Thứ Ba, 19 Tháng Sáu, 2012

Mười ba nét mặt Tình Yêu (2)

Chương Tám : TÌNH YÊU KHÔNG NÓNG GIẬN

1. Một tình yêu nổi cáu và càm ràm : Người ta nổi cáu và càm ràm vì các việc xảy ra không được như chúng đáng phải xảy ra ! Tình trạng tức tối sốt ruột mà chúng ta cảm nhận bên trong là dấu hiệu ý riêng của chúng ta bị cản trở. Nhiệt tình của chúng ta nhấn mạnh : "Nếu không qua được là hỏng". Qua đó xem ra chúng ta mất nhẫn nại nhiều lắm. Và vì các sự kiện bướng bỉnh không thay đổi, như thực tại phản kháng, chúng ta bắt đầu lo lắng, nổi cáu, càm ràm, chỉ trích... bực mình vì không đạt tới được các mục tiêu mong muốn.

     Tất cả những triệu chứng đó chứng tỏ rằng tình yêu của chúng ta đối với Chúa và đối với tha nhân cần phải được thanh luyện một cách sâu xa... Bao lâu tình yêu của chúng ta chưa biết uyển chuyển thích ứng với cái có thực, bấy lâu chúng ta cần phải học vâng phục và đặt mình vào bàn tay Thiên Chúa. Sự truất quyền sở hữu chính mình của chúng ta đang tiến hành, và phải có thời gian cần thiết : "Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng đáng làm môn đệ của Thầy" (Lc 14,27). "Sự nhẫn nại được chứng minh khi gặp nghịch cảnh, vì nếu không có thử thách thì nhân đức nầy sẽ không có. Ai không phải đau khổ thì chẳng cần nhẫn nại, bởi vì không ai đối xử bất công với y cả. Tôi nói rằng sự nhẫn nại minh chứng xem các nhân có hay là không có trong tâm hồn. Làm sao chúng ta nhìn thấy nhân đức có trong tâm hồn được ? Bằng sự không kiên nhẫn sao ?!"

2. Một tình yêu muốn làm quá hoàn hảo : Đôi khi tình yêu trở nên thái quá cách không thích hợp, theo nghĩa "thêm quá đáng đấy", nhiều quá đấy, dù đối với tha nhân hay đối với Thiên Chúa. Đời sống kitô hữu không hệ tại làm việc tốt, nhưng là thực hiện thánh ý Chúa. Điều đó có thể xem ra nghịch lý, nhưng trong suốt cuộc đời mình, chúng ta không thoát được cuộc trở lại nhằm học bước theo chân Chúa nầy, và như vậy chừa được sự thái quá của riêng mình. "Chúng ta phải làm những gì Chúa đòi hỏi, và còn phải sâu thẳm lắng nghe để không tìm sở hữu những gì không bởi Chúa mà đến. 'Không cần phải dựa vào cái gì hết, ngay cả cái có thể giúp cho được sốt sắng. Không gì hết, đó chính là sự thật. Không ước muốn, không trông chờ hoan lạc. Bấy giờ sẽ hạnh phúc biết bao !'"

     Bên trong ngay cả tình yêu của họ đối với Thiên Chúa và tha nhân, một số người được liên kết với nhau bởi ước muốn nên hòan hảo của họ. Bởi vì luôn luôn còn ở bên nầy những gì mà sự hoàn hảo đòi hỏi, họ không ngừng tự trách mình là đã không làm đủ... Chính "sự cầu toàn" nầy, vốn là một nét cá tính, thường trở thành chướng ngại cho tự do, vì nó không phải là hoa trái của Thánh Thần ở trong chúng ta. Sự thánh thiện mà chúng ta được mời gọi đến không được đồng hóa với sự hoàn hảo, ngay cả khi chúng ta phải thường xuyên sống trong tình trạng hoán cải.

     "Chúng ta ao ước chịu đau khổ thật quảng đại, thật cao cả... Ôi, ảo tưởng biết bao ! Chúng ta ước mong không bao giờ vấp ngã ? - Lạy Chúa Giêsu của con, có hệ gì, nếu mỗi lúc con vấp ngã. Con không thấy đó là yếu đuối của mình, nhưng là mối lợi lớn cho con. Nhờ đó Chúa thấy được cái con có thể làm và bây giờ Chúa lại muốn bồng con trên cánh tay của Chúa. Nếu Chúa không ẳm con trên tay, ấy chính vì Chúa thích nhìn thấy con sóng soài dưới đất. Bấy giờ, con không lo âu, nhưng luôn hướng về Chúa đôi cánh tay van nài và tràn đầy tình yêu. Con không thể nghĩ rằng Chúa bỏ rơi con !"

     Phúc Âm ghi lại mấy thí dụ điển hình cách Chúa Giêsu phản ứng lại những thái quá về sự hoàn hảo đến từ một tình yêu không được soi sáng. Đoạn văn nổi bật nhất nói về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Matta và Maria : "Matta, Matta ! Con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi" (Lc, 10,41-42). Đọc lại bản tường thuật, chúng ta hiểu rằng Matta lẫn lộn việc phục vụ Chúa Cứu Thế với một sự ham họat động thái quá, phát xuất từ ý muốn ngay lành của cô. Chúa Giêsu thấy lòng Matta lo âu, náo động... và Ngài chận đứng nó lại. Ngài đòi hỏi cái gì ? "Chỉ có một sự cần mà thôi". Chớ gì trước hết chúng ta lắng nghe Ngài, như Maria đã làm. Chính Ngài sẽ chỉ cho ta phải làm gì.

     Vậy có lẽ trước hết không nên đọc thấy ở đây một sự tách biệt giữa chiêm niệm và họat động, song đúng hơn là qui luật làm cho hoạt động được phong phú : chúng ta không bị đòi hỏi phải làm việc thiện đến mức tối đa, nhưng là thực hiện ý Chúa theo như ánh sáng mà chiêm niệm đã mang lại... Nếu chúng ta lắng nghe Chúa đủ trong kinh nguyện, Ngài sẽ cho chúng ta biện phân được hoạt động phải toan tính... Môn đệ Thomas cũng cho ta một mẫu gương về một tính khí quảng đại, nông nổi và quá khích trong sự quảng đại : Khi Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem để đánh thức Lazarô sống lại và trấn an các môn đệ rằng chẳng có gì nguy hiểm tức thời cả, Thomas la toáng lên : "Chúng ta cùng đi để cùng chết với Thầy" (Jn 11,16). Ông đã lấy làm quá quan trọng, đã bi đát hóa... và trong trường hợp đó, đã luôn "phóng đại lên"... Rồi ít lâu sau, khi các bạn loan báo về sự phục sinh của Chúa Giêsu, ông lại đòi kiểm chứng và yêu sách Chúa Giêsu phải hiện ra để chính ông có thể nhìn nhận sự thật... Và Chúa Giêsu đã điều chỉnh cách tin đó của ông đúng tầm mức của nó : "Vì anh đã trông thấy Thầy nên anh tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin" (Jn 20,29).

     Vậy chúng ta phải giữ mình khỏi sự thái quá trong tình yêu, muốn tìm làm thật nhiều điều tốt, lấy cớ là để yêu nhiều hơn. Tình yêu không nhất thiết ở mức độ đó như người ta lầm tưởng. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một nhà giáo dục tuyệt vời về thái độ tình yêu đích thực, hệ tại việc chúng ta phó mình cho Tình Yêu Thiên Chúa.

3. Một tình yêu liều mình bóp nghẹt tha nhân : Tình yêu của chúng ta có thể mang tính cách xâm lược. Trong một số trường hợp, ước muốn phục vụ tha nhân có thể đi tới chỗ bóp nghẹt tự do của tha nhân, thay vì làm cho nó được triển nở. Vấn đề nổi bật ở đây là sự giáo dục, bởi vì giáo dục (e-ducere = đưa ra ngoài) chính là thức tỉnh tha nhân đối với tự do của họ, bằng cách làm cho họ trở thành một người đàn ông hay một người đàn bà tự mình "đứng vững".

     Chúng ta có thể mang lại cho người khác một thứ tình yêu "o bế", "che chở bảo vệ quá đáng". Chúng ta trở nên một thứ "gà mẹ ấp ủ con dưới cánh" và cuối cùng, chúng ta sẽ áp đặt lên người khác những quan điểm riêng của mình, mà chẳng hay biết... "Hãy để tôi làm... Tôi biết cái gì thích hợp cho bạn... Tôi đã chuẫn bị sẵn cái đó cho bạn... Có lẽ bạn cần cái đó... Hãy nhớ làm đúng y như thế...". Như vậy cuối cùng sẽ đi tới chỗ làm cho tha nhân thành ấu trĩ.

     Làm thế, chúng ta sẽ đi đến chỗ không ngừng làm phức tạp tất cả những gì vốn rất đơn giản. Những ý hướng tốt nhất của trần gian lắm khi tỏ ra thái quá và cuối cùng trở nên không thể chịu đựng nổi đối với những người chung quanh. Phải biết kính trọng tha nhân trong sự khác biệt của họ, đừng nhốt chặt tha nhân trong hộp giấy để tránh cho họ khổ đau, đừng xét đóan tha nhân theo kích thước kinh nghiệm của ta mà chúng ta cho là tốt nhất, hãy để không gian cho tha nhân tiến bước... đó cũng chính là có chút ý thức nào đó về giáo dục vậy.

     "Thiên Chúa là như thế đó. Ngài không miễn chước cho chúng ta khỏi các thử thách, lấy cớ là Ngài rất yêu thương chúng ta.'Chúa Giêsu thà thích thấy con người vấp phải đá trên đường trong đêm tối hơn là bước đi ban ngày trên một con đường vướng đầy hoa làm chậm bước đi của con người"

     Chúa Cha hết sức dè dặt trong tình yêu của Ngài đến đỗi Ngài để cho chúng ta một tự do đầy đủ và trọn vẹn, hơn là áp đặt lên chúng ta những ân huệ của Ngài... "Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Trời và sự công chính, rồi mọi sự khác sẽ được ban thêm cho" (Mt 6,33). Thiên Chúa không mang tính cách "gia trưởng"... Chính chúng ta phải trước tiên đặt mình trong mối tương quan của đứa con.

     Sau lần loan báo đầu tiên về Cuộc Khổ Nạn, Phêrô chắc chắn bị "sốc mạnh", nghĩ rằng Chúa Giêsu đã lầm nên cố áp đặt cho Ngài quan điểm của ông : "Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: 'Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy. Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo Phêrô : Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy. Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16,22-23). Dù vậy, Phêrô vẫn nghĩ ông đã làm đúng !...

4. Một tình yêu để cảm xúc chế ngự : Tình yêu nơi một số tính khí có một âm hưởng mạnh ở bình diện cảm xúc. Chúng ta ai cũng tràn đầy tình thương gắn bó với người khác đến đỗi tìm cách thu hút, hướng đến "kết hợp". Điều đó gây nên một sự tối tăm nội tâm và những tình cảm ngăn trở lý luận một cách ung dung. Một khi hưng phấn lên và bị kích thích là làm mồi ngon cho một sự náo động nội tâm...

Phương dược là hãy ở yên lặng. Estelle Faguette, người được Đức Trinh Nữ Maria hiện ra mười lăm lần trong năm 1876 ở Pellevoisin, cho biết đã bị khiển trách nhiều lần vì thiếu sự ở yên lặng. Chẳng hạn bà viết : "Tôi đã lại nhìn thấy Đức Mẹ đêm nay (3/7)... Mẹ chỉ ở lại vài phút. Mẹ dịu dàng khiển trách tôi : 'Mẹ mong con còn phải ở yên lặng hơn nữa. Mẹ không xác định rõ cho con giờ Mẹ sẽ trở lại, ngày cũng không".

     Ngày 9/9, Mẹ Maria nói với bà : "Con không được Mẹ viếng thăm ngày 15/8, con đã không ở yên lặng đủ. Con rất có tính khí của người Pháp : muốn biết hết mọi sự trước khi học, và hiểu hết mọi sự trước khi biết. Ngày hôm qua nữa, Mẹ đã đến, mà con đã không được gặp. Mẹ chờ đợi ở con hành vi tùng phục và vâng lời".

