Thứ Bảy, 26 Tháng Năm, 2012

Đào tạo các nhà đào tạo

Lm. Micae - Phaolô Trần Minh Huy pss

     Kính thưa Đức Cha và toàn thể Hội Nghị, 
     Đề tài hôm nay nhạy cảm, kính xin Đức Cha và Hội Nghị thông cảm và cầu nguyện cho con. 
   
     ĐẶT VẤN ĐỀ 
     Kính thưa Hội Nghị, 
     Hiện nay, nhiều nhà đào tạo cảm thấy mình chưa được trang bị đầy đủ cho nhiệm vụ đào tạo. Đó cũng là thao thức của Giáo Hội: Bộ Giáo Dục Công Giáo ngày 4.11.1993 đã công bố “Những chỉ dẫn liên quan đến việc chuẩn bị các nhà đào tạo Chủng viện.” Và từ đó, Bộ không ngừng phối hợp với Ủy ban Tòa Thánh đặc trách Ơn gọi tổ chức Công nghị về ơn gọi tại các lục địa: 1994 tại Mỹ Châu Latinh, 1997 tại Âu châu, 2001 tại Bắc Mỹ, và 2007 tại Á châu. 
     Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, với sự hỗ trợ của Serra (một tổ chức quốc tế của giáo dân nhằm cổ võ và nâng đỡ ơn gọi), đã tổ chức tại Thái Lan từ 22-27.10. 2007 Hội nghị chuyên đề về “Ơn Gọi tại Á Châu hôm nay” 
     Hội nghị Đại diện các Đại chủng viện Việt Nam cũng nhìn nhận nhu cầu khẩn thiết hiện nay là cần nhiều nhà đào tạo chất lượng; đồng thời đề xuất phương thế cho các nhà đào tạo nâng cao kiến thức, nghiệp vụ đào tạo: đó là các cuộc trao đổi, hội thảo, cũng như các khóa huấn luyện ngắn hạn giữa các Giáo Hội trong khu vực. 
     Thư Chung 2007 của HĐGMVN “Giáo dục hôm nay, Xã hội và Giáo Hội ngày mai” khích lệ và hướng dẫn nỗ lực của chúng ta. Và Thư về giáo dục của ĐTC Biển Đức XVI ngày 23/2/2008 cho hơn năm chục ngàn phụ huynh, giáo chức và học sinh Rôma cũng là một tham chiếu quí báu cho chúng ta. 
     Cùng nằm trong quỹ đạo đó, và trong bối cảnh chuẩn bị Công Nghị Công Giáo Việt Nam - Năm Thánh 2010, đánh dấu 50 năm trưởng thành và hướng về tương lai của Giáo Hội Việt Nam, Ủy ban Tu Sĩ HĐGMVN và Liên Hiệp Các Bề Trên Thượng Cấp Tu sĩ Việt Nam tổ chức “Đại Hội Tu Sĩ Toàn Quốc Lần II” này. 
     Phần tôi xin trình bày đôi nét về “ĐÀO TẠO CÁC NHÀ ĐÀO TẠO.” Nhưng trước hết, xin nhấn mạnh rằng việc đào tạo các nhà đào tạo sẽ không hiệu quả, nếu các nhà đào tạo không tự đào tạo chính mình theo MẪU GƯƠNG CHÚA GIÊSU, NHÀ ĐÀO TẠO ĐÍCH THỰC và VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH. 
     Tuy nhiên, trong khuôn khổ thời gian giới hạn, tôi chỉ xin giới thiệu qua những gợi ý suy tư về: 
          -  những đức tính người đào tạo tốt phải có, 
          -  những gì người đào tốt phải làm, 
          -  và những gì người đào tạo tốt phải tránh. 
     Để đào sâu hơn, xin qúi vị vui lòng đọc trong các tài liệu đề nghị tham khảo. 
   
     I. NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT  
     1. Nhu cầu đào tạo các nhà đào tạo 
     Ngoài đời, người ta đầu tư rất lớn cho việc đào tạo nhân sự của họ. Nhà tu chúng ta cũng cần đào tạo các nhà đào tạo chất lượng để đào tạo nhân sự của mình.   
     Và nhà đào tạo phải có lòng khiêm nhường ý thức giới hạn và yếu đuối của mình để tin tưởng vào Chúa, trong tinh thần hài hước rộng lượng để sẵn lòng đào tạo những con người bất toàn. 

     2. Thái độ đối với ứng sinh ngày nay 
     Phải chấp nhận giới trẻ ngày nay không giống như chúng ta hồi còn trẻ và đồng thời nhìn nhận có sự rạn nứt giữa các thế hệ, nên cần có sự thích nghi. 
     Ứng sinh có quyền có được người đồng hành tốt nhất giúp họ tự biết mình là ai, hầu trở thành người tu sĩ quân bình và bền vững qua mọi tình huống đời sống và sứ vụ. 
     Nhà Dòng được lập ra để đón nhận và đào tạo những con người muốn trở thành tu sĩ của Thiên Chúa, nên việc đào tạo phải diễn ra trong đức tin và lòng nhân hậu. 
     Việc đào tạo ngày nay tuy làm chung với nhiều người và cho nhiều người, nhưng phải chú trọng đến từng cá nhân, với từng hoàn cảnh cụ thể, để hướng họ tới đời sống cộng đoàn tốt hơn.   

