Thứ Sáu, 25 Tháng Năm, 2012

Trong Đức Kitô Giáo Hội cầu nguyện

1. Kinh Lạy Cha trong các bản Tin Mừng.

Khi nói đến Kinh Lạy Cha, các nhà thần học, các nhà giải thích Kinh thánh thường nhắc lại câu nói bất hủ của Ter-tu-li-a-nô : "Kinh lạy cha chúng con là một bảng tóm lược tất cả Tin Mừng".

Qua Kinh Lạy Cha, chúng ta  thấy Đấng Thượng Đế mà Kitô hữu cầu nguyện được mặc khải cho con người một cách đặc biệt qua Chúa Giêsu.

 A. Hai bản văn.

Kinh Lạy Cha chúng ta thường đọc là bản văn viết trong Tin Mừng Mát-thêu. Ngoài lời cầu nguyện khẩn thiết của Chúa Giêsu với Chúa Cha, được thánh Gio-an chép lại trong Tin Mừng thứ tư đoạn 17 ở vườn Giệt-sê-ma-ni trước khi Ngài bị bắt và bị đem đi đóng đinh, chúng ta có hai bản văn viết về Kinh Lạy Cha : một bản của Lu-ca 11,2b-4 ngắn hơn, và một bản của Mát-thêu 6,9b-13 được viết dài hơn.

Bản văn của Mát-tthêu  6, 9-13 :

« Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

triều đại Cha mau đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con;

xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ ».             

Bản văn của Lu-ca 11,2b-4 :

« Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

Triều Đại Cha mau đến,

xin Cha cho chúng con

ngày nào có lương thực ngày ấy;

xin tha tội cho chúng con,

vì chính chúng con cũng tha

cho mọi người mắc lỗi với chúng con,

và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ ».       

B. Những khác biệt của hai bản văn.

Hai bản văn có những khác biệt dễ thấy :

-  Mát-thêu  có chữ chúng ta.

- Mát-thêu có thêm Đấng ở trên trời, (là một thành ngữ Do thái thường dùng, và chỉ có ngài dùng đến 13 lần như thế trong Tin Mừng).

- Mát-thêu có thêm lời nguyện thứ ba : Nguyện ý Cha được thực hiện ở trên trời cũng như ở dưới thế.

- Và tương ứng Mát-thêu có thêm lời cầu xin đối lại : Nhưng xin cứu chúng con khỏi sự dữ.

- Mát-thêu dùng chữ « nợ », Lu-ca dùng chữ « tội ».

- Về mặt văn phạm, Lu-ca ở 11,3 dùng động từ "xin hãy cho" ở thể hiện tại kéo dài. (xin cho mỗi ngày). Mát-thêu 6,11 dùng một động từ của Hy lạp gọi là (aoriste)- chỉ một hành động vào một thời điểm rõ rệt.

Hẳn nhiên chúng ta sẽ hỏi xem, đâu là bản văn ghi lại trung thực lời Chúa Giêsu đã dạy. Các nhà giải thích Thánh Kinh đưa ra nhiều phân tích khác nhau. Nhưng họ đồng ý rằng, Mát-thêu ghi lại lời kinh của cộng đồng Kitô hữu gốc Do thái, còn Lu-ca ghi lại lời kinh của cộng đồng người Kitô hữu không phải gốc Do thái. Dẫu sao thì toàn bộ lời kinh của bản văn Lu-ca đều có trong bản văn của Mát-thêu.

Ngoài sự khác biệt về chính các câu văn, vị trí của Kinh Lạy Cha trong hai bản Tin Mừng cũng đặt vào hai khung cảnh khác nhau; Mát-thêu đặt bản văn Kinh Lạy Cha trong khung cảnh bài giảng đầu tiên của Tin Mừng ngài, gọi là "Bài giảng trên núi". Theo tinh thần toàn khối của chương nầy, Chúa Giêsu muốn đưa ra một mẫu mực cầu nguyện thật sự, ngược lại thái độ giả hình của các người Pha-ri-sêu trong lối sống đạo hạnh hình thức phô trương của họ. Còn Lu-ca, thì đặt Kinh Lạy Cha vào một khung cảnh tích cực hơn. Khi các môn đệ thấy Chúa Giêsu thường cầu nguyện, họ muốn làm như Ngài; nên có một lần một người trong họ xin Ngài "Thưa thầy, xin thầy dạy chúng con cầu nguyện, như Gio-an Tẩy Giả đã dạy điều đó cho các môn đệ của người". Và Chúa Giêsu đã đưa ra lời Kinh nầy.

2. Mặc khải Kitô giáo trong Kinh Lạy Cha.            

A.  Thiên Chúa là Cha trong Cựu ước

Thật ra trong Cựu ước, rất ít khi Thượng Đế được gọi tên là Cha; đặc biệt nếu có dùng, thì chữ Cha không mang ý nghiã sinh thành tạo vật. Nhà thần học Jean Pouilly viết rằng : "Trái ngược với các huyền thoại ngoại giáo, phụ tính của Thiên Chúa hoàn toàn tách rời ý niệm về sinh thành và không bao giờ xuất lộ ra trong các bản văn (theo nghĩa đó) để ta có thể giải thích theo nghĩa mô phỏng về một đấng sinh thành hay tổ tiên. Thượng Đế là Cha, không phải vì ngài là "Đấng đã sinh hạ ra các thần thánh và con người", nhưng trong khuôn khổ ý nghĩa của việc Ngài chọn lựa Abraham và dân Do Thái mà Ngài nâng lên làm trưởng tử của Ngài khi cứu dân đó khỏi sự hà hiếp của Ai cập. Do đó, đây là một lối giải thích tượng trưng về phụ tính của Thượng Đế và trong khuôn khổ này lối giải thích đó không nhằm nói lên nguồn gốc của vũ trụ, nhưng liên hệ đến lịch sử con người" (Dieu Notre Père. Cahiers Evangile - số 68, các trang 9 và 11).

Nói cách khác, ý niệm Thượng Đế là Cha trong Cựu ước đi đôi với một Ít-ra-en là con, không phải là một hình ảnh huyền thoại, nhưng dựa trên một kinh nghiệm lịch sử của Giao ước và cứu độ. Qua ý niệm Thượng Đế là Cha, dân Ít-ra-en được mặc khải sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử của dân này, một Thiên Chúa duy nhất đối thoại với mình và làm cho dân này bước đi theo sự chỉ dẩn của Ngài.

