Thứ Ba, 21 Tháng Tám, 2012

Một thoáng hương xưa

Một thoáng hương xưa

Tiếng kẽng báo giờ học đã chấm dứt, học sinh vội vã rời lớp học như thường ngày. Tuấn vẫn còn ở lại, phụ giúp cô chủ nhiệm sắp xếp một vài thứ lặt vặt. Tuấn hỏi :

- Ngày mai cô  đi lễ Giáng sinh không ?

- Đi lễ ? Cô có đạo Chúa đâu mà đi ! Cô chủ nhiệm nhìn Tuấn ngạc nhiên.

- Tuấn thấy nhiều người ngoại đạo vẫn đến nhà thờ, cũng viếng hang đá đêm Noël, có sao đâu ?!

- Cô không quen, nó sao sao ấy !

- Không sao đâu, đi một lần cho biết ! Tuấn bảo đảm, cô sẽ không thất vọng. Với lại, một người ngoại đạo đi lễ thì Chúa càng mừng hơn ! Tuấn cố gắng thuyết phục.

- Chúa của Tuấn vui mừng thì có ăn nhập gì tới cô !

Và như không để Tuấn ngượng ngùng lâu hơn, nàng nói :

- Được rồi, ngày mai, cô sẽ làm vui lòng « cả hai » !

Ba tháng trước đây, Quỳnh Trang đến nhận nhiệm sở với tâm trạng phập phồng, lo lắng. Trường Châu văn Tiếp đối với nàng hoàn toàn xa lạ. Tốt nghiệp đại học sư phạm mới sáu tháng,  kinh nghiệm «  chiến trường » bục giảng và học trò chưa bao nhiêu. Thế mà, ban giám hiệu nhà trường lại đề nghị nàng làm chủ nhiệm một lớp 12, mới ác chứ ! Vị chủ nhiệm cũ, vì lý do « gia cảnh » xin thôi dạy hồi đầu niên khóa. Thôi thì cũng rán, nàng tự nhủ, mà lòng vẫn hồi hộp, lo âu !

Hôm ấy, nàng đến trường thật sớm, với ý định đi quan sát một vòng… nơi nàng sẽ trãi qua một quãng đời ở đó. Vừa đến cổng, đã có tiếng gọi :

- Chào cô, cô có phải là cô Quỳnh Trang không ?

- Anh là… Nàng hỏi lại với vẻ ngạc nhiên.

- Dạ, em là Tuấn, học sinh lớp 12A1…

Ngập ngừng giây lát, Tuấn nói tiếp :

- Tuấn và cả lớp biết tin cô sẽ đến đây dạy gần nửa tháng rồi. Hôm qua, ban giám hiệu thông báo cô sẽ đến nhận lớp sáng nay. Cô là chủ nhiệm lớp Tuấn đó !

Quỳnh Trang hơi choáng váng… Mình sẽ « chăm sóc » những thanh niên cao to như thế này sao ? Nàng tự nhủ khi nhận ra Tuấn cao hơn nàng cả cái đầu ! Làm ra vẻ bình tĩnh-võ khí phải có của nghề nhà giáo-nàng hỏi lại :

   - Sao hôm nay… em đi học sớm thế ?

   - Cả tháng nay, lớp Tuấn không có giáo viên chủ nhiệm như đàn gà bơ vơ. Được tin cô đến, cả lớp mừng lắm. Cứ trông chờ ! Tuấn là lớp trưởng, Tuấn muốn đón cô …

Nhìn vẻ mặt khẩn trương và lời nói chân thành của Tuấn, Quỳnh Trang như thoát khỏi cái vòng lo âu lẩn quẩn… Và ngày đầu tiên ấy, đã để lại cho nàng một ấn tượng thật đẹp …

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản chút nào. Đối với các giáo viên đồng nghiệp, nàng hơi bị lép vế, vì là hàng « em út » ; lúc nào cũng phải ý tứ… Nhưng đó không phải là vấn đề lớn, ngày qua ngày sẽ hòa nhập được ! Khó khăn ở đây là vai trò làm chủ nhiệm ! Lớp học chỉ có một phần ba là con gái , còn phần lớn là những anh con trai to lớn, nghịch ngợm… Ngày đầu tiên nàng khớp thật sự. Bao nhiêu vốn liếng sư phạm vụt biến mất, khi chạm trán một « đoàn quân hỗn tạp » nàng chưa lường trước được. Cũng may, Tuấn là lớp trưởng có có uy, giúp nàng rất nhiều trong việc ổn định tình hình. Tuy thế, mỗi ngày từ trường  trở về, nàng cảm thấy mệt mỏi, rã rời…