     3. Đặc tính của nền đào tạo hôm nay 
     Cần có sự gần gũi và tín nhiệm nảy sinh từ tình thương để xây dựng được sự quân bình giữa tự do và kỷ luật, khiến việc thực thi quyền bính trở nên đáng tín nhiệm và có uy tín. 
     Nhưng nhà đào tạo cũng là con người dòn mỏng có thể thiếu sót lầm lẫn nên phải đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng duy nhất biết rõ và có thể biến đổi triệt để một con người.  
     Những suy tư thần học được canh tân về dưỡng giáo và truyền giáo mang lại những thay đổi lớn trong cách sống và đào tạo, noi theo mẫu gương tuyệt hảo của chính Chúa Giêsu. 
     Công cuộc đào tào phải đặt trong bối cảnh thời đại của nó mới thích hợp và có hiệu quả. 
     Nhà đào tạo không căn cứ các kinh nghiệm tiêu cực của quá khứ, nhưng khám phá và khởi đi từ những kinh nghiệm tích cực để phán đoán từng tình huống ơn gọi, vì tương lai phải được xây dựng trên các yếu tố tích cực. 
     Nhà đào tạo không đòi hỏi người mới vào tu phải có một hạnh kiểm hoàn hảo, chứng tỏ một sự trưởng thành và một đức tin sâu sắc ngang trình độ của người đã sống năm mươi tuổi đời tu: Họ đang trở thành, đang là, chứ chưa phải đã là tu sĩ.  

     4. Lòng tin vượt lên mọi khó khăn 
     Công cuộc đào tạo vốn đã khó khăn thì ngày nay càng khó khăn phức tạp hơn nữa. Nhưng những khó khăn đó có thể vượt qua được, khi mỗi người và mỗi thế hệ quyết định biến những giá trị lớn lao trong quá khứ thành của mình và đổi mới  bản thân bắt nhịp với bước đi của Ơn Thánh và khoa sư phạm tân tiến. 
     Những ai tin vào Chúa Kitô càng có thêm động lực mạnh mẽ để không sợ hãi, vì Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, và tình yêu của Ngài luôn đến với chúng ta trong trách nhiệm và trong thân phận yếu đuối con người của chúng ta, để giúp chúng ta đào tạo nhân sự tương lai của Giáo Hội. 
   
     II. BỐI CẢNH CÁC NHÀ ĐÀO TẠO 
     ĐƯỢC ĐÀO TẠO, TỰ ĐÀO TẠO VÀ ĐÀO TẠO 
     Con người cần một môi trường để hình thành và tồn tại trong cái “trở thành” của mình. Môi trường đào tạo tu sĩ là một cộng đồng liên nhân vị, mà mỗi người đều sống cùng, sống với và sống cho người khác. Sau đây, chúng ta sẽ nói đến bối cảnh trong đó các nhà đào tạo được đào tạo, tự đào tạo và đào tạo ứng sinh, để trở thành nhà đào tạo mỗi ngày một hơn.   

     1. Cộng đoàn giáo dục 
     Các nhà đào tạo và những người đang được đào tạo, trong mối tương quan liên nhân vị, làm nên một cộng đoàn có tính cách giáo dục và khả năng giáo dục. 
     Cộng đoàn giáo dục phải luôn cho thấy một hướng đi, một cái nhìn rõ ràng thế nào là đời tu, qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, Hiến pháp và Nội qui chiếu theo đặc sủng của vị sáng lập và linh đạo Dòng được bổ sung và kiện toàn qua dòng thời gian do các nhu cầu tông đồ đề xướng. 
Cộng đoàn giáo dục kiến tạo bầu khí kiên định, bền vững, thích hợp cho việc phát triển toàn diện nhân bản và thiêng liêng, qua việc chỉ bảo lẫn nhau, chấp nhận nhau, ý thức về lợi ích và niềm vui chung trong việc tìm kiếm và phục vụ Chúa. 
     Cộng đoàn giáo dục thể hiện trách nhiệm tập thể trong việc đào tạo, trong đó ứng sinh được mời đảm nhận trách nhiệm hàng đầu tự đào tạo chính họ, đồng thời cộng tác vào việc đào tạo các bạn đồng môn. 
     Cộng đoàn giáo dục này cũng phải mở ra với các cơ cấu khác của Giáo Hội Địa phương, để đào tạo ý thức tông đồ, giúp ứng sinh khám phá ra tính cấp bách của việc loan báo Tin Mừng, ý nghĩa và những đòi hỏi của cuộc đời trọn vẹn hiến dâng phục vụ Nước Chúa.  

     2. Một đội ngũ hiệp nhất các nhà đào tạo 
     Trách nhiệm tập thể của các nhà đào tạo đóng vai trò tiên quyết trong việc đào tạo, nên phải có một đội ngũ hiệp nhất các nhà đào tạo, sẵn sàng cộng tác huynh đệ, chia sẻ đời sống và đối thoại chân thành.
     Chính sự hiệp nhất của các nhà đào tạo với Chúa Kitô là nền tảng, khuôn mẫu và keo sơn cho sự hiệp nhất tinh thần và hành động của họ với nhau. 
     Mỗi nhà đào tạo chỉ đóng một phần vai trò trong việc đào tạo. Chính công việc của cộng đoàn giáo dục và đội ngũ hợp nhất các nhà đào tạo mới có tính cách đào tạo toàn diện. 
Các nhà đào tạo tìm được sự nâng đỡ không thể thiếu từ anh chị em đồng nghiệp. Không có tình liên đới này, sứ vụ sẽ trở nên nặng nề và mất đi hiệu năng. 
     Các ứng sinh sẽ bắt chước hạnh kiểm và noi theo lời dạy của các nhà đào tạo: họ chịu ảnh hưởng những gì họ đã thấy và đã nghe!     

