Miền Tây có lẽ là nơi được ưu đãi nhất về các thứ thực phẩm hoang dã. Lưu dân từ khắp nơi đổ về miền Tây tuy khó khăn về vật chất nhưng thực phẩm có lẽ không bao giờ thiếu như những khu vực khác, nhất là miền Trung nắng gió. Với lưu vực sông Mekong màu mỡ dân khai quang miền Tây như sống trên hũ vàng của thực phẩm, từ cây lúa ngọn rau đến con tôm con cá, tất cả như chạy thẳng vào nhà của người dân mà không cần khổ sở đánh bắt. Những thứ thức ăn hoang dã ấy như bù lại những ngày chống cằm nhìn con nước nổi trắng trời hay chờ nước rút từ những trận lụt hàng năm. Chút tình thương mà ông trời dành cho dân miền Tây đã nâng đẩy sức sống của họ từ đời này sang đời khác mà không chút than vãn kêu nài.
Một trong những món quà ấy là con cá Bông lau, thứ cá sống ở khu vực nước lợ mỗi năm bơi ngược vào sông như thách thức tài đánh bắt của dân miền Tây. Cá Bông lau nổi tiếng vì thịt thơm mỡ béo mà ăn hoài không ngán. Con cá của một thời nằm trên thớt nhậu của anh nông dân sau ngày thu hoạch. Con cá quen thuộc của những nồi kho tiêu đậm tình chòm xóm hú nhau đi giâng lưới bắt cá như bắt con tôm con tép. Thời ấy đã lâu rồi và đã qua, cái thời mà người miền Tây không lạm sát cá như ngày nay, cứ con nào ngóc đầu lên khỏi mặt sông thì hình như không thể nào trốn thoát những loại lưới mang đủ thứ tên nhưng không con cá con tôm nào thoát được.
Những năm tháng của thế kỷ trước cá đồng miền Tây nổi tiếng là nhiều đến nỗi bắt ăn không hết phải ủ mắm, phơi khô hay cố nghĩ ra những cách nấu nướng khác lạ để tiêu thụ cho hết số cá ngày ngày bắt được. Mỗi lần tát đìa là một lần xóm làng như mở hội, những con cá lóc to bằng bắp chân, những chú cá trê đầu to như nắm tay nằm lăn lóc không bắt xuế. Lâu lâu làm biếng muốn ăn cá rô đồng người dân chỉ cần ngồi trước nhà hay ra mé sông bỏ cần là cá cắn câu đầy giỏ. Ngồi lâu chừng nào thì cá nhiều chừng nấy đến nỗi có người câu vài con là về nhà nổi lửa trui cá cho bữa ăn trưa mà không cần biết chiều nay có con tôm con tép gì không.
Trời cho rồi trời lấy lại. Dân số sinh sản không ngừng, thượng nguồn sông Mekong lớp bị bít mất nguồn nước lớp bị tận thu cá các loại. Biển Hồ ở Campuchia vốn là nguồn trữ cá cho đồng bằng sông Cửu long cũng dần dần cạn kiệt vậy là người dân xoay sang nuôi cá, những thứ cá thiên nhiên quen thở khí trời tự do nay đã bị trói trong những trảng những hồ nhân tạo. Những con cá đồng tươi chong không nhiễm hóa chất nay đã không còn. Cá đồng ngày nay được nuôi trong hồ và người ta không ngần ngại bán chúng với giá thật cao không như ngày xưa khi hỏi mua cá người mua được trả lời “mua bán gì anh hai ơi, lấy dìa ăn lấy thảo bữa khác rồi hẳn tính…”
Ngoài nguồn tôm cua, ếch tự nhiên thì cá vẫn là loại hải sản đa dạng và phổ biến nhất. Cá chia làm hai thứ chính là cá đen và cá trắng.
