Con rạch trước nhà
Từ sông cái, dòng nước rẽ nhánh vô con rạch rộng khoảng sáu thước, chạy ngoằn ngoèo sâu miết vô xóm rồi nối dòng con rạch của xóm khác, ngày hai lượt lớn ròng lững thững chảy mãi không thôi. Dọc đường đi nó lại rẽ ngang vô mương vào ao, dọc vườn, ra ruộng. Hai con đường đất nhỏ cặp theo bờ rạch là lối đi lại của cả xóm. Nhà cửa mọc lên dọc theo con rạch tạo thành xóm nhỏ, cách nhau khoảng vườn xanh um trồng đủ loại cây trái, mùa nào cũng có thứ cho bọn trẻ trèo hái và để các bà thắp hương cúng trời đất mùng một hôm rằm. Các nhà thường trồng mấy cây dừa hoặc bụi tre bụi trúc dọc bờ rạch để giữ cho đất đừng bị lở trôi. Tuy nhỏ xíu, nhưng như mọi dòng chảy khác, vẫn bên lở bên bồi.
Hơn một năm nay mình thường ở quê để chăm sóc mẹ sau cơn bạo bệnh, tuổi cao sức yếu. Bốn ông anh trai sớm muộn lần lượt xong việc đời, về trời, còn lại mấy người đàn bà và mấy đứa trẻ. Nhà bỗng neo người. Mình về với mẹ, thường núm níu không muốn đi. Mấy chục năm ròng mình chỉ về quê vài lần mỗi năm, mỗi lần chỉ đôi ba ngày lại vác ba lô đi. Tiếng là đi mần ăn nhưng riêng mình biết đó là một cuộc đào thoát để tìm kiếm tự do.
Ngày nào, lúc rảnh rỗi, mình cũng xuống mé rạch trước nhà mấy lượt, chen vô giữa khoảnh đất nhỏ xíu trồng đủ thứ cây: mai, quất, ớt, sả, bưởi, dừa, rau thơm, bông các loại tím đỏ xanh vàng, ngồi ngó con nước chảy.
Năm kia, mẹ đau nặng một trận, trở đi trở lại không dậy nổi. Mình về làm một cuộc tổng vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa. Nhảy xuống rạch dọn bờ, móc bọc, khơi dòng chảy. Làm xong thì mẹ đỡ bệnh, đi lại và dần khoẻ lên.
Cái tên rạch Bà Ban có từ hồi nào không biết. Bà Ban là bà nào có công trạng gì không ai còn nhớ. Ông nội, ba mình đã sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, và thế hệ trước đó nữa. Mình chôn nhau cắt rốn ở chỗ khác, lên bảy tuổi ba mới đưa cả nhà về quê cha đất tổ và gắn với mảnh đất này tới giờ.
Mỗi ngày, con nước lớn ròng hai lượt, xoay vòng thay đổi giờ giấc theo con trăng. Trưa nào nước lớn thì đám trẻ con xúm lại tắm sông, nước cạn thì móc sình chọi nhau, mò cua xúc cá, tụ tập cười giỡn vang khúc rạch nhỏ. Bọn nhỏ mới lớn thường được các anh chị lớn hơn chặt cho khúc thân chuối để ôm, nổi người theo khúc chuối khua chân bì bỏm bơi tới bơi lui gần bờ dưới sự canh chừng cẩn thận. Nhiều bữa ngâm nước đến teo tóp ngón tay ngón chân, môi tím tái vẫn chưa chịu ra khỏi dòng, phải tới khi người lớn hò hét đem roi ra rượt thì cả đám mới giải tán đứa nào về nhà đứa nấy.
Hai bên bờ, mỗi nhà bắc một khúc cây, thường bằng thân dừa hoặc các khúc tre già ghép lại, ra lưng chừng rạch để làm chỗ đi lên đi xuống xách nước ăn, rửa đồ, tắm giặt. Tôm tép, cá bống, cá rô, lòng tong rúc vào các lùm cỏ ven bờ làm tổ, bơi lội tung tăng cạnh tay đớp mấy hạt cơm thừa khi người rửa chén. Bầy thồi lồi rượt đuổi uýnh lộn giành hang giựt gái nhộn nhạo bãi sình, không ai bắt, không ai ăn. Đào mấy con trùn làm mồi, chặt nhánh trúc làm cần, ngồi một chút đã câu đủ nồi cá lòng tong, bống kho khô. Cắp cái rổ đi một vòng quanh vườn là có nồi canh rau tập tàng thơm mát bữa cơm trưa.
