Bến sông quê nội chiều cuối năm
Cuối năm, sợi khói như lãng đãng hơn trên những lũy tre quê. Cánh đồng làng trơ gốc rạ, thi thoảng vẫn có những chú trâu ra đồng cày ải đất. Sự bình yên ấy đủ vẽ trong ấu thơ mỗi người một nỗi hoài cảm sâu sắc.
Như tôi, một người nuôi biết bao ước vọng khi còn gắn kết ở bến sông quê, có bà nội đã gắn bó gần như cả đời ở đó với nghề đưa đò. Nay con sông trong mùa đông cạn trơ đáy, làng đã có cầu bắc qua sông, sức nội cũng cạn dần trong lo âu tuổi tác, con đò nằm ngái ngủ ở đó chứng kiến thời gian trôi qua. Đôi lúc tôi vẫn trốn phố về lại bến sông đó để thấy dáng nội hơi còng, dường như vẫn tiếng một thời đưa khách đằng đẵng, một thời mà tiếng gọi đò in hằn ở trong giấc ngủ. Lạ lùng thế, bà nội có còn ít tuổi đâu, vả chăng nếu không có cây cầu, thì người đưa đò có lẽ là mẹ tôi, chị tôi hoặc một ai khác. Nội già rồi, phải nghỉ thôi, ấy thế mà tâm thế người già, cả một đời chắt chiu làm nên đời sông, làm nên những vẻ đẹp của sự gắn kết tình làng nghĩa xóm và cả một nền tảng cho văn hóa làng quê.
Đành rằng, làng tôi vẫn còn hình bóng cây đa, bến nước, sân đình, vẫn còn những nếp nhà cổ kính liêu xiêu bóng thời gian; những con ngõ rêu phong, cả những cái ngách nhỏ ngoằn ngoèo, nối vào các ngôi nhà sâu hun hút, tất cả tạo nên một sự gắn kết hài hòa của cộng đồng dân cư. Nhưng giờ tốc độ đô thị hóa đã thổi đến, tất nhiên, sẽ có nhiều nhà cao tầng sừng sững vươn lên, phần nào phá vỡ kiểu kiến trúc thôn dã “sân trước, vườn sau, cây cau hiên nhà”. Khá khen cho các cụ già, vẫn cố gắng động viên con cháu giữ lại những vẻ đẹp bình dị để cho hài hòa với tổng thể của vùng đất ven sông. Và bến sông, dù bao nhiêu đổi thay vẫn cố gắng giữ gìn sự long lanh của nó, như để nuôi nấng tinh thần cho vài nghìn trái tim người dân.
Quê tôi, vùng bãi bồi sông Đáy xanh mướt mát ngô non và những thuở ruộng trồng dong chuẩn bị cho mùa Tết gói bánh chưng. Ngôi chợ không xa bến sông, một thời đã vẽ nên cảnh đẹp “trên bến dưới thuyền”, góp mặt vào nhiều bộ sưu tập ảnh, nay vẫn hỗ trợ, hài hòa tạo nét duyên cho vùng quê. Điều đó làm bà nội hài lòng, nhiều cụ già cảm thấy mãn nguyện.
Với những đứa trẻ một thời gắn kết ở đó, như tôi, tuổi ngây khờ đã không ít lần hét toáng cùng lũ bạn chăn trâu lùa đàn xuống tắm. Sự tinh nghịch của chúng tôi, không chỉ là hình thức cưỡi lên lưng trâu để tắm cùng, mà còn chơi trò trốn tìm trên những tán si rậm rạp ven sông. Chúng tôi vuốt râu cây si, như vuốt râu cụ già hiền từ đầy lòng nhân hậu. Sống và thỏa mãn theo kiểu trẻ con. Và may mắn hơn, lớp trẻ chúng tôi không đứa nào ỉ lại, từ bến sông đó, từ những trò chơi tuổi dại đó, đều tự biết cách gửi gắm ước mơ đi xa.
Chúng tôi lớn lên và đi xa. Đi xa rồi lại trở về để mà nghiền ngẫm, để mà tự hào để rồi cùng nhau gìn giữ. Kia là con thuyền có bóng dáng nội tôi, kia là gốc đa con chào mào làm tổ gợi cho tôi thú yêu thiên nhiên và cách làm cho mình gần gũi với thiên nhiên. Và chỗ kia nữa, là nơi tôi vẫn cùng lũ bạn, có cả một đứa con gái mặt tròn mắt to xinh xắn thả diều... Lạ thế, chỉ một không gian như thế mà đã chứa đựng biết bao điều, bao nhiêu bí mật mà giờ đây đứng trong hoài niệm, tôi cứ giở tất cả ra mà hình dung, và những hình ảnh đó cứ ào ạt ùa về.
Ôi bến sông, là cả một kho tàng ký ức. Hẳn là bến sông rộng lượng vô cùng, nên với ai cũng thân thiện, gần gũi và cất giấc ước mơ của nhiều người. Tôi tin, những đứa trẻ trong làng giờ cũng yêu sông, yêu làng, yên bến nước hiền hòa như yêu từng món đồ chơi tuổi nhỏ. Khi lớn lên, chúng cũng sẽ khám phá được nhiều điều bổ ích khác, như lớp trước đã từng sống, và trở về trò chuyện, hát vui trong vô vàn tự hào, yêu mến.
Sơn Bình