Thứ Bảy, 04 Tháng Hai, 2017

“Quái kiệt'' Tòng Sơn

“Quái kiệt'' Tòng Sơn Một mùa Xuân vui đợi cuối đường

Mùa Xuân này, nghệ sĩ kèn harmonica Tòng Sơn bước sang tuổi 88. Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông đã trải qua bao biến chuyển thăng trầm, đủ vinh quang, tủi nhục... Tuy vậy, dù đã gần 90 tuổi,  bao lần phải nhập viện cấp cứu, nhưng vừa gượng dậy là người nghệ sĩ già lại xuất hiện trên sân khấu, chỉ vì một lý do: kiếm tiền mưu sinh...

Người viết có may mắn quen biết và rất thân với nghệ sĩ Tòng Sơn suốt 20 năm nay. Dạo đó ông thường diễn chung với hai người bạn, tạo thành bộ “tam sên”: Tòng Sơn (kèn Harmonica), Huỳnh Hoa (kèn Saxo), Huỳnh Hiệp (trống jazz). Mấy năm sau, nghệ sĩ Huỳnh Hiệp qua đời, hai người còn lại vẫn là cặp “song kiếm hợp bích” thật ăn ý. Rồi nghệ sĩ Huỳnh Hoa cũng xa khuất, từ đó nghệ sĩ Tòng Sơn trở thành tay kèn solo “độc chiêu, độc đáo và...độc hành”...

Với bề dày kinh nghiệm của 70 năm gắn bó với cây kèn thân thuộc, tiếng kèn của lão nghệ sĩ giờ đây đã được liệt vào hạng “đệ nhất danh thủ” trong làng kèn của cả nước. Tiếng kèn điệu nghệ đã chắp cánh cho những tác phẩm vốn đã bất hủ càng thêm tuyệt vời như Đêm đông (Nguyễn Văn Thương), Hạ trắng (Trịnh Công Sơn), Tôi đưa em sang sông (Y Vũ - Nhật Ngân), Xóm đêm (Phạm Đình Chương)..., và cả những bản nhạc ngoại quốc như Tình ca du mục, Đồng xanh, Cánh bướm vườn Xuân, Besame Mucho... Không chỉ diễn hay, Tòng Sơn còn rất chú trọng đến thời trang. Mỗi lần xuất hiện trước công chúng là ông ăn vận rất “mode”, ông nói đó cũng là cách tôn trọng khán giả. Vật bất ly thân của ông là chiếc cặp đựng toàn là kèn : cây ngắn, cây dài, cây thẳng, cây cong... Có khi ông chơi một sê-ri kèn đến...21 cây !

Nghệ sĩ Tòng Sơn tên thật là Dương Ngô Tòng (Sơn là tên của người cha, ông ghép vào tên mình thành nghệ danh), sinh năm 1930 tại Vĩnh Long, ông nhớ lại : “Thật ra chính cây kèn Harmonica tìm đến với tôi chứ tôi không chủ động tìm nó. Số là hồi tôi còn là một cậu thiếu niên 15 - 16 tuổi, một hôm ngôi làng tôi đang ở bị Tây bố ráp. Mọi người hoảng loạn chạy trốn. Khi giặc rút, tôi tình cờ nhặt được một chiếc kèn Harmonica của anh lính Pháp nào đó đánh rơi trong đống đổ nát. Ngày ấy tôi chưa hề biết một nốt nhạc nào, rồi học thổi “vỡ lòng” với một người cậu. Năm 1950, tôi lên Sài Gòn làm thợ sắp chữ trong một nhà in, vẫn không quên mang theo cây kèn “lượm mót” này để mỗi đêm lại trút nỗi buồn xa nhà vào tiếng kèn. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ là sẽ trở thành một nghệ sĩ biểu diễn, mà chỉ muốn mình là một người thợ lao động bình thường, kiếm tiền độ nhật để sống. Nhưng rồi, với sự khích lệ của bạn bè, tôi chuyên tâm luyện tập hơn. Đến khi Đài phát thanh Pháp - Á tổ chức cuộc thi “Tuyển lựa tài tử” (tuyển giọng hát và nhạc công), tôi dự thi và trúng tuyển, rồi biểu diễn chuyên nghiệp từ đó”.