Đến thời kỳ Do thái giáo ở Pa-lét-tin hầu như đương thời với Chúa Giêsu, nhiều bản văn, kinh nguyện của tôn giáo này đã kêu tên Thiên Chúa là Cha chúng tôi; hơn thế nữa các nội dung của Kinh Lạy Cha cũng thấy rải rác hiện diện trong các lời cầu xin của các tín đồ Do thái giáo, đến nỗi sau khi đối chiếu các bản văn R.Aron đã viết : "Kinh căn bản này của Kitô Giáo, trong nhiều đoạn, trực tiếp phát xuất từ các kinh căn bản của người Do thái mà bấy giờ Đức Giêsu đã đọc hoặc đã nghe đọc suốt những năm Ngài sống ở Nazareth." (Les Origines Juives du Pater, trong Mission-Dieu, 85, 1966- trang 38).

Những sự kiện khách quan về các văn bản đó cũng không thể làm ta quên lãng một sự khác biệt; khác biệt do chính hiện thân của Chúa Kitô khi mặc khải Thượng Đế là Cha và là Cha của Ngài.

 

 C. Thiên Chúa là Cha Chúa Giêsu và là cha chúng ta.

Chúng ta thường đọc trong Thánh lễ : nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, mỗi khi dâng lời nguyện lên Chúa Cha. Kinh Lạy Cha mặc khải về Thiên Chúa là Cha trong điều kiện đó. Trong Tân ước, đặc biệt các thư của Phaolô (Gn 4, 4-6; Rm 8,15), Kitô hữu gọi tên Thiên Chúa là Cha với tinh thần là dưỡng tử : « Anh em đã nhận một tinh thần là dưỡng tử, trong tinh thần đó, chúng ta kêu lên : Abba, Cha ».

Dưỡng tử vì Kitô hữu gia nhập vào Chúa Giêsu, con duy nhất của Chúa Cha. Và nhờ phép rửa chúng ta Kitô hữu tham dự vào cuộc sống Thiên Chúa. Từ chương 14 đến hết chương 17, Tin Mừng Gio-an đã nhấn mạnh rõ nội dung đó, đặc biệt câu : "Không ai đến với Cha mà lại không nhờ Ta" (Ga 14-6).

Đặc biệt thứ hai trong mặc khải về Thượng Đế trong Kinh Lạy Cha, là trong Đức Kitô Thượng đế là Cha của chúng ta. Chính nhờ Đức Kitô và trong Ngài, Kitô hữu mới có thể kêu lên : Cha chúng con. Với Đức Kitô, trong Ngài, tất cả Kitô hữu và nhân loại trở thành chúng con, tức là Giáo hội, cộng đồng huynh đệ.

Lời cầu nguyện Kitô hữu chỉ có ý nghĩa trọn vẹn khi kêu đến Thiên Chúa là Cha chúng con. Trong thần khí của Đức Kitô, Kitô hữu không thể sống riêng lẽ, cầu nguyện riêng lẽ một mình. Mỗi lời Kinh của Kitô hữu đều phải là lời cầu nguyện của Giáo hội, của toàn nhân loại.

3. Cấu trúc của Kinh Lạy Cha theo bản văn Mát-thêu.

            Các nhà giải thích Thánh Kinh thường chia bản Kinh Lạy Cha làm 3 phần :

A. Xưng danh Thiên Chúa :

           Lạy cha chúng con ở trên trời.

B. Ba lời nguyện kêu đến Thiên Chúa và vì Thiên Chúa :

            Chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến

            Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

C. Ba lời cầu xin liên quan đến con người :

            Xin cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày

            Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có  nợ chúng con

            Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ

            nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ.

A. Xưng danh Thiên Chúa : Lạy cha chúng con ở trên trời

Trong các bản Tin Mừng, ta gặp lối nói thân mật lạ lùng của Chúa Giêsu đối với Thiên Chúa Cha qua chữ Abba (Mc 14,36). Chữ Abba, là tiếng gọi thân mật trong tiếng A-ra-mê (tiếng Chúa Giêsu nói lúc bấy giờ) để kêu tên cha mình, như tiếng việt ta dùng chữ ba. Lối xưng hô lạ lùng đó mặc khải tương quan thân mật và duy nhất của Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha Ngài. Trong Kinh Lạy Cha, chữ Cha được dùng luôn hàm ngụ một mối tương quan thân mật, ưu ái : "Các con là bạn hữu của ta ». (Ga 15-14) ; « Ta đã gọi các con là bạn hữu vì mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta Ta đã tỏ cho các con biết » (Ga 16-27).

          Tuy vậy, người Cha thật gần gũi đó cũng là Đấng Siêu Việt : Đấng ở trên trời. Hẳn nhiên không phải trên trời là chốn thật xa, ở một nơi khác không ăn nhập gì với con người trần thế. Chữ trên trời ở trong văn hoá Do thái, cũng như ngay trong văn hoá Á đông chúng ta là lối nói tượng trưng nhằm chỉ một cái gì vượt lên trên khả năng tiếp nhận thông thường của con người vốn hữu hạn. Trên trời cũng có nghĩa là bao dung, chung cho hết mọi người trong mọi thời đại, đối lại với "đất" nhằm chỉ những giới hạn địa phương, thời kỳ lịch sử... Một ý nghĩa nữa của trên trời là sự hiện diện ẩn kín mà con người trần thế có thể lãng quên hay không nhận ra.

Cha chúng con

Nhờ Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô, Kitô hữu nhận ra Thiên Chúa là Cha và từ đó được sống trong cộng đồng huynh đệ : chúng con. Tình huynh đệ "chúng con" không có trước hay ngoài mối tương giao với Thiên Chúa ẩn kín qua Đức Kitô. Cuộc sống xã hội không tự mình làm nên tình nghĩa huynh đệ giữa các phần tử, cũng không tạo nên thần thánh theo nhu cầu sinh hoạt riêng của mình. Con người cũng không thể là con Thiên Chúa khi tách rời khỏi cộng đồng "chúng con" trong Đức Kitô.