Mỗi năm, khi nhà nhà rục rịch cúng cô hồn thì cũng là lúc đón con nước nổi. Dòng nước chuyển màu đỏ chạch phù sa, tràn bờ, ùa vô vườn tược ruộng đồng tắm tưới, ban phát đủ loại sản vật. Tháng đôi lần nước theo cơn triều ồ ạt xóa nhòa ranh giới, chễm chệ ngự trong nhà, dí người kê đồ rúc lên cao. Bọn nhỏ ngồi trên những chiếc giường được kê cao chân, thả cần xuống câu cá, thò chưn khua khoắng, mặc kệ người lớn la hét ầm ĩ.
Cứ đôi ba nhà lại có một nhà có chiếc xuồng, ghe nhỏ. Đi câu, đi chợ, chuyên chở nông sản, đưa rể, đón dâu. Ai cũng biết bơi xuồng, chèo ghe, như bây giờ chạy xe đạp, xe máy. Đường bộ, đường thủy lưu thông song song chằng chịt chạy khắp các xóm, các vùng. Người với người thân cận qua lại. Đờn ông con trai sau buổi làm đồng, chập tối, hay trải chiếu ra sân tụ tập làm đôi ba xị với dĩa mồi là con cá con ếch vừa bắt được ở ruộng, gảy đờn hò mấy điệu, ngật ngưỡng hát khúc Nam Ai, Dạ Cổ Hoài Lang, chia sẻ chuyện đồng áng, vụ mùa. Đờn bà con gái thường nhóm lại sau bữa cơm trưa, khi đám con đã no bụng liu riu ngủ, vần nhau bắt chí, tước trứng chí bỏ vô miệng cắn tanh tách, kể chuyện chợ búa, tâm sự chuyện con cái, vợ chồng, buồn vui khóc cười. Đời người nặng mấy cũng có đôi phần giải tỏa. Mỗi khi nhà nào có hữu sự thì gần như cả xóm tới chung vui chia buồn, phụ đỡ hổng này thì kia, như một lẽ đương nhiên không cần tính xá kể công. Tình nghĩa xóm làng vô tư hồn hậu như con nước, chứa chan, đong đầy.
Bọn nhỏ lăn lóc củ khoai hột gạo được con rạch nuôi lớn, bao dung. Sau mỗi trận đòn tê tái, sau mỗi trận mắng chửi, đám nhỏ lại tụ vào nhau xuýt xoa, bôi dầu, hỏi han, rồi thoáng chốc đã nhảy ùm xuống sông, hú hét. Dòng nước mát lành đã cuốn đi biết bao nỗi tủi buồn, ngọt ngào xoa dịu những lằn roi trên người bọn trẻ.
Thoắt cái mọi thứ biến đổi. Như cơn bão quét qua, cả xóm rùng rùng “chuyển đổi cây trồng vật nuôi”, “quy hoạch ruộng vườn.” Nhà nhà nối nhau làm bột chăn nuôi heo. Sân trước nhường chỗ cho những mái lán trại xay bột và phơi bột. Sân sau nhường chỗ cho chuồng heo. Hông nhà nhường chỗ cho lu, bồn chứa nước. Khắp xóm lúc nào cũng ì ì tiếng máy chạy lẫn trong tiếng cả ngàn con heo kêu. Đi đâu cũng thúi hoắc mùi cứt. Vườn rộng trồng đủ loại cây bị coi là vườn tạp, bị quy hoạch thành vườn cho một loại cây đặng có năng suất cao. Cứ được mùa thì rớt giá và ngược lại. Con rạch dần chuyển màu đen, thum thủm. Nhà nọ bực bội buồn phiền khi thấy nhà kia hôm qua bán heo được giá hơn hôm nay mình bán. Đầu xóm vui mừng khi thấy cuối xóm heo bệnh chết nhóc nhen, vì như vậy thì bầy heo đang vô lứa của mình sẽ bán có giá hơn. Vô mánh, nhà tường mọc lên nhiều hơn, người chỗ khác đổ về xây thêm nhà, xóm nhỏ không còn nhỏ, cũng không còn mấy nhà nghèo, chỉ có thêm nhiều người nợ nần lớn phải bán vườn đợ đất. Người người xả nước thải làm bột, thải nước rửa chuồng heo xuống rạch rồi lại bơm lên làm bột, xách lên để nấu ăn. Không có nguồn nước nào khác. Hầm ủ phân được xây lên nhưng vẫn không ngăn được mùi và nước chảy ra rạch. Không đứa nhỏ nào dám xuống sông tắm nữa. Không ai dám bắt tôm cá ăn. Năm qua năm. Nguyên xóm chỉ có đôi ba nhà không làm bột chăn nuôi heo, trong đó có nhà mình. Mấy ông anh chấp nhận nghèo, không chạy theo kiểu mần ăn lớn làm giàu mà không nghĩ gì đến xung quanh. Dù không nuôi heo nhưng nhà mình vẫn phải luôn ăn ngủ cùng mùi cứt. Không nói được gì vì ba bên bốn phía nhà nào cũng đầy chuồng heo. Chịu đựng riết rồi cũng quen. Khi con rạch nước chảy vô hay chảy ra đều thúi rình, không còn ai dám sử dụng, thì mới có nước máy về, nồng nặc tanh mùi Clo.
