Thứ Hai, 27 Tháng Tám, 2018

Nó và tôi

Viết cho những cuộc tình… tan tác… chia xa!

Đơn vị tôi vừa hoán chuyển vùng hoạt động với đơn vị bạn, mấy ngày liên tiếp phải lo tu sửa hệ thống phòng thủ. Hôm nay rảnh rỗi tôi và Trường ngồi uống café ở Câu lạc bộ. Một anh lính trẻ ngồi gần bên nói: “Thưa hai ông thầy (lính trẻ thường gọi cấp chỉ huy như thế), em thấy cách đây vài trăm thước trên đường xuống chợ có một quán café, cô chủ quán đẹp ơi là… đẹp!”, anh lính chưa dứt lời Trường vội hỏi ngay: “Ê, Long! Đẹp bằng bạn gái của Thiếu úy PhiÔ không mậy?!”, Long cười cười không nói. Tánh thằng Trường là như thế, hễ nghe tới gái là mắt nó sáng lên… có lẽ tôi cũng giống nó ở điểm này!

Tôi và Trường ở cùng xóm, thân nhau khi hai đứa còn con nít. Năm đệ ngũ, trong lớp có cô bạn tên Sương cả hai đứa tôi cùng mê, nhưng khi thấy thằng Trường “đắm đuối” quá nên tôi tự động rút lui “nhường” cho bạn. Tình yêu học trò thật ngớ ngẩn làm sao, hai đứa gặp nhau chỉ nói chuyện vớ vẫn, hỏi nhau mượn sách vở, mấy ngày nghỉ học ở nhà làm gì, vv… và vv…, chỉ bấy nhiêu chuyện mà hễ gặp nhau tụi nó nói chuyện hằng giờ cũng chưa hết, có hôm thằng Trường trao trả cuốn vở cho Sương, hai đứa lỡ chạm tay nhau… mặt thằng Trường cứ nghệch ra còn Sương thì cúi gầm mặt xuống bàn suốt cả buổi học.

Nhà tôi và Trường cách nhà Sương một con sông, mùa hè nước chỉ sâu tới ngực, người dân hai bên qua lại bằng đò, đến 8 giờ tối đò hết đưa muốn qua sông chỉ còn cách lội xuống nước. Thằng Trường thường hay rủ tôi lội qua sông thăm Sương, nhiều hôm trời trở gió hai đứa rét run cầm cập nhưng vì chiều bạn tôi cắn răng lội xuống nước, dòng nước lạnh tê tái nhất là trong mùa đông giá buốt.

Chiến cuộc lan tràn tới tận làng quê của chúng tôi, gia đình Sương dọn lên Sài Gòn, Trường và tôi hai đứa cũng theo gia đình mỗi đứa một nơi, rồi một hôm chúng tôi gặp lại nhau cùng một đơn vị… còn Sương thì Trường không biết hiện giờ ở đâu, cuộc tình học trò… rồi xa… rồi quên!

Sáng sớm còn đang ngủ thì Trường đã dựng đầu tôi dậy: “Ê, PhiÔ… dậy uống café mậy!”, tôi càu nhàu nhưng cũng nhảy xuống khỏi võng. Hai đứa tôi tà tà đi xuống quán người “đẹp”, quán lá thật xinh nằm sâu trong vườn cau, trên vách treo vài giỏ Lan rừng. Cả hai đứa chọn một chiếc bàn tận trong góc, ở đây rất gần quầy tính tiền của cô hàng café. Nghe tiếng động cô hàng vén màng bước ra, tôi và Trường choáng váng… một thân hình eo thon trong chiếc áo bà ba bằng lụa tím, gương mặt thanh tú dễ thương, mái tóc dài buông xõa… làm dáng nàng có vẻ liêu trai!

- “xin hỏi hai ông dùng gì?”, nghe chữ “dùng” tôi hơi ngạc nhiên. À! Thì ra cô nàng ở tỉnh thành nào dọn về đây chứ không phải dân địa phương, giọng nói hình như dân Nha Trang hay Phan Thiết gì đây nghe thật dễ thương quá chừng!