Để làm phong phú thêm cho nghề, khi diễn nghệ sĩ Tòng Sơn “chế” thêm ra mấy món độc, lạ như đang thổi bằng miệng thì chuyển lên mũi để có khoảng không… ăn chuối, hứng quá thì… uống bia. “Vì vậy, nếu tính đủ 65 năm đứng trên sân khấu, sơ sơ mỗi ngày diễn 5 sô ăn 5 trái chuối thì chắc bây giờ Tòng Sơn là người ăn chuối… nhiều nhất Việt Nam rồi”, người nghệ sĩ 87 tuổi hài hước. Cũng vì đặc biệt như vậy mà Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục “Người có phong cách biểu diễn khẩu cầm độc đáo nhất Việt Nam” cho nghệ sĩ Tòng Sơn.

Vậy đó, thời hoàng kim đã qua, dù đã từng rất đỗi phong lưu nhưng hiện nay ông vẫn ở nhà mướn. Hết sống trên một căn gác nhỏ ở chợ Trần Hữu Trang (cổng xe lửa số 6, Phú Nhuận) lại về hẻm 128 Bàn Cờ (Q.3). Nghệ sĩ Tòng Sơn những năm về già có hoàn cảnh khá ngặt nghèo. Những người con của ông có lẽ có những nỗi riêng buồn cha nên ít đoái hoài đến. Ông sống lầm lũi một mình, cô đơn trong căn phòng trọ chật hẹp. Tiền thuê nhà, điện nước mỗi tháng 3,5 triệu đồng từ trước đến nay đều trông chờ vào những sô diễn của ông. Nhưng từ đầu năm 2016, ông đã hai lần phải nhập viện cấp cứu vì bệnh tim. Cả năm nay nằm một chỗ, đủ thứ chi phí nên số tiền dành dụm dưỡng già từ những ngày đi diễn cũng lần lượt đội nón ra đi. Hôm ghé thăm, ông buồn buồn tâm sự : “Tôi trả xong tiền điện, nước tháng này nữa là hết sạch. Vừa rồi, tôi làm đơn xin vào Khu dưỡng lão nghệ sĩ (đường Âu Dương Lân, Q.8, TPHCM) để ở ẩn luôn nhưng chắc không được giải quyết do không đủ tiêu chuẩn, tôi đang lo, không biết cuộc sống sắp tới sẽ ra sao đây…”.  Ông vốn tự trọng, không muốn làm người nghệ sĩ “vô gia cư” nên rất muốn về sống ở Khu dưỡng lão nghệ sĩ để những ngày cuối đời vẫn được sống cạnh anh em nghệ sĩ. Nhưng ông vốn là nghệ sĩ tự do, không phải là hội viên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu (cải lương, tuồng...) nên bị nơi đây từ chối, mà sức khỏe thì ngày một mài mòn...

Những ngày gần Tết, chúng tôi lại có dịp đến hàn huyên cùng ông, và đã khá ngạc nhiên khi thấy trên tường nhà ông có dán cành hoa mai rực rỡ, ở giữa là một Thánh giá gỗ. Ông giải thích : “Cuối đời, trong những ngày tháng bệnh tật và neo đơn, tôi luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của giáo xứ nơi tôi đang ở. Thấy người có đạo tốt quá, mà đạo cũng hay vì lấy chuyện bác ái thương người làm đầu, nên có ý muốn theo đạo Công giáo. Cha sở ở đây động viên : Tuổi của bác sẽ được du di, không cần đi học giáo lý, chỉ cần thành tâm... Tôi đang chuẩn bị tinh thần cho ngày trọng đại ấy...”.

Ước mong ơn Chúa sẽ như một mùa Xuân tươi mát thắm gội trên cuộc đời sương gió của người nghệ sĩ. Một mùa Xuân vui đang đợi ông ở cuối đường..., và biết đâu trong năm mới, ông lại tìm được một bến đỗ đỡ nâng là một Viện dưỡng lão, một Mái ấm… Công giáo nào đó, để người tín hữu muộnmàng này bớt đơn quạnh tuổi già.

HÀ ĐÌNH NGUYÊN

Bài viết khác