Nghề làm bột chăn nuôi heo hết thịnh vượng khi thức ăn chăn nuôi công nghiệp phát triển mạnh. Heo bệnh dịch chết nhiều hơn, rớt giá, bột rớt giá. Hộ làm nghề, chăn nuôi quy mô nhỏ không thể cạnh tranh với các trang trại nuôi vài ngàn con một lứa. Nhà nhà dẹp nghề bột, bỏ chuồng heo. Nhưng con rạch thì không còn trở lại được như xưa. Do đã có nguồn nước máy sử dụng nên nhà nhà ném rác xuống rạch, đằng nào nó cũng đang thúi hoắc hết giá trị sử dụng. Bức tử. Con rạch tức tưởi chết. Năm kia, khi mình nhảy xuống móc bọc, vớt nhành cây, khơi thông dòng đoạn trước nhà thì người này người kia nói khơi làm gì vì đằng nào sau này cũng lấp, có kế hoạch rồi.
Bây giờ, xe ba gác đã chạy vô xóm thu gom rác mỗi ngày. Con rạch không còn phải chở quá nhiều rác rến. Mấy năm nay người không thải cứt heo xuống nữa nên nó đã hết đen, hết thúi. Nhưng không ai dọn dẹp và vẫn có người tiện tay tắp rác xuống đó nên dòng chảy dần cạn, thu hẹp, hoang phế. Năm kia, năm ngoái, khi mình về, mẹ kể chuyện người này bị ung thư, người kia bị ung thư, người nọ bị ung thư… Oặt à oặt oại. Ra đường, nhìn quanh, thấy người người phát tướng ục ịch, đau đủ thứ trên người. Nói chuyện với ai cũng chỉ được một câu, không còn tập trung ở câu thứ hai, đến câu thứ ba là họ không còn nghe và đã chuyển hướng chú ý sang một cái gì đó hoàn toàn vô nghĩa xung quanh. Người với người ít khi đến nhà nhau, hiếu hỉ gì đều thuê hết, ai được mời thì tới ăn xong rồi về. Không còn thấy bọn trẻ con tụ tập lại thành nhóm chơi với nhau. Chúng bận tối mắt tối mũi ở trường và ở nhà các thầy cô. Buổi đêm hoặc cuối tuần rảnh đôi chút thì tụ tập ra công viên thị xã, nơi có cái sân xi măng láng gạch bóng lưỡng ngày chói chang nắng đêm nghìn nghịt quầy thức ăn nhanh, chơi trò đu quay, cảm giác mạnh. Lối đi nhỏ vô xóm đã được đổ bê tông, nhiều đoạn bể loang lổ, chắp vá, đầy cứt chó. Không còn cảnh sáng sáng nhà nào cũng quét sân quét đường đi như trước, càng hiếm nhà này quét sân dùm nhà kia. Nhà nào cũng rào cổng sắt thay cho hàng bông bụp, những cái mái tôn che kín sân trước. Ngột ngạt. Chẳng còn ai trải chiếu giữa sân đêm nằm ngắm trăng sao.
Về, ngồi mé rạch, mỗi ngày mấy lượt, ngắm dòng trôi, thấy bao thế sự đổi dời. Mấy bữa nay thỉnh thoảng lại có bầy cá đôi chục con chép, hồng, rô phi nhỏ khoảng hai, ba ngón tay, kéo đến giữa dòng, chỗ mình ngồi nhìn xuống, đứng một chỗ lú đầu lên đớp đớp bóng nước, tò mò ngó lại mình. Bình thường chỉ có bọn lìm kìm lướt trên mặt nước, thỉnh thoảng rẽ ngoặt chuyển hướng làm mặt nước yên tĩnh chao lên một vòng xoáy con con. Nhà nào đó kéo loa ra hát karaoke, giọng lè nhè, sau một bài lại hét dzô dzô. Năm qua có không ít status được ra đời bên mé con rạch nhỏ. Đi một vòng thiệt bự để tìm tự do rồi trở về thấy tự do vẫn ở nguyên chỗ cũ, đợi chờ, kiên nhẫn, bao dung.
(Ảnh: Nguyễn Thị Bích Ngà)
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà