Những con sóng đời xô dạt, lớp lớp người rời bỏ quê hương. Nỗi đau, nỗi nhớ chỉ ở một giai đoạn nào đó thôi… Đến lúc này, với nhiều người chuyện định cư hối hả ở nước ngoài lại trở thành một cái mốt, là thước đo cho sự thành đạt và dư dả.
Ngày còn nhỏ, trong câu chuyện của người lớn, những ai bỏ đi biệt xứ là những kẻ khốn quẫn, cùng đường, không trốn nợ cũng là tai tiếng đến độ chẳng dám nhìn mặt ai. Biệt xứ là cực hình, là bản án đày đọa nặng nề nhất vì không còn được hiện diện trên vùng đất mẹ sinh ra và cưu mang mình.
Đến vùng đất khác, nửa đêm giật mình trống trải cơn gió lạ. Ai không nhớ những âm thanh của đêm quen: tiếng ho húng hắng của mẹ, mùi dầu gió của ba, tiếng ú ớ mớ ngủ của ai đó trong nhà. Có khi là tiếng dép lẹt quẹt trộn vào tiếng rao đêm hay ánh vàng hiu hắt của đèn đường. Vụt một cái tất cả bay mất chỉ còn lại thân một mình nơi xa lạ.
Rồi những tháng ngày mưa nắng, luồng khói bụi hắt nắng, mùi đất nồng lúc cơn mưa đầu mùa đổ xuống ngấm vào da thịt, xộc lên trong ký ức bao cảm giác nhớ thương một nơi chốn đến lạ kỳ…
Nhớ Tết Mậu Thân, đạn nổ chíu chít trên đầu, thím dắt hai đứa con nhỏ tạm cư trong một ngôi trường cùng với những người hàng xóm. Mẹ tôi nấu nướng thức ăn mang vào, khẩn khoản mời thím về nhà mình. Thím chỉ ngồi im lặng lẽ khóc. Rồi dòng họ bàn bạc chuyện góp tiền thuê cho thím căn nhà trên phố xa vùng giao tranh, thím cũng khước từ…
Sáu tháng sau tạm yên, thím trở về mảnh đất tan hoang vết đạn cày xới, cỏ tranh lút đầu người. Căn nhà được dựng lại bên cây dừa đạn chém gẫy ngọn. Cửa chính cháy đen xém cạnh, song cửa sổ là những mảnh gỗ chắp vá. Thím thắp hương cúng mâm cơm thỉnh ông bà rồi ngày từng ngày, vun xới lại mảnh vườn ao cá. Hàng đậu xanh tươi, hoa dâm bụt đỏ, ao nước bèo trôi, cá quẫy đuôi bạc lóng lánh, tiếng gà cục tác trưa nắng vàng và cuộc sống lại bắt đầu sinh sôi nảy nở trong mùi hoa dành dành thơm mát.
Thím cười hiền lành nhìn bàn thiên bày quả dừa bên chung nước. Về nhà là thấy yên rồi… Ai đành đoạn để hương tàn khói lạnh. Ông bà, cha mẹ ở đây, chồng con ở đây, gốc rễ ở đây chứ còn đâu nữa…
Năm 200… khu nhà thím rơi vào quy hoạch giải tỏa. Cô con gái nhận tiền đền bù ba công đất, đưa thím và đám cháu ngoại lên tầng 8 một chung cư. Người đàn bà quê sống với ký ức xưa cũ nhìn khoảng không gian sau chấn song cửa tầng cao thấy lố nhố những nóc nhà và quần áo phơi trên lan can chỉ biết khóc thầm bằng đôi mắt xám đục khô khốc…
Thím ngơ ngẩn suốt cả năm trời rồi lẫn lộn tứ tung, hết đòi ăn rau choạt hái sau nhà chấm mắm lại đòi ăn canh chua nêm bông bụp giấm. Có lần giữa trưa thím kiếm nón lá đội… đi xóm… Mảnh đất quê hương bén rễ trong tâm hồn theo thím về bên kia thế giới một buổi chiều mưa. Thím dặn đi dặn lại: “Che chuồng gà và đem hết củi dừa vô bếp…” Con gái đến lúc nắm bàn tay đen dần theo hơi thở lụi tàn mới cảm nhận hết nỗi niềm của mẹ…
Năm bảy mươi, tôi học lớp 5. Bạn Thiện và hai bạn cùng lớp bị trúng mảnh đạn cối lạc lúc đang chơi rượt bắt trong sân trường. Chỉ mình bạn Thiện sống sót nhưng bị hư đôi mắt, cụt mất một bên chân. Cô giáo dẫn chúng tôi vào bệnh viện thăm thấy bạn băng kín mít mặt mày. Mỗi khi nghĩ đến hai chữ “chiến tranh” tôi lại liên tưởng đến màu trắng trên gương mặt ấy với mùi ê te, mùi thuốc trụ sinh nồng đắng cổ.