     Ngày 15/9 : "Mẹ sẽ lưu ý những nổ lực con đã thực hiện để ở yên lặng. Mẹ đòi hỏi điều đó không chỉ cho con, mà còn cả cho Giáo Hội và nước Pháp. Trong Giáo Hội, không có sự tĩnh lặng mà Mẹ mong ước".

     Có nên thêm rằng sự điềm tĩnh, dịu dàng mà thánh Phaolô mời gọi là gần gũi với lòng thương xót ? Quả thật, chúng ta rất nôn nóng nhìn thấy tha nhân hoán cải ! Và đây Chúa muốn chúng ta thông hiệp tình thương nhẫn nại và thương xót của Ngài đối với các tội nhân :  "Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thánh Thần thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hòa mà sửa dạy người ấy, phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ" (Gal 6,1).

     Ta cũng có thể đọc thấy lời nầy : "Chúng tôi nghe nói trong anh em có một số người sống vô kỹ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân Danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc để có của nuôi thân. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí !" (II Tx 3,10-13).

Suy niệm để lần hạt Mân Côi

     1. Tình yêu không nổi giận. "Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không thể làm môn đệ Thầy được" (Lc 14,27). Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn có thể đón nhận một khoảnh khắc, mỗi biến cố, mỗi con người trong suốt đời sống chúng con như là một ân ban của tình yêu Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai đang sống đau khổ vì mất quyền làm chủ chính mình.

     2. Tình yêu không nổi giận. "Matta, Matta, con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi" (Lc 10,42). Chúa Giêsu xin chúng ta trước hết lắng nghe Ngài, như Maria đã làm. Chính Chúa sẽ chỉ cho chúng ta làm gì. Chúng ta hãy cầu xin sự khôn ngoan nầy cho tất cả những người có trách nhiệm trong Giáo Hội.

     3. Tình yêu không nổi giận. Sau lần loan báo đầu tiên về Cuộc Khổ Nạn, Phêrô chắc chắn bị "sốc mạnh", nghĩ rằng Chúa Giêsu đã lầm nên cố áp đặt cho Ngài quan điểm của ông : "Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : 'Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy. Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo Phêrô : Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy. Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16, 22-23). Chúng ta hãy cẩn thận để không áp đặt lên kẻ khác một tình thương "o bế, che chở thái quá", cùng các quan điểm của mình mà chúng ta không để ý thấy... Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những ai có nhiệm vụ đào tạo để họ trở nên những người thức tỉnh tự do nơi kẻ khác.

     4. Tình yêu không nổi giận. "Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thánh thần thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hòa mà sửa dạy người ấy, phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ" (Gal 6,1). Sự dịu dàng mà thánh Phaolô mời gọi chúng ta đây chính là lòng thương xót. Chúng ta hãy xin ơn yêu quí sự dịu dàng và lòng thương xót đối với mọi tội nhân...

     5. Tình yêu không nổi giận. Sau khi các bạn loan báo về sự phục sinh của Chúa Giêsu, ông Thomas đòi kiểm chứng và yêu sách Chúa Giêsu phải hiện ra để chính ông có thể nhìn thấy sự thật... Và Chúa Giêsu đã điều chỉnh cách tin đó của ông đúng tầm mức của nó : "Vì anh đã trông thấy Thầy nên anh tin.Phúc cho những ai đã không thấy mà tin" (Jn 20,29). Chúng ta hãy xin ơn khiêm nhường và ở yên lặng.

 

Chương Chín : TÌNH YÊU KHÔNG NGHĨ ĐIỀU XẤU

     1. Tình yêu là từ tâm : Sự từ tâm mà thánh Phaolô liệt kê trong Gal 5,22 là một hoa quả tốt đẹp của Thánh Thần : "Còn hoa quả của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế" (Gal 5,22).

     Tất cả chúng ta đều có lúc gặp được những con người mà tấm lòng thực sự là từ tâm, khoan dung. Họ luôn luôn tìm thấy nơi ông nầy bà nọ mà chúng ta thấy cách thiên lệch những đức tính tiềm ẩn vụt khỏi chúng ta. Họ nhìn thấy điều tốt ... và chỉ nổ lực để nhấn mạnh hơn rằng chúng ta đã muốn thấy điều xấu trước hết. Tình yêu của Thiên Chúa là từ tâm. Ngay từ đầu thư gởi Tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô đã : "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Người đã thi ân giáng phúc cho chúng ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Chúa Thánh Thần... Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu : thiên ý nầy là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô" (Ep 1,3.9-10).

     Niềm vui của chúng ta là để mình bị tình yêu từ tâm nầy bắt lấy, đưa vào trong những kế hoạch khoan dung của Thiên Chúa và cộng tác vào đó với tất cả sự dấn thân tự do của chúng ta. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Philipphê : "Ấy vậy, là những người luôn vâng phục, khi tôi có mặt cũng như nay vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ. Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người. Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng" (Phil 2,12-14).

     Vậy chúng ta không ngạc nhiên thấy thánh Phaolô đặt sự từ tâm vào đúng chỗ những hoa trái của Thánh Thần mà các môn đệ Chúa Kitô phải biểu lộ ra. Chính vì thế Ngài viết cho Titô, người đại diện trung tín của Ngài : "Anh hãy nhắc nhở cho ai nấy phải phục tùng và tuân lệnh các nhà chức trách, các người cầm quyền, phải sẵn sàng làm mọi việc tốt và đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hòa, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người. Thật vậy, cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ghen tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau" (Tt 3,1-3). "Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại" (Col 3,12)."Lòng từ tâm là một thứ khởi đầu thuận lợi trong tương quan với những ai chúng ta gặp gỡ, trong mọi hoàn cảnh chúng ta sống. Do đó chúng ta phải học biết "đón nhận những lời nói và hành động của tha nhân đúng  như chúng đang diễn ra, không tìm cắt nghĩa khác đi, nhưng với một thứ thông đạt ngây thơ loại bỏ nghi ngờ, song phục hồi được lòng tín nhiệm trong sáng"

2. Tình yêu không đoán xét : Chúa Giêsu đòi hỏi cách rõ ràng đừng xét đoán : "Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong bằng đấu ấy cho anh em. Sao anh em thấy cái rác trong mắt của người anh em mà cái xà trong mắt mình thì lại không để ý tới ?... Hỡi kẻ đạo đức giả, hãy lấy cái xà khỏi mắt mình trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt của người anh em" (Mt 7,1-5).

     Chính Chúa Giêsu đã không kết án ai cả (x. Jn 8, 2-12 nói về người đàn bà ngoại tình). Ngài báo trước cho chúng ta : "Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng, đã dằn đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em, vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh rm bằng đấu ấy" (Lc 6, 36-38).

     Thánh Phaolô nhấn mạnh yêu sách nầy một cách cũng rất cương quyết : "Dù bạn là ai đi nữa mà bạm xét đoán thì bạn cũng không thể tự bào chữa được. Vì khi bạn xét đoán người khác mà bạn cũng làm như họ thì bạn tự kết án chính mình" (Rm 2, 1).

     Những lời nói xấu mà chúng ta có thể tung ra lẫn cho nhau đối với Chúa Giêsu cũng nghiêm trọng như là giết chết lẫn nhau vậy : thứ bạo lực nầy đòi hỏi phải được hòa giải trước khi tiến lại gần Chúa :"Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng 'chớ giết người', ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em là quân phản đạo thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình" (Mt 5, 21-24).

     Thánh Giacôbê trong thư của ngài đã nói toạc ra về cái lưỡi đầy nọc độc chết người : "Anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật thì anh không còn là kẻ vâng giữ mà là kẻ xét đoán Lề Luật. Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận ?" (Jc 4,11-12).

     Chúng ta thấy được con đường còn phải trải qua... Ngay từ cảm tưởng tức thời mà đã rút ra lời phán quyết chung cục là một lỗi nặng. Việc đó giam chặt tha nhân trong một thái độ không có gì là bền vững. Chúng ta cần phải từ chối "dán nhãn hiệu" cho người khác và phải luôn canh chừng để cho tương lai được luôn rộng mở... Không những tình yêu không giải thích về phía xấu, mà còn phải luôn luôn giải thích về phí tích cực nhất.

     Chị Céline của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu thuật lại rằng : "Têrêsa thường nói với tôi rằng chúng ta phải luôn luôn phán đoán tha nhân với lòng bác ái, bởi vì rất thường xảy ra là cái gì xem ra cẩu thả nơi mắt chúng ta thì lại là anh hùng nơi mắt Chúa. Một người đang mệt mỏi, bị nhức đầu hay phải khổ đau trong tâm hồn, chỉ hoàn thành được một nửa công việc lại làm nhiều hơn một người khác, đang được tráng kiện thể xác và tinh thần minh mẫn, làm trọn vẹn cả công việc. Vậy trong mọi trường hợp, xét đoán của chúng ta phải thuận lợi cho tha nhân. Phải luôn luôn nghĩ tới điều tốt, phải luôn luôn biện giải cho người" (CSG, 107).

3. Tình yêu tha thứ : Bản dịch động từ thánh Phaolô dùng cho ta có hai hướng suy nghĩ :

     Thứ nhất : Tình yêu không nghĩ đến điều xấu, không giải thích về phía xấu.

     Thứ hai : Tình yêu không để ý đến điều xấu, không duy trì mối hiềm thù, không dừng lại ở điều xấu, không để ý đến điều xấu đã phải chịu đựng.

     Thái độ độc đáo của tình yêu là thái độ đã trao ban ngay từ đầu bài ca bác ái : lòng hào hiệp. Tình yêu có con tim cao thượng : nó không hề tính đếm những xúc phạm người ta đã làm cho nó. Chúa Giêsu đã có lời dạy rất rõ ràng về đề tài nầy : "Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh thì anh hãy khiển trách nó, nếu nó hối hận thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần nó trở lại nói với anh : 'Tôi hối hận' thì anh cũng phải tha cho nó" (Lc 17, 3-4).

     Cũng chính yêu sách nầy đã được đặt ra cho Phêrô khi ông hỏi Chúa Giêsu : "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải đến bảy lần không ? Chúa Giêsu đáp : 'Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy'" (Mt 18,21-22).

     Giữ mãi trong ký ức điều xấu đã phải gánh chịu, cảm nhận nó dù mình không muốn, không ngừng trách móc cùng những chuyện ấy bởi vài lời châm chọc cố ý... đó là một thái độ có thể xuất phát từ một vết thương nội tâm, nhưng cũng có thể do một sự thiếu tha thứ, hay nói một cách khác là bởi một mối hiềm khích dai dẳng, dù không muốn thú nhận ra như thế.

     "Cộng đoàn là nơi của tha thứ. Bất chấp tất cả sự tín nhiệm người ta có thể có đối với nhau, vẫn luôn luôn có những lời nói gây thương tổn, những thái độ kẻ cả, những hoàn cảnh đáng ngờ vực. Chính vì thế, việc sống chung bao hàm một thứ thánh giá nào đó, một sự cố gắng liên lĩ và một sự chấp nhận tha thứ cho nhau mỗi ngày. Thánh Phaolô đã nói : 'Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người nầy có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau'" (Col 3, 12-13).

     "Một trong những tội lớn nhất trong một cộng đoàn có lẽ là một hình thức của buồn phiền và ủ ê. Người ta dễ dàng đóng khung trong mấy người bạn để chỉ trích kẻ khác, nói rằng 'chán ngấy rồi', 'mọi thứ đều tồi tệ', 'không còn như trước nữa'. Trạng thái tinh thần nầy là một thứ ung nhọt thực sự có thể lây lan ra toàn cơ thể"

     Chính vì thế, tất cả những khuyến cáo của thánh Phaolô đều hữu ích cho sự hoán cải các thái độ xã hội của chúng ta. Ngài nói với chúng ta như thế nầy : "Anh em phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô" (Ep 4,32). Có người sẽ bảo "tôi không nhận thấy mình có kẻ thù...". Nhưng rõ ràng khi Chúa Giêsu truyền lệnh yêu thương kẻ thù thì Ngài muốn nói đến những người chung quanh chúng ta mà chúng ta biến thành kẻ thù vì đã dửng dưng với họ... "Anh em hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác" (Lc 6,35).