Ông hiệu trưởng là người thường xuyên động viên, hứa sẽ thuyên chuyển nàng vào vị trí thích hợp hơn. Nói thế, nhưng biết đến chừng nào ! Tình hình chung cả nước, vào những năm cuối thập niên 80, nạn khan hiếm giáo viên trầm trọng, có ai đến để thay thế nàng ! Có chăng là xin về một trường khác, nhưng đó là một điều hết sức nan giải ! Ngày tháng dần trôi, qua bao nhiêu khó khăn bước đầu, giờ đây nàng đã lấy phong độ vốn có của người cầm phấn bảng. Nguyên nhân từ đâu ? Chính phong cách dạy rất mới mẻ, kiến thức không bị đóng khung của chế độ, lời giảng rất hợp với tâm lý giới trẻ, đã làm cho nàng có một thế đứng đặc biệt. Chính Tuấn đã nói với Quỳnh Trang :

- Cô biết không, hồi nào tới giờ, Tuấn không thích Văn lắm. Vậy mà bây giờ, mỗi ngày Tuấn phải dành riêng một giờ để học môn của cô. Cô có « cái chất » khác hơn các giáo viên trước !                

Lời nói ấy như một làn gió nhẹ làm mát lòng, Quỳnh Trang chỉ mĩm  cười…

Quỳnh Trang đến nhà thờ với tâm trạng không ổn. Lần đầu tiên khoác chiếc áo làm « con chiên ngoan đạo », nàng cảm thấy như có vẻ giả dối. Thật ra ngôi thánh đường này không xa lạ đối với nàng ; hàng ngày nàng vẫn qua lại để đến trường dạy. Nàng vẫn thường nhìn thấy, mỗi lần tan lễ, bà con tín hữu ra về đến ngập cả đường phố, nàng cho là chuyện rất bình thường. Thế mà, hôm nay được hòa mình vào dòng người có đức tin thuần khiết ấy, nàng vẫn cảm thấy bất an…Nàng có ý định ghé thăm hang đá rồi sẽ ra về…

- Cô Quỳnh Trang !

Vừa toan bước vào nhà, bỗng nghe tiếng gọi, Quỳnh Trang ngoảnh lại, ngạc nhiên khi vừa nhìn thấy cậu bé vừa đạp xe tới :

- Kìa Tùng, em đi đâu đây ?

- Dạ…em tìm cô ! Cậu thanh niên tên Tùng ấp úng nói tiếp :

- Dạ…Anh Tuấn em không đi lễ được ! Và có nhờ em trao cô cái này !

Quỳnh Trang hết sức bối rối, cầm phong thư trong tay, nàng linh cảm điều gì đó bất thường !

- Thế Tuấn đâu ?

- Dạ, ảnh không có ở nhà… Thôi chào cô, em về !

Đêm đó, Quỳnh Trang không tài nào chợp mắt được. Sự việc đến bất ngờ quá, khiến nàng mất bình tĩnh. Hồi chiều nhìn dáng vội vàng, nét mặt khẩn trương của cậu em Tuấn, nàng đã sinh nghi. Lá thư đọc đã hai lần, Quỳnh Trang vẫn còn trong trạng thái ngỡ ngàng :

Cô… thân mến,

Khi cô đọc thư này, có lẽ Tuấn đã đi xa lắm rồi ! Vì gấp rút quá, không thể báo cô biết được… Thôi đành có lỗi với cô !

Cô Quỳnh Trang… Từ ngày cô về đây, như mang một luồng gió mới, làm tươi mát vạn vật trong sân trường.

Tuấn không hiểu cảm xúc mới  lạ ấy là gì, mình không thể xác định được. Có một điều chắc chắn, Tuấn sẽ nhớ trường Châu văn Tiếp lắm…nơi đó, cô là hình ảnh đẹp nhứt, Tuấn không thể nào quên !