Lời cầu nguyện của Kitô hữu cũng chỉ có giá trị chân thật khi kêu lên "chúng con", nói cách khác lời nguyện của mỗi Kitô hữu phải là lời cầu nguyện của Giáo hội : Khi có hai, ba người họp nhau cầu nguyện, thì có Ta ở giữa họ. Qua câu tuyên xưng : Lạy cha chúng con ở trên trời, Kitô hữu thấm nhập hai điều răn gói trọn cuộc sống con người : Mến Chúa và yêu người.

 B. Ba lời nguyện ước

Một số nhà chú giải Thánh Kinh xếp ba câu kế tiếp thành một phần riêng gọi là ba lời nguyện ước. Chúng ta cũng thấy một lối xếp khác, đưa toàn bộ phần còn lại của Kinh Lạy Cha thành một phần duy nhất; trong cuốn Giáo lý của Giáo hội Công giáo, phần duy nhất này gọi là lời cầu xin. Dẫu chia làm hai phần hay giữ lại một phần, thì các tác giả của hai lối xếp đặt đều cảnh giác rằng : đừng nên xem ba câu đầu của phần này như nỗ lực hòa lại với Chúa Cha với ý định là để dễ dàng xin Ngài chấp nhận điều mình muốn xin sau này. Kỳ thực ba điều nguyện ước đầu cũng đã là những lời cầu xin. Và ba lời cầu xin sau cũng chỉ có thể hiểu được trong khuôn khổ của Nước Chúa đang đến với con người.

Lời nguyện thứ nhất : Chúng con nguyện danh cha cả sáng

Vì cách dịch việt ngữ chúng ta đánh mất chữ thánh, và thay vào đó là hai chữ : một là chữ cả theo lối nói xưa có nghĩa thật nhiều, thật lớn, thật rộng khắp, và hai là chữ sáng nói lên sự tỏ lộ ra bên ngoài, và cũng có nghĩa là được tôn vinh. Nhưng khi dịch như thế chúng ta giữ được một ý quan trọng (như trong cuốn Giáo lý Giáo hội Công giáo đã mô tả : « Sự thánh thiện của Thiên Chúa là lãnh vực của mầu nhiệm đời đời của Ngài, ta không thể thăm dò được. Điều được tỏ lộ ra trong tạo vật và lịch sử, Thánh Kinh gọi đó là Vinh quang, là sự chiếu sáng của sự Cao cả của Ngài ». - 2809), nhưng có điều bất lợi là chữ thánh với tất cả những nội dung tín lý, thần học hàm ngụ trong đó không được gợi lên.

Danh cha : "Tên" thông thường được hiểu là một tiếng gọi quy ước. Sâu xa hơn nữa sự lượng định giá trị con người theo các chức tước địa vị xã hội, mà ngôn ngữ ta thường gọi là có tên tuổi với đời, đã che mờ sự hiểu biết về phẩm giá thật của chính con người, vốn cao cả hơn tước hiệu phù du đó. Sỡ dĩ các nền văn hoá nhân loại coi nhẹ cái "danh", vì danh đó phát xuất từ hoàn cảnh hữu hạn của con người. Trong Cựu ước để "cho thấy sự siêu việt của Thiên Chúa, Đấng ta không thăm dò được, Đấng mầu nhiệm, nên "Danh" đủ để chỉ Thiên Chúa" (Vocabulaire de théologie biblique. Ed. du Cerf, Paris, 1988. 6. éd. p. 829).

Còn trong Tân ước, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ Ngài biết tên của Cha ngài (Ga, 17, 6. 26). Khi tự mình tỏ lộ ra như là "Con", Ngài mặc khải "Cha" là tên gọi biểu lộ sâu xa nhất bản tính Thiên Chúa. Cha đó,  mà con Ngài là Giêsu (Mt 11,25..) cũng tràn ban phụ tính của mình trên tất cả những ai tin vào con Ngài (Ga 20,17).

Như thế Tên, Danh là chính Chúa do từ chính Chúa. Nói cách khác Thiên Chúa từ ý muốn của Ngài ban cho con người ân huệ gọi đến Ngài. Và gọi đến Ngài là "Cha" nhờ đức Kitô, trong Đức Kitô, với Đức Kitô, con Ngài.

Cả sáng : Ngay trong ngôn ngữ Tây phương, cũng có tác giả như J.Carmignac đề nghị dịch chữ "được thánh hoá" là "được hiển vinh". Chữ thánh nói lên sự siêu việt của Danh Chúa, chữ hiển vinh nói lên sự tràn lan đến cho mọi tạo vật. Nói cách khác : Cầu mong cho mọi người, mọi thời đại nhận biết Thiên Chúa là Đấng đáng tôn thờ. Nhưng Chúa đó không phải do con người tự bày đặt ra, nhưng là Chúa được mặc khải cho con người qua Chúa Kitô.

Và Danh đáng tôn thờ qua Chúa Kitô là Cha, Đấng Thượng Đế muốn con người nhìn nhận Ngài là tình yêu, là Đấng đã hiến cả con mình cho con người. Nên, cầu cho Danh cha được thánh, cũng là cầu xin Chúa ban cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người trong Đức Kitô. Và khi cầu xin như thế, thì chúng ta cũng biểu lộ ước muốn hợp tác với Chúa Kitô để Thiên Chúa là Cha được mọi người cảm nhận, Danh cha được thánh :  gặp gỡ, gọi đến Thiên Chúa siêu việt, Thánh, đó là chức phận của Thầy Cả. Vị thầy cả duy nhất lại là Chúa Kitô, hiến tế chính mình để con người có thể gọi đến tên Thiên Chúa, gần gủi, đối diện được với Ngài. Vì vậy khi đọc "Danh cha được Thánh", mỗi Kitô hữu thông hiệp với chức Tư Tế của Chúa Kitô qua lời cầu kinh của mình. Mỗi khi đọc câu khẩn nguyện này, chúng ta cùng với Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, tiếp diễn cuộc hiến tế trên Thánh giá.

Lời nguyện ước thứ hai : Nguyện nước cha đến

Nước cha : Trong bốn Tin Mừng, chúng ta nghe nhiều lần Chúa Giêsu dùng đến chữ "Nước Thiên Chúa". Chữ đó được bốn thánh sử dùng đến 122 lần, và 99 lần do từ lời nói trực tiếp của chính Chúa Giêsu. Đi đôi với từ ngữ nầy, Thánh Kinh, nhất là Cựu ước tôn vinh Thiên Chúa là Vua (xem Thánh vịnh 93,1; 96,10; 97,1; 99,1)  « Thiên Chúa là Vua trên toàn cõi trái đất... Chúa ngự trị trên các dân tộc; Chúa ngồi trên ngai thánh của Ngài » (Tv 47,8-9).

 Theo nội dung chữ Vua của Cựu ước, dân riêng của Chúa có một vua duy nhất là Thiên Chúa, nghĩa là dân đó được chọn để nhận biết Thiên Chúa là Đấng dẫn dắt cuộc sống của mình, quyết định vận mệnh của mình. Trong Tân ước, việc loan báo Nước Thiên Chúa đến gần, luôn được hiểu là chính Chúa Kitô đến với nhân loại. Nước Thiên Chúa là chính sự cứu độ của Chúa Kitô.

Cầu cho Nước Thiên Chúa đến là nguyện cầu cho mọi người nhận biết Thiên Chúa trong sự thông hiệp với khổ nạn và sự sống lại của Chúa Kitô. « Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa » (Philip. 2,8-11)

Như thế, trong Đức Kitô, cầu xin nước Chúa đến là cầu xin cho Danh Đức Kitô được mọi người cảm nhận, là cầu xin cho mọi người được cứu độ nhờ Ngài. Nhưng Nước của Chúa đến nơi trần gian không phải phô bày trong quyền uy theo nghĩa thế tục con người, nhưng nơi sức mạnh của sự hạ mình, vâng phục, chết trên thập giá vì yêu mến Thiên Chúa và đồng loại.

Nước Thiên Chúa đến còn mang ý nghĩa chung mãn của lịch sử, biểu lộ nỗi trông chờ của Kitô hữu vào buổi mặc khải vinh quang khi Chúa Kitô lại đến. Cầu xin cho nước Chúa đến là cầu xin cho mỗi người kết hợp với Chúa Kitô, bước đi theo Ngài, cho toàn thể nhân loại thoát khỏi sự Ác, mang lấy vinh quang của con Thiên Chúa. Khi cùng với Chúa Kitô, dâng lên lời nguyện cầu này, Kitô hữu thông dự vào tước vị làm Vua, mà ngôn ngữ thần học gọi là tước vị vương giả của Chúa Kitô. Nhờ Chúa Kitô, Kitô hữu nối kết mình và nhân loại với Thiên Chúa, tham dự vào niềm hy vọng Chúa Kitô lại đến trong vinh quang, chế ngự được mọi điều gian ác.

Lời khẩn nguyện thứ ba : Nguyện cầu cho ý cha được thực hiện, dưới đất cũng như trên trời

Ý của cha : Đây là lời khẩn nguyện Mát-thêu đã chép lại. (Không có trong bản văn của Lu-ca). Trong toàn bản Tin Mừng của Mát-thêu ta thấy có 6 lần vị thánh sử nầy nói đến ý muốn của Thiên Chúa. (6,10;7,21; 12,50; 18,14; 21,31; 26,42). Trước hết ta thấy ý muốn Thiên Chúa được biểu lộ trong cơn khổ nạn của Chúa Giêsu ở vườn Giệt-sê-ma-ni. (26,42) và được lặp lại 2 lần (26,39) : "Không phải điều con muốn, nhưng là điều cha muốn".

Khi nói đến ý muốn của Chúa, thì cũng khai mở thêm rằng Chúa đã cho con người, mà Đức Kitô là người toàn hảo, một ý muốn tự do. Nói đến ý muốn Thiên Chúa thì cũng nêu lên sự đáp trả tự do của con người. Sự đáp trả đó được Chúa Giêsu thực hiện trong khổ nạn, như một chén đắng, hy sinh đến chết nhục nhã trên thập giá. Những lần khác, Mát-thêu nhắc lại ý muốn của Thiên Chúa là để nhấn mạnh đến việc thực thi các điều Thiên Chúa dạy làm: 7,21 : "Không phải chỉ nói thế nầy là đủ : "Lạy Chúa, Lạy Chúa !" để có thể được vào nước trời ; nhưng phải thực hiện ý muốn của cha ta Đấng ở trên trời" ; 12,50 : "Ai làm theo ý cha ta Đấng ở trên trời, thì nười đó là anh ta, chị ta, mẹ ta !" ; 21,31 : "Ai trong hai người nầy đã thực hiện ý muốn của cha mình ?"

Như thế chúng ta nguyện cầu cho ý Chúa được thực hiện thì cũng có nghĩa xin Chúa thực hiện ý của Ngài nơi ta, và mặt khác chúng ta cũng mong ước làm trọn thánh ý Ngài bằng việc thi hành lề luật của Ngài. Chúng ta cầu xin vì biết sức mình không những không biết được ý muốn Thiên Chúa, mà nếu có biết thì cũng không đủ sức thực hiện. Nhưng mặt khác cũng không phải chúng ta từ chối tự do của mình, chỉ cam tâm chịu đựng như một số phận kẻ bị trị, kẻ tôi đòi, nhưng cầu mong đủ sáng suốt, lựa chọn tự do và đáp trả một cách độ lượng lời mời của Thiên Chúa tình yêu.

Khi khẩn nguyện "ý cha được thực hiện", Kitô hữu thông dự vào tước vị Ngô n sứ của Chúa Kitô. Ngôn sứ trong Cựu ước là kẻ được sai đến  để loan truyền ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn nhập thể nơi chính công cuộc cứu độ của Chúa Kitô : « Ai thấy ta là đã thấy Cha » (Ga 14,9) ; « Và ta sẽ xin Cha. Và Người sẽ ban cho các con một Đấng bầu chữa khác để Ngài ở với các người luôn mãi » (Ga 14, 16).

 Trong sự sống của Thần khí Thiên Chúa, chúng ta biết được và được ban ơn để thực hiện được thánh ý Thiên Chúa; Thánh ý đó là theo Chúa Kitô. Mọi Kitô hữu, khi cầu xin ý Chúa cha được thực hiện, đều tham dự vào sự mặc khải tiên tri của Chúa Kitô, can cường vượt thắng chính con người của mình và lên án, đẩy lui bóng tối của sự ác đang tồn tại trong lịch sử nhân loại.

Dưới đất cũng như trên trời : Cuốn Giáo lý Giáo hội Công giáo năm 1992 đã giải thích : « Chúng ta còn có thể giải thích các lời nầy mà không làm thương tổn chân lý." Nguyện ý cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời", bằng những lời nầy : trong Giáo hội cũng như trong Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta ; trong người vợ đã được đính ước cho ngài, cũng như trong người chồng đã hoàn thành ý của Chúa Cha » (2827).

Dưới đất là Giáo hội đang chiến đấu với sự ác, đang hoàn thành sự nghiệp của Chúa Kitô, nghe theo lời Ngài như Ngài đã làm theo thánh ý Cha Ngài. Văn hoá ngày nay đang phân cách một cách tuyệt đối Đất và Trời, cuộc sống trần tục và giá trị thần thánh, tôn giáo và chính trị. Người ta muốn dành đất cho người; và trời cao được xem là ý tưởng vu vơ dành cho những tâm hồn bịnh hoạn, lạc hậu, u mê. Nhưng Đức tin giúp ta nhận ra Đức Giêsu Kitô đã làm người, đã chết và đã được Chúa Cha cho sống lại vinh quang. Trong Đức Kitô con người trần thế thể hiện ý Thiên Chúa trong lịch sử để mọi người nhận biết Thiên Chúa ẩn kín (trên trời) đang ở giữa cộng đồng nhân loại.

Ba lời nguyện ước tuyên xưng niềm hy vọng trông đợi ngày hoàn tất lịch sử trong sự trở lại vinh quang của Chúa Kitô, đồng thời nói lên ý nguyện truyền bá Tin Mừng của ơn cứu độ của Ngài mà mình muốn thực hiện.

C. Ba lời xin liên quan đến con người :  Xin Cha ban cho chúng con hôm nay lương thực hằng  ngày

Xin ban cho : Cũng trong Tin Mừng Mát-thêu, ta đọc được câu này « Ngài làm mặt trời rạng lên chiếu soi kẻ ác cũng như kẻ lành và để mưa xuống trên kẻ công chính cũng như trên kẻ gian ác » (Mt 5, 45). Hẳn nhiên câu nói này giúp ta hiểu sự tốt lành của Thiên Chúa và sự công chính của ngài vượt lên trên tiêu chuẩn phán xét theo luật nhân quả của trí năng con người. Nhưng cũng có kẻ lại thêm rằng, nếu không van xin thì sự việc cũng xảy ra như thế; hơn nữa nếu Chúa đã được tuyên xưng là Cha, thì Ngài đâu phải đợi đến ta kêu xin mới ban cho. Trước hết lời van xin của Kitô hữu có nghiã là sự nhìn nhận toàn cuộc sống của mình và nhân loại là ơn của Thiên Chúa ban.

Lời cầu xin cũng là lời chúc tụng tạ ơn. Chúng ta cũng biết rằng nếu Thiên Chúa đã ban cho nhân loại con một của Ngài để cứu độ, thì không còn có gì  mà Thiên Chúa còn không ban cho con người được. Nhưng thật nhiệm mầu ! Chính Chúa Kitô đã dạy chúng ta hãy gõ cửa cầu xin, và khẳng quyết với chúng ta là khi chúng ta gõ cửa thì cha ngài sẽ mở cho chúng ta. Cuốn Giáo lý của Giáo hội Công giáo định nghiã đó là một cách biểu lộ giao ước giữa Thiên Chúa và con người.

Xin cho chúng con : còn là một biểu thị của Giao ước : Chúng ta thuộc về Ngài và Ngài là của chúng ta, cho chúng ta. (2829). Giao ước đó là Đức Kitô Giêsu. Nên cầu xin Chúa cha cũng là nhìn nhận con một Ngài là Chúa Giêsu Kitô, đấng nối kết chúng ta với Thiên Chúa trong Ngài. Chúng ta xin tức là nhân danh Chúa Kitô thực hiện giao ước về phần của mình, vốn đã được tạo dựng làm con người tự do để kết ước.

Nói tóm lại, tuyên xưng câu "xin cha cho chúng con" là nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa của mình nhờ ơn cứu độ của Chúa Kitô.

Chúng con : Cũng như khi khởi đầu của lời Kinh "Lạy Cha chúng con", lời cầu xin của Kitô hữu luôn là lời cầu của toàn Giáo hội và cho Giáo hội, cộng đồng những người con Thiên Chúa.

Bánh của chúng con : Bánh nuôi sống thân xác và cũng là bánh nuôi đời sống siêu nhiên. Bánh siêu nhiên là Lời Thiên Chúa, tức là chính Chúa Kitô : Lời Ngài dạy và chính mình và máu của Ngài trong Thánh Thể.

 Nói cách khác bánh là cuộc sống của mình. Khi dịch chữ bánh là lương thực chúng ta có khuynh hướng chỉ xem đây là đồ ăn có thể đưa vào miệng. Hẳn nhiên đó là nỗi âu lo khẩn thiết nhất để cuộc sống thân xác tồn tại; nhưng ngay cả cuộc sống thân xác cũng còn nhiều nhu cầu khác như khí thở, áo quần che thân, thiên nhiên bao quanh chúng ta... đó là chưa kể nhu cầu học biết, tình cảm gia đình, bằng hữu...

Bánh siêu nhiên là lời Thiên Chúa, tức là chính Chúa Kitô. Lời Ngài dạy và chính mình và máu của Ngài trong Thánh Thể. Nên bánh trong Kinh Lạy Cha phải hiểu là sự sống toàn diện Thiên Chúa ban cho con người trong Chúa Kitô.

Chúng con : Chữ chúng con ở đây giúp chúng ta hiểu những gì Chúa ban là của chung của tất cả con cái Chúa. Không thể tuyên dương, nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa, mà không thực hiện tình liên đới đồng loại, về cuộc sống thân xác cũng như siêu nhiên. Nói cách khác kính thờ Thiên Chúa không thể tách rời khỏi sự thể hiện tình liên đới huynh đệ trong Chúa Kitô.

Hằng ngày : Nguyên tĩnh từ Hy lạp là épiousios có nghiã là "cần thiết để sống". Điều cần thiết trước hết để sống từ vật chất đến siêu nhiên tinh thần là Thiên Chúa ở cùng con người. Vì sự sống thật là Chúa Kitô như Ngài đã dạy. Nên bánh hằng ngày cũng là sự hiện diện của Đức Kitô trọn đầy trong mỗi giây phút của cuộc đời.

