Thứ Sáu, 23 Tháng Sáu, 2023

Huyền thoại hoa tim vỡ

Hoa “Tim vỡ” có tên tiếng Anh là Antigone, người Việt thường gọi là hoa Ti gôn, một loài hoa mà T.T.K.H. đã viết trong bài thơ “Hai sắc hoa Ti gôn”, kể một mối tình buồn tan vỡ với lòng thổn thức, nhớ thương và nuối tiếc…

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,

Trời ơi! Người ấy có buồn không?

Có thầm nghĩ tới loài hoa… vỡ

Tựa trái tim phai, tựa máu hồng…?

Hoa Tim vỡ – Antigone – là những bông hoa màu hồng, nho nhỏ xinh xinh, mọc thành chùm, mang hình dáng trái tim yêu. Trong thần thoại Hy Lạp, hoa Antigone mang một huyền thoại thật kinh hãi với đầy bạo lực trong tình yêu thương giữa cha con, anh em, dòng tộc và sự loạn luân giữa mẹ và con. Trong huyền thoại đầy “kinh hoàng” này, những trái tim không còn nguyên vẹn để yêu thương mà bị dập nát, vỡ vụn trong nỗi đau khổ tột cùng của tội lỗi…!

Huyền thoại hoa tim vỡ - 1
Ảnh: pexels-jmohan-balachandaram


Oedipus

Ở kinh thành Thebes, Vua Laius và Hoàng hậu Jocasta sinh hạ một hoàng tử kháu khỉnh, dễ thương. Nhưng nhà tiên tri phán: “Đứa con trai này nuôi lớn lên sẽ giết cha và lấy mẹ”. Vua và hoàng hậu rất tin lời tiên tri nên sợ hãi. Nhà vua bèn truyền lịnh cho thuộc hạ là một người chăn cừu đem giết đứa con trai vừa lọt lòng mẹ để tránh hậu họa. Từ đó, nhà vua luôn lo sợ, không muốn có con nữa nên hờ hững, lạnh lùng với vợ.

Người chăn cừu thương hại đứa trẻ sơ sinh nên không nỡ giết, nhưng lại sợ nếu không tuân lệnh vua sẽ bị trừng phạt. Người chăn cừu bèn đục thủng hai bàn chân của đứa bé rồi treo lên cành cây với hy vọng có người cứu nó mà đem về nuôi dưỡng. May mắn thay, Vua Polybus và Hoàng hậu Merope ở Corinth là láng giềng của Thebes, vô tình đi ngang qua thấy đứa bé đáng thương nên đem về nuôi nấng như con ruột, vì họ không có con nối dõi. Đứa bé được đặt tên là Oedipus, có nghĩa là “bàn chân bị thương”.

Oedipus lớn lên, văn võ song toàn, nhưng rất ngạo mạn, tự hào về tài năng và dòng dõi quý tộc. Có người khi say rượu đã đàm tiếu rằng Oedipus chỉ là con nuôi khiến chàng muộn phiền, nghi ngại về thân thế của mình. Oedipus buồn bã rời bỏ Corinth đi lang thang. Khi đến Delphi, Oedipus gặp một nhà tiên tri cả quyết rằng: “Nếu Oedipus trở về nơi chôn nhau cắt rún sẽ giết cha mà lấy mẹ”. Oedipus lo sợ nên không muốn quay trở về nhà, vì nghĩ rằng vua và hoàng hậu xứ Corinth là cha mẹ đã sinh ra mình.

Ngày đêm rong ruổi cùng chiếc xe ngựa, nhưng khi đi đến một con đường nhỏ hẹp, Oedipus gặp một ông già đánh xe ngựa cùng với vài tùy tùng, ông quát:

– Này, thằng nhóc con kia có mau tránh đường cho ta đi không?

Chưa kịp phản ứng thì ông già đã ra lịnh cho đám tùy tùng giết chết con ngựa và Oedipus vì không chịu nhường đường. Con ngựa bị giết, Oedipus tức điên vì bị ức hiếp nên đánh chết ông già và đám thủ hạ, chỉ một người còn sống sót chạy thoát thân…

Oedipus lang thang đến Thebes, xứ sở này đang gặp nạn. Trước khi vào thành có một con quái vật ngồi chễm chệ trên bệ đá, ai muốn đi qua phải trả lời câu đố của nó, nếu trả lời không đúng sẽ bị giết ngay tại chỗ. Chưa một ai còn sống để bước chân vào kinh thành. Con quái vật tên Sphinx, có đầu và bộ ngực của người đàn bà, mình và đuôi sư tử, đôi cánh chim ưng. Con Sphinx cười ngạo nghễ khi thấy Oedipus đến “nạp mạng”, nó hỏi:

– Con gì buổi sáng đi bốn chân, buổi chiều đi hai chân và buổi tối đi ba chân?

Oedipus cười khẩy, trả lời:

– Đó là con người, lúc bé bò bốn chân, lớn lên đi hai chân, về già phải chống gậy nên đi bằng ba chân.

Con quái vật Sphinx gầm rú lên vì có người đã giải đáp được câu đố hóc búa, nó tức tối tự gieo mình xuống tảng đá rồi chết.

Vua Laius vừa băng hà nên Creon, anh trai của Hoàng hậu Jocasta truyền lịnh “ai trừ khử con Sphinx sẽ được lên ngôi vua và cưới hoàng hậu”. Thần dân xứ Thebes vui mừng và biết ơn Oedipus đã diệt trừ được con quái vật Sphinx. Mang lại bình an cho dân lành, Oedipus được trao ngôi vua và lấy Hoàng hậu Jocasta, sinh ra bốn người con. Hai người con trai là Polyneices và Eteocles, hai người con gái là Antigone và Ismene.