- “cô cho hai ly café đá.” Hai đứa tôi nhìn quanh một vòng trong quán, mắt tôi bỗng nhìn thấy hàng chữ viết nơi vách chỗ chúng tôi đang ngồi:

“Phận em bưng nước rửa ly

Kính xin quý khách đừng ghi sổ vàng.

QUÁN NGHÈO!”

Có lẽ quán này có người ăn chịu rồi quỵt luôn nên mới có hàng chữ này. Tôi lấy viết ghi thêm phía dưới:

“Mai vàng nở khắp thôn trang

Quán không bán thiếu tôi càng buồn hơn.

LÍNH NGHÈO!”

Ngồi một lát tôi để ý thấy thằng Trường cứ lấm la lấm lét nhìn cô hàng, anh chàng này chắc chịu đèn rồi đây… bỗng nhiên thằng Trường khe khẽ hát: “Gặp em trong quán nhỏ… bên kia mưa sông dài… tóc em vương màu mắt… khi xuân về sớm mai… tôi ngồi châm điếu thuốc… mư… a…”, giọng nó hay quá, lời nhạc như một bài thơ! Hình như cô hàng cũng bị giọng hát thằng Trường lôi cuốn, tiếng hát tiếp tục đều đều:

“… Đời mình đâu dám hẹn,

Mơ lại phút… tương phùng!”

- “Giọng Thiếu úy hay quá, Trâm chưa bao giờ nghe ai hát hay như vậy!”.

À, thì ra cô nàng tên Trâm (tôi và Trường cùng la thầm như thế). Rồi từ đó Trường hay rủ tôi xuống quán uống “café”, đôi khi nó đi một mình, mấy lúc gần đây nó đi một mình thường xuyên hơn. Tôi thương nó như anh em ruột, Trường chỉ có bà mẹ và cô em nhỏ, nó thường tâm sự với tôi: “Mẹ tao muốn tao có vợ sớm để có cháu cho bả ẳm… không có tao bả nhìn thấy cháu nội cũng như thấy tao!”. Một hôm, với vẻ mặt “nghiêm trọng” nó nói với tôi: “Lâu nay tao giấu mày… vì tao chờ khi nào… chắc ăn tao mới nói.” Ngập ngừng một chút nó tiếp: “Tao và Trâm… yêu nhau! cách đây một tháng tao có hỏi ý kiến Trâm và tao đã viết thư cho má tao, bả mừng rở… vô cùng!”. Sau cuộc hành quân này… tao sẽ xin phép mấy ngày về rước má tao xuống nhà Trâm bỏ trầu cau… có thể chúng tao sẽ làm lễ cưới vào cuối năm nay”. Tôi ôm chặt hai vai bạn mình như chia sẻ niềm hạnh phúc đang dâng trào trong nó.

Đơn vị tôi hành quân bước sang ngày thứ ba thì chạm nặng, địch cấp tiểu đoàn vây chặt chúng tôi, thiệt hại quân ta mỗi ngày một tăng. Chúng tôi cố thủ trên một ngọn đồi, qua hôm sau được hai tiểu đoàn Biệt Động Quân cứu viện, đánh địch bật trở ra và bọn chúng bỏ chạy quên mang theo vũ khí và xác của đồng bọn. Đại đội tôi thiệt hại trung bình, trong đó có hai Sĩ quan bị thương nặng, tôi lo lắng cho Trường, linh tính như báo cho tôi tin chẳng lành, tôi liên lạc liên tục và cuối cùng được biết Sĩ quan bị nặng nhất đó là Trường.