Hôm nay : Chữ nầy trong bản văn Lu-ca viết là mỗi ngày. Mát-thêu nhấn mạnh ý tưởng hôm nay qua động từ "xin cho" ở thì aoriste của ngôn ngữ Hy lạp. Theo cách dùng chữ nầy, đây là một hành vi có tính cách cụ thể trong một thời gian nhất định. Nhà thần học Jean Pouilly giải thích : « Việc trình bày của Mát-thêu trong lời xin bánh hoàn toàn ăn khớp với lời dạy của Chúa Giêsu khi Ngài kêu gọi ta tin tưởng hoàn toàn vào sự tốt lành của Cha trên trời","Các con đừng âu lo mà nói rằng : "Chúng ta sẽ ăn gì? chúng ta sẽ uống gì ?... Cha các con trên trời biết các con cần tất cả những cái đó... Các con đừng lo âu cho ngày mai ; hãy để ngày mai tự lo cho có" (Mt 6,25-34). Và đó cũng là bài học của thời kỳ ban bánh Ma-na lúc Chúa nuôi dân ngài hằng ngày trong sa mạc. Khi chúng ta trông cậy vào sự tốt lành của Thiên Chúa, chúng ta chỉ xin ngài những gì cần thiết cho chúng ta trong ngày đó ». (Dieu Notre Père. Cahiers Evangile, Cerf, trang. 45).

Cuốn Giáo lý của Giáo hội Công giáo còn dạy rằng: « Ngày hôm nay đó không phải chỉ là ngày của thời gian hữu hạn ; nó là « Ngày hôm nay của Thiên Chúa » (2836)... « Con là con ta hôm nay, chính ta đã sinh ra con" (TV 2,7). Hôm nay có nghiã là : Khi Chúa Kitô phục sinh » (2836).

Khi đọc lên chữ Hôm nay, Kitô hữu được đưa vào thời gian của Chúa, tức là cảnh vực của sự sống Đức Kitô. Nên chữ nầy giúp ta hiểu toàn câu xin : "Xin cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày" là xin Chúa Kitô hiện diện trong cuộc sống của tất cả nhân loại, vì Ngài là sự sống thật.

 

 Lời cầu xin thứ hai :  Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẽ có nợ chúng con

Câu nầy ở Mát-thêu và Lu-ca có một số chữ dùng khác nhau:

Mt 6,12 : Và xá giải cho chúng con những món nợ như chúng con cũng đã tha giải cho con nợ của chúng con. Lc 11,4 : Và xá giải cho chúng con những tội lỗi của chúng con vì chính chúng con tha giải cho tất cả những ai có nợ chúng con.

Trong lối dùng chữ a-ra-mê mà đương thời Chúa Giêsu dùng, chữ nợ được nói đến cũng có nghĩa bóng là kẻ có tội, khi đối diện với Thượng Đế (Theo P.Grelot trong cuốn L’arrière-plan araméen các trang 546-547). Ngày nay trong bản Kinh Lạy Cha của các bản dịch đại kết (các tôn giáo thuộc Kitô giáo) người ta dịch thoáng là sự xúc phạm (xem bản dịch của cuốn Giáo lý của Giáo hội Công giáo). Cũng như chữ hoán giải theo nghiã đen của nợ nần, nay được dịch là tha, theo nghĩa bóng là tha thứ lỗi lầm. Nhưng chữ được nêu lên nhiều để phân giải trong câu này là chữ  như.

Trước hết, theo các nhà giải thích Thánh Kinh chữ như không có nghĩa theo lý chứng nhân qủa. Nói cách khác,không phải hể chúng ta tha lỗi cho kẻ xúc phạm đến ta, thì hậu quả đương nhiên là lỗi phạm của ta tự nhiên được tha : « Không phải vì chúng ta tha cho kẻ khác mà chúng ta đáng được ơn tha thứ của Thiên Chúa, nhưng đó là một điều kiện phải chu toàn để hưởng sự tha thứ » (Jean Pouilly: Dieu Notre Père, Cahiers Evangile, trang 47).

Nói rõ hơn, sự tha thứ tội lỗi con người là do ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, nhưng muốn hưởng ơn tha thứ điều kiện ta phải chu toàn là ta cần tha thứ những xúc phạm của đồng loại đối với ta. Để hiểu rõ hơn điều kiện cần hầu hưởng ơn tha thứ của Thiên Chúa, ta đọc lại những câu khác trong Tin Mừng Mt 6,14-15 : « Thật thế, nếu các con tha cho người ta lỗi phạm của họ, cha các con trên trời cũng sẽ tha cho các con; nhưng nếu chúng con không tha cho người ta, cha các con cũng sẽ không tha thứ lỗi lầm các con ». ; Mt 5,23-24 : « Nếu con đến dâng của lễ của mình ở bàn thánh và nếu ở đó con nhớ rằng người anh em của con có cái gì chống nghịch với con, con hãy để của lễ dâng ở đó trước bàn thánh và đi làm hòa với anh em con trước đã; sau đó hãy đến dâng của lễ của mình » ; Mt 18,35 : « Cha trên trời cũng sẽ xữ với các con như thế, nếu mỗi người trong các con không tha cho anh em mình tự đáy lòng ».

Cũng trong đoạn này (Mt.18), Chúa Giêsu dạy không phải chỉ cần phải tha bảy lần mà thôi, nhưng là bảy mươi bảy lần, nghĩa là tha không điều kiện và dứt khoát. Chữ "như" cũng thường được nói đến trong Tin Mừng không phải là sự so sánh về số lượng hay mức độ tuyệt đối giống nhau giữa hành vi con người và Thượng Đế, nhưng là sự thấm nhập một cuộc sống mới nơi Thiên Chúa trong Đức Kitô :

« Tự đáy lòng chúng ta tham dự vào sự thánh thiện, lòng nhân hậu, tình yêu của Thiên Chúa chúng ta » (Giáo lý của Giáo hội Công giáo. 2842). Và chính Chúa Kitô trên Thánh giá đã không nói tự mình tha, nhưng cầu xin Cha Ngài tha cho kẻ xúc phạm đến mình : "Lạy cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34).

