Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu, 2012

Thánh Vincent de Paul

Kính tặng Cha Vincent Lê Phú Hải

Tuyên úy liên đoàn Công giáo Việt Nam vùng Alsace
với tấm lòng mộ mến

Vinh Sơn chào đời ngày 24-4-1581 trong một gia đình nông dân tại làng Pouy,Tỉnh Landes (tây nam nước Pháp). Song thân của Vincent có năm con trai và một ái nưong. Landes là một tỉnh có nhiều sình lầy và bải cát, chỉ trồng được bắp ngô và một ít lúa mạch. Cụ Jean de Paul và các con mỗi người giữ một công tác, đều tích cực làm ăn; Vinh Sơn lãnh công tác giữ cừu. Trước tôn nhan Thiên Chúa, gia đình sống êm ấm, trên thuận dưới hòa. Mặc dù không giàu có gì, song ai nấy cũng có lòng bác ái, giúp đở kẻ nghèo khó hơn mình.

        Đến tuổi có trí khôn, Vinh Sơn đi học giáo lý để rước lễ vở lòng. Vinh Sơn thông minh và chăm chú học lắm, cho nên Cha sở khuyên bố mẹ Vinh Sơn cho Vinh sơn lên tỉnh học. Xong cấp trung học, Vinh Sơn muốn làm linh mục để săn sóc linh hồn người ta. Vì trong nhà không của dư của để, nên Cụ Jean de Paul phải bán đôi bò để Vinh Sơn được vào Đại học Toulouse chuyên về Triết học và Thần học.

        Năm 16 tuổi, Vinh Sơn chịu phép cắt tóc rồi lần lượt linh các chức khác, cho đến ngày 23-9-1660 thì linh chức Linh mục; bấy giờ Vinh Sơn chưa trọn 21 tuổi. Trong thời gian thụ giáo ở Toulouse, Vinh Sơn phải thiếu nợ đèn sách, song có một bà nhân đức phúc hậu, trối cho Vinh Sơn một món tiền khá lớn của một tên nợ bất lương đã chạy trốn sang Marseille. Thế là Vinh Sơn phải đi Marseille tìm kiếm để đòi nợ. Tên nợ không thể tránh né được, vì Vinh Sơn thủ các khế ước hợp pháp, song y chỉ trả cho Vinh Sơn có 300 quan thôi. Thật là ít ỏi so với tổng số nợ, song Vinh Sơn nghĩ bụng rằng : « Có ít còn hơn không », vả lại Vinh Sơn không thiết gì kiện cáo ra tòa, chỉ là tốn tiền cho Luật sư mà thôi ; ca dao có câu : « Được kiện mười bốn quan năm, thua kiện mười lăm quan chẵn » thôi thì cung trả được nợ đèn sách ở đại học Toulouse.

        Vinh Sơn định trở lại Toulouse bằng đường bộ (xe ngựa), nhưng tại quán trọ, Vinh Sơn gặp một người quý tộc mời Vinh Sơn cùng đáp thương thuyền cho đở nhọc nhằn để về bến Narbonne.

        Dưới ánh nắng tươi sáng, biển lặng gió êm, thương thuyền nhổ neo ra khơi. Nhìn về phía chân trời thấy có ba chiếc thuyền người Thổ đi hội chợ Beaucaire về. Ba chiếc thuyền người Thổ bao vây chiếc thương thuyền của nhà quý tộc. Vì lực lượng đôi bên quá chênh lệch, nên mặc dù can đảm chống trả kịch liệt, thương thuyền bại trận bị bắt trọn ổ và đưa về Tunis làm nô lệ.

        Bọn Thổ phỉ chia nhau chiến lợi phẩm, còn người thì chúng dẫn đi phô trương biểu diễn khắp phố phường, rồi lần lượt đem ra chợ bán như súc vật. Vinh Sơn được một nhà khoa học mua. Ông ta đối xử với Vinh Sơn tử tế, song giao cho Vinh Sơn trông nom 12 lò lửa luyện kim. Dù vất vả nhọc nhằn, Vinh sơn được cơ hội học hỏi thêm về lý hóa, đồng thời Vinh Sơn hằng cầu nguyện luôn với Mẹ Maria, xin Mẹ giải thoát mình.

