Chủ Nhật, 13 Tháng Tư, 2025

Uất kim hương cái tên ma mị (Hoa Tulipe)

Uất kim hương cái tên ma mị

Truyền thuyết kể rằng:

“Ngày xưa có một nàng con gái xinh đẹp bị tên điền chủ bắt đem về buộc hàng ngày phải dệt thảm cho hắn. Vài năm sau, nàng bỏ trốn. Trên đường chạy, nàng kiệt sức ngã chết trên tuyết. Ít lâu sau nơi đó mọc lên một loài hoa lạ đỏ thắm. Hoa đó mang tên nàng: “tulip.”

 Tulip còn có một cái tên khác nữa: uất kim hương. (Hình: Nguyễn Đông A)

Mấy năm trước tôi có đặt mua một ít củ tulip về trồng. Đúng hẹn, nhà vườn gởi đến. Tôi thích mua củ hơn là mua hoa. Vì mua hoa là mua hiện tại, còn mua củ là mua tương lai. Tương lai là một câu đố bí hiểm nhiều khi chẳng do mình quyết định. Mấy ai biết được cái tương lai mình gieo trồng hình thành, phát triển, kết quả rồi sẽ ra sao? Hồi hộp chờ đợi đến lúc tulip ra hoa, để rồi có dịp quan sát, thưởng thức, chiêm nghiệm.

Khí trời vừa giảm lạnh thì củ tulip đã nhú mầm. Những chiếc lá xanh mơn mởn lớn dần. Búp hoa đâm lên cũng xanh như màu lá. Một búp hoa duy nhất được kết tinh từ mỗi củ. Ba lá đài màu xanh bao ngoài búp chuyển dần màu biến thành ba cánh hoa, ôm trọn xen kẻ ba cánh hoa bên trong tạo thành hai lớp hoa với sáu cánh kỳ diệu lạ thường. Sáu cánh hoa đầy đặn, tươi thắm như được phủ một lớp phấn cực mỏng, như nhung như lụa. Sáu cánh hoa tựa chiếc ly chụm lại như cười chúm chím, e ấp, thẹn thò. Sáu cánh hoa diễm lệ như ẩn dấu điều kỳ bí, huyền diệu bên trong và chỉ he hé mở vừa đủ để len tỏa hơi hoa ra ngoài mỗi khi nắng đến.

Tulip sắc màu đa dạng. Tulip với búp hoa chưa nở cánh: màu trắng tao nhả, màu cam thanh lịch, màu vàng quý phái, màu đỏ rực rỡ, màu tím quyến rũ, màu đen huyền bí. Tulip với sự hòa phối các sắc độ màu tạo nên một thế giới hoa lãng mạng, rạng ngời. Người ta nói: “tulip là thông điệp của tình yêu”, là lời tuyên bố của tình yêu. Tulip còn tượng trưng cho sự sống sinh sôi, sự phát triển đầy đặn, trọn vẹn. Tulip là hoa của các bà tiên và thiên thần.

Sáu cánh hoa tựa chiếc ly chụm lại như cười chúm chím, e ấp, thẹn thò. (Hình: Nguyễn Đông A)

Tulip còn có một cái tên khác nữa: uất kim hương, nghe quý phái, gợi cảm nhưng có phần ma mị. Tôi thích cái tên ấy: Uất kim hương …”

Bài trước tôi viết có nói đến vấn đề “khách quan,” “chủ quan,” nhắc đến việc cắt cup ảnh, lại nói vấn đề “dịch chuyển góc nhìn,” một ít người hỏi, tôi xin viết thêm một chút.

Khách quan hay chủ quan đều là hai cụm từ thường được nhắc đến khi mỗi người đưa ra những nhìn nhận, đánh giá của mình về một sự vật, hiện tượng nào đó. Nôm na mà nói thì “khách quan” là những gì tồn tại không phụ thuộc vào một chủ thể nào đó, mà là tồn tại độc lập, nó thuộc về bên ngoài. Ngược lại, cụm từ “chủ quan” được dùng để chỉ những nhìn nhận, cảm giác về một đối tượng dựa trên nhận xét mang tính thiên vị ở mỗi người.