Tương lai vô định, chưa biết sẽ về đâu. Rồi Tuấn còn găp cô nữa  không ?!

Thôi…Tuấn đi, Chào cô…Quỳnh Trang !

Tuấn.

***

Trên chuyến bay hàng không Việt nam, có một ông khách hơi đặc biệt. Từ lúc đặt chân lên máy bay, ông ta ngủ gà ngủ gật. Trên tay ông cầm cuốn « Những nỗ lực cho Việt Nam » đang đọc dở. Nhiều lần, chiêu đãi viên ngại đánh thức, nhưng cuối cùng cũng khều nhẹ và hỏi ông :

- What would you like to drink, Sir ?

Người đàn ông chợt mở mắt, uể oải trả lời :

-Không, khi nào cần tôi sẽ gọi, cám ơn cô !

Cô chiêu đãi viên ngạc nhiên hỏi :

-Xin lỗi, ông là người Việt…

   -Tôi không có dáng người mình sao ? Người đàn ông trả lời có vẻ thành thật. Ông chợt giật mình, vì đã từ lâu lắm, ông không trở về Việt Nam. Có lẽ, cái dáng bề ngoài cũng thay đổi theo thời gian khiến cho những người trong nước như cô chiêu đãi này khó nhận diện được ? Một chút ưu tư chợt hiện lên nét mặt ông.

- Ồ không, xin lỗi ông, vì thấy ông to lớn và có nét tây phương, nên tôi lầm !

- Không sao…

Người đàn ông to lớn ấy chính là Tuấn của mấy mươi năm về trước…

***

Con thuyền vượt biển của Tuấn đã cập vào đảo Pulau Bidong trong một chiều mưa gió sau hơn mười ngày lênh đênh trên biển. Mệt mỏi rã rời, nhưng vui mừng vì được đến bến bờ tự do. Chàng dễ dàng hội nhập vào mọi sinh hoạt ở đảo, tuy thiếu thốn nhưng đầy ắp tình người ! Tuấn ở đó được ba tháng thì được nước Pháp nhận nhân đạo và đi định cư.

Khi sang Pháp, thời gian đầu rất khó khăn, phải vừa đi làm, vừa đi học. Thêm vào đó còn phải nghĩ đến quê nhà… Nhiều lúc quá mệt mỏi, chàng muốn bỏ cuộc. Nhưng với ý chí vững mạnh, chàng đã vượt qua. Để rồi sau gần tám năm đèn sách và vật lộn với đời sống, chàng lấy được mảnh bằng đại học sư phạm. Chàng dạy môn toán cho một trường lycée ở Lyon.

Hai năm sau, chàng lập gia đình với một đồng nghiệp.Thời gian đầu họ rất hạnh phúc. Những tưởng đời sống lứa đôi sẽ bền vững, nào ngờ, chỉ được mười lăm năm, họ đành chia tay. Những bất đồng tư tưởng sống Pháp Việt là nguyên nhân chính đưa đến sự đổ vỡ. Nhưng cái hay của chàng là vẫn giữ được tình thân với vợ ; họ coi nhau như bè bạn, cùng nhau nuôi nấng đứa con trai độc nhứt, Tuấn Anh. Vợ chàng đã bước thêm bước nữa, nhưng chàng vẫn sống độc thân và dành nhiều thì giờ cho con mình.

Giờ đây Tuấn đã là người đàn ông đứng tuổi, chưa hẳn già nhưng không còn trẻ. Tuấn Anh, con ông đã học xong và đi làm cách đây hai năm, ông rất hài lòng. Bây giờ ông dành nhiều thì giờ cho nghiên cứu và viết sách. Cách đây không lâu, một người bạn có nhã ý mời ông về Việt Nam dạy học. Thực ra, ông có ý định này mấy năm nay, ngay khi có sự « đổi đời », ông muốn góp chút kiến thức nhỏ nhoi của phần đời còn lại cho quê hương.