        Danh tiếng nhà khoa học cũng lừng lẩy nên Vua Constantinoble phái đặc sứ đến Tunis để rước nhà khoa học. Trước khi từ giả Tunis, ông ta trối tất cả những cơ sở luyện kim cho một đứa cháu. Trên đường đi Constantinople, ông ta thọ bệnh và chết trên thương thuyền khoảng tháng 8-1606. Cháu của ông ta, không muốn tiếp tục sự nghiệp của chú mình, nên bán tất cả kể cả Vinh Sơn.

        Vinh Sơn được một người quê quán ở Nice mua. Tên này, muốn khỏi bị người Thổ khủng bố, nên bỏ đạo Thiên Chúa và theo đạo Hồi giáo. Nhờ vậy mà Vua Tunis ban cho anh ta một miếng đất rộng lớn để khai thác sinh sống yên ổn. Vinh Sơn không bị anh ta hành hạ thân xác, song phải cày bừa vất vả trong cảnh ăn không no, mặc không ấm. Vinh Sơn dâng mọi đau khổ của mình để cầu nguyện cho chủ của mình được ăn năn trở lại. Để tự an ủi, để tự giải sầu, Vinh Sơn thường hát những Thánh vịnh để ca ngợi Mẹ Maria và đinh ninh tin tưởng Mẹ Maria sẽ nhận lời mình.

        Vợ tên phản giáo nầy là người Ả rập, có lòng tốt và cung cầu nguyện theo nghi lễ tôn giáo mình; chị ta được nghe Vinh Sơn hát với giọng hát truyền cảm. Một hôm nọ, chị ta xin Vinh Sơn dịch mấy bài ca Vịnh mà Vinh Sơn thường hát, đặc biệt là kinh « Lạy Nữ Vương nhân lành... » (Salve Regina). Lợi dụng những cơ hội thuận tiện, Vinh Sơn nhiệt thành giải thích về Kitô giáo, nhất là cuộc đời Chúa Giêsu từ lúc Ngài được thọ thai làm người, đã sống, đã rao giảng tin mừng, đã phải chết rồi sống lại hiển vinh... Tối hôm ấy, chị ta kể lại cho chồng nghe rành mạch những gì Vinh Sơn đã giảng giải cho mình, rồi cao hứng, chị ta trách chồng đã bỏ chánh đạo. Anh chàng hối hận vì tội phản giáo của mình, cho nên sáng ngày anh ta tìm gặp Vinh Sơn đang làm việc ngoài đồng để trình bày quá khứ của mình với nỗi lòng thành thật ăn năn. Anh ta cho biết là muốn trở về Pháp với bất giá nào để đền bồi tội lỗi.

        Sau nhiều tháng dò xét, Vinh Sơn và anh ta vượt biển Địa Trung Hải và bình yên về đến Avignon là nơi có Đức Cha De Montario là đặc sứ của Tòa Thánh Vatican. Vinh Sơn trình bày sự việc lên Ngài, rồi Ngài tổ chức buổi lễ long trọng trước sự hiện diện của rất đông giáo dân trong nhà thờ Thánh Phêrô (Avignon) để tên phản giáo cải tà quy chánh để được phục hồi quyền công dân của nước trời; sau đó, Đức Cha de Montario đưa anh ta với Vinh Sơn về Roma và anh ta được nhập Dòng Sư Huynh Bác Ái, suốt đời chuyên lo giúp đở kẻ nghèo khó bệnh tật.

        Tại Roma, Vinh Sơn được dịp học thêm thần học lại được Đức Giáo Hoàng Phao lô V và Đại sứ Pháp là ông Savary de Brèves giao cho một công tác đặc biệt cạnh Vua Pháp là Henri IV. Thế là Vinh Sơn lên đường về Paris.

        Vua Henri IV niềm nở đón tiếp Vinh Sơn vì cả hai đều cùng một quê quán; Vua Henri IV lại xin Vinh Sơn làm Cha linh hướng cho Hoàng Hậu là bà Margot, la một người thông minh, học rộng biết nhiều và nhờ lời khuyên dạy của Vinh sơn, bà Margot từ bỏ cuộc sống xa hoa lộng lẫy để theo đường nhơn đức trọn lành, sốt sắng công tác bác ái. Bà ta giao cho Vinh Sơn phân phát tiền bạc cho kẻ nghèo đói, thăm viếng bệnh nhân, thật là một công tác phù hợp với chí hướng của Vinh Sơn. Tại hoàng cung, Vinh Sơn thường gặp Hoàng tử, sau này là Vua Louis XIII nước Pháp; và vì hiếu học nên Vinh Sơn thụ giáo tại Viện đại học Sorbonne.