4. Tình yêu không báo thù : "Trong khi liệt kê các công việc của xác thịt (x.Gal 5,19-21), thánh Phaolô làm sáng tỏ các yêu sách của đức ái, từ đó mà phát sinh các bổn phận cụ thể đối nghịch lại các khuynh hướng của 'con người cầm thú', nghĩa là nạn nhân của các dục vọng của mình. Đặc biệt là tránh ghen tương và ham muốn, muốn điều tốt cho tha nhân; tránh những hiềm khích, bất hòa, chia rẻ, chống đối, bằng cách thăng tiến tất cả những gì đưa tới hiệp nhất. Câu thơ của thánh Phaolô trong bài ca đức ái, theo đó đức ái "không nghĩ tới điều xấu" (I Cor 13, 5), ám chỉ đến điều đó. Thánh Thần gợi lên lòng quảng đại tha thứ đối với những xúc phạm đã nhận và những thiệt hại phải chịu, và làm cho các tín hữu có khả năng làm như vậy, và vì là Thánh Thần ánh sáng và tình yêu, Thánh Thần giúp các tín hữu khám phá ra những yêu sách không giới hạn của đức ái"

     Một đoạn Phúc Âm minh họa tính ưa quyền lực và thống trị nầy có mặt bên trong ước muốn trả thù nầy. Các môn đệ Chúa Giêsu vào một làng Samaria, ở đó các ông muốn chuẫn bị trạm nghỉ đêm cho Chúa Giêsu đang đi sau : "Nhưng dân làng không tiếp đón Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng : 'Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không ?' Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông : "Các con không biết mình thuộc về tinh thần nào". Rồi Thầy trò đi sang làng khác" (Lc 9, 53-56).

     Tình yêu Phúc Âm đòi hỏi phải giao lại cho Thiên Chúa những tình huống trong đó người ta muốn tự mình đem lại công bằng cho mình và uốn nắn lại những điều lỗi người khác làm cho mình. Sự bình an tâm hồn và chứng tá đều phải trả bằng cái giá ấy : "Khi chúng ta không được hiểu và bị xét đoán một cách bất lợi, thì liệu có ích gì để tự bênh vực, để tự giải thích không ? Chúng ta hãy để những thứ đó rơi xuống đi, đừng nói gì hết. Thật là khỏe khoắn khi chẳng nói gì, khi để mặc cho người ta muốn phê phán gì thì phê phán !... Ôi sự thinh lặng diễm phúc đã mang lại bình an biết bao cho tâm hồn"

Suy niệm để lần hạt Mân Côi

     1. Tình yêu không nghĩ đến điều xấu. "Anh hãy nhắc nhở cho ai nấy phải phục tùng và tuân lệnh các nhà chức trách, các người cầm quyền, phải sẵn sàng làm mọi việc tốt, và đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hòa, luôn luôn có lòng nhân từ với mọi người. Thật vậy, cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ghen tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau" (Tt 3,1-3). Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một quả tim nhân hậu.

     2. Tình yêu không nghĩ đến điều xấu. "Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người nầy có điều gì phiền trách người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau" (Col 3, 12-13). Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tinh thần nhân hậu, hằng tỏ ra thuận lợi cho tha nhân trong mọi hoàn cảnh.

     3. Tình yêu không nghĩ đến điều xấu. "Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán...Hỡi kẻ đạo đức giả ! Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em" (Mt 5, 1. 5). "Anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán lề luật... Vậy anh là ai mà dám xét đoán người thân cận ?" (Jc 4, 11-12). Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi ý muốn quyền lực thường tỏ lộ ra qua tinh thần xét đoán nầy.

     4. Tình yêu không nghĩ đến điều xấu. "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải đến bảy lần không ? Chúa Giêsu đáp : Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy" (Mt 18, 21-22). "Anh em phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô" (Ep 4, 32). Lạy Chúa Thánh Thần, xin gợi lên trong chúng con tinh thần tha thứ không ngừng.

     5. Tình yêu không nghĩ đến điều xấu. "Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên nầy thì hãy giơ cả má bên kia nữa" (Lc 6, 27-29). Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tha thứ cho các lý hình, xin ban cho chúng con ơn tha thứ cho kẻ thù của chúng con và từ chối mọi thứ trả thù.

 

Chương Mười : TÌNH YÊU KHÔNG VUI MỪNG TRƯỚC BẤT CÔNG

1. Niềm vui xấu xa : Không thể được ! Bạn sẽ nói như vậy... Làm sao nghĩ rằng tôi có thể vui thích về điều xấu được ? Tuy nhiên... Lòng chúng ta đôi khi đã chẳng cảm nhận một niềm vui xấu xa khi kẻ khác kiểm nhận điều xấu mà chúng ta đã nghĩ về họ, khi họ biện minh cho chúng ta là đã phê phán sai về họ cách nào đó... Trong trường hợp ấy, đừng bao giờ vui thú vì đã có lý... Khi có một phần mà chúng ta phải ngượng nghịu, thì đó là một dấu hiệu rằng chúng ta đã có tiến bộ trong tình huynh đệ.  "Khi quân thù gục ngã, con đừng lấy làm vui. Lúc nó bị lảo đảo, lòng con chớ reo mừng" (Cn 24, 17).

     Chúng ta đừng để bị gậm nhấm từ bên trong bởi nỗi cay đắng nầy mà kết cục là lấy làm mãn nguyện về sự thất bại của kẻ khác ("Chính tôi mới là người tốt nhất"); hoặc đưa đến chỗ kẻ nầy lấy làm vui khi người ta làm hại đến kẻ kia ("Điều đó sẽ dạy cho nó bài học").

     "Bây giờ tôi hiểu rằng đức ái hoàn hảo hệ tại việc chịu đựng các khuyết điểm của tha nhân, không ngạc nhiên trước những yếu đuối của họ, được xây dựng nhờ những hành vi nhân đức nhỏ nhặt nhất mà họ đã thực hiện"

2. Mối liên hệ tòng phạm : Cha Schaeffer dịch câu nầy của bài ca đức ái là tình yêu không vui thích trước điều lầm lạc. Chúng ta có thể hiểu là tình yêu không vào hùa với điều xấu đến độ đồng lõa với nó.

Nếu chúng ta được đầy tràn Thánh Thần, lẽ nào chúng ta có thể dung túng những thỏa hiệp cá nhân hay tập thể để gây thiệt hại cho tha nhân, dưới hình thức những bất công thực sự, chẳng hạn cứ tiếp tục những trộm cướp trá hình, hoặc duy trì những chỉ trích nói xấu... ? Chúng ta sẽ nhận chịu mà không nói gì những tình huống không rõ ràng trong mức độ cụ thể chúng ta lợi dụng được các tình huống ấy sao ? Bởi vì, tuy không vui mừng vì điều xấu, người ta thường lợi dụng được điều đó mà không nói gì và như vậy là có một mối liên hệ tòng phạm.

     Sự lầm lạc, dối trá, vô luân và điều xấu "giam hãm chân lý trong sự bất chính", như thánh Phaolô nói trong Rm 1, 18 : "Từ trời, Thiên Chúa mạc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý". Trái lại, lòng yêu mến chân lý thanh luyện các cách ứng xử, các hành động của chúng ta, cùng những đồng lỏa thường ngày với sự bịp bợm.

     Trong một suy tư kéo dài về Bí tích Rửa Tội, thánh Phaolô khuyên giục chúng ta rút ra những hiệu quả của ân sủng bí tích nầy : " Anh em hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu. Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những dục vọng của thân xác. Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa" (Rm 6, 11-13).

3. Tính hai lòng : Chúng ta có thể áp dụng cho mình những lời thánh Phêrô nói với Simon trong một bối cảnh khác ở Tông đồ Công vụ 8, 21-23 : "Lòng anh không ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa. Vậy anh hãy sám hối về việc xấu ấy của anh, và cầu xin Chúa, may ra Người sẽ tha cho anh tội đã nghĩ như thế trong lòng. Thật vậy, tôi thấy anh đang ứ đầy mật đắng và đang bị tội ác trói buộc" (Act 8, 21-23).

     Sự sám hối và lo lắng trừ bỏ mọi liên hệ đồng lỏa với sự dữ có thể làm cho chúng ta chạy đến với lòng nhân hậu của Thiên Chúa trong bí tích Hòa giải. Lòng thương xót Chúa chữa lành chúng ta và phục hồi lại trong chúng ta nhiệt tình vâng theo Lời Chúa. Ngược lại, nếu chúng ta để bị lười biếng lôi kéo, chấp nhận thỏa hiệp và sự thiếu ngay thẳng do đó mà ra, thì chúng ta chìm sâu trong một tình trạng hai lòng.

     Việc thường xuyên nhận lãnh bí tích giải tội là chìa khóa căn bản khai mở chúng ta với sự thánh thiện mà Thiên Chúa dự định cho chúng ta. "Nếu chúng ta xưng thú tội lỗi của chúng ta thì Ngài vốn trung thành và công chính sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và thanh tẩy chúng ta khỏi mọi bất chính" (I Jn 1, 9). Chúa Giêsu tuyên bố : "Phúc cho những tâm hồn trong sạch (nghĩa là ngay thẳng, trọn vẹn thuộc về chỉ một mình Thiên Chúa), họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa" (Mt 5, 8).

4. Tình yêu phải sầu khổ vì điều xấu : Nếu Chúa Thánh Thần đổ đầy sự hiện diện của Ngài nơi chúng ta, thì không những chúng ta có thể tìm giải thoát tâm hồn và cuộc sống chúng ta khỏi mọi thứ đồng lỏa với cái xấu, mà chúng ta còn sầu khổ vì sự bất chính bao quanh chúng ta và vì sự xúc phạm đến Thiên Chúa. Ngày nay khó mà hình dung niềm đau khổ đó, trừ phi là một dửng dưng thực sự về mặt thiêng liêng. Thánh Kinh cho chúng ta mẫu gương của Lot và Ezéchiel : Lot, cháu của Abraham, cư ngụ ở Sođoma (Stk 13,12), là một người công chính. Cuộc sống trụy lạc của những người phạm pháp ở Sođôma làm buồn lòng ông Lot... "Ông Lot, người công chính, đang phải ưu phiền vì nếp sống dâm đãng của những người phạm pháp. Quả vậy, người công chính đó sống ở giữa họ, mắt thấy tai nghe những hành vi phi pháp ngày ngày xâu xé tâm hồn công chính của ông" (II Pet 2, 7-8).

     Tiên tri Ezéchiel (thế kỷ 6 trước Chúa Giêsu) có nhiệm vụ cảnh báo người gian ác phải bỏ đường lối mình, loan báo sự sụp đổ của Giêrusalem; ông thị kiến thấy tội lỗi của Giêrusalem và hình phạt địng giáng xuống trên thành nầy. Những người công chính ở trong thành phải buồn khổ sẽ được bảo vệ. Yavê truyền lệnh cho một thiên thần : "Hãy rảo khắp thành, khắp Giêrusalem. Hãy ghi dấu chữ thập trên trán những người đang rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong khắp thành" (Ez 9, 4).