Khí trời vừa giảm lạnh thì củ tulip đã nhú mầm.. (Hình: Nguyễn Đông A)

Bởi thế tôi mới nói: “…Khi nhìn một bông hoa bạn cảm thấy nó đẹp, nó đẹp do nó thướt tha, yểu điệu thục nữ hoặc kiêu sa, vương giả hay đẹp do gì gì đó. Cái đẹp có tính chất, bạn mường tượng cho ra cái tính chất đẹp đó ở một đối tượng thuộc về vật thể khách quan. Mường tượng ra qua hình thù vật thể, mường tượng thấy dáng vẻ, loáng thoáng cụ thể hóa về nó, rồi phối hợp chi tiết theo đặc trưng của nhiếp ảnh, thể hiện điều đó ra ở một tấm ảnh. Đó là bạn truyền “cái cảm thấy,” qua chủ quan của mình đến người xem. Nếu như trong hội họa, tranh được kiến tạo qua nét vẽ, màu sắc thì trong nhiếp ảnh nó có sẵn nhờ kỹ thuật, bạn nương theo đó, thực hiện qua sự kết hợp ánh sáng, màu sắc, đường nét, qua góc nhìn và cách thức cắt cup khung ảnh.”

“Thẩm mỹ chụp là nhìn ra cái được trong mớ lộn xộn, tạp nhạp hiện thực, hứng khởi với nó, rồi phối ánh sáng, phối màu sắc, sắp xếp đường nét, chúng là chất liệu thể hiện nghệ thuật. Cái không gian rộng lớn thực tế bên ngoài là hiện vật khách quan. Còn cảnh vật trong khung ảnh thì là sự chủ quan từ người chụp. Sự chủ quan của người chụp khi đến với một người xem ảnh lại là một sự chủ quan khác, tùy ở mỗi người mà có cảm nhận rất khác nhau, có thể trùng hoặc gần với tác giả hoặc không…”

Tulip là hoa của các bà tiên và thiên thần. (Hình: Nguyễn Đông A)

Còn cụm từ “dịch chuyển” theo tôi, hiểu nôm na là xê dịch, di chuyển, là thay đổi hoặc di chuyển một đối tượng, từ vị trí ban đầu sang vị trí mới, thay đổi về vị trí không gian hoặc thời gian.

“Dịch chuyển góc nhìn” ở một tấm ảnh được thực hiện, do từ chủ quan ở một người qua thủ thuật cắt cup ảnh hoặc điều chỉnh ánh sáng, màu sắc qua lightroom, photoshop hoặc qua một app sửa ảnh nào đó. Cắt cup ảnh có thể làm chủ thể trong ảnh lớn hơn, gần hơn hoặc chuyển chủ thể qua phải, qua trái, lên trên, xuống dưới trong khung ảnh, tạo ảnh có một bố cục mới. Ảnh sắc rõ, nhiều megapixel thì dễ làm hơn. Ảnh nhỏ, mờ cũng có thể nhờ AI tái tạo lại chi tiết. Ảnh cũng có thể chỉnh sửa ánh sáng, màu sắc, ấm hoặc lạnh, thay đổi thời điểm chụp. Dường như đó như là bạn đã dịch chuyển được góc nhìn ở người chụp sang góc nhìn chủ quan của mình về một tấm ảnh.

màu đen huyền bí. (Hình: Nguyễn Đông A)

Nhiều người khi muốn minh họa bài viết của mình thường lấy hình ảnh trên internet, nếu rõ nguồn gốc thì ghi tên người chụp, không biết thì không ghi. Ngày nay hình ảnh mọi chủ đề đều có thể tìm thấy trên web. Một khi tác giả đã phô bày ảnh của mình lên mạng thì rất khó không cho copy, dù là không muốn. Ngay cả khi bạn cất công ghi rõ tên mình vào giữa ảnh, nhưng nếu người ta muốn thì cũng xóa được. Hiện nay, người không chuyên cũng có thể dùng app tách bóc chủ thể ra khỏi phông dễ dàng. Người ta có thể chỉnh sửa mọi thứ trong tấm ảnh ở khâu hậu kỳ. Chỉ có điều là hơi mất thời gian, cần tỉ mẫn.

Bởi thế, ảnh tôi chụp, tôi chưa bao giờ ghi tên lên ảnh, ai hỏi copy, tôi vẫn nói, “cứ tự nhiên.”

Người ta thích thì mới muốn lấy ảnh. Giữ mà làm gì…

Nguyễn Đw.nguoi-viet.com

Bài viết khác