Thứ Hai, 24 Tháng Tư, 2017

Mưa hồng

Mưa hồng (*)

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: Ngoclan@nguoi-viet.com.

***

Âm nhạc bước vào tuổi thơ của chúng ta dường như từ những ngày còn nằm trong nôi nghe tiếng ru à ơi của mẹ hiền. Qua những câu ca dao, điệu hò luyến láy của bà ru cháu ngủ vào những trưa hè. Làn điệu dân ca mượt mà làm dịu cả ánh nắng oi ả hắt từ mái hiên nhà.

Những năm học tiểu học, vào mỗi buổi tối tôi thường ngồi đợi anh mình học bài xong. Anh bắt ghế ngồi kế bên cửa sổ, tay cầm cây sáo trúc. Bản nhạc anh dạo đầu luôn là bài “Lòng Mẹ” của nhạc sĩ Y Vân. Tiếng sáo du dương, giai điệu chập chùng khi trầm, khi bổng như làn khói thuốc mỏng, lãng đãng vươn mình thoát ra khung cửa. Rồi bay vút lên không trung quyện vào ánh trăng vàng đang nép mình trên nhánh cây Dạ lý Hương ngoài song cửa sổ.

Tiếng sáo trúc đã ru tôi vào thế giới mộng mơ, huyễn hoặc, dẫn dắt con bé non 8 tuổi mon men bước vào con đường lên Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao. Có hoa lá cỏ cây xanh mướt một màu và tôi đã thuộc nằm lòng hai câu mở đầu:

“Tiếng ai hát chiều này vang lừng trên sóng, nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào nguyên…”.

Tôi bắt đầu thích hát từ những năm tháng làm khán giả trung thành của anh mình. Tôi thường ngoan ngoãn ngồi xếp mình vào góc tối nhỏ ngay chân bậc cầu thang bằng gỗ dắt lên phòng anh. Nơi đó đủ để tôi nhìn thấy anh ôm đàn. Mái tóc bồng bềnh của chàng thanh niên trẻ và cơn gió nhẹ đang thổi hồn vào những quyển nhạc tiền chiến nằm cạnh những quyển sach còn tinh tươm mùi vở mới đóng dấu “Trung học Petrusky”.

Anh thích hát nhạc Trịnh Công Sơn, những ca từ giản dị nhưng đầy chất thơ :

“Em đi về cầu mưa ướt áo, đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”…

Với giọng hát trầm ấm, anh đưa tôi lang thang xuống phố qua bài nhạc của nhạc sĩ Lê Uyên Phương: “Theo em xuống phố trưa nay bên ngoài nắng đã lên mau..”.

Tôi cũng nhìn thấy hình ảnh hoa vàng bát ngát một góc trời khi anh hát nhạc Phạm Duy, phổ thơ Phạm thiên Thư: “Rằng xưa có gã từ quan. Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau. Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau. Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi…”.

Lên trung học tôi thích đạp xe đi học qua con đường Duy Tân. Nắng sớm mai len lỏi qua tàng cây cao vời vợi. Nắng như reo vui, lung linh, lấp lánh soi rọi những hạt sương mai trong vắt như pha lê ẩn mình trên lá cây, ngọn cỏ. Tôi yêu hai mùa mưa, nắng của Saigon. Yêu màu trắng áo sơ mi trường Petrusky mà anh tôi thường bận khi đàn, hát.

Sáng nay cầm ly cà phê nhìn ra vườn. Nắng hừng sáng một góc vườn. Nắng hiếm hoi sau mùa đông dài lê thê báo hiệu mùa Xuân gần kề. Nắng soi đủ ấm cho lòng rộn ràng, hân hoan ôm đàn dạo lại bài hát xưa mà anh của tôi hay hát.

Anh tuổi Rồng, bay về trời năm 22 tuổi, đem theo giấc mơ dở dang của chàng thư sinh Đại học Văn khoa. Còn tôi ở lại vẫn giữ gìn giùm anh từng cung đàn, nốt nhạc, cống trường Trung học Petrusky, sân Đại học Văn khoa…

Anh Đông ơi “Mưa hồng” vẫn rơi đều trên lối đi ngày tháng cũ đấy thôi.

“Trời ươm nắng cho mây hồng mây qua mau em ươm sầu còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm ….cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.”

* “Mưa hồng” – Trịnh Công Sơn

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art