Chính khi con người nói đến tha thứ lỗi kẻ khác, thì đó cũng là lời khẩn cầu Chúa Cha tha thứ lỗi lầm của toàn nhân loại, vì lỗi lầm con người xúc phạm đến anh em mình cũng là tội lỗi xúc phạm đến chính Thượng Đế. « Đối với người môn đệ Chúa Giêsu, sẵn sàng tha thứ, cũng có nghiã là giang tay cầu xin Thiên Chúa thứ tha » (J. Jérémias. Paroles de Jésus. Cerf 1963-tr 75).Câu xin nầy cũng gợi lên những vấn đề của xã hội chúng ta đang sống ngày hôm nay. Hai khuynh hướng đè nặng trên lối sống đạo chúng ta. Thứ nhất, quan niệm về tội lỗi con người đi đôi với một Thượng Đế quan toà khắt khe luôn tra xét từng hành vi nhỏ nhặt của cuộc sống con người để sẵn sàng trừng phạt thích đáng.

Hậu qủa trái nghịch là quan điểm về tội lỗi như là một phản ứng tâm lý bịnh hoạn của lớp người bạc nhược, không dám sống một cách tự do. Nói khác tội lỗi không có thật, đó chỉ là sự biạ đặt của tôn giáo làm cho con người nô thuộc vào một quyền lực giả tạo và ác độc.

Kitô giáo xác quyết tội lỗi có thật; và tội lỗi cũng chỉ có nghĩa khi chấp nhận có tự do con người và có Thượng Đế. Tội lỗi là từ chối và chống lại tình yêu thương của Thượng Đế. Vì có Thượng đế, có kẻ khác, nên trong tương giao giữa con người với Chúa, và với nhau, những gì con người có thể làm phải lưu ý đến điều được phép làm. Mất ý thức tội lỗi của thời đại chúng ta phát xuất từ nhận thức rằng mọi cái ta có thể làm điều được phép thực hiện, làm như ngoài ta không còn có Thượng Đế và tha nhân. Nên tội lỗi đối với Kitô hữu là đi ngược lại với hai điều răn căn bản : « Yêu mến Thiên Chúa, yêu mến người khác ». Vì thế tội lỗi trong Kitô giáo không phải là vấn đề luật pháp, cân đo đong đếm các điều lầm lỗi của mình để tránh hình phạt, nhưng được nhìn trong khung cảnh của tình yêu và tha thứ. Chúa Kitô đến không phải gieo vào lòng con người mặc cảm tội lỗi, nhưng là loan báo Tình yêu Thiên Chúa đối với con người và dạy con người thương yêu nhau :  « Như Cha đã yêu mến Ta, Ta đã yêu mến các con. Hãy lưu lại trong lòng yêu mến của Ta » (Ga 15, 9). « Này là lịnh truyền của Ta : các con hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các con » (Ga 15,12). Và rõ hơn nữa Ngài nói: « Con người không đến để hủy diệt mạng người ta, mà để cứu chúng » (Lc 9-56). Chính vì tội lỗi con người đã phạm và có thể phạm mà Chúa Kitô đến cứu độ, để con người làm hòa lại với Thiên Chúa và tha thứ yêu thương nhau; Kitô giáo không bày đặt ra một Thượng Đế quan tòa, gieo vào lòng người những mặc cảm tội lỗi bịnh hoạn.

Kitô hữu cũng không ý thức tình trạng tội lỗi của mình để giam hãm mình trong mặc cảm tội lỗi triền miên, hay hãi hùng lo sợ một Thượng Đế sẵn sàng trừng phạt. Ý thức tội lỗi luôn đi đôi với niềm tin vào ơn Cứu Độ của Chúa Kitô và sự chiến thắng của Ngài khi Ngài được Cha Ngài cho sống lại. Nghiã là ý thức tội lỗi  hướng đến sự tha thứ của Thiên Chúa và quyết tâm sống trong tình yêu thương của ngài, thực hiện Tình yêu đó nơi đồng loại là con cái Ngài.

 Lời cầu xin thứ ba :  Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ.

Câu này chỉ có trong văn bản của Tin Mừng Mát-thêu, và chia làm hai vế. Hai vế này diễn tả một nội dung; vế đầu có tính cách tiêu cực, vế sau có tính cách tích cực.

Cám dỗ : Chữ cám dỗ thông thường ngày nay ta hiểu là sự lôi kéo ta vào đuờng tội lỗi. Nhưng nguyên chữ Hy lạp peirasmos  còn có nghiã là sự thử thách con người phải gặp để xem mức độ trung tín. Trong các bản văn Cựu ước, các tác giả Kinh Thánh không ngại viết rằng Thiên Chúa gửi đến một thứ ác quỷ để dẫn đưa con người phạm tội (xem 1 S 18,10-11; 1 S 26,19; 2 S 24,1). Hoặc có khi dùng lối nói khá lạ lùng như « Thiên Chúa làm cho lòng vua Pharaôn cứng lại »(Xh 4,21; 7,3). Còn ý niệm Thiên Chúa thử thách sự trung tín của con cái Ngài thì bàng bạc trong nhiều bản Cựu ước. (St 22,1; Xh 15,25; Khôn ngoan 11, 9...). Nhưng ở đây Thiên Chúa không đưa người vào dịp tội; các thử thách nêu lên chỉ là dịp đo lường sự trung tín mà thôi. Ở sách Job lại xuất hiện nhân vật Satan đóng vai trò kẻ dụ dỗ con người làm điều ác. Và ta còn gặp lại Satan cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc (Mt. 4,1-11; Mc 1,12-13; Lc 4,1-13). Thư của thánh Gia-cô-bê, lại nói rõ rệt thế nầy : « Khi bị cám dỗ, đừng có ai nói rằng: « Việc tôi bị cám dỗ là do Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ để làm điều ác và cũng không cám dỗ ai » (1,13).

Xin đừng đưa chúng con vào cơn cám dỗ : Nguyên động từ Hy lạp buộc phải dịch thế nầy : "Xin đừng làm cho chúng con đi vào chước cám dỗ", nhưng bản dịch việt ngữ của chúng ta thường dùng trong Kinh Lạy Cha lại dịch : "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Hai lối dịch gợi lên hai cách hiểu và giải thích khác nhau của các nhà giải thích Thánh Kinh.