Cá đen sống được nơi nước đọng hay đứng không chảy như hầm, đìa…loại cá này sống dai và nếu bị rộng lâu ngày trong lu, khạp… như cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc rằn, cá ngát… cũng không chết. Ngược lại, cá trắng chỉ sống được nơi nước chảy như sông, rạch như cá bông lau, cá dứa, cá hú, cá ngựa, cá lăn, cá trèn, cá linh, cá mè, cá tra…
Từ khi sản lượng cá Bông lau trên thị trường bỗng nhiên thấp xuống thì con cá vốn đã ngon nay lại quý, nó làm người dân miền Tây ở hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu thuộc địa phận các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp…mỗi khi tới mùa đánh cá Bông lau thì xóm làng lại bừng lên sức sống. Từ đầu Tháng Mười năm nay cho tới cuối Tháng Tư sang năm người dân ngày ngày đan hay vá lưới, chuẩn bị ghe cho cẩn thận vì không muốn giăng lưới nửa chừng phải bỏ về vì trục trặc máy móc hay thủng lưới thủng thuyền. Người ta chia ca nhau để ra sông chứ không phải mạnh ai nấy đánh như các loại cá khác. Trung bình mỗi đêm chừng 5 chiếc thuyền ra giữa sông chờ cá, số còn lại phải khuya hôm sau mới được lên đường.
Vậy mà chỉ cần trúng được vài con là người ngư dân vui mừng như mở hội. Mỗi con Bông lau lớn cân được khoảng 7 ký, mỗi ký giá thị trường tại bến sông mà lái đặt mua không dưới 400 ngàn. Có người đánh được 5 con là như trúng số bởi số tiền kiếm được hơn cả hai tháng giăng câu.
Con cá Bông lau quý như vậy nên không ít lần người mua nếu không rành về nó sẽ bị mấy bà bán cá ngoài chợ lấy con cá Dứa hay cá Hú ra bán với giá cá Bông lau. Mặc dù cá Dứa và cá Hú cũng ngon nhưng không tài nào bằng con cá Bông lau vốn trời sinh vừa thơm vừa béo. Con cá Hú mỡ vàng không trắng như cá Bông lau tuy cũng béo nhưng cái béo làm ngán nếu ăn nhiều, còn thịt con cá Dứa lại mềm rộp không cứng và dai như cá Bông lau. Ba con cá này cùng loại cá da trơn và là cá trắng nhưng nếu chú ý kỹ con cá Bông lau có sống lưng màu ửng bạc, đuôi màu vàng nhẹ còn hai con kia thì sống lưng màu ám đen. Da con cá Bông lau lóng lánh và người dân cho rằng giống như bông lau vào lúc trời bửng sáng.
Cá ở đâu cũng là Bông lau nhưng con cá Bông lau trên sông Vàm Nao nối sông Tiền và sông Hậu có bề rộng 500m dài 6 cây số lại nổi tiếng là béo và thơm hơn nơi khác. Người dân nơi đây đánh bắt được con nào thì chưa lên tới bờ đã được thương lái đón lõng và mua với giá rất cao. Nếu con cá từ 5 ký trở lên cái giá tại bến sông đã hơn nửa triệu, không biết khi tới bàn ăn của gia đình người ta phải trả bao nhiêu để được thưởng thức thứ hương vị trinh nguyên của một loại cá quý.
Ở Mỹ người ta lấy con cá da trơn ra mà gọi là Bông lau. Nhiều năm trước khi sang Mỹ, vào chợ Việt Nam bà chủ chợ cứ giới thiệu là cá Bông lau mới về nhưng khi nhìn vào cái tem ghi giá tiền thì rõ ràng là Catfish! Con cá Bông lau có tên khoa học Pangasius krempfi, tuy cùng chủng loại với rất nhiều cá da trơn nhưng nó chiếm chỗ cao nhất quý nhất trong danh sách các loài đồng chủng.
Trong vài năm gần đây, cá Bông lau có giá quá cao khiến người dân đua nhau gây giống nuôi bè con cá này nhưng sản lượng vẫn chưa khiến người nuôi hài lòng. Quá nhiều thứ bệnh cũng như chất lượng kém khi lớn lên khiến con cá nuôi bè dù cố bơi theo thị trường vẫn đuối sức so với con cá thuần sông.
Mùa nào thức nấy, sản vật miền Tây tuy không còn phong phú như xưa nhưng ít ra con cá Bông lau vẫn còn là niềm hãnh diện của người dân khi đi tới đâu người ta cũng mơ được một khoanh cá Bông lau trên bàn ăn, bất kể là canh chua hay hay kho tộ….
Xa nhà nhớ con cá Bông lau đến chạnh lòng nhưng con cá trong trí nhớ ấy vẫn lượn lờ trong tâm trí mà không một lần nhảy khỏi con nước đang bơi để tỏ ra nó cũng nhớ người xa xứ!