Thư gửi Cha
Kính thưa Cha,
Lâu rồi con không thư thăm Cha Mẹ, vì Anh Em con có chuyện xào xáo trong nhà. Nay thì gia đình đâu đã vào đó, ngăn nắp và ổn định. Nên con vội viết thư thăm Cha Mẹ và kể lại câu chuyện đã qua cho Cha rõ.
Như Cha đã biết từ những ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất mà chúng con sẽ chọn làm quê hương thứ hai này. Các con của Cha đã không ngần ngại, bước chân vào tham gia những sinh hoạt đoàn thể và xã hội trong phạm vi nơi vùng mà chúng con đang sinh sống. Dù trước những khó khăn về kinh tế và đến những khó khăn trong những bước đầu tiên trên đất khách. Nhưng thưa Cha, tất cả những khó khăn theo ngày tháng trôi đi, cuộc sống của chúng con đang vào ổn định, công ăn việc làm đã bắt đầu vào ngăn nắp, những việc hoạt động cùng cộng đồng người Việt đang được phát triển, các lớp tiếng Việt được mở rộng, các chương trình đại lễ của dân tộc đang được thực hiện đều đặn v.v... Thì bổng gia đình con có nhiều xáo trộn và anh em con bị cắt đứt sợi dây ruột thịt trong một khoảng thời gian khá lâu.
Con biết điều này đã làm Cha Mẹ buồn thật nhiều, nhưng đây không phải là một vấn đề mà con có thể giải quyết ngay tức khắc được. Tất cả những vấn đề đã đến từ những suy nghĩ cho cộng đồng và sinh hoạt tập thể trong gia đình chúng con. Nơi đó trong giai đoạn khởi đầu anh em chúng con đã có một lòng và một chương trình đồng nhất để cùng nhau làm sao xây dựng từ cái không có cho đến cái có được. Nên trong giai đoạn đầu này, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong gia đình lúc nào cũng tìm được những buổi cơm ‘’canh lành canh ngọt’’.
Cho đến một ngày, thì tự nhiên trong gia đình những buổi nói chuyện về tình hình trong sinh hoạt cộng đồng đã có những tiếng nói không đồng nhất; chẳng hạn như ‘’Anh làm như thế là không đúng, người ta đã nói như thế’’ hay là ‘’chú làm như vậy là sai, vì đây là chuyện chung. Mà chuyện chung thì mình chỉ phải nhận định trên đa số mà làm việc.’’ v.v... Chỉ có thế thôi, mà gia đình con đã chia ra hai, theo cơn sốt chia hai của cộng đồng ngày hôm đó.
Từ đó anh em ít nói chuyện với nhau, rồi kéo theo hai chị em dâu cũng ít thăm hỏi với nhau và rồi các cháu cũng không còn gặp bác, chú vào những cuối tuần nữa. Từ từ thì khoảng hai tháng sau, anh em chúng con đã không còn gặp nhau, rồi không còn nói chuyện với nhau. Con bắt đầu có một sự nghi ngờ, những gì đã xãy ra cho gia đình con. Suy nghĩ thật nhiều thì thấy câu chuyện này bắt đầu chỉ bởi những ham thích sinh hoạt cho cộng đồng mà thôi. Trong gia đình thì từ những sự đối xử với nhau trong tình anh em, tình chi em dâu, tình các cháu con bác, con chú không có một cái gì là buồn phiền hay có những sự hổn láo nơi các cháu cả. Vậy thì cái gì đã làm cho tinh thần sinh hoạt cộng đồng và xã hội nơi anh em con, giờ đây lại trở thành một sự chia cắt gia đình đến độ gần như tồi tệ như thế.
Kiểm soát lại những quá trình sinh hoạt cộng đồng đã qua, thì con thấy được có hai điều như sau:
Thứ nhất: Tinh thần của cộng đồng người Việt rất dễ dàng xúc động trước những biến chuyển, nên từ đó đã dễ dàng bị tách đôi, tách ba, tách bốn v.v... Nhưng trước những hoàn cảnh này, thì cũng không khó lắm để làm ổn định lại tinh thần chung cho cộng đồng, vì ai cũng thấy rỏ rằng ‘’đoàn kết thì sống, mà chia rẽ thì chết’’. Do đó, dù phải mất nhiều thời giờ để giải thích, để an ủi, kêu gọi tình thương lẫn nhau, thì cộng đồng cũng từ từ ổn định trở lại và từng gia đình cũng tìm trở lại được những hạnh phúc sau khi đã bỏ mất nhiều thời giờ và đôi khi cả tiền bạc cho các việc làm mà trong xã hội thường nói ‘’ Ăn cơm nhà đi vác ngà voi’’...
