một chút quà gồm chục trái trứng gà và một khúc cây bánh bông lan sang biếu dì Hai. Dì Hai rơm rớm nước mắt, tay run đỡ món quà nhỏ, cảm động không nói nên lời…
Tối hôm đó, tôi rủ anh em Đen, Lành và em gái tôi tới nhà thờ Tân Hòa xem lễ nửa đêm. Đen chững chạc, bảnh bao trong bộ quần áo mượn từ anh Ba; còn Lành như lớn hẳn lên, xinh xắn trong chiếc áo dài mầu trắng mượn của em gái tôi. Bốn đứa chúng tôi theo dòng các tín hữu dạo bước tới nhà thờ trong lúc tiếng chuông Giáng sinh inh ỏi, ngân vang như mời gọi. Mọi người đều ăn mặc chỉnh tề, trên mặt tươi cười chúc tụng nhau một mùa Giáng sinh đầy ơn phúc.
Các con ngõ trong xóm đạo với những lồng đèn ngôi sao đầu thềm rực sáng, lóng lánh như một giải ngân hà trong đêm. Trong nhà thờ không khí thật nghiêm trang, thánh thiện. Mùi hoa huệ thoang thoảng thơm bay trong không khí. Ca đoàn hát những bài thánh ca như từ giọng thiên thần trên không. Những ngọn bạch lạp lấp lánh như những vì sao từ trời. Hai anh em Đen và Lành theo Phật giáo, đây là lần đầu tiên tham dự thánh lễ nửa đêm trong một nhà thờ Công giáo nhưng sau những bỡ ngỡ ban đầu, cả hai hòa mình vào buổi lễ một cách thành kính.
Khi cha Bùi Minh Sơn làm dấu thánh giá, thay mặt Thiên chúa ban phép lành cho mọi người trong giáo xứ, cha xin mọi người cũng chúc lành cho nhau. Đen và Lành gục đầu, mắt nhắm nghiền im lặng. Tôi bắt tay Lành và chúc Lành một mùa Giáng sinh vui vẻ. Trong giây phút đó tôi cảm thấy bàn tay của tôi được xiết chặt bởi bàn tay ấm áp của Lành và cặp mắt đẫm lệ tròn to đen nhánh của nàng đang ngước lên nhìn tôi. Lành không nói một lời nào nhưng ánh mắt đẹp tuyệt vời của nàng đã dàn trải tất cả…
Nhà thờ Đức Bà ngày Giáng sinh. Ảnh Sài Gòn xưa
Đêm khuya dần, bốn chúng tôi quây quần bên hang đá của anh Ba, ăn bánh bông lan mừng đêm Chúa ra đời. Cái hang đá, những pho tượng trên máng cỏ và những nhánh lá “thuộc bài”sáng rực lên dưới ánh đèn lung linh, mờ ảo cho cảm tưởng sống động như có linh hồn.
Bài Đêm thánh vô cùng của nhạc sĩ Hùng Lân dịch với giọng hát tuyệt vời của Elvis Phương vang vọng khắp nhà: “Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng. Đất với trời se chữ Đồng. Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ. Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa. Ơn châu báu không bờ bến. Biết tìm kiếm của chi đền…”. Cả bốn đứa tuy không hẹn đã xúc động, cất cao giọng hát theo. Lòng lâng lâng thoát tục, tôi đưa mắt nhìn Lành, cũng chính là lúc Lành đang đưa mắt nhìn tôi. Bốn cặp mắt long lanh trong đêm Giáng sinh huyền diệu nhập vào thành một…
Sau đêm Giáng sinh năm đó, dòng thời gian vẫn trôi vô tình, đường ai nấy đi. Gia đình dì Hai rời xóm Tân Hòa lúc nào tôi cũng không hay. Cho đến một buổi chiều đầu Tháng Tư năm 1975, tôi lúc đó là sinh viên trường Luật đang cùng hai người bạn hẹn nhau tại một quán cà phê lộ thiên gần chợ Ông Tạ bàn chuyện thời sự, về chuyện di tản kinh hoàng đang xảy ra ở miền Trung.
Gần bên cạnh bàn của chúng tôi có một nhóm đông bạn trẻ đang xàm xỡ chọc ghẹo cô tiếp viên còn trẻ. Nhìn vẻ mặt chịu đựng lẫn lo âu của cô. Một người bạn của tôi bất bình lên tiếng bênh vực. Lời qua tiếng lại, nhóm kia nhào tới bàn chúng tôi định ăn thua đủ. Cuộc ẩu đả có thể đổ máu chắc chắn sẽ xảy ra và ba đứa tụi tôi sẽ lãnh đủ nếu không có tiếng quát: “Tụi bay dừng tay lại, không được hỗn với bạn của tao” và bóng dáng oai hùng của hai sĩ quan Nhẩy Dù đầu đội bê rê đỏ với bộ quân phục rằn ri xuất hiện.