        Bản tính Vinh Sơn là không thích ở cung điện lầu son gác tía nên mướn một căn phòng (loại studio) ở chung với một người đồng hương là Thẩm phán De Sore. Ông nầy có nhiều tiền bạc, song tính nết lơ đểnh, tiền bạc bỏ tủ mà không khóa lại.

        Một hôm, Vinh Sơn lên cơn sốt, nằm mê man, Sore vắng nhà. Tên nhân viên tiệm thuốc mang thuốc cho Vinh Sơn, hắn ta thấy tủ không khóa lại nên trộm gói tiền. De Sore về nhà thấy mất tiền, nên đinh ninh buộc tội Vinh Sơn đã lấy cắp túi tiền của mình, mặc cho Vinh Sơn minh oan. Sau đó mấy năm, tên bất lương kia lại bị vào khám Bordeaux cung vì tội trộm cắp. Hắn ta xin gặp De Sore để thú nhận mình là kẻ trộm túi tiền của De Sore; De Sore vội vàng viết thơ xin lỗi Vinh Sơn.

        Trong những nhân vật mà Vinh Sơn được tiếp xúc thì có Hồng Y De Bérulle. Sau khi Vua Henri IV bị ám sát ngày 14-05-1610, Hồng Y De Bérulle mời Vinh Sơn và Cha Bourdoise là linh mục thánh thiện cùng nhau tìm phương sách trùng hưng việc đạo đức cho Pháp quốc bị phân hóa băng hoại vì chiến tranh tôn giáo. Thế là các ngài tổ chức một Hội dòng gồm nhiều linh mục chuyên cần cầu nguyện, tu thân tích đức, riêng Vinh Sơn được bổ nhiệm làm Cha sở Giáo xứ Clichy ở ngoại ô Paris. Đây là một giáo xứ rộng lớn gồm toàn nông dân chuyên trồng rau.

        Vinh Sơn, vốn là con người hiền hòa đơn sơ, không quên bản thân mình xuất phát từ giới nông dân nên chẳng bao lâu mà thu phục được nhân tâm, làm cho giáo dân trở nên những con chiên rất mực ngoan đạo. Sau đó, một năm vâng lời Hồng Y De Bérulle, Vinh Sơn từ giáo xứ Clichy để làm giáo sư cho con cái của tướng De Gondi, đồng thời săn sóc đời sống đạo đức cho mọi kẻ ăn người ở dưới trướng của tướng De Gondi.

        Tướng De Gondi chỉ huy toàn đội Hải quân của nhà vua, là một người tài ba thao lược, có lòng đạo đức, song có phải tính nóng nảy và tự ái tự tôn; hể bị xúc phạm lập tức rút kiếm « đấu tranh ». Một hôm, trước khi đấu kiếm, De Gondi đi dự Thánh lễ. Thánh lẽ xong, Vinh Sơn tìm đến quỳ trước mặt De Gondi mà nói rằng : « Thưa tướng quân, tôi biết rõ tướng quân có ý đấu kiếm hôm nay. Tôi khẩn thiết nhân danh Thiên Chúa xin tướng quân hủy bỏ ý định ấy; nếu trái lại Thiên Chúa sẽ xét xử tướng quân và cả miêu duệ của tướng quân nữa ». Từ trước đến nay, chưa bao giờ De Gondi nghe bất cứ ai nói thẳng vào mặt mình những lời can gián vừa nghiêm nghị, vừa can đảm như thế nên ông ta từ bỏ luôn những cuộc đấu kiếm và cung từ đó ông càng thêm ái mộ Vinh Sơn.

        Bà De Gondi là người ngoan đạo, song phải cái tính áy náy tâm hồn không yên song nhờ sự hướng dẫn của Vinh Sơn nên tâm hồn được bình tĩnh; mặt khác, De Gondi có rất nhiều đất đai ở Picardie nên xin Vinh Sơn phụ trách giảng dạy cho đám dân phu, để họ được ăn năn, giữ đạo và sống đạo.