Thứ hai: Sự giúp đở từ những cơ quan chính quyền địa phương và những nhà hảo tâm địa phương. Đây chính là những người giúp đở trực tiếp và nhiều khía cạnh cho cộng đồng người Việt nơi đây. Để con trình bày đến Cha một vài thí dụ cho vấn đề này như sau: ‘’Khi con còn dạy lớp tiếng Việt, thì những sinh hoạt này đã được giúp đở từ các cơ quan chính quyền và các nhà hảo tâm rất nhiều. Như cho chúng con những bàn học, giấy tập, cả tiền để có thể phát triển thêm lên. Những sự có mặt của một vài người đại diện cho chính quyền để hổ trợ v.v...’’. Rồi từ từ, những nhà hảo tâm giúp đở cho những gia đình gặp nhiều khó khăn qua công ăn việc làm, và làm sống động thêm cái không khí đầm ấm cho cộng đồng người Việt tại đây. Con gọi đây là những người ‘’Hàng Xóm Dễ Thương’’.
Nhưng thưa Cha, chính là những người ‘’Hàng Xóm Dễ Thương’’ này đã tạo ra cái khoảng cách vô hình trong cộng đồng, mà nó được bắt đầu từ những gia đình nhỏ bé của chúng ta. Con không có trách bất cứ hành động giúp đở nào của những ‘’Người Hàng Xóm Dễ Thương’’ này cả, chỉ biết rằng khi họ giúp đở thì mình mang ơn. Nhưng cái ơn của từng gia đình, thì tạo nên những trả ơn khác nhau và những thân thiết khác nhau. Cái trả ơn và cái thân thiết khác nhau đối với những ‘’Người Hàng Xóm Dễ Thương’’ này chính là cái kéo để cắt sự đoàn kết thật nhẹ nhàng, nhưng khó hàn gắn.
Từ những nhận xét đó, con quyết định làm một cuộc đối thoại nghiêm khắc và can đảm trước những khó khăn tình cảm nơi chính gia đình con. Sự nghiêm khắc con dựa trên những lý luận đầu tiên cho gia đình, sự ổn định và sự hội nhập vào cộng đồng trong tinh thần sinh hoạt xã hội mà gia đình đã có. Lấy tinh thần xã hội mà gia đình đã có làm mục tiêu chính yếu và lấy tinh thần trợ giúp của các người ‘’Hàng Xóm Dễ Thương’’ này làm động lực phát triển vào hàng thứ hai. Thì kết quả con đã nhận được ngày hôm nay,
Từ tình thương máu mủ, từ tình yêu xã hội, từ tấm lòng trung thực đã có chúng con đã làm cho không khí gia đình được sống lại. Cái can đảm trực diện với nhau trước những bất đồng chính kiến, những dị biệt đã được tháo mở bằng chính hình ảnh mà Cha đã bươn chãi trong suốt cuộc đời của Cha.
Bên mâm cơm hôm nay, hai gia đình của Anh Em con, cùng một vài gia đình trong cộng đồng và các cháu đang quây quần bên ‘’Tô canh chua và tộ cá kho’’. Thưa Cha buổi ăn thật sự thanh đạm, nhưng nơi đó con tìm lại một sự hạnh phúc và con biết rằng, chính sự hạnh phúc này sẽ làm cho tinh thần xã hội đã có trong gia đình ta tiếp tục không ngừng. Rồi cũng chính vì sự thật tâm trong sự sinh hoạt cộng đồng này mà chúng con đã, liên lạc lại được với những người ‘’Hàng Xóm Dễ Thương’’ và cái nhìn của những ‘’Người Hàng Xóm Dễ Thương’’ này đã mở rộng hơn, bao la hơn cho sự sinh hoạt cộng đồng của những người Việt hôm nay.
Cái kết quả đã có, gia đình con hòa thuận, cộng đồng người Việt rộng mở hơn lên, những người ‘’Hàng Xóm Dễ Thương’’ lại tiếp tục có mặt bên những mâm cơm của cộng đồng Việt Nam trong những ngày đại lễ. Thưa Cha, con xin dâng lên Cha sự thành công này để tạ ơn và làm niềm vui với hy vọng rằng Cha Mẹ sẽ sống âu hơn để nhìn sự trưởng thành thật sự nơi chúng con.
Con của Cha
Trần Minh Tâm