Đám bạn trẻ tự động tan hàng. Tôi nhận ra ngay một trong hai sĩ quan đó là Đen, thằng bạn thuở thiếu thời của tôi bao năm qua không gặp. Nó vẫn không thay đổi bao nhiêu so với ngày xưa, chỉ có thêm khuôn mặt đen xạm phong trần. Nó cũng nhận ra tôi ngay khi mới bước chân vào quán. Cả hai mừng mừng, tủi tủi ôm choàng lấy nhau…
Đen cho biết sau khi gia đình rời khỏi xóm đạo Tân Hòa, dì Hai đã đem hai anh em về vùng Hàng Xanh, Thị Nghè và người cha vắng mặt qua bao nhiêu năm, nay đã trở về, đang giữ chức vụ quan trọng cho “phía bên kia” trong Ủy ban quân sự bốn bên trong trại Davis, phi trường Tân Sơn Nhứt. Dù dì Hai đã khóc lóc năn nỉ bao nhiêu lần, hai anh em Đen và Lành vẫn cương quyết không nhìn mặt cha.
Đen đã xếp bút nghiên theo việc đao cung, gia nhập binh chủng Nhẩy dù ngay sau đó. Lành hiện tại đang là cô sinh viên ban Việt văn, Đại học Văn khoa. Đen có cho tôi coi tấm hình của Lành. Đó là chân dung diễm lệ của một hoa khôi, làm lòng tôi bồi hồi nhớ về cô gái nhỏ ngày xưa, nay hoàn toàn đổi khác. Còn chăng là đôi mắt tròn to đen nhánh vẫn ngây thơ như ngày nào. Đen cho tôi địa chỉ, dặn đến thăm, còn nói nhỏ: “Lành vẫn… chờ mày. Nó… thương mày từ… thuở đó…”. Cuộc đổi đời bi thảm cuối Tháng Tư ập đến nhanh như ánh chớp. Tôi không một lần có cơ hội về thăm vùng Hàng Xanh…
***
Thời gian lê gót trên các trại tị nạn, tôi tình cờ gặp lại những người bạn cũ cùng xóm. Họ cho tôi biết thêm vài chi tiết về hai anh em Đen và Lành trong những ngày cuối cùng của miền Nam. Đen cùng một số đồng đội của Tiểu đoàn 1 Dù ở hậu cứ Nguyễn Trung Hiếu đã đánh trận cuối oanh liệt tại ngã tư Bẩy Hiền, bắn cháy hai chiếc xe tăng T-54 và chặn đường tiến về Sài Gòn của đám du kích cộng sản, cho tới khi Dương Văn Minh đọc lệnh buông súng. Đen và đồng đội “khóc như mưa” nhưng đã không buông súng, đã không về nhà. Đen đi về đâu? Nào ai biết… Phần Lành cũng theo làn sóng di tản, cùng dì Hai lên con thuyền nhỏ tìm đường ra Vũng Tầu… Đi thoát hay không? Không một ai có câu trả lời…
Giáng sinh tại trung tâm Sài Gòn trước 1975
Vùng tôi ở năm nay bước vào mùa Đông sớm hơn mọi năm. Mới đầu Tháng Mười Hai, tuyết đã rơi lả tả. Ngồi bên cửa sổ nhìn ra bầu trời u ám, xám xịt dưới cơn mưa tuyết, những kỷ niệm Giáng sinh ngày xưa tưởng đã chôn vùi trong dĩ vãng bỗng nhiên hồi sinh trong ký ức. Tối hôm qua tình cờ nghe hai bài “Cao cung lên” và “Đêm Thánh vô cùng” trên mạng qua tiếng hát Elvis Phương, lòng tôi bỗng quặn đau, nước mắt chợt tuôn ra ràn rụa…
“Cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa.
Hòa trong làn gió, nhè nhẹ vấn vương.
Ôi linh thiêng lắng nghe thoang thoảng cung đàn.
Một đêm khuya vang vẳng trong tuyết sương.
Đàn ơi cứ rung những điệu réo rắt…”
Vũ Kim Đức - 10 tháng 12, 2021
https://saigonnhonews.com/