Hai ngày trước khi đi, ông Tuấn không tài nào ngủ được ! Phần vì xa quê hương quá lâu làm ông bồn chồn muốn gặp lại. Thực ra cách đây đúng hai mươi năm, ông có về khi cha mất, nhưng thời gian quá ngắn ngủi để có thể có những kỷ niệm đáng nhớ. Phần vì nơi ông sẽ đến dạy là trường Châu Văn Tiếp ngày xưa. Thế là bao nhiêu kỷ niệm lại hiện về, hình ảnh ngôi trường, bạn bè, thầy cô…cứ lần lượt trở về trong dòng suy tư của ông. Và hình ảnh cô giáo Quỳnh Trang tưởng chừng đã tan biến theo thời gian, nào ngờ vẫn còn đậm nét trong tâm tưởng. Ông tự hỏi không biết cô Quỳnh Trang bây giờ ra sao ?

Sau khi ổn định mọi thủ tục nhập cư, cũng như nơi ăn, chốn ở, ông Tuấn tìm đến trường Châu Văn Tiếp. Trước mắt ông, ngôi trường hoàn toàn xa lạ. Duy chỉ có cây phượng già, tỏa bóng mát rợp cả một góc sân, vẫn đứng sừng sững theo thời gian. Ông nhớ, chính ông và một vài bạn học đã trồng nó khi đang học lớp 10. Thời gian qua đã 37 năm. Ông thật không ngờ !

Thầy Phong, bạn ông và cũng là hiệu trưởng đón tiếp ông thật niềm nở :

- Chào mừng anh mới trở về…đi đường có mệt không ? Từ từ rồi sẽ quen với giờ giấc cũng như mọi sinh hoạt ở đây. Anh thấy ngôi trường này có được không ?

- Đẹp lắm ! So với ngày xưa thì đồ sộ hơn nhiều !

- Trường mới trùng tu được ba năm. Hiện tại chúng ta có tất cả 12 lớp, bốn lớp cho mỗi khối. Tạm thời anh là cố vấn của giáo sư. Trong tương lai, anh là hiệu trưởng đấy ! Thầy Phong thật sự hớn hở với lời đề nghị của mình.

   - Tôi già rồi, định dạy giúp anh vài ba năm rồi nghỉ.

   - Anh có già bằng tôi không ? Ông Tuấn chỉ mĩm cười không nói gì, vì chợt nhận ra thầy Phong hơn mình tới năm tuổi !

Sáng hôm sau, ông hiệu trưởng đưa vị cố vấn đến tham quan và dự một giờ toán của lớp 12A1, một lớp chuyên toán. Ông hiệu trưởng giới thiệu :

- Đây là giáo sư Tuấn, mới từ Pháp về, sẽ làm cố vấn cho các giáo sư. Còn đây là cô Quỳnh Vy, giáo sư toán.

- Hân hạnh được biết giáo sư !

- Hân hạnh…

Ông Tuấn vừa nói vừa nhìn cô Quỳnh Vy trân trân…hết sức ngạc nhiên như không tin vào mắt mình.

Trong suốt một giờ đồng hồ nhìn cô giáo trẻ thao thao với bài giảng, đầu óc ông như bị lẫn lộn quá khứ và hiện tại. Nhìn bàn tay thoăn thoắt vẽ những đồ thị, những đường cong, những ký hiệu số chi chít và miệng nói uyên thuyên, ông Tuấn cứ ngỡ đó là cô Quỳnh Trang thuở nào cũng uyên thuyên giảng về những vần thơ, những bài văn…làm thu hút cả lớp học. Có lẽ nào…Vì người đang đứng trên bục giảng giống Quỳnh Trang như đúc ! Cũng mái tóc ấy, vẫn nụ cười ấy, vẫn chiếc áo dài màu huyết dụ ôm gọn dáng người thon nhỏ, những cử chỉ sao mà giống quá ! Có lẽ nào…

- Giáo sư…

Nghe tiếng gọi nhỏ, ông Tuấn giật mình và biết đã hết giờ. Học sinh đã ra khỏi lớp, chỉ còn cô giáo trẻ đứng nhìn ông mĩm cười :

- Hình như giáo sư không tập trung cho lắm ! Có lẽ em giảng không hợp gu của giáo sư ?

- Ồ không, cô giảng hay lắm ! Chỉ tại tôi thấy cô giống một người nên hơi bị chia trí.