        Nhưng Vinh Sơn phải từ giả các nông trại của De Gondi để đi lãnh nhiệm vu mới. Nguyên do là Hồng Y De Bérulle nhận được báo cáo từ Lyon cho biết tình trạng giáo xứ Châtillon Les Domber đến lúc quá tồi tệ nên cử Vinh Sơn làm cha xứ. Thế là Vinh Sơn khăn gói đến Châtillon les Domber, lủi thủi một thân, chẳng ai chào, chẳng ai đón; Thánh đường hư nát biến thành chuồng bò, nhà xứ thì dân chiếm ở, dân tình lãnh đạm, hời hợt. Vinh Sơn đành mướn nhà ở chung với một tên thệ phản là Jean Beynier. Nhờ gương lành của Vinh Sơn, anh nầy trở lại đạo công giáo và sau này lại trở thành một cộng sự viên đắc lực của Vinh Sơn.

        Vinh Sơn trùng tu Thánh đường, tập hợp bổn đạo, khuyên lơn dạy dổ, cứu giúp, cho nên dần dần sinh hoạt giáo xứ điều hòa; ngày chúa nhật giáo dân tấp nập tham dự thánh lễ. Trong vùng Châtillon có ông De Rougemont thuộc phái quý tộc tính tình nóng nảy như Trương Phi, mỗi khi có xích mích với ai thì ông ta lập tức đấu kiếm”và ông ta đã hạ nhiều người. Vinh Sơn đi thăm De Rougemont, dùng lời lời ôn hòa song cương nghị, trình bày mọi lẻ thiệt hơn. De Rougemont chịu cải thiện, phá hủy thanh bửu kiếm và trở nên một giáo dân hiền hòa gương mẫu. Khi giáo xứ Châtillon trở nên phồn thịnh thì Hồng Y De Bérulle cử Vinh Sơn làm tuyên Úy Hải quân do lời nài xin của tướng De Gondi, vừa làm linh hướng cho dòng Visitation (Thăm Viếng) Paris do François De Sales sáng lập, vì Giám Mục François De Sales phải về Genève rồi qua đời ngày 28-12-1622 và Vinh Sơn làm cha linh hồn cho bà Jeanne De Chantal ở Annecy.

        Mặc dầu công việc đa đoan, Vinh Sơn không quên trọng trách của mình là tuyên úy Hải quân. Vinh Sơn thường thăm viếng tù nhân bị sung vào Đội chèo thuyền (galères). Thời bấy giờ, thương thuyền cung như chiến thuyền đều chạy bằng buồm và sức lực của đội chèo thuyền. Công việc của đội chèo thuyền vất vả va nhọc nhằn trăm bề nguy hiểm, thường dân thà bị thất nghiệp, chứ không muốn làm người chèo thuyền, vì vậy mà nhà nước dùng phạm nhân vào việc chèo thuyền, là hạng người bị bạc đãi thậm tệ, thua cả súc vật; chân bị xích vào gầm tàu, phải chèo theo nhịp khi nhặt khi khoan, nếu không theo đúng nhịp thì roi gân bò vụt vào người; che thân chỉ có mảnh khố mà thôi, thật là đau khổ.

        Vinh Sơn ra sức đấu tranh cho hoàn cảnh của đội chèo thuyền; một mặt yêu cầu phóng thích tù nhân mãn án, một mặt yêu cầu đối đãi nhân hậu với tù nhân. Một hôm, trong chuyến đi thăm Hải quân ở Bordeaux, Vinh Sơn thấy có một tay chèo kiệt lực. Vinh Sơn tự động mở xiềng cho anh ta rồi thân hành chèo thay cho anh ta. Cử chỉ hào hùng ấy làm cho sĩ quan và binh lính khiếp nể và làm cho các tay chèo hiểu rằng Vinh Sơn thương yêu họ vượt bực.

        Từ Bordeaux, Vinh Sơn trở lại thăm làng quê của mình. Vinh Sơn thăm cha xứ và họ hàng xóm giềng lân cận. Ôi! Mọi người niềm nở đón Vinh Sơn, người con yêu quí của xứ sở, từ một cậu bé chăn cừu, nay trở thành thầy dạy”cho các ông Hoàng, công Chúa và tuyên úy cho Hải quân.

        Trước khi từ giả quê hương, Vinh Sơn triệu tập tất cả bà con họ hàng thân quyến mời họ tham dự buổi cơm thân mật cuối cùng, rồi trối lại cho họ phần gia tài của mình, hầu được hoàn toàn rảnh tay theo đuổi chí hướng của mình.