Một dáng người nằm im lìm bất động, mặt tái nhợt, máu nơi ngực vẫn tiếp tục ứa ra. Tôi hoảng hốt nhào lại quỳ xuống bên cạnh, khi biết chắc đó là Trường tôi hét lớn, xô ngã người y tá qua một bên và gọi tên Trường rối rít. Một tay bịt chặt vết thương, một tay làm hô hấp nhân tạo; hai hàng nước mắt chan hòa… tôi thảng thốt gọi tên Trường khan cả cổ họng. Bỗng nhiên Trường khẽ cựa quậy, mắt mở từ từ, tôi mừng rỡ bật lên tiếng cười trong vỡ òa nước mắt. Môi Trường mấp máy… tôi cúi xuống kê tai sát vào miệng nhưng cũng không nghe được Trường nói, tay Trường sờ soạn nơi ngực đầy máu và dừng lại nơi cặp thẻ bài, miệng Trường mấp máy gọi tên người yêu nhẹ như gió thoảng. Tôi hiểu ý, đưa tay gỡ nhẹ bớt một tấm thẻ bài dính đầy máu bỏ vào túi áo giáp của mình. Trường mỉm cười rồi thở hắt ra, mắt mờ lệ… tôi đứng thẳng người đưa tay chào vĩnh biệt lần cuối cùng người bạn thân thiết của mình!

Về đến hậu cứ tôi ngủ vùi cho đến hôm sau, thay quân phục chỉnh tề, nhìn lại trong gương một lần chót, tôi bước ra khỏi doanh trại đi về hướng quán café của Trâm. Trên đường đi tôi suy nghĩ miên man, đưa tấm thẻ bài vật lưu niệm duy nhất của Trường cho Trâm, không biết phải nói với Trâm như thế nào? Phải khởi đầu ra sao… tội nghiệp cho Trâm quá… Trâm ơi!!!

Khi nghe tiếng Trâm tôi giật mình mới hay mình đã tới quán tự lúc nào.

- “Anh PhiÔ, anh về hồi nào vậy? Còn anh Trường đâu?”.

Tôi bối rối, lí nhí trong cổ họng: “Tr… ư…ờng có chút việc sẽ… đến sau”,

Trâm hơi biến sắc: “Nghe mấy chị vợ lính xầm xì… đơn vị anh đụng nặng lắm phải không?”,

- “Ờ, đụng nặng! À không, không nặng lắm”.

Tôi bước vội vào quán tới chỗ tôi và Trường hay ngồi: -”Trâm cho tôi xin hai ly café đá”, nghe hai ly café mặt Trâm tươi tỉnh trở lại, mắt cứ nhìn ra ngõ như mong chờ Trường. Nhìn chiếc ghế Trường ngồi bị bỏ trống lòng tôi buồn vô hạn, tiếng Trâm làm tôi chợt tỉnh: “Anh PhiÔ, anh làm sao vậy? Trông anh hình như bịnh” và Trâm đưa tay ngăn tay tôi lại: “Anh đừng khuấy nữa… ly café chưa bỏ đường”, Trâm vừa đi vừa quay đầu lại nói: “Để Trâm vào trong lấy thuốc cho anh”!

Đến lúc này tôi mới biết được rằng… tôi không thể nào báo tin Trường chết cho Trâm, tôi không đủ can đảm làm việc đó, không thể nào báo cái tin khủng khiếp đó, nó tàn nhẫn quá! Tôi không thể đưa một cái tin mà nó sẽ giết chết cả niềm tin và hy vọng mới chớm nở của một người con gái đáng thương như Trâm. Người tôi như run lên: “Trường ơi, mày tha thứ cho tao, tao không thể nào làm nổi ước nguyện của mày lúc lâm chung, tha thứ cho tao! Trường ơi!” Toàn thân tôi run rẩy, nghe tiếng bước chân của Trâm đi lên tôi vội vờ cúi xuống cột lại dây giày để Trâm không nhìn thấy cặp mắt đỏ hoe của tôi như chực khóc:

- “Thuốc cảm đây, anh uống đi…”, tiếng Trâm nhỏ nhẹ nghe như tiếng hát của Trường:

“Đời mình đâu dám hẹn,

Mơ lại phút tương phùng!”

Tiếng hát mượt mà của Trường như lớn dần… lớn dần, cuối cùng như một khối thuốc nổ nặng ký nổ tung trong đầu tôi… tan tác… bi thương! Tôi đứng bật dậy và như người chạy trốn… tôi lảo đảo bước ra khỏi quán vóc dáng xiêu vẹo, bỏ lại sau lưng một người con gái mắt tròn xoe… ngơ ngác trông theo!!!

Lê Phi Ô

* Viết để tặng bạn tôi, cố Trung úy Lê Đức Trường.

Bài viết khác