- À thì ra thế ! Người ta bảo, em giống mẹ như đúc. Không lẽ… giáo sư biết mẹ em ? Cô ngạc nhiên hỏi lại :

- Mẹ của cô có phải là Nguyễn Quỳnh Trang, có một thời đã dạy môn văn ở trường này không ?

- Dạ đúng rồi… Còn giáo sư là…

- Tôi là học sinh của mẹ cô năm xưa ! Rồi ông vồn vã hỏi tiếp :

- Cô Quỳnh Trang bây giờ ra sao, có khỏe không ?

Ngập ngừng trong giây lát, cô mới thổ lộ :

- Mẹ em đã mất rồi…

Nói rồi cô ngoảnh mặt đi như muốn che dấu nỗi xúc động vừa hiện lên khuôn mặt. Ông Tuấn thẩn thờ, ngồi yên bất động.

Bên ngoài cây phượng già vẫn xanh lá, bóng mát vẫn trãi rộng nhưng có lẽ như vô tình, không để ý thiếu vắng một hình bóng thân thương, trìu mến, đã tô điểm cho sân trường ngày nào thêm phần tươi mát.

Ông Tuấn bất giác thở dài...

Thấm thoát, ông Tuấn dạy ở trường cũ được hai tháng. Thực ra, ông chỉ đứng lớp được năm bảy lần, chủ yếu để hướng dẫn cách dạy mới cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Thời gian còn lại, ông cùng thầy Phong vạch ra hướng đi mới cho tương lai. Ông hiệu trưởng rất hài lòng vì tác phong đạo đức cũng như kiến thức sâu rộng của người bạn cố vấn. Ông tự nhủ đã không chọn lầm người.

Cô giáo trẻ Quỳnh Vy cũng rất khâm phục. Với lối giảng sâu sắc, mới mẻ, ông cố vấn đã làm thu hút không những cho học sinh mà còn cho cả chính nàng. Giáo sư Tuấn quả là bực thầy, nàng cần phải học hỏi thật nhiều !

Một hôm, sau khi thảo luận xong vài gút mắc của một bài toán khó, Quỳnh Vy chợt hỏi :

- Còn hai hôm nữa là Noël rồi, giáo sư có đi lễ đêm Giáng sinh không ?

- Cô cũng đạo công giáo ? Ông Tuấn ngạc nhiên hỏi lại.

Quỳnh Vy hơi nhíu mày :

- Sao giáo sư hỏi vậy, bộ em không có quyền được làm con Chúa sao ?

Biết mình lỡ lời, ông Tuấn vội đính chính :

- Ồ, ý tôi không phải vậy. Vì tôi cứ tưởng cô cũng giống như  cô Quỳnh Trang ngày xưa. Tôi không rõ có nhiều đổi thay trong thời gian dài như vậy.

Quỳnh Vy chợt hiểu. Một thoáng buồn chợt hiện lên khóe mắt, Quỳnh Vy tâm sự như muốn trút hết nỗi niềm :

- Giáo sư nói đúng, ngày xưa mẹ em chưa tin Chúa. Khi gặp ba em, mẹ mới theo đạo. Ba em mất lúc em chưa đầy hai tuổi, nên em không biết gì về ông. Chỉ nhớ, từ tấm bé em đã theo mẹ đến nhà thờ, đặc biệt là dịp Giáng sinh, viếng hang đá… Ngừng một lát, cho dịu cơn xúc động, nàng thổ lộ tiếp :

  - Cách đây năm năm, trong lần tổng xuống đường khắp cả nước, chắc giáo sư còn nhớ, có đến hơn hai ngàn người thiệt mạng. Mẹ em… nằm trong số nạn nhân xấu số đó !

Ngậm ngùi, ông Tuấn chỉ biết im lặng, bồi hồi tưởng nhớ hình bóng người xưa sao quá bạc mệnh !

Đêm Giáng sinh, dưới ánh đèn mờ trong khuôn viên nhà thờ chính tòa, có hai bóng người, một già, một trẻ đứng trước hang đá Chúa Hài Đồng lâm râm cầu nguyện. Không biết, Chúa có nghe tiếng lòng họ không, nhưng dường như, thoang thoảng đâu đó hương thơm của một loài hoa nở về đêm, quyện vào từng hơi thở khiến họ ngất ngây, ấm lòng !

TG.

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art