Tuổi thơ của bạn đột nhiên biến thành đêm đen. Bàn tay lần mò theo bức vách đi xuống nhà dưới, bàn chân dò dẫm bước thấp, bước cao tìm chốn sân nhà. Bạn nhận ra bạn bè qua giọng nói, chẳng lầm lẫn ai bao giờ. Bạn không bao giờ khóc lóc khổ sở vì thương tật mà mỗi lần chúng tôi đến chỉ thấy bạn hỏi đủ thứ chuyện rồi cười, tiếng cười đùng đục của cậu thiếu niên đang hồi vỡ tiếng. Cha bạn hay nói: “tên bay đạn lạc, nó tránh mình chứ mình biết đâu mà tránh! Thôi chịu chứ cãi sao được ý Trời”
Bạn ở trong căn nhà có cây mận sai trái giữa sân, mỗi lần bước đi bạn có thói quen giơ cả hai cánh tay ra phía trước, chân gỗ cồm cộp, lò dò cẩn thận. Từng ngóc ngách căn nhà nằm trong ký ức mờ mịt dừng lại ở tuổi mười ba. Cha mẹ qua đời Thiện vẫn ở lại đó. “Mảnh đất, núm ruột của mình từ hồi còn sáng mắt, giờ bỏ đi sao đành?” Căn nhà cắt ra làm ba, mảnh sân chia ra làm bốn, anh em con cháu đùm túm thành một chốn quê nhà bao bọc Thiện. Đó là quê hương với mùi hoa mận trong bóng đêm trọn phần đời còn lại của bạn tôi…
Năm trước, cô con gái út của Thiện đến thăm, linh hoạt, xinh xắn như bông mận trắng. Út cười tươi kể đang làm việc trong ngành mỹ thuật ứng dụng cho một công ty đa quốc gia. Ánh mắt cô lấp lánh sắc màu hăm hở của tuổi trẻ, giọng nói vút lên như một nốt nhạc cao. Cô gái chia cho tôi niềm vui và một cái nhìn mới mẻ.
“Hơn 300 năm Việt Nam có Sài Gòn, vậy mà mấy chục năm trên đất Mỹ, đã có rất nhiều những Sài Gòn nhỏ từ California cho tới Houston, từ Virginia cho tới DC. Chưa kể bao nhiêu cái tên của Nam Kỳ Lục Tỉnh, danh nhân… Con qua đây, đến Seatle thấy y như Đà Lạt của mình, từ hoa mai anh đào cho tới trời xanh núi biếc, hoa vàng. Con nghe tiếng Việt của mình, thấy chữ Việt của mình. Chợ búa rau trái của mình, chùa chiền, hội hè lễ Tết của mình… thành đạt vinh quang và nhục nhằn thất bại của cộng đồng người Việt đủ cả… Bao nhiêu công sức đóng góp hy sinh theo thời gian. Con thấy y như cha ông mình đã tìm thấy đất lành để mở cõi, có điều ngày xưa chỉ vượt đèo Ngang, còn bây giờ là vượt cả đại dương cách biệt nhưng con không bao giờ nghĩ dứt áo ra đi là mất hết.
Cô ơi, con sẽ đưa cha qua đây một lần, một lần để cha hưởng mùa hoa anh đào nở Tháng Tư ở DC, để cha biết, xa hơn quê có một quê khác của bao nhiêu người, một quê khác cho con đời sống mới, dĩ nhiên đến thế hệ sau là mới và là khác nhiều rồi phải không cô?”
Tôi thoảng nghe trong lòng mình ngan ngát mùi hoa mận năm nào và cô gái chính là tình quê đơm bông kết trái đủ sắc màu đời tặng cha sống âm thầm trong bóng tối.
Cô chỉ mới đến nơi này sáu năm nay.
Và cô đã đổi khác như cái thế giới phẳng thay đổi trong từng giây, kết nối mọi nghĩ suy, hình ảnh hiệu quả trong tích tắc thay vì đợi chờ năm tháng như ngày xưa…
Cô gái trẻ làm tôi bừng tỉnh, tình với quê xa sâu nặng, hằn khắc trong tim như mối tình say đắm một thời tuổi trẻ. Nó làm người ta khắc khoải mãi khôn nguôi. Nhưng có ai sống mãi trong mơ và trong thơ cùng nỗi nhớ tình đầu… Đất Mỹ là người phối ngẫu. Người ta phải dám trả giá để sống thực hàng ngày với cuộc hôn nhân chính thức và cùng vun xới mái nhà bằng mồ hôi, nước mắt… Đó là bổn phận, là trách nhiệm để cây đời bén rễ vươn cành, sinh hoa kết quả trên vùng đất lành hào phóng cưu mang, trao tặng cơ hội. Đó là lẽ công bằng làm nên hạnh phúc…
Sau gió mưa trăn trở, nắng ấm sưởi lòng vui… Chắc chắn là vậy!
Trời đang là mùa Xuân tươi thắm nụ đào hồng… (Oanh Ly)