Cách thứ nhất giúp ta hiểu là chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta tránh khỏi  bị cám dỗ. Nhưng nếu cám dỗ là một cuộc thử luyện, chiến đấu giữa « Xác thịt và Tinh thần », giữa sự tự mãn và tình yêu, thì hầu như câu cầu xin nầy trái với lời cầu khẩn của Chúa Giêsu với Cha Ngài trong vườn Giệt-sê -ma-ni : « Con không xin cha cất chúng khỏi thế gian nhưng xin gìn giữ chúng khỏi sự dữ » (Ga 17-15). Nói cách khác theo lối dịch nầy : « xin đừng làm cho chúng con đi vào cơn cám dỗ », nên hiểu chữ đi vào như là gặp phải cơn thử thách mà mình không đủ sức lướt thắng.

Đây là lời cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng để giúp ta nhận ra con đường phải đi và phân biệt được những lý chứng giả tạo khác với chân lý của Chúa. Xin đừng gặp phải cám dỗ, là xin đừng u tối đi vào con đường lạc mà không hay. Xin đừng gặp cám dỗ, trong thời buổi ta đang sống, là xin đừng coi thường những nguy cơ làm dịp cho ta vướng mắc vào tội lỗi. Đặc biệt khi nói đến chúng ta, chúng ta nghĩ ngay đến trách nhiệm giáo dục. Ngày nay người ta đánh giá quá cao tự do cá nhân bất chấp hoàn cảnh, tuổi tác và nhận thức của các trình độ, mức trưởng thành của mỗi lớp người. Việc phô trương các hình ảnh hung bạo, không lành mạnh qua báo chí, và các phương tiện truyền thông, quảng cáo... đã đẩy đưa nhiều lớp người vào dịp tội.

Cách dịch thứ hai là xin cho chúng ta thắng vượt được cơn thử thách và các dịp có thể làm ta phạm tội. Lối dịch nầy tương ứng với lời Chúa Giêsu nói với Phêrô trong bữa tiệc ly : « Simon, Simon, Satan đã đòi con để xoay con trong sàng như người ta sàng lúa. Nhưng ta đã cầu nguyện cho con để đức tin con không mất đi » (Lc 22,31-32). Hoặc lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô: « Không cơn cám dỗ nào đến với anh em, mà vượt quá sức con người. Thiên Chúa trung tín ; Ngài sẽ không để anh em phải chịu cám dỗ quá sức mình. Khi có cám dỗ, ngài sẽ cho anh em phương thức để thắng vượt và sức mạnh để chịu đựng » (1Col,13).

Đặc biệt các nhà chú giải Thánh Kinh đều nhấn mạnh đến cơn cám dỗ, thử thách về đức tin đang hướng dân Chúa đến ơn cứu độ. Trong thời buổi hôm nay, việc mất đức tin không phải là một nguy cơ tưởng tượng. Mất đức tin không phải vì bị bắt bớ, giam cầm nhưng là mất hứng khởi trong cuộc sống đạo; thay vào đó là chuyển niềm tin và hy vọng của mình vào tiến bộ khoa học, kỹ thuật, quyền uy chính trị... nói tóm là tài sức của riêng mình. Xin đừng sa chước cám dỗ cũng là xin đừng thoả hiệp với cơ cấu tội ác, đang kéo lôi từng xã hội đi vào nguy cơ từ bỏ Thiên Chúa.

Xin đừng sa chước cám dỗ cũng là xin đừng rơi vào tình trạng thụ động, câm nín quên lãng sứ mạng rao truyền Tin Mừng cứu độ: Khốn cho tôi, nếu tôi không rao truyền Tin Mừng Chúa Kitô.

 Nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ : Câu nầy ăn khớp với lời khẩn nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Giệt-sê -ma-ni trong Tin Mừng Gio-an : « Nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi Thần Dữ » (17, 15).

Thế giới ngày hôm nay không muốn có một nền đạo lý phân biệt ác và thiện; ác nay chỉ được dịnh nghĩa là sự lầm lẫn, sự thất bại hay không kiến hiệu. Sự ác có thật, nó không chỉ là một sự chọn lựa của lương tâm cá nhân mà thôi, mà còn là một sức mạnh có tổ chức, có chủ định, quyết tâm thù nghịch với Thiên Chúa và ơn cứu độ của Chúa Kitô, chà đạp nhân phẩm và mạng sống con người. Sự ác nói theo ngôn ngữ thần học hiện nay là cơ cấu của tội lỗi, cố tình làm cho chương trình cứu độ của đức Kitô thất bại.

Và hơn bao giờ hết Kitô hữu hiệp thông với chính lời cầu khẩn của Chúa Kitô đã và vẩn luôn mãi hướng đến Cha Ngài cho nhân loại và mỗi một người chúng ta. Chúng ta xin Chúa Cha cứu chúng ta khỏi sự  dữ vì trong niềm trông đợi đầy hy vọng ngày trở lại vinh quang của Chúa Kitô, chúng ta biết trước có Satan, Thần ác, các tiên tri giả, các cơ chế tội lỗi bủa vây cuộc sống dân Chúa: « Xéo đi, Satan » (Mt 4,10), Đức Kitô đấng đã thắng Satan trong cơn thử thách của Ngài. Bởi Ngài, Đấng chiến thắng sự chết và trong Thánh thần của ngài, chúng ta, toàn Giáo hội tràn đầy hy vọng kêu lên Thiên Chúa, Cha chúng ta : « Abba ! Cha ! ».

Amen : Là lời nguyện cầu chung kết : « ước gì mọi sự được như thế », hoặc còn có nghĩa là xin cho mọi sự được xảy đến theo ý của cha. Đây cũng là lời nguyện của Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và mẹ của Giáo hội.

Trước khi rời khỏi cuộc sống trần thế, Chúa Giêsu đã muốn trao Giáo hội cho Mẹ ngài nâng đỡ, Ngài đã nói : « Hỡi bà, này là con bà » (Ga 19,26). Và khi Chúa đã lên trời, trong cuộc họp mặt cầu nguyện đầu tiên của cộng đồng Kitô giáo, Maria mẹ Chúa Giêsu ở giữa mọi người và cùng cầu nguyện với họ (Tđcv 1,14). Amen, toàn thể Giáo hội cùng với Maria mẹ của mình liên lỉ cầu xin : Nguyện ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời.

Nguyễn Đăng Trúc

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art