     Nỗi buồn mà Chúa Giêsu vạch ra như một công trình của Chúa Thánh Thần "Phúc thay những ai buồn phiền vì họ sẽ được an ủi" (Mt 5, 5) cũng chính là sự thông hiệp với tâm hồn Chúa Giêsu trước tội lỗi của thế gian. Vấn đề đối với chúng ta không phải là trở nên những kitô hữu hay càu nhàu than vãn, cho bằng để Chúa Thánh Thần khắc ghi trong chúng ta giá trị đúng của các sự vật : "Trong khi yêu mến Thầy, người ta càng biết được Chân Lý của Thầy hơn, và càng hiểu biết Chân lý của Thầy, người ta càng cảm nhận cơn buồn phiền và nỗi đau đớn không thể chấp nhận được khi thấy Thầy bị xúc phạm"

5. Tình yêu khẩn nài lòng nhân hậu của Chúa : "Không vào một thời điểm hay giai đoạn nào của lịch sử - nhất là vào một thời đại nguy kịch như thời đại của chúng ta -, Giáo Hội không thể quên lãng lời cầu nguyện vốn là một lời kêu cứu đến lòng nhân hậu của Thiên Chúa, khi phải đối mặt với vô vàn hình thức của sự dữ đang đè nặng xuống nhân loại và đang đe dọa nó... Giáo Hội có quyền và có bổn phận "lớn tiếng"kêu lên Thiên Chúa Nhân Hậu. Những tiếng kêu lớn nầy phải đặc trưng cho Giáo Hội của thời đại chúng ta đang sống. Chúng phải được đạo đạt lên Thiên Chúa để van xin lòng nhân hậu của Ngài... thể theo những nhu cầu khẩn thiết của con người trong thế giới đương thời. ... Bởi một tiếng kêu như thế, như các tác giả Thánh Kinh, chúng ta kêu lên Thiên Chúa là Đấng không hề khinh miệt thứ gì trong những cái Ngài đã tạo nên, là Đấng trung tín với chính mình, với tình cha và với tình yêu của Ngài ! Như các tiên tri, chúng ta kêu đến khía cạnh mẫu tử của tình yêu nầy, vì nó hằng dõi bước, như một người mẹ, theo mỗi một đứa con, mỗi chiên lạc của mình. Và Ngài vẫn như thế cho dù có hằng triệu con chiên lạc, cho dù trong thế giới nầy sự bất chính thắng thế hơn sự ngay thẳng, cho dù nhân loại vì tội lỗi của mình mà đáng phải chịu một cơn "đại hồng thủy" mới, như ngày xưa thế hệ Nôê đã đáng phải chịu...

     Và nếu người nầy kẻ nọ trong những người đương thời của chúng ta không chia sẻ niềm tin và hy vọng đang dẫn đưa tôi, với tư cách là tôi tớ của Chúa Kitô và thừa tác viên các mầu nhiệm của Thiên Chúa, trong giờ phút nầy của lịch sử, van nài lòng nhân hậu của Thiên Chúa cho nhân loại, thì ít ra chớ gì họ cũng tìm hiểu lý do của sự vồn vã ân cần nầy. Sự khẩn trương nầy được tình yêu đọc lên cho con người, cho tất cả những gì là nhân bản, đang bị đe dọa bởi một hiểm họa mêng mông, theo như trực giác của một phần lớn con người của thời đại nầy"

     Suy niệm để lần hạt Mân Côi

     1. Tình yêu không vui mừng vì điều bất công. Với Chúa Giêsu trong chiều Thứ Năm Thánh, chúng ta hãy cầu xin cho được tình yêu đích thực vốn yêu thương tha nhân cho đến cả thập giá : "Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau" (Jn 13, 34). Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời cầu nguyện của Mẹ Maria, xin Chúa ban cho chúng con tình yêu đối với tất cả những ai mà chúng con chưa yêu thương được : "Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em... Anh em muốn người ta làm gì cho mình thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ" (Lc 6, 27-28. 31-32).

     2. Tình yêu không vui mừng vì điều bất công. Với Chúa Giêsu ở trước mặt Philatô, chúng ta xin cho được ơn tìm kiếm và khẳng định chân lý trong mọi hoàn cảnh. "Một trong nhóm thuộc hạ vả vào mặt Chúa Giêsu... Chúa Giêsu trả lời : Nếu tôi nói sai, anh hãy chứng minh xem sai ở chỗ nào ; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi ?" (Lc 18, 22-23). Chớ gì Chúa Giêsu ban cho chúng ta sức mạnh để trừ bỏ mọi sự đồng lỏa với sự dữ.

     3. Tình yêu không vui mừng vì điều bất công. Với Chúa Giêsu trên Núi Bát Phúc, chúng ta xin ơn trong sạch, đơn sơ và sự ngay thẳng tâm hồn. "Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa" (Mt 5, 8). Lạy Chúa Giêsu, xin giải thóat chúng con khỏi "những mối liên hệ bất chính" và khỏi mọi tính hai lòng ba dạ.

     4. Tình yêu không vui mừng vì điều bất công. Với Chúa Giêsu ở sông Gio-đan, đến đặt mình vào hàng các tội nhân để nhận lãnh phép rửa của Gioan Tẩy Giả, chúng ta xin ơn yêu mến các anh chị em có tội và ơn cho cuộc trở lại của chính mình. "Bây giờ cứ để làm thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính" (Mt 3, 15). Nhờ lời cầu nguyện của Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá, chúng ta xin ơn không quay đi khỏi gánh nặng tội lỗi chung quanh chúng ta.

     5. Tình yêu không vui mừng vì điều bất công. Với Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta van xin Chúa Cha tỏ lòng nhân hậu : "Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23, 24). "Giáo Hội có quyền và có bổn phận "lớn tiếng" kêu lên Thiên Chúa Nhân Hậu. Những tiếng kêu lớn nầy phải đặc trưng cho Giáo Hội của thời đại chúng ta đang sống. Chúng phải được đạo đạt lên Thiên Chúa để van xin lòng nhân hậu của Ngài... thể theo những nhu cầu khẩn thiết của con người trong thế giới đương thời" (Jean-Paul II).

 

Chương Mười Một : TÌNH YÊU HÂN HOAN VÌ CHÂN LÝ

1. Tình yêu vui mừng vì điều thiện : Bài ca đức ái đặt đối nghịch bất công (sự dữ) với chân lý. Tình yêu không thể vui mừng vì sự dữ mà không phủ nhận chính mình. Trái lại, chính bản chất tự nhiên của tình yêu là vui mừng vì chân lý và chia sẻ niềm vui ấy. Theo nghĩa Kinh Thánh, chân lý chính là sự trung tín của Thiên Chúa với những gì Ngài đã hứa. Nhưng ở đây, khi được đặt đối nghịch với bất công, từ ngữ nầy có lẽ có nghĩa là một sự thật luân lý, là sự ngay thẳng trong cuộc sống.

     Tình yêu vui mừng về tất cả những gì nó tìm thấy là ngay thẳng, là đẹp đẻ, là tốt lành chung quanh nó. Chúng ta có thể nói rằng vấn đề quan trọng là có một cái nhìn tích cực về tất cả những gì ở quanh chúng ta. Thực ra còn hơn thế nữa : Đó chính là được nuôi dưỡng cách sâu xa bởi tất cả những hạt giống của Thánh Thần mà chúng ta có thể nhận lãnh không ngừng trên suốt những ngày sống của chúng ta. Đó là điều mà Thánh Phaolô đã nói : "Thưa anh em, những gì là chân thật cao quí, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen, thì xin anh em hãy để ý" (Ph 4, 8).

     Chung quanh chúng ta diễn ra lẫn lộn sự dữ và sự lành, bất công và chân lý. Tình yêu ở với chúng ta canh tân chúng ta từ bên trong. Tình yêu ấy lôi kéo chúng ta đến điều thiện, đến công bằng hầu làm cho chúng ta tìm được niềm vui. "Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối. Anh em phải để Thánh Thần đổi mới anh em và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thật sự sống công chính và thánh thiện" (Ep 4, 22-24). "Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng, mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật" (Ep 5, 8-9). "Vậy hãy đứng vững : lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an" (Ep 6, 14-15).

     Chúng ta có ít nhất một điểm qui chiếu, đó là cách mà các phương tiện truyền thông, báo chí, truyền thanh, truyền hình quan tâm trước hết đến những gì không xuôi, đến cái xấu hiện tại trong thế giới... Mỗi người có thể hơi hơi giống như thế : bi quan về những cái bên lề, và vạch lá tìm sâu... Thực ra, thái độ của người tín hữu được Chúa Thánh Thần canh tân là hoàn toàn ngược lại : một đàng khám phá ra và làm nổi bật giá trị của những gì là thiện, là mỹ trong những cái ở chung quanh chúng ta, vui mừng thấy Thiên Chúa đang hành động, ngay cả ở nơi chúng ta không chờ đợi... và đàng khác lại gieo rắc điều thiện : "Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin" (Gal 6, 9-10).

2. Thánh Thần giúp tìm ra con đường chân lý : Có lẽ bạn nghĩ rằng điều vừa viết có thể là lý tưởng đấy, nhưng thực sự không phải là cái bạn thấy ! Bạn có lý, bởi vì chúng ta luôn ở bên nầy cái mà Chúa đang chờ đợi nơi chúng ta. Chính vì thế mà chúng ta cần phải phó mình cho Chúa Thánh Thần đang ngự trong chúng ta : "Khi nào Thánh Thần Chân lý đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến" (Jn 6, 13). Chúng ta phải không ngừng cầu xin Chúa Thánh Thần : Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi sáng cho con, xin hướng dẫn con, xin làm cho con khám phá ra và yêu mến sự hiện diện của Chúa là Tình Yêu, Chúa là Đấng luôn hiện diện trong lòng thế giới nầy ...

     "Chúng ta càng kêu xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta về Chân Lý, Ngài càng dẫn dắt chúng ta khám phá được cái bên kia của các biểu diện bên ngoài. Trí khôn được Chúa Thánh Thần Tình Yêu soi dẫn sẽ biện phân được sự thật ẩn chứa sâu xa trong các con người, các tình huống, các sự vật và sẽ được hân hoan vì nó. Trí khôn sẽ hưởng nếm sự khôn ngoan ẩn dấu của Thiên Chúa, vốn hằng tỏ mình ra. Trí khôn con người từ bỏ chính mình khi không tìm kiếm chân lý, cũng như nó từ bỏ chính mình khi tự mãn về ý ngay lành, sự chân thật của mình và khi không đón nhận những gì Chúa đã nói qua mạc khải, cũng như các con người và các biến cố"

     Chúa Giêsu đã giáo dục các môn đệ cái nhìn biết thấy xa hơn những biểu diện bên ngoài, dù xem ra tốt lành. Chỉ có cái nhìn nầy cho ta đón nhận được niềm vui chân thật vốn là một hoa quả của Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn đoạn Tin Mừng nói về việc 72 môn đệ được sai đi truyền giáo từng hai người một, lúc trở về vui mừng khẳng định : "Thưa Thầy, nghe đến Danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con. Chúa Giêsu bảo các ông : Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời" (Lc 10, 17-20).

Có lẽ các môn đệ hơi bị ngây ngất vì đã kinh nghiệm được quyền năng nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần trong khi họ thi hành nhiệm vụ. Chúa Giêsu kéo họ về với những thực tại sâu xa hơn : người môn đệ không xác định mình bởi hành động phục vụ Thầy, dù hành động đó mạnh mẽ đến đâu, nhưng là bởi ân sủng được dự phần nhận lãnh vinh quang bên cạnh Chúa Cha... Đó mới thật là Chân lý, đó mới thật là niềm vui đích thực... Và chính Chúa Giêsu cũng cảm kích trước vẻ đẹp của sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà kinh ngạc : "Ngay giờ ấy, được Chúa Thánh Thần tác động, Chúa Giêsu vui mừng hớn hở nói : Lạy Cha là chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha" (Lc 10, 21).

     Nếu chúng ta đặt lại lời cầu nguyện nầy trong lòng tình huống của Chúa Giêsu lúc bấy giờ, chúng ta thấy được rằng sứ điệp của Chúa Giêsu không được các thành phố quanh biển hồ Tibêria đón nhận, chỉ có những người nghèo hèn và bé nhỏ mở lòng ra với những phong phú mà Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha để trao ban cho mọi người... Tuy nhiên, sự khôn ngoan của Tình Yêu Thiên Chúa được tỏ lộ ra trong lòng sự thất bại nầy : Tình Yêu bị đóng đinh của Chúa Cha và Chúa Con chỉ được đón nhận bởi một tâm hồn khiêm tốn và tước bỏ hết mọi tự phụ cao ngạo... Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh tương tự trong thư gởi tín hữu Rôma, khi nói về sự đau khổ của ngài vì các anh em Dothái từ chối Đức Giêsu như là Đấng Thiên Sai : "Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người ai dò cho thấu ! Đường lối của Người ai theo dõi được ! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ? Ai đã cho Người trước để Người phải trả lại sau ? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và qui hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời. Amen" (Rm 11, 33-36).