     3. Chính nhà đào tạo 
     Nhà đào tạo tốt cần hai điều kiện rất quan trọng này: một là lòng khiêm nhường ý thức giới hạn và yếu đuối của mình để tin tưởng vào Chúa; hai là tinh thần hài hước rộng lượng ý thức rằng ứng sinh không hoàn hảo như mình mong muốn, nhưng là những con người bất toàn để mình đào tạo. 
     Nhà đào tạo đích thực biết chính mình qua các cách xử sự, các thái độ, các tình cảm, các động lực và ngộ nhận cơ bản của mình. Chính nhờ kinh nghiệm bản thân mà nhà đào tạo giúp ứng sinh cách hữu hiệu. 
     Nhà đào tạo phải phát huy nghiệp vụ giảng dạy bằng cách cập nhật hóa kiến thức theo kịp với những nhu cầu hiện tại của Giáo Hội giữa một thế giới đổi thay nhanh chóng, đồng thời cải tiến phương pháp giảng dạy trong sự trung thành với Mạc khải và Huấn quyền. 
     Phẩm chất của nhà đào tạo hết sức quan trọng: Chúng ta cần giáo sư giỏi để dạy học, nhưng lại cần hơn nhà đào tạo tốt để huấn luyện con người toàn diện.  
     Nhà đào tạo phải không ngừng tự đào tạo mình bằng chính công cuộc đào tạo của mình: càng sống và làm việc đào tạo, càng trở nên nhà đào tạo hơn, như thường nói “người ta trở thành thợ rèn bằng cách rèn”    

     4. Sự thích nghi cần thiết 
     Người mới đôi khi khó hội nhập vào cộng đoàn, trong lúc những người đã sống ở đó thấy thế giới của mình bị xáo trộn bởi những người mới đến. Do đó cần phải lắng nghe và cảm thông nhiều lắm để thích nghi với nhau. 
     Nét đẹp của cuộc đời đến từ sự đổi mới không ngừng, và cuộc đời sẽ phong phú khi mọi người được từ từ biến đổi ăn nhịp với sự hiểu biết, cách làm, cách sống và cách suy tư mới mẻ của nhau. 
Những người lớn tuổi muốn rằng người mới vào phải có tư tưởng, tình cảm, khát vọng và trông đợi như họ, mà quên đi khoảng cách văn hóa và giáo dục của các thế hệ. 
     Nhà đào tạo phải tôn trọng và đón nhận sự khác mình của ứng sinh, đồng thời phải thích nghi phương pháp đào tạo của mình, dù đôi khi khó khăn. 
     Trong đời sống gia đình, đôi vợ chồng phải thay đổi cuộc sống khi đón nhận đứa con đầu lòng, tự điều chỉnh và thích nghi với các nhu cầu và chỗ đứng của đứa con. Với mỗi đứa con ra đời, cả gia đình phải tái điều chỉnh cách xử sự. 
     Người mới vào phải học biết kinh nghiệm và khôn ngoan của người đi trước bằng cách niềm nở lắng nghe, hòa nhịp cùng với bước đi của cộng đoàn và hội nhập vào cách sống đã được thiết lập và cấu trúc. Người cũ không quá nại vào nề nếp để làm khó cho những người mới đến, bắt họ phải mau chóng đi vào thế giới của mình và điều chỉnh ngay theo nhịp sống và tư tưởng của mình.   

     5. Trách nhiệm đào tạo 
     Người ta có thể lãnh trách nhiệm đào tạo ở mọi lứa tuổi. Người đào tạo không nhất thiết phải hoàn hảo hay là thánh, nhưng phải là chứng tá một đời sống tu trì đích thực. Tính đích thực làm nên sự thành công của các nhà đào tạo. Các người trẻ sẽ nhạy cảm đối với gương sáng của một nhà đào tạo khiêm tốn và chân thực. 
     Các ứng sinh sẽ rất tín nhiệm uy quyền của các nhà đào tạo được thực hiện hài hòa theo nguyên tắc căn bản này: Trách nhiệm đòi phải có quyền bính tương ứng và phải luôn theo hệ thống, chứ không qua mặt các cấp độ trách nhiệm. 
     Cần có sự trao đổi thống nhất đường lối và hành động: bề trên không bao giờ bỏ qua người có trách nhiệm đào tạo để trực tiếp điều chỉnh các người dưới quyền của người đó, và người trách nhiệm cấp dưới không làm điều gì quan trọng mà không thông qua ý kiến và sự chấp thuận của cấp trên.  
Nhà đào tạo không thể chuyên môn trong mọi sự, nhưng phải luôn giữ trách nhiệm đồng hành cho từng cá nhân ứng sinh. 
     Cần phải xây dựng tương quan hợp tác giữa các giáo sư và nhà đào tạo, vì việc đào tạo là một toàn thể và các môn học phải góp phần vào việc đào tạo toàn diện, nhân bản và thiêng liêng, tri thức và tông đồ cho ứng sinh.  