Năm đó, xứ Thebes xảy ra nạn đói kèm theo bịnh dịch lây lan khủng khiếp, người chết vô số. Nhà tiên tri cho rằng dân chúng bị trừng phạt bởi có một kẻ tội đồ giết vua đang ẩn náu trong kinh thành. Oedipus bèn cho người đi điều tra để tìm ra hung thủ đã giết Vua Laius.

Sự thật được phơi bày, người tùy tùng còn sống sót năm xưa kể lại chuyện và truy ra kẻ giết Vua Laius chính là Oedipus. Giật mình sợ hãi nhớ lời nhà tiên tri ở Delphi, Oedipus về lại Corinth hỏi cha mẹ mới biết mình chính là đứa bé bị treo trên cành cây ở bìa rừng, được đem về nuôi dưỡng.

Hoàng hậu Jocasta sững sờ khi người chăn cừu thú nhận ngày xưa không nỡ giết đứa bé sơ sinh mà chỉ treo lên cành cây. Jocasta hoảng sợ khi biết được sự thật xảy ra đúng y lời nhà tiên tri nói khi Oedipus mới sinh ra đời. Không thoát khỏi số phận nghiệt ngã, vừa là mẹ, vừa là vợ, Jocasta đau khổ treo cổ tự vẫn. Trong cơn thống khổ, bàng hoàng với một định mệnh quá bi thương và đầy tội lỗi, Oedipus đã lấy cây trâm cài tóc của Jocasta tự đâm mù đôi mắt.

Huyền thoại hoa tim vỡ - 2
Ảnh: david-clode-unsplash


Antigone

Antigone là con gái lớn của Oedipus và Jocasta. Oedipus phạm tội tày đình, bị đi đày biệt xứ. Hai người con gái Antigone và Ismene thương cha mù lòa nên đi theo chăm sóc. Ba cha con cùng nhau rời khỏi Thebes, đến Athens và xin ở lại đó.

Hai người con trai của Oedipus là Polyneices và Eteocles thỏa thuận cùng thay nhau làm vua. Nhưng đến thời hạn một năm, Eteocles không chịu nhường ngôi, đánh đuổi anh ra khỏi Thebes. Polyneices chạy đến Argos cầu cứu và cưới con gái vua xứ này để chiêu mộ “Bảy đạo quân” vây đánh Eteocles đòi lại ngôi vua. Trong lúc giao đấu, Polyneices đâm Eteocles một đao rồi lại gần nhìn xem em chết thật chưa? Eteocle bất thần lấy hết tàn hơi vùng dậy đâm anh mình một nhát chí mạng. Cả hai anh em cùng chết.

Creon là cậu của Polyneices và Eteocles, chiếm ngôi vua và truyền lịnh: “Không ai được chôn cất kẻ phản nghịch Polyneices, đã ‘cõng rắn cắn gà nhà’, hãy để phơi xác hắn cho kên kên và chó dữ ăn thịt”. Antigone đau lòng thương xót anh nên đã lặng lẽ trở về Thebes và bí mật chôn cất Polyneices. Creon biết được bèn ra lệnh xử tử Antigone vì đã dám cãi lịnh vua, nàng bị bỏ đói khát trong hang động. Trớ trêu thay, Haemon, con trai của Creon lại đem lòng yêu thương Antigone và muốn cưới nàng. Haemon xin cha xá tội cho Antigone, nhưng Creon đã dùng quyền lực của vua để áp đặt những luật lệ độc đoán, hà khắc. Creon cho rằng Haemon chỉ là một kẻ yếu đuối, lụy tình.

Huyền thoại hoa tim vỡ - 3
Ảnh: let-s-go-together-unsplash


Nhà tiên tri mù Teiresias đã tiên đoán và cảnh báo Creon: “Các vị thần thánh đau lòng và nổi giận nếu Creon không cho chôn cất Polyneices tử tế thì sẽ bị đổi bằng mạng của con trai là Haemon”. Creon nghe xong cũng sợ hãi quyền lực tối cao của các thần nhân nên vội vã ra lịnh tha Antigone và cho chôn cất Polyneices, nhưng quá muộn màng…! Antigone đã treo cổ bằng một dải lụa. Haemon ôm xác Antigone khóc thương rồi tự đâm vào tim mà chết. Máu từ tim của Haemon đổ ra đất, nơi đó mọc lên những bông hoa hình trái tim vỡ, màu hồng hồng bé xinh mà người ta gọi là Antigone.

Sau cái chết của Haemon, Hoàng hậu Erydice buồn rầu, uất hận vua Creon đã gây ra thảm cảnh, bà tự tử chết theo con. Creon đã phải trả một giá đắt, không còn lại gì ngoài nỗi cô đơn và đau buồn đến điên loạn.

Oedipus sống lưu lạc xứ người trong mù lòa tăm tối, chỉ còn lại duy nhất cô con gái út Ismene. Sau khi Oedipus qua đời, có truyền thuyết đồn đãi từ các nhà tiên tri: “Xứ nào có được nắm xương tàn của Oedipus sẽ phồn vinh, giàu có”.  Hài cốt của Oedipus được tìm kiếm và đưa về an táng tại kinh thành Thebes. Từ đó về sau, Thebes đã trở nên trù phú và hùng mạnh.

Nhã Duyên

(Phỏng dịch theo Bulfinch’s Mythology)

https://saigonnhonews.com/

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art