        Trở lại Paris, Vinh Sơn dốc toàn lực vào việc giúp đở kẻ tàn tật nghèo khó, bệnh hoạn, trẻ mồi côi cô độc. Ngày 23-6-1625, bà De Gondi qua đời trong lúc tướng De Gondi vắng nhà. Vinh Sơn khéo léo báo tin cho De Gondi. Trước cái chết đột ngột của phu nhân, De Gondi suy nghĩ rất nhiều và nhận định rằng : « Mọi sự ở trần gian này đều hư vô » nên ông từ giả chức tước và gia tài đồ sộ rồi nhờ Vinh Sơn giới thiệu làm môn sinh của Hồng Y De Bérulle, nhập dòng và làm linh mục dòng Oratoire.

        Hội dòng nầy càng thêm đông lại thêm vào sĩ số, có các cha xứ đến tĩnh tâm, nên nhà dòng hóa ra chật hẹp. Bấy giờ bề trên dòng Lagiarô là cha Adrien Lebon hiến dâng một cơ sở rộng lớn từng là nơi nuôi dưỡng người phung hủi. Dòng Lagiarô gồm các linh mục chuyên lo phần rỗi cho những kẻ ốm đau bệnh tật.

        Công việc bác ái ngày càng mở mang, các mệnh phụ không đủ thời giờ đảm nhiệm, Vinh Sơn kêu gọi hảo tâm trong giới phụ nữ thường dân. Đáp lời, có bà Louise De Marillac là quả phụ của thẩm phán Antoine le Gras, khấn dâng đoạn đời còn lại cho công việc từ thiện.

        Năm 1633, có chị Marguerite De Naseau và nhiều bạn gái khác hợp nhau thành lập tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đệ Phaolồ. Các tân nữ tu chọn ngày 25-3-1642, ngày lễ Đức Mẹ truyền tin để khấn dòng. Từ đó dòng Nữ tu Bác Ái lan rộng chẳng những tại nhiều tỉnh trong nước Pháp, mà còn vượt ra ngoài ranh giới, lan khắp năm châu.

        Vua Louis XIII thấy rõ công trình của Vinh Sơn, nên sai Vinh Sơn phái nữ tu bác ái làm y tá cho các binh chủng và xin các linh mục làm tuyên úy quân đội. Vua năng mời Vinh Sơn vào cung, để tham khảo ý kiến và cung nhờ ảnh hưởng thiêng liêng ấy nên Louis XIII tổ chức buổi lễ long trọng dâng hiến nước Pháp cho Đức Mẹ, đồng thời cũng để nghi nhớ kỷ niệm này, hằng năm cứ đến ngày 15-8 Lễ Đức mẹ hồn xác lên trời thì khắp nước Pháp đều rước kiệu để kính Đức Mẹ.

        Năm 1643, Louis XIII thọ bệnh, Vinh Sơn đến dọn phần linh hồn; Vua rất sáng suốt bình tĩnh, cất tiếng hát « Te Deum » rồi qua đời bình yên ngày 15-3-1660, Louise de Marillac ốm nặng. Vinh Sơn phái người đến viếng thăm an ủi giúp dọn linh hồn. Vinh Sơn có nhắn rằng : « Chị cứ đi trước bằng yên, rồi chẳng bao lâu nữa tôi gặp chị ».

        Ngày 26-9-1660, Vinh Sơn kiệt lực, các tu sĩ đưa người vào nhà nguyện để hiến dâng Thánh lễ và lãnh bí tích xức dầu thánh.

        Ngày 27-9-1660, khoảng 05 giờ sáng, Vinh Sơn hôn kính Thánh giá, miệng nói rằng : « Lạy Chúa, con hoàn toàn tin cậy Chúa », rồi trút hơi thở cuối cùng.

        Năm 1724, Đức Giáo Hoàng Benoit XIII phong người là Á Thánh.

        Năm 1737, người được phong Hiển Thánh; hàng năm, lễ kính Thánh Vinh Sơn

        Phaolồ vào ngày 27 tháng 9, ngày người qua đời.

        Thi hài Thánh Vinh Sơn đệ Phaolồ được quàn tại nguyện đường dòng Lazaristes, số 95, đường De Sèvres, Paris. 

Hồ Đắc Hóa

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art