     6. Tương quan đào tạo 
     Trong tương quan đào tạo, tiến trình giáo dục phải đi trước. Giáo dục là giúp ứng sinh nhận diện cái tôi sâu thẳm của mình để rồi khai thông và biến cái tôi này thành cái tôi mà nó phải trở thành. Nếu không hiểu được chính mình, khám phá ra các động cơ còn nằm trong tiềm thức và nhận ra các phân mảnh của mình để biến đổi thì không thể nào đạt được sự trưởng thành và thống nhất nội tâm. 
     Nhà đào tạo phải cố gắng đi vào khoảng không gian huyền bí của từng ứng sinh, hiểu rõ các ước muốn tốt cũng như những tổn thương sâu xa thường được che giấu của họ, giúp họ hiểu biết chính mình và tin tưởng để ân sủng Chúa tác động, thì họ mới tiến bộ thực sự được. 
     Nếu không làm như thế thì sự tiến bộ đó chỉ có bề ngoài. Nội dung đào tạo sẽ không bén rễ sâu trong ứng sinh, và kết quả đào tạo sẽ chỉ biểu hiện trên cách ứng xử của đương sự trong một thời gian nào đó mà không kết hợp được với các động lực sâu xa của họ.  
     Việc thiếu hụt các nhà đào tạo có chất lượng ảnh hưởng không chỉ đào tạo tri thức, mà cả đào tạo nhân bản và thiêng liêng: nhà đào tạo không có cả thời gian và nghị lực để lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông, cung cấp sự đào tạo hữu hiệu cho ứng sinh; và các ứng sinh cũng bị tước mất nhu cầu chia sẻ và trình bày những vấn đề thực tế phức tạp của họ. 
     Điều đáng ao ước là có nhà đào tạo thích hợp cho từng giai đoạn huấn luyện: nhân cách và tài năng của nhà đào tạo được thi thố tốt, và các ứng sinh sẽ được đào tạo tốt hơn trong từng giai đoạn liên hệ. 
Mỗi giai đoạn phải nhằm một mục tiêu đặc biệt, chẳng hạn giai đoạn Nhà Tập phải là thời gian trong đó đời sống thiêng liêng vượt trổi hơn đời sống tông đồ. 
     Nhà đào tạo cần gần gũi, nhưng nên tránh tình trạng “quen quá hóa nhờn”, nghĩa là phải có một mức độ thân mật đủ để trao đổi  hầu ứng sinh biết mình và cái mình phải “trở thành.” 
     Một liên hệ quá quen thuộc nhàm lờn liều mình tạo nên một sự thông đồng cản trở những tương quan lành mạnh. Những xung đột liên nhân vị có thể dễ dàng sản sinh ra những mối ác cảm rất mạnh và nguy hiểm, có thể trở nên không chịu nổi cho người này lẫn người kia. 
     Lòng khiêm tốn của nhà đào tạo mở ra với đối thoại và cảm thông. Sự khác biệt tâm thức giữa các thế hệ sẽ ảnh hưởng đến tính đáng tin cậy của nhà đào tạo đối với những ai được giao phó cho họ. Đừng để những điều đáng tiếc đi vào tiềm thức và ở lại mãi trong lãnh vực không nói lên lời đó, hầu tránh những nỗi thất vọng không lường trước được.   

     7. Việc linh hướng 
     Việc linh hướng không thể thiếu trong tiến trình đào tạo. Vị linh hướng là dụng cụ của Chúa Thánh Thần, chính Ngài mới là vị linh hướng đích thực. Ngài dẫn dắt mỗi người theo một đường lối độc đáo. Cả vị linh hướng lẫn người thụ hướng đều phải tìm khám phá và điều chỉnh cuộc đời người thụ hướng theo đúng con đường đó của Chúa Thánh Thần. 
     Vị linh hướng phải khơi dậy lòng tín nhiệm nơi người thụ hướng bởi thái độ sẵn sàng, cởi mở, đón tiếp và chân thành, đồng thời nuôi dưỡng tinh thần tin cậy nhờ lòng cẩn mật của mình. Có thế thì người thụ hướng mới có thể tự do nói hết những trăn trở riêng tư, những bí mật của cuộc đời mình, đặc biệt trong lãnh vực giới tính. 
     Vì việc linh hướng thuộc về tòa trong, nên khi đánh giá ứng sinh (tòa ngoài), vị linh hướng không bao giờ được lên tiếng, dù để bảo vệ hay để kết án người thụ hướng của mình. Sự bảo mật này nhằm bảo đảm tự do nội tâm của ứng sinh trong việc biện phân và quyết định chọn lựa ơn gọi. 
     Nhưng nhờ nghe trong hội đồng đánh giá những nhận xét khác nhận xét của mình, vị linh hướng có thêm được thông tin về những yếu tố khác, nhờ đó mà phân định được tốt hơn, đồng thời chọn lựa sự giúp đỡ thích hợp và hữu hiệu hơn cho người thụ hướng của mình. 
     Quyết định dứt khoát ở tòa trong ăn khớp với lương tâm ứng sinh: tự mình đối diện, trắc nghiệm bản thân, lượng lấy sức và tự mình chủ động giải quyết. Do đó vị linh hướng dự phần trong việc đào tạo lương tâm trưởng thành của ứng sinh. 
     Nhưng ở tòa trong, vị linh hướng không chỉ thụ động lắng nghe, song phải có khả năng thách đố và đối đầu, khi sự việc đòi hỏi, để giúp ứng sinh trải qua một tiến trình phân định ơn gọi đích thực, như Chúa và Giáo Hội mong muốn. 
     Việc linh hướng và phân định thiêng liêng rất tế nhị và khó khăn. Nó bao gồm mọi chiều kích của cuộc đời ứng sinh: nhân bản và thiêng liêng, tự nhiên và siêu nhiên. Vì thế vị linh hướng phải cập nhật các kỹ năng linh hướng, những hiểu biết về tâm sinh lý, khả năng tư vấn, biết vận dụng các khám phá hữu ích của tâm lý học, y học và xã hội học hiện đại. 
     Các trao đổi với đồng nghiệp, cũng như những khóa học huấn luyện các vị mới và cập nhật cho các vị cũ, sẽ liên tục gia tăng khả năng của vị linh hướng, mà ngày nay có thể là linh mục và nam nữ tu sĩ, miễn là được Chúa Thánh Thần kêu gọi, thẩm quyền Giáo Hội trạch cử và được đào tạo thích đáng, vì đây là việc của Chúa, và chỉ có Chúa biết đầy đủ một con người và biến đổi tận gốc con người đó. 
   
