Thứ Bảy, 17 Tháng Tám, 2024

Những chủ đề nên tuyệt đối tránh khi giao tiếp

Theo chuyên gia về nghi thức xã giao hiện đại Jenny Dreizen (Mỹ) có nhiều điều cần tránh trong các cuộc giao tiếp nhưng có 6 chủ đề thuộc nhóm cấm kị lại bị vi phạm nhiều nhất.


Bình luận về cân nặng, tuổi tác của ai đó

Chúng ta không bao giờ biết tại sao, như thế nào hoặc từ thời điểm nào mà cân nặng của một người như vậy. Khi bình luận về cân nặng của ai đó, chúng ta không biết liệu họ tăng hay giảm cân, họ vui vẻ hay chật vật, khó khăn với điều đó.

Nếu ai đó muốn bạn bình luận về cân nặng của họ, họ thường sẽ cung cấp thông tin, chẳng hạn như kể cho bạn nghe về chế độ ăn uống của họ. Do đó, bình phẩm về cân nặng của ai đó là một điều không phù hợp.

Ngoài ra, tuổi tác cũng có thể là một chủ đề nhạy cảm khác và không có lý do gì để nhắc đến nó.

Tấn công cá nhân dưới danh nghĩa "đùa"

Việc đưa ra những nhận xét mang tính công kích cá nhân như "Cô lúc nào cũng là chúa hậu đậu", "Cậu luôn làm việc không hiệu quả" gây ra những hậu quả bạn không biết trước.

Thông thường, chúng ta thường muốn dẫn dắt câu chuyện bằng cách bông đùa. Tuy nhiên, nếu bạn bông đùa theo cách tấn công ai đó, vô tình bạn khiến đối phương muốn dừng cuộc trò chuyện.

"Tại sao ai đó lại muốn nói chuyện với bạn nếu bạn biến họ thành trò cười?", Jenny Dreizen nói.

Thể hiện sự không tin tưởng

Nói với ai đó rằng bạn không tin họ có thể bị coi là hành động thô lỗ và gây hấn. Điều này cũng có thể làm hỏng mối quan hệ và khiến việc xây dựng lại lòng tin trở nên khó khăn.

Theo Jenny Dreizen, khi ai đó kể cho bạn nghe về trải nghiệm sống của họ, việc nói với họ rằng bạn không tin họ là một cách dừng cuộc trò chuyện ngay lập tức. Nếu bạn có lý do để nghi ngờ, tốt nhất là nên im lặng và cố gắng tập trung vào khía cạnh đồng cảm. Nếu muốn, bạn có thể yêu cầu họ kể cho bạn nghe nhiều hơn và thực sự lắng nghe. Nhẹ nhàng thách thức ai đó hoàn toàn khác với việc phủ nhận điều họ nói.

Giả định phản ứng của ai đó

"Tôi mà là cô ta thì tôi sẽ... ", "Anh ấy mà biết chuyện thì sẽ... " là câu cửa miệng nhiều người nói trong các cuộc trò chuyện.

Đương nhiên việc đưa ra giả định là điều bình thường nhưng không có nghĩa là đúng. Giả định có thể gây tổn hại. Giả định rằng bạn biết người khác cảm thấy thế nào, suy nghĩ ra sao mà không cần họ nói là chiến thuật không bao giờ hiệu quả vì bạn chỉ nhìn nhận mọi thứ theo góc nhìn của mình và không coi trọng người khác.

Jenny nhấn mạnh, có thể khó để từ bỏ những giả định khi chúng ta nói chuyện với mọi người nhưng đó là việc không nên chút nào.

Bình luận về điều ai đó không thể thay đổi ngay lập tức

"Cậu có biết tóc cậu bị bò liếm rất khó coi không?", "Cậu có thấy lông mày của cậu đang bị lẹm mất một bên không?", "Cậu có biết năng lực của cậu đang bị cấp trên đánh giá rất tệ không?" có thể là những bình luận mà bạn nghĩ là bình thường, thậm chí là "sự quan tâm tử tế".

Tuy nhiên, khi chúng ta bình luận, ngay cả khi bình luận đó xuất phát từ lòng tốt, cần đảm bảo rằng đối phương có thể đón nhận và sớm thay đổi được tình hình. Nếu họ không thể lập tức thay đổi hay sửa chữa điều mà bạn sắp bình luận, tốt nhất hãy để dành cho một thời điểm tốt hơn để chia sẻ suy nghĩ của mình.
 

Chỉ chăm chăm nói về mình

Trong mọi cuộc trò chuyện, mỗi người đều háo hức chia sẻ những câu chuyện của mình. Tuy nhiên, một cuộc giao tiếp tốt nghĩa là hai phía đều được bày tỏ để được lắng nghe và tạo ra tác động.

Do đó, đừng chỉ chăm chăm nói về mình hoặc ra sức phản bác đối phương. Nên cố gắng dành cho họ thời gian, hít thở và phản hồi câu chuyện của họ trước khi bắt đầu câu chuyện của riêng bạn. Nhờ thế, câu chuyện của bạn có thể sẽ được đón nhận tốt hơn nhiều.
 

Thùy Linh (Theo Bestlifeonline)

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art