     Như Chúa Giêsu và thánh Phaolô, chúng ta cũng có thể nhảy lên vui mừng khi để Chúa Thánh Thần cho chúng ta biện phân được sự có mặt của Chân Lý của Thiên Chúa... Với Mẹ Maria, Đấng mà tâm trí "nhảy mừng trong Thiên Chúa cứu độ" (Lc 1, 47), chúng ta sẽ sống lời cầu nguyện tạ ơn.

3. Tình yêu làm chứng niềm vui chân lý ban tặng : "Tất cả mọi người đều lo tìm kiếm chân lý, nhất là trong những gì liên quan đến Thiên Chúa và Giáo Hội của Người. Và một khi đã nhận biết chân lý thì họ ôm chặt chân lý và luôn trung thành với chân lý. Bổn phận ấy xuất phát tự "chính bản chất của con người". Bổn phận nầy không nói nghịch lại "sự tôn trọng chân thành" đối với các tôn giáo khác nhau "thường mang lại một tia sáng chân lý chiếu soi cho mọi người", cũng chẳng nghịch lại yêu sách bác ái vốn thúc đẩy các kitô hữu "hành động với tình yêu thương, cẩn trọng, nhẫn nại đối với những ai đang ở trong lầm lạc hoặc trong sự vô tri đối với đức tin".

     "Chính vì thế mỗi người chúng ta, nhờ bí tích Rửa tội và Thêm sức, được thiết lập làm chứng nhân chân lý. Chúa Giêsu nói về Gioan Tẩy Giả : "Ông đã làm chứng cho Chân Lý" (Jn 5,33). Và Chúa Giêsu khẳng định về chính Người trước mặt Philatô : Tôi đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích nầy là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi" (Jn 18, 37). "Người tín hữu không được hổ thẹn làm chứng cho Chúa" (cf 2 Tim 1,8). Trong những tình huống đòi hỏi xác nhận đức tin, người tín hữu phải dứt khoát tuyên xưng đức tin chứ không lập lờ, theo gương thánh Phaolô trước các quan tòa. Người tín hữu phải giữ "một lương tâm không có gì khiển trách được trước mặt Thiên Chúa lẫn người đời"(Ac 24, 16)".

     Việc làm chứng cho Chúa Giêsu đã luôn khó khăn. Ngay từ những buỗi đầu Phúc Âm, các kitô hữu đã phải đương đầu với thực tại tử đạo, là hình thức cao nhất của việc làm chứng tá. Chúng ta cần nhớ lại điều đó khi chúng ta biểu lộ những do dự để tuyên bố thuộc về Chúa trong những tình huống cụ thể. Vì thế, chúng ta cần mở rộng lòng chúng ta ra với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, trong thời gian cầu nguyện hằng ngày, đều đặn và bền vững, để trở nên những chứng nhân bạo dạn cho Chân Lý.

     "Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần trí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thánh Thần mang đến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ" (2 Tim 1, 7).

     "Điều người ta chờ đợi nơi mọi người rao giảng Phúc Âm là họ có lòng tôn kính chân lý, càng hơn thế vì chân lý mà họ đào sâu và truyền thông không là gì khác hơn là chân lý đã được mạc khải và do đó, hơn hết tất cả, mà chân lý đệ nhất là chính Thiên Chúa. Vậy người rao giảng Phúc Âm sẽ là người luôn luôn tìm kiếm chân lý mà mình phải chuyển đạt lại cho kẻ khác, dù có phải trả giá bằng sự từ bỏ bản thân và đau khổ. Người rao giảng Phúc Âm không bao giờ phản bội lại hay che giấu chân lý vì nỗi lo muốn làm vui lòng con người, sợ làm ngạc nhiên hay va chạm, mà cũng chẳng vì tính độc đáo hay ước muốn xuất hiện nổi hơn người. Người không từ chối chân lý. Người không làm chân lý mạc khải ra tối tăm, vì lười biếng tìm kiếm chân lý, vì tiện nghi, vì sợ sệt. Người không quên lãng việc học hỏi chân lý. Người quảng đại phục vụ chân lý, chứ không nô lệ hóa chân lý"

     "Nếu chúng ta sống niềm vui nội tâm làm cho cuộc đời  chúng ta phù hợp với chân lý, chúng ta cũng sẽ biết chuyển đạt niềm vui ấy cho kẻ khác."Chớ gì mọi người của thời đại chúng ta đang tìm kiếm, khi thì trong lo âu, lúc lại trong hy vọng, có thể lãnh nhận được Tin Mừng, không phải bởi những người rao giảng Phúc Âm buồn phiền và chán nãn, thiếu nhẫn nại và lo âu, nhưng là từ những thừa tác viên của Phúc Âm mà đời sống tỏa rạng lòng nhiệt thành, họ là những người đầu tiên nhận lãnh trong mình niềm vui của Chúa Kitô và chấp nhận cống hiến cuộc đời mình để Nước Trời được loan báo và Giáo Hội được bén rễ vào lòng thế giới"

4. Tình yêu từ chối sự dối trá : Trong bài suy niệm về cách thức mà Tình Yêu chia sẻ niềm vui của chân lý nầy, ta không thể nào được quên nói về sự dối trá. Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ tình yêu vô điều kiện đối với chân lý : "Lời các con phải có thì nói có, không thì nói không" (Mt 5, 37). Sách Giáo Lý Công Giáo dành cả một chương chú giải điều răn thứ tám nhấn mạnh tầm quan trọng của chân lý trong tương quan với tha nhân (số 2464-2513). Một đoạn liên quan đến nói dối và nêu lên các trích dẫn là điều tốt, bởi vì chúng ta cần nắm rõ tác động của việc nói dối trên cuộc sống xã hội của chúng ta : "Khi nói dối, người ta trực tiếp xúc phạm đến chân lý. Nói dối là nói hay hành động nghịch với chân lý để lừa gạt. Nói dối làm hại đến tương quan giữa con người với chân lý và con người với nhau, nên kẻ nói dối xúc phạm đến tương quan nguyên thủy giữa con người và lời nói của con người với Thiên Chúa" (Giáo Lý Công Giáo số 2483).

     "Nói dối, (vì xúc phạm đến đức tính chân thật), thực sự là một hành vi thô bạo đối với kẻ khác, xâm phạm đến khả năng nhận thức là điều kiện để họ phán đoán và quyết định. Nói dối gây chia rẽ giữa người với người, và mọi tệ hại do chia rẽ mà ra. Nói dối là tai họa cho mọi xã hội, làm cho người ta không còn tin tưởng nhau, và phá hoại những mối tương giao trong xã hội" (số 2486).

     "Ai lỗi phạm đến công bình và chân lý đều phải đền bù, dù đã được thứ tha. Khi không thể đền bù cách công khai thì phải làm kín đáo ; nếu không thể đền bù cách trực tiếp cho người bị hại thì phải đền bù về tinh thần và đức ái. Ai lỗi phạm đến thanh danh kẻ khác cũng phải đền bù như thế. Phải đền bù tinh thần và đôi khi về mặt vật chất tương xứng với thiệt hại đã gây ra. Đây là nghĩa vụ lương tâm" (số 2487).

     Phải kết thúc rồi chăng ? - Không, vì chủ đề nầy cần phải được khai triển thêm nhiều. Nhưng trong khi kết thúc bài suy niệm nầy, cùng với thánh Catarina đệ Siêna, chúng ta cầu mong Lời Chúa đánh thức chúng ta :"Thiên Chúa không muốn và không tìm kiếm cái gì khác ngoài sự thánh hóa chúng ta. Chính vì điều đó mà Ngài đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh và nên giống Ngài, và Ngôi Lời dịu dàng đã muốn trao ban mạng sống Ngài với biết bao yêu thương, và như thế Ngài đã tỏ chân lý của Ngài cho chúng ta. Linh hồn nhìn ngắm chân lý cách rõ ràng thì không còn mê ngủ nữa, nhưng sẽ tỉnh dậy và hăm hở tìm kiếm cách thức, con đường và thời giờ để kiện toàn chân lý. Linh hồn không để việc ấy qua ngày mai, vì nó không chắc có được chân lý"

Suy niệm để lần hạt Mân Côi

     1. Tình yêu vui mừng vì sự thật. "Thưa anh em, những gì là chân thật, cao quí, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì anh em hãy để ý" (Phil 4,8). Người tín hữu được Chúa Thánh Thần đổi mới khám phá ra được và coi trọng tất cả những gì là thiện là mỹ ở chung quanh mình, người hân hoan nhận thấy Chúa làm việc ở cả những nơi mà người chẳng hề chờ đợi. Chúng ta hãy cầu xin ơn nầy cho chúng ta để gieo vải niềm vui trong gia đình chúng ta.

     2. Tình yêu vui mừng vì sự thật. Trước mặt bà Isave, Mẹ Maria vui mừng cách sâu xa vì ơn đã làm cho Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa : "Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi" (Lc 1,46-47). Mẹ Maria đón nhận Chân lý sứ mệnh mình, và Mẹ đã không sợ tỏ lộ niềm vui vì nó một cách công khai. Chúng ta hãy xin ơn ca tụng trong khiêm tốn, vì khiêm nhường chính là chân lý.

     3. Tình yêu vui mừng vì sự thật. Chúa Giêsu đã nói : "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Jn 14,6). Ngài cũng nói : "Ai thuộc về Chân Lý thì nghe tôi" (Jn 18,37). Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người nam cũng như nữ đang tìm kiếm Chân Lý. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đánh động lòng họ nhờ ơn soi sáng của Ngài.

     4. Tình yêu vui mừng vì sự thật. Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu khẳng định : "Tôi sinh ra và đến trong thế gian nầy chỉ để làm chứng cho Chân Lý" (Jn 18,37). Chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta là những chứng nhân đích thực cho Chân Lý là Chúa Giêsu và đang được Giáo Hội truyền đạt.

     5. Tình yêu vui mừng vì sự thật. Chúa Giêsu đã dạy tình yêu vô điều kiện đối với chân lý cho các môn đệ của Người : "Lời của các con phải có thì nói có, không thì nói không" (Mt 5,37). Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người chúng ta quen biết được tình yêu chân lý nầy, hầu nó làm cho họ biết từ chối dối trá. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện để trổi lên những ngôn sứ giữa những người có trách nhiệm chính trị hầu họ mang lại ánh sáng chân lý.

 

Chương Mười Hai :

TÌNH YÊU THA THỨ TẤT CẢ VÀ LUÔN TIN TƯỞNG

     Bây giờ chúng ta đã tới cuối bài ca Đức Ái mà thánh Phaolô kết luận bằng bốn khẳng định : tình yêu tha thứ tất cả, tình yêu tin tưởng tất cả, tình yêu hy vọng tất cả, tình yêu chịu đựng tất cả. Chúng ta nhận thấy các khẳng định nầy liên kết với nhau bởi cùng một chữ tất cả, mà chúng ta có thể hiểu trong nghĩa trạng từ là trong tất cả mọi cảnh ngộ, là luôn luôn...

     Và trong bốn khẳng định nầy, thánh Phaolô nhấn mạnh rằng tình yêu đến làm sống động từ bên trong đức tin và niềm hy vọng. Vậy chúng ta có thể gộp các khẳng định nầy thành từng đôi :

     - Tình yêu tha thứ tất cả và luôn luôn tin tưởng,   

     - Tình yêu luôn hy vọng và chịu đựng tất cả.

     Sự giải thoát do đức ái thực hiện cho phép đưa đức tin và niềm hy vọng vào họat động. Đức tin vào Thiên Chúa và lòng tin tưởng vào tha nhân, Hy vọng nơi Thiên Chúa và tha nhân là những công trình chính yếu của đức ái. Tình yêu phát sinh "tha thứ  và trung tín" trong các hành động hướng về tha nhân : tha thứ  và vẫn trung thành dù việc gì xảy đến đi nữa.

     Trước tiên, chúng ta hãy đề cập đến sự tha thứ, được phát sinh từ lòng tin tưởng và nuôi dưỡng lòng tin tưởng.

1. Tình yêu tha thứ : Trong Phúc Âm theo thánh Luca, khi Chúa Giêsu công khai tỏ mình ra là Đấng Thiên Sai, Ngài bắt đầu từ Nazareth. Chính là trong một buổi phụng tự ở hội đường, lúc Chúa Giêsu đọc một đoạn sách tiên tri Isaia : "Thánh Thần ngự xuống trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa... Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người" (Lc 4,16-22).

     Chúa Giêsu đến loan báo tình yêu, sự từ tâm, lòng tốt, lòng nhân hậu, ân sủng của Thiên Chúa... như thánh Gioan đã viết trong lời tựa Phúc Âm của ngài : "Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn nầy đến ơn khác" (Jn 1,16). Với cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta được ân huệ tha thứ của Thiên Chúa : "Ngài đã xóa bỏ văn tự nợ của chúng ta. Ngài đã xóa bỏ nó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá"

     Ơn tha thứ nầy đều như nhau cho tất cả mọi người, vì tất cả chúng ta đều là người có tội. Chúng ta còn phải đón nhận ơn tha thứ nầy với lòng biết ơn, ý thức rằng chúng ta cần đến ơn tha thứ đó. Đó là điều đã khiến Chúa Giêsu nói với ông biệt phái Simon, vì ông đã nhìn quàng xiên người đàn bà có tội công khai đến tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Giêsu : "Một chủ nợ kia có hai con nợ, một người nợ năm trăm quan tiền, một người nợ năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy ai trong hai người đó mến chủ nợ hơn ? Ông Simon đáp : tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn. Chúa Giêsu bảo : Ông xét đúng lắm" (Lc 7, 41-43).

     Chúng ta bị mắc nợ không thể cứu chữa đối với tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta luôn luôn ở bên nầy những gì mà Ngài chờ đợi ở chúng ta, nên ít nhiều chi chúng ta đều cần được tha thứ... Chúa Giêsu ban ơn nầy cho những ai mở lòng ra. Ngài cũng loan báo ân huệ ấy xuyên qua các dụ ngôn làm hoang mang cả những hào phóng phong phú nhất của chúng ta. Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn hai người con và sự đón tiếp người cha dành cho đứa con trở về nhà sau khi đã phung phí hết phần gia tài của nó trong một cuộc sống trụy lạc : "Lúc anh ta còn ở đàng xa, người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương chạy ra ôm lấy và âu yếm hôn anh ta. Bấy giờ người con mới nói rằng : Thưa cha, con đã đắc tội với Trời và với cha, con chẳng đáng được gọi là con cha nữa... Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ : Mau mang áo đẹp nhất ra đây mà mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy" (Lc 15, 20-24).

     "Tình yêu ban tặng tất cả và thổ lộ tâm tình. Nhưng chúng ta thường chỉ cho đi sau khi được giải thoát, chúng ta do dự hy sinh những lợi ích tạm thời cũng như thiêng liêng. Đó không phải là tình yêu. Tình yêu là mù quáng, là một dòng suối chẳng để lại gì trên đường nó đi qua !"

     2. Tình yêu phủ lấp mọi lầm lỗi.

     Động từ "phủ lấp" mà thánh Phaolô dùng trong bài ca đức ái nầy có nghĩa là tình yêu đặt một mái che trên tội lỗi, cả đến như nhốt tội lỗi trong một nấm mồ... Đó là lý do khiến một số người dịch là tình yêu phủ lấp mọi sự hoặc tình yêu che giấu mọi sự... Để tránh mọi hàm nghĩa khiến người ta nghĩ rằng bác ái đòi phải làm cho mình nên đồng lõa với sự dữ, tôi thích lối dịch nầy hơn : tình yêu tha thứ tất cả.

Chúa Giêsu vạch rõ cho chúng ta tấm lòng của Chúa Cha : ân sủng và lòng nhân hậu vượt quá mọi mức độ... Vì vậy chúng ta không được tự biến thành những phán quan tôn giáo pháp đình đối với những người chung quanh, bằng cách duy trì một chút ngờ vực ... ("Điều đó chẳng làm tôi ngạc nhiên về nó..."). Tình yêu là kín đáo, thánh Phaolô viết  như vậy trong bài ca đức ái. Và điều đó cũng có giá trị đối với tội lỗi, những sai sót, những bất công, những lỗi lầm của tha nhân đối với chúng ta. Chúng ta hãy tìm lấy Tình Yêu mà che lấp chúng đi.

     Thánh Phêrô viết : "Anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi" ( I Pet 4,8), khi trích dẫn sách Châm ngôn : "Ghen ghét sinh cãi vã, tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm" (Cn 10, 12). Sự khoan dung nầy của tình yêu góp phần vào cái nhìn tái tạo mà Thiên Chúa mang lại cho mỗi người chúng ta. Thiên Chúa là Cha và coi chúng ta là con cái của Ngài. Chúa không nhìn thấy trước hết các lỗi lầm của chúng ta đối với Ngài. Sự khoan dung của tình yêu cũng là một đòi hỏi thanh tẩy : cái mà chúng ta phải bận tâm và làm nên đối tượng những chia sẻ của chúng ta, chính là điều thiện chứ không phải là điều dữ. Chúng ta đừng làm cho mình trở thành những phát ngôn viên của sự dữ... Chúng ta đừng đến nhà người khác để vạch trần ra những lầm lỗi mà chúng ta là nạn nhân. Chúng ta hãy che lấp chúng đi. Dĩ nhiên tìm cho mình được xót thương là cái rất là con người. Nhưng sau đó, chính chúng ta sẽ liều mình bị rối rắm vì đã tỏ lộ chúng ra.

     "Khi nhớ rằng "bác ái che lấp muôn vàn tội lỗi", tôi kín múc nơi kho phong phú nầy mà Chúa Giêsu mở ra trước mặt tôi".

     "Yêu sách nầy của đức ái liên quan đến cả việc nhớ đến điều dữ mà chúng ta liều mình bảo lưu và nhắc đi nhắc lại mãi. Thánh François de Paule, ẩn sĩ người Ý, sáng lập Dòng Hèn Mọn, chết năm 1507 ở Plessis-les-Tours, đã viết : "Anh em hãy tha thứ lẫn cho nhau để sau đó không còn nhớ đến lỗi lầm của anh em nữa. Giữ lại ký ức về điều xấu chính là một lầm lỗi, chính là kiệt tác của giận dữ, là duy trì điều tội, là thù hận công chính... Đó là một mũi tên rĩ sét, là độc dược của tâm hồn, là sự băng hoại nhân đức, là con sâu gậm nhấm tinh thần, là xáo trộn việc cầu nguyện, là sự hủy bỏ những lời kêu xin dâng lên Thiên Chúa, là sự đánh mất đức ái, là sự bất chính luôn tỉnh thức, là tội lỗi luôn có mặt và là cái chết rình rập mỗi ngày"

     "Nếu các bạn biết được những gì tôi cảm nhận ! Tôi cũng không bao giờ hiểu được với tình yêu dường bao mà Chúa Giêsu đã đón nhận chúng ta khi chúng ta xin lỗi Ngài sau một lầm lỗi ! Nếu tôi, vốn là một tạo vật nhỏ bé nghèo hèn của Ngài, mà đã cảm nhận bao nhiêu dịu dàng đối với các bạn lúc các bạn đến với tôi, thì cái gì phải xảy ra trong trái tim của Thiên Chúa nhân lành khi chúng ta trở về với Ngài ! Vâng, chắc chắn Ngài hành động còn nhanh hơn nữa điều tôi vừa làm : Ngài sẽ quên đi tất cả mọi điều bất chính của chúng ta để không bao giờ còn nhớ đến chúng nữa... Ngài sẽ làm hơn thế nữa : Ngài sẽ yêu thương chúng ta còn hơn cả trước khi chúng ta phạm lỗi !"

3. Tình yêu mở ra một tương lai : Trực giác của thánh nữ Têrêsa thật tuyệt vời : "Chúa sẽ làm hơn thế nữa : Ngài sẽ yêu thương chúng ta còn hơn cả trước khi chúng ta phạm lỗi !" Tình yêu không ngừng tái tạo lại cái mà Sự Dữ lôi kéo về phía hư vô... Chỉ có tình yêu kéo sự lành ra từ sự dữ... Do đó, tình yêu không bao giờ đóng lại, nhưng ngược lại, tình yêu mở ra một tương lai. Chỉ cần nhìn ngắm Chúa Giêsu, vốn là Tình yêu làm người, để nắm bắt được cách sâu xa tính năng động của Thánh Thần hằng linh họat cái nhìn của chúng ta về tha nhân.

     Đây là ba trong số nhiều thí dụ khác :

     * Sau việc hóa bánh ra nhiều, là "dấu hiệu" hùng hồn chỉ rõ Đấng Thiên Sai cho những ai có tâm hồn rộng mở, Chúa Giêsu đổi hướng tình hình. Thánh Gioan viết : "Chúa Giêsu biết dân chúng sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, Người liền lánh mặt đi lên núi một mình" (Jn 6,15). Và Matthêu thì viết : "Chúa Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng" (Mt 14,22). Có lẽ các môn đệ thất vọng dường nào trước sự quyết định đó của Thầy mình : một cơ hội tốt như thế bị bỏ qua ! Và giờ đây họ ở trên biển hồ chống chọi với gió ngược... Không gì tiến xa hơn được... Ngõ cụt... Và chính giữa lòng sự thanh tẩy đức tin nầy, cũng như Ngài sẽ làm cho các môn đệ trên đường Ê-mau, Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với các ông : "Hãy vững lòng, chính Thầy đây, đừng sợ". Chúng ta biết rõ những gì tiếp theo : Phêrô bước đi trên nước... biển lặng... Điều mà Chúa Giêsu chờ đợi, chính là phó thác trọn vẹn cho tình yêu Ngài, một đức tin mãnh liệt (mà Phêrô đã thiếu) đến đỗi Ngài có thể mở ra một tương lai được Ý Cha chiếu sáng và không bị tối tăm bởi những ảo ảnh của những khát vọng nhân thế.

     * Khi bị đặt trước người đàn bà ngoại tình, Chúa Giêsu đã tháo cởi nỗi kìm kẹp mà những kẻ tố cáo đã cột buộc bà : khai trừ khỏi cộng đồng vì tội công khai. "Không ai kết án chị cả ư ?... Thầy cũng không, Thầy không kết án chị. Chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa" (Jn 8,10-11). Tình yêu trả lại tự do, không phải để trở lại với tội lỗi, nhưng để thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi... Tương lai của người đàn bà nầy được trao phó cho sự tự do hoàn toàn mới mẻ của bà...

     * Trong buổi chiều Thứ Năm Thánh, Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ của Ngài rằng Ngài sắp bị một người trong họ phản bội và trao nộp. Ngài kín đáo trả lời cho Gioan hỏi Ngài : "Chính là kẻ Thầy sắp chấm miếng bánh và trao cho" (Jn 13,26). Theo tập tục của người Đông phương, gắp thức ăn cho một khách mời là một dấu ân cần. Một cử chỉ tuyệt vời ! Đó không phải là để nhắc nhở cho Giuđa lần cuối cùng rằng y luôn luôn được thương yêu và y cần phải mở lòng mình ra với tình yêu đó hầu có thể từ bỏ dự tính của y chăng ? Thảm hại thay Giuđa đóng lòng mình lại cho tình yêu, y không lấy tình yêu đáp trả tình yêu, không lấy lòng tín nhiệm đáp trả lại lòng tín nhiệm, và sự khước từ nầy dứt khoát phó nộp y cho Quỷ Dữ : "Nhận miếng bánh xong, Xa-tan liền nhập vào y" (Jn 13,27)...

4. Tình yêu luôn luôn tin tưởng : "Cho dù tôi có thể phạm mọi thứ tội ác, tôi vẫn luôn tin tưởng. Tôi nghĩ rằng cả đống vô số xúc phạm đó cũng chỉ như một giọt nước ném vào một lò lửa cháy bừng"

     Têrêsa dẫn chúng ta đến lòng Chúa. Thiên Chúa luôn luôn tín nhiệm chúng ta và Ngài tiếp tục yêu thương chúng ta. Chỉ có sự thiếu tín nhiệm về phía chúng ta có thể giới hạn hậu quả của tình yêu Ngài trong cuộc đời chúng ta : "Cái xúc phạm Chúa Giêsu, cái làm cho lòng Ngài bị thương tổn, chính là sự thiếu tín nhiệm"

     Nguyện xin Chúa Thánh Thần giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi đối với Chúa ngõ hầu chúng ta được sống trọn vẹn trong tình phụ tử của Ngài : "Trong tình yêu không có sợ hãi; trái lại, tình yêu trọn hảo san bằng sợ hãi, vì sợ hãi bao hàm một án phạt, và kẻ sợ hãi không đến được với sự trọn hảo của tình yêu" (1 Jn 4,18).

     Khi dừng lại vì những tiếng kêu của người mù Bartimê ăn xin ở cửa thành Giêricô, Chúa Giêsu xin : "Hãy gọi anh ta". Người ta gọi người mù và bảo anh ta : "Hãy tin tưởng, đứng dậy đi, Ngài gọi anh" (Mc 10,48-49). Tình yêu lên tiếng gọi. Tình yêu ăn xin lòng tín nhiệm để mở ra tính năng động giải phóng mãnh liệt : anh hãy đứng dậy đi.

     "Bạn hãy giữ vững lòng tín nhiệm của bạn. Thiên Chúa nhân lành không thể nào không đáp lại, bởi vì Ngài luôn luôn đo lường các ân huệ của Ngài theo lòng tín nhiệm của chúng ta"

      Nếu chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần ơn được nhìn thấy sự bao la của tình yêu và lòng tín nhiệm của Thiên Chúa đối với mỗi con cái Ngài, thì đến lượt mình, chúng ta có thể thông truyền chúng cho những người chung quanh bằng các hành động của chúng ta. Quả đó là ý nghĩa những lời của Chúa Giêsu nói ở trên Núi : "Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì anh em nào có công chi đáng thưởng ?" (Mt 5,44-46).

     Tình yêu tha thứ tất cả, tình yêu luôn luôn tín nhiệm...

     Suy niệm để lần hạt Mân Côi

     1. Tình yêu tha thứ tất cả và luôn luôn tin tưởng. "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người, là Con Một đầy ân sủng và sự thật... Vâng, từ nguồn ân sủng của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn nầy đến ơn khác" (Jn 1,14.16). Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi cõi lòng biết mở ra với ân sủng, với tình yêu ngọt ngào của Thiên Chúa hằng đến với chúng ta, mà nếu không có tình yêu đó thì chẳng ai được cứu rỗi. Chúng ta hãy cầu nguyện cách riêng cho ông ... nầy, bà ... kia.

     2. Tình yêu tha thứ tất cả và luôn luôn tin tưởng. "Anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi" (1 Pet 4,8). Chúng ta hãy cầu xin lòng bác ái không kết án, nhưng tha thứ và che lấp hết mọi lỗi lầm nầy... Nó là cội rẽ căn nguyên của bình an. Chúng ta hãy cầu xin lòng bác ái nầy cho gia đình chúng ta, cho cộng đòan chúng ta, cho nhóm làm việc của chúng ta...

     3. Tình yêu tha thứ tất cả và luôn luôn tin tưởng. "Không ai kết án chị cả ư ?... Thầy cũng không, Thầy không kết án chị đâu. Chị hãy ra đi và từ nay đừng phạm tội nữa" (Jn 8,10-11). Chúa Giêsu tự do và mang lại tự do... Đó là một hoa trái của Thánh Thần. Tình yêu mở ra một tương lai... Chúng ta hãy cầu xin ơn tha thứ cho những xét đoán giam nhốt của chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn làm cho những người chung quanh chúng ta được tự do, nhờ tình thương mà chúng ta chứng tỏ ra cho họ.

     4. Tình yêu tha thứ tất cả và luôn luôn tin tưởng. "Một người trong các con sẽ nộp Thầy... Thưa Thầy, ai vậy ? Đó là kẻ mà Thầy sắp chấm miếng bánh trao cho" (Jn 13,21-26). Trong tập tục của người Đông phương, trao một miếng thức ăn cho khách mời là một dấu chứng tỏ lòng ân cần... Nếu Chúa Giêsu đã chứng tỏ lòng ân cần của Ngài với Giuđa cho đến cùng, thì chớ gì đừng bao giờ chúng ta làm cho người khác phải tuyệt vọng, nhất là những ai gần gũi với chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin ơn có một tình yêu biết cho đi đến tận cùng.

     5. Tình yêu tha thứ tất cả và luôn luôn tin tưởng. "Anh hãy tin tưởng, đứng dậy đi, Ngài đang gọi anh" (Mc 10,48-49). Tình yêu lên tiếng gọi. Tình yêu ăn xin lòng tín nhiệm để giải tỏa tính năng động giải phóng mãnh liệt của mình : anh hãy đứng dậy. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một thái độ tâm hồn luôn luôn là một lời mời gọi tin tưởng đối với tha nhân, ngõ hầu họ có thể lớn lên trong đời sống làm người và làm tín hữu của họ.

 

Chương Mười Ba :

TÌNH YÊU LUÔN HY VỌNG VÀ CHỊU ĐỰNG TẤT CẢ

    Tình yêu làm phát sinh sự tha thứ và lòng trung thành đối với kẻ khác : Tình yêu tha thứ và vẫn trung thành, dù việc gì xảy ra đi nữa. Chương nầy nhấn mạnh lòng trung thành, đặc biệt là tính không thay đổi... Thánh Phaolô viết : "Tình yêu chịu đựng tất cả". Động từ chịu đựng diễn tả sự vững chắc, sẵn sàng trụ được với va chạm, chấp nhận kéo dài... Đó là một tình yêu bền bỉ, tồn tại trong thời gian và khó khăn gian khổ, nghĩa là luôn hy vọng.

     Thánh Phaolô luôn liên kết niềm hy vọng và tính kiên trì không thay đổi với nhau. Trong thư gởi tín hữu Thessalonica, ngài nhấn mạnh rằng hy vọng được biểu lộ qua sự kiên trì : "Trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những việc khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô" (1 Th 1,3). Trong thư gởi tín hữu Rôma, thanh Phaolô cho hy vọng định nghĩa đẹp đẻ nầy : "Hy vọng điều chúng ta không thấy, chính là chúng ta bền chí đợi chờ" (Rm 8,25).

     Chúng ta hầu như tìm thấy một sự tương đương giữa hy vọng và tính kiên trì trong các thư của thánh Phaolô. Ngài đã viết như thế nầy cho Timôtê : "Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, ... hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa" (1 Tm 6,11). "Anh đã theo sát đạo lý, cách sống và dự định của tôi; anh đã thấy lòng tin, sự nhẫn nại, lòng yêu mến và sự kiên trì của tôi; anh đã biết những cơn bắt bớ, những sự đau khổ tôi đã gặp..., đã biết tôi chịu bắt bớ như thế nào. Nhưng Chúa đã giải thoát tôi khỏi tất cả" (2 Tm 3,10-11). Thánh Phaolô cũng viết cho Titô : "Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại" (Tt 2,2).

     Vậy chúng ta có thể nói rằng hy vọng và kiên nhẫn là một, sự bền bĩ là dấu hiệu của hy vọng. Dù gì xảy đến đi nữa, chúng ta muốn tiếp tục hy vọng vào Thiên Chúa và vào tha nhân. Ý chí muốn hy vọng về tất cả và ngược lại tất cả, được ngầm hiểu là nhờ tình yêu, chính là sự kiên trì bền bỉ.

     1. Tính lạc quan hay niềm hy vọng ?

     Chúng ta đều biết những người luôn nhìn khía cạnh tốt của cuộc đời, bằng cách giảm thiểu những điều đáng buồn xảy ra... "Còn sống, còn hy vọng". Những tính khí lạc quan tự thuyết phục mình về điều đó cách dễ dàng hơn những kẻ khác.

     Khác với tính lạc quan, hy vọng không phải là một nét của tính khí và không cắm rễ trong một tư thế tự nhiên. Hy vọng phát xuất bởi Thánh Thần, đúng như điều thánh Phaolô đã viết : "Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5,5).

     Tính lạc quan dựa trên chính mình, đến đỗi có thể trở thành tự mãn và để mình bị kiêu ngạo lôi kéo. Hy vọng khiêm tốn và kín đáo hơn, nhưng lại mạnh mẽ hơn, bởi vì nó dựa vào Lời Chúa, chứ không dựa trên một đặc tính hạnh phúc, hoặc những hoàn cảnh thuận lợi.

     Những giờ phút đen tối và những thời khắc thử thách thường không khởi đầu được một niềm hy vọng đích thực, cũng còn không phải là những biến cố hạnh phúc có thể nâng đỡ cho niềm hy vọng. Như đức tin, hy vọng là một nhân đức đối thần có đặc tính siêu nhiên. Hy vọng tựa vào Chúa Kitô, chứng nhân cho lòng trung thành của Thiên Chúa. Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan đã không gọi Chúa Giêsu là "chứng nhân trung thành" sao (1,5 ; 3,14 ; 19,11) ?

     Đức trông cậy cắm rễ sâu trong niềm tin vào Lời Chúa. Chính khởi đi từ một lời hứa của Thiên Chúa mà Abraham đã lên đường. Tin tưởng vào lời hứa nầy, ông đã dứt khoát rời bỏ quê hương, không có bảo đảm nào khác ngoài lời đó.

     Chỉ có người nào biết lời mời gọi của Thiên Chúa và tán thành mới có thể đáp lại lời mời gọi đó của Ngài. Rõ ràng chính đức tin mạc khải cho chúng ta thánh ý Chúa trên chúng ta. Nhưng biết rõ mục đích mà không có lòng ao ước thì không đạt tới mục đích đó được. Chính vì thế mà hy vọng thêm vào một cái gì đó cho đức tin. Tính năng động của hy vọng chính là họat động của một đức tin kiên bền. Trong khi nhờ đức tin mà nhận lãnh lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng nơi Ngài và kiên bền trả lời Ngài. Hy vọng chính là một nhân đức của những quyết định không ngừng đổi mới và bền bỉ.

     2. Tình yêu không thất vọng bao giờ : Tình yêu đích thực, như thánh Phaolô mô tả trong bài ca đức ái, luôn luôn tiếp tục hy vọng, dĩ nhiên hy vọng vào Thiên Chúa, nhưng cũng hy vọng vào tha nhân nữa. Dù hòan cảnh có thế nào đi nữa, hy vọng luôn luôn mở ra một tương lai :

     * Ở đâu thử thách khắc nghiệt biến thành trở ngại thì hy vọng làm cho nó nên bàn đạp và giúp kiên vững trong đức tin vào Chúa Giêsu Phục sinh.

     * Ở đâu sự xét đóan về người khác trở thành loại trừ họ thì hy vọng nhìn thấy vượt xa hơn và mang lại khả dĩ tiếp đón tha nhân trong sự khốn cùng của họ.

     "Đức tin chỉ nhìn thấy cái ở trong thời gian và trong vĩnh cửu. Còn hy vọng nhìn thấy cái sẽ xảy đến trong thời gian và hướng về vĩnh cửu. Đức ái yêu thích cái có ở trong thời gian và trong vĩnh cửu...Nhưng hy vọng yêu thích cái sẽ xảy đến trong thời gian và cho vĩnh cửu. Hy vọng nhìn thấy cái chưa có và sẽ có, trong tương lai của thời gian và của vĩnh cửu. Hy vọng yêu thích cái chưa có và sẽ có"

     Chính vì vậy chúng ta phải cầu xin Chúa Thánh Thần phát triển trong chúng ta niềm hy vọng "không thất vọng" nầy, vốn được ăn rễ sâu trong "tình yêu của Thiên Chúa được Thánh Thần trải rộng trong lòng chúng ta".

     Hy vọng là tính bền bỉ của đức tin.

     "Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại đất hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông I-xa-ác và ông Gia-cóp là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng. Nhờ đức tin, cả bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Vì thế, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được. Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. Những người nói như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về. Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẫn bị một thành cho các ngài. Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Áp-ra-ham đã hiến tế I-xa-ác; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một. Về người con này, Thiên Chúa đã phán bảo : Chính do I-xa-ác mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Quả thật, ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết chỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng" (Dt 11,8-19).

     "Mặc dầu không còn gì để hy vọng, ông vẫn hy vọng và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc như  lời Thiên Chúa phán : Dòng dõi ngươi sẽ đông như thế. Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Sara đều đã chết. Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa ; trái lại nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện" (Rm,4,18-21).

     Hy vọng cũng là tính bền bỉ của tình yêu.

     "Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả kẻ tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.

     Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc 6, 32-38).

     3. Sự không thay đổi và lòng trung thành : Tính bền bỉ trong tình yêu, sự không thay đổi và lòng trung thành được xây dựng trong cách thức chúng ta tích cực đón nhận những khó khăn, những nỗi gian truân, những thử thách lớn nhỏ gieo rắc trên đường cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

     "Chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng ai gặp gian truân thì quen chịu đựng, ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên, ai được công nhận là trung kiên thì được quyền hy vọng" (Rm 5,3-4). "Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn" (Jc 1,2-3).

     Cuộc đời chúng ta chẳng khác một cơn thử thách đầy  khó khăn gian khổ mà chúng ta phải vượt thắng. Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan được chiêm ngưỡng đoàn người tín hữu được đóng ấn trên mặt đất, mặc áo dài trắng trong vinh quang : "Họ là những người đã đến sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế họ được chầu trước ngai Thiên Chúa" (Kh 7, 14-15).

     Đó là thực tại sâu xa của cuộc đời trần thế của chúng ta : một thử thách lớn lao để sống thông hiệp với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, hầu được dự phần Phục sinh với Ngài.

     Khi thánh Phaolô viết "Tình yêu luôn luôn hy vọng, tình yêu chịu đựng tất cả", có lẽ ngài nghĩ đến sự bền vững mà người tín hữu biết yêu Thiên Chúa và yêu các anh em của mình đã đắc thủ được. Sự bền vững của tình yêu nầy, Thánh Thần làm cho nó triển nở nơi người ấy xuyên qua :

     * Sự từ bỏ : Thánh giá là nền tảng của một đời sống phong phú : "Trên mặt đất nầy mọi sự đều thay đổi, chỉ có một vật vững bền, đó chính là cách cư xử của Vua Trời đối với các bạn hữu của Người. Từ khi Ngài đã phất cao cờ hiệu thập giá, tất cả mọi người phải chiến đấu dưới bóng nó và phải mang lại chiến thắng"

     * Dạt dào hiến dâng : Dạt dào hiến dâng, như lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm Luca đã trích dẫn trên kia nhắc lại cho chúng ta. Luôn cho nhiều hơn cái người ta xin, có lẽ đó là dấu hiệu phân biệt người tín hữu : "Tấm lòng yêu thương làm việc với tình yêu, nghĩa là với nhiệt huyết : tâm hồn đó chạy ngược chạy xuôi, bay đi bay lại, chẳng có gì là không thể và không có gì cản bước nó được"

     Nhưng đó cũng chính là sự bền tâm mà chúng ta phải vun trồng hầu sản sinh ra hoa trái của một tình yêu chịu đựng tất cả. Trong dụ ngôn người gieo giống, khi nói về những chỗ sỏi đá mà hạt giống rơi xuống, Chúa Giêsu phán: "Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc..." Ngược lại, đất tốt mà hạt giống được gieo xuống, "là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết trái" (Lc 8, 13-15)

     "Trong mọi công việc của nhân đức, cần phải có sự kiên trì ; không có kiên trì, ta không đi đến cùng được mong ước của mình, không đạt tới hoàn thành công việc mà mình đã bắt đầu hành động. Không, không có kiên trì, ta sẽ không bao giờ đạt được mục đích tìm kiếm ; không có kiên trì, ta sẽ không bao giờ thực hiện được đối tượng mình mơ ước"

     Tình yêu luôn hy vọng và chịu đựng tất cả là một tình yêu trung thành. Chúng ta chán nãn sâu xa về một người chúng ta đã tin cậy chăng ? Thay vì loại trừ người đó, tốt hơn chúng ta nên để Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi mọi tình cảm cay đắng hay loại trừ, ngõ hầu Ngài có thể chữa lành nội tâm chúng ta khỏi thương tổn người đó đã gây ra cho chúng ta. Một cái nhìn mới đầy lòng nhân hậu có thể có được, và một con đường đã được hy vọng mở ra. Một tình yêu vẫn trung thành vượt qua dòng thời gian, một tình yêu biết vượt quá những thử thách lớn nhỏ, cả những cú đánh đã nhận chịu, đó chính là một đại chứng tá.

     4. Không có gì tách biệt chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa : "Tình yêu luôn hy vọng, chịu đựng tất cả". Luôn luôn hy vọng, chính là tin rằng tình yêu sẽ luôn luôn có lời nói cuối cùng. Nếu có một cơn cám dỗ đè nặng trên xã hội vật chất của chúng ta, thì đó chính là sự thất vọng. Vậy chúng ta hãy công bố cùng với thánh Phaolô : "Tôi tin chắc rằng cho dầu sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách biệt được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta" (Rm 8,38-39)

     Suy niệm để lần hạt Mân Côi

     1. Tình yêu luôn hy vọng và chịu đựng tất cả. "Cậy trông sẽ không thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5,5). Nhờ lời cầu bàu của Mẹ Maria, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần củng cố trong chúng ta niềm hy vọng.

     2. Tình yêu luôn hy vọng và chịu đựng tất cả. "Mặc dầu không còn gì để hy vọng, ông vẫn hy vọng và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc như  lời Thiên Chúa phán : Dòng dõi ngươi sẽ đông như thế. Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Sara đều đã chết. Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa ; trái lại nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện" (Rm,4,18-21). Lạy Chúa, xin tha thứ cho những nghi ngờ, những do dự của chúng con... Nhờ lời cầu nguyện của Mẹ Maria, mà đức tin còn lớn lao hơn đức tin của Abraham, chớ gì Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự bền vững đức tin.

     3. Tình yêu luôn hy vọng và chịu đựng tất cả. "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc 6, 32-38). Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi những hành động ti tiện và những sự bo bo cho mình của chúng con. Chớ gì Chúa Thánh Thần làm phát sinh trong chúng con sự dạt dào hiến dâng, sự bền vững của tình yêu luôn hy vọng...

     4. Tình yêu luôn hy vọng và chịu đựng tất cả. "Chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng ai gặp gian truân thì quen chịu đựng, ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên, ai được công nhận là trung kiên thì được quyền hy vọng" (Rm 5,3-4). "Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn" (Jc 1,2-3). Với Mẹ Maria dưới chân thánh giá, chúng ta hãy đón nhận những thánh giá riêng của mỗi người như là một khả thể lớn lên trong tình yêu chịu đựng tất cả.

     5. Tình yêu luôn hy vọng và chịu đựng tất cả. "Chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho chúng ta, mắt hướng về Đức Giêsu Kitô là Đấng khai mở và kiện tòan đức tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa" (Dt 12, 1-2). Nhờ lời cầu nguyện của Mẹ Maria Vô Nhiễm, chớ gì Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lòng khao khát trở lại và chấp nhận những từ bỏ mà Mẹ đề nghị.

     Tất cả đã được nói về Tình Yêu chăng ? Chắc chắn là không. Nhưng mấy lời của thánh Phaolô cho phép chúng ta hiểu rõ hơn "sống tình yêu trong chân lý" là gì... Đó chính là một chương trình sống thánh thiện đòi hỏi một cuộc trở lại liên lĩ... Xin Chúa Thánh Thần dần dần khắc sâu vào chúng ta những đường nét nầy của Tình Yêu làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu.

     Lời nguyện khiêm tốn

     Lạy Chúa, để tình yêu Chúa được muôn người biết tới, xin Chúa thương ban cho con hồng ân nầy, là biết ân hận hối tiếc vì đã nói hoặc làm cho người khác phải đau buồn một cách nào đó, và biết vui mừng vì đã giúp anh chị em bớt đau khổ và buồn phiền.

     Xin ban cho con tính mềm dẻo, để con ý thức được mình yếu đuối, cần được người khác giúp đỡ, hơn là chính con gây phiền hà, hoặc có thái độ khinh khi người khác.

     Xin ban cho con tính ngay thẳng, biết tôn trọng chân lý, để không bao giờ con hiểu theo nghĩa xấu điều mà  ai đó đã làm phiền lòng con.

     Xin ban cho con tính đơn sơ, để có thể giúp người khác dễ sống bên con, và con không trở nên gánh nặng cho những ai đang sống gần con.

     Xin ban cho con một tấm lòng hăng hái vui tươi, để con luôn cởi mở đối với những ai ghét bỏ, ghen tỵ và phân bì với con.

     Xin ban cho con một tấm lòng khiêm tốn, để con không nên cứng cỏi, bất chấp những lời chỉ dạy, những lời phê bình, những lời kết án khắt khe từ mọi phía.

     Xin ban cho con một tấm lòng quảng đại, để con biết chịu đựng và đón nhận những ai có óc hẹp hòi, cố chấp, ích kỷ đến độ không ai chịu nổi.

Xin ban cho con một ý chí vững vàng, để con mãi kiên tâm, dầu có phải mệt mỏi, dầu có gặp phải thái độ vô ơn, nhất là đối với những người con đã tận tình giúp đỡ.

     Xin ban cho con một tấm lòng quả cảm, chịu đựng anh chị em con một cách lâu bền, để giúp họ được bình an hạnh phúc, dầu cho họ còn yếu đuối và đầy khuyết điểm.

     Xin ban cho con ơn sống chứng tá cho Chúa ở khắp mọi nơi và mọi lúc, để không một ai chung quanh con phải chán nản, phải ngã lòng do lỗi con đã gây ra.

     Xin ban cho con biết dè dặt, đừng vội phê phán khi không có thẩm quyền, khi chưa có đủ bằng chứng xác thực, và nếu có phải phê phán, thì phải thận trọng cân nhắc từng lời, và nghiêng về sự khoan hậu nhân từ.

     Xin ban cho con ơn sáng suốt, đừng dễ tin vào điều xấu  người ta đã nói về kẻ vắng mặt, và nhất là cương quyết không kể lại cho ai những điều xấu đã lọt vào tai con.

     Xin ban cho con một đức tin nhạy cảm, để có thể khám phá ra ngay rằng Đức Giêsu đang ẩn mình trong ai đó trước mặt con, sau lưng con, bên cạnh con, để con biết chín chắn trong lời nói, cử chỉ và tâm tình.

     Sau hết, trong mọi sự và với mọi người, xin Chúa dạy con biết lắng nghe, biết đoán hiểu, biết nhạy cảm phán đoán theo ý tốt cho người khác, và sẵn sàng tha thứ bỏ qua những lầm lỗi của họ với con, chỉ bởi vì Chúa cũng luôn đối xử với con như thế, và còn hơn cả thế nữa.

     Lạy Chúa, từ sáng tinh sương cho đến lúc đêm khuya, xin thương tỏ ra Chúa là Chúa của tình yêu thương mà nhận lời một đứa con đang tha thiết nài van, và ban cho con những ơn con vừa xin. Con xin tạ ơn Chúa muôn đời. Amen.

Dominique AUZENET

Micae - Phaolô Trần Minh Huy pss

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art