     III. NHÌN VỀ QUÁ KHỨ và HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI 
     A. NHÌN VỀ QUÁ KHỨ: MỘT SỐ BẤT CẬP HAY THÁI QUÁ. 
     Trước hết, chúng ta cám ơn Chúa và biết ơn các Lãnh Đạo Giáo Hội, cùng các nhà đào tạo đã dày công đào tạo và vun đắp cho đời sống tu trì trong Giáo Hội có được ngày hôm nay. Những nỗ lực của quá khứ là bàn đạp, là đà bẩy và là bệ phóng hướng tới tương lai. 
     Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm và ý hướng tốt, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn lại đôi nét cách thức một số nhà đào tạo đã và đang làm có thể không còn thích hợp với thời đại của chúng ta hôm nay, một thời đại đang đổi mới từng ngày. Hy vọng họ sẽ tự cải thiện bản thân và cải tiến cách đào tạo của mình, hoặc thẩm quyền cấp trên sẽ có những can thiệp thích đáng phù hợp với đường lối đào tạo của Giáo Hội trong giai đoạn mới.          

     1. Vì nệ theo truyền thống, nhiều nhà đào tạo áp dụng lại cách thức mình đã được đào tạo trước đây mà không cập nhật, thay đổi và cải tiến theo những chỉ dẫn của Huấn quyền Giáo Hội, cũng như của khoa sư phạm thời nay. 
     2. Để nắm bắt sâu sát tình hình các ứng sinh hầu công cuộc đào tạo được hiệu quả, một số nhà đào tạo hay hỏi các ứng sinh về những ứng sinh khác, lấy lý do “họ ở với nhau, biết nhau hơn mình” và đơn sơ tin vào các “báo cáo” đó mà không chắt lọc và lắng nghe cả hai phía, khiến có những trường hợp bị oan uổng.  
     3. Muốn giúp đỡ các ứng sinh sửa chữa và hoàn thiện bản thân,một số nhà đào tạo yêu cầu ứng sinh trả lời bản câu hỏi nhận xét về các ứng sinh khác, nhưng lại làm lộ tên người viết khiến có sự buồn lòng và mâu thuẩn giữa các ứng sinh, khiến họ giảm bớt lòng tín nhiệm và trở nên dè dặt đối với nhà đào tạo, tổn thương bầu khí bình an, huynh đệ và thăng tiến của cả cộng đoàn.  
     4. Một số nhà đào tạo không kín đáo, không phân biệt việc tòa trong và tòa ngoài, đem nói ra điều ứng sinh tín nhiệm tâm sự hay lỗi lầm thầm kín của họ, khiến họ bị thiệt hại, hàm oan và bất công.  
     5. Một số nhà đào tạo dễ tin thư nặc danh và áp dụng biện pháp oan cho người bị tố cáo, trong khi đáng ra phải vứt bỏ thư nặc danh và tìm trừng trị kẻ hèn nhát không dám ký tên chứng thực điều mình viết, một thứ gian lận.  
     6. Nhằm tính hiệu quả, một số nhà đào tạo dùng một số ứng sinh làm tay chân theo dõi và báo cáo về các ứng sinh khác gây rối loạn trong cộng đoàn, bao phủ bởi bầu khí nghi ngờ, sợ sệt, lo âu, thù hằn, mất bình an,… rất tác hại cho công cuộc giáo dục, và vô tình bị chính những tay sai của mình lèo lái và điều khiển theo ý họ.   
     7. Cũng nhằm tính chắc chắn tuyệt đối, một ít nhà đào tạo lạm dụng biện pháp thánh thiêng để điều tra sự việc như bắt ứng sinh đặt tay trên Phúc Âm mà thề. Thay vì đạt được sự thật thì lại tạo cớ phạm tội cho họ vì sợ mà phải miễn cưỡng thề gian.  
     8. Một số nhà đào tạo biệt đãi, thương riêng cách lộ liễu một vài ứng sinh, trong khi lại thiếu công bằng với những người khác như xếp loại, in trí và định kiến, phân biệt đối xử giàu nghèo, tốt xấu... khiến cộng đoàn bị phân hóa, mất bình an và do đó một số người vượt không được đành mất ơn gọi.
     9. Cũng vì mong muốn cái gì cũng phải hoàn hảo, một số nhà đào tạo quá cầu toàn, đòi hỏi ứng sinh phải thế này thế nọ vượt quá trình độ nhận thức và tu luyện còn non nớt của họ. Như vậy là đốt giai đoạn và đốt cháy luôn cả đời người.  
     10. Cũng vì bị thúc đẩy bởi ý muốn có những ứng sinh tốt, một số nhà đào tạo vội kết luận về lỗi lầm và nghiêm khắc sử dụng biện pháp ngay, không cho ứng sinh biết lỗi lầm, giải thích và biện minh, cũng như cơ hội và thời gian để thực hiện sự hoán cải và đổi mới cần thiết.  
     11. Vì muốn cho ứng sinh nhớ bài học quá khứ để sửa mình, một số nhà đào tạo hay nhắc lại lỗi lầm cũ, trong khi người có lầm lỗi đã sửa chữa, không còn tái phạm nữa, khiến họ rất khổ tâm và nhụt chí. Quá khứ qua rồi thì thôi, lật qua trang đời mới, cho người ta vui vẻ tiến về tương lai: Mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai.  
     12. Một số nhà đào tạo thi hành nhiệm vụ thiếu hài hòa, phân cấp trách nhiệm rõ ràng, “dẫm chân lên nhau” dẫn tới tình trạng xung đột quyền bính, tranh chấp uy tín, ảnh hưởng và quyền hạn với nhau, gây ảnh hưởng xấu tác hại trên việc đào tạo ứng sinh: “hai con trâu đánh nhau, con ruồi chết oan”!   
     13. Vì ý hướng tốt muốn phát triển trách nhiệm tập thể cao, một số nhà đào tạo ở một số cộng đoàn áp dụng phương thức cả cộng đoàn bỏ phiếu đánh giá quyết định cuối cùng. Việc này vừa giảm nhẹ trách nhiệm của Bề Trên và Hội đồng đào tạo là những người có trách nhiệm, ơn đoàn sủng và nghiệp vụ để làm việc đó, vừa trao quyền quyết định quá lớn cho phán đoán của các thành viên không có trách nhiệm, ơn đoàn sủng và nghiệp vụ đào tạo, chưa đủ trưởng thành để cân nhắc trách nhiệm lương tâm khi sử dụng phiếu bầu theo cảm tính hay đầu óc phe nhóm, để cất nhắc người cùng phe và trù dập người của phe đối lập, đang khi ý kiến hay phiếu bầu đó chỉ nên có giá trị tham khảo mà thôi. 
     Tóm lại, lắm khi tính khí, quan điểm và cách làm việc bất cập hay thái quá của một số nhà đào tạo đã gây nên những thách đố, thử thách, và đau khổ không vượt qua được đối với một số ứng sinh làm cho Giáo Hội mất đi một số ơn gọi, mà càng ngày sẽ càng ít đi. 
     Ước gì không ai trong chúng ta phải ân hận vì mình mà một hay nhiều ơn gọi đích thực đã phải ra đi, hay đã bất cẩn cất nhắc những người mà Chúa không chọn gọi. 
     Những nhà đào tạo này cần biết mình để tự điều chỉnh cho đúng với chức năng đào tạo. Nếu họ không làm được việc đó, và cũng không có tinh thần phục thiện và cải tiến đường lối được thì các thẩm quyền cấp trên nên can đảm tìm cách thay thế vì lợi ích lớn hơn của Nhà Dòng, của Giáo Hội.  

     B. HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI : CHÚA GIÊSU,
      KIỂU MẪU ĐÍCH THỰC CỦA NHÀ ĐÀO TẠO. 
     Nếu công cuộc đào tạo nhằm làm cho ứng sinh càng ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, thì trước hết nhà đào tạo phải nỗ lực nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, kiểu mẫu đích thực của nhà đào tạo: suy nghĩ như Chúa Kitô suy nghĩ, nhìn thấy như Chúa Kitô nhìn thấy, hành động như Chúa Kitô hành động, cầu nguyện như Chúa Kitô cầu nguyện, hướng dẫn như Chúa Kitô hướng dẫn và yêu thương như Chúa Kitô yêu thương, nhất là nhà đào tạo phải giúp ứng sinh trực tiếp cam kết mật thiết theo chính Chúa Giêsu, để khi “thần tượng nhà đào tạo” có sụp đổ hay hoàn cảnh cuộc sống và sứ vụ có thế nào đi nữa thì họ vẫn bền vững với lý tưởng ơn gọi đã lựa chọn.  
     1. Nhà đào tạo phải theo gương mẫu hoàn hảo là Chúa Giêsu, Đấng đã rửa chân cho các môn đệ, yêu thương và đối xử với họ như bạn hữu; sống và đồng hành với họ trên hành trình trưởng thành đức tin và thiêng liêng. Bằng yêu thương nhẫn nại, tận tâm săn sóc, Ngài biết rõ họ từng người một, tính tình, phẩm chất, những điểm mạnh điểm yếu của họ. Ngài nhân hậu và bao dung trước yếu đuối, khuyết điểm, tham vọng trần thế, cứng đầu cứng cổ, yếu lòng tin và chậm hiểu mầu nhiệm Nước Trời của họ, và Ngài kiên nhẫn chờ đợi sự giáo dục bổ túc của Chúa Thánh Thần.     
     2. Trước khi chọn và huấn luyện 12 tông đồ để thiết lập Giáo Hội và sai đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm với Chúa Cha cho họ, và trao họ cho Cha trên trời gìn giữ bảo vệ. Nhà đào tạo phải luôn cầu nguyện cho các ứng sinh được giao phó cho mình đào tạo, vì chỉ có Chúa biết rõ từng con người, và chỉ có Chúa mới thay đổi được một con người.  
     3. Gương sáng của nhà đào tạo rất hiệu quả, như Ca dao nói “Lời nói lung lay gương bày lôi kéo.” Chính vì thế, ĐGH Phaolô VI nói “Thế giới ngày nay tin vào chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là bởi vì thầy dạy đó là chứng nhân.” Nhà đào tạo không nhất thiết phải hoàn hảo hay là thánh, nhưng phải là chứng tá một đời sống tu trì đích thực. Các người trẻ sẽ nhạy cảm đối với gương sáng của một nhà đào tạo khiêm tốn và chân thực.  
     4. Chúa Giêsu suốt đời tìm thực hiện ý Chúa Cha, nhưng không thoát khỏi những lúc giằng co với ý riêng mình (“Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa con...”). Nhà đào tạo không được đồng hóa ý mình với ý Chúa và áp đặt lên ứng sinh. Trái lại, phải khám phá điều Chúa Thánh Thần muốn nói với ứng sinh qua mình, và cũng phải khiêm tốn tìm biết điều Chúa Thánh Thần muốn nhắc nhở mình qua ứng sinh.  
     5. Chúa Giêsu cũng có những nỗi buồn thất bại (“Linh hồn Thầy buồn có thể chết được… Một người trong các con sẽ phản nộp Thầy… ”). Nhà đào tạo phải biết khiêm tốn chấp nhận thất bại, nghịch cảnh và trái ý, không phải lúc nào ứng sinh cũng được như ý mình muốn cả đâu… Trái lại, phải luôn tin tưởng mãnh liệt rằng đào tạo là thay thế và biến đổi, thay thế cái xấu bằng cái tốt, biến đổi người chưa tốt thành người tốt và biến đổi người tốt thành người tốt hơn, trong tiến trình thành nhân rồi mới thành thánh nhân.  
     6. Chúa Giêsu thừa nhận tội của Madalêna, nhưng Ngài không đóng chặt bà lại ở tội quá khứ, mà đã mở rộng con đường biến đổi tương lai cho bà trở thành vị thánh nữ loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Nhà đào tạo phải tin tưởng và hy vọng vào sự biến đổi tốt đẹp trong tươg lai của ứng sinh, nhờ ơn Chúa: “mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai.” Thấu cảm, độ lượng và tha thứ, gạn đục khơi trong như Chúa: “Cây sậy đã rạp xuống Ngài không bẻ gãy, ngọn đèn còn leo lét khói Ngài không dập tắt.” 
     7. Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, người cha không màng đến lời xin lỗi của đứa con trở về, một chỉ vui mừng “vì con ta đã mất nay tìm thấy, đã chết nay sống lại.” Nhà đào tạo không nhắc lại lầm lỗi quá khứ của ứng sinh và hành xử căn cứ vào lầm lỗi cũ; mọi sự đã đổi mới, hãy giúp họ lật qua trang đời mới: Chí như chiếc đồng hồ bị hư, sau khi sửa rồi không ai còn gọi nó là đồng hồ hư nữa.           
     8. Dù Giuđa toan tính phản nộp Ngài, Chúa Giêsu vẫn luôn kín đáo nhắc khéo Giuđa nhiều lần, cho ông cơ hội sửa mình (“một người trong các con sẽ nộp thầy; việc gì con tính làm thì hãy làm mau đi…”). Nhà đào tạo phải kín đáo, không đem lỗi lầm hay tâm sự của ứng sinh và của người khác nói ra với mọi người, gây thiệt hại và làm mất lòng tín nhiệm của đương sự cũng như của những người nghe. Người ta sẽ đóng lòng lại và không ai dám nói gì với mình nữa.   
     9. Nhiều lần trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng lối hỏi gợi ý để dạy dỗ (“Các con nghĩ sao?... Ông Simong, tôi có điều này muốn nói với ông…”). Nhà đào tạo cũng nên dùng phương pháp này để giúp ứng sinh tự đào tạo, tự đưa ra sáng kiến và quyết tâm chọn lựa, như thế mới bền. 
 Nhờ Chúa hỏi mà Phêrô tuyên xưng đức tin và Chúa có cơ hội để dạy điều quan trọng hơn. Nhà đào tạo nên triệt để vận dụng phương pháp này, trong tinh thần đối thoại, kể cả trong “vâng lời đối thoại” liên quan đến quyền bính mà Vatican II đề xướng. 
     10. Chúa Giêsu dạy chúng ta giới răn mới đặc biệt của Ngài: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”. Ta thế nào thì Chúa vẫn yêu thương ta như thế ấy, và Ngài sẽ yêu thương ta cho đến cùng. Nhà đào tạo phải có lòng yêu thương. Không có lòng yêu thương độ lượng không thể đào tạo được: Loại bỏ lỗi lầm nhưng thương yêu người lầm lỗi và tạo cơ hội cho họ hoán cải nên tốt. Chính tình yêu thương ấy làm cho cộng đoàn phát triển với nhiều ơn gọi mới: “Xem kìa, họ yêu thương nhau là dường nào!”  
     11. Thánh Phaolô căn dặn Timôthê về việc tuyển chọn các trợ tá: “Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ...” (1 Tm 3:10). Thử thách là cần thiết và có nhiều thứ, nhưng nhà đào tạo nhân từ không đưa ra những thử thách không cần thiết, hay vượt quá sức ứng sinh, nhất là không bao giờ “gài bẫy” cho họ mắc phải để có cớ trừng trị.  
     12. Cvtđ 25:16 dạy để cho bị cáo được đối chất với nguyên cáo, và được cơ hội biện hộ về lời tố cáo. Ở đời ai mà chẳng có lúc lầm lỗi. Nhà đào tạo cần cho ứng sinh biết lỗi, nghe họ giải thích, cho họ cơ hội và thời gian để sửa chữa; khi họ không sửa được và lỗi lầm trở nên bản chất rồi hẵng hay.       
Và cho họ ra về cũng với sự tôn trọng, (chẳng hạn như “vì không thích hợp với đời tu”), chứ không rêu rao là họ bị loại, bị đuổi vì lầm nọ lỗi kia làm tổn thương nhân phẩm và danh dự của họ. Các cựu ứng sinh nầy cũng là kho tàng của Nhà Dòng, họ sẽ cộng tác vào công cuộc đào tạo các ứng sinh cách này hay cách khác. Hãy tạo cơ hội cho họ góp phần cách tích cực và hữu hiệu vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, về nhân lực cũng như vật lực.   
     13. Trong những lúc các tông đồ bị dao động và sợ hãi, bán tín bán nghi, Chúa Giêsu lập tức có mặt: “Các con đừng sợ, chính Thầy đây! Bình an cho các con!” Nhà đào tạo phải có khả năng kiến tạo sự bình an, bầu khí bình an và an toàn, đồng thời đem lại sự bình an cho các ứng sinh, nhất là trong những lúc họ gặp thử thách, bất hòa, nghi nan, do dự, tiến thối lưỡng nan trước con đường lý tưởng cao cả nhưng nhiều yêu sách một bên, và bên kia là sức con người dòn mỏng yếu đuối đối diện với những dao động, chiến đấu cũng như những khó khăn trái ý, đau khổ, và nghịch cảnh đa dạng khác.  
     14. Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Thầy còn nhiều điều cần nói với các con...” (x. Ga 16:12-13). Thánh Phaolô cũng đã viết: “Tôi đã cho anh em uống sữa, chứ không phải đồ ăn cứng, bởi khi ấy anh em chưa sao chịu nổi, mà cả bây giờ anh em cũng chưa chịu nổi đâu!” (1 Cr 3:2). Nhà đào tạo phải nhẫn nại, không đòi hỏi những tiêu chuẩn đánh giá quá cao, so với trình độ tuổi tác, kiến thức, sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng của ứng sinh: Không đốt giai đoạn, vì đốt giai đoạn là đốt cháy một đời người. 
     Tóm lại, nhà đào tạo tốt phải theo sát mẫu gương Chúa Giêsu: 
          - suy nghĩ với đầu óc của Chúa Giêsu, 
          - nhìn sự việc với con mắt Chúa Giêsu, 
          - hành động với sức mạnh của Chúa Giêsu, 
          - phán đoán với sự khôn ngoan của Chúa Giêsu,  
          - sử dụng biện pháp với lòng nhân hậu của Chúa Giêsu,  
          - yêu thương với con tim của Chúa Giêsu... 
     Nếu các nhà đào tạo làm được như vậy, công cuộc đào tạo sẽ thành công mỹ mãn, tương lai của Giáo Hội và Nhân Loại sẽ tốt đẹp hơn. 
           
     KẾT LUẬN 
     Nói về đào tạo, nhất là ở đây lại nói về đào tạo các nhà đào tạo nữa thì không thể nào thấu tình đạt lý hết được. Tôi xin hết lòng cám ơn Hội Nghị đã chịu khó nghe, và thành thật xin lỗi Hội nghị vì có khi phải nghe cả những điều khó chịu nữa. 
     Giờ đây, xin được kết thúc với mấy tư tưởng này: “Nhà đào tạo tầm thường thì thích nói, nhà đào tạo tốt thì giải thích, nhà đào tạo giỏi thì chứng minh, và nhà đào tạo khéo léo thì gợi hứng.” 
     Các vị đại thánh thường đủ khiêm tốn để nhìn nhận mình là kẻ có tội. Chúng ta nhìn nhận mình không hoàn hảo và không ảo tưởng chờ đợi các bảo đảm của việc đào tạo. Không thể thấy trước được những gì sẽ xảy ra trong đời một con người về lâu về dài. Lòng khiêm tốn sẽ giúp chúng ta tìm đến với khôn ngoan của con tim.  
     Hãy thực thi lòng nhân hậu và để Chúa Thánh Thần làm phần còn lại. Như thế chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, tự tin hơn, và có thể làm công việc đào tạo tốt hơn. Hãy để ân sủng Chúa làm việc trong chúng ta, dẫn dắt chúng ta, và hãy tin tưởng vào Chúa và tha nhân. 
     Và nếu chúng ta có cảm thấy mình đầy khuyết điểm, cũng hãy tạ ơn Chúa. Có lẽ điều đó sẽ giúp chúng ta trở nên nhà đào tạo khéo léo và tâm huyết. Cái quan trọng chính là tấm lòng của chúng ta: Ai không yêu thương thật sự không thể làm nghề đào tạo được. 
     Chúng ta có thể nói rằng làm nhà đào tạo là một ơn gọi và một ân sủng. Chúng ta cho bao nhiêu thì chúng ta nhận bấy nhiêu, càng cho đi chúng ta càng nhận lãnh. Đón tiếp và đào tạo người trẻ hôm nay là một cơ may để chúng ta đáp lại lời mời gọi đặc biệt của Chúa Giêsu: “Hãy đến và theo Ta... Các con là bạn hữu của Thầy.” Đồng thời chúng ta cũng không phụ lòng hay làm thất vọng những trông đợi mà Giáo Hội và Thế giới kỳ vọng nơi các nhà đào tạo. 
  
GỢI Ý THẢO LUẬN 
     1. Quí Vị không thể tự mình trực tiếp đảm trách hết mọi giai đoạn đào tạo trong Hội Dòng, vậy những điểm cụ thể nào Quí Vị thấy cần triển khai để giúp các anh chị em đang lo việc đào tạo ở nhà? Cách riêng mô hình nhà đào tạo theo gương mẫu Chúa Giêsu?  
     2. Xin Quí Vị vui lòng chia sẻ kinh nghiệm đào tạo khởi đầu và đào tạo tiếp tục (đào tạo thường xuyên) các nhà đào tạo trong Hội Dòng của Quí Vị.   
     3. Những can thiệp cụ thể nào khả dĩ áp dụng khi gặp những bất cập hay thái quá tiêu cực nơi người đảm trách việc đào tạo ở trong Dòng của Quí Vị? 
  
     Tài liệu đề nghị tham khảo 
     ĐTC Biển Đức XVI, Thư về Giáo Dục ngày 23/2/2008. 
     Bộ Giáo dục Công giáo, Những chỉ dẫn liên quan đến việc chuẩn bị các nhà đào tạo chủng viện. 
     HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2007 “Giáo dục hôm nay, Xã hội và Giáo Hội ngày mai.” Micae-Phaolô Trần Minh Huy, Đào tạo và Tự đào tạo thiêng liêng của các linh mục tương lai trong bối cảnh Việt Nam ngày nay. 
http://www.conggiaovietnam.net/tacgia/ChaHuy/DaoTaoThiengLieng/noidung.htm 
     Guy Lespinay, Làm nhà đào tạo hôm nay, Đào tạo đời sống thánh hiến, Mediaspaul. 
     Amadeo Cencini, Giáo Dục - Đào Tạo - Đồng Hành, Editions des